Nhãn

10 tháng 10 2022

C. Lương Châu Từ - Vương Hàn

<C.083><Dịch Hán thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh 

Bài 1: LƯƠNG CHÂU TỪ
Tác giả: VƯƠNG HÀN



★ Nguyên bản

涼 州 詞
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催。
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回。
王 翰

★ Phiên âm

LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?

Vương Hàn

        * VƯƠNG HÀN: Không rõ năm sanh năm mất. Tự là Tử Vũ. Người đất Tinh Châu Tấn Dương (thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hiện nay). Lúc trẻ nhà giàu nên sống rất hào sảng phóng túng, thích uống rượu và ngao du sơn thủy. Đậu Tiến Sĩ đời Đường Tuấn Tôn Cảnh Vân Nguyên niên (719). Khi Trương Thuyết làm Tể Tướng có triệu ông về kinh làm quan, đến khi Trương Thuyết bị bãi chức, ông cũng bị biến ra khỏi kinh thành. Cuối cùng ông nhậm chức Tư Mã Thông Châu và mất ở nơi đây. Ông sở trường về thơ Thất ngôn tứ tuyệt, thiên về biên tái, lời thơ rất hùng tráng, hoa lệ và cảm khái, bi phẫn với cảnh chiến tranh dai dẳng.

★ Dịch nghĩa

Khúc hát Lương Châu
Rượu ngon Bồ Đào rót vào chén dạ quang
Muốn uống, thì tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.
Uống say nằm giữa sa trường xin đừng cười nhạo
Từ xưa đến nay người đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về.

★ Dịch thơ của Mai Thắng

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU

- Thất ngôn
Bồ đào rượu rót chén pha lê
Đàn giục giả kìa uống cạn đi
Say giữa sa trường đâu nở nhạo
Từ xưa chinh chiến mấy ai về!

- Lục bát
Bồ đào rót chén dạ quang
Giục quân lên ngựa tiếng đàn tung hê
Sa trường uống đã đừng chê
Từ xưa chinh chiến ai về cố hương

Mai Thắng 
220806



★ CHÚ THÍCH :
(Phần biên soạn của Đỗ Chiêu Đức ) 

        LƯƠNG CHÂU: là đất Lũng Tây đời Đường, (nay thuộc TP Võ Uy tỉnh Cam Túc) là vùng đất giáp ranh, do người Hán và người Hồ luân phiên cát cứ, ai mạnh thì chiếm giữ. LƯƠNG CHÂU TỪ nghĩa là tên một khúc hát của đất Lương Châu, ngoài bài nầy ra, còn có Lương Châu Từ của thi sĩ Vương Chi Hoán cũng thuộc đời Đường. Vì vậy bài nầy còn có tựa là XUẤT TÁI 出塞 có nghĩa là “Xuất chinh ra ngoài biên tái” để phân biệt.
        BỒ ĐÀO: là trái nho, nên BỒ ĐÀO MỸ TỬU là rượu ngon được ủ bằng nho (nho là trái của người Hồ, làm nên rượu nho cống nhập vào Trung Hoa).
        DẠ QUANG BÔI: là ly uống rượu làm bằng ngọc dạ quang, ban đêm phát ra ánh sáng, có thể là ly bằng pha lê cũng do người Hồ cống vào Trung Hoa.
        TỲ BÀ: là loại đàn có 4 dây, cũng từ đất Hồ cống nhập, nên còn gọi là Hồ Cầm, (“Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương” – Truyện Kiều)
        QUÂN 君 là nhân vật đại từ ngôi thứ 2 số ít. Trong ngữ cảnh này có thể dịch theo nghĩa thông thường là Anh, Bạn, … nhưng có thể hiểu theo nghĩa mở rộng là Nàng Hồ Cơ 胡姬 - Người đẹp xứ Hồ, ngồi đánh đàn tỳ bà thúc quân. (Trung Hoa xưa gọi những dân tộc ở phương bắc là Bắc Mông, phương tây là Rợ Hồ, phương nam là Nam Man. Gọi chung các nước của các dân tộc đó là PHIÊN BANG).

★ DỊCH NGHĨA :

        Rượu Bồ Đào rót vào chén dạ quang (Rượu vang ngon rót vào chén ngọc đẹp). Toan uống, thì đã nghe tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.( Nhưng khoan, hãy đợi ta uống cạn vài ly đã ) Vì có say nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! Vì hãy nghĩ xem, từ xưa đến nay đem thân đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về đâu ?! Đây là cái khí phách ngang tàng của...
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc)

★ DIỄN NÔM : (cúa Đỗ Chiêu Đức)

BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU

Rượu vang rót vội chén pha-lê,
Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!

- Lục bát :
Bồ đào rót chén dạ quang,
Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
Chớ cười chiến địa ta say,
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!
Đỗ Chiêu Đức.

★ PHỤ CHÚ :

Người Hoa gọi tất cả các loại đá quí là BẢO THẠCH 寶石, mà cũng gọi là NGỌC 玉 nữa. Ví dụ : CẨM THẠCH 錦石 mà ta làm đồ trang sức để đeo, thì người Hoa không có gọi là đeo CẨM THẠCH 戴錦石, mà gọi là ĐỚI NGỌC 戴玉 là Đeo NGỌC. Nên PHA LÊ trong thiên nhiên ngày xưa rất hiếm, có được một khối Pha Lê để làm ly uống rượu không phải là dễ. Pha Lê lại lóng lánh trong ánh đèn đêm, nên ta có thể " nghĩ " DẠ QUANG BÔI ở đây là LY PHA LÊ được nói nhấn cho có vẻ cao quí và trịnh trọng !. Mặc dù theo truyền thuyết cho rằng NGỌC DẠ QUANG là Ngọc tự nó có thể phát sáng trong đêm, chớ không phải như Pha Lê phải nhờ ánh sáng mới lấp lánh được. Nhưng trong Văn Chương ai biết được....!!! 

Không có nhận xét nào: