Nhãn

29 tháng 9 2020

Những Chiều Qua

<F5.252~Tiết Khí> 


NHỮNG CHIỀU QUA

Bên dòng trôi tản mác
Vẳng tiếng kêu loài vạc
Ráng lặn lủi đường xa
Mưa dầm thay giọng hát
Buồn hơi gió lạnh nhòa
Cảm tóc chòm phơ bạc
Khắc khoải những chiều qua
Vành mi căng nặng mắt.

Mai Thắng
200928 

------------------
★ Bài xướng của Thầy Mai Lộc

SÔNG CHIỀU

Lờ lững về rau mác
Buồn vương theo tiếng vạc
Mơ màng làn khói lam
Phơ phất chòm râu bạc.
Văng vẳng chuông chiều ngân
Khàn khàn ông lái hát
Khách lòng xao xuyến dâng
Tê tái cay sè mắt.

MaiLoc
9-23-2020

---------------- 
★ Bài họa của Sông Thu

BÓNG VẠC KHUYA

Nước ngập bờ rau mác
Lang thang một bóng vạc
Kiếm mồi cánh ruộng sâu
Tìm cá đêm trăng bạc
Lạnh buốt cóng đôi chân
Nghẹn ngào im tiếng hát
Xót con trẻ đói ăn
Lệ tủi trào mi mắt.

Sông Thu
24/09/2020

Giữa màn đêm

<D.625><Thời Tiết-Khí Hậu>



GIỮA MÀN ĐÊM

Màn đêm diễn tấu cuộc giao hòa
Của những ngôn từ bện sắc hoa
Vũ trụ mơ màng phương ảo giác
Hồn trăng vất vưởng cõi thiêng tòa
Điêu tàn não trạng đang bày tỏ
Bất hạnh nhân loài đã trải qua
Ngậm khối gông cùm đeo đẳng mãi
Ngày đông ám muội chửa tan nhòa.

Mai Thắng
200926

★ Bài xướng của Hồng Mai

TÌNH TRĂNG

Giữa nẻo trời đêm ánh nguyệt hòa
Yêu quỳnh trọn kiếp ngỏ cùng hoa
Tình đan vũ trụ bừng muôn hướng
Nghĩa phủ trần gian chiếu mọi tòa
Chẳng xót thu tàn duyên chững lại
Không hờn cảnh xế mộng dần qua
Mùa tan tháng hợp sầu chăng nữa
Chỉ những ngày đông ái nhạt nhòa

22/09/20
Hong Mai 

23 tháng 9 2020

Xướng họa tỏa ngời

<D.624~Cuộc Sống> 



XƯỚNG HỌA TỎA NGỜI

Nhóm họp hầu chung trả lễ đời
Gom đàn góp mặt để cùng chơi
Niềm vui cố tạo đôi dòng chữ
Cảm nghĩ nhường chia một ít lời
Gợi khoản câu vần khơi dẫn dắt
Truy nguồn tứ luật phỏng hà hơi
Hòa men xướng họa đa màu tưởng
Nghĩa đệ tình huynh ánh tỏa ngời.

Mai Thắng
200920

★ Bài xướng của Nguyễn Hữu Long

MÃI TƯƠI NGỜI

(Nđt, Ltvt, Ntvv)

Tình thương...nhóm của những con người
Mến mộ thơ Đường cũng để chơi
Bậu chốn đầu non cùng gởi chữ
Mình phương cuối biển đã trao lời
Ân nồng tựa thể rằng chung máu
Hữu hảo như là bạn luyến hơi
Thỏa mãn hồn em và tính chị
Lòng huynh ý đệ mãi tươi ngời!

15/9/2020
Hữu Long 

Hồn Quê

<D.623~Tình Quê>



HỒN QUÊ 1

Quê này đã ngấm trọn hồn xưa
Biết giãi bày sao để gọi vừa
Mảnh đất nuôi tình sung mãn dựa
Hương đồng trỗi vóc mặn mà đưa
Chìm xao xuyến trải men nào tận
Mộng gắn liền theo cõi khả thừa
Lỡ giấc mơ đời thương ngoảnh lại
Soi nhìn bóng cũ chạnh chiều thưa.

Mai Thắng
200919

★ Bài xướng của Dung Nguyên

QUÊ TÔI

Ngõ hẹn thu vàng chẳng khác xưa
Người ơi nỗi nhớ kể sao vừa
Hoài trông ngả ấy sầu tim đợi
Mãi ở nơi này thấm lệ đưa
Ngó nẻo nhà tranh tình vẫn nặng
Về bên mái cọ nghĩa đâu thừa
Quê đầy kỉ niệm lòng luôn giữ
Dẫu chỉ hoa bìm với giậu thưa…

16/9/2018
DUNG NGUYÊN

★ Bài họa của Thạch Hãn

NHẶT NẮNG

Anh ngồi đợi ở bến đò xưa
Sóng rã bờ chao gió thổi vừa
Lũ nhạn bên bờ vươn cánh đẩy
Con thuyền giữa biển níu buồm đưa
Sầu thu kẻ đợi niềm yêu thiếu
Khổ mộng người đi nỗi nhớ thừa
Tiếc cũng không còn duyên phận hẩm
Ta về nhặt nắng giữa chiều thưa ./.

LCT 17/09/2018
Thạch Hãn 

Tình Sâu Tuổi Lão

<D.622~Tuổi Lão> 



TÌNH SÂU TUỔI LÃO

Có phải thiên đình đãi tặng ta
Đường chân sợi nắng ửng dương tà
Non giàng thảo mộc che trời bức
Biển gợn muôn trùng duỗi sóng xa
Chọn chiết trung dành vui lũ trẻ
Gìn khuây khỏa đáp dịu thân già
Câu vần khéo gợi tình sâu thẳm
Những cảnh thu sầu nhẹ lướt qua

Mai Thắng
200919

----------------- 
★ Bài xướng của Lý Đức Quỳnh

VUI TUỔI LÃO

Vui vầy sẵn có cõi người ta
Sáng sớm lai rai đến tịch tà
Đó chén nước non ngày mới cũ
Đây vò hồ hải chốn gần xa
Giữ gìn sông núi mong nhờ trẻ
Xây dựng quê hương hết cậy già
Cởi áo hồng trần thanh tĩnh dạo
Sẽ về khi giặc dấy can qua.

Lý Đức Quỳnh

★ Bài họa của Sông Thu

TUỔI HƯU THANH THẢN

Giờ đã hưu rồi, bạn lẫn ta
Thể thao sáng sớm, dạo chiều tà
Dưới vầng trăng bạc, xem quỳnh đẹp
Trong ánh dương hồng, ngắm cảnh xa
Xướng họa câu vần, vui ý đắt
Đổi trao y học, khỏe thân già
Tâm nhàn, trí tỏ, lòng thư thới
Cùng thấy thời gian sao chóng qua

Sông Thu
13/09/2020

---------------- 
★ Bài họa của Cao Mỵ Nhân

LÃO BUỒN QUÁ

Mấy chục năm rồi vẫn một ta
Rạng đông tươi sáng đến chiều tà
Đôi khi thăm bạn thương mừng lạ
Thường lúc nghe thơ tiếc nhớ xa
Tết đến, xuân về vui tiếng pháo
Đông sang, hạ tới khổ thân già
Cô đơn ngày tháng hay thời khắc
Mong chỉ là giai đoạn sẽ qua...

Hawthorne 12-9–2020
CAO MỴ NHÂN

------------------ 
★ Bài họa của Thầy Mai Lộc

CHIỀU TÀ

Tư bề vắng lặng chỉ mình ta
Cuối xóm dừng chân ngắm ráng tà
Hiu hắt heo may lùa tóc trắng
Trùng trùng mây khói phủ đồi xa
Thời gian tan tác sầu trăng úa
Chân cẳng liêu xiêu thấm tuổi già
Nhớ nhớ quên quên vàng ký ức
Quê người lành lẽo bóng xuân qua!

Mailoc

21 tháng 9 2020

Chiến trận Biển Đông

<D.621><Thời Sự Biển Đông>



CHIẾN TRẬN BIỂN ĐÔNG

Binh Tàu trỗi giọng xưng hùng bá
Chiếm Biển Đông mưu sự đã rồi
Thể chế thiên triều phô giảng lực
Quân cờ đại quốc giữ gìn ngôi
Làm kinh tế diễn trò gian lận
Nắm bạo quyền che sóng phản hồi
Tộc Hán kiên cường nuôi những kẻ
Chưa giàu tính xảo … vội tàn thôi.

Mai Thắng
200917

★ Bài xướng của Quên Đi

TÂN CHIẾN QUỐC

Chiến quốc thuở nào đang tái diễn
Biển Đông dậy sóng chẳng hề thôi
Nhà Tần ỷ mạnh thâu chư quốc
Bành trướng quân Tàu muốn độc ngôi
Ind (*) Mã loay hoay lo mấy chập
Việt Phi luýnh quýnh thủ bao hồi
Một cây khó vượt qua giông bão
Hợp sức mau lên kẻo muộn rồi.

Quên Đi

Hoa Lục Bình

<D.620><Cảnh Hoa Trái>



HOA LỤC BÌNH

Dòng trôi tản nhẹ dáng tâm bình
Trải tháng năm dài vẫn đẹp xinh
Nở tím hoa tầng vươn duỗi đọt
Dàn xanh lá cuộn trỗ chan tình
La cà thế sự trường lưu thủy
Cảm ứng nhân thời cõi hiện sinh
Trỗi khúc ca thầm trong lẳng lặng
Màn thiên cổ lụy nhắc riêng mình.

Mai Thắng
200915

★ Bài xướng của Thanh Trương

PHẬN HOA LỤC BÌNH
-/-
Bèo dạt hoa trôi, phận lục bình
Bốn mùa qua lại, vẫn còn xinh
Ao hồ lắng đọng, vui dân dã
Rạch nước rong chơi, tỏa dáng mình
Sáu cánh mong manh luôn thắm sắc
Một thân cằn cỗi mãi vô tình
Thương em xin để thân phiêu dạt
Sớm nắng chiều mưa, kiếp hiện sinh.

Thanh Trương

★ Bài họa của Tâm Thành

HOA LỤC BÌNH
-/-
Buông xuôi dòng chảy cảnh thanh bình
Hoa tím phơi bày nét đẹp xinh
Lặn lội ao hồ cho cách sống
Bôn ba sông rạch chỉ riêng mình
Quanh năm lững thững cùng mây nước
Suốt tháng lênh đênh với sóng tình
Sắc thắm tươi vui đầy mến cảm
Kết bè trôi nổi tự mưu sinh.

Tâm Thành

Nghĩ Mông … Mông

<D.619><Tình Quê>



NGHĨ MÔNG … MÔNG

Lăn vùi những lượt té chòng mông
Ngẫm đến mà ê mảnh ruộng trồng
Nắng đổ cày nung phơi dưỡng mặt
Mưa chờ đất trở lại nằm không
Triền miên xót cảnh thời gieo mạ
Trễ nải vào ngâu nước chụp đồng
Cảm cuộc trần treo đầy tắc nghẽn
Xin trời đánh giạt chuỗi mù đông.

Mai Thắng
200914

★ Bài xướng của Nguyễn Mạnh Tiến

1. MÌNH EM CHỊU

Mải đợi ai cầy chỗ dốc mông
Chàng đi biệt xứ chẳng vun trồng
Trăng già hẳn sẽ thường mong có …
Ruộng ngấu sao đành vẫn để không …
Mấy gã tòm tem đòi hợp thửa
Vài tay tán tỉnh buộc gom đồng
Âm thầm nhớ bữa mình em chịu
Nhỡ buổi anh về khéo chợ đông.

2. KHIẾP VÌ ĐÔNG 

– nđt

Ta về giữa dịp tết người Mông
Rảnh rỗi cùng vui hội múa cồng
Nũng nịu Lan cười đây hỏi có …
Mơ màng Điệp cãi tớ thề không …
chòm trên tấp nập đang dồn thửa
Bản dưới vòng vo cũng nhập đồng
Thấp thỏm môi kề em đã chịu
Nhưng mà vẫn thẹn , khiếp vì đông

08/09/2020- H V

Phòng dịch Vũ Hán

<D.618~Mùa Dịch>



PHÒNG DỊCH VŨ HÁN

Đóng cửa hầu mong đạt chữ toàn
Ngăn thằng dịch xổ phát bùng lan
Niềm vui chính trực trong quần thể
Sức khỏe đầu tiên giữa đại ngàn
Muốn giữ tồn sinh cần phải chịu
Bươi quào cuộc sống hãi dần tan
Đời trăm vạn lẽ luôn cào cấu
Chớ nghĩ rằng hay để vịnh nhàn.

Mai Thắng
200914

★ Bài xướng của Đức Hạnh

PHÒNG LÂY NHIỄM COVID-19

Phòng lây, đóng cửa giữ an toàn
Quyết liệt ngăn ngừa khỏi nhiễm lan
Nhập cảnh người qua phiền lũ Vít
Trừ căn dịch trở, thắm non ngàn
Đoàn quân mạnh mẽ vi trùng tẩu
Mãnh lực oai hùng khuẩn Hán tan
Bác sĩ quên mình trong hiểm họa…
Toàn dân cảm động những Thiên Thần!

Đức Hạnh
06 09 2020

Gió vượt ngưỡng song

<D.617><Thời Tiết-Khí Hậu>



GIÓ VƯỢT NGƯỠNG SONG

Gió ẩn chen mành vượt ngưỡng song
Vào xoa nhiễu sự chốn thư phòng
Giường đơn dễ nhận niềm thân thiết
Gối lẻ nhu cầu chuyện rỗng không
Đợi ánh trăng tàn nghiêng ổn lão
Chờ năm tháng lụn vững an lòng
Mơ màng giấc điệp đời xoay chuyển
Những mảnh tâm tình cạn ước mong.

Mai Thắng
200912

★ Bài xướng của Sông Thu

NỖI NIỀM ĐÊM TRĂNG

Trăng khuya nhè nhẹ lách qua song
Ánh bạc lung linh trải khắp phòng
Trống rỗng giường đôi, chăn gối lạnh
Âm thầm bóng chiếc, tách trà không
Trang thơ khắc khoải dòng nhung nhớ
Nhật ký hoen nhòa lệ đợi mong
Tiếng lá khẽ khàng rơi trước cửa
Đêm dài cô quạnh đến se lòng.

Sông Thu
(03/09/2020)

Chiết Tự Thy Lệ Trang

<D.616~Xã Hội> 



CHIẾT TỰ THY LỆ TRANG

Nàng THY bất chợt bỗng ơ hờ
L lụy cảnh quê nghèo rớt cõi mơ
E én liệng chiều buông đầy dãy ảo
T triều lên biển gợn ánh sao mờ
R rong vòng nội phố tìm nho nhã
A án giữ bên đàng chạnh ngẩn ngơ
N ngõ dạo nhìn thu tràn cảm xúc
G ghìm rơi rụng lá vững tâm chờ.

Mai Thắng
200911

--------------------
★ Bài xướng của Thy Lệ Trang
(Thể chiết tự)

NGẨN NGƠ

Nét bút LỆ TRANG chợt hững hờ
Đêm về Lành lạnh lối vào mơ
Bên tai Êm ái lời ru nhẹ
Ngoài ngõ Thênh thang bóng nguyệt mờ
Nhạn vẫn Rong chơi miền ấm áp
Người vừa An nghỉ chốn hoang sơ
Và em Ngỡ lạc nơi rừng vắng
Khản tiếng Gọi hoài trong ngẩn ngơ!

Thy Lệ Trang  

14 tháng 9 2020

Thơ Đường

<N.01~Nghiên Cứu Thơ Đường>

Thác Pongour Dalat

THƠ ĐƯỜNG 

★★★

1. KHÁI NIỆM  
    1.1. Khái niệm về thơ
    1.2. Lịch sử thơ Đường
    1.3. Thơ Đường thời nay
    1.4. Các định nghĩa
2. LUẬT THƠ ĐƯỜNG
    
2.1. Nguyên tắc thể loại
    2.2. Nguyên tắc bố cục
    2.3. Nguyên tắc niêm
    2.4. Nguyên tắc vần    
    2.5. Nguyên tắc đối
    2.6. Các phụ lục
3. THỂ THƠ BIẾN THỂ
    3.1. Chính thể và Biến thể
    3.2. Biến thể số từ
        3.2.1. Thể ngũ ngôn
        3.2.2. Thể lục ngôn
        3.2.3. Thể yết hậu
    3.3. Biến thể số câu
        3.3.1. Thể tứ tuyệt
        3.3.2. Thể gia cú
        3.3.3. Thể liên hoàn
    3.4. Biến thể thanh điệu 
        3.4.1. Thể bất luận
        3.4.2. Thể trốn vần
        3.4.3. Thể khoán thủ
        3.4.4. Thể mỹ thanh
4. PHÉP XƯỚNG HỌA
    4.1. Khái niệm về xướng họa
    4.2. Nguyên tắc xướng họa
    4.3. Ứng dụng mở rộng 
5. LỖI BỆNH THƠ ĐƯỜNG
    5.1. Vấn đề lỗi bệnh
    5.2. Phân loại và diễn giải
        5.2.1. Vi phạm nguyên tắc
        5.2.2. Biện pháp dùng từ   
        5.2.3. Biện pháp hài âm
    5.3. Biện pháp khắc phục
    5.4. Biện pháp áp dụng

★★★

1. KHÁI NIỆM


1.1. Khái niệm về thơ

        THƠ là một bài văn diễn tả ý tưởng bằng những câu văn cô đọng có tính chương khúc, tính vần điệu được trình bày theo những dạng thể cấu trúc nhất định gọi là BÀI THƠ.
        Thơ khởi nguồn từ ngôn ngữ giao tiếp của con người, biểu hiện bằng lời nói với những từ đơn giản tiến hóa thành những ngữ, những câu có ý nghĩa rõ ràng, có âm điệu tự phát; giai đoạn tiếp theo hình thành những câu nói, câu viết có tính chương khúc, tính vần điệu theo những nguyên tắc nhất định hình thành thể thơ, tiến dần đến bộ khung cấu trúc đặc trưng gọi là bài thơ.

 1.2. Lịch sử thơ Đường 

       Trung Quốc có một nền văn hóa sớm phát triển, thoạt đầu người Trung Quốc đã lưu hành một loại hình văn học tiếng Hán cổ với một hình thức ca từ tự do chưa có quy luật nhất định gọi là thơ cổ thể. Đến thời Nhà Đường (618-907), các thi nhân biên soạn lại các nguyên tắc hình thành bộ khung cấu trúc nhất định của bài thơ, gọi là thơ cận thể. Thơ cận thể phát triển rực rỡ và gọi là Đường thi.
        Quá trình du nhập vào Việt Nam từ thời Nhà Trần (1225-1400), Đường thi gọi theo tiếng Việt là thơ Đường. Trải qua nhiều thăng trầm, thơ Đường phát triển và giữ nguyên cấu trúc buổi ban đầu cho tới ngày nay, dựa vào bộ khung cấu trúc có giá trị bền vững và thu hút. 
        Ngay từ lúc ra đời ở thế kỷ thứ 7, nét tinh hoa kiên cố, cân xứng và nguy nga của bài thơ Đường vẫn giữ nguyên giá trị qua các thời đại và lưu truyền cho tới hiện nay. 

1.3. Thơ Đường thời nay

        Ngày nay với những kỹ năng tiện nghi và hiện đại của thời kỹ thuật số, người chơi thơ vẫn giữ nguyên luật thơ và phong cách diễn đạt ý tưởng của người xưa, nhưng đặc biệt có một số người chơi chú trọng nhiều hơn về biện pháp nâng cao cách dùng từ biểu đạt tính hài âm cao, tạo cảm giác êm tai cho bài thơ.

1.4. Định nghĩa từ dùng


★★★

2. LUẬT THƠ ĐƯỜNG

 
       Luật thơ là toàn bộ các nguyên tắc hình thành dạng thể và các thuộc tính căn bản của bài thơ;
        Dạng thể căn bản của bài thơ hình thành bằng 2 nguyên tắc: 1) nguyên tắc thể loại hình thành bộ khung cấu trúc tổng thể; 2) nguyên tắc bố cục hình thành bộ phận phân đoạn chức năng. Các thuộc tính căn bản của bài thơ hình thành bằng 3 nguyên tắc: 3) nguyên tắc niêm hình thành tính ổn định; 4) nguyên tắc vần hình thành tính vần điệu; 5) nguyên tắc đối hình thành tính biểu cảm;
        Bài thơ theo đúng quy định chuẩn của 5 nguyên tắc căn bản gọi là bài thơ chính thể.
        Các nguyên tắc căn bản được trình bày thống nhất theo 3 nội dung: 1) Mục đích và đối tượng; 2) Quy định chuẩn; 3) Quy định mở rộng.

 2.1. Nguyên tắc Thể loại

        2.1.1. Mục đích và đối tượng: 
        Mục đích của nguyên tắc thể loại là hình thành dạng thể bộ khung cấu trúc tổng thể của bài thơ thể hiện bằng thể thơ và luật bằng trắc của bài thơ, căn cứ đối tượng "Từ hoạt động ở tất cả vị trí" của bài thơ.

        2.1.2. Quy định chuẩn: 
            a) Thể thơ của bài thơ Đường hình thành theo yếu tố số lượng: (-) số tổng từ của câu thơ là 7 từ; (-) số tổng câu của bài thơ là 8 câu; (-) số tổng từ của bài thơ là 7x8 = 56 từ khác nhau về chữ viết; (xem Mục 2.6. ~ Phụ lục 1)  
            b) Luật bằng trắc của bài thơ Đường là sự kết hợp 2 thanh điệu bằng trắc của từ của bộ niêm và bộ vần hình thành 4 hệ quả dạng thể niêm-vần của bài thơ: (-) Bài thơ Niêm Bằng Vần Bằng, (-) Bài thơ Niêm Bằng Vần Trắc; (-) Bài thơ Niêm Trắc Vần Bằng, (-) Bài thơ Niêm Trắc Vần Trắc; (xem Mục 2.6. ~ Phụ lục 2) 

        2.1.3. Quy định mở:
            Việc điều chỉnh các yếu tố số lượng và yếu tố thanh điệu của bài thơ chính thể sẽ hình thành 3 loại hình bài thơ biến thể: (-) biến thể số từ, (-) biến thể số câu và (-) biến thể thanh điệu. Mỗi loại hình biến thể hình thành một số thể thơ nhất định. 
        Đối với trường hợp biến thể thanh điệu của thể bất luận, điều kiện đặt ra là: từ đáng là từ bằng mà đổi ra từ trắc, ở vị trí thứ 3 của câu vần hoặc vị trí thứ 5 của câu không vần, sẽ gây cảm giác khó nghe và gọi là “khổ độc”. (Chương 3 - Thể thơ biến thể)

2.2. Nguyên tắc Bố cục

        2.2.1. Mục đích và đối tượng:
        Mục đích của nguyên tắc bố cục là hình thành dạng thể bộ phận cấu trúc phân đoạn chức năng của bài thơ, căn cứ đối tượng "Từ tổ hợp thành cặp câu bố cục" của bài thơ.

        2.2.2. Quy định chuẩn: 
        Bài thơ được phân đoạn thành 4 cặp câu bố cục gắn liền với tên gọi, vị trí và chức năng:
            a) Cặp đề: cặp câu 1-2, chức năng giới thiệu và trình bày chủ đề của bài thơ; 
            b) Cặp thực: cặp câu 3-4, chức năng trình bày phần thực trạng của chủ đề; 
            c) Cặp luận: cặp câu 5-6, chức năng trình bày mở rộng thực trạng của chủ đề; 
            d) Cặp kết: cặp câu 7-8, chức năng trình bày kết thúc ý tưởng của chủ đề.

        2.2.3. Quy định mở: 
        Từ được dùng trong cặp thực và cặp luận không được dùng làm tên bài thơ, vi phạm gọi là lỗi Phạm đề. Quy định này được dùng trong nền thi cử trước đây.

2.3. Nguyên tắc Niêm

       2.3.1. Mục đích và đối tượng:
        Mục đích của nguyên tắc niêm là hình thành một thuộc tính giữ vai trò ổn định tính cấu trúc của thể thơ, căn cứ đối tượng “Từ tổ hợp thành bộ niêm xếp ở vị trí cột từ thứ 1 đến thứ 6" của bài thơ.

        2.3.2. Quy định chuẩn: 
           a) Niêm là những cặp từ xếp theo 2 phương ngang và dọc của bài thơ: (-) theo phương ngang gọi là cặp từ niêm, xếp ở 3 vị trí cặp từ: 1-2, 3-4, 5-6; (-) theo phương dọc gọi là cặp câu nêm, xếp ở 4 vị trí các cặp câu: 1-8, 2-3, 4-5 và 6-7;
            b) Tính chất chung của niêm là từ chung cặp thì đồng thanh, 2 cặp từ liền kề thì đối thanh; có một ngoại lệ là cột từ niêm thứ 5 thì luôn phụ thuộc và đối thanh với cột từ vần (cột từ thứ 7) nên cặp từ niêm 5-6 luôn biến đổi là đồng thanh hay đối thanh;
            c) Niêm chủ là từ đại diện bộ niêm đặt ở vị trí từ thứ 2 câu 1. Niêm chủ hình thành bộ niêm căn cứ quy định chuẩn của nguyên tắc niêm.

        2.3.3. Quy định mở :
            Các từ niêm ở vị trí từ thứ 2, thứ 4, thứ 6 gọi là các từ niêm trọng yếu; sự tương quan của từ niêm trọng yếu thứ 2, thứ 4 với từ vần thứ 7 hình thành tiết điệu 2-2-3 của câu thơ và cũng là yếu tố cơ sở hài âm của câu thơ (Chương 5. Lỗi bệnh thơ Đường, Tiểu mục 5.2.3. ~ Biện pháp hài âm).          

2.4. Nguyên tắc Vần

       2.4.1. Mục đích và đối tượng:
        Mục đích của nguyên tắc vần là hình thành một thuộc tính giữ vai trò liên thông tính vần điệu của bài thơ, căn cứ đối tượng "Từ tổ hợp thành bộ vần xếp ở vị trí cột từ thứ 7" của bài thơ.

        2.4.2. Quy định chuẩn: 
            a) Vần chính: là các từ vần của các câu thứ 1, 2, 4, 6, 8; đó là các từ đồng vần cái, đồng thanh điệu bằng hay trắc; câu mang vần chính gọi là câu vần;
            b) Vần tự do: là các từ vần của các câu thứ 3, 5, 7; có vần cái tự do và đối thanh điệu với vần chính; câu mang vần tự do gọi là câu không vần;
            c) Vần chủ: là từ đại diện bộ vần, ở vị trí câu 1. Vần chủ hình thành bộ vần căn cứ quy định chuẩn của nguyên tắc vần.

         2.4.3. Quy định mở: 
             a) Sự tương quan của từ vần với từ niêm trọng yếu thứ 2, thứ 4 hình thành tiết điệu 2-2-3 của câu thơ và cũng là yếu tố cơ sở hài âm của câu thơ (Mục 2.3. Nguyên tắc niêm, Tiểu mục 2.3.4.); 
             b) Tiêu chuẩn giá trị của bộ vần: (-)  loại vần căn bản là vần chính vận, (-) cách bố trí căn bản của bộ vần là các vần liền kề hoặc liên tiếp cùng loại thanh bằng hay trắc thì phải khác dấu thanh.

 2.5. Nguyên tắc Đối

        2.5.1. Mục đích và đối tượng:
        Mục đích của nguyên tắc đối là hình thành một thuộc tính giữ vai trò biểu đạt tính cân xứng từ của bài thơ, căn cứ đối tượng  “Từ tổ hợp thành cặp câu đối (hay cặp đối) là cặp thực và cặp luận"của bài thơ. Mỗi cặp đối có 2 vế đối, mỗi vế đối gồm các từ đối.

        2.5.2. Quy định chuẩn
        Các từ đối của 2 vế đối phải được xếp tương ứng trong vế đối và phải cân xứng từ (còn gọi là đối nhau) về các mặt:l
            a) Từ loại, gọi là đối từ, là sự phân loại từ đối theo lớp từ vựng (thực từ, hư từ, ...), và cấu tạo từ (từ đơn, từ ghép, từ nguyên); 
            b) Âm tiết, gọi là đối âm, là sự cân bằng 2 thanh điệu bằng trắc, gọi là đối nhau của các từ đối tương ứng; 
            c) Ý nghĩa, gọi là đối ý, là sự phù hợp ngữ cảnh chủ đề, được diễn tả bằng các sự: đồng nghĩa, trái nghĩa, bổ sung, hỗ tương, … của các từ đối tương ứng.

        2.5.3. Quy định mở: 
        Các vế đối có thể điều chỉnh vị trí của các từ đối tương ứng theo quy định cụ thể:
            aGiao cổ đối: là điều chỉnh chia mỗi vế đối thành 2 tiểu vế đối 3 từ và tiểu vế đối 4 từ, đặt ở 2 vị trí trái ngược nhau trong cặp đối sao cho tiểu vế đối 3 từ đối với tiểu vế đối 3 từ, tiểu vế đối 4 từ đối với tiểu vế đối 4 từ, còn gọi là phép đối chéo
            bGiao duyên đối: là điều chỉnh đảo ngược thứ tự các từ đối tương ứng sao cho từ đối thứ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 của vế trên đối với từ đối thứ 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 của vế dưới, còn gọi là phép đối đảo. 

2.6. Các phụ lục

        2.6.1. Phụ lục 1. Minh họa sơ đồ cấu trúc tổng thể bài thơ Đường


SM

1

2

3

4

5

6

7

Bố cục

Đối

1

n

N

n

n

n

n

V

Cặp đề

Thường

2

n

n

n

n

n

n

V

3

n

n

n

n

n

n

v

Cặp thực

Đối

4

n

n

n

n

n

n

V

5

n

n

n

n

n

n

v

Cặp luận

Đối

6

n

n

n

n

n

n

V

7

n

n

n

n

n

n

v

Cặp kết

Thường

8

n

n

n

n

n

n

V


        *Ghi chú:
        - Niêm (n): ô nền màu xanh, 2 loại xanh tượng trưng 2 loại thanh điệu bằng trắc đối nhau, chữ viết hoa (N) là niêm chủ;
        - Vần (v): ô nền màu đỏ, chữ viết thường (v) là vần tự do, viết hoa (V) là vần chính và có gạch đít (V) là vần chủ. 

        2.6.2. Phụ lục 2. Minh họa 4 sơ đồ cấu trúc Luật bằng trắc của bài thơ chính thể


 

1

2

3

4

5

6

7

1

2

3

4

5

6

7

1

b

b

t

t

t

b

B

N

b

b

t

t

b

b

T

2

t

t

b

b

t

t

B

I

t

t

b

b

b

t

T

3

t

t

b

b

b

t

t

Ê

t

t

b

b

t

t

b

4

b

b

t

t

t

b

B

M

b

b

t

t

b

b

T

5

b

b

t

t

b

b

t

B

b

b

t

t

t

b

b

6

t

t

b

b

t

t

B

t

t

b

b

b

t

T

7

t

t

b

b

b

t

t

N

t

t

b

b

t

t

b

8

b

b

t

t

t

b

B

G

b

b

t

t

b

b

T

 

V

N

B

N

G

 

V

N

T

R

C

1

t

t

b

b

t

t

B

N

t

t

b

b

b

t

T

2

b

b

t

t

t

b

B

I

b

b

t

t

b

b

T

3

b

b

t

t

b

b

t

Ê

b

b

t

t

t

b

b

4

t

t

b

b

t

t

B

M

t

t

b

b

b

t

T

5

t

t

b

b

b

t

t

T

t

t

b

b

t

t

b

6

b

b

t

t

t

b

B

R

b

b

t

t

b

b

T

7

b

b

t

t

b

b

t

b

b

t

t

t

b

b

8

t

t

b

b

t

t

B

C

t

t

b

b

b

t

T


        *Ghi chú:
        - Chữ viết: b, B = từ bằng; t, T = từ trắc; viết hoa chỉ bộ vần chính
        - Màu nền: niêm → xanh; vần → đỏ nhạt;

★★★

3. THỂ THƠ BIẾN THỂ


3.1. Chính thể và biến thể

        3.1.1. Bài thơ chính thể là bài thơ áp dụng đúng quy định chuẩn của các nguyên tắc căn bản hình thành bài thơ;

        3.1.2. Bài thơ biến thể là bài thơ áp dụng có điều chỉnh yếu tố thể loại của nguyên tắc thể loại của bài thơ chính thể theo quy định cụ thể:
            a) Việc điều chỉnh các yếu tố thể loại hình thành 3 loại hình biến thể: biến thể số từ, biến thể số câu và biến thể thanh điệu; mỗi loại hình có một số thể thơ nhất định; 
            b) Khi đã hình thành, thể thơ biến thể vẫn có tính năng của thể thơ chính thể, tức là có thể áp dụng thêm một hay nhiều dạng biến thể khác; ví dụ như bài thơ ngũ ngôn (biến thể số từ), vẫn có thể có dạng tứ tuyệt (biến thể số câu), hoặc theo thể bất luận (biến thể thanh điệu) và cũng có thể tổ hợp theo thể liên hoàn (biến thể số câu đặc biêt) hay điều chỉnh dấu thanh  theo thể mỹ thanh (biến thể thanh điệu đặc biệt, v.v…);
        Thể thơ biến thể được ghi nhận và trình bày theo 3 nội dung: (-) Chỉ tiêu điều chỉnh, (-) Cách điều chỉnh cấu trúc bài thơ, (-) Các hệ quả hoạt động nếu có.

3.2. Biến thể số từ

        Biến thể số từ là điều chỉnh giảm số từ của câu thơ của bài thơ chính thể;
        Cách điều chỉnh cấu trúc bài thơ là giảm số từ đúng theo quy định cụ thể;
        Biến thể số từ hình thành 3 dạng thể: thể ngũ ngôn, thể lục ngôn và thể yết hậu:

        3.2.1. Thể ngũ ngôn
        Là một dạng thể thơ quy định số từ của câu thơ là 5 từ.
        Cách điều chỉnh cấu trúc bài thơ là cắt giảm 2 cột từ đầu (cột từ thứ 1, cột từ thứ 2) của mỗi câu thơ.
        Thể ngũ ngôn được xem như là thể 
giản lược 2 từ đầu câu thơ của thể thất ngôn. 

        3.2.2. Thể lục ngôn
        Là một dạng thể thơ quy định số từ trong câu thơ là 6 từ.
        Cách điều chỉnh cấu trúc câu thơ là cắt giảm từ thứ 5 của mỗi câu thơ, các cấu trúc còn lại giữ nguyên theo bài thơ chính thể.
        Bài thơ lục ngôn có thể có thuần câu 6 từ, hay chỉ xen kẽ một số câu 6 từ vào các câu 7 từ của bài thơ chính thể; cần lưu ý nếu áp dụng cho các cặp đối thì phải bảo đảm sự cân xứng từ của vế đối.

        3.2.3. Thể yết hậu
        Là một dạng thể thơ quy định số từ của câu thơ cuối là 1 từ.
        Cách điều chỉnh là cắt giảm các từ của câu thơ cuối chỉ chừa lại 1 từ là vần thơ, các cấu trúc còn lại giữ nguyên so với bài thơ chính thể.
        Thể thơ yết hậu có thể áp dụng cho tất cả các dạng thể bài thơ có các loai câu 5 từ, 6 từ, 7 từ.

3.3. Biến thể số câu

        Biến thể số câu là điều chỉnh giảm hay tăng số câu của bài thơ chính thể;
        Cách điều chỉnh cấu trúc của thể thơ áp dụng các biện pháp thích hợp căn cứ vào quy định cụ thể.
        Biến thể số câu hình thành 2 dạng thể: thể tứ tuyệt, thể gia cú, và 1 dạng thể đặc biệt là thể liên hoàn:

        3.3.1. Thể tứ tuyệt
        Là một dạng thể thơ quy định số câu của bài thơ là 4 câu.
        Cách điều chỉnh cấu trúc thể thơ tứ tuyệt là cắt bỏ và giữ lại từng 2 cặp câu bố cục liền kề, thứ tự từ trên xuống dưới; cụ thể bài thơ có số câu còn lại là (1,2,3,4), (3,4,5,6), (5,6,7,8), (1,2,7,8), cấu trúc các cặp câu này giữ nguyên theo bài thơ chính thể.
        Các yếu tố hoạt động khác: 1) nếu câu thơ chính thể có đối thì có thể áp dụng đối hay không; 2) được kết hợp thành một tổ hợp gọi là thể trường thiên tứ tuyệt với số lượng khổ thơ bất kỳ.

        3.3.2. Thể gia cú 
        Là một dạng thể thơ quy định gia tăng từng 2 cặp câu thực và luận vào bài thơ với số lượng bất kỳ;
        Cách điều chỉnh cấu trúc bài thơ là gia tăng từng cặp câu thực và luận (4 câu) theo quy định cụ thể vào vị trí nối tiếp cặp luận của thể thơ chính thể;
        Các yếu tố hoạt động khác là điều chỉnh hài hòa chức năng biểu đạt giữa thực và luận cho phù hợp.

        3.3.3. Thể liên hoàn
        Là một dạng thể thơ biến thể số câu đặc biệt, nhằm điều chỉnh mở rộng bài thơ chính thể thành một tổ hợp bài thơ theo quy định;
        Cách điều chỉnh cấu trúc của thể thơ là áp dụng theo quy định cụ thêr về số lượng và mối liên kết hình thành thể thơ biến thể
        Cách trình bày theo 3 tiêu chí: (-) số lượng bài thơ, (-) mối liên kết giữa các bài thơ, và (-) tương quan của bộ vần chính:

            a) Thể liên hoàn vận
        Số tổng bài thơ là 2;
        Mối liên kết như 2 bài thơ bình thường;
        Cấu trúc bộ vần chính của bài thơ nối tiếp là bộ vần chính đảo ngược thứ tự của bài thơ đầu.

            b) Thể thuận nghịch độc
        Số tổng bài thơ là 2: gọi là bài thơ thuận và bài thơ nghịch,
        Mối liên kết là sự đảo ngược thứ tự của số từ trong mỗi câu thơ và số câu trong mỗi bài thơ của bài thơ sau so với bài thơ trước;
        Cấu trúc bộ vần chính của 2 bài thơ gieo bình thường.

            c) Thể xa luân ngũ bộ
        Số tổng bài thơ là 5;
        Mối liên kết là 5 câu vần sẽ làm 5 câu mở đề của 5 bài thơ trong tổ hợp;
        Cấu trúc bộ vần chính của thể thơ áp dụng vần chủ theo quy định, các vần còn lại của từng bài gieo xoay vòng theo thứ tự của bài đầu.

            d) Thể lộc lư ngũ bộ
        Số tổng bài thơ là 5;
        Mối liên kết là 5 vần chính của bài đầu sẽ làm 5 vần chủ của 5 bài thơ trong tổ hợp;
        Cấu trúc bộ vần chính của từng bài có vần chủ theo quy định, các vần còn lại gieo đủ số vần của bộ vần chính.

           e) Thể liên hoàn thức
        Số tổng bài thơ bất kỳ;
        Mối liên kết là dùng câu 8 của bài thơ trước làm câu 1 của bài thơ nối tiếp;
        Cấu trúc bộ vần chính của mỗi bài thơ nối tiếp là bộ vần đảo ngược thứ tự của bài thơ trước.

            f) Thể ô thước kiều
        Số tổng bài thơ bất kỳ (thường thấy là 10);
        Mối liên kết là dùng vài từ của câu 8 của bài thơ trước đưa vào gợi mở đề cho câu 1 của bài thơ nối tiếp;
        Cấu trúc bộ vần chính của mỗi bài thơ gieo bình thường.

3.4. Biến thể thanh điệu

        Biến thể thanh điệu là điều chỉnh thanh điệu của từ ở các vị trí quy định;
    
    
Cách điều chỉnh cấu trúc câu thơ là hoán đổi thanh điệu bằng trắc của
từ: ở các vị trí và thỏa điều kiện quy định cụ thể;
    
    
Biến thể thanh điệu hình thành 4 dạng thể: thể bất luận, thể trốn vần, thể khoán thủ, thể mỹ thanh.

        3.4.1. Thể bất luận
        Là một dạng thể thơ được phép hoán đổi thanh điệu bằng trắc của các từ ở vị trí cột từ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 của bài thơ chính thể;
        Cách điều chỉnh cấu trúc của bài thơ biến thể là hoán đổi hay không thanh điệu bằng trắc cho các từ có yêu cầu ở các vị trí quy định.        
        Bài thơ chính thể vốn là một hệ cấu trúc hài hòa nên việc điều chỉnh thanh điệu của 1 từ bất kỳ có thể gây xáo trộn cho vấn đề hài âm. Tùy thuộc yếu tố vị trí và mối liên hệ của từ điều chỉnh mà hệ quả hài âm có mức độ ảnh hưởng khác nhau: (-) ở vị trí cột từ thứ 1, từ điều chỉnh nằm trong phạm vi cặp từ niêm đồng thanh, hệ quả hài âm gây ảnh hưởng không đáng kể nên thường được dùng làm thể khoán thủ; (-) ở vị trí cột từ thứ 3, từ điều chỉnh nằm giữa 2 cặp từ niêm đối thanh nên hệ quả hài âm có trường hợp gây ảnh hưởng nặng hơn; và (-) ở vị trí cột từ thứ 5, từ điều chỉnh biến đổi theo từ vần khác quy luật với từ niêm nên hệ quả hài âm gây có trường hợp ảnh hưởng rất nặng nề. Với 2 vị trí cột từ thứ 3 và thứ 5 này, quan niệm lỗi bệnh gọi đó là lỗi “khổ độc”, có trường hợp rất là khó nghe, khi từ đáng là từ bằng lại hoán đổi thành từ trắc ở cột từ thứ 3 của câu vần hoặc ở cột từ thứ 5 của câu không vần.

        3.4.2. Thể trốn vần
        Là một thể thơ quy định hoán đổi thanh điệu vần chủ của bài thơ;
        Cách điều chỉnh cấu trúc của bài thơ biến thể là hoán đổi thanh điệu của vần chủ, đồng thời với vần phụ tương ứng ở vị trí từ thứ 5 câu 1; các cấu trúc còn lại giữ nguyên như bài thơ chính thể
        Hệ quả hoạt động của bài thơ điều chỉnh là áp dụng thêm 1 phép đối trực tiếp cho cặp đề của bài thơ biến thể.

        3.4.3. Thể khoán thủ 
        Là một dạng thể thơ biến thể thanh điệu đặc biệt của thể bất luận, quy định các từ đầu câu (từ thứ 1) gọi là từ thủ phải theo đúng tổ hợp từ quy định sẵn gọi là từ khoán thủ của thể thơ.
        Cách điều chỉnh cấu trúc của thể thơ biến thể là lắp đặt các từ khoán thủ vào vị trí cột từ thủ (cột từ thứ 1) của thể thơ chính thể.
        Thể thơ khoán thủ có các loại hình cụ thể như sau:

            1) Thể thủ nhất tự
        Tổ hợp từ khoán thủ là 1 từ duy nhất được quy định dùng làm 8 từ thủ của bài thơ biến thể.

            2 Thể áp cú
        Tổ hợp từ khoán thủ là các từ vần của bài thơ được quy định từ vần của câu trên thành từ thủ của câu dưới theo thứ tự câu của bài thơ biến thể.

            3) Thể dĩ đề di thủ
        Tổ hợp từ khoán thủ là những cụm từ được quy định dùng tất cả các từ của cụm từ làm thành các từ thủ theo thứ tự cho bài thơ biến thể.

            4) Thể tung hoành trục khoán 
        Tổ hợp từ khoán thủ là 1 cặp thơ thất ngôn được quy định có 2 áp dụng: 4a) dùng 7 từ của câu khoán 1 làm 7 từ thủ của 7 câu thứ tự từ 1 đến 7; 4b) dùng câu khoán 2 làm câu kết của bài thơ biến thể.

            5) Thể khoán thủ chiết tự
        Tổ hợp từ khoán thủ là 1 danh từ riêng được quy định dùng phép phân tích thành tố âm tiết của danh từ riêng thành các ký tự mẫu, để từ đó áp dụng cho mỗi ký tự mẫu thành 1 từ thủ có cùng phụ âm đầu cho bài thơ biến thể.

        3.4.4. Thể mỹ thanh
        Là một dạng thể thơ biến thể thanh điệu đặc biệt, nhằm sắp xếp dấu thanh theo quy định của thể mỹ thanh và không ảnh hưởng đến Luật bằng trắc của thể thơ chính thể.
        Cách điều chỉnh sắp xếp dấu thanh thuộc phạm vi thanh điệu bằng trắc của từ trong câu thơ theo quy định cụ thể; 
        Biến thể dấu thanh có 2 dạng thể: thể song thanh, thể ngũ độ thanh và 1 dạng thể đặc biệt xem như là một dạng thể kết hợp giữa thể bất luận và thể ngũ độ thanh gọi là thể mỹ lục thanh.

            1) Thể song thanh
        Là một dạng thể thơ sắp xếp dấu thanh của bài thơ chính thể theo quy định của thể song thanh là 2 từ liền kề trong 1 câu thơ phải đồng dấu thanh; 
        Cách điều chỉnh dấu thanh của bài thơ là phân nhóm câu thơ có 7 từ thành 2 loại nhóm từ: nhóm 2 từ (ký hiệu 2t) và nhóm 1 từ (ký hiệu 1t). Các nhóm từ kết hợp trong mỗi câu thơ hình thành 3 loại hệ nhóm từ: (-) hệ nhóm từ 1: [2t+2t+2t+1t]; (-) hệ nhóm từ 2: [2t+2t+1t+2t]; và (-) hệ nhóm từ 3: [2t+1t+2t+2t]. Quy định cụ thể cho các dấu thanh của các nhóm từ trong câu thơ là: (-) 2 từ liền kề cùng nhóm phải đồng dấu thanh; (-) 2 nhóm từ đồng thanh điệu liền kề hay cách nhau phải khác dấu thanh;
        Thể song thanh chú trọng về thể thức hài âm điệp thanh của câu thơ gây cảm giác êm tai khi nghe đọc hoặc ngâm thơ.

            2) Thể ngũ độ thanh
        Là một dạng thể thơ điều chỉnh sắp xếp dấu thanh của thể thơ chính thể theo quy định của thể ngũ độ thanh là các từ đồng thanh điệu trong câu thơ phải khác dấu thanh;
        Cách điều chỉnh dấu thanh của bài thơ là phân loại câu thơ thành 2 loại câu bằng và câu trắc: (-) câu bằng là câu có 4 từ bằng, 3 từ trắc; (-) câu trắc là câu có 4 từ trắc, 3 từ bằng. Quy định cụ thể về dấu thanh của câu thơ: (-) từ trắc có 4 dấu thanh trắc, phải áp dụng đủ 4 dấu thanh khác dấu vào câu trắc; (-) từ bằng có 2 dấu thanh bằng, được xếp trùng dấu vào câu bằng, nhưng phải xếp xen kẽ sao cho 2 từ bằng liền kề không được trùng dấu thanh;
       Thể ngũ độ thanh chú trọng thể thức hài âm hòa thanh của câu thơ, tạo cảm giác êm tai cao nhất khi nghe đọc hoặc ngâm thơ. 

            3) Thể mỹ lục thanh
        Là một dạng thể thơ hoán đổi thanh điệu và sắp xếp dấu thanh của thể thơ chính thể theo quy định của thể mỹ lục thanh, cụ thể là 8 câu thơ đều có đủ 4 từ trắc khác dấu thanh.     
        Cách điều chỉnh cấu trúc là trước hết phải biến thể chúng thành thể ngũ độ thanh (xem lại tiểu mục 2), tiếp theo hoán đổi 4 thanh bằng của từ thủ của câu bằng thành 4 thanh trắc khác dấu thanh với các từ trắc khác trong câu;
        Có thể xem như thể mỹ lục thanh là thể thơ kết hợp của 2 thể ngũ độ thanh và thể khoán thủ. 

★★★

5. PHÉP XƯỚNG HỌA


5.1. Khái niệm về xướng họa

        Khi có một bài thơ đã sáng tác xong, trình ra diễn đàn và được một số bài thơ khác trình đáp trả gọi là họa thơ. Bài thơ trình ra trước theo một thể thơ nhất định gọi là bài xướng, các bài thơ đáp trả tuân theo một số nguyên tắc gọi là bài họaĐây là một cách chơi đặc biệt của thơ Đường gọi là phép xướng họa.

5.2. Nguyên tắc xướng họa

        Có 4 nguyên tắc căn bản của phép xướng họa là:
        1) Bài họa phải theo đúng thể thơ mà bài xướng đã dùng;
        2) Bài họa phải theo đúng chủ đề của bài xướng đã diễn tả;
        3) Bài họa phải dùng bộ niêm đối vận với bộ niêm của bài xướng;
        4) Bài họa phải theo đúng bộ vần của bài xướng;

5.3. Ứng dụng mở rộng
       
        Nguyên tắc xướng họa có các hình thức ứng dụng mở rộng như sau:
        1) Về thể thơ: bài thơ không theo đúng thể thơ của bài xướng thì không phải là bài họa mà gọi là bài cảm tác;
        2) Về chủ đề: bài thơ theo không đúng chủ đề của bài xướng thì gọi là bài họa mượn vận hay tá vận;
        3) Về bộ niêm: gặp trường hợp bất khả kháng phải dùng bộ niêm đồng thanh điệu thì không được dùng trùng từ niêm thứ 6 của bài xướng, vi phạm điều này gọi là phạm lỗi khắc lục;
        4) Về bộ vần: bộ vần chính của bài họa có thể áp dụng 1 trong 3 hình thức như sau so với bộ vần chính của bài xướng:
            (-) Nếu đúng theo thứ tự vần thì gọi là họa y vận hay nguyên vận;
            (-) Nếu theo thứ tự đảo ngược vần thì gọi là họa đảo vận;
            (-) Nếu theo thứ tự hoán đổi vần bất kỳ thì gọi là họa hoán vận;
            (-) Nếu sai vần bất kỳ của bộ vần xướng thì gọi là họa lạc vận.
            (-) Có trường hợp đặc biệt thường được tổ chức trong các cuộc thi gọi là họa hạn vận, tức là họa theo bộ vần chính được ấn định sẳn.

★★★

5. LỖI BỆNH THƠ ĐƯỜNG


5.1. Vấn đề lỗi bệnh

        Thi đàn hiện hành lưu truyền quan niệm lỗi bệnh của thơ Đường, tất cả được liệt kê thành 12 lỗi và 8 bệnh: 
        - 12 Lỗi: (1) Thất vận/Lạc vận; (2) Thất luật; (3) Thất niêm; (4) Thất đối; (5) Khổ độc; (6) Điệp thanh; (7) Điệp điệu; (8) Điệp âm; (9) Trùng vận; (10) Trùng từ/điệp từ; (11) Trùng ý/Hiệp chưởng; (12) Phạm đề/Mạ đề;
        - 8 Bệnh: (1) Bình đầu; (2) Thượng vỹ; (3) Phong yêu; (4) Hạc tất; (5) Chánh nữu; (6) Bàng nữu; (7) Đại vận; (8) Tiểu vận;
        Với các nhận xét: ”Lỗi là những điều cấm kỵ của thơ, phạm lỗi sẽ dẫn tới sai hỏng bài thơ hoặc ý tứ; bệnh là yếu tố làm giảm tính thơ, mắc bệnh dẫn tới kém chất lượng bài thơ”. (tham khảo các tài liệu đăng trên google)

5.2. Phân loại và diễn giải

        Căn cứ vào các ghi nhận trên, phần trình bày sắp xếp lại thành 3 loại hình lỗi bệnh: 1) Vi phạm nguyên tắc; 2) Biện pháp dùng từ; 3) Biện pháp hài âm. 
        Mỗi loại hình trình bày thành 4 cột: cột 1) số thứ tự theo từng loại hình; cột 2) sắp xếp lại thứ tự đã áp dụng cho mã hiệu truyền thống của lỗi bệnh: lỗi = L (từ L1 đến L12), bệnh = B (từ B1 đến B8); cột 3) tên gọi của lỗi bệnh; cột 4) diễn giải nội dung chi tiết của lỗi bệnh.

        5.2.1. Loại hình 1: Vi phạm nguyên tắc

            a) Bảng phân loại và diễn giải lỗi bệnh Loại hình 1

Số

TT

Liệt kê

Tên gọi

Diễn giải

1

L1

Thất vận

Vi phạm quy định chuẩn của nguyên tắc vần đối với từ vần trong phạm vi của bộ vần

2

L2

Thất luật

Vi phạm quy định chuẩn (Luật bằng trắc) của nguyên tắc thể loại đối với từ trong bài thơ

3

L3

Thất niêm

Vi phạm quy định chuẩn của nguyên tắc niêm đối với từ niêm trong phạm vi của bộ niêm

4

L4

Thất đối

Vi phạm quy định chuẩn của nguyên tắc đối đối với các từ đối trong phạm vi các cặp đối

5

L5

Khổ độc

Vi phạm quy định mở của nguyên tắc thể loại, từ đáng là từ bằng mà đổi ra từ trắc, ở vị trí thứ 3 của câu vần hoặc vị trí thứ 5 của câu không vần

6

L12

Phạm đề

Vi phạm quy định mở của nguyên tắc bố cục khi từ đề bài bị trùng với từ dùng trong cặp thực, cặp luận (theo quy phạm của nền thi cử xưa)

            b) Nhận xét chung:
            Vi phạm nguyên tắc là áp dụng sai các quy định của nguyên tắc căn bản của Luật thơ. 
            Có 2 tình huống vi phạm: (-) Tình huống 1: Vi phạm do áp dụng sai các quy định chuẩn của các nguyên tắc căn bản, thuộc các lỗi bệnh L1, L2, L3, L4; (-) Tình huống 2: Vi phạm do áp dụng sai các quy định mở của các nguyên tắc căn bản, thuộc lỗi bệnh L5, L12.

        5.2.2. Loại hình 2: Biện pháp dùng từ

            a) Bảng phân loại và diễn giải lỗi bệnh Loại hình 2:

Số mã

Liệt kê

Tên gọi

Diễn giải

 

 

 

 

1

L9

Trùng vận

Trùng chữ viết của từ vần ở vị trí bất kỳ trong phạm vi bộ vần

2

L10

Trùng từ

Trùng chữ viết của từ ở vị trí bất kỳ trong bài thơ. Có 3 loại: 1) Trùng không chủ ý; 2) Trùng do từ đồng âm khác nghĩa; 3) Trùng do dùng biện pháp tu từ (có tên gọi là Điệp vần);

3

L11

Trùng ý

Trùng ý nghĩa của từ, cụm từ. Có 2 loại: 1) ở vị trí bất kỳ trong bài thơ; 2) nếu ở trong cặp đối thì có tên là Hiệp chưởng

4

L7

Điệp điệu

Trùng cách ngắt nhịp câu thơ có số lượng ≥ 4 câu liên tiếp

5

B1

Bình đầu

Trùng từ loại trong câu thơ có số lượng ≥ 4 câu liên tiếp, ở vị trí từ thứ 1 đến thứ 4

6

B2

Thượng vĩ

Trùng từ loại trong câu thơ có số lượng ≥ 4 câu liên tiếp, ở vị trí từ thứ 5 đến 7; (riêng ở vị trí từ thứ 5 thì có tên gọi là Phạm nhãn)


            b) Nhận xét chung:
            Dùng từ là biểu đạt tính biểu cảm của từ dùng trong bài thơ. Bài thơ gây ấn tượng tốt đẹp hay nhàm chán là do biện pháp dùng từ tác động vào cấu trúc bài thơ;
            Biện pháp dùng từ (từ, cụm từ, câu) thể hiện bằng các hình thức: chữ viết, ý nghĩa, tiết điệu và từ loại;
            Cấu trúc bài thơ quy định 2 yếu tố vị trí và số lượng là: (-) yếu tố vị trí quy định ở vị trí bất kỳ hay có quy định cụ thể trong bài thơ; (-) yếu tố số lượng quy định là số tổng câu bằng 4 câu trong bài thơ;

        5.2.3. Loại hình 3: Biện pháp hài âm

           a) Bảng phân loại và diễn giải lỗi bệnh Loại hình 3:

Số mã

Liệt kê

Tên gọi

Diễn giải

1

B3

Phong yêu

Trùng dấu thanh của từ niêm thứ 2 với từ vần thứ 7

2

B4

Hạc tấc

Trùng dấu thanh của từ niêm thứ 4 với từ vần thứ 7

3

L6

Điệp thanh

Trùng dấu thanh của từ, số tổng > 2 từ/câu, hoặc số tổng > 3 từ/cặp câu bố cục

4

B7

Tiểu vận

Trùng vần cái của từ niêm thứ 2 với từ vần thứ 7, hoặc từ niêm thứ 6

5

B8

Đại vận

Trùng vần cái của từ niêm thứ 4 với từ vần thứ 7

6

L8

Điệp âm

Trùng vần cái của từ, số tổng > 2 từ/câu, hoặc số tổng > 3 từ/cặp câu bố cục

7

B5

Chánh nữu

Trùng phụ âm đầu của từ, số lượng > 2 từ/câu bất kỳ

8

B6

Bàng nữu

Trùng phụ âm đầu của từ, số lượng >3 từ/cặp câu bố cục

 
            b) Nhận xét chung:
            Hài âm là tính biểu cảm về mặt âm thanh của từ dùng trong câu thơ. Câu thơ gây cảm giác êm tai hay khó nghe là do yếu tố âm tiết từ tác động vào cấu trúc câu thơ.
            Yếu tố âm tiết từ quy định là 3 bộ phận cấu trúc âm tiết của từ gồm: phụ âm đầu, vần (vần cái), thanh điệu;
            Cấu trúc câu thơ quy định là 2 yếu tố vị trí và số lượng: (-) yếu tố vị trí quy định mối tương quan của 2 từ niêm trọng yếu ở vị trí thứ 2, thứ 4 và từ vần ở vị trí thứ 7 trong câu thơ; và (-) yếu tố số lượng quy định số tổng không được vượt qua của câu thơ là 2 từ cho 1 câu bất kỳ, hoặc 3 từ cho 1 cặp câu bố cục;
           Việc tác động của các yếu tố âm tiết từ vào cấu trúc câu thơ tạo ra các hệ quả được trình bày tổng quát theo sơ đồ dưới đây:

Yếu tố

âm tiết từ

Cấu trúc câu thơ

Yếu tố vị trí

Yếu tố số lượng

 

Từ niêm thứ 2 với từ vần

Từ niêm thứ 4 với từ vần

số tổng >2 từ/câu   

số tổng >3 từ/cặp câu   

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

Phụ âm đầu

 

 

Chánh nữu

Bàng nữu

Vần

Tiểu vận

Đại vận

Điệp âm

Điệp âm

Thanh điệu

Phong yêu

Hạc tấc

Điệp thanh

Điệp thanh

 





 




5.3. Biện pháp khắc phục

        Các lỗi bệnh có những đặc tính chung của từng loại hình nên biện pháp khắc phục sẽ có các giải pháp chung cho từng loại hình:

        1) Loại hình 1: Dùng biện pháp sửa sai để áp dụng cho đúng quy định chuẩn hoặc quy định mở của nguyên tắc căn bản.

        2) Loại hình 2: Chọn giải pháp gây ấn tượng tốt đẹp thể hiện bằng các biện pháp: 2a) tránh trùng lắp từ, cụm từ về các hình thức thể hiên ở các vị trí quy định; và 2b) không vượt qua số tổng là 4 câu thơ áp dụng theo số lượng quy định cho bài thơ.

        3) Loại hình 3: Chọn giải pháp gây cảm giác êm tai thể hiện bằng biện pháp áp dụng cho các yếu tố âm tiết từ: 3a) tránh trùng lắp tại các yếu tố vị trí quy định; và 3b) không vượt qua số tổng của yếu tố số lượng quy định của câu thơ.

5.4. Biện pháp áp dụng

        Theo lẽ thường, các nguyên tắc căn bản hình thành luật thơ luôn tạo các bản sắc tốt đẹp, hài hòa cho bài thơ. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế, luôn xảy ra các trường hợp cố ý vi phạm hoặc áp dụng biện pháp đối kháng:

        1) Ở loại hình 1, việc vi phạm nguyên tắc là cố ý hay không thể khác được, thường được gọi là biện pháp phá cách;

        2) Ở loại hình 2, việc trùng lắp yếu tố vị trí hoặc vượt qua yếu tố số lượng, thường thuộc về việc áp dụng các biện pháp tu từ;

        3) Ở loại hình 3, việc trùng lắp yếu tố vị trí, hoặc vượt qua yếu tố số lượng thường do áp dụng các biện pháp hài âm nhịp chỏi.

        Tóm lại, việc áp dụng các trường hợp cố ý vi phạm hoặc các biện pháp đối kháng ở một mức độ, ngữ cảnh nào đó nhằm mục đích nhấn mạnh, làm cho nổi bật để gây sự chú ý đặc biệt, rất cần được quan sát kỹ để phán đoán các hệ quả cần thiết.