Nhãn

24 tháng 5 2019

Nền Tảng Ngữ Âm Của Vần Thơ

<N.02~Nghiên Cứu Thơ Đường>

Núi Nga Mi


NỀN TẢNG NGỮ ÂM CỦA VẦN THƠ

★★★

1. KHÁI NIỆM
    1.1. Khái niệm về vần thơ
    1.2. Khái niệm về ngữ âm
2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT
    2.1. Cấu trúc âm tiết
    2.2. Âm đầu
    2.3. Âm đệm
    2.4. Âm chính
    2.5. Âm cuối
    2.6. Thanh điệu
3. CẤU TRÚC VẦN
    3.1. Bảng vần cái
    3.2. Tính vần điệu của vần thơ
    3.3. Quy định về tương quan thông vận
        3.3.1. Vần thông 1
        3.3.2. Vần thông 2
        3.3.3. Vần thông 3
    3.4. Ứng dụng của bảng vần cái 
        3.4.1. Xác định tính vần điệu
        3.4.2. Xác định các thành tố âm tiết


★★★

1. KHÁI NIỆM 


1.1. Khái niệm về vần thơ

        Vần thơ là một tổ hợp từ hình thành bộ vần của bài thơ theo quy định của nguyên tắc vần của luật thơ. Nguyên tắc vần bao gồm các quy định về tương quan giữa các vần thơ căn cứ bộ phận vần của cấu trúc âm tiết của vần thơ, thuộc phạm vi chuyên ngành ngữ âm học.

1.2. Khái niệm về ngữ âm

        Ngữ âm học (Phonectics) là một chuyên ngành ngôn ngữ học nghiên cứu về tiếng nói con người là một loại âm thanh ngôn ngữ do bộ máy phát âm của con người tạo ra. Mỗi cộng đồng có một tiếng nói riêng, tiếng nói của người Việt Nam là tiếng Việt. Tiếng Việt là toàn bộ các câu nói bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, thuộc pham vi nghiên cứu của chuyên ngành ngữ âm học. Đơn vị ngữ âm của Tiếng Việt là tiếng, hay từ thể hiện dưới dạng âm tiết. 
        Âm tiết (Syllable) là đơn vị phát âm nhỏ nhất của lời nói.

★★★

2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT


2.1. Cấu trúc âm tiết tiếng Việt

    
    
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến hình và có thanh điệu. Cấu trúc âm tiết tiếng Việt gồm: (-) 3 bộ phận: phụ âm đầu, vần, thanh điệu; và (-) 5 thành tố: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu, trong đó, bộ phận vần hay VẦN là tổ hợp 3 thành tố âm đệm, âm chính, âm cuối.
        Cấu trúc âm tiết được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Âm

đầu

Bộ phận vần hay VẦN

Thanh

điệu

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)



2.2. Âm đầu (initial sound)

        Âm đầu trong âm tiết bao giờ cũng là phụ âm (consonant) nên còn gọi là phụ âm đầu.
        Phụ âm đầu  được phân biệt và chia nhóm theo phương thức cấu âm và vị trí cấu âm: a) về phương thức cấu âm, phụ âm đầu phân chia thành các nhóm âm tắc, âm xát, âm rung, âm vang, âm ồn; b) về vị trí cấu âm chia thành 3 nhóm phụ âm môi, phụ âm lưỡi và phụ âm họng;
        Phụ âm đầu trong âm tiết tiếng Việt hiện nay có số lượng là 21, và các trường hợp âm tiết không có phụ âm đầu thì gọi là phụ âm câm.
        Phụ âm đầu trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/b/

b

bà ba, bửu bối

2

/m/

m

may mắn, mạnh mẽ

3

/f/

ph

phương pháp, phì phà

4

/v/

v

vui vẻ, văng vẳng

5

/t/

t

tập tành, tư tưởng

6

/t’/

th

thanh thản, thơm tho

7

/d/

đ

đông đúc, đồng đều

8

/n/

n

non nước, nợ nần

9

/z/

d; gi

dân dã, giành giật

10

/ʐ,/

r

rành rẽ, rập rờn

11

/s/

x

xong xuôi, xơ xác

12

/ş/

s

sung sướng, sạch sẽ

13

/c/

ch

chuyên chế, chậm chạp

14

/ʈ/

tr

trung trực, trớ trêu

15

/ɲ/

nh

nho nhã, nhọc nhằn

16

/l/

l

lầm lạc, lặng lẽ

17

/k/

c, k, q

cao kều, quay quắt

18

/χ/

kh

không khí, khệnh khạng

19

/ŋ/

ng, ngh

ngốc nghếch, nghiêng ngả

20

/ɣ/

g

gập ghềnh, gói ghém

21

/h/

h

hào hùng, hiền hậu

(22)

/?/

(không có)

ân ái, yên ổn, u ám



2.3. Âm đệm (medial sound)

           
Âm đệm là âm xuất hiện giữa âm đầu và âm chính; tiếng Việt có duy nhất 1 âm đệm /w/ chữ viết ghi là u hay o;
        Âm đệm /w/ là một bán âm (semi wovel) có cấu tạo như nguyên âm /u/ nhưng chỉ có chức năng tu chỉnh chứ không tạo nên âm sắc của âm tiết, có thể xem như một hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của các âm còn lại của bộ phận vần;
        Âm đệm thường không xuất hiện: (-) sau các phụ âm môi /b, m, f, v/; (-) trước các nguyên âm tròn môi /u, ô, ɔ, uô/; và (-) hạn chế ở một số phụ âm và nguyên âm khác;


2.4. Âm chính (nuclear sound)

        Âm chính là âm làm trung tâm của âm tiết và bao giờ cũng là nguyên âm (wovel), (về sau nguyên âm viết tắt là NA);
        Tiếng Việt có 11 NA đơn, 3 NA đôi và phân làm 3 nhóm NA:
            a) Nhóm NA1: đánh số mã từ 1 đến 4, là nhóm NA hàng trước không tròn môi, có 3 NA đơn /i, e, ɛ/và 1 NA đôi /ie/; chữ viết ghi là [i-y, ê, e và iê-ia-yê-ya].
            b) Nhóm NA2: đánh số mã từ 5 đến 8, là nhóm NA hàng sau tròn môi, có 3 NA đơn /u, ô, ɔ/và 1 NA đôi /uo/; chữ viết ghi là [u, ô, o và ua-uô].
            c) Nhóm NA3: đánh số mã từ 9 đến 14, là nhóm NA hàng sau không tròn môi, có 5 NA đơn /ɨ, ə, ə̆, a, ă/và 1 NA đôi /ɨə/; chữ viết ghi là [ư, ơ, â, a, ă và ưa-ươ]. Trong đó, 2 NA đơn /ə̆, ă/ là thể ngắn của /ə, a/;
        Các NA đơn ở thể bình thường và có biến thể ngắn khi đứng trước phụ âm cuối /ŋ, k/. Các NA đôi thì luôn ở thể dài.
        Âm chính là thành phần không thể thiếu của âm tiết, cấu trúc tối thiểu của một âm tiết có thể chỉ gồm 1 âm chính và 1 thanh điệu.
        Âm chính được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/i/

i, y

bi; uy; tíu tít; kịch tính

2

/e/

ê

lê; huệ; thêu; chênh chếch

3

/ε/

e

le hoe; heo; chem chép;

4

/ie/

ia-iê, ya-yê

bia; khuya; yêu; kiên quyết;

5

/u/

u

cu; vui; chụm, búp; sung túc …

6

/o/

ô

ô; ôi; bôm bốp; công cốc …

7

/ɔ/

o

con; oi; gom góp; ton hót;

8

/uo/

ua, uô

mua; chuối; buồm; tuồn tuột;

9

/ɨ/

ư

hư, gửi; bửu; rưng rức …

10

/ə/

ơ

thuở; thơ; mới; nơm nớp;

11

/ə̆/

â

đây; chân cầu; hâm hấp;

12

/a/

a

quả na; ai; tao; nam; nan quạt;

13

/ă/

ă

tay; mau; tăm tắp; săn sắt;

14

/ɨə/

ưa, ươ

mưa; tươi; hươu; thườn thượt;



2.5. Âm cuối (final sound)

        Âm cuối là âm đứng cuối vần, cuối âm tiết, được xếp thành 3 nhóm:
            a) Nhóm không có âm cuối viết tắt là nhóm KAC: là nhóm không có chữ viết của âm cuối, xếp ở số mã 1, gọi là nhóm âm mở;
            b) Nhóm bán âm cuối viết tắt là nhóm BAC: là nhóm do 2 bán âm /w/ và /j/ đảm nhiệm, chữ viết ghi là [u-o và i-y], xếp ở số mã 2, 3, gọi là nhóm âm hơi mở;
            c) Nhóm phụ âm cuối viết tắt là nhóm PAC: chia làm 2 tiểu nhóm: c1) nhóm PAC hơi khép, do các phụ âm /m, n, ŋ/ đảm nhiệm, xếp ở số mã 4, 5, 6, chữ viết ghi là [m, n, ng-nh]; c2) nhóm PAC khép, do các phụ âm /p, t, k/ đảm nhiệm, xếp ở số mã 7, 8, 9, chữ viết ghi là [p, t, c-ch].
        Tất cả các nhóm âm cuối đều ghép với một thanh điệu ngoại trừ nhóm âm khép, chỉ kết hợp với thanh sắc và thanh nặng;
        Khi đứng trước phụ âm cuối /ŋ, k/, các NA đơn chuyển sang thể ngắn, đặc biệt với NA /ε/ chữ viết ghi thành [a] và âm cuối /ŋ, k/ghi thành [nh, ch], ví dụ: /εŋ, εk/ ghi thành [anh, ach];
        Âm cuối được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/-_/

không

ký tự, cờ hoa, về khuya …

2

/-j/

i, y

cười nói, đây này, cây cối, …

3

/-w/

u, o

xào nấu, kêu gào, cao kều, …

4

/-m/

m

êm đềm, lim dim, …

5

/-n/

n

ân cần, thân thiện, …

6

/-ŋ/

ng, nh

thoang thoảng, ngông nghênh, …

7

/-p/

p

ấm áp, phốp pháp, …

8

/-t/

t

loắt choắt, thoăn thoắt, …

9

/-k/

c, ch

ngóc ngách, tọc mạch, …



2.6. Thanh điệu (tone)

        Thanh điệu là sự nâng cao hay hạ thấp giọng nói trong âm tiết;
        Thanh điệu gắn liền và biểu hiện trong toàn âm tiết;
        Thanh điệu tham gia vào việc cấu tạo từ, làm chức năng phân biệt ý nghĩa của từ, và làm dấu hiệu phân biệt từ;
        Tiếng Việt có 6 hình thức thanh điệu gọi là dấu (hay dấu thanh), phân chia thành 2 loại thanh điệu: 1) thanh bằng: là các thanh điệu có dấu thanh ngang, huyền; 2) thanh trắc: là thanh điệu có dấu thanh sắc, nặng, ngã, hỏi.
        Chữ viết tiếng Việt ghi dấu thanh trực tiếp ngay trên âm chính, riêng dấu thanh ngang không hiển thị nên còn được gọi là thanh không dấu.
        Thanh điệu được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Loại thanh

THANH BẰNG

THANH TRẮC

Tên gọi

Ngang

Huyền

Ngã

Hỏi

Sắc

Nặng

Ký âm

/-1/

/-2/

/-3/

/-4/

/-5/

/-6/

Chữ viết

“   “

“ \ “

“ ~ ”

“ ? ”

“ / ”

“ . ”



★★★

3. CẤU TRÚC VẦN


        Vần hay bộ phận vần của vần thơ là 1 tổ hợp 3 thành tố: âm đệm, âm chính và âm cuối của vần thơ.
        Vì âm đệm chỉ có chức năng tu chỉnh âm sắc để tạo nên hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của các âm còn lại của bộ phận vần nên tính vần điệu của vần thơ thể hiện qua sự kết hợp của 2 thành tố âm chính và âm cuối gọi là VẬN CĂN hay VẦN CÁI.

3.1. Bảng vần cái
 
        Bảng vần cái là một bảng liệt kê tất cả các hệ quả kết hợp của 2 thành tố âm chính và âm cuối theo cách trình bày:
            a) nhóm âm cuối xếp theo cột: nhóm KAC (xếp cột 1), nhóm BAC (xếp cột 2, 3), nhóm PAC (xếp cột từ 4 đến 9);
            b) nhóm âm chính xếp theo hàng: nhóm NA1 (xếp hàng từ 1 đến 4); nhóm NA2 (xếp hàng từ 5 đến 8), nhóm NA3 (xếp hàng từ 9 đến 14);
            c) các diễn giải khác: âm chính và âm cuối ghi theo dạng ký âm IPA, phần minh họa ghi theo dạng chữ viết, các ô bỏ trống là những vần cái không xuất hiện trong âm tiết tiếng Việt;
        Bảng vần cái được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số

Âm chính

Âm cuối

KAC

BAC

PAC hơi khép

PAC khép

/-/

/j/

/w/

/m/

/n/

/ŋ/

/p/

/t/

/k/

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

1

/i/

i

 

iu

im

in

inh

ip

it

ich

2

/e/

ê

 

êu

êm

ên

ênh

êp

êt

êch

3

/ε/

e

 

eo

em

en

anh

ep

et

ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm

iên

iêng

iêp

iêt

iêc

5

/u/

u

ui

 

um

un

ung

up

ut

uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm

ôn

ông

ôp

ôt

ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om

on

ong

op

ot

oc

8

/uô/

uôi

 

uôm

uôn

uông

uôp

uôt

uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

 

ưn

ưng

 

ưt

ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm

ơn

 

ơp

ơt

 

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm

ân

âng

âp

ât

âc

12

/a/

a

ai

ao

am

an

ang

ap

at

ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm

ăn

ăng

ăp

ăt

ăc

14

/ɨə/

ươ

ươi

ươu

ươm

ươn

ương

ươp

ươt

ươc



3.2. Tính vần điệu của Vần thơ 

         Tính vần điệu của vần thơ là tương quan giữa 2 vần cái, căn cứ trên sự giống nhau và khác nhau của âm chính và âm cuối của 2 vần thơ đó. Sự so sánh thu được 3 hệ quả tương quan:
            a) Tương quan chính vận gọi là VẦN CHÍNH: khi cả 2 thành tố âm chính và âm cuối đều giống nhau về yếu tố nhóm;
            b) Tương quan thông vận gọi là VẦN THÔNG: khi có 1 trong 2 thành tố hoặc là âm chính hoặc là âm cuối giống nhau, và thành tố khác nhau phải thỏa thêm điều kiện về yếu tố nhóm theo quy định cụ thể;
            c) Tương quan lạc vận gọi là VẦN LẠC: khi cả 2 thành tố âm chính và âm cuối đều khác nhau.   
         
 3.3. Quy định cụ thể về tương quan thông vận

        Quy định cụ thể của tương quan thông vận căn cứ vào tính chất và yếu tố nhóm của từng thành tố âm chính hay âm cuối:
                     
         3.3.1. Vần thông 1 

         
Vần thông 1 căn cứ sự giống nhau của âm chính, và sự khác nhau của âm cuối phải thỏa điều kiện là các âm cuối đó phải phải thuộc nhóm PAC. Ví dụ: các vần cái [ôm, ôn, ông], ký âm IPA (viết tắt bằng ký hiệu=>) là /om, on, oŋ/, có cùng âm chính là [ô] => /o/, thuộc nhóm NA1, thì các âm cuối phải thuộc cùng nhóm PAC [m, n, ng] => /m, n, ŋ/;
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả yếu tố vần thông 1 (ký hiệu “÷” chỉ tương quan giữa 2 vần cái);

Âm chính

Âm cuối

Số mã

Liệt kê

KAC

BAC

PAC hơi khép

PAC khép

/-/

/j/

/w/

/m÷n÷ŋ/

/p÷t÷k/

 

 

1

2

3

4-5-6

7-8-9

1

/i/

i, y

 

iu

im÷in÷inh

ip÷it÷ich

2

/e/

ê

 

êu

êm÷ên÷ênh

êp÷êt÷êch

3

/ε/

e

 

eo

em÷en÷anh

ep÷et÷ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm÷iên÷iêng

iêp÷iêt÷iêc

5

/u/

u

ui

 

um÷un÷ung

up÷ut÷uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm÷ôn÷ông

ôp÷ôt÷ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om÷on÷oŋg

op÷ot÷oc

8

/uo/

ua

uôi

 

uôm÷uôn÷uông

uôp÷uôt÷uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

ưm÷ưn÷ưng

ưp÷ưt÷ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm÷ơn÷_

ơp÷ơt÷ơc

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm÷ân÷âng

âp÷ât÷âc

12

/a/

a

ai

ao

am÷an÷ang

ap÷at÷ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm÷ăn÷ăng

ăp÷ăt÷ăc

14

/ɨə/

ưa

ươi

ươu

ươm÷ươn÷ương

ươp÷ươ÷ươc



        3.3.2. Vần thông 2

        Vần thông 2 căn cứ sự giống nhau của âm cuối, và sự khác nhau của âm chính phải thỏa điều kiện là những âm chính đó có cùng một nhóm NA. Ví dụ: các vận căn [iu÷êu÷eo÷iêu], ký âm IPA (viết tắt bằng ký hiệu =>) là /iw÷ew÷εw÷iew/, có cùng  âm cuối là BAC [-u, -o] =>/-w/, thì âm chính [i, ê, e, iê] => /i, e, ε, ie/, phải là những NA cùng nhóm, trong ví dụ này là nhóm NA1. 
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả các vần thông 2 (các ký âm gạch ngang chữ là các vần cái không có của âm tiết tiếng Việt):
 

Âm cuối

Âm chính

Số mã

Liệt kê

nhóm NA1

nhóm NA2

nhóm NA3

(1 đến 4)

(5 đến 8)

(9 đến 14)

1

/-/

i÷ê÷e÷iê

u÷ô÷o÷uô

ư÷ơ÷a÷ươ;
ơ÷â÷a÷ă;

2

/j/

 

ui÷ôi÷oi÷uôi

ưi÷ơi÷ai÷ươi
ơi÷ây÷ai÷ay;

3

/w/

iu÷êu÷eo÷iêu

 

ưu÷ơu÷ao÷ươu;
ơu÷âu÷ao÷au;

4

/m/

im÷êm÷em÷iêm

um÷ôm÷om÷uôm

ưm÷ơm÷am÷ươm;
ơm÷âm÷am÷ăm;

5

/n/

in÷ên÷en÷iên

un÷ôn÷on÷uôn

ưn÷ơn÷an÷ươn;
ơn÷ân÷an÷ăn;

6

/ŋ/

ing÷ênh÷anh÷iêng

ung÷ông÷ong÷uông

ưng÷ơng÷ang÷ương;
ơng÷âng÷ang÷ăng;

7

/p/

ip÷êp÷ep÷iêp

up÷ôp÷op÷uôp

ưp÷ơp÷ap÷ươp;
ơp÷âp÷ap÷ăp;

8

/t/

it÷êt÷et÷iêt

ut÷ôt÷ot÷uôt

ưt÷ ơt÷at÷ươt;
ơt÷ât÷at÷ăt;

9

/k/

ich÷êch÷ach÷iêc

uc÷ôc÷oc÷uôc

ưc÷âc÷ac÷ươc
ơc÷âc÷ac÷ăc;


        3.3.3. Vần thông 3

        Vần thông 3 giống như vần thông 2, hoặc gọi là vần thông 2 mở rộng, nghĩa là vẫn căn cứ sự giống nhau của âm cuối, nhưng sự khác nhau của âm chính chỉ được áp dụng cho các âm chính tương ứng cụ thể là /ɨ÷u/, /ə÷o/, /a÷ɔ/, /ɨə÷uo/ thuộc 2 nhóm NA2 và NA3. Ví dụ: các vần cái [uông÷ương], có cùng 1 âm cuối là PAC [ng], thì âm chính tương ứng [uô] thuộc nhóm NA2 và [ươ] thuộc nhóm NA3 được chấp nhận..
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả vần thông 3: (các ô bỏ trống là không có sự hiện hữu của vần cái nào).

Âm chính

Âm cuối

Số mã

Liệt kê

/-/

/j/

/m, p/

/n, t/

/ŋ, k/

 

 

1

2

4÷7

5÷8

6÷9

5÷9

/ɨ÷u/

ư÷u

ưi÷ui

 

ưn÷un
ưt÷ut
ng÷ung
ưc÷uc

6÷10

/ə÷o/

ơ÷ô

ơi÷ôi

ơm÷ôm; ơp÷ôp

ơn÷ôn
ơt÷ôt

 

7÷12

/a÷ɔ/

 

ai÷oi

 

 

 

8÷14

/ɨə÷uo/

ưa÷ua

ươi÷uôi

ươm÷uôm
ươp÷uôp
ươn÷uôn
ưt÷ut
ương÷uông
ươc÷uôc

        Phần nhận xét trên chúng tôi đã sưu tầm trong Truyện Kiều và ghi nhận được phần căn bản như trên.    
        Trên thực tế, các điều kiện phải thỏa cho sự khác nhau của âm chính tương ứng rất phức tạp mà quan niệm xưa lưu truyền bằng phương pháp nhận xét cảm tính (nghe âm phát gần giống nhau) mà không có cơ sở ngữ âm vững chắc nào nên người làm thơ cần cẩn thận khi phán đoán.        

3.4. Ứng dụng của bảng vần cái

        3.4.1. Xác định tính vần điệu

        Dựa vào vị trí trên Bảng vần cái, ta có thể xác định nhanh các hình thức gieo vần theo các tiêu chí sau:
            - Vần chính là những vần có các vần cái nằm chung trên một ô (cell);
            - Vần thông 1 là những vần có các vần cái nằm chung trên một hàng (row), giới hạn trong pham vi từ cột 4 đến cột 9, ví dụ im/inh, ươm/ươn …
            - Vần thông 2 là những vần có các vần cái nằm chung trên một cột (column) và được giới hạn trong cùng 1 nhóm NA, ví dụ inh÷iêng (cùng nhóm NA1), ang÷ương (cùng nhóm NA2), om÷ôm (cùng nhóm NA3), …;
            - Vần thông 3 là các vần cái nằm chung trên một cột và giới hạn ở nhóm NA2 và NA3;
            - Vần lạc là khi các vần cái không được xếp vào các tiêu chí kể trên.

        3.4.2. Xác định các thành tố âm tiết

            a) Các từ (vần) có chữ viết [-em, -en, -anh] => /-εm, -εn, -εŋ/ về mặt chữ viết thì thấy có 2 NA [e, a] khi kết hợp với nhóm PAC [m, n, nh], nhưng về mặt ký âm IPA thì có cùng 1 NA /ε/ kết hợp với nhóm PAC /m, n, ŋ/;
            b) Các từ có chữ viết [-ang, -anh] => /-aŋ, -εŋ/ về mặt chữ viết thì giống nhau ở NA [a] và khác nhau ở PAC [ng-nh] nhưng về mặt ký âm IPA thì ngược lại là có 2 NA /a/, /ε/; và cùng 1 PAC /ŋ/;
            c) Các từ có chữ viết [-ơi, -ây] => /-əj, -ə̆j/: chính là 2 thể dài-ngắn của 1 NA /ə/ kết hợp với 1 BAC là /j/;

        Còn rất nhiều ứng dụng khác về ngữ âm ẩn chứa trong Bảng vận căn

Không có nhận xét nào: