24 tháng 5 2019

Vần Thơ

<R02~Vần Thơ>

Núi Nga Mi


VẦN THƠ

★★★

MỤC LỤC
1. KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT
    1.1. Khái niệm về thơ, vần thơ
    1.2. Khái niệm về ngữ âm
2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT
    2.1. Âm đầu
    2.2. Âm đệm
    2.3. Âm chính
    2.4. Âm cuối
    2.5. Thanh điệu
3. CẤU TRÚC ÂM TIẾT
    3.1. Cấu trúc vần, vần cái 
    3.2. Bảng vần cái
    3.3. Tương quan giữa các vần cái       
    3.4. Tính vần điệu của vần thơ
   
     
★★★

1. KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT 

1.1. Khái niệm về thơ, vần thơ

        Thơ là một loại hình văn học diễn tả ý tưởng của con người về một chủ đề nhất định mà tác giả muốn trình bày.
        Cũng như Văn, Thơ xuất phát từ ngôn ngữ nói của con người, khởi nguồn có tính tự phát bằng các từ, ngữ được trau chuốt và phát triển thành câu, bài; nhưng Thơ khác Văn vì có tính chương khúc, tính vần điệu theo quy định của luật thơ;
        Tính chương khúc thể hiện ở số từ, số câu quy định việc hình thành bài thơ; tính vần điệu hình thành một bộ phận cấu trúc gọi là bộ vần, là một tổ hợp từ giữ vai trò mối tương quan về mặt ngôn từ và vị trí của từ gọi là từ vần hay vần thơ;
        Về bản chất, mối tương quan của các vần thơ căn cứ vào cấu trúc âm tiết của các vần thơ đó, tức là thuộc lĩnh vực chuyên ngành ngữ âm học.

1.2. Khái niệm về ngữ âm học

       
Ngữ âm học (Phonectics) là một chuyên ngành ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng nói con người. Tiếng nói con người là một loại âm thanh ngôn ngữ do bộ máy phát âm của con người tạo ra. Mỗi cộng đồng có một tiếng nói riêng, tiếng nói của người Việt Nam là tiếng Việt; 
        Tiếng Việt là toàn bộ các câu nói bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến hình và có thanh điệu; 
        Trong phạm vi nghiên cứu của chuyên ngành ngữ âm học, đơn vị ngữ âm của Tiếng Việt là tiếng hay từ thể hiện dưới dạng âm tiết. Âm tiết là đơn vị phát âm nhỏ nhất của lời nói; 
        Âm tiết gồm nhiều thành tố, cấu trúc theo các tính năng riêng biệt để hình thành các vần thơ, tính vần điệu của bài thơ; 
        Phần diễn giải cách trình bày có liên quan đến âm tiết sẽ dùng phiên âm quốc tế IPA đặt trong ký hiệu /…/, khi cần giải thích cho rõ thêm sẽ dùng thêm chữ viết tiếng Việt, có thể đặt trong ký hiệu […]

★★★

2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT

       Âm tiết (syllable) tiếng Việt có 5 thành tố (component): 1) âm đầu, 2) âm đệm, 3) âm chính, 4) âm cuối, 5) thanh điệu;
       
2.1. Âm đầu (initial sound)

        Âm đầu là âm đứng đầu âm tiết và bao giờ cũng là phụ âm (consonant) nên còn gọi là phụ âm đầu;
        Phụ âm đầu hình thành theo 2 yếu tố cấu âm: a) theo phương thức cấu âm: chia thành các nhóm đối lập tắt/xát, ồn/vang, hữu thanh/vô thanh; b) theo vị trí cấu âm: chia thành các nhóm phụ âm môi, phụ âm lưỡi: đầu lưỡi, mặt lưỡi, cuống lưỡi và phụ âm họng; 
        Âm đầu của âm tiết tiếng Việt hiện nay có số lượng là 21, và 1 phụ âm câm, không có chữ viết, gồm các âm như sau:
        1. âm /b/, chữ viết [b], ví dụ: bửu bối,
        2. âm /m/, chữ viết [m], ví dụ: may mắn,
        3. âm /f/, chữ viết [ph], ví dụ: phương pháp,
        4. âm /v/, chữ viết [v], ví dụ: vui vẻ,
        5. âm /t/, chữ viết [t], ví dụ: tư tưởng,
        6. âm /t’/, chữ viết [th], ví dụ: thơm tho,
        7. âm /d/, chữ viết [đ], ví dụ: đông đúc,
        8. âm /n/, chữ viết [n], ví dụ: non nước,
        9. âm /z/, chữ viết [d, gi], ví dụ: dành giật,
        10. âm /ʐ,/, chữ viết [r], ví dụ rành rẽ,
        11. âm /s/, chữ viết [x], ví dụ: xong xuôi,
        12. âm /ş/, chữ viết [s], ví dụ: sung sướng,
        13. âm /c/, chữ viết [ch], ví dụ: chuyên chế,
        14. âm /ʈ/, chữ viết [tr], ví dụ: trớ trêu,
        15. âm /ɲ/, chữ viết [nh], ví dụ: nho nhã,
        16. âm /l/, chữ viết [l], ví dụ: lặng lẽ,
        17. âm /k/, chữ viết [c, k, q], ví dụ: quá cao kều,
        18. âm /χ/, chữ viết [kh], ví dụ: không khí,
        19. âm /ŋ/, chữ viết [ng, ngh], ví dụ: ngốc nghếch,
        20. âm /ɣ/, chữ viết [g, gh], ví dụ: gập ghềnh,
        21. âm /h/, chữ viết [h], ví dụ: hiền hậu,
        22. âm câm /?/, không có chữ viết, ví dụ: yên ổn. 
        
2.2. Âm đệm (medial sound)

        
Âm đệm là âm xuất hiện giữa âm đầu và âm chính, là một bán âm (semi wovel) có cấu tạo như nguyên âm /u/ nhưng chỉ có chức năng tu chỉnh chứ không tạo nên âm sắc của âm tiết. Nói cách khác, âm đệm là một hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc tổ hợp âm chính và âm cuối;
        Tiếng Việt có duy nhất 1 âm đệm /w/ chữ viết ghi là [u] hay [o], thường xuất hiện hạn chế trong một số từ tiếng Việt;

2.3. Âm chính (nuclear sound)

        Âm chính là âm làm trung tâm của âm tiết và bao giờ cũng là nguyên âm (wovel), là thành phần không thể thiếu của âm tiết;
        Âm chính của âm tiết tiếng Việt có 11 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi và phân làm 3 nhóm nguyên âm (nhóm NA):
        a) Nhóm NA1, là nhóm NA hàng trước không tròn môi, có 3 nguyên âm đơn /i, e, ɛ/, chữ viết [i, ê, e] và 1 nguyên âm đôi /ie/, chữ viết [ia-iê, ya-yê];
        b) Nhóm NA2: là nhóm NA hàng sau tròn môi, có 3 nguyên âm đơn /u, o, ɔ/, chữ viết [u, ô, o] và 1 nguyên âm đôi /uo/, chữ viết [ua-uô];
        c) Nhóm NA3: là nhóm NA hàng sau không tròn môi, có 5 nguyên âm đơn /ɨ, ə, ə̆, a, ă/, chữ viết [ư, ơ, â, a, ă] và 1 nguyên âm đôi /ɨə/, chữ viết [ưa-ươ]. Trong đó, 2 nguyên âm đơn /ə̆, ă/ là thể ngắn của /ə, a/, và ký hiệu /ə-ə̆/, /a-ă/ là ghi chung cho trường hợp dài ngắn của các âm này. 

2.4. Âm cuối (final sound)

        Âm cuối là âm đứng cuối vần, cuối âm tiết;
        Âm cuối của âm tiết tiếng Việt có số lượng là 8, chia thành 2 nhóm: - Nhóm BAC: là nhóm có 2 bán âm /j, w/, chữ viết [i-y, o-u]; - Nhóm PAC: là nhóm có 6 phụ âm là /m, n, ŋ, p, t, k/, chữ viết [m, n, ng-nh, p, t, c-k]; - Ngoài ra, cũng thường xuất hiện nhóm KAC: là nhóm không âm cuối;
        Âm cuối của âm tiết tiếng Việt có đặc tính mở khép cấu trúc âm tiết, nên  chia thành 4 kiểu âm tiết:
        1) Âm tiết mở: kiểu các vần cái không có âm cuối;
        2) Âm tiết hơi mở: kiểu các vần cái có âm cuối là 2 bán âm /j, w/;
        3) Âm tiết hơi khép: kiểu các vần cái có âm cuối là 3 phụ âm /m, n, ŋ/;
        4) Âm tiết khép: kiểu các vần cái có âm cuối là 3 phụ âm /p, t, k/.
 
2.5. Thanh điệu (tone)

        Thanh điệu là sự nâng cao hay hạ thấp giọng nói trong âm tiết;
        Thanh điệu thể hiện trên toàn âm tiết bằng các dấu thanh: ngang “không dấu“, sắc “/”, huyền “\”, nặng “.”, hỏi “?”, ngã”~” đặt ngay trên âm chính chữ viết (trừ một số ngoại lệ có quy định khác, hoặc là thanh ngang không thể hiện dấu thanh, hoặc là thanh nặng đặt dưới âm chính);
       Thanh điệu có 6 dấu thanh, chia thành 2 loại: - Thanh bằng, là các thanh điệu mang dấu thanh ngang, huyền; - Thanh trắc, là các thanh điệu mang dấu thanh sắc, nặng, ngã, hỏi;

3. CẤU TRÚC ÂM TIẾT  

3.1. Cấu trúc vần, vần cái
 
        Ở dạng đầy đủ nhất, âm tiết tiếng Việt có 3 bộ phận cấu trúc: phụ âm đầu, vần, thanh điệu, kết hợp theo sơ đồ sau đây: 
       

Âm

đầu

VẦN

Thanh

điệu

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

       Bộ phận phụ âm đầu do thành tố âm đầu đảm nhiệm, bộ phận thanh điệu do thành tố thanh điệu đảm nhiệm, riêng bộ phận vần là một tổ hợp 3 thành tố: âm đệm, âm chính và âm cuối;
        Vì âm đệm chỉ có chức năng tu chỉnh âm sắc để tạo ra hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của tổ hợp âm chính và âm cuối, nên tổ hợp âm chính và âm cuối được coi là thành phần cốt lõi của bộ phận vần và được gọi là vần cái (tiếng Hán Việt gọi là vận căn).

3.2. Bảng vần cái

        Bảng vần cái được minh họa theo hình thức: - âm chính xếp theo số mã hàng, chia thành 3 nhóm nguyên âm NA1, NA2 và NA3; - âm cuối xếp theo số mã cột, chia thành 3 nhóm âm cuối KAC, BAC và PAC; - mỗi ô (cell) gọi là một ô vần cái gồm 1 âm chính và 1 âm cuối, trừ nhóm KAC chỉ có âm chính mà không có âm cuối. Tất cả được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

Âm IPA

Nhóm KAC

Nhóm BAC /j/ và /w/

Nhóm PAC
/m, n, ŋ/ và /p, t, k/

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

1

/i/

i

 

iu

im

in

inh

ip

it

ich

2

/e/

ê

 

êu

êm

ên

ênh

êp

êt

êch

3

/ε/

e

 

eo

em

en

anh

ep

et

ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm

iên

iêng

iêp

iêt

iêc

5

/u/

u

ui

 

um

un

ung

up

ut

uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm

ôn

ông

ôp

ôt

ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om

on

ong

op

ot

oc

8

/uô/

uôi

 

uôm

uôn

uông

uôp

uôt

uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

 

ưn

ưng

 

ưt

ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm

ơn

 

ơp

ơt

 

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm

ân

âng

âp

ât

âc

12

/a/

a

ai

ao

am

an

ang

ap

at

ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm

ăn

ăng

ăp

ăt

ăc

14

/ɨə/

ươ

ươi

ươu

ươm

ươn

ương

ươp

ươt

ươc


3.3. Tương quan giữa các vần cái 

        - Vần thơ giữ vai trò liên thông âm điệu đặc trưng của thể thơ, thể hiện nơi bộ vần là bộ khung cấu trúc của bài thơ do luật thơ quy định. Mối tương quan giữa 2 vần thơ chính là hệ quả so sánh sự giống nhau và khác nhau của hoặc là âm chính, hoặc là âm cuối tức là vần cái của 2 vần thơ đó;
        - Khi so sánh 2 vần thơ cho kết quả:
        1) âm chính giống nhau, âm cuối giống nhau, thì mối tương quan này gọi là tương quan chính vận hay vần chính;
        2) âm chính khác nhau, âm cuối khác nhau, thì mối tương quan này gọi là tương quan lạc vận hay vần lạc;
        3) âm chính giống nhau, âm cuối khác nhau, hoặc là âm chính khác nhau, âm cuối giống nhau, thì mối tương quan này gọi là tương quan thông vận hay vần thông;
        - Khi so sánh 2 vần thơ về sự giống nhau hoặc khác nhau của âm chính hoặc âm cuối đó, đòi hỏi phải thỏa các điều kiện quy định cụ thể:
        1) các âm giống nhau phải là các âm duy nhất;
        2) các âm khác nhau phải là các âm cùng chung nhóm, hoặc là các âm tương ứng của 2 nhóm nguyên âm hàng sau thuộc nhóm NA2 và NA3.

3.4. Tính vần điệu của vần thơ

        Tính vần điệu của vần thơ được luật thơ quy định thành các loại vần:
        - Vần chính được xem như các loại vần chuẩn mực của bài thơ;
        - Vần thông có giá trị thấp hơn, nhưng có thể dùng thay cho vần chính;
        - Vần lạc có giá trị thấp nhất, không ràng buộc, như là không phải vần.

- Hết -

14 tháng 5 2019

Tặng huynh Thạch Hãn

<D.512><Giao Tiếp> 



TẶNG HUYNH THẠCH HÃN

(kỷ niệm ngày kết bạn facebook)

Cũng chỉ hai thằng thích mộng mơ
Hồn rong cõi tạm đuổi thương vờ
Lời ngâm tuổi hạc đầy da diết
Tiếng vọng xuân chiều khẽ vẩn vơ
Dệt những mùa yêu tràn cảm xúc
Cầu bao ý niệm thoả mong chờ
Chừ vui mấy thoảng khơi cùng tận
Tặng phẩm dâng đời khúc mỹ thơ.

Mai Thắng – 190513

---------------------------
★ Bài hoạ của Thạch Hãn

ẤM BỞI VẦN THƠ ANH & TÔI

Anh về ngã ấy buổi chiều mơ
Lối nhỏ mình tôi cũng vật vờ
Ngõ phố mây tràn con hẻm cuộn
Hiên nhà lá rụng gió trời vơ
Thầm mơ vẫn mẹ thềm xưa đón
Chợt hỏi còn em lối cũ chờ
Chỉ bấy nhiêu lòng nghe rạn vỡ
Nhưng đời lại ấm bởi vần thơ ./.

LCT 13/05/2019

Tiễn nhà thơ Phương Lê

<D.511~Tiễn Đưa> 



TIỄN BIỆT SƯ HUYNH PHƯƠNG LÊ

Kính cẩn đôi dòng biệt lão huynh
Hồn thơ nghĩa bạn kết bao tình
Mây Hồng sắc đậm cài treo ảnh
Cảnh hạ mưa buồn khóc tiễn linh
Cảm lỡ làng thương thời nhất vận
Tìm khuây khoả niệm thức vô hình
Mùa Sen Tháp rụng dần gương cỗi
Bước lạc đi về cõi hiển minh

Mai Thắng – 180511

Kết Chữ Ngây Khờ

<D.510~Thơ Vui>



KẾT CHỮ NGÂY KHỜ

(toán thi)

Vào yêu CHÍN mọng gửi câu chờ
TÁM cõi âm thầm thả mộng mơ
VẠN thuở tài hoa tình kiếp lỡ
NGÀN năm tự giác cảnh duyên hờ
Bày TRĂM mối chỉ thêu mành nhợ
Rảo CHỤC con đường gá nghĩa tơ
Để vẫn ĐÔI mình vương lấy nợ
Tìm nhau kết MỘT chữ ngây khờ.

Mai Thắng – 190508

------------------------------------------
★ Bài xướng của Thạch Hãn

BUỒN MUÔN THUỞ

Tuổi đã vào yêu CHÍN mộng chờ
Đêm choàng BỐN mặt cũng hoài mơ
Hồn đau VẠN kiếp thuyền hăm hở
Dạ khổ NGÀN NĂM bến hững hờ
Vỡ cả khoang lòng TRĂM mối nhợ
Rơi tràn mảnh gối CHỤC đường tơ
Mình HAI đứa vẫn buồn MUÔN thuở
Để vướng đời nhau MỘT chữ khờ./.

LCT 08/05/2017

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Hữu Thiên (Nguyễn Lâm)

NỬA CUỘC ĐƯỜNG DUYÊN

(Toán thi )

Chiều xưa MỘT buổi hứa em chờ
Chửa được MƯƠI ngày gãy gánh mơ
VẠN ngã lòng trao vừa khép dở
NGÀN đêm dạ gửi đã buông hờ
Tình đan MỖI lúc dần xa nhợ
Mộng khởi ĐÔI lần cũng hết tơ
NỬA cuộc duyên buồn như gió rã
VÀI thu lạnh giá mảnh tim khờ..!

NL09/05/2019

Bóng chiều

<D.509><Thời Tiết-Khí Hậu>



BÓNG CHIỀU

Ảnh ráng phương đoài khẽ lịm rơi
Vầng mây tản vội cuối chân trời
Dòng trôi mặt sóng êm đềm trải
Nước đẩy con thuyền lặng lẽ bơi
Vẳng tiếng bờ xa bồng quãng nhạc
Hoà cung điệu lướt gẫm duyên đời
Về đâu ánh vợi chiều phiêu lãng
Vọng bấy ân tình cảm nghĩa khơi.

Mai Thắng – 190508

★ Bài xướng của Dung Nguyên

SÔNG CHIỀU

Nghiêng chiều giọt nắng khẽ khàng rơi
Đỏ thẫm màn mây tận cuối trời
Rực rỡ bên đầm hoa súng trổ
Âm thầm giữa khoảng mái chèo bơi
Câu hò ấm bổng ru miền hạ
Điệu ví nồng êm ủ nghĩa đời
Tĩnh lặng dòng sông màu trắng ảo
Cho nguồn xúc cảm dịu dàng khơi.

DUNG NGUYÊN
06/05/2019

Bồng Lai Tiên Cảnh

<C.029><Điển tích văn học> 
Đề tài: BỒNG LAI TIÊN CẢNH
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức 



    Kể từ đến cảnh BỒNG LAI,
    May thay đã trộm thấy người tiên cung

        Đó là hai câu thơ trong truyện Nôm Phan Trần, tả lúc Phan Sinh gặp lại Trần Kiều Liên đang tu trong chùa. BỒNG LAI là tên của một trong ba ngọn núi có tiên ở, ở ngoài biển đông, thường được dùng để chỉ chỗ ở của người đẹp như... tiên. Theo tích sau đây :

        Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử : Phía đông của Bột Hải, có một nơi vực sâu muôn trượng, gọi là Quy Khâu. Tất cà những sông ngòi ao hồ của đất liền đều chảy về nơi nầy. Tương truyền là mực nước ở nơi đây không lên không xuống, cho dù tất cả sông biển đều đổ về đây. 

        Trên mặt nước mênh mông ở đây, có 5 ngọn núi thần đang trôi nổi, đó chính là : “Đại Dư” 岱輿, “Viên Kiệu” 員嶠, “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Mỗi ngọn núi cao và rộng khoảng 3 vạn dặm, phần bằng phẵng trên đỉnh núi cũng hơn 9 ngàn dặm. Các hòn núi nầy cách nhau khoảng 7 vạn dặm. Trên mỗi núi đều có lâu đài lầu các nguy nga xây toàn bằng hoàng kim và bạch ngọc. Hoa thơm cỏ đẹp, cây trái thơm ngon bốn mùa không dứt, ăn vào thơm tho mồm miệng và trường sinh bất tử. Năm ngọn núi nầy đều là nơi ở của các người tiên. Họ thường bay qua bay lại trên năm ngọn núi nầy mà vui chơi để tiêu dao ngày tháng. Có một điều làm họ không được thoải mái là 5 ngọn núi nầy như là 5 cái hồ lô lớn trôi nổi trên biển cả mênh mông, khiến họ đi lại không được thoải mái và như ý. Nên họ cùng thỉnh cầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giải quyết cho vấn nạn nầy. Ngọc Đế bèn ra lệnh cho thần ở Bắc Hải là Ngung Cường để tìm phương giải quyết. Ngung Cường bèn điều 15 con cự Ngao ( Ba ba lớn ) chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 3 con chịu trách nhiệm giữ lấy một ngọn núi. Ba con ba ba khổng lồ, một con lặn xuống biển đội núi lên, hai con còn lại giữ hai bên cho núi đừng di chuyển nữa. Phân công là cứ 6 vạn năm sẽ thay phiên một lần. Vì thế mà 5 ngọn núi thần tiên nầy được cố định không còn nổi trôi di chuyển trên biển đông nữa.

        Nhưng chẳng bao lâu sau, có một người của nước Long Bá ( nước của người Khổng lồ ) đến nơi nầy, thân hình của hắn cao vút tận mây xanh, hắn bước đi trong biển đông như đi trong ao cá sau vườn; chỉ cần vài ba bước là hắn đã đi khắp cả 5 ngọn núi thần tiên. Hắn phát hiện trong nước có cá ngao (Ba ba) lớn, bèn lấy cần móc mồi câu, câu một hơi 6 con ngao lớn, quảy lên vai vác về nhà. Nên hai hòn núi tiên Đại Dư và Viên Kiệu, bị mất đi 6 con ngao, không có gì cầm giữ lại, nên trôi dạt lên bắc cực và chìm xuống biển mất dạng. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết tin, cả giận, bèn thi triển thần uy, làm cho người nước Long Bá nhỏ lại chỉ cao hơn người thường một cái đầu mà thôi.

Người Long Bá câu Ngao

        Đó là truyền thuyết trong Sơn Hải Kinh 《山海经》và các sách xưa cũng có ghi lại chuyện năm tiên đảo bị chìm hết hai, nên chỉ còn lại có “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Tục gọi là " Bồng Lai Tam Đảo 蓬莱三岛 ". Vì là nơi của tiên ở nên còn gọi là " Bồng Lai Tiên Cảnh 蓬莱仙境 " để chỉ cảnh đẹp của tiên giới mà trên đời không thể có được. Sở dĩ Bồng lai nổi tiếng hơn hai tiên đảo kia là vì đó là nơi ở của Bát Tiên trong sự tích Bát Tiên Quá Hải. Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, khi luận về chữ VUI, ông Sãi đã nói với bà Vãi rằng :
    Non BỒNG LAI bước tới, sãi vui với Bát Tiên,
    Núi Thương Lãnh tìm lên, sãi vui cùng Tứ Hạo.

        BỒNG LAI còn được gọi là BỒNG CHÂU 蓬洲. Châu là phần đất nổi trên mặt biển, nên gọi tiên đảo Bồng Lai là Bồng Châu, như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, đoạn nói về Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử có câu :
    Non sông đã trót lời thề,
    Hai người một phút hóa về BỒNG CHÂU.

        Không gọi là Bồng Châu thì lại gọi là BỒNG HỒ 蓬壺, Hồ là cái Hồ Lô đựng rượu, vì tiên đảo Bồng Lai trôi nổi trên biển Đông giống như là một chiếc Hồ Lô khổng lồ, nên còn gọi là BỒNG HỒ như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ :
    BỒNG HỒ, Lãng Uyển xưa hằng có,
    Độ ấy nhân gian dễ mấy đời.

        Và vì Bồng Lai là một ngọn núi, nên còn gọi là BỒNG SƠN 蓬山. Như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
    Tấc gang gác khóa lầu then,
    BỒNG SƠN rằng cách muôn nghìn chẳng sai.

        Và vì là một tiên đảo giữa biển, nên còn được gọi là BỒNG ĐẢO 蓬島. Như trong thơ của cụ Nguyễn Trãi :
    Thuốc tiên thường phục tử hà sa,
    BỒNG ĐẢO khôn tìm ngày tháng qua.

        BỒNG ĐẢO là đảo của tiên ở, là cỏi tiên, là nơi sướng nhất trần gian mà mọi người hằng ao ước. Nên trong văn chương các cụ ngày xưa còn dùng chữ Bồng Đảo để chỉ những cái gì làm cho người ta sung sướng nhất, tiêu hồn lạc phách nhất... Như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tả Thiếu Nữ Ngủ Ngày vậy :
    Đôi gò BỒNG ĐẢO sương còn ngậm,
    Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

        Quả là cảnh tượng tiêu hồn lạc phách làm cho :
    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
    Đi thì cũng dở, ở không xong !

        So với ĐÀO NGUYÊN và THIÊN THAI thì BỒNG LAI hoàn toàn là sản phẩm thần thoại và tưởng tượng theo truyền thuyết, không có một chút căn cứ thực tế nào cả. Nhưng vì Bồng Lai là cỏi tiên, là vùng đất hứa ngày xưa mà mọi người hằng ao ước, nó hư hư thực thực nên dễ hấp dẫn người đời, nhất là trong lãnh vực văn thơ cổ xưa. Trong dân gian sức hấp dẫn của Bồng Lai càng mạnh mẽ hơn với những truyện truyền khẩu về BÁT TIÊN QUÁ HẢI, và từ Bồng Lai được dùng đặt tên cho một Thị Trấn cấp Huyện thuộc Thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, nơi giáp ranh giữa Bột Hải và Hoàng Hải, là nơi mà theo truyền thuyết Bát Tiên là Lữ Động Tân, Lý Thiết Quảy, Trương Quả Lão, Hán Chung Ly, Tào Quốc Cựu, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa và Hàn Tương Tử đã thi triển thần thông, đạp bèo lướt sóng, xuất phát từ nơi bãi biển nầy "quá hải" để đến đảo Bồng Lai vui với cuộc sống thần tiên.

        Nhắc đến BÁT TIÊN lại làm cho ta nhớ đến lúc Từ Hải gặp Kiều. Sau khi " Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn " để chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, thì Từ Hải cũng đã :
    Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
    Đặt giường thất bảo, vây màn BÁT TIÊN.

        Để cho " Trai anh hùng , Gái thuyền quyên " gặp nhau như là lạc vào BỒNG LAI TIÊN CẢNH vậy !

Đỗ Chiêu Đức

09 tháng 5 2019

Đối bóng

<D.508><Cảm Xúc>



ĐỐI BÓNG

Bóng ngã đèn chong ảnh lại về
Soi tình ấm lạnh nghĩa hiền thê
Con đường dịch biến thời qua trải
Cảnh huống hoài theo chuỗi cận kề
Vẫn hiện trầm ngâm dòng cảm xúc
Luôn cùng phảng phất nỗi buồn tê
Từng đêm lặng lẽ men sàng lắng
Mặc bão lòng đang nổi tứ bề

Mai Thắng
190421

-----------------
Bài xướng của Sông Thu

TRI KỶ MỘT ĐỜI

Đèn mới thắp lên, bóng đã về
Ân cần thân thiết tựa phu thê
Ta cười, bóng rộn vui nghiêng ngả
Ta khóc, bóng buồn khổ tái tê
Trà cúc nâng ly cùng đối ẩm
Nhạc tình dạo khúc lại chung nghe
Nỗi niềm tâm sự không cần ngỏ
Thấu hiểu lòng nhau, mãi cận kề.

Sông Thu

Sắc hạ tươi nồng

<D.507><Thương Hạ Ca>  



SẮC HẠ TƯƠI NỒNG

Giã biệt xuân tàn chuyển sắc bông
Chùm hoa lịm rã mất hương nồng
Ve buồn góc cổng luôn hoài niệm
Liễu đứng bên hồ mải đợi trông
Cảm trận mưa chiều rơi thấm đẫm
Chào tia nắng vãn điểm khoe hồng
Diều lên thẳm vợi màu xanh biếc
Ước thả mơ màng một quãng không

Mai Thắng – 190430

-----------------------------

ÊM ĐỀM SẮC HẠ

Giao mùa bịn rịn cúc vài bông
Hạ đến làn hương bỗng thoảng nồng
Giữa bến con đò ngơ ngẩn đợi
Bên hồ dáng liễu rỡ ràng trông
Hờn ve phượng vĩ vừa bung đỏ
Dỗi nắng tường vi mới trổ hồng
Rực rỡ khung trời mây trắng điểm
Nâng diều vút bổng tận tầng không!

29/4/2019
DUNG NGUYÊN 

Ngắm biển chiều

<D.506><Cảnh Biển Trời>



NGẮM BIỂN CHIỀU

Trùng khơi thẳm vợi đắn đo nhiều
Cảm nhận khung trời đỗ bóng yêu
Bỏ mặc thuyền trôi lòng chuỗi sóng
Hờ thương biển nhặt ráng ban chiều
Chân buồn khập khiễng dìu thân ngả
Bước nhãng trây lười dợm ảnh xiêu
Mảnh khói lam vờn xoay giục giã
Người thơ mộng ấy thoả bao điều.

Mai Thắng - 190419

------------------ 
★ Bài xướng của Ngọc Liên

BIỂN CHIỀU

Có lẽ tình em chẳng đủ nhiều
Nên đành bỏ lỡ một lời yêu
Dù thơ vẫn đắm bên dòng nhạc
Dẫu sóng còn xô giữa biển chiều
Tiếng hẹn như là cơn gió thoảng
Câu thề cũng chỉ cánh buồm xiêu
Mà sao mãi đợi từng năm tháng
Để nắng mờ phai áo lụa điều.

Ngọc Liên 16.04.19

Hoa Thiết Mộc Lan

<D.505~TN Hoa Trái>



HOA THIẾT MỘC LAN

Màu hoa điểm nhạt kết nên chùm
Cọng duỗi đua dài lá trải um
Thoảng vị hương nồng bay cám dỗ
Nhờ cơn gió nhẹ tản đưa giùm
Tài nhô thọ phúc không cầu khẩn
Cội vững nhân từ chẳng cúi khum
Nhắn nhủ lòng son nền phụng dưỡng
Đời vui thiện phát cảnh thương đùm.

Mai Thắng – 
190415

★ Bài xướng của Dung Nguyên

HOA THIẾT MỘC LAN

Trắng dịu tinh khôi nở kết chùm
Hoa xòe giữa cội lá xanh um
Thơm lồng cảnh vật sương hoà lẫn
Khéo gửi làn hương gió thoảng giùm
Ngắm những đài xinh màu nhạt nhạt
Yêu từng nụ nhỏ cánh khum khum
Thêm tài lộc phát trong nhà bạn
Nhắc nhở con tim phải bọc đùm

DUNG NGUYÊN
14/04/2019

Đào Nguyên Thiên Thai

<C.028><Điển tích văn học>
Đề tài: ĐÀO NGUYÊN, THIÊN THAI
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chào mừng đón hỏi dò la,
ĐÀO NGUYÊN lạc lối đâu mà đến đây ?

        Đó là hai câu trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên đến báo mộng. Vì là một hồn ma, nên "sen vàng lảng đảng như gần như xa" làm cho Thúy Kiều lầm tưởng không biết là tiên ở chốn nào đi lạc đến đây. Thật ra thì ĐÀO NGUYÊN là nơi có cảnh trí yên lành đẹp đẽ và người dân nơi đó hiền lành hòa ái, sống hòa đồng với nhau một cách vui vẻ, không tham lam đấu đá, tranh danh đoạt lợi như thế giới bên ngoài, chớ không phải là cảnh tiên gì cả, theo ĐÀO HOA NGUYÊN KÝ 桃花源記 của Đào Uyên Minh thì :

 
       Năm Thái Nguyên của Hiếu Võ Đế đời Đông Tấn, có một người ở đất Võ Lăng, làm nghề đánh cá độ nhật. Một hôm, ông ngược theo dòng sông đi về phía đầu nguồn. Không biết đi được bao lâu, bỗng thấy hai bên bờ sông toàn là rừng hoa đào ngào ngạt hương thơm trên những thảm cỏ xanh bát ngát. Ông rất ngạc nhiên nên quyết định đi cho đến cuối rừng đào. Khi đến đầu nguồn là một tòa núi lớn, nguồn nước từ trong hang núi chảy ra, và có ánh sáng thấp thoáng ở phía bên kia hang động. Ông bèn bỏ thuyền, men theo hang động mà đi độ vài mươi bước, thì thấy hang động mỗi lúc một rộng ra và sáng hơn lên. Khi ra đến bên ngoài thì như là lạc vào một thế giới khác. Đất lành đường rộng, ruộng lúa phì nhiêu, nhà cửa khang trang sạch sẽ. Gái trai già trẻ ăn mặc tươm tất chỉnh tề, gặp nhau chào hỏi cười nói vui vẻ.

        Họ trông thấy người đánh cá khác hơn những người trong thôn, đều rất ngạc nhiên mà đến thăm hỏi đủ điều. Rồi thay phiên nhau mời về nhà mà đãi đằng cơm nước. Họ kể cho người đánh cá biết rằng : Tổ tiên của họ vì muốn lánh chiến tranh loạn lạc của đời Tần mà dắt díu nhau tìm đến chốn nầy để lánh nạn. Thấy đây là mảnh đất lành yên ổn nên định cư và cắt đứt luôn liên lạc với người bên ngoài đã nhiều đời nay rồi. Họ hỏi người đánh cá bây giờ là triều đại nào, họ không biết gì đến nhà Đông Hán Tây Hán gì cả, đừng nói chi đến đời Ngụy đời Tấn. Người đánh cá bèn kể lại diễn tiến của mấy trăm năm lịch sử cho họ nghe. Mọi người đều tỏ ra rất cảm khái. Họ thay phiên nhau chiêu đãi để nghe người đánh cá kể chuyên bên ngoài đời. Được mấy hôm, người đánh cá bèn từ biệt ra về. Người trong thôn Đào Nguyên đều căn dặn là đừng nói sự hiện diện của họ cho người bên ngoài biết.

        Ra khỏi Đào Nguyên, người đánh cá bèn men theo đường cũ mà ra về, mỗi khi đến đoạn sông uốn khúc hay ngã rẻ đều dừng lại để đánh dấu. Khi đã đến huyện thành, bèn vào yết kiến Thái Thú nơi đó mà trình báo mọi việc. Quan Thái Thú bèn phái người theo ông ta lần theo những dấu hiệu mà ông ta đã đánh để đi tìm. Nhưng rốt cuộc vẫn bị lạc đường không sao tìm ra lối vào Đào Nguyên nữa.

        Có người tên Lưu Tử Ký ở quận Nam Dương, là một người thanh cao thoát tục, nghe được chuyện nầy, bèn dự tính tìm cách để đến cho được Đào Nguyên, nhưng không thành. Ít lâu sau thì bị bệnh mà chết. Từ đó về sau không còn có người hỏi đến chuyện Đào Hoa Nguyên nữa.

        ĐÀO NGUYÊN là thế đấy, chỉ là một làng quê yên lành với đời sống mộc mạc không đòi hỏi cao sang, không tranh danh đoạt lợi... Nhưng đối với thế giới bên ngoài đầy lòng tham lam, nhiểu nhương, chiến tranh, chết chóc... thì đây quả thật là cảnh tiên mà mọi người dân hằng ao ước ! Trong văn học văn chương thi vị và lý tưởng hóa ĐÀO NGUYÊN thành một nơi như là Thiên Thai Tiên Cảnh. Nên trong bản nhạc THIÊN THAI, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời nhạc mở đầu cho bài hát là :
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...
 Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên... 

https://www.youtube.com/watch?v=ZYqVSSicrfo

        Lời nhạc đã viết Sai mà... Đúng. Sai vì Lưu Thần Nguyễn Triệu đi lạc vào THIÊN THAI chớ không phải lạc vào ĐÀO NGUYÊN. Đúng vì trong tâm tưởng của quần chúng nhân dân qua văn chương thì THIÊN THAI hay ĐÀO NGUYÊN gì thì cũng như nhau mà thôi, vì đều cùng là chỗ Tiên ở, chỗ ở lý tưởng mà mọi người hằng ao ước ! Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn thi vị hóa THIÊN THAI là chỗ ở của người yêu, là chỗ ở của Kim Trọng, khi Thúy Kiều " Lần theo núi giả đi vòng, cuối tường dường có nẻo thông mới rào ", nên Thúy Kiều mới :
Xắn tay mở khóa động ĐÀO,
Rẻ mây trông tỏ lối vào THIÊN THAI !

        Khi đã yêu thì con gái cũng bạo như con trai vậy !

 
       Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống(宋.劉義慶《幽明錄)chép rằng :
        Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế ( Công nguyên năm 62 ), người đất Diễm ( thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay ) là LƯU THẦN 劉晨 và NGUYỄN TRIỆU 阮肇 vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiễm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ. Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẵn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng : " Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ? " Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẵn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẵn , tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị. Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên tử trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !...


    
    Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại, được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp...như tiên, nhưng khi nghe tiếng Tử Qui gọi Xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nở rời xa !...
Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng : Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi ( Công Nguyên năm 388 ) hơn 300 năm sau rồi !. Hai người đành quay trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa !


    
    Trong những bài thơ vịnh về LƯU NGUYỄN LẠC THIÊN THAI, phải kể đến 5 bài trong ĐẠI DU TIÊN THI của TÀO ĐƯỜNG đời Đường là tiêu biểu và nổi tiếng nhất. Nhất là các câu :
不知此地歸何處, Bất tri thử địa quy hà xứ ?
須就桃源問主人。 Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.
        Có nghĩa :
Chẳng biết nơi đây về đâu nhỉ?
Tìm đến Đào Nguyên hỏi chủ nhân.

        Hay như :
 花留洞口應長在, Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
 水到人間定不回。 Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
        Có nghĩa :
Hoa trước động luôn sầu mong nhớ,
 Nước xuôi dòng biết thuở nào về,

        Hay như câu :
 桃花流水依然在, Đào hoa lưu thủy y nhiên tại,
 不見當時勸酒人。 Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.
         Có nghĩa :
 Hoa đào nước cuốn như xưa,
Đâu người chuốc rượu tiễn đưa dạo nào !?


    
    Trong truyện Nôm Nữ Tú Tài, sau khi biết Tuấn Khanh là nữ, tên là Phi Nga thì :
Soạn Chi nghe nói tỏ tường,
Khác nào Lưu, Nguyễn gặp nàng tiên nhân.

        ĐÀO NGUYÊN, THIÊN THAI đều là những nơi có thật, được người đời lý tưởng và thần tiên hóa thành những chỗ ở của thần tiên, để so sánh với cỏi đời thật đang diễn ra trước mắt một cách xô bồ xô bộn. Trong thực tế, nếu ta chịu an phận thủ thường, chấp nhận thực tại là hạnh phúc, thì nơi đâu cũng là Đào Nguyên và Thiên Thai cả !

Đỗ Chiêu Đức

23 tháng 4 2019

Kết cổng mầm thương

<D.504><Giao Tiếp> 



KẾT CỔNG MẦM THƯƠNG

Những đợi cho lần nhỏ đến thăm
Vườn kia sửa soạn phối ươm mầm
Bên hồ liễu rủ soi hình dáng
Ngõ giậu lan oằn trải tháng năm
Vẫn nhớ người em thường giản dị
Hoài mơ giấc mộng diễn âm thầm
Nuôi chùm khát vọng tìm hoa đỏ
Kết cổng thâm tình lặng lẽ chăm.

Mai Thắng – 190414

★ Bài xướng của Dung Nguyên

MẦM THƯƠNG

Anh à nẻo cũ hãy về thăm
Bởi phúc mình gieo nứt vỏ mầm
Cội nghĩa dài thêm vừa đủ tháng
Cây đời lớn phổng đã tròn năm
Vun cho đức hạnh lồng êm ái
Ủ những tình duyên sống lặng thầm
Bỏ hết bon chen và thói tục
Tâm thành hướng thiện đạo nhà chăm

DUNG NGUYÊN
05:06 - 13/04/2019

Trận Thư Hùng

<D.503~Thơ Vui>



TRẬN THƯ HÙNG

Cuộc lỡ mưu dành khó bảo mai
Người thanh kẻ trọc sẽ đua tài
Dàn quân trước đã uy từng trải
Giữ trận chi bằng thế dẻo dai
Pháo mã công thành xe đoạt ải
Thần binh phối lực sĩ trương bài
Giằng co chiến sự âu đành phải
Ngã khuỵu mơ mòng buổi đáo lai.

Mai Thắng – 190414

★ Bài xướng của Ngọc Tĩnh

BIẾT LÀM SAO

Đêm cờ lỡ hẹn tính gì mai?
Kẻ trắng người đen sẽ đọ tài
Pháo thẳng hà thông chàng vẫn dại
Xe hoành sĩ vểnh thiếp còn dai
Voi quỳ cản mã thì dăm cái
Tốt tiễn vào cung chỉ một bài
Hãy nhớ em mà giăng trận ải
Coi chừng Tướng dạt cõi bồng lai!

Ngọc Tĩnh
04:19 - 13/04/2019

★ Bài hoạ của Dung Nguyên

ĐỌ TÀI

Nghe đồn cuộc đấu sớm ngày mai
Lão Ngọc bà Dung quyết thử tài
Pháo nã vây thành hòng khử tái
Xe quành chặn chốt tính kìm dai
Dồn binh rượu thưởng Nguyên dùng vại
Thúc mã trà dâng Tĩnh xướng bài
Chống vụng nhưng mà chèo khéo lái
Vua về hưởng lộc phúc trùng lai

DUNG NGUYÊN
19:57 - 13/04/2019

Mẹ già tuổi hạc

<D.502><Tình Gia Đình>



MẸ GIÀ TUỔI HẠC

Nhìn lâu dáng mẹ cảm đau ngùi
Thể tạng suy dần dãn nếp vui
Sữa ấm đầy ly nhiều vị tủi
Mì thơm ngát mũi cạn hương bùi
Cơ hàn rũ bám đời thương khổ
Vất vả buông đèo những vận xui
Bĩ cực qua rồi không hưởng mấy
Tàn hơi sức mỏi bọt tăm sùi.

Mai Thắng – 190414

★ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

CÙNG NHAU PHỤNG DƯỠNG

Nghe tiếng con thưa thoáng ngậm ngùi
Mắt già sụp mí nhướng mừng vui
Bánh mì nóng hổi thôi dòn rụm
Ly sữa ngọt thơm hết béo bùi
Chớp bể mưa nguồn hơi thở dứt
Tang điền thương hải cánh tay xuôi
Cùng nhau phụng dưỡng khi còn sống
Lúc mẹ qui tiên bớt sụt sùi !

Thuận. 14/04/2019.

★ Bài hoạ khác của Nguyễn Thị Trọng

TIẾC MẸ KHÔNG CÒN !

Đọc gương hiếu đễ thoáng bùi ngùi.
Mình mẹ không còn dạ khó vui.
Nhớ thuở hàn vi chia mặn đắng.
Tiếc nay sung túc đoạn thơm bùi.
Tình thương vô hạn hằng ban bố.
Nước mắt bao đời vẫn chảy xuôi.
Cảm phục cầu ai năng phụng dưỡng.
Khỏi rưng ngấn lệ lúc mưa sùi!

Nguyễn Thị Trọng. 14/04/2014.

★ Bài hoạ khác của Cao Linh Tử

KHUYÊN BẠN

Não phiền gỡ bớt chớ vo ngùi
Chăm sóc mẫu từ đủ thấy vui
Đã lúc căn trần thôi nhạy bén
Dù cơm vương giả khó ngon bùi
Hiếu tâm báo đáp ơn mang nặng
Mưa móc chan hòa nước chảy xuôi
Còn mẹ là tiên năng phụng dưỡng
Ngày kia nhẹ bớt gió mưa sùi!

Cao Linh Tử cảm họa
14/4/2019

Tặng Em Tia Nắng Lụa Mềm

<L.246~Thơ Lục Bát> 


(Ảnh và minh họa của Cảnh Xê)

TẶNG EM TIA NẮNG LỤA MỀM …

Tặng em tia nắng lụa vàng
Dệt manh áo tím mơ màng đêm thâu
Tháng Tư vẳng khúc dạo đầu
Tiếng hè mở điệu ve sầu buồn mông

Tặng em tia nắng lụa hồng
Xuyên cành phượng đỏ soi dòng tin yêu
Ngày hè khoác mảnh áo thêu
Bên hồ ngắm liễu buông chiều nhẩn nha

Tặng em tia nắng ngọc ngà
Kết hương bưởi sớm vờn hoa lá cành
Vin nhành lan trắng lung linh
Lan xoay hướng nắng gọi tình trao nhau

Tặng em tia nắng nhiệm mầu
Ấp hồn sương phụ qua cầu gió bay
Lớp sương chiều mỏng lắt lay
Vần thơ ru giấc ngủ say êm đềm.

Tặng em tia nắng lụa mềm …

Mai Thắng – 190416

----------------------
★ Sáng tác của Cảnh Xê

CHỈ XIN CHÚT NẮNG LỤA MỀM...

Tháng tư hoa nắng ươm vàng
Nghe nồng tiết hạ chói chang đất trời
Thơ tình dang dở buông lơi
Lạc vần con chữ rối bời bút nghiên

Trăm năm xin hết lụy phiền
Ngàn năm đừng để dạ miên man sầu
Lời thề ai rút nửa câu
Nửa câu còn lại nhũn nhầu gối đêm

Lặng nghe tiếng gió khua thềm
Lục tìm ký ức dịu êm thuở nào...
Tơ lòng rối cuộn người trao
Một mình đối bóng mà chao đảo ngày

Xin làm cơn gió nhẹ bay
Ngao du đây đó đỡ lay lắt chiều
Kiếp người vui được bao nhiêu
Mắt buồn tâm khổ thân tiều tụy thêm

Chỉ xin chút nắng lụa mềm...

Cảnh Xê
14/4/2019

Tri Kỷ Tri Âm

<C.027><Điển tích văn học> 
Đề tài: TRI KỶ, TRI ÂM
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC




        TRI 知 là Biết, Kỷ 己 là Mình; nên TRI KỶ 知己 là người hiểu biết mình, không phải chỉ hiểu biết hời hợt bên ngoài, mà hiểu biết một cách sâu sắc, tận tâm can và suy nghĩ của mình, thì mới gọi là TRI KỶ được. Như khi nghe Thúy Kiều nói lên cái ý định xưng bá đồ vương của mình, thì Từ Hải tỏ ra rất hài lòng : 

Nghe lời vừa ý gật đầu, 
Cười rằng: TRI KỶ trước sau mấy người! 
Khen cho con mắt tinh đời, 
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
 
       Đôi bạn TRI KỶ đầu tiên hiểu rõ nhau nhất là Quản Trọng 管仲 và Bào Thúc Nha 鮑叔牙 thời Chiến Quốc, theo Sử Ký ghi lại như sau :
        Quản Trọng tên là Di Ngô, hiệu là Kính Trọng, người thôn Quản Cốc huyện Dĩnh Thượng. Ông là Tể Tướng nổi tiếng của nước Tề, phò tá và giúp Tề Hoàn Công trở thành một trong Ngũ Bá thời Chiến Quốc. Bào Thúc Nha cũng là một Đại Phu của nước Tề, là bạn tri kỷ của Quản Trọng. Truyện Kể...

        Thuở nhỏ, Bào Thúc Nha và Quản Trọng là hai người bạn thân. Bào Thúc Nha rất hiểu về tài hoa của bạn mình. Quản Trọng nhà nghèo nhưng luôn luôn lấn lướt Bào Thúc Nha về mọi mặt, nhưng Bào lại luôn luôn đối sử tốt với bạn mà không một tiếng oán than trách móc.

        Lớn lên, hai người cùng làm quan cho nước Tề. Quản Trọng theo phò Công Tử Củ, còn Bào Thúc Nha theo phò người em là Công Tử Tiểu bạch.

        Năm 686 trước Công Nguyên, Tề Tương Công mất, cháu là Công Tôn Vô Tri soán ngôi. Mùa xuân năm 685 trước CN, Đại Phu nước Tề là Ung Lẫm giết Công Tôn Vô Tri. Lúc đó Công Tử Củ đang ở nước Lổ, còn Công Tử Tiểu Bạch đang ở nước Lữ. Triều thần quyết định đón hai Công Tử về nước, ai về trước sẽ được nối ngôi.

        Nước Lổ phái người đưa Công Tử Củ về nước; còn nước Lữ thì phái người đưa Công Tử Tiểu Bạch về nước. Quản Trọng sợ Công Tử Tiểu Bạch về trước, nên phi ngựa rượt theo bắn một mũi tên, Công Tử Tiểu Bạch giả vờ trúng tên té xuống xe ngựa. Sau đó cùng Bào Thúc Nha rẻ đường tắt về nước trước, lên ngôi nước Tề, chính là Tề Hoàn Công đó.

  
      Lổ Trang Công nghe Công Tử Tiển Bạch đã lên ngôi nước Tề, vô cùng tức giận, cử binh sang đánh nước Tề. Tề đã có chuẩn bị sẵn nên binh Lổ đại bại mà về. Dưới áp lực của nước Tề, Lổ bắt buộc phải giết Công Tử Củ và bắt Quản Trọng trả về cho nước Tề xử tội.

        Tề Hoàn Công sau khi lên ngôi, bèn triệu Bào Thúc Nha đến để phong làm Tể Tướng. Nhưng Bào lại từ chối mà còn tiến cử cho người đang ở trong tù là Quản Trọng làm Tể Tướng vì cho rằng Quản Trọng giỏi hơn mình rất nhiều. Trước đây bắn Tề Hoàn Công là vì đang theo phò Công Tử Củ, chỉ là ai vì chúa nấy mà thôi. Tề Hoàn Công nghe theo lời Bào Thúc Nha phong Quản Trọng là Tể Tướng. Nên sau nầy nhờ các sách lược của Quản Trọng mà Tề Hoàn Công mới xưng bá chư hầu.

        Về phần Quản Trọng, ông luôn nói với người khác rằng :" Lúc nhỏ nhà nghèo, thường đi buôn với Bào Thúc Nha, tôi ra vốn ít, nhưng chia lời nhiều. Thúc Nha không cho là tôi tham, vì biết tôi nghèo. Tôi bày cách làm ăn cho Thúc Nha bị thất bại. Thúc Nha không cho là tôi ngu xuẩn, mà biết là làm ăn phải có lúc vầy lúc khác. Tôi ra làm quan ba lần đều bị đuổi về ba lần, Thúc Nha không cho là tôi bất tài, mà biết là tôi chưa gặp được thời cơ. Tôi đi đánh trận ba lần, ba lần đều thua chạy trước, Thúc Nha không cho là tôi nhát gan, vì biết tôi còn phải phụng dưỡng mẹ già. Công Tử Củ thất bại bị giết, tôi bị bắt mà không dám hi sinh vì chủ, Thúc Nha không cho tôi là kẻ vô sỉ, vì biết rằng tôi còn đợi dịp để thi thố tài năng. Ôi, Sanh ra tôi là cha mẹ tôi, nhưng hiểu được tôi thì chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi!".

        Khi Quản Trọng sắp chết. Tề Hoàn Công hỏi : Bào Thúc Nha có thể thay thế làm Tể Tướng không ? Quản Trọng đáp : Không được ! Bào Thúc Nha là người thiện ác phân minh, không thể bao dung cho kẻ xấu được. Nếu giao cho quyền bính trong tay, chẳng những có hại cho chúa công mà còn có hại cho chính bản thân Thúc Nha nữa ! Bào Thúc Nha nghe biết chuyện nầy, chẳng những không trách Quản Trọng không tiến cử mình, mà còn rất cảm kích vì biết bạn rất hiểu mình nên không muốn hại mình phải mang họa vào thân.

        Quả là hai người bạn TRI KỶ với nhau : Người nầy hiểu rõ người kia và người kia cũng rất hiểu rõ người nầy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã ca ngợi tài của Quản Tử (Quản Trọng) như sau :
    Lượng gã Bạch sinh nào có mấy,
    Tài người Quản Tử có đâu nhiều !

        Tăng Quảng Hiền Văn có câu : 
相識滿天下,    Tương thức mãn thiên hạ,  
知己能幾人?     TRI KỶ năng kỷ nhân ?
        Có nghĩa : 
Quen biết hết cả người trong thiên hạ, nhưng...
TRI KỶ (là người hiểu ta nhất) có được mấy người đâu ?!

 
       Theo Chiến Quốc Sách Liệt Ngự Khấu 战国列御寇著 ghi về chuyện Bá Nha Tử Kỳ như sau :
        Du Bá Nha 俞伯牙 phụng mệnh vua Tấn đi sứ sang nước Sở. Đêm rằm tháng tám, thuyền vừa vào đến Hán Dương, gặp lúc mưa to gió lớn, nên ghé vào một mé núi nhỏ để tránh gió. Đêm xuống, gió lặng mây tan, vầng trăng rằm sáng vành vạnh trên sông nước, cảnh sắc thật hữu tình. Bá Nha bèn lấy cây dao cầm ra nắn nót phím dây và đàn một khúc. Đang lúc thả hồn vào cung đàn phím nhạc, mơ hồ như thấy có bóng người trên bến nên phân tâm, tay bấm mạnh vào phím đàn đánh "chát" một tiếng, đàn đứt mất một dây và tiếng đàn im bặt. Bỗng nghe tiếng người trên bờ nói vọng xuống rằng :" Xin tiên sinh chớ ngại, tôi là người đốn củi về muộn, đi đến đây nghe được tiếng đàn tuyệt diệu của tiên sinh, nên nán lại chưa nở rời đi ".

        Nương theo bóng trăng, Bá Nha nhìn kỹ người trên bến, quả nhiên là một tiều phu với gánh củi còn để một bên, thầm nghĩ : Chỉ là một người đốn củi, làm sao nghe hiểu được tiếng đàn của ta chứ ?. Bèn cất tiếng hỏi rằng :" Các hạ nghe hiểu tiếng đàn của ta, thì có thể nói thử xem khi nảy ta đang đàn khúc gì ?". Người tiều phu bèn đáp rằng :" Thưa tiên sinh, lúc nảy ông đang đàn khúc Khổng Tử tán thán đệ tử Nhan Hồi. Rất tiếc là tiên sinh mới đàn đến câu thứ tư thì dây đàn bị đứt ".


    
    Nghe người tiều phu đối đáp trôi chảy, Bá Nha rất ngạc nhiên và cũng vô cùng mừng rỡ. Bèn mời tiều phu lên thuyền để đàm đạo , người tiều phu vừa trông thấy cây đàn của Bá Nha, bèn khen rằng :" Đây là cây dao cầm, tương truyền là của vua Phục Hi chế tạo ra ". Bèn kể lại lai lịch, quá trình chế tạo và xuất xứ của cây đàn. Bá Nha nghe xong càng khâm phục cho kiến thức của người tiều phu hơn. Đoạn mời người tiều phu nghe thêm vài khúc đàn nữa. Khi Bá Nha cất cao tiếng đàn lên thật hùng tráng, thì người tiều phu khen :" Vòi vọi thay núi cao hùng vĩ, chí tại cao sơn ". Khi Bá Nha hạ tiếng đàn xuống cho thanh thoát trôi chảy, thì tiều phu lại cất tiếng khen rằng :" cuồn cuộn thay như nước trường giang, ý tại lưu thủy ".

        Bá Nha nghe xong rất lấy làm vui dạ, trước đây chưa từng có người hiểu được tâm sự của ông gởi gấm qua tiếng đàn, mà trước mắt, người tiều phu nầy lại làm được việc đó. Không ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc nầy lại có được một TRI ÂM ( người hiểu được tiếng lòng của người khác qua âm nhạc ) mà bấy lâu nay ông cố tìm vẫn không gặp được. Bèn đứng dậy thi lễ, rót chén rượu mời và cùng xưng tên họ với nhau. Thì ra người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ, làm nghề đốn củi độ nhựt. Hai người càng đàm đạo càng hợp ý hơn. Cuối cùng dưới vầng trăng thu sáng vằng vặc họ đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh. Bá Nha lớn hơn nên làm anh, hỏi Tử Kỳ rằng :" Với tài năng và học thức của hiền đệ sao không ra kiếm chút công danh mà lại cam nghề đốn củi ?" Tử Kỳ cho biết là vì mình còn phải phụng dưỡng cha già, nên mới ẩn nhẫn đợi thời. Vì công vụ chưa xong, nên Bá Nha không có thời gian lên bái kiến cha của Tử Kỳ. Trước khi chia tay, hai người bạn cùng hẹn nhau rằm trung thu sang năm lại gặp nhau trên bến sông nầy.


    
    Trung Thu năm sau, Bá Nha y hẹn, ghé thuyền lại bến Hán Dương chờ bạn. Nhưng chờ hoài chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi, bèn đem đàn ra mà đàn một bản, ý muốn kêu gọi bạn tri âm, nhưng tri âm vẫn bằng bặt bóng hình. Sáng hôm sau, Bá Nha lên bờ, lần mò vào thôn để hỏi thăm về tin tức của Tử Kỳ. Một ông già nghe hỏi, bèn khóc òa lên, cho biết mình chính là cha của Tử Kỳ đây. Sau Trung Thu năm rồi, Tử Kỳ đã nhuốm bệnh và qua đời, trước phút lâm chung, còn trối lại là hãy chôn mình ở bờ sông để Trung Thu năm tới còn nghe được tiếng đàn của Bá Nha như đã ước hẹn.

        Nghe lời nói của Chung Lão, Bá Nha đau buồn vô hạn, tìm đến bên mộ của Tử Kỳ, trịnh trọng đặt cây dao cầm trước mộ, rồi ngồi xếp bằng mà đàn lại khúc " Cao sơn lưu thủy " năm xưa. Đàn xong bèn gạt đứt hết dây đàn, đứng dậy nâng cây dao cầm lên cao đập mạnh xuống tảng đá xanh trước mộ. Cây đàn " bùng " lên một tiếng bể tan tành ! Ba Nha bèn khóc mà ngâm rằng :


摔碎瑶琴鳳尾寒, Suất toái dao cầm phụng vĩ hàn,
子期不在向誰彈? Tử Kỳ bất tại hướng thùy đàn ?
春風满面皆朋友, Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
欲覓知音難上難。 Dục mịch TRI ÂM nan thượng nan !
        Có nghĩa : 
Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Đàn vắng Tử Kỳ đàn với ai ?
Mát mặt gió xuân đều bạn hữu,
TRI ÂM đâu dễ gặp lần hai !

        Quả là " Dục mịch tri âm nan thượng nan ": Muốn tìm được một người tri âm là "khó trên khó". Có nghĩa là Khó vô cùng ! Hiểu nhau đã khó, hiểu cả tiếng đàn của nhau càng khó hơn nữa. Nên sau nầy dùng rộng ra, TRI ÂM chỉ những người bạn rất thân thiết, hiểu rõ cả ruột gan lòng dạ của nhau. Nguyễn Du còn dùng để chỉ những cặp đôi yêu nhau nữa, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :
Nàng rằng : Gió bắt mưa cầm,
Đã cam tệ với TRI ÂM bấy chầy !

        Trong truyện Nôm TRINH THỬ cũng có câu :
Bá Nha đã gặp Tử Kỳ,
Bảo sơn ai nở trở về tay không ?!

        Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :
知音說與知音聽, Tri âm thuyết dữ tri âm thính,
不是知音莫與彈.      Bất thị tri âm mạc dữ đàn.
        Có nghĩa :
Là TRI ÂM với nhau mới nói cho nhau nghe,
Không phải là TRI ÂM với nhau thì đừng có đàn 
(cho nhau nghe, vì có biết nghe đâu mà đàn cho uổng công!).

        TRI KỶ, TRI ÂM ngày xưa là như thế đó, còn ngày nay thì sao ?!

Đỗ Chiêu Đức 


22 tháng 4 2019

Hồi ức tuổi thơ

<D.501~Ruộng Đồng>



HỒI ỨC TUỔI THƠ

Quê nghèo xóm nhỏ dọc bờ sông
Sống dãi dầu nương cảnh chợ đồng
Trụ giữa dòng xuôi con phố mở
Chia đường biển tiến rạch triều rông
Thời thơ tuổi học ngày hong nắng
Mảnh ruộng mùa sang lúa trỗ ngồng
Chuỗi chiến tranh tàn duyên ở lại
Vui cùng khổ nạn tóc đầy bông.

Mai Thắng - 190413

★ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

LỐI XƯA HỒI NHỚ

Sáng chạy rề rà cặp mé sông
Lối xưa hồi nhớ ngoại quê đồng
Bãi bùn dưới rạch đâu bồi cạn
Nhà cửa trên đường chẳng sát đông
Chọi lộn hốt sình phang thẳng cánh
Tắm mưa tóe nước chạy tồng ngồng
Thời gian tí tách cơ hồ chậm
Mới đó sao đầu đã trắng bông !

Lâm Mỹ Thuận - 110419

Khúc hạ về đêm

<D.500><Thương Hạ Ca>  



KHÚC HẠ VỀ ĐÊM

Ráng đỏ phai dần vãn vệt xuyên
Tầng không lịm lắng ảnh mơ huyền
Ngày hanh nhễ nhại mây giàn tuyến
Tối thoảng âu sầu giọng đỗ quyên
Giữa khoảng sao trời bao ước nguyện
Về cung nhược thuỷ mấy con thuyền
Vần thơ điệp khúc tình say huyễn
Thảo nét an lành mộng giữ nguyên.

Mai Thắng – 190412

★ Bài xướng của Ngọc Liên

NỖI CHIỀU

Em về nẻo ấy nỗi chiều xuyên
Để bước thời gian nhuốm lụy phiền
Gió đã qua mùa đơn cánh Nhạn
Trăng giờ giã bạn lẻ tình Quyên
Bờ xưa vẫn đợi từng con sóng
Bến cũ nào thương những chiếc thuyền
Vật đổi sao dời ai dám chắc
Ân nồng một thuở có còn nguyên?

Ngọc Liên

★ Bài hoạ của Tường Vân

GIỌT NẮNG BÊN THỀM 

(Cú trung đối)

Giọt nắng bên thềm đã nhẹ xuyên
Dường nghe lắng đọng chút ưu phiền
Có ghen mới hiểu lòng Quân Tử
Gió lạnh đêm buồn tiếng Đỗ Quyên
Nửa mảnh duyên chiều say mặc khách
Nghìn thu biển sóng đợi con thuyền
Hôm qua ướm hỏi vầng trăng cũ
Một khối tim nồng có giữ nguyên?

Tường Vân

Miền quê vào hạ

<D.499><Thương Hạ Ca>  



MIỀN QUÊ VÀO HẠ

Hạ đã về trên khắp dải đồng
Xuân vừa quá cảnh dọc triền sông
Chen đầm nở rực chùm sen trắng
Đón lửa bừng oi phượng vĩ hồng
Trắc ẩn chiều nghiêng cài quãng lặng
Khơi bày ráng lịm ửng tầng không
Đêm nằm luống những chìm hư ảo
Thoảng dịu vần thơ dỗ giấc nồng

Mai Thắng - 190412

★ Bài xướng của Dung Nguyên

TIỄN XUÂN

Giêng hai mạ cấy điểm xanh đồng
Lúa trải non mềm cạnh mé sông
Sắc cải bây giờ bông chuyển nhạt
Chiều thu thuở ấy nắng ươm hồng
Êm đềm lá biếc tô mùa hạ
Rực rỡ hoa vàng vẽ khoảng không
Cái rét Nàng Bân còn sót lại
Hoài lưu luyến bởi tiết xuân nồng!

DUNG NGUYÊN
10/04/2019

Nếp buồn quy ẩn

<D.498><Tuổi Lão>



NẾP BUỒN QUY ẨN

Giã nhé bây chừ mảnh ruộng sâu
Vùng kinh tế lạnh nỗi thương sầu
Bàn tay bỏng rộp từng len đất
Cổ áo chai sờn những vụn bâu
Trễ vụ đồng phơi hàm súc cảnh
Cày nông hạn đốt ngẩn ngơ đầu
“Lùa con bỏ chợ” ba mùa trắng
Đã chọn sai rồi khó ở lâu.

Mai Thắng - 190410

★ Bài xướng của Bichyen Nguyen

QUY ẨN

Thôi từ giã đến tận rừng sâu
Mượn cảnh trời mây gác nỗi sầu
Tối thưởng trăng vàng treo ngọn liễu
Đêm nhìn bóng ảo lẫn ngàn sao
Vào nơi ngõ mộng chân dừng bước
Dạo giữa đào nguyên gió phả đầu
Ngẫm lại trăm điều xưa bỏ xứ
Đi tìm động cốc ẩn dài lâu

09.04.2019
Thơ: Giang Hoa

Giấc Kê Vàng

<C.026><Điển tích văn học> 
Đề tài: GIẤC KÊ VÀNG & GIẤC ...
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


    Ôi, nhân sinh là thế ấy,
    Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
    Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
    Vừa tỉnh giấc NỒI KÊ chửa chín.

        Đó là 4 câu thơ mở đầu cho bài hát nói Vịnh Nhân Sinh của cụ Nguyễn Công Trứ, chỉ nhân sinh vốn dĩ phù du mộng ảo như một Giấc kê Vàng, mà khi tỉnh giấc rồi Nồi kê vẫn còn chưa chín ! 
 
        KÊ là một loại ngũ cốc, ta gọi là lúa Mì, lúa Mạch, có màu vàng; nên còn gọi là KÊ VÀNG, từ Hán Việt là HOÀNG LƯƠNG 黃梁, như khi bị Ưng Khuyển bắt về giao nạp cho Hoạn Bà, Thúy Kiều mới :
    HOÀNG LƯƠNG chợt tỉnh hồn mai,
    Cửa nhà đâu tá lâu đài nào đây ?


        Giấc Kê Vàng hay Hoàng Lương Mộng 黃梁夢 có điển tích như sau:
        Theo Chẩm Trung Ký 枕中記, Đường Khai Nguyên năm thứ 7, có chàng Lư Sinh, người xứ Hàm Đan, sau khi thi rớt bèn về quê canh tác. Một hôm đang ngồi trong quán ven đường, thì có một đạo sĩ họ Lữ cũng ghé lại ngồi chung bàn. Hai người cùng trao đổi và bàn bạc về nhân sinh rất là tâm đắc. Bỗng Lư sinh nhìn xuống áo quần lam lũ của mình mà cảm khái nói : " Đại trượng phu sống trên đời mà không đắc chí, đến nỗi phải như thế nầy !". Đạo sĩ nói : " Trông anh rất khỏe mạnh, ăn nói lại rất uyên bác, có điều gì còn phải than thở nữa ?" Lư Sinh đáp : " Kẻ sĩ sống trên đời phải dương danh lập nghiệp, không làm quan văn thì cũng phải là võ tướng; như tôi đây học cả lục nghệ : Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số, lại phải chịu đi cày ruộng khốn khó thế nầy, nghĩ có ức không ?" Bàn luận một hồi lâu, vừa buồn vừa nản, Lư Sinh lại thấy buồn ngủ khi đang đợi chủ quán bắt nồi kê vàng lên nấu, bèn nằm xuống sạp mà ngủ. Đạo sĩ họ Lữ lấy trong bọc ra một cái gối cho chàng nằm. Lư sinh nghiêng đầu nằm lên gối ngủ thiếp đi, chợt chàng thấy có ánh sáng phát ra từ cái lổ trống bên gối, ánh sáng và khoảng trống lớn dần, chàng bèn nhảy vào trong ánh sáng đó, thì thấy mình đã về đến nhà.


        Mấy tháng sau có người làm mối cho chàng cưới con gái nhà họ Thôi, thuộc gia đình giàu có lại rất trẻ đẹp, nên chàng rất yên tâm mà dồi mài kinh sử. Năm sau lai kinh ứng thí, lại đậu ngay Tiến sĩ. Nhà vua phái đi làm Huyện Úy của huyện Vị Nam, không bao lâu lại được thăng làm Giám Sát Ngự Sử, lại được chuyển làm Khởi Cư Xá Nhân Tri Chế Cáo. Ba năm sau, lại thăng làm Trưởng Quan của đất Thiểm. Lư Sinh lại thích về thủy lợi, nên mở kinh đào 80 dặm cho đất Thiểm Tây, giải quyết vấn đề giao thông đường thủy cho dân chúng, nên dân chúng vùng đó làm bia ca tụng công đức. Lại được cải nhậm làm Trưởng Quan ở Biện Châu, làm Thái Phỏng Sứ ở Hà Nam Đao. theo lời triệu của nhà vua về Kinh Thành làm Kinh Triệu Doãn. Năm đó Huyền Tông hoàng đế chinh phạt Nhung Địch, mở rộng biên cương, nhằm lúc Tiết Độ Sứ Vương Quân bị giết, nhà vua cần nhân tài đến thay thế, mới lệnh cho Lư Sinh làm Ngự Sử Trung Thừa kiêm Tiết Độ Sứ đất Hà Tây. Lư Sinh cầm quân đại phá quân địch, mở rộng thêm biên cương chín trăm dặm, xây thêm ba thành trì để củng cố bờ cỏi. Nhân dân một dãy biên cương lập bia ca ngợi công đức. Ban sư về triều, luận công phong thưởng, nhà vua lại thăng làm Lại Bộ Thị Lang. Lại thuyên phong Hộ Bộ Thượng Thư kiêm Ngự Sử Đại Phu. Trong một lúc mà danh vọng lên cao đến tột đĩnh. Trong khi mọi người đều hâm mộ thì Tể Tướng đương triều lại đố kỵ, phao tin thất thiệt là Lư Sinh ỷ công hống hách không xem ai ra gì, nên vua mới đày đi làm Thứ Sử Đoan Châu. Ba năm sau, Vua xét oan tình cho về kinh phục chức Thường Thị, hầu cận bên vua, ít lâu sau lại được thăng làm Tể Tướng, cùng ngang hàng với các Tể Tướng đương thời là Tiêu Tung, Bùi Quang Đình, giúp nhà vua chấp chánh và thực thi sách lược an dân, được tiếng là Thừa Tướng giỏi. Nhưng lại bị đồng liêu tạo chứng cứ giả, vu cho thông đồng với các tướng ở biên cương định mưu phản. Nhà vua lại hạ lệnh bắt hết cả nhà giam vào ngục tối, tịch biên toàn bộ gia sản. Lư Sinh rất kinh hoàng nói với vợ con rằng :" Gốc gác nhà ta ở Sơn Đông, có đến 5 khoảnh ruộng, đủ để nuôi sống cả nhà một cách sung túc, đâu cần phải theo đuổi công danh phú quý mà chi để cho đến bây giờ nhà tan cửa nát, muốn sống yên thân bình thường cũng không được !" Nói xong bèn rút dao ra khứa cổ tự vẫn, may mà Thôi Thị giựt dao lại kịp mới không chết, nhưng những người liên can đều bị xử tử hình. Nhà vua xét trong quá khứ có công nên miễn cho tội chết, chỉ đày đi Hoan Châu lao dịch.


        Năm năm sau, vua xét thấy oan tình, bèn triệu về kinh cho phục chức Tể Tướng, sách phong Yên Quốc Công, được hưởng ân sủng đặc biệt của nhà vua. Lư Sinh sinh được năm trai, tất cả đều hiễn đạt. Con cả Lư Kiệm đỗ Tiến sĩ, con thứ Lư Truyền làm chức Ngự Thị Lang, con thứ ba Lư Vị là Thái Thường Thừa, thứ tư Lư Châu làm Vạn niên Huyện Úy, con trai út Lư Ỷ mới 28 tuổi đã giữ chức Tả Nhưỡng. Các thông gia đều là bậc quyền quý, cháu nội gần hai mươi đứa đều rất ngoan hiền. Cuộc sống vinh hoa phú quý của Lư Sinh kéo dài đến hơn 80 tuổi mới nhuốm bệnh mà qua đời...

        Bấy giờ, Lư Sinh mới trở mình và ngáp dài một cái thức dậy. Mở mắt ra thấy đạo sĩ họ Lữ còn ngồi bên cạnh, và nồi kê mà chủ quán đang nấu vẫn còn chưa chín, mọi vật chung quanh đều vẫn y như cũ. Lư Sinh hoảng loạn như vừa từ thế giới khác trở về, hỏi rằng :" Đó chỉ là giấc mộng thôi sao ?" Lữ đạo sĩ đáp rằng :" Cái huy hoàng nhất của cuộc đời chẳng qua cũng chỉ như thế mà thôi !" Lư Sinh vô cùng cảm khái mà tạ rằng :" Vinh nhục của cuộc đời, cùng thông của vận mệnh, cái lý của được và mất, cái tình của sống và chết, ta đều đã trải nghiệm cả rồi. Cám ơn đạo sĩ đã điểm hóa cho ta, sao ta lại còn không tỉnh ngộ chứ ?!" Bèn lạy ta đạo sĩ mà đi. Từ đó về sau không còn bận tâm về công danh phú quý nữa.

        Ông bà ta cũng thường nói " Trăm năm một giấc kê vàng " để chỉ cuộc đời dù vinh dù nhục, dù phú quý hay bần tiện, dù thành công hay thất bại... rốt cuộc rồi cũng thoáng qua như một giấc mộng mà thôi !

        Ngoài Giấc Nam Kha, Giấc Kê Vàng ra, ta còn có GIẤC BƯỚM , GIẤC HỒ hay GIẤC ĐIỆP đều có cùng một nghĩa như nhau. Vì Bướm từ Hán Việt là Hồ Điệp 蝴蝶, Hồ Điệp là Bướm, theo như tích sau đây :


        Tề Vật Luận trong sách Trang Tử 莊子·齊物論 có ghi lại câu chuyện sau đây : Trang Chu hay nằm mơ thấy mình hóa ra bươm bướm, tiêu dao tự tại bay múa dạo chơi khắp nơi. Khi tỉnh lại rồi thì còn ngờ ngợ tự hỏi rằng:" Không biết là Trang Chu ta hóa ra bươm bướm, hay là bướm bướm đã hóa ra Trang Chu ta đây ?!" Có nghĩa là mộng cũng như thực mà thực cũng như mộng. Nhưng sau dùng rộng ra đều có nghĩa là giấc ngủ mơ màng mà ta hay nghe nói là " Mơ Màng Giấc Điệp ", hay như lời hiểu lầm của Thiện Sĩ trong Quan Âm Thị Kính :

    Chàng rằng : GIẤC BƯỚM vừa say,
    Dao con nàng bỗng cầm tay gần kề.

        hay như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

    GIẤC HỒ nửa gối mơ màng,
    Chiền đầu đã lọt tiếng chuông mái trường.

        Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã thoát dịch hai câu đầu bài Phong Kiều Dạ bạc của Trương Kế là :" Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên " bằng giấc ngủ chập chờn với :

            Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
    Lửa chài cây bến sầu vương GIẤC HỒ.

        Ngoài GIẤC HỒ GIẤC BƯỚM ta còn có GIẤC MAI, là " giấc ngủ dưới cây mai "cũng dùng để chỉ những giấc ngủ ngon, ngủ say trong mộng, theo như điển tích sau đây :
            Theo sách Long Thành Lục 龍城錄 : Triệu Sư Hùng 趙師雄 người Khai Hoàng đời Tùy, trong một buổi chiều trời lạnh lẽo đi ngang qua núi La Phù. Đang cơn tỉnh say, ghé xe vào một tửu quán ven đường, có người con gái ăn mặc đồ trắng giản dị ra tiếp đón. Lúc trời vừa tối hẵn, tuyết bắt đầu tan trong ánh trăng nhàn nhạt. Sư Hùng tiếp chuyện với nàng, người đẹp ăn nói văn hoa lại thoang thoảng có hương thơm nhẹ, bèn cùng nhau uống dăm ba chén rượu. Chốc lát lại có một đồng tử ăn mặc màu xanh lục đến ca múa giúp vui. Sư Hùng uống say, mơ hồ ngủ đi lúc nào không biết. Khi cảm thấy hơi gió lạnh thổi, giật mình thức giấc thì trời đã hừng đông. Nhìn lại thì thấy mình đang nằm ngủ dưới gốc cây mai lớn, trên cây lại có con chim oanh đang hót líu lo, trăng tàn rơi rụng mà lòng những bàng hoàng.



        GIẤC MAi thường dùng để chỉ giấc ngủ mê mang ngon lành, như lúc Thúy Kiều được sư Giác Duyên vớt từ dưới sông Tiền Đường lên còn đang mê mang trong giấc ngủ sau khi đã gặp Đạm Tiên :

    Giật mình thoát tỉnh GIẤC MAI,
    Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn,
    Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,
    Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.

        S
au GIẤC MAI, ta còn có GIẤC XUÂN là Xuân Mộng 春夢 theo như thơ của Bạch Cư Dị : 
    來如春夢不多時,   Lai như xuân mộng bất đa thì, /   去似秋雲無覓處。 Khứ tự thu vân vô mịch xứ. Có nghĩa: Đến tựa mông xuân trong thoáng chốc, / Đi như mây nổi biết về đâu.

        GIẤC XUÂN là giấc ngủ vô tư ngon lành không lo nghĩ như Thúy Vân trong Truyện Kiều. Chị bán mình mặc chị, em thì em vẫn ngủ ngon lành : 
    Thúy Vân chợt tỉnh GIẤC XUÂN, / Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han.

 

        Cuối cùng, ta còn có GIẤC HÙNG. HÙNG 熊 là con gấu, nên Giấc Hùng là nằm chiêm bao thấy gấu. Theo Kinh Thi chương Tiểu Nhã có câu :     維熊維羆,      duy hùng duy bi, 
    男子之祥.       Nam tử chi tường.  Có nghĩa: Chỉ có hai con hùng và con bi, (là hai loài gấu). / Là điềm sẽ sanh được con trai.

        Nên GIẤC HÙNG là giấc ngủ chiêm bao thấy gấu là điềm sẽ sanh được con trai, như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải : 
 Điềm lành sớm ứng HÙNG BI, / Trăm trai đầy rẫy khác gì Lạc Long.

    
    Hay như trong truyện Phương Hoa với : 
GIẤC HÙNG hai thấy xa xa, / Cả là Cảnh Tĩnh, thứ là Cảnh Yên.


        Từ điển tích trên, ta còn có một thành ngữ thường gặp trong văn học cổ là PHI HÙNG NHẬP MỘNG 飛熊入夢 là Con gấu có cánh bay vào mộng, nghĩa là : Nằm mơ thấy gấu bay. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi như sau :
        Cuối đời nhà Thương, Châu Văn Vương Cơ Xương cần tìm một nhân tài để phò tá, nhưng tìm mãi chưa được. Một đêm ông nằm mộng thấy có một con gấu có cánh bay vào trong lòng. Ngày hôm sau, cho quan Chiêm Bốc bói quẻ, cho biết là sẽ tìm được nhân tài phò trợ. Châu Văn Vương mới dẫn một đoàn người ngựa đi dọc theo dòng sông Vị và tìm gặp Khương Thượng, tự là Tử Nha, hiệu là Phi Hùng ( gấu bay ), ứng với điềm trong mộng. Từ đó, Châu Văn Vương như hùm thêm cánh, tiêu diệt nhà Thương và dựng nên nhà Châu gần 800 năm.

        Nên PHI HÙNG NHẬP MỘNG là chỉ vua chúa tướng soái gặp được người tài giỏi phò trợ; như giám đốc mà tìm được phụ tá giỏi vậy !

        Xin tạm chấm dứt các ... GIẤC nơi đây, hẹn bài viết tới !

Đỗ Chiêu Đức

15 tháng 4 2019

Trò chơi quyền thế

<D.497><Thời Sự Việt Nam>



TRÒ CHƠI QUYỀN THẾ

Phe mình hắn thật chả bằng ai
Nghĩ đến mà nôn vượt khổ hài
Những kẻ quan quyền vô đạo đức
Bao tầng chức vị tuyển người sai
Dân tình gánh chịu trò nhăn nhở
Xã hội buồn vương tiếng thở dài
Trí não suy đồi lên tận đỉnh
Kêu hoài chẳng diệt hoá thành chai.

Mai Thắng – 190410

★ Bài xướng của Thạch Hãn

PHE MÌNH

Nghĩ lại phe mình hổng giống ai
Nhiều câu chuyện kể quá bi hài
Ông trùm kiểm sát dùng môi bậy
Cậu ấm quan tòa để mũi sai
Có lẽ vì mê mùi tiện tiểu
Còn không cũng thích vị đi ngoài
Nên người chẳng sợ đời lên án
Quả đúng đây là lũ mặt chai ./.

LCT 09/04/2019.
(Lỗi Tiểu vận)

★ Bài hoạ khác của Loan Nguyen

CHỜ DUYÊN

Đêm ngồi lại tưởng bóng hình ai
Phố cũ đèn khuya nhẹ gót hài
Nhớ buổi ghen hờn em lỡ dại
Quên chiều giận dỗi bé làm sai
Buồn thơ thẩn đứng chờ sân trước
Chán hững hờ nghiêng đợi cửa ngoài
Chẳng biết bao giờ duyên tái hợp
Cho lòng hết hẳn nỗi mòn chai/

NPP 09/04/2019.

★ Bài hoạ khác của Hữu Thiên

TRÁNH ĐÂU

Chui tròng ráng chịu đổ thừa ai
Dẫu biết rằng như vở kịch hài
Kẻ sĩ theo hùa nghe tiếng bậy
Tên khờ đứng nghĩ nhận lời sai
Trong nhà mới rõ trăm hoàn cảnh
Trước ngõ nào hay đủ chuyện ngoài
Ruột thắt gan bầm không giỏi cãi
Thôi thà lãnh án nhận mầy chai..!

NL09/04/2019.

★ Bài kết hoạ của Thạch Hãn (-bđh-)

LIỀU LĨNH

Cứ ngỡ vô buồng chẳng sợ ai
Ngờ đâu đoạn diễn quá ư hài
Quan tòa dỡ thói dâm loàn ẩu
Viện phó chơi trò cưỡng trẻ sai
Thiển nghĩ tuồng kia đừng tiết lộ
Làm sao cảnh nọ chiếu ra ngoài
Bây giờ mạng ảo nào mong giấu
Hễ dấn thân vào mặt phải chai ./.

LCT 09/04/2019.

Tổ quốc ta

<D.496~Tình Quê>



TỔ QUỐC TA

Kiêu kỳ dáng Việt giữa trời nam
Đứng vững hồn thiêng trải địa bàn
Núi thẳm thần uy rèn dũng kiệt
Sông dài nước ngọn chảy dòng lan
Bao mùa biến loạn tro tàn mảnh
Những đợt gầy binh máu đổ ngàn
Biển rộng vừng đông nguồn sáng rỡ
Tham đần chễm chệ chẳng bình an.

Mai Thắng  
190409

★ Bài xướng của Dung Nguyên

TỔ QUỐC TA

Chữ S kiêu kì dáng Việt Nam
Trường sinh biển rộng với non ngàn
Trời tây Đất Mũi “vườn dâu” trải
Cực bắc Cao Bằng “ngọn thác” lan
Nhớ buổi khai thiên từng kế lược
Rồi khi lập địa những mưu bàn
Người Cha tóc bạc không chùn bước
“Hiệu triệu” con rồng giữ nước an.

DUNG NGUYÊN
07:42 - 02/04/2019

Hoa Anh Đào

<D.495~TN Hoa Trái>



HOA ANH ĐÀO

Giữa buổi giao mùa ngộ mấy tao
Hồng phô sắc toả rạng Anh Đào
Đua chào bướm lượn đùa mê mải
Bỡn cợt ong vờn bủa xuyến xao
Cảnh trạng say vùi câu chữ quyến
Hồn thơ thấu cảm vị hương ngào
Dường như tạo hoá luôn dành để
Thưởng những nhân tình đẹp biết bao.

Mai Thắng
190409

★ Bài xướng của Minh Thuý

HOA ANH ĐÀO

Về đây gởi mộng nép Anh Đào
Rạng rỡ trời hồng đẹp biết bao
Vạn cánh hoa khai ong rạo rực
Ngàn cành nhuỵ hé gió lao xao
Người say bút mực tô đằm thắm
Kẻ dệt vần thơ điểm ngọt ngào
Một cảnh thiên đàng ngây lạc bước
Hương đời dịu toả nét thanh tao

Minh Thuý
4/7/2019