14 tháng 4 2019

Giấc Nam Kha

<C.025><Điển tích văn học> 
Đề tài: GIẤC NAM KHA
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


    GIẤC NAM KHA khéo bất bình,
    Bừng con mắt dậy thấy mình tay không !

        Hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều nói lên cuộc đời nầy như là một giấc mộng lớn : Phú quý vinh hoa, công danh lợi lộc, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn... bỗng chốc hóa thành hư không, không còn gì cả. Quá khứ vàng son huy hoàng rực rỡ chỉ thoáng qua như là một ... giấc Nam Kha ! Theo như Điển Tích sau đây :

        Tháng Tám năm Trinh nguyên thứ 18 đời Đường. Lý công Tá đi thuyền từ Ngô Quận đến Lạc Dương, khi thuyền đậu bên bến sông Hoài, đã nghe kể về chuyện của Thuần Vu Phần, nên về viết lại thành NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN 南柯太守傳 như sau :

Nam Kha nhất mộng

        Thuần Vu Phần 淳于棼, người đất đông bình, thích giao du, trọng nghĩa khí, hay cứu khổn phò nguy. Nhưng tánh tình nóng nảy, bộc trực, thích uống rượu. Gia đình khá giả nên giao du với rất nhiều hào kiệt hiệp nghĩa, lại giỏi võ nghệ, đã từng giữ chức phó tướng đất Hoài Nam.

        Nhà Thuần Vu Phần ở phía đông quận Quảng Lăng, ở mé nam nhà có một cây Hòe xưa, tàn lá rậm rạp, bóng mát che cả một góc vườn. Năm Đường Trinh Nguyên thứ 7, ngày 9 tháng 7. Thuần Vu Phần cùng các hiệp khách uống rượu dưới gốc cây, vì vui nên quá chén. Hai người bạn bèn đỡ vào nằm ngủ ở phía đông lang. Trong mơ mơ màng màng thấy có hai sứ giả áo tía đi vào, quỳ xuống mà thưa rằng: "Chúng tôi phụng mệnh vua xứ Hòe An, kính thỉnh tiên sinh đến nước chúng tôi du ngoạn một chuyến ". Thuần Vu Phần bèn chỉnh đốn khăn áo chỉnh tề, theo hai sứ giả ra cửa thì đã thấy có sẵn một xe tứ mã và bảy tám tùy tùng hầu cận. Xe ra khỏi cửa chạy thẳng về phía hang động dưới gốc cây Hòe và chui thẳng vào đó. Thuần Vu Phần giựt mình nhìn lại thì thấy cây cỏ cảnh trí hai bên đường đều thay đổi cả. Xe chạy một lúc đến một cửa thành lớn, tấp nập người qua kẻ lại. Trên thành có một tấm bảng thật to với các chữ vàng lắp lánh : "Đại Hòe An Quốc". Quan thủ thành trông thấy, bèn cho người vào trong thông báo. Một khoái mã chạy đến hô to :" Hoàng thượng có chỉ, phò mã đi đường xa lao nhọc, hãy tạm vào Đông Hoa Quán nghỉ ngơi ". Tướng quân giữ thành bèn đưa Thuần Vu Phần vào một dịch quán vô cùng hoa lệ để nghỉ ngơi. Lại có người đến báo là Hữu Thứ Tướng sắp đến viếng. Thừa Tướng đến nói với Thuần Vu Phần rằng :" Hoàng đế bệ hạ nước tôi không hiềm nước nhỏ xa xôi, mời ngài đến để chiêu ngài làm Phò Mã đó ". Thuần vu Phần đáp rằng :" Tôi là một ti chức thấp hèn, lại là kẻ thất phu võ biền, đâu dám trèo cao như thế !" Đọan cùng thừa tường đến bái kiến nhà vua.

        Trên đường đi vào cung,Thuần Vu Phần thấy hai bên lầu các trùng trùng điệp điệp, nguy nga tráng lệ khác với đời thường. Đến một cửa cung lớn, sơn son thếp vàng với các võ sĩ búa việt cờ mao đứng gát uy nghi. Bá quan văn võ đứng chầu hai bên, trong đó có cả một bạn rượu thường ngày là Châu Biền, Thuần Vu Phần mừng quá nhưng không dám kêu, đi theo thừa tướng lên chánh điện, thấy trên ngôi là một ông vua cao lớn uy vũ, đầu đội mũ đỏ, mình mặc áo bào trắng trông bề thế hiên ngang. Thuần cúi lạy ra mắt không dám ngẩn đầu lên. Nhà vua phán :"Ta tuân theo sự gởi gắm của lệnh tôn, không nề hà mình là tiểu quốc, đồng ý chiêu ngươi làm phò mã cho công chúa thứ hai của ta là Dao Phương, người thấy thế nào?" Thuần vui mừng khôn xiết, chỉ còn đồng ý chứ còn biết nói sao. Nhà vua cho về dịch quán để đợi ngày cử hành hôn lễ.

        Đêm cử hành hôn lễ, hoàng cung trang hoàng lộng lẫy rực rỡ vô cùng, với đầy đủ lễ nghi tiết nhạc. Có ba quan viên trẻ ăn mặc thật đẹp đến bái kiến Thuần Vu Phần bảo là nhà vua phái đến làm phù rể, trong đó lại có một người là bạn cũ. Thuần Vu Phần mừng quá hỏi : " Bạn có phải là Điền Tử Hoa không, sao lại ở đây ? Có biết là Châu Biền cũng ở đây không ?" Điền Tử Hoa đáp : " Tôi du sơn ngoạn thủy, lạc đến nơi nầy, hữu thứa tướng thấy tôi có tài nên lưu tôi lại đây làm một quan võ, còn Châu Biền có tài hơn tôi, hiện đang giữ chức Tư Lệ của triều đình. Hai người bạn cũ gặp nhau cười nói thỏa tình. Tử Hoa cũng nhắn nhủ Thuần nhớ cất nhắc mình sau nầy. Đang lúc nói cười vui vẻ thì thấy một toán nữ nhạc đẹp như tiên kéo đến, tấu lên những khúc hát rất lạ tai, rồi cung phi mỹ nữ cùng dẫn đường đưa phò mã vào động phòng hoa chúc. Khi đến Tu Nghi Cung của công chúa, lại thấy có hoàng thân quốc thích đến chúc mừng dự tiệc. Kịp đến khi vào được loan phòng thì đà nửa đêm rồi, và khi giở tấm nhiễu điều che mặt công chúa ra thì Thuần muốn bay bổng lên mây. Công chúa chỉ khoảng mười lăm mười sáu tuổi và đẹp như tiên nga giáng thế.

        Từ đó Thuần Vu Phần đắm say trong hạnh phúc như từ trời rơi xuống. Một hôm, công chúa hỏi Thuần có muốn làm quan không. Thuần bảo mình chỉ là một võ phu, đâu có biết việc an bang tế thế. Công chúa hứa sẽ hỗ trợ cho Thuần làm việc quan cho thật tốt. Nhân có quận Nam Kha đang thiếu người cai quản, công chúa bèn xin cho Thuần đến trấn nhậm nơi đó. Nhà vua bèn phong cho Thuần làm Thái Thú quận Nam Kha. Thuần cung kính nhận lệnh, nhưng lại xin với vua cho hai người bạn của mình là Châu Biền và Điền Tử Hoa theo làm phụ tá giúp đỡ cho mình trong các việc quan. Nhà vua chuẩn thuận. Hoàng hậu còn căn dặn công chúa là :" Phò mã tính khí cương trực lại thích uống rượu, con phải tùy lúc khuyên răn và giúp đỡ chồng con làm tốt chức trách của phụ mẫu chi dân, làm một ông quan tốt ". Công chúa bái biệt vua và hoàng hậu rồi cùng chồng lên đường.

NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN

        Một đoàn người ngựa với khí thế hiên ngang cùng tiến thẳng về quận Nam Kha. Nghe có Thái Thú mới đến trấn nhậm tất cả quan viên và những bậc đức cao vọng trọng cùng dân chúng đều kéo ra thành để nghinh tiếp thật là long trọng rình rang. Sau khi nhậm chức, Thuần Vu Phần rất chăm chỉ việc quan, xem xét nhân tình phong hóa của địa phương, chăm lo đến đời sống của nhân dân trong quận, lại được sự hỗ trợ khuyến khích của công chúa bên trong, còn bên ngoài thì có Châu Biền và Điền Tử Hoa giúp đỡ, nên chẳng bao lâu, đời sống của dân chúng được nâng cao hẵn lên. Mọi người dân đều ca tụng công đức của Thái Thú, tiếng đồn đến kinh đô, nhà vua và hoàng hậu cũng rất vui lòng. Vua lại ban hàm phong cho Thuần Vu Phần được ngang hàng với Tam Công Tể Tướng trong triều.

        Cứ thế, hai mươi năm trôi qua, Thuần Vu Phần và công chúa sanh được năm trai hai gái, tất cả đều khôn lớn và nên người. Nhờ có phụ ấm, nên con trai cũng hiễn đạt làm quan và con gái thì cũng gả về cho các bậc vương hầu quyền quý. Quả là "Một cây cù mộc một sân quế hòe !" như cụ Nguyễn Du đã tả trong Truyện kiều.

        Năm đó, có quân của Đàn La Quốc đến xâm lược. Thuần Vu Phần phái Châu Biền cầm quân chống cự. Châu Biền tuy già nhưng dũng mãnh phi thường dẫn quân tiến sâu vào lòng địch, chẳng may bị địch phục kích. Bại trận bị thương, về dinh mấy hôm thì mất. Công chúa lo buồn nên cũng nhuốm bệnh, ít lâu sau cũng qua đời. Nhờ có Điền Tử Hoa đẩy lui được quân địch. Nhưng trước cảnh chiến tranh điêu tàn, công chúa lại mất. Thuần Vu Phần giao quận Nam Kha lại cho Điền Tử Hoa rồi từ chức đưa linh cửu của công chúa về kinh. Nhà vua thương con, phong thụy là Thuận Nghi Công Chúa, nhưng lại lạnh nhạt với Thuần, nên cả triều bá quan văn võ qua lại hai mươi năm nay rất thân thiết đều tỏ ra tẻ nhạt với Thuần. Buồn tình nên Thuần tối ngày chỉ biết uống rượu tiêu sầu. Nhà vua cũng đâm ra bực mình nên truyền lệnh đuổi chàng về quê cũ. Thuần Vu Phần mới giật mình suy nghĩ đây là nhà của mình rồi còn về quê cũ nào nữa ?!...


    
    Khi xe tứ mã đưa Thuần Vu Phần ra khỏi hang động dưới gốc cây hòe, thì chàng ta mới mơ mơ hồ hồ lúc đầu cũng từ hang động nầy đi vào Đại Hòe An Quốc. Còn đang ngơ ngơ ngẩn ngẩn thì nghe tiếng gọi giật ngược bên tai của hai gia nhân đang quét dọn trong sân. Bừng tỉnh mở mắt ra thì thấy hai người bạn nhậu vẫn còn ngồi đó rửa chân, trên bàn đồ ăn và rượu thừa vẫn còn rơi vải đầy ra đó. Ánh nắng buổi ban chiều còn chưa tắt hẵn, vài tia nắng yếu ớt còn len lỏi qua tàn lá của cây hòe rậm rạp ở góc sân. Cảm khái trước giấc mơ dằng dặc hiếm có như sống cả một đời của mình chỉ diễn ra trong một hai thời khắc của nhân sinh, Thuần bèn kể lại cho hai người bạn nghe. Tất cả đều cùng ngạc nhiên và cùng đi đến gốc của cây hòe to lớn thì thấy có một hốc cây thật to bên có mấy con kiến bò qua bò lại. Thuần bèn cho gia nhân đào sâu vào, thì lại thấy có một ổ kiến thật to, có con kiến vương đầu đỏ mình trắng giống như là nhà vua trong giấc mơ, đào về phía nam lại thấy có một ổ kiến nhỏ, giống như là quận Nam Kha của mình trấn nhậm trong mơ, xa xa xéo một bên lại có một ổ kiến đen đã bỏ đi chỉ còn xót lại vài con, giống như là Đàn La Quốc đã đem binh xâm lược quận Nam Kha trong mơ vậy. Thuần Vu Phần vô cùng cảm khái, cho gia nhân lấp ổ kiến lại một cách cẩn thận như cũ mà không cho phá đi.

        Thuần Vu Phần lại chợt nhớ đến hai người bạn mà mình đã gặp trong mơ, bèn cho người đến thăm nom thì mới biết rằng Châu Biền đã nhuốm bệnh mà chết còn Điền Tử Hoa thì đang nằm thoi thóp trên giường bệnh chưa biết sống chết ra sao. Thuần Vu Phần cảm khái cho cuộc đời hư ảo tựa khói tựa mây, phú quý vinh hoa như một giấc mộng dài. Cho nên, tự đó về sau chỉ chuyên tâm tu đạo, không uống rượu, không gần nữ sắc, theo thuyết thanh tịnh vô vi. Ba năm sau thì mất khi tuổi mới vừa 47, là tuổi trung bình của người đời lúc bấy giờ.

NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN

        Vì trong giấc mộng Thuần Vu Phần thấy mình được làm Thái Thú của quận Nam Kha, nên người đời thường gọi là " GIẤC NAM KHA ", và vì nằm ngủ gần gốc cây Hòe, nên còn gọi là GIẤC HÒE, như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, khi tả Thúy Kiều " Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình " để qua thăm Kim Trọng :
            Gót sen sẻ động GIẤC HÒE,
            Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

        Hay như trong Bích câu kỳ Ngộ, anh chàng Tú Uyên sau khi gặp Giáng Kiều trở về đã mang bệnh tương tư :
            Lầu trăng ngơ ngẩn ra về,
            Đèn thông khêu cạn GIẤC HÒE chưa nên !

        Hay còn gọi là GIẤC HÒE AN vì Thuần Vu Phần mơ thấy mình lạc đến Hòe An Quốc, như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của ông vua Lê Thánh Tông:
            Phú quý bao nhiêu người thế gian,
            Mơ mơ bằng thuở GIẤC HÒE AN.
        Sau Giấc Nam Kha, Giấc Hòe, Giấc Hòe An... ta còn có Giấc kê vàng, Giấc Hoàng Lương, Giấc Bướm, Giấc Mai, Giấc Xuân... Mời đọc tiếp trong bài viết tới cho đủ... GIẤC !

Đỗ Chiêu Đức 

Không có nhận xét nào: