Nhãn

28 tháng 2 2019

Tiễn nhà thơ Minh Chiếu

<D.459~Tiễn Đưa>

Tiễn biệt nhà thơ MINH CHIẾU
(CLB Thơ ca Mây Hồng Cao Lãnh)
đã ra đi vĩnh viễn lúc 03:07 ngày 25/02/2019
tại thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp




THƠ TIỄN NGƯỜI THƠ

Xót tiễn nhà THƠ “BIỂN GỌI” rời
Mây Hồng “ĐỈNH HẸN” áng THƠ rơi
Đời THƠ “NỖI NHỚ” qua nhiều buổi
Khúc hội “DUYÊN THƠ” nhỏ ít lời
“NHẶT BÓNG HOÀNG HÔN” THƠ ráng lịm
“TÂM TÌNH CÂY BÚT” tiếng THƠ ngơi
“TRANG ĐỜI” viết ‘TUỔI THƠ 17”
Một “DẤU XƯA” THƠ “DÁNG ĐỨNG” người!

Diễm Thy - 190226
(Hội viên CLB thơ ca Mây Hồng)

* Ghi chú:
- Các từ viết chữ in hoa trong dấu ngoặc kép là tên các sáng tác của nhà thơ Minh Chiếu đăng trên Sen Đất Tháp và trong tập thơ "Nhặt bóng hoàng hôn"

- Riêng từ "THƠ" chỉ là nhấn mạnh cho lối chơi dùng điệp từ "THƠ" trong tất cả các câu thơ.

25 tháng 2 2019

C. Bể Dâu

<C.019><Điển tích văn học>

Đề tài: BỂ DÂU
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


        Thành ngữ Điển tích BỂ DÂU còn được nói thành DÂU BỂ, và là nói gọn lại của nhóm từ "Bãi Bể hoá Nương Dâu" dịch từ gốc Hán Việt là "Thương Hải Tang Điền 滄海桑田 ", có thể đão thành "Tang Điền Thương Hải", và trong văn chương văn học Việt Nam ta hay sử dụng từ "Thương Tang" hay "Tang Thương", như trong bài "Thăng Long Thành Hoài Cổ" của bà Huyện Thanh Quan :
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với TANG THƯƠNG.

        Điển tích nầy thường dùng để chỉ cảnh vật hoặc chuyện đời thay đổi một cách nhanh chóng, vô chừng, đến đổi không thể ngờ trước được, theo tích sau đây :
        Thái Bình Quảng Ký, quyển 60, theo Thần Tiên Truyện của Cát Hồng đời Tấn : Vào đời Hán Hiếu Hoàn Đế có hai tiên nhân, một người là Vương Viễn, tự là Phương Bình; một người là Ma Cô Tiên cô. Có một bận, Vương Phương Bình giáng lâm nhà bạn là Thái Kinh với một đoàn tuỳ tùng tiền hô hậu ủng thật rình rang và ngồi trên tiên xa do năm con rồng kéo đến. Nhưng khi vừa giáng xuống sân nhà thì tất cả tùy tùng đều biến mất, chỉ thấy Vương Viễn uy phong lẫm liệt như một vị tướng quân. Sau khi ra mắt người nhà Thái Kinh, Vương bèn ngẩn đầu lên không trung đưa tay ngoắt ra dấu cho người đi mời Ma Cô Tiên. Một lát sau, sứ giả từ không trung báo xuống : " Ma Cô Tiên Cô bảo rằng đã hơn năm trăm năm chưa gặp được tiên sinh, nhưng vì bận phải đi tuần du tiên đảo Bồng Lai, sẽ đến trong chốc lát". Vương khẻ gật đầu. Ngồi đợi trong giây lát, bỗng nghe trên không trung tiếng nhạc vang lừng, Ma Cô từ không trung giáng xuống với y trang rực rỡ, tóc mây buông dài trông như cô gái mười tám đôi mươi của thế gian. Sau khi cùng nhau hành lễ, Vương cho người nhà bày tiệc khoản đãi. Chỉ thấy toàn là các loại cây trái qua qủa được bưng lên trong các mâm chậu thật đẹp, mùi hương của trái cây ngào ngạt khắp phòng.

  
      Trong buổi tiệc, Ma Cô nói với Vương Viễn rằng :" Kể từ ngày đắc đạo và nhận lấy thiên mệnh tuần tra đến nay, cũng đã ba lần thấy Đông hải biến thành ruộng dâu. Mới vừa đây, khi tuần tra đảo Bồng Lai, thấy nước biển ở đây đã cạn đi một nửa, chắc biển lại muốn biến thành đất liền nữa rồi !".
        Vương Phương Bình Thở dài mà rằng :" Đúng vậy, các thánh nhân đều bảo, nước biển đang cạn dần, chắc không bao lâu nữa nơi ấy sẽ là nơi đầy rẫy cả bụi hồng trần !". Tiệc tan trong một ngày, nhưng ở thế gian đã là cả ngàn năm rồi, mới hay, không gian khác nhau thì thời gian cũng sẽ khác nhau. Trong mắt thần tiên chỉ một thoáng, nhưng ở thế gian thì bãi bể đã hoá nương dâu rồi .

Ma Cô Tiên và Vương Viễn

        
Điển tích TANG ĐIỀN THƯƠNG HẢI thường được nói gọn lại thành TANG THƯƠNG như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu :
Phong trần đến cả sơn khê,
TANG THƯƠNG đến cả hoa kia cỏ này.


        Hay lấy chữ đầu và chữ cuối mà nói thành TANG HẢI, như trong Truyện Từ Thức gặp Tiên :
Nguồn cơn biết ngỏ ai hay, 
 Giận cơ TANG HẢI trách ngày thiếu niên.

        Lắm lúc lại chỉ sử dụng một vế THƯƠNG HẢI mà thôi, như trong truyện Lưu Nữ Tướng :
Kìa đâu ngàn Sở bãi Tần,
Tưởng cơ THƯƠNG HẢI xoay vần kíp sao !

 

        Thương Hải Tang Điền còn được dịch thẳng ra tiếng Nôm là BÃI BỂ NƯƠNG DÂU, cũng trong Cung Oán của Nguyễn Gia Thiều :
    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
    Ai bày trò BÃI BỂ NƯƠNG DÂU ?

        Hay như trong bài Ai Tư Vãn của Công Chúa Ngọc Hân khóc vua Quang Trung :
 
Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy.
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu !
Phút giây BÃI BIỂN NƯƠNG DÂU,
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao ?

        Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du đã mở đầu bằng những câu:
 
Trăm năm trong cỏi người ta,
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc BỂ DÂU,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

        Và cụ đã đão ngược lại thành DÂU BỂ, khi cho Thúy Vân hỏi Kiều một cách thật vô tư đến ... đáng trách là :
Cơ trời DÂU BỂ đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình.
Cớ sao ngồi nhẫn tàn canh,
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây ?!

   
     Trong văn chương cận đại đã ít sử dụng điển tích văn học, nhưng khi đọc đến bài thơ Sông Lấp của ông tú Vị Xuyên Trần Tế Xương, nghe như có cái gì đó nghèn nghẹn cho sự TANG THƯƠNG BIẾN ĐỔI khi dòng sông Vị Hoàng của quê ông bị lấp, ông đã làm bài thơ với đầy vẻ ưu thời mẫn thế như sau :
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò !
Trần Tế Xương.
Đỗ Chiêu Đức

Em Gầy Như Liễu

<D.458~Thơ Văn>

"Em gầy như liễu trong thơ cổ

Anh bỏ trường thi lúc thịnh đường"
(Nguyên Sa)



EM GẦY NHƯ LIỄU

(Thể tung hoành trục khoán – cách cú đối)

EM vẫn chờ ai một góc đường
GẦY gò dáng nhỏ bến Tiêu Tương
NHƯ hồn lặng ngắt chiều hoang dã
LIỄU rủ hồ soi giặm má hường
TRONG bóng xa xăm miền khả ước
THƠ chằm mảnh vỡ vá trời sương
CỔ lai dẫn lối mòn thiên mệnh
ANH BỎ TRƯỜNG THI LÚC THỊNH ĐƯỜNG.

Mai Thắng - 190225

★ Bài xướng của Tường Vân

PHỐ CŨ CHIỀU SƯƠNG

EM lặng chờ ai cuối đoạn đường
GẦY mòn năm tháng cạn dòng tương
NHƯ màu mắt đợi phương trời vắng
LIỄU thẹn hoa ghen nhạt má hường
TRONG cõi người đi chiều gió lạnh
THƠ buồn chỉ rối tựa mành sương
CỔ nhân ơi hỡi về đâu tá..?
ANH BỎ TRƯỜNG THI LÚC THỊNH ĐƯỜNG

Tường Vân - 23/02/19

★ Bài hoạ của Ngọc Liên

CHIỀU TRÊN SÔNG TƯƠNG

EM đợi chiều qua góc giáo đường
GẦY từng nỗi nhớ giữa bờ tương
NHƯ chùm phượng vỹ ngày thưa nắng
LIỄU gửi tình theo điểm áo hường
TRONG ánh tà dương mùa chớm hạ
THƠ dìu nhạc đến phủ lầu sương
CỔ xưa đã nhuốm màu quên lãng
ANH BỎ TRƯỜNG THI LÚC THỊNH ĐƯỜNG.

Ngọc Liên 23.02.19

Hoa tình nhân


<D.457~Lễ Hội>


HOA TÌNH NHÂN

Chợt bảo nhau nhìn rỡ sắc tươi
Màu hoa kỷ niệm ghép chung đời
Nhiều năm ấp ủ nuôi tình mặn
Mấy thuở duy trì bội nghĩa vơi
Dẫu khoé môi nhoà phai vệt cảm
Hay làn tóc cũ lệch ngôi dời
Ngày Va nhắc lại thời điên đảo
Những dịp hâm nồng chớ để rơi

Mai Thắng – 190214

★ Bài xướng của Văn Thanh

ĐOÁ HOA TÌNH NHÂN

(tặng bà xã)
-/-
Tình Nhân Kỹ Niệm, đoá hoa tươi
Âu yếm tặng em, người bạn đời
Thể xác mỏi mòn thời chiến loạn
Thân cò lặn lội buổi thay dời
Trăm năm biển ái, không hề cạn
Ngày tháng mộng mơ, mãi chẳng vơi
Tuổi hạc đôi ta cùng sóng bước
Yêu còn yêu mãi ,dẫu chiều rơi…

Thanh Trương

18 tháng 2 2019

Đường về cõi Phật

<D.456><Thơ Thiền>



ĐƯỜNG VỀ CÕI PHẬT

Cõi Phật đi tìm nếm trải gai
Cầu an nhẫn luyện chí nung mài
Tâm còn rối loạn men tình thoảng
Thức vẫn in hằn cảnh mộng phai
Muốn lãng quên hoà duyên khổ hạnh
Buồn xâu xé chạnh nỗi u hoài
Con đường ngộ biến đầy nhân quả
Niệm vãn thanh lòng nhủ thái lai.

Mai Thắng - 190217

★ Bài xướng của Thầy Sắc Tứ Minh Thiện
(trên Trang xướng hoạ Mộc Gia Trang)

ĐƯỜNG VỀ TỊNH ĐỘ

Đường về Tịnh Độ lắm chông gai
Vẫn quyết bền tâm chí nguyện mài
Bởi giấc Nam Kha còn lắng đọng
Nên miền Cực Lạc chẳng phôi phai
Dòng mê mấy bận chìm quên lãng
Bến giác nhiều phen dậy cảm hoài
Sáu chữ Di Đà tinh tấn niệm
Sen vàng chín phẩm kiến Như Lai!

Sắc Tứ Minh Thiện
19:30 - 14/02/2019

★ Bài hoạ của Dung Nguyên

PHẬT Ở TRONG TÂM

Cõi lạc đâu dè thật góc gai
Người theo phải nhẫn trí năng mài
Rèn tâm thánh thiện tình luôn nhủ
Dưỡng đức nhu mì tục sẽ phai
Nghiệp chướng còn đeo cầu chẳng được
Tai ương chửa dứt nguyện cho hoài
Nuôi mầm phúc hỉ từng đêm niệm
Chắc hẳn sau này hưởng thái lai

DUNG NGUYÊN
19:58 - 14/02/2019

★ Bài hoạ của Mỹ Trinh

TỊNH TÂM

Tâm hiền trí mẫn vượt vòng gai
Phật giữa lòng ta rạng ngỡ mài
Niệm chữ bình an hờn giảm bớt
Cho hồn nhẹ nhõm oán dần phai
Cầu mong ánh sáng soi đường mãi
Ước nguyện trần gian tạo phúc hoài
Miệng khấn Di Đà sân gạt bỏ
Vô thường một cõi biết trùng lai?

TTMT
18.2.19

17 tháng 2 2019

C. Cử Án Tề Mi

<C.018><Điển tích văn học>

Đề tài: CỬ ÁN TỀ MI
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        CỬ 舉 là Nâng lên cao; ÁN 案 là Cái Mâm có chưn; TỀ 齊 là Ngang bằng; MI 眉 là Chân Mày. Nên CỬ ÁN TỀ MI 舉案齊眉 là : "Nâng cái mâm lên ngang bằng chân mày" để tỏ vẻ kính trọng. Trong Truyện Kiều, trong buổi đầu gặp gỡ khi Kim Trọng tỏ ý muốn nghe Thúy Kiều đàn, được Kiều đồng ý thì Kim đã ...
Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng sinh đã tay Nâng Ngang Mày.


        Lịch sự và "ga-lăng" như Kim Trọng chỉ hợp với thời buổi ngày nay, còn lúc đó mà làm thế thì cũng ... "hơi quá đáng". Có thể cụ Nguyễn Du đã đi trước thời đại trong việc "cua gái", chả trách cô Kiều lại mê Kim Trọng đến thế ! Thực ra thì ...  Điển Tích CỬ ÁN TỀ MI 舉案齊眉 hàm chứa một nội dung vô cùng phong kiến của thời buổi Trọng Nam Khinh Nữ, chồng chúa vợ tôi như sau :
        Ẩn sĩ đời Đông Hán Lương Hồng 梁鴻, tự là Bá Loan 伯鸞, người đất Phù Phong Bình Lăng (thuộc Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Hồng học rộng biết nhiều, nhà nghèo nhưng vẫn giữ khí tiết của kẻ sĩ, từng là Thái học sinh của hoàng gia lúc bấy giờ.



        Do Lương Hồng có phẩm chất đạo đức thanh cao, nên rất nhiều người muốn gả con cho, nhưng đều bị Hồng từ chối. Cùng huyện có con gái của gia đình họ Mạnh rất khá giả, tên là Mạnh Quang, vừa đen vừa mập vừa xấu, lại có sức mạnh hơn người. Mạnh Thị đã hơn ba mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng, cha mẹ hỏi thì nói rằng : " Con muốn lấy người có đạo đức tốt như Lương Bá Loan vậy !". Lương Hồng nghe nói bèn cậy mai mối đến hỏi nàng về làm vợ.

        Mạnh Quang vô cùng mừng rỡ. Đêm động phòng hoa chúc, nàng trang điểm và ăn mặc thật đẹp để đợi chú rể mới vào. Nào ngờ, liên tiếp bảy đêm liền, chú rể Lương Hồng vẫn không thèm vào động phòng. Mạnh Quang bèn đến qùy trước mặt chồng mà nói rằng: "Thiếp đã sớm nghe tiếng cao nhã của chàng, nên lập chí quyết lấy cho được chàng; còn chàng thì cũng đã từ chối rất nhiều người, cuối cùng mới chọn thiếp làm vợ, nhưng không hiểu thiếp đã phạm phải lỗi lầm gì mà suốt bảy ngày nay chàng không thèm ngó ngàng đến thiếp vậy?". Lương Hồng đáp rằng: "Ta vẫn luôn mong mõi có một người vợ quần bố thoa kinh 荊釵布裙 hay Kinh Thoa Bố Quần, là quần bằng vải, trâm cài bằng cỏ gai để cùng với ta ẩn cư nơi núi sâu rừng thẳm. Nay nàng mặc lụa là gấm vóc, trét phấn tô son, điểm trang đẹp đẽ thế nầy, thật không phải là người vợ lý tưởng của Lương Hồng nầy".

        Mạnh Quang nghe xong bèn thưa với chồng rằng: " Mấy hôm nay thiếp ăn mặc và trang điểm như thế nầy là cũng muốn xem coi chàng có thật là một hiền sĩ cao nhã không mà thôi. Thiếp cũng đã chuẩn bị sẵn y phục để chung sống với chàng rồi!". Nói đoạn, nàng bèn đi thay đồ bằng vải sô, xõa tóc mây xuống mà bới thành một búi tóc gọn ghẽ trên đầu, rồi ngồi vào khung cưởi mà dệt vải ngay. Lương Hồng trông thấy cả mừng, bèn bước tới thi lễ mà rằng: "Đây mới thật sự là vợ của Lương Hồng ta đó!".

        Vợ chồng Lương Hồng vốn ở ẩn ở Bá Lăng ( Tây An ngày nay ), nhưng vì để tránh hiệu triệu của vua bắt ra làm quan, nên vời về đất Ngô ( tỉnh Giang Tô ngày nay ). Cả hai ở trọ trong căn phòng nhỏ dưới mái hiên bên trái của nhà Cao Bá Thông. Hằng ngày, Lương Hồng đi xay và giả gạo mướn ở trong làng để kiếm sống. Mỗi lần về nhà, Mạnh Quang đều dọn sẵn mâm cơm bưng ra nâng lên ngang mày để dâng cho chồng. Lương Hồng đở lấy mâm cơm đặt lên bàn rồi vợ chồng mới mời nhau cùng ăn, tương kính như tân 相敬如賓 ( kính trọng lẫn nhau như là đối đãi với khách vậy ). Cao Bá Thông trông thấy, giật mình, nghĩ rằng : " Một người đi làm công kiếm sống mà được vợ kính trọng như thế, ắt không phải là kẻ tầm thường".

        Sau khi dọ hỏi, biết được đó là ẩn sĩ Lương Hồng, bèn cung kính mời cả hai vợ chồng vào nhà trên ở và cung cấp đầy đủ lương thực. Nhờ thế mà Lương Hồng mới có thời gian rảnh rổi để lập thuyết và viết sách để lại cho đời sau.



        Từ câu truyện của Điển tích trên, cho ta đến 3 thành ngữ :

        1. Kinh Thoa Bố Quần 荊釵布裙 :
        Ta hay nói trại đi thành Thoa Kinh Quần Bố hay Quần Bố Kinh Thoa để chỉ người đàn bà có nếp sống giản dị, bình thường , không xe xua đua đòi.

        2. Tương Kính Như Tân 相敬如賓 :
        Chỉ vợ chồng kính trọng lẫn nhau, xem nhau như là khách quý của nhau vậy.

        3. Cử Án Tề Mi 舉案齊眉 :
        Nâng án ngang mày, thường dùng để chỉ Vợ chồng thương yêu kính trọng lẫn nhau. Như trong truyện Quan Âm Thị Kính :
Án kia nâng ở Ngang Mày,
Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề. 

        Trong Nam Hải Tế Văn thì gọi là Án Họ Mạnh:
Án họ Mạnh Ngang Mày nẩy mực,
Ấm êm đàn hương lửa phải duyên.

        Hay như trong truyện Tây Sương Ký :
Mặt từ ví chẳng ngại ngùng,
Xắn tay cử Án xin Dâng Ngang Mày. 

        Và như khi tả cảnh Hoài Nguyên đi cống Hồ trong NHỊ ĐỘ MAI, có làm bài thơ tặng cho Mai Lương Ngọc:
Ngang Mày Mạnh Thị chưa Nâng Án,
Thấy mặt Chiêu Quân đã hết tranh.


        Cử Án Tề My còn dùng để chỉ Tình Nghĩa Vợ Chồng hòa thuận thương yêu lẫn nhau chư câu chúc : "Chúc cho vợ chồng được suốt đời Cử Án Tề My !".




        Trở lại với chàng Kim Trọng khi muốn nghe Thúy Kiều đờn, thấy "Hiên sau treo sẵn cầm trăng" thì : "Vội vàng sinh đã tay Nâng Ngang Mày" để tỏ vẻ kính trọng và "ga-lăng" với người đẹp khi mới vừa thề thốt yêu nhau. Nên "Nâng Ngang Mày" vật gì đó để đưa cho người khác, đôi khi chỉ có nghĩa là tỏ lòng Kính Trọng đối với người đó mà thôi!

Đỗ Chiêu Đức

Nhất Chi Mai

<D.455~Thơ Xuân> 

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!


* Dịch Việt ngữ:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
(Mãn Giác Thiền Sư)




NHẤT CHI MAI

(Cách cú đối)

CHỚ cầu bước lạc cảnh bồng lai
BẢO nguyện tròn mơ nhủ gót hài
XUÂN nhiệm mầu trôi miền lẳng lặng
TÀN rồi mộng thắm lãng chiều phai
HOA nhàu úa giữ hồn trong trắng
RỤNG xuống thềm hoang thả lược cài
HẾT chuỗi canh dài nhen nụ mới
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI.

Mai Thắng – 190216

----------------------------
♣ Bài xướng của Thầy Sắc Tứ Minh Thiện

TỈNH GIÁC

(Giao cổ đối)

CHỚ quên kiếp sống tựa sương cài
BẢO sở nương về được mấy ai ?
XUÂN thỉ thầm mơ , tươi ngũ phúc
TÀN tam nghiệp , đạo khát khao hoài
HOA tràn ngõ vắng , buông danh lợi
RỤNG sắc thinh , trăng khoả dặm dài
HẾT thảy phiền ưu chừng giũ sạch
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT CÀNH MAI !

Sắc Tứ Minh Thiện



♣ Bài hoạ của Tường Vân

DUYÊN CÒN MÃI ĐỌNG

(Cách cú đối)

CHỚ quên cánh nhạn nép mây cài
BẢO gió đông còn đợi dáng ai
XUÂN cũ tình xa sầu mấy nẻo
TÀN hương bóng rũ nét trang đài
HOA xưa bướm lạ hờn muôn kiếp
RỤNG ánh chiều pha nửa gót hài
HẾT tuổi duyên còn như muốn giữ
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT CÀNH MAI

Tường Vân - 16/02/19

----------------------------
♣ Bài hoạ của Ngọc Liên

NIỀM MƠ CŨ

(Giao cổ đối)

CHỚ thương tiếc nữa tuổi trâm cài
BẢO phố thôi đừng đợi bước ai
XUÂN khẽ ru tình trên bến hẹn
TÀN canh nguyệt vỡ ngẩn ngơ hài
HOA thầm gửi mộng bên thềm nhớ
RỤNG cánh sim buồn lạnh lẽo vai
HẾT cả niềm mơ ngày hạ cũ
ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC MỘT NHÀNH MAI!

Ngọc Liên 16.02.19

Họa Thơ Sinh Nhật

<D.454~Thơ Sinh Nhật> 



SINH NHẬT MỘNG LIÊN

Xuân vừa bước giạt cửa nhà anh
Trở đón ngày sinh vỗ mộng lành
Báo mẫu tin hồng thơ đẹp mảnh
Yêu màu thiệp rỡ nắng vàng hanh
Phương trời tưởng vọng vườn hoa sánh
Thục nữ chìm mơ khúc phổ hành
Vẳng tiếng chuông chiều vang ngõ quạnh
Ai cùng tiếp dưỡng nụ còn xanh

Mai Thắng – 190215

--------------------------
★ Bài xướng của Phan Lynn Mộng Liên

SINH NHẬT

(Ngũ độ thanh)

Ngõ buốt sương mờ thoảng gọi anh
Ngày sinh nhật dõi ước duyên lành
Cho dù gió trỗi dìu mưa lạnh
Hoặc dẫu mây sầu phủ nắng hanh
Cố quận hoài trông chiều rũ cảnh
Đài trang vẫn nguyện buổi song hành
Chân trời rộng mở chim liền cánh
Thỏa tiếng tơ lòng mộng mãi xanh

Feb 15/ 2019
Las vegas
MLP

Ngày Valentine

<D.453><Ngày Valentine>




NGÀY VALENTINE

Hãy đắm cùng Va điểm mộng tình
Duyên hờ niệm tưởng nét hồn trinh
Đường mơ sáo quyện ru hoà ảnh
Giác cảm đèn khuya tự huyễn mình
Nhóm lửa hồng xua thời vãn quạnh
Nhen màu biếc tẩm nụ chiều xinh
Hương thừa rộn rã tim dồn máu
Sẽ chuyển đêm tàn vợi ánh minh

Mai Thắng - 190214

★ Bài xướng của Thạch Hãn

VALENTIN

(Ctkt-nđt-ltvt-ntvv)

V ề đây sống lại những đêm tình
Ả o mộng đâu cần chữ tiết trinh
L ặng giữa vườn khuya lời sáo nhỏ
Ê m đầu ngõ muộn bóng chiều xinh
N gồi khơi bếp lửa cùng tâm sự
T rỗi tiếp vần thơ kể chuyện mình
Í t buổi thôi rồi quên lạ lẫm
N ơi nầy rộn rã ánh bình minh ./

LCT 14/02/2019.

★ Bài hoạ của Loan Nguyen

GỞI ANH NGÀY ...VALENTINE

Cứ mãi chờ mong một cuộc tình
Cho dù chẳng vẹn tấm lòng trinh
Và đêm vẫn ước vần thơ đẹp
Lại buổi luôn tìm nét chữ xinh
Rộn rã nguồn vui lời của bạn
Đềm êm cuộc sống lẽ riêng mình
Khi dòng mực thắm tràn trang vở
Có nghĩa yêu rồi khỏi biện minh/

NPP 14/02/2019

10 tháng 2 2019

C. Đá Vàng

<C.017><Điển tích văn học> 

Đề tài: ĐÁ VÀNG 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


        Đá Vàng hay Vàng Đá là hai vật chất cứng rắn và bền vững. Ta hay nghe nói Cứng như Đá và Vững như Vàng, chắc cũng vì thế mà ta có từ Vững Vàng chăng ?! Vàng cho dù có bị thiêu đốt bầm dập như thế nào thì vẫn giữ được màu Vàng cố hữu không phai lạt bao giờ. " Vàng thật không sợ lửa "mà ! Nên ... Tình Đá Vàng là tình bền vững, không dễ lung lay; Lời Vàng Đá là lời nói chắc chắn trước sau như một, như lời Kim Trọng đã nói với Vương Viên Ngoại lúc trở lại vườn Thúy tìm Kiều :
    Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
    Những lời Vàng Đá phải điều nói không ?!

        "Những Lời Vàng Đá" là Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言. Kim là Kim loại qúy, còn Đá qúy thì người xưa gọi là Ngọc; nên Kim Thạch Chi Ngôn còn được nói thành Kim Ngọc Chi Ngôn 金玉之言, ngoài nghĩa là những lời thề thốt chắc chắn, còn là những lời nói đáng trân trọng, đáng nghe theo, như lời nói của Trương Quân Thụy nói với Thôi Oan Oanh trong Tây Sương Ký : "Tiểu thơ Kim Ngọc Chi Ngôn, tiểu sinh nhất nhất minh chi phế phủ 小姐金玉之言,小生一一銘之肺腑", có nghĩa : Những lời vàng ngọc của tiểu thơ, tiểu sinh tôi đều ghi khắc ở trong lòng.

Tây Sương Ký

        Còn như Thúc Sinh khi muốn chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, mà cô Kiều còn e ngại, vì Thúc Sinh đã có Hoạn Thư ở nhà, thì Thúc đã dứt khoát một cách chắc chắn và liều mạng với Thúy Kiều rằng :
Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Đã gần chi có đường xa,
Đá Vàng cũng quyết phong ba cũng liều !

        Đá Vàng ở đây cũng là Kim Thạch 金石, nhưng Kim Thạch ở đây chỉ Vũ Khí dùng để đánh nhau ngày xưa. Gươm đao giáo mác đều bằng kim loại và các loại ná đều bắn bằng đá. KIM THẠCH còn dùng để chỉ chung các loại Vũ Khí, theo như sách Chu Lễ có câu : Phàm quốc hữu đại cố, nhi dụng Kim Thạch, tắc chưởng kỳ lệnh 凡國有大故而用金石則掌其令. Có nghĩa : Hễ nước có biến cố lớn, thì phải dùng đến Vũ Khí ( chiến tranh ) để nắm quyền chỉ huy. Nên câu : " Đá Vàng cũng quyết phong ba cũng liều ". Có nghĩa : Dù cho có dùng Vũ Khí ( để đâm chém cản ngăn ) thì cũng quyết lòng thương nhau, dù cho có sóng to gió lớn thì cũng liều chết với nhau. Liều mạng đến thế, chả trách Thúy Kiều phải nhắm mắt nghe theo !

Kim Thạch, Thỉ Thạch : Vũ khí ngày xưa

        Khi tự đánh giá mình là " phận mỏng cánh chuồn " Thúy kiều đã lo lắng cho mối tình duyên của mình với Kim Trọng " Khuôn duyên biết có vuông tròn mà hay ?" thì Kim Trọng đã an ủi Thúy Kiều một cách chắc chắn là :
    Ví dù giải kết đến điều,
    Thì đem VÀNG ĐÁ mà liều với thân !

        Quả là liều mạng cũng không thua Thúc Sinh chút nào cả !

        Thỉ Thạch 矢石 là Tên và Đá, cũng dùng để chỉ Vũ Khí và Chiến Tranh. Như khi Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến phục binh đánh lén, Thúy Kiều chạy đến thì chỉ thấy: 
    Trong vòng TÊN ĐÁ bời bời,
    Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ !

        Còn bình thường, như lúc ban đầu Thúy Kiều nhận lời tỏ tình của Kim Trọng trong cảnh "Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng" thì cũng đã khôn ngoan lí lắc mà đỗ thừa rằng :
Đã lòng quân tử đa mang,
Một lời vâng tạc Đá Vàng thủy chung !

        Đá Vàng ở trong câu nầy là lời hứa chắc chắn, bền vững và chung thủy trong tình yêu, sẽ không bao giờ lay chuyển đổi thay ! Nên trong đêm hò hẹn hội ngộ lần đầu, khi mà " Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi ", thì Thúy Kiều đã "xì- tóp" Kim Trọng lại bằng tích :
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay.
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương ?
Mây mưa đánh đổ ĐÁ VÀNG,
Qúa chiều nên đã chán chường yến anh !

        Đá Vàng ở đây là Duyên Vàng Đá, là Nghĩa Đá Vàng. Đá Vàng là cái gì đó trân qúy, rất đáng trân trọng, là KIM THẠCH LƯƠNG DUYÊN 金石良緣 là mối lương duyên lâu bền vững chắc và tốt đẹp như Đá với Vàng.

        Đến như lần đầu tiên khi Từ Hải tìm đến gặp Thúy Kiều ở lầu xanh với lòng hiếu kỳ là : " Bấy lâu nghe tiếng má đào, Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?", thì cô đã trả lời một cách khiêm tốn khôn ngoan và thực tế là :
    Chút chi chọn ĐÁ thử VÀNG,
    Biết đâu mà gởi cang tràng vào đâu ?!


        Chọn Đá xem đá cứng hay bở; Thử Vàng xem Vàng thật hay giả. Ý của Thúy Kiều là muốn chắc lọc chọn lựa lấy cái tốt, muốn kiếm một tấm chồng cho xứng đáng để nương nhờ về sau. Ta hãy nghe cô nói tiếp :
    Còn như vào trước ra sau,
    Ai cho kén chon vàng thau tại mình !?

        Tội nghiệp cho các cô gái ở lầu xanh, muốn kiếm một tấm chồng đàng hoàng cũng đâu phải dễ !

        Ngoài ra, ĐÁ VÀNG còn dùng để chỉ cái gì đó rất thiêng liêng có thể lưu truyền mãi mãi về sau, như trong Đại nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái Đoạn nói về Hai Bà Trưng :    
    Được thua mấy cỏi chiến trường,
    Nghìn năm tiết nghĩa ĐÁ VÀNG lưu danh !

        "Đá Vàng Lưu Danh" ở đây ĐÁ là Bia Đá; còn VÀNG là Chuông Vàng hoặc Đĩnh Vàng có khắc chữ khắc tên ghi lại công lao chiến tích của người đã mất để lưu truyền lại cho đời sau. 

        Nhưng thường thì trong các truyện Nôm của ta Đá Vàng hay Kim Thạch gì đều thường dùng để chỉ lời giao ước hứa hẹn với nhau, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
    Duyên này chẳng được bàn dai,
    Nhẹ đem Vàng Đá mà coi làm thường.

        Và như trong truyện Phương Hoa, quan Ngự Sử Trần Điện đã nói với quan Thượng Thư Trương Đài khi bàn về việc hôn nhân của Trần Phương Hoa và Trương Cảnh Yên : 
    Trần rằng : Kim Thạch nhất ngôn,
    Còn trời còn đất hãy còn đấy đây.


        Tóm lại, Đá Vàng hay Vàng Đá có rất nhiều nghĩa như trên đã dẫn, nên tùy theo ngữ cảnh, tùy theo câu thơ đang diễn đạt sự việc gì để hiểu nghĩa của nó một cách chính xác. Nhưng thường thì Đá Vàng hay Vàng Đá là lời đính ước hẹn hò một cách chắn chắn chân thành giữa trai gái với nhau. Trước năm 1975, ở Miền Nam còn có một tuồng hát Cải Lương lấy tựa là Trọn Nghĩa Đá Vàng.

Đỗ Chiêu Đức

Chúc Bạn Đầu Xuân

<D.452~Thơ Xuân> 



CHÚC BẠN ĐẦU XUÂN

Xuân hành hỉ chúc bạn nhà thơ
Lệ Tết tìm chia cũng chẳng ngờ
Thiện ý trao lời êm nghĩa mở
Thanh lòng mãn tứ đẹp trời mơ
Tinh thần sảng lạc khai hồn bút
Giác niệm hoà thiêng trải cõi bờ
Tổ quốc bừng say kèn rộn rã
Niềm vui hạnh phúc vững tâm chờ.

Mai Thắng – 190207

★ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

CHÚC BẠN THƠ

Nắn nót đôi vần chúc bạn thơ
Sang năm tài lộc lớn không ngờ
Gia đình hạnh phúc vui đoàn tụ
Sự nghiệp rỡ ràng thỏa ước mơ
Thư thái tinh thần tâm sáng tỏ
Dạt dào tình cảm nghĩa vô bờ
Quê hương khởi sắc say ngòi bút
Thôi những trầm luân hết mỏi chờ !

Thuận. 06/02/2019.

★ Bài hoạ khác của Cao Linh Tử

Đáp Tạ

Thật là quý hóa những câu thơ
Gởi vận vì nhau thật bất ngờ
Rạch nhỏ dòng kia tuy đã cạn
Tình thân ý nọ đẹp như mơ
Chào xuân hoa nở trên đầu bút
Mến bạn lòng vui chẳng bến bờ
Hạnh phúc là đây dù bé nhỏ
Cho người may mắn đã thôi chờ.

Cao Linh Tử
6/2/2019

★ Bài hoạ khác của Nguyễn Thị Trọng

Chúc xuân đại huynh

Đẹp thay câu chúc viết bằng thơ!
Quà tặng đầu xuân đến bất ngờ.
Thịnh phát lộc tài như sở nguyện.
Ấm êm gia đạo vẫn thường mơ.
Cám ơn chỉ dẫn bao vần điệu.
Giải trí tìm quên những bến bờ.
Đồng cảm chi giao và ngưỡng mộ.
Chúc huynh thoả ý những mong chờ!

Nguyễn Thị Trọng

★ Bài hoạ của Dung Nguyên

XUÂN HẠNH PHÚC

Kỷ hợi khai vần xõa ý thơ
Tìm câu đủ nghĩa khó ai ngờ
Ươm nhành quất đỏ say chiều hẹn
Lựa cánh mai vành ủ ngõ mơ
Lý tưởng xanh mầm luôn trĩu hạt
Tình yêu biếc nhụy chẳng xa bờ
Mùa xuân ấp ủ niềm hi vọng
Thỏa nỗi lòng yêu hạnh phúc chờ!

8/2/2019
DUNG NGUYÊN

07 tháng 2 2019

Xuân Lận Đận

<D.451~Thơ Xuân> 



XUÂN LẬN ĐẬN

Bệnh ủ ù lì do LẬN ĐẬN
Mon men Lão Tết đến thêm GẦN
Nhìn đau đáu dõi năm CÙNG-TẬN
Cảm xốn xang chìm thức NỘ-SÂN
Cuộc sống khiên đầy khiên tủi HẬN
Dân tình gánh nặng gánh còm THÂN
Đông tàn cứ diễu trò luôn BẬN
Sợ hãi vui mừng cũng đáo XUÂN.

Mai Thắng - 190207

★ Bài xướng của Phương Lê (FB Lê Xuân Phượng)

XUÂN LẦN ĐÂN

AI KÊU, ai gọi cứ lần ĐÂN
LÉN LÚT mon men tiến đến GẦN
CUỐC KHÓC đau thương nhìn kiếp TẬN
CÀY THAN thảm não thấy đời SÂN
XUÂN VỀ cả đống bần dân HẬN
TẾT ĐẾN hàng đàn nhũng lại THÂN
TẾT NHẤT mười năm về một BẬN
MAY RA hy vọng tớ còn XUÂN!

MA 060219
Tú Ghẻ-Trạng Lụi

Đoản Khúc Ngày Xuân

<F.245~Bốn Mùa>


Bướm đỗ

Vẩy điệu mơ màng đỗ lắt lay
Ô kìa lũ bướm dịu dàng bay
Từng đôi cánh mỏng êm đềm vỗ
Giữa bội hoa vàng ngả rất hay

Mai Thắng – 190206

★ Bài xướng của Kim Oanh

Xuân Chờ…

Xuân về đầu ngõ có ai hay
Má phấn môi hồng hoa thắm bay…
Biết chăng một đóa riêng góc nhỏ
Đợi cánh si tình bươm bướm lay?!

Kim Oanh
Xuân Melbourne 2015



Mai vàng

Giao thừa một nhánh mai
Rực rỡ sắc vàng sai
Thềm cổng bừng hoa đẹp
Ngày xuân trải mấy nay

Mai Thắng – 190206

★ Bài xướng của Quên Đi

Nhánh mai mùng 1

Mùng một tết hôm nay
Nở đều trên Bonsai
Đua chen khoe nét đẹp
Duyên dáng cành hoa mai.

Quên Đi

X85. Khai Bút Đầu Năm

<D.449~Thơ Xuân>




KHAI BÚT ĐẦU NĂM

Mở mắt nhìn ra dỗ phận nghèo
Thay loài khỉ chó … cũng là heo
Thằng qua khệ nệ tìm duyên ấm
Đứa tới vênh vang chuyển kiếp bèo
Đất Lạc Hồng mê nòi Việt sướng
Trời Nam Mỹ dậy khúc Vê* reo
Dang tay khí phách mà đi bão
Để quãng đời trôi đọng tiếng vèo.

Mai Thắng – 190206

* Vê : Venezuela

★ Bài hoạ của Peter Lý

KHAI BÚT ĐẦU NĂM

Cũ qua mới lại mãi thêm nghèo
Chưa thể chối từ phận chó heo
Bám đít khuyển quân mong tí phẩn
Ôm chân Bất Giới mộng chia bèo
Mất nhà mất đất to mồm réo
Canh cặn cơm thừa vỗ ngực reo
Vênh váo tưởng mình nay đắc đạo
Chấn Hưng lò mổ kiếm đưa vèo

Peter Lý

★ Bài hoạ của Mỹ Bình

ĐỪNG MONG

Đừng mong mọi chỗ hết dân nghèo
Dẫu khỉ dê rồng hoặc chó heo....
Lỡ phải vô rồi mang kiếp bọt
Thì không thoát được nỗi thân bèo ...
Thằng Nô lỡm chủ cười him mí
Thị Kính hàm oan ngã cổ vèo
Mấy ả vô tình qua ngõ quẹo
Nhìn ngang sướng bụng đã mồm reo!

MB 11/2/2019

★ Bài hoạ của Phương Lê

KHAI HOẢ

LÀM SAO tưởng tượng số ta NGHÈO?
BỆNH ĐÃ quá giàu lại lắm HEO
GIÀU BỆNH, ê răng, ngơ xực KẸO
LẮM HEO, mỏi miệng, chả xơi BÈO
BIỂN ĐÔNG, dân Việt tha hồ RÉO
NAM MỸ, người Vê* mặc sức REO
DŨNG KHÍ cả đời nay đã HÉO
MAY RA còn một tiếng kêu "VÈO!"

MA 110219
Tú Ghẻ-Trạng Lụi

* Vê = Venezuela

★ Bài hoạ của Mai Văn Thành

LO HOÀI!

Năm mới mong qua nhũng nhiễu... nghèo !
Dẹp loài ăn tạp dữ hơn heo.
Cẩu lui nặng gói tiền vàng tẩu
Hợi đến oằn tay "đô" bạc theo...
Anh Nhật Bản lo mòi mượn nữa
Bạn Phương Tây ngán món vay lèo.
Xuân về sợ chất thêm chầu nợ
Dai đẳng sao hoài... gánh vẫn đeo !

Mai Thành.
----------------------------


★ Bài hoạ của Mộng Bình

ĐAU XÓT

Đau xót thương thay đất nước nghèo
Dân tình khốn khổ nhục như heo
Bao xuân tụt hậu rày chưa đổi
Nay tết vẫn cam chịu phận bèo
Mất đất dân oan tha hồ réo
Quan tham nhũng dựng biệt phủ vèo
Hỏi rằng công lý rày đâu tá?
Lợi ích bạo quyền đấu đá leo.

Mộng Bình

C. Bồng Lai Không Xa

<C.016><Giai Thoại Văn Chương> 
 
Đề tài: BỒNG LAI KHÔNG XA 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        Tống Kỳ 宋祁 (998-1061), người đất An Châu (tỉnh Hồ Bắc hiện nay), người cao ráo đẹp trai, phong lưu tuấn tú, dáng người tiêu sái phiêu diêu như thần tiên giáng hạ. Lúc nhỏ nhà nghèo, gia đạo khốn khó, nhưng rất cố gắng và chăm chỉ học hành. Theo Trần Sử của Vương Đắc Thần ghi:

        Tống Giao 宋郊 (sau đổi là Tống Tường 宋庠 ) cùng em là Tống Kỳ 宋祁. lúc nhỏ cùng học ở đất An Lục. Cuộc sống của anh em rất chật vật, nghèo khó . Một năm, vào tiết Đông Chí, Tống Kỳ mời các bạn đồng học cùng ngâm thơ uống rượu và cười nói với bạn bè rằng :" Tiết Đông Chí mà không tiền mua rượu, tôi phải cạy những hoa văn trang trí trên bao kiếm của Tổ tiên để lại đem bán đi được hơn lượng bạc để mua rượu và đồ nhấm. Đông Chí thì ăn bao kiếm, đến Tết chắc phải ăn cả cây kiếm luôn !". Bạn bè cùng cười ồ, nhưng đều cảm động cho sự khẳng khái của anh ta.

        Năm thứ hai Thiên Thánh đời Tống Nhân Tông (1024), Tống Kỳ cùng anh là Tống Tường đều cùng đậu Tiến Sĩ. Khi điện thí Tống Kỳ được chấm đậu hạng nhất, tức đậu Trạng Nguyên. Nhưng lúc bấy giờ, thái hậu Chương Hiến đang phụ chính cho là : Anh em cũng ngang tài nhau, nếu để cho em đứng trên anh thì không hợp lễ tiết cho lắm, bèn chấm Tống Tường đậu Trạng Nguyên, còn Tống Kỳ xuống Tiến Sĩ hạng mười (?). Vì hai anh em đậu cùng khoa và đều họ Tống, nên các đồng liêu mới phân biệt gọi Tống Tường là Đại Tống, còn Tống Kỳ là Tiểu Tống.

        Tống Kỳ làm quan rất công minh chính trực, không về theo phe phái nào cả. Tất cả những chức vụ mà ông đãm nhiệm, bất luận là về mặt chính trị, văn hóa, nội chính trị an ... đều có thành tích rất tốt, vì thế mà con đường hoạn lộ rất thuận lợi suông sẻ một lèo lên đến chức Hàn Lâm Học Sĩ rồi Công Bộ Thượng Thơ.

 
       Tương truyền, khi đang làm Hàn lâm Học Sĩ ở Kinh Thành, một hôm đang lang thang trên đường phố, bất ngờ có một đoàn xe ngựa của hoàng tộc từ phía trước đi đến với một đoàn Ngự lâm quân đi trước mở đường. Tất cả bá tánh kể cả quan viên lớn nhỏ đều phải đứng nép vào hai bên lề đường, Tống Kỳ cũng đứng nép vào bên đường mà nhìn. Chợt trong một cung xa chạy ngang qua nghe có tiếng gọi: "Tiểu Tống !". Tống Kỳ giật mình nhìn lại thì thấy một bàn tay ngọc đang buông rèm xe xuống và thấp thoáng còn ẩn hiện một gương mặt thật đẹp của một cung nhân. Chàng Hàn Lâm Học Sĩ trẻ trung như bị hớp hồn, đứng ngẩn ngơ bên đường nhìn theo đoàn xe ngựa đi mất hút trong đám bụi mù mà lòng vẫn còn bàng hoàng ngơ ngẩn. Khi về đến phủ Hàn Lâm mà lòng vẫn cứ vấn vương vương vấn mãi hình bóng của ai kia: Nàng là ai, sao nàng lại biết ta là Tiểu Tống, nàng đã để mắt xanh đến ta từ bao giờ, sao ta không hề biết ? ... Qủa là " Ngổn ngang trăm mối bên lòng, nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình", chàng bèn lấy giấy bút ra viết nên bài từ " Giá Cô Thiên 鹧鸪天 " tuyệt diệu như sau :

畫轂雕鞍狭路逢, Họa cốc điêu yên hiệp lộ phùng,
一聲腸断绣帘中。 Nhất thanh trường đoạn tú liêm trung.
身無彩鳳雙飛翼, Thân vô thái phụng song phi dực,
心有靈犀一点通。 Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
金作屋,玉為籠, Kim tác ốc, Ngọc vi lung.
車如流水馬游龍。 Xa như lưu thủy mã du long,
劉郎已恨蓬山遠, Lưu Lang dĩ hận Bồng sơn viễn,
更隔蓬山幾萬重。 Cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng !

Có nghĩa : 
Xe vua trạm trổ đẹp qua đường,
Một tiếng ai kêu luống đoạn trường.
Hận không đôi cánh như chim phượng,
Lòng tựa Linh tê đã vấn vương.
Nhà vàng đó, lầu ngọc suông,
Ngựa xe như nước chạy bon bon,
Chàng Lưu vốn hận Bồng Lai cách,
Lại cách Bồng Lai mấy vạn đường !


        Thật ra thì bài từ nầy cũng không phải là một tuyệt tác gì, chỉ sử dụng 4 câu trong hai bài Vô Đề của Lý Thương Ẩn, và câu "Xa như lưu thủy mã như long" trong bài Vọng Giang Nam của Lý Hậu Chủ, rồi viết thêm vài câu theo ý của tác giả cho đúng với hoàn cảnh trước mắt, chắp vá lại mà thành. Nhưng ... nó lại rất hay, rất sát sao với tình ý của tác giả lúc bấy giờ với câu chuyện tình giữa một vị Hàn Lâm với một cung nữ trong cung vua, nên bài từ nổi tiếng rất nhanh và được các ca nhi phổ nhạc hát khắp kinh thành. Chẳng bao lâu sau, bài từ được truyền vào đến hoàng cung, vua Tống Nhân Tông rất lấy làm lạ khi biết được viêc nầy, bèn cho tập hợp tất cả đoàn xe ngựa hôm đó lại để hỏi tra xem, cung nữ nào ngồi ở xe nào đã gọi tên " Tiểu Tống " ? Một cung nhân trẻ đẹp đã thẹn thùng đứng ra nhận tội. Vua hỏi làm sao biết được " Tiểu Tống "?thì nàng cung nữ tâu rằng : Trước đây, khi thị yến trong cung với các quan tân khoa, đã nghe mọi người gọi là Tiểu Tống, mấy hôm trước khi đi ngang qua phố tình cờ vén rèm thấy được nên mới buộc miệng gọi một tiếng " Tiểu Tống " mà thôi !

        Nhà vua lặng thinh chẳng nói gì, ra lệnh cho đòi Hàn Lâm Học Sĩ Tống Kỳ vào cung. Tống kỳ rất lấy làm lạ không biết là chuyện gì. Nhà vua thiết yến khoản đãi, trong buổi tiệc lại cho con hát hát bài "Giá Cô Thiên" của Tống Kỳ đã làm để tỏ tình với cung nữ. Tống Kỳ nghe xong, mồ hôi ra đầy mình, sợ quá, vội vàng quỳ xuống thỉnh tội. Nên biết rằng dưới chế độ phong kiến, các quan viên nào dám cả gan ghẹo đến người của hoàng tộc, nhất là các cung nữ của nhà vua, thì tội khi quân sẽ bị chém đầu như chơi. Nhưng ...

        Tống Nhân Tông là một ông vua rất khoan dung hòa ái, lại yêu thích văn chương, nên vội vàng đở Tống Kỳ dậy, cười xòa mà bảo rằng : "Bài từ của ái khanh viết là : 劉郎已恨蓬山遠 Lưu Lang dĩ hận Bồng sơn viễn, 更隔蓬山幾萬重 Cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng."Bồng Lai" qủa thật rất xa xôi, nhưng hôm nay, trong cung nầy của Trẩm "Bồng Lai" của khanh ở rất gần nơi đây !". Nói đoạn, nhà vua bèn cho đòi nàng cung nữ hôm nọ đến và hạ chỉ : Ban tặng nàng cho Tống Kỳ, kết thúc cho một cuộc nhân duyên rất nên thơ và có hậu.


        Truyện được lan truyền ra ngoài rất nhanh, tạo thành một giai thoại văn chương và một chuyện tình đẹp hiếm có lúc bấy giờ, nhờ vào lòng khoan dung của một vị vua nhân từ : Tống Nhân Tông. Truyện vừa đẹp vì tình yêu đôi lứa, vừa đẹp vì cái nghĩa quân thần của nhà vua và Tống Kỳ. Dân chúng ở kinh thành lúc bấy giờ thường kháo nhau rằng : Chỉ cần một bài từ, chỉ cần có hai câu thơ ao ước đến được cỏi Bồng Lai, Tống Kỳ đã bồng được nàng cung nữ đẹp đẽ từ cung vua về nhà mình !

        Riêng Tống Kỳ, ngoài tài văn thơ ra, ông còn là một nhà viết sử nổi tiếng khi cùng với Âu Dương Tu cùng nhau kiểu chỉnh lại Cựu Đường Thư, và mất mười mấy năm để viết nên bộ TÂN ĐƯỜNG THƯ gồm 225 quyển. Ông còn nổi tiếng với bài từ " Ngọc Lâu Xuân 玉樓春 " trong đó có một câu rất hay là : 
紅杏枝頭春意鬧  - Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo - có nghĩa "ý xuân đang reo vui ở trên đầu cành hoa hồng hạnh", nên Tống Kỳ còn được người đời gọi là "Hồng Hạnh Thượng Thư".

Đỗ Chiêu Đức 

05 tháng 2 2019

Cúng Lễ Giao Thừa

<D.448~Thơ Xuân>



CÚNG LỄ GIAO THỪA

Hằng năm thủ lệ cúng giao thừa
Giữa tịch liêu bày cảnh đón đưa
Vỡ toạc màn đêm tràng pháo toả
Vờn xông lửa cuộn khói hương lùa
Nguồn ân hệ phát truyền tông giữ
Phúc lộc tâm thành kỉnh lễ thưa
Khẩn vái thiên đình xua nhiễu sự
Cùng dân tộc hưởng phút thay mùa

Mai Thắng – 190205

Thiên sứ mùa yêu

<D.447><Thơ Xuân> 



THIÊN SỨ MÙA YÊU

Chúc Tết hồn nhiên chúc cả mình
Xuân nào cũng đẹp dáng xuân nghinh
Vần thơ mãi quyến vần say mộng
Nét chữ hoài mang nét thảo tình
Trải rộng tâm hồn duyên rộng mở
Ươm vàng ước nguyện sắc vàng xinh
Mùa yêu vợi tưởng mùa thiên sứ
Ghép mảnh tơ loan ghép ảnh hình.

Mai Thắng – 190205

★ Bài xướng của Ngọc Liên

MÙA YÊU DẤU

Mượn bút đề thơ chúc tuổi mình
Xuân này, xuân nữa cố mà nghinh
Đường duyên mãi dệt ngàn câu hát
Bến mộng hoài đan một chữ tình
Để sớm hoa cười thơm ngõ nhỏ
Cho chiều nắng trải đẹp thềm xinh
Mùa yêu dấu gọi niềm mơ sẽ
Khắc trọn vào tim những bóng hình.

Ngọc Liên 05.02.19

★ Bài hoạ của Phạm Thị Đào

EM MÃI TƯƠI XINH

Em mãi tươi nguyên, mộng ước mình
Năm chờ tháng đợi buổi xuân nghinh
Lời yêu gởi gấm nhiều bưu ảnh
Kỷ vật lưu đây một khối tình
Anh kiệu nàng về khu phố nhỏ
Mai chờ bướm đậu góc vườn xinh
Cùng vui hạnh phúc trăm năm sẽ
Tay nắm chặt tay bóng với hình.

TDP

03 tháng 2 2019

Cánh hoa phù vân

<D.446><Tình Hoa>



CÁNH HOA PHÙ VÂN

Phượng của ngày xưa đã mấy lần
Theo dòng lặng lẽ tiếng đời ngân
Hồn thương ngấm ủ thiên trường lệ
Huyết cảm hoà chan một cõi trần
Dẫu ruổi rong bền tâm hướng thiện
Sau gìn giữ vẹn mảnh tình chân
Màu hoa giữa cảnh ngàn giông tố
Vẫn nở thanh trời đẹp ánh vân.

Mai Thắng – 190203

★ Bài xướng của Kim Phượng

Cánh Hoa Phù Vân

Bên song phượng rũ đã bao lần
Trổi khúc ve sầu mấy lượt ngân
Sắc máu ngăn chia dòng định mệnh
Giọng rền lưu luyến khách dương trần
Đời hoa trôi giạt đâu phương hướng
Vạn nẻo ngại ngần giữ bước chân
Cách biệt một lần là mãi mãi
Họp tan tan họp đấy phù vân

Kim Phượng

★ Bài hoạ của Thầy Mai Lộc

Phù Sinh

Mỗi năm thiền viện viếng đôi lần,
Chuông khánh trong hồn cứ mãi ngân.
Xả xả sân si mùi tục lụy,
Buông buông tham ái cõi hồng trần.
Đường mây gió cuốn chao chao cánh,
Sương khói nẽo về lủi thủi chân.
Quán trọ ngày nao rồi cất bước,
Phù sinh một thoáng kiếp phong vân!

Mailoc

Chúc Tết Thi Hội

<D.445~Thơ Xuân> 



CHÚC TẾT THI HỘI

Sáu bảy năm rồi cũng một ta
Chào xuân lại đến để vui mà
Khai vần hĩ chúc nguồn thơ hội
Mở điệu ca mừng những sắc hoa
Ngưỡng cổ hi còn neo nhánh thọ
Thềm ân lộc hưởng phát muôn nhà
Giao thừa Kỷ Hợi tâm cầu phúc
Ủng hộ heo vàng vẫn tối đa.

Mai Thắng – 190203

★ Bài xướng của Đại sư huynh Văn Thanh

LÃO GIÀ CHÚC TẾT

Tuổi già tám bảy đến rồi đa
Chúc Tết Tân Xuân, bạn hữu ta
Xướng hoạ đôi câu, khai bút vậy
Cụng say vài chén, lấy hên mà
Bách niên giai lão, cụ ông thọ
Hậu thế lưu danh, thi sĩ nhà
Trừ tịch, đì đùng phong pháo điện
Hồn xưa lạc lỏng chút mơ hoa..!

Thanh Trương
(Tết Kỷ Hợi 2019)

Chúc Xuân Bạn Thơ

<D.444~Thơ Xuân> 



CHÚC XUÂN BẠN THƠ

Xuân về mở ngõ đón bình minh
Hĩ chúc người thơ chọn cả mình
Mở lối an nhàn câu mãn nguyện
Ôm màu rạng rỡ ánh vàng xinh
Tâm hừng khát vọng mùa say cảnh
Nghĩa thoả vần thương ý cạn tình
Gửi những khung trời tia nắng thọ
Thay cầu niệm khẩn phép thần linh.

Mai Thắng – 190203

★ Bài xướng của Trầm Vân

Xuân Về Mến Chúc Bạn Thơ

Mến chúc bạn thơ cũng chúc mình
Xuân về hồn mở cửa bình minh
An khang lòng biếc làn gió mát
Thịnh vượng cành nghiêng giọt nắng xinh
Mơ rực trời cao mơ lãng đãng
Mộng dài trăng sáng mộng lung linh
Gia đình hạnh phúc thêm hòa thuận
Thi ý phiêu bay thỏai cánh tình

Trầm Vân

★ Bài hoạ của Thanh Hoà

Giao thừa chúc bạn

Tiết Xuân khơi dậy biết bao tình
Vạn vật mong chờ phút diệu linh
Ước muốn cơ duyên toàn may mắn
Nguyện xin số phận mãi tươi xinh
Như mầm khắp chốn trông tia nắng
Tựa lá muôn nơi ngóng ánh minh
Mừng Chúc nhà nhà luôn Hạnh Phúc
Bình An Sức Khoẽ chẳng riêng mình.

Thanh Hoà

★ Bài hoạ của Sông Thu (Phương Hà)

CHÚC TẾT BẠN THƠ

Xuân đến, hân hoan chúc bạn mình
Cuộc đời tràn ngập ánh dương minh
Cánh nam sức lực luôn sung mãn
Phái nữ thân hình mãi đẹp xinh
Vận tốt đạt thành nhờ phước đức
Nghiệp lành phù hộ bởi thần linh
Tứ thơ dào dạt, lời trau chuốt
Xướng họa trao nhau thỏa ý tình.

Sông Thu

★ Bài hoạ của Trương Văn Luỹ

CHÚC ĐẦU NĂM

Năm mới hân hoan - chúc bạn mình!
Mọi người vui vẻ hưởng văn minh
Ốm o tan biến ông bà khoẽ
Ngoan ngoãn tràn vào con cháu xinh
Vạn sự an lành ơn tổ phụ
Trăm đều may mắn phước thần linh
Bốn mùa suôn sẻ như dòng thác
Phát triển văn thơ giữ mãi tình!

Trương Văn Luỹ

Đêm cuối năm

<D.443><Thời Tiết-Khí Hậu>



ĐÊM CUỐI NĂM

Theo ngày tháng lụn buổi tàn năm
Ánh đỏ chiều buông cũng lặng thầm
Tưởng nhớ người thân biền biệt nỗi
Nghe hoài khúc phổ ngậm ngùi âm
Trăng chìm bóng lặn trời u hiển
Gió thổi ngàn xa quãng bặt tầm
Một cõi tầng không đầy sóng ảo
Mơ hồ vẳng đọng bước về thăm.

Mai Thắng – 190203

Ngày Xuân Năm Ấy

<D.442~Thơ Xuân> 


NGÀY XUÂN NĂM ẤY

Hội Tết sum vầy ở xóm ta
Bình yên hưởng thụ với bao nhà
Ngày hưu chiến đạt vui niềm ngắn
Pháo nổ vang đùng thế súng xa
Giấc ngủ tàn canh bừng réo đạn
Màn đêm tử khí dựa nương đà
Thời thơ ám ảnh màu binh biến
Mấy chục năm dài lệ vẫn sa.

Mai Thắng – 190202

★ Bài xướng của Thầy Mai Lộc

GIAO THỪA THUỞ ẤY

Giao thừa thuở ấy vẫn trong ta
Những Tết quê hương lúc ở nhà.
Lạch tạch phố phường tràng pháo đẹt
Đì đùng tiếng súng bót đồn xa.
Chuông chùa hừng sáng còn man mác
Hương khói tinh sương mãi đậm đà.
Đất khách nửa đời sầu viễn xứ
Có đêm trằn trọc lệ dài sa!

Mailoc
01-30-19

★ Bài hoạ của Cao Linh Tử

Nhớ Xuân Xưa

Chưng cúng ông bà chuối lá ta
Vàng bông vạn thọ cũng vui nhà
Thịt heo cá lóc kho nồi lớn
Rượu đế trà lài đặt quán xa
Chuẩn bị như thường mong đón tết
Buồn xo bất chợt mất tiêu đà
Tản cư tán loạn màu dưa hấu
Khói lửa hoang tàn nước mắt sa.

Cao Linh Tử
31/1/2019

Hương Xuân Vừa Tỏa

<D.441~Thơ Xuân>

 

HƯƠNG XUÂN VỪA TOẢ

Phà hơi vị tết thoảng hương nồng
Bội cũ mai vàng nở mấy bông
Ngưỡng nắng tươi cười tia ửng rộn
Màu lan rạng rỡ sắc nhen hồng
Choàng manh áo lụa say hồn cảm
Dõi cảnh xuân chiều vợi hướng trông
Buổi tiễn đông tàn nuôi khát vọng
Tình yêu đất mẹ thoả tâm đồng.

Mai Thắng – 190201

★ Bài xướng của FB Dung Nguyên

MƯA XUÂN

Thoảng khẽ chiều nay vị tết nồng
Mai vàng mận trắng nõn nà bông
Êm đềm cội biếc khoe chồi mảnh
Rực rỡ nhành tươi trải sắc hồng
Má ửng bờ môi ngào ngọt hé
Duyên bừng mắt ngọc thẫn thờ trông
Phùn giăng ấp ủ niềm hi vọng
Lộc mỡ màng xanh cả cánh đồng.

31/1/2019
DUNG NGUYÊN

Ở Nhà Một Mình

<D.440~Thơ Vui> 



Ở NHÀ MỘT MÌNH

Vẫn đợi xem dòng chảy đến đâu
Buồng tim thấp thỏm nhẹ vương sầu
Duyên tìm lạc lối về thôn bản
Số giạt theo nguồn đổ bãi dâu
Ngán ngẩm con đường xa cõi tạm
Trầm ngâm tiếng nhạc ngả tâm rầu
Xuân nằm vợi tưởng cùng ai đó
Lại bỗng thôi dành thảo ít câu.

Mai Thắng – 190202

★ Bài xướng của FB Đặng Minh

Ở ... NHÀ

XUÂN buồn chả thích đi đâu
Chỉ tại buồng tim nhuốm vũng sầu
Dõi họ tưng bừng vui cuối bản
Xem người rộn rã thốn vườn dâu
*Nương kìa thổn thức
*Bụng đó u rầu
Cũng bởi em nghèo duyên trốn biệt
Nên đành chấp nhận ở nhà ...câu .

ĐM

*Nương kìa thổn thức hồn ngây dại
*Bụng đó bâng khuâng giọng úa rầu

Xuân Về Nắng Dịu

<D.439~Thơ Xuân> 



XUÂN VỀ NẮNG DỊU

Sớm gặp vần e chớm chạy te
Khăn choàng áo lụa vẫn không ghè
Bờ ao rặng liễu đâu thèm ghé
Ngõ xóm hàng me chả định khoe
Vẳng tiếng cành le reo thỏ thẻ
Vang âm gió chẻ điệu hầm hè
Chừ đem rượu nhẹ vui chung nhé
Nắng dịu xuân về tự thản nhe.

Mai Thắng – 190131

★ Bài xướng của FB Mỹ Bình

XUÂN MỜI

Kìa ai đã đứng đợi bên hè
Nũng nịu khăn choàng lả lướt che
Rặng liễu bờ ao dài bóng thả
Hàng cau ngõ xóm ngả mình khoe
Mơ hồ một tiếng dương cầm thoảng
Ảo diệu đôi dòng giãn bút tre
Hữu hảo xin mời ly rượu nhé
Hồng tươi nụ phấn buổi Xuân nè ....

MB 28/1/2019