15 tháng 7 2019

Nỗi nhớ niềm yêu

<D.561><Cảm Xúc>



NỖI NHỚ NIỀM YÊU

Dường bao thế sự diễn quên cười
Với những xem thường vẻ đẹp tươi
Đã cảm niềm vui chừng có một
Mà vương nỗi khó vọt lên mười
Nguồn tư tưởng dệt bâu giằng xé
Nếp tự do tìm phải giũa bươi
Lúc trẻ cuồng mê lời vỗ biện
Già đau khổ lụy kiếp con người.

Mai Thắng – 190713

------------- 

♠ Bài xướng của No Đinh Văn

NỖI NHỚ NGƯỜI YÊU

Đã bốn ngày qua chẳng tiếng cười
Cho dù cảnh đẹp lá cành tươi
Mà lưu đến não niềm vui một
Lại vấn vào thân nỗi khổ mười
Chỉ trách xuân đời nay mấy chục
Hay hờn tuổi kiếp đã vài mươi
Nhìn sơ cứ ngỡ thời non trẻ
Đổ lệ đìu hiu tưởng nhớ người

No Đinh Văn

Giây phút chạnh lòng

<D.560><Cảm Xúc>



GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG

Ghe tàu đỗ bến chập chùng xa
Những chuyến về đi mộng hải hà
Cuộc bá đồ gieo ngầm nhiễu cản
Mưu quyền thế định phủ dần qua
Nghìn năm dẫn chiếu lời gai ngạnh
Chính sự bày phơi bẫy thảm ngà
Đã hiểu muôn ngàn cơ giáng họa
Thương tình thiện chúng giữ đời ta.

Mai Thắng – 190713

---------------------- 

♠ Bài xướng của No Đinh Văn (Đinh Hoàng Nhân)

CHẠNH LÒNG

Ngắm dãy ghe tàu tận biển xa
Ngàn tâm sự lớn tựa sơn hà
Bao lời tủi hạnh dần trôi tới
Lắm chuyện u sầu sắp trải qua
Dẫu cảnh tình kia xoè dáng ngọc
Dù tranh mộng ấy toả thân ngà
Sao lòng trổi dậy niềm chua xót
Vẫn NHỚ một người chẳng nhớ ta

No Đinh Văn

Bốn Bồ Chữ

<C.041~Giai thoại văn chương> 
Đề tài: BỐN BỒ CHỮ - Tạ Linh Vận & Cao Bá Quát)
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm

 

野旷沙岸净,        Dã khoáng sa ngạn tịnh, 
天高秋月明.        Thiên cao thu nguyệt minh.

có nghĩa :
Đồng không bãi cát mênh mông,
Trời thu cao vút trăng lồng bóng gương.

        Đó là một trong những câu thơ tả cảnh nổi tiếng của Tạ Linh Vận 謝靈運 (385-433), người đời Đông Tấn ở đất Cối Kê, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông nguyên là cháu nội của danh tướng Tạ Huyền 謝玄, tiểu tự là Khách, nên người đời gọi là Tạ Khách, lại được hưởng tước Khang Lạc Công, nên còn được gọi là Tạ Khang Lạc. Ông là nhà thơ khai sáng ra phái Sơn Thủy Thi 山水詩, chủ yếu sáng tác thơ tả về núi non sông nước của đời Lưu Tống vào thời Nam Bắc Triều. Sơn Thủy Thi là một trường phái lớn của văn học sử thi ca Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến đời Đường sau nầy với các thi nhân lớn như Lý Bạch, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên... Chúa nhà Tống lúc bấy giờ là Lưu Dụ, nên gọi thời nầy là Lưu Tống, bề ngoài thì như xem trọng nhà họ Tạ, nhưng thực tế thì dần dần cắt bớt quyền hành đi, nên Tạ Linh Vận không còn được trọng vọng như trước. Thất ý trên trường chính trị, nên Tạ gởi gắm tâm sự vào tư tưởng Lão Trang qua thơ sông núi. Do bất đắc chí vì tài hoa xuất chúng, nên Tạ luôn tỏ ra khinh thế ngạo vật, cho mình là tài giỏi hơn cả thiên hạ. Tạ đã từng nói là : "Nếu như tất cả tài hoa trong thiên hạ là một thạch (gồm có 10 đấu), thì Tào Tử Kiện (tức Tào Thực, con trai thứ của Tào Tháo, rất giỏi về văn thơ) giữ hết 8 đấu rồi, ta giữ một đấu, còn một đấu là của tất cả những người trong thiên hạ". Câu nói nầy nghe ra có vẻ như là tôn sùng Tào Thực, thực ra là đang xem thường thiên hạ, vì cho là cả thiên hạ cộng lại mới bằng được mình ! Do tánh khí và thái độ cao ngạo, nên Tạ Linh Vận làm mất lòng hết các đồng liêu và quyền thần lúc bấy giờ. Cuối cùng, bị biếm đến Quảng châu và chết ở nơi đó khi mới có 49 tuổi mà thôi.

        Vì câu nói của Tạ Linh Vận, nên hình thành một thành ngữ thông dụng trong tiếng Hoa là : TÀI CAO BÁT ĐẤU 才高八斗 hay BÁT ĐẤU CHI TÀI 八斗之才 để chỉ những người tài hoa xuất chúng, vượt trôi hơn hẵn những người khác. Thi Tiên Lý Bạch trong bài tự Đào Lý Viên cũng phải hạ câu: 
Ngô nhân vịnh ca, độc tàm Khang Lạc   吾人詠歌,獨慚康樂, có nghĩa: Chúng ta ngâm vịnh ngày hôm nay, chỉ thẹn riêng với ông Khang Lạc mà thôi. (Khang Lạc tức Khang Lạc Công chỉ Tạ Linh Vận đó).


Tào Thực 8 đấu, Tạ Linh Vận 1 đấu, Thiên hạ 1 đấu. 

        Trong văn học sử của ta cũng có một người Tài Cao Bát Đấu nhưng không gặp thời giống như là Tạ Linh Vận vậy, đó chính là ... 

        CAO BÁ QUÁT 高伯适 (1809 – 1855) : 
        Tự là Chu Thần (周臣), hiệu là Mẫn Hiên (敏軒), lại có hiệu là Cúc Đường (菊堂), là quân sư trong cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
        Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm Tân Tỵ (1821), ông thi khảo hạch ở trường thi tỉnh Bắc Ninh lúc đó mới 13 tuổi, nhưng thi Hương (lần đầu) không đỗ. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, bị Bộ Lễ kiếm cớ xếp xuống cuối bảng xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ cử nhân. Năm Nhâm Thìn (1832), Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Sau đó, ông vào kinh dự thi mấy lần nữa, nhưng lần nào cũng hỏng.
        Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ (ngày 7 tháng 9 âm lịch), rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên (21 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Dần, 1842). Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội "trảm quyết" xuống tội "giảo giam hậu", tức được giam lại đợi lệnh.
        Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào Huế (1847) làm ở Viện Hàm Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Do không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát đã bị đầy đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Khoảng cuối năm Canh Tuất (1850) đời vua Tự Đức, Cao Bá Quát lấy cớ về quê chịu tang cha và sau đó xin ở lại nuôi mẹ già rồi xin thôi chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai.
        Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người nhân dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ chống lại nhà Nguyễn. Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời.
        Chính sử là thế, cuộc đời lắm gian truân chìm nổi, bất đắc chí như Cao Bá Quát đã than vản trong bài Tài Tử Đa Cùng Phú rằng :

Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướt thướt, 
ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con ron chiếc chiếu lôi thôi, 
đêm tịch mịch soi chung vầng trăng tỏ.
Áo Trọng Do bạc phếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.
Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy;
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ. ...

        Vì tài giỏi, nên theo truyền thuyết dân gian Cao Bá Quát rất cao ngạo, ông từng nói: "
Trong thiên hạ có 4 bồ chữ. Một mình tôi giữ hết 2 bồ. Anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn văn Siêu giữ một bồ. Còn một bồ phân phát cho thiên hạ"!
        Tương truyền, vì tánh khí cao ngạo nên mọi người đều xa lánh. Một hôm Vua Tự Đức- Ông vua rất giỏi về văn chương - làm được môt đôi câu thơ vừa Hán vừa Nôm rất ngộ nghĩnh đặc biệt, mới đọc khoe với quần thần là :
        Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
        Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.

        Quần thần đều trầm trồ khen là độc đáo khác lạ, chỉ có Cao Bá Quát thản nhiên tâu: "Tâu bệ hạ, tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi ạ! Thần được nghe cả tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.
        Vua Tự Đức đang hí hửng về hai câu thơ dở Hán dở Nôm độc đáo của mình, không dè lại bị Quát dội một gáo nước lạnh thì tức lắm, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính ông ta đã nghĩ ra. Tuy nhiên, nhà vua vẫn cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ, với thâm ý nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân cho hả giận.
        Cao Bá Quát bình thản suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:

Bảo mã tây phương "huếch hoác" lai,
"Huênh hoang" nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.
Xuân nhật bất văn sương "lộp bộp",
Thu thiên chỉ kiến vũ "bài nhài".
"Khù khờ" thi tứ đa nhân thức,
"Khệnh khạng" tương lai vấn tú tài.

        Bài thơ vừa đọc dứt, cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn vua Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục về tài thi tứ rất nhanh nhẹn và sắc sảo của Quát, nhưng trong bụng cũng không vui...
        Ta thấy, Tạ Linh Vận và Cao Bá Quát đều là những nhân tài hiếm thấy và rất có tài đặc biệt trên đời, nhưng vì hoàn cảnh khốn cùng bức bách, sinh bất phùng thời hình thành tính cách cao ngạo với cuộc đời, thậm chí đến nước làm phản để đến nổi thân bại danh liệt, bị tru di tam tộc như Cao Bá Quát thì thật cũng đáng thông cảm lắm thay !

Đỗ Chiêu Đức sưu tập 
(nguồn internet)

Trở Lại Vùng Quê

<D.559~Tình Quê>



TRỞ LẠI VÙNG QUÊ

Lần theo nẻo hẹp hướng thôn làng
Vẫn rảo qua cầu bắt nhịp ngang
Một lũ chim gù chân cánh khỏe
Vài cô nữ diện áo bông vàng
Thâm trầm điệu sáo len đường thoảng
Lấp lửng câu hò trỗi giọng vang
Những bước đi về trong phẳng lặng
Vùng quê gợi cảm xúc ngơ ngàng

Mai Thắng
190712

♠ Bài xướng của Giang Hoa (Bích Yến)

TRỞ LẠI

Ngược nẻo về qua phía ngõ làng
Quay nhìn ở chỗ bến cầu ngang
Đàn chim lượn ngả nghiêng trời tím
Thiếu nữ ngồi tơ tưởng hạ vàng
Dõi tận bên đồi hoa cỏ úa
Nghe cùng vũ khúc nhịp đàn vang
Buồn xưa bỏ xứ đời phiêu bạt
Trở lại miền quê thấy ngỡ ngàng

11.07.2019
Thơ: Giang Hoa

Thệ Vững Lòng Kham

<D.558~Thơ Vui>



THỆ VỮNG LÒNG KHAM

Khi rằng chửa chết vẫn còn ham
Xướng họa ngầm mê sẽ phải làm
Tưởng vọng mơ màng thân nữ chiếc
Trông vời giục giã khói chiều lam
Niềm tin thảo dược chăm hồi sức
Pháp bảo thần linh giữ chặt ngàm
Khắc khoải quên dần lo tịnh dưỡng
Duyên đời kiến tạo vững lòng kham.

Mai Thắng – 190712

--------------- 

♠ Bài xướng của Ng Mạnh Hoàng

ĐÃ BỆNH

Đã bệnh lâu ngày chẳng có ham
Nồi cơm biết thổi ngại không làm
Ra ngồi vãng cảnh nhìn mây biếc
Lại dẫn du hành thở khói lam
Buổi ấy qua đèo say lộn ngã
Hôm kìa đến vực đổ buồn kham
Bao ngày khấp khởi tha hồ giận
Mãi hận duyên đời bỏ tới nam

05-07-2019 
N.M.H-1886

♠ Bài họa của Hường Xưa

NHỚ MỘT NGƯỜI

Thơ nàng đã chết chẳng còn ham
Xướng họa giờ đây nẫu nản làm
Dõi lại hình xưa buồn vẻ biếc
Ươm từng kỷ niệm chán màu lam
Người gieo mấy nẻo sầu muôn ngã
Kẻ nhuộm bao lần nhớ mỗi Nam
Thổn thức đêm dài tim mãi giận
Đâu ngờ bão xoáy cả đời kham

Hường Xưa

Kết Nạp Chân Tình

<D.557~Xã Hội> 



KẾT NẠP CHÂN TÌNH

Người ta nhỏ nhẹ nói chung lòng
Thể hiện nhu mì dỗ bướm ong
Vẻ mặt ôn tồn say giễu bóng
Bàn tay hóm hỉnh kẹp ôm bòng
Chèn lơi giữa hội đâu đành hỏng
Giữ chặt trong mình ắt phải cong
Dưỡng nét chân tình luôn bảo trọng
Ngầm khuyên tránh lạc chữ a tòng.

Mai Thắng 
190711


14 tháng 7 2019

Thảo Khúc Tình Thơ

<D.556~Xã Hội> 



THẢO KHÚC TÌNH THƠ

(Thtk – gcđ)

AI dành thảo vội khúc tình thơ
DÕI nhịp thời gian phả ánh mờ
LỐI ngỏ trăng già/ êm nhã nhạc
XƯA màu áo/ chỉ quãng đường tơ
BUỒN lây lất đọng/ vòm xa thẳm
NẺO vắng chùng/ đau ngã lật lờ
MỘNG chẳng đi cùng xui vẫn nhớ
TA VỀ BẾN CŨ VỌNG CHIỀU MƠ

Mai Thắng – 190709

♣ Bài xướng của Hạnh Liên (Mộng Liên)

LỐI CŨ TÌNH THƠ

(THTK - NĐT - GCĐ)

AI ngồi xếp lại những vần thơ
DÕI bóng thời gian phủ bụi mờ
LỐI sỏi êm đềm hôm gặp gỡ
XƯA hờn dỗi trắc ẩn đường tơ
BUỒN hoen ngấn lệ lòng trăn trở
NẺO hẹn hò mây nước lững lờ
MỘNG tưởng nên sầu ngân trỗi nhớ
TA VỀ BẾN CŨ VỌNG CHIỀU MƠ

Hạnh Liên

♣ Bài đáp họa của Hạnh Liên

LẠNH ÁNH TRĂNG SẦU

(THTK - NĐT - GCĐ)

AI còn trắc ẩn dỗi tình thơ
DÕI lá vàng rơi cảnh nhạt mờ
LỐI phủ trăng sầu mây rạn vỡ
XƯA ngần ngại phím lỡ chùng tơ
BUỒN thân lữ khách hờn duyên nợ
NẺO giã từ sương khói lặng lờ
MỘNG ảo nên chìm sâu nỗi nhớ
TA VỀ BẾN CŨ VỌNG CHIỀU MƠ

Nước Chảy Đá Mòn

<C.040~Điển tích văn học>
Đề tài: NƯỚC CHẢY ĐÁ MÒN  
(Lý Bạch và Vũ Tuấn Chiêu)
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm


君不見; 
黃河之水天上來 
奔流到海不復回.” 

Quân bất kiến 
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai 
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi 
... 
        Làm chi cho mệt một đời !
        Đó là những câu kết của Cao Bá Quát trong bài hát nói "Uống Rượu Tiêu Sầu" mà ông đã mượn ý trong bài thơ nổi tiếng "Tương Tiến Tửu 將進酒 " của thi tiên Lý Bạch. Để viết được những câu thơ bất hũ như trên, Lý Bạch cũng đã từng trải qua thời niên thiếu học tập vất vả và trãi qua nhiều gian nan trắc trở. Mời đọc qúa trình học tập và rèn luyện của ông sau đây sẽ rõ:

        LÝ BẠCH (701-761) tự là Thái Bạch, tương truyền khi có thai ông, bà mẹ đã nằm mơ thấy sao Trường Canh rơi vào bụng mà sanh ra ông, cho nên mới lấy hiệu là Thái Bạch, vì sao Trường Canh còn có tên là Thái Bạch Kim Tinh.

        Lý Bạch con của Lý Khách 李客, một thương gia có hàm dưỡng văn hóa cao hơn những con buôn bình thường, nên dạy dỗ con cháu rất nghiêm khắc. Lý Bạch là con út thứ 12 của ông, từ nhỏ đã tỏ ra rất thông minh lanh lợi, lại siêng năng học hành, nên ông rất thương yêu và để tâm bồi dưỡng. Khi Lý Bạch mới 5 tuổi đầu đã được ông chỉ điểm cho đọc các từ phú của Tư Mã Tương Như đời Hán. Ông thường nhắn nhủ Lý Bạch là phải cố gắng làm rạng danh nhà họ Lý và phải rèn luyện sao cho có tài như là Tư mã Tương Như vậy. Lý Bạch luôn khắc ghi lời cha dạy bảo và lập chí quyết tâm học hành sao cho hơn cả Tư Mã Tương Như nữa thì mới cam lòng.



        Năm Lý Bạch 10 tuổi, đang theo học văn chương từ phú với thầy ở Tượng Nhĩ sơn thuộc Mi Châu. Một hôm Lý trốn học đi chơi, khi đi ngang qua một khe suối, thấy có một bà lão đang mài một cây chày bằng sắt trên đá. Lấy làm lạ, Lý bèn hỏi bà ta mài cây sắt để làm chi vậy. Bà lão bèn đáp là mài để làm cây kim may đồ và thêu hoa. Lý rất ngạc nhiên nói với bà lão rằng :" Cây sắt to thế kia, bà phải mài đến bao lâu mới thành cây kim được ?". Bà lão bèn đáp rằng :" Hôm nay ta mài, ngày mai ta mài, ngày mốt ngày kia ta cũng mài, cây sắt sẽ ngày một nhỏ dần đi, ắt có một ngày sẽ trở thành cây kim cho ta may vá và thêu thùa được !" Lý Bạch nghe xong chưng hửng, rồi chợt ngộ ra rằng : " Cây chày sắt bị mài hằng ngày sẽ trở thành cây kim, còn ta nếu không chịu cố gắng học tập hằng ngày thì làm sao mà thành tài cho được ?!". Nghĩ đoạn, Lý bèn quay trở lại trường tiếp tục học hành.

  Đến năm 25 tuổi, thì Lý Bạch đã trở thành một thanh niên văn võ song toàn. Với một túi thơ bầu rượu và một thanh kiếm báu trên lưng, ông đi chu du khắp chốn cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ và vì thế mà ông sáng tác và để lại khắp nơi những văn thơ bất hũ. Được người đời xưng tụng là Thi Tiên như bốn câu thơ sau đây của Thi Thánh Đỗ Phủ viết về ông:

Hán ngữ:
        李白斗酒詩百篇,
        長安市上酒家眠,
        天子呼來不上船,
        自稱臣是酒中仙。
        
âm Hán Việt: 
        Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên
        Trường An thị thượng tửu gia miên
        Thiên tử hô lai bất thượng thuyền
        Tự xưng thần thị tửu trung tiên!
 
có nghĩa :
        Lý Bạch đấu rượu thơ trăm,
        Trường An quán chợ hay nằm ngủ quên.
        Lệnh vua gọi chẳng lên thuyền,
        Tự xưng thần chính là tiên trong đời !

    
    Đó chính là Thi Tiên Lý Bạch của buổi Thịnh Đường, vì được câu nói của bà lão: "Có công mài sắt có ngày nên kim" mà quyết chí dùi mài kinh sử, trở thành Thi Tiên nổi tiếng giỏi thơ và tiếng thơm còn được truyền tụng cho đến ngày hôm nay.



        Nhìn về sử Việt Nam ta thì có ông Trạng Nguyên nhờ câu nói của vợ là "Nước chảy đá mòn" mà phấn chí học hành để được đỗ Trạng. Đó chính là ... 

        VŨ TUẤN CHIÊU  武濬昭 (1426 - ?) nguyên quán xã Cổ Liễu, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), phủ Phụng Thiên, trú quán phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức (nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Ông đỗ đầu trong số ba đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ (tức Trạng Nguyên) khoa thi Hồng Đức năm thứ 6 (1475). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại.

        Theo sách Sử Việt "những bất ngờ lý thú": Vũ Tuấn Chiêu mồ côi cha từ nhỏ. Do cuộc sống khó khăn, mẹ của Vũ Tuấn Chiêu phải đưa con về quê ngoại ở ngoại thành Thăng Long. Mấy năm sau, mẹ qua đời, Vũ Tuấn Chiêu lại trở về quê nội làm ăn sinh sống.



        Tại đây, ông kết hôn với Nguyễn Thị Chìa. Là người nết na, bà Chìa không quản vất vả, chăm chỉ ruộng đồng, dệt vải kéo tơ, vừa phụng dưỡng cha già, vừa nuôi chồng ăn học. Thế nhưng, Vũ Tuấn Chiêu tuy mặt mũi khôi ngô, nhưng học hành lại rất tối dạ. Hơn 10 năm đèn sách, đường học vấn của ông vẫn không tiến bộ. Trong một lần bà Chìa gánh gạo đến cho chồng, thầy giáo đã gọi người vợ lại để trả chồng về. Thầy bảo rằng: "Trò Chiêu tuổi đã lớn, học hành lại không tấn tới, nay ta cho về giúp con lo việc nhà, việc đồng áng cho đỡ bề vất vả". Hết lời cầu xin, nhưng thầy vẫn không đổi ý, hai vợ chồng bèn thu xếp quần áo, sách vở về nhà. Khi đến đầu làng, họ dừng chân nghỉ ngơi bên chiếc cầu đá bắt qua nhánh sông nhỏ, thấy cây cột đá chân cầu bị mòn, Vũ Tuấn Chiêu lấy làm ngạc nhiên hỏi vợ.

        Bà Chìa nói rằng: "Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu. Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn. Nên làm việc gì nếu có chí, có sự kiên trì, nhẫn nại thì tất sẽ thành công". Nghe lời vợ nói, Vũ Tuấn Chiêu chợt tỉnh ngộ. Ông liền bảo vợ trở về nhà, còn mình mang sách vở, quần áo trở lại nhà thầy đồ xin tiếp tục theo học.

        Thấy học trò quay lại, thầy ngạc nhiên hỏi nguyên nhân. Vũ Tuấn Chiêu đáp rằng: "Nước chảy đá mòn, thưa thầy việc học cũng như vậy, nếu có chí học thì chắc chắn sẽ khá lên. Nay con trở lại trường quyết tâm dùi mài kinh sử, mong một ngày có tên trên bảng vàng; trước là khỏi phụ công ơn dạy dỗ của thầy, sau đền đáp tấm lòng của vợ và cũng để thỏa cái chí của con". Tuy nghe học trò nói một câu đầy khí khái, thầy vẫn không tin lắm. Nhân lúc ngoài trời nổi gió, lác đác mưa rơi, thầy đồ tức cảnh đọc : 
"Lác đác mưa sa làng Hạ Vũ", ... rồi bảo rằng, nếu đối được thì mới cho ở lại tiếp tục học. Câu đối hóc búa ở chỗ chữ "mưa sa" là "hạ vũ 下雨", mà Hạ Vũ 夏禹 lại là tên một làng thuộc Xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng với ý chí cầu học, suy nghĩ một lát, Vũ Tuấn Chiêu bèn đối lại: "Ầm ì sấm động đất Xuân Lôi".

        Câu đối chuẩn và hay qúa, khiến thầy đồ rất hài lòng, vì "mưa sa" đối với "sấm động", còn "HẠ VŨ 夏禹" lại đối với "XUÂN LÔI 春雷" thì không còn gì chỉnh cho bằng, Xuân Lôi lại cũng là tên một làng của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cái mới thật là tuyệt diệu ! Nên thầy đồ cho ông ở lại tiếp tục học. Từ đó, Vũ Tuấn Chiêu không ngừng nỗ lực, dốc chí học tập, dần dần sức học tiến bộ hẳn lên.

        Để giúp chồng ăn học, bà Chìa tuy tóc đã hoa râm vẫn một mình chăm con, lo việc ruộng vườn, đều đặn gánh gạo cho chồng ăn học. Đến năm Vũ Tuấn Chiêu gần 50 tuổi, bà qua đời. Sau khi vợ mất, Vũ Tuấn Chiêu một lần nữa rời quê hương, đưa con trở về quê ngoại để tiện việc học hành, chuẩn bị tham gia thi cử.

        Đến khoa thi Ất Mùi (1475) dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên. Bấy giờ, ông đã gần 50 tuổi, trở thành một trong ba vị Trạng Nguyên già nhất khi đỗ đạt, cùng Nguyễn Đức Lượng (đỗ năm 1514) và Nguyễn Xuân Chính (đỗ năm 1637), đều đã gần 50 tuổi mới thi đậu. Theo tư liệu còn ghi lại tại bia tiến sĩ ở Thăng Long, khoa thi năm đó, rất đông người tham gia nhưng số được chấm đỗ không nhiều. Qua bốn trường lấy trúng cách được 43 người... Khi dâng đọc quyển thi, vua Lê Thánh Tông đã ban cho Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên nhờ bài thi xuất sắc nhất.



        Bài văn sách thi Đình của Trạng Nguyên Vũ Tuấn Chiêu hiện vẫn được lưu lại trong cuốn gia phả của họ Vũ ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Bài thi gồm 23 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng từ 4 đến 31 chữ. Sau khi đỗ đạt, Vũ Tuấn Chiêu làm quan trải nhiều chức vụ, sau này giữ tới chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Ông mất năm nào chưa rõ.

        Gương học tập của Lý Bạch dạy cho ta câu :"Có công mài sắt có ngày nên kim", còn gương học tập của Vũ Tuấn Chiêu dạy cho ta câu "Nước chảy đá mòn". Nên ta phải nhớ rằng, ở đời hễ CÓ CHÍ THÌ NÊN, chỉ sợ người không có chí kiên trì mà bỏ dở nửa chừng mà thôi!

Đỗ Chiêu Đức

Gió chở mộng thường

<D.555><Tuổi Lão>



GIÓ CHỞ MỘNG THƯỜNG

Chào em gió chở mộng đan thường
Rảo bước sông hồ tặng viễn hương
Nốt nhạc hoài vang dòng phổ cũ
Lời thơ ẩn vọng khóe môi hường
Trầm ngâm mấy độ vào suy tưởng
Tĩnh tại bao mùa cảm mến thương
Vẫn trải tình chân hòa ước nguyện
Chiều thu nhớ buổi dạo bên đường.

Mai Thắng
190708

♣ Bài xướng của Ngọc Liên

LỜI CỦA GIÓ

Hãy chở giùm em giấc mộng thường
Qua miền kỷ niệm đã mờ hương
Rồi gieo nốt nhạc bên dòng cũ
Lại phổ lời thơ giữa giấy hường
Bến cũng bao mùa ngơ ngẩn đợi
Trăng giờ mấy độ mỏi mòn thương
Tình anh mãi nhẹ dìu cơn gió
Thổi lá chiều thu trải rợp đường.

Ngọc Liên
07.07.19

Giữa buổi thay mùa

<D.554><Thương Hạ Ca> 



GIỮA BUỔI THAY MÙA

Giữa buổi thay mùa lá nhẹ rơi
Từ cao cảnh dợn sắc xanh ngời
Từng cơn nắng đổ khêu đờ đẫn
Những trận mưa vùi hết lả lơi
Dõi hạn tình ngăn ngày xúc cảm
Chờ tin quạ báo kiểng đua mời
Nàng thu tủi phận dầm chan chứa
Nhã khúc ngâu buồn phủ dụ chơi.

Mai Thắng
190707

----------------------------
♣ Bài xướng của Ngọc Ánh NĐLY

RỪNG THU ĐÃ NHUỘM

(nđt, bvđâ)

Giao mùa cảnh sắc não nùng rơi
Gió chuyển đào lan rã nụ ngời
Nhạn thả về xuôi mòn mõi với
Mưa dầm nhỏ giọt khẽ khàng lơi
Say hình dáng Liễu xa vời vợi
Rủ bóng nàng Thu rã rệu mời
Kẻ khách nhàn du tìm dẫn tới
Trong rừng rộn tiếng trẻ đùa chơi

Ngoc Anh Nguoideplongyen

Tự ngẫm

<D.553><Giao Tiếp> 



TỰ NGẪM

Cảm họa đôi điều giễu nét xuân
Cười mơn sức khỏe nhặt khoan dần
Vươn mình sớm hửng xương hòa nhạc
Dưỡng mộng đêm tàn nếp thảo vân
Khắc khoải tình thương dìu đạo nghĩa
Trầm ngâm lý tưởng dệt thông vần
Hèn sang chẳng trách đời nhiên hậu
Giữ niệm chân thành khoản tiếp tân.

Mai Thắng – 190707

♣ Bài xướng của Trường Lưu Thủy

CHÂN DUNG TỰ HỌA

Bề ngoài dáng vẻ vẫn thanh xuân
Nội lực từ lâu đã xuống dần
Sáng sớm vươn mình xương tấu nhạc
Chiều tà bấm chữ mắt giăng vân
Hên nhờ trí óc luôn minh mẫn
Khéo cậy thân phàm giữ nét tân
Sống dẫu cam nghèo nhưng chẳng rách
Đường trần đoạn cuối biết yêu xuân

K T 7/7/17
Trường Lưu Thủy

♣ Bài họa của Dung Nguyên

NỖI NIỀM XUÂN

Ta giờ mới hiểu nỗi niềm xuân
Dẫu tóc hình như bạc điểm dần
Ngõ phú tô vàng khung vẹn cảnh
Câu từ dệt thắm mảnh hồng vân
Vo tròn ái nghĩa thành khuông nhạc
Nhặt nửa vầng trăng dỗ ý vần
Muốn một lần thôi về nẻo cũ
Nơi mà đậm dấu thuở còn tân

DUNG NGUYÊN
08/07/2019

13 tháng 7 2019

Đề Đô Thành Nam Trang - Thôi Hộ

<C.039><Dịch Hán thi> 

ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG - THÔI HỘ (thế kỷ thứ 8)
(Đề tích sở kiến xứ)


★ Nguyên bản 

題都城南莊
去年今日此門中,
人面桃花相映紅;
人面不知何處去,
桃花依舊笑冬風

★ Phiên âm

ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
THÔI HỘ

    * Thôi Hộ 崔護 tự Ân Công 殷功, người Bác Lăng đời Đường (nay là An Bình, Hà Bắc). Ông là một thi nhân đời Trung Đường, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 12 (796), làm quan đến Lĩnh Nam tiết độ sứ. Thơ ông Toàn Đường thi còn chép 6 bài, trong đó Đề đô thành nam trang được lưu truyền rộng rãi nhất.
 
 Dịch nghĩa

Đề thơ ở vườn phía nam đô thành Trường An
Ngày này năm xưa bên trong cửa
Gương mặt và hoa đào cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nào !
Chỉ còn hoa đào như cũ cười với gió đông.

 Dịch thơ

NƠI CŨ GẶP NGƯỜI

- Thất ngôn
Cửa mở năm nào bất chợt trông
Màu hoa sắc mặt ánh tươi hồng
Người đi ẩn dáng phương nào nhỉ
Lặng ngắm hoa đào cợt gió đông

- Lục bát
Năm nào bất chợt nhìn trông
Màu hoa sắc mặt tươi hồng bên nhau
Người đi ẩn dáng phương nao
Giờ đây chỉ sắc hoa đào cợt đông

Mai Thắng
190710

Du lịch Nha Trang

<D.552><Cảnh Biển Trời>



DU LỊCH NHA TRANG

Bài 1. Ra đảo

Trông vời mặt biển lớp trùng vân
Cảnh tượng ngàn khơi dãy suốt ngần
Đảo nhấp nhô nằm phơi lĩnh địa
Sương rờ rẫm bám ẩn đường chân
Lùa đưa gió chuyển dòng xuôi ngộ
Lái đẩy tàu băng ngưỡng vượt dần
Bỡn sóng tươi cười muôn thể trạng
Treo bày ảnh cáp ngỡ đàn ngân

Bài 2. Trò chơi biển

Treo bày ảnh cáp ngỡ đàn ngân
Vượt khoảng vành ôm nét rõ dần
Bãi đẹp trình phơi bờ tắm điểm
Cây hiền kiến tạo chỗ dừng chân
Trên vùng biển rộng trò hăng ngẫu
Giữa cụm trời xanh mảng trắng ngần
Ngạo nghễ hồn nhiên rồi cảm thán
Đông Tàu chiếm ngự cảnh phù vân.

Mai Thắng – 190703



♠ Bài xướng của Liễu Cô Cô

HẢI VÂN QUAN

Đứng giữa lưng trời Động Hải Vân
Nhìn mây cảnh đẹp sắc trong ngần
Hoa rừng đỏ sẫm lay sườn núi
Biển bạc xanh mầu lẫn dưới chân
Dõi đỉnh đèo cao chiều dịu bóng
Vòng quanh ngõ rộng sớm phai dần
Con Tầu gõ nhịp bên triền sóng
Ghẹo liễu trăng cười vẳng gió ngân …

Ghẹo liễu trăng cười vẳng gió ngân …
Hồn lam rạng rỡ nước trong ngần
Mai lồng lẫn cảnh cây rừng núi
Khói tỏa gieo tình bạn vững chân
Lạc giữa hầm xuyên đường trải khắp
Vào cung thạch phá biển xuôi dần
Theo hình bóng cuội ngồi trên đỉnh
Mãi ngắm lưng trời Động Hải Vân

02.07.19.Liễu cô cô



♠ Bài họa của Mộng Liên Lynn Phan

♡ Bài 1: DÕI THẦM

(nđt, gcđ)

Liễu rủ bên dòng nhạt sắc vân
Màn sương lạnh buốt phủ trăng ngần
Đêm huyền ảo, ngõ hồn vương vấn
Dạ vũ quay cuồng, mỏi bước chân
Gió bão thầm khơi, sầu hợp cẩn
Lòng xa vắng, nẻo mộng phai dần
Cho thuyền viễn xứ hoài vô tận
Để mãi đôi bờ tiếng vọng ngân.

♡ Bài 2: DỖI MỘNG

(nđt, gcđ+ltđ)

Để mãi đôi bờ tiếng vọng ngân
Miền thương cõi nhớ thoảng vơi dần
Mưa chiều quạnh vắng, trời u uẩn
Hạ nỉ non, rời rã gót chân
Những tưởng ngày vui hoài bất tận
Ngờ đâu giọt đắng vẫn vô ngần
Cho lòng rũ bỏ niềm vương vấn
Giấc mộng tương phùng gởi dãy vân.

Mộng Liên Lynn Phan

Trên đỉnh tự do

<D.551><Giao Tiếp> 



TRÊN ĐỈNH TỰ DO

Nhủ ngắm canh đời vãn nhẹ tênh
Vài cơn bão động chút dang dềnh
Xuân còn đậm bóng cài dai dẳng
Hạ vẫn xuôi dòng tải váo vênh
Điểm xuyết mây tầng cao đãi ngộ
Chìm tan gió quãng bạo lăn kềnh
Thời gian giũ xóa lời ly biệt
Lữ khách xa rời phận nổi nênh

Mai Thắng – 190701

-----------------------------------
⋆ Bài xướng của Thảo Chương Trần Quốc Việt

Hè nhìn trên đĩnh Olympic

Ngẩng đầu nhìn chóp đỉnh chênh vênh
Vài đám mây trôi nổi dập dềnh
Sáng rỡ sương còn rơi lãng đãng
Chiều tàn tuyết vẫn phủ mông mênh
Trời cao ngan ngát - màu xanh ngắt
Núi biếc mù tăm - cảnh vắng tênh
Cố quốc nghìn trùng xa cách biệt
Bao giờ ly khách hết lênh đênh?

Thảo Chương Trần Quốc Việt
June 26, 2019

-----------------------------
⋆ Bài họa của Lý Đức Huỳnh

MỘT NGƯỜI TỬ TẾ

Ngoại tướng,thoáng nhìn ngỡ váo vênh
Lòng anh tử tế thật dàng dềnh
Trong nhà trí thiện xây nồng ngát
Ngoài ngõ tâm từ đón rộng mênh
Phố mới hân hoan về thắm đượm
Quê nghèo vắng vẻ tiễn buồn tênh
Hoa người phẩm giá mùa dân chủ
Xóa hết bọt bèo phận nổi đênh

Lý Đức Quỳnh

Sinh nhật bạn thơ

<D.550~Thơ Sinh Nhật> 



SINH NHẬT VŨ VĂN THƠ

Vững tạc thâm tình để kết thơ
Ùm vang tiếng động thải văng bờ
Vui lòng gửi gắm hòa tâm sự
Ấp nỗi hô hào thả mộng mơ
Ngọc bảo khoe màu phô sắc hãnh
Trầm hương tỏ liệu xứng duyên chờ
Hồng nhung mở lối niềm thân thiện
Ở lớp hôn hoàng dệt chuỗi tơ.

Mai Thắng – 
190701

♠ Bài xướng của Hường Xưa

CHÚC MỪNG SINH NHẬT Van Tho Vu

(Bất luận)

Ta mừng sinh nhật Vũ Văn Thơ
Chúc đệ niềm trông thỏa mãn ờ
Để những lời yêu tình vẹn nối
Cho từng ý nguyện nghĩa tròn mơ
Gia đình hạnh phúc không hề dở
Bổn phận thời gian chẳng hãi mờ
Cuộc sống an lành tim vẫn mở
Chân thành hữu hảo đẹp dòng tơ

Hường Xưa