Nhãn

15 tháng 6 2019

I Love You

<D.531~Thơ Vui>



I LOVE YOU

I ai chào hớn hở diện nhà thơ
L lặng ngắm trời trêu đổ bãi bờ
O óng ả vườn xuân mừng gặp gỡ
V vui vầy tiếng nhạc trải hoài mơ
E em hòa bản hát tan lòng ngợ
Y yến bủa vòng bay vẽ mạng thờ
O ỏe họe xô lùa không mãi nhớ
U uy hùng gợi thế chẳng hề ngơ.

Mai Thắng – 190608

♠ Bài xướng của Phạm Sinh

I LOVE YOU

(khoán thủ triết tự)

I vẫn vui mừng đón họa thơ
L òng mê dõi muốn đến bên bờ
O n vài kỷ niệm nào quên lỡ
V ọng những câu lời để hóng mơ
E m đã quen tôi tình chẳng đớ
Y êu vì mến bạn nghĩa tôn thờ
O ng vờn nhụy sắc hồn nhung nhớ
U ống rượu say hình khó thể ngơ ...

2019 - Sinh Pham

Nhớ tình xưa cũ

<D.530><Cảm Xúc>



NHỚ TÌNH XƯA CŨ

Bùng nhen ánh ngọn lửa ban đầu
Bật tiếng thương ngùi đã cảm sâu
Phượng vĩ âm thầm neo bản sắc
Tường vi yểu điệu rỡ khung mầu
Từ ly diễn khéo hồn say nhạc
Tiễn biệt cay nhèm ý thảo câu
Những trớ trêu lòng xa thẳm vợi
Chiều hôm đối diện mảnh tâm sầu.

Mai Thắng – 190608

---------------------- 

♠ Bài xướng của Phạm Sinh

NHỚ TÌNH XƯA 

ngũ độ thanh

Dậy lửa bùng lên nhiễm ái đầu
Qua nhìn đọng mắt đẫm tình sâu
Đường thôn phượng vĩ kìa khoe sắc
Ngõ xóm bằng lăng nhẹ thả màu
Gió thổi tran hòa ve vãn nhạc
Thơ làm cảm hứng diễn dàn câu
Người xưa cảnh cũ mơ màng hứng
Nhớ lại tình ai bỗng thoảng sầu

4/6/2019 - Phạm Sinh

Ngày Lễ Cha

<D.529~Lễ Hội>


NGÀY LỄ CHA

Cha từng dãi nắng đội trời mưa
Cha gội sinh nhai chẳng biết vừa
Cha phải bươi đầy lon thóc gạo
Cha cần tạo đủ trái cà dưa
Cha siêng nguyện vỗ đàn con lớn
Cha khéo cầu toan thả sức bừa
Cha cứ âm thầm cày tiếp vụ
Cha đành dãi nắng đội trời mưa.

Mai Thắng  
190608

♣ Bài xướng của Suối Kiết Nguyễn

Ngày lễ Cha

Cha lặn lội nhiều trong gió mưa
Cha phơi sương giá mấy cho vừa
Cha gieo mầm tốt nuôi bầy trẻ
Cha xới đất hoang trồng củ ,dưa
Cha góp sức mình bồi sức khoẻ
Cha gom tri thức giảm thanh bừa
Cha mang ánh sáng xua tăm tối
Cha lặn lội nhiều trong gió mưa !

SK

♣ Bài họa của Phượng Hồng

CHA

Cha đời đời sáng mãi trong con
Cha vẫn vàng hoài lớp thếp son
Cha giữ lòng mình canh đúng mực
Cha phân hay dở tránh suy mòn
Cha bồi tri thức qua con chữ
Cha trải bước chân chuyển núi non
Cha nõ ngại ngùng ra biển lớn
Cha đời đời sáng mãi trong con

PHƯỢNG HỒNG

♣ Bài họa khác của Suối Kiết

CHA

Thương Cha dầu dãi nắng cùng mưa
Thương áo sờn vai vẫn mặc vừa
Thương bóng cô đơn ngồi bậc cửa
Thương đời giản dị thích cà dưa
Thương miền quê cũ cha vun xới
Thương đám đất khô bố cấy bừa
Thương ruộng mất mùa trong bão tố
Thương Cha dầu dãi nắng cùng mưa !

SUỐI KIẾT

Ga chiều bóng đổ

<D.528><Thời Tiết-Khí Hậu>



GA CHIỀU BÓNG ĐỔ

Giữa cụm ga chiều đổ bóng em
Tường soi ảnh lộng gót chân mềm
Bơ phờ ngắm trải từng vuông đệm
Lẳng lặng quy hồi những bước thêm
Hỏi bấy tình xa choàng dặm ngõ
Hòa bao khúc nhạc trỗi bên thềm
Xin gìn tất cả vần thương cũ
Để cuộn hương thề vãn ánh đêm.

Mai Thắng -190608

♣ Bài xướng của Ngọc Liên

GA VẮNG

Ga chiều lặng lẽ chỉ mình em
Vẫn đợi niềm yêu trải gót mềm
Mộng ngủ quên rồi nên tiếc mãi
Thơ sầu rót nữa để buồn thêm
Còn đâu lối hạ trăng viền ngõ
Đã hết mùa thu nắng ngập thềm
Tất cả hương tình xin gửi lại
Chôn vần hẹn ước giữa trời đêm.

Ngọc Liên 07.06.19

11 tháng 6 2019

C. Thơ Nguyễn Trãi - Phần B

<C.032><Dịch Việt thi>
 
Thơ NGUYỄN TRÃI - Phần B: THƠ SAU KHI THÀNH DANH 
(Thời Hậu Lê - Việt Nam) 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



★ Bài 1: THƯỢNG NGUYÊN HỖ GIÁ CHU TRUNG TÁC
 

1.1. Nguyên bản 

上元扈駕舟中作          
沿江千里燭光紅, 
彩鷁乘風跨浪篷。 
十丈樓臺消蜃氣, 
三更鼓角壯軍容。 
滄波月浸玉千頃, 
仙杖雲趨天九重。 
午夜篷窗清夢覺, 
猶疑長樂隔花鐘。 
阮廌

1.2. Phiên âm 

THƯỢNG NGUYÊN HỖ GIÁ CHU TRUNG TÁC
Duyên giang thiên lý chúc quang hồng
Thái Nghịch thừa phong khóa lãng bồng
Thập trượng lâu đài tiêu thận khí
Tam canh cổ giác tráng quân dung
Thương ba nguyệt tẩm ngọc thiên khoảnh
Tiên trượng vân xu thiên cửu trùng
Ngọ dạ bồng song thanh mộng giác
Do nghi Trường Lạc cách hoa chung.
NGUYỄN TRÃI

1.3. Chú Thích :

- Thượng Nguyên 上元 : là Rằm tháng giêng, là Tiết Nguyên Tiêu.
- hỗ giá 扈駕 : HỖ là theo sau, hộ vệ; HỖ GIÁ : Đi theo hầu thuyền vua.
- Duyên Giang 沿江 : là Dọc theo bờ sông.
- Thái Nghịch 彩鷁 : là tên đặt cho một chiếc thuyền vua có vẽ hình con chim Nghịch đón gió với màu sắc rực rỡ.
- Thận khí 蜃氣 là Ảo ảnh. Ánh sáng rọi xuống biển, phản chiếu ngược lên trên không thành muôn hình vạn trạng, như lâu đài, chợ búa ... Ngày xưa cho là vì có con sò thần biến hóa ra cảnh thần tiên, nên gọi là “Thận Lâu Hải Thị 蜃樓海市 là Lầu Sò Chợ Biển" để chỉ các ảo ảnh về cảnh thần tiên trên biển chỉ là hư ảo không có thật.
- Cổ Giác 鼓角 : Cổ là Trống; Giác là Sừng. Nên CỔ GIÁC là Tiếng trống tiếng tù-và thổi trong quân lúc gác đêm.
- Thương Ba 滄波 : là Sóng xanh, xuất xứ từ THƯƠNG HẢI 滄海 là Biển xanh.
- Tiên Trượng 仙杖 : là Gậy tiên. Gậy tre của tiên chống, có thể hóa thành rồng cởi để bay lên mây xanh.
- Cửu Trùng 九重 : là Chín tầng. Theo truyền thuyết cổ đại của Trung Hoa thì Trời có 9 tầng, nên gọi là Cửu Trùng Thiên 九重天. Vua là Thiên Tử là con trời, nên cũng gọi vua là Đấng Cửu Trùng; Tiếng Nôm ta gọi là Chín Tầng, như mở đầu Chinh Phụ Ngâm Khúc có câu : CHÍN TẦNG gươm báu trao tay, / Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
- Ngọ Dạ 午夜 : là Nửa đêm. Phiếm chỉ Đêm khuya.
- Trường Lạc 長樂 : là Cung Trường Lạc. Một cung điện của nhà Hán xưa ở trong thành Trường An (thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc ngày nay), cùng với cung Vị Ương 未央 là nơi xưa Hán Cao Tổ hay đón tiếp quần thần và chư hầu.

1.4. Dịch nghĩa

        Cảm Tác Ngày Rằm Thượng Nguyên Hỗ Giá trong Thuyền
        Cả ngàn dặm dọc theo bờ sông đều rực sáng bởi ánh đuốc sáng rực. 
        Chiếc thuyền có chạm hình chim Thái Nghịch rực rỡ đang cởi gió lướt đi trên sóng. 
        Lầu thuyền cao mười trượng lấp lánh hư ảo như cảnh thần tiên trên biển, và tiếng trống giục hòa lẫn tiếng tù-và rít lên lúc canh ba càng làm tăng thêm vẻ hùng tráng của quân binh. 
        Thuyền lướt trên sóng xanh với ánh trăng lắp loáng chìm trong đáy nước như muôn ngàn mảnh ngọc vỡ ra; 
        những cây cột buồm như những cây gậy tiên như vươn cao và lướt trên mây lên tận chín từng trời. 
        Ta chợt tỉnh giấc mộng thanh thản bên song thuyền lúc giữa đêm khuya, mà còn ngờ là đang nghe tiếng chuông hoa đang gọi chầu nơi cung Trường Lạc.
        Quả là cảnh hỗ giá sau thanh bình chiến thắng trở về, với sĩ khí lên cao, đèn hoa rực rỡ trong đêm rằm Nguyên Tiêu sau Tết Nguyên Đán trên thuyền của vua đi. 
        Nguyễn Trãi đã nằm trong khoang thuyền theo sau thuyền vua, nhìn ra trước mũi thuyền có chạm trổ hình chim nghịch với màu sắc rực rỡ như đang lướt đi trên sóng và các cột buồm như những chiếc gậy tiên đang chọc thẳng lên chín từng mây. Cảnh náo nhiệt với các đuốc hoa rực rỡ dọc theo bờ sông, cảnh hùng tráng với tiếng tù-và tiếng trống giục trên thuyền của quân binh đã vẽ nên một cảnh thanh bình thịnh vượng của một đất nước độc lập tự chủ sau những năm trầm luân trong đô hộ.


* Diễn Nôm 

 Thượng Nguyên Hỗ Giá Chu Trung Tác

Ngàn dặm ven sông đuốc rực hồng,
Thuyên rồng cởi gió lướt trên sông.
Lâu thuyền mười trượng mờ tiên cảnh,
Còi trống ba quân vẳng khí hùng.
Trăng vỡ ngàn sao nhòa đáy nước,
Gậy tiên chín lớp vượt không trung.
Nửa đêm tỉnh mộng bên song cỏ.
Còn ngỡ chuông hoa Trường Lạc cung !

        Lục bát : 
Ven sông ngàn dặm đuốc hồng,
Mũi thuyền cởi gió lướt dòng sóng xanh.
Lâu thuyền cao xóa khí lành,
Trống còi giục giã đêm thanh hào hùng.
Trăng chìm đáy nước mông lung,
Gậy tiên vươn thẳng chín từng mây cao.
Nửa đêm tỉnh giấc song đào,
Còn ngờ Trường Lạc hôm nao gọi chầu.
Đỗ Chiêu Đức

--------------------- 

★ Bài 2: ĐỀ KIẾM


1.1. Nguyên bản 

題劍                              
藍山自昔臥神龍, 
世事懸知在掌中。 
大任有歸天啓聖, 
昌期一遇虎生風。 
國讎洗盡千年恥, 
金匱終藏萬世功。 
整頓乾坤從此了, 
世間那更數雄英。 
阮廌

1.2. Phiên âm 

ĐỀ KIẾM
Lam Sơn tự tích ngọa thần long
Thế sự huyền tri tại chưởng trung
Đại nhậm hữu quy thiên khải thánh
Xương kỳ nhất ngộ hổ sanh phong
Quốc thù tẩy tận thiên niên sỉ
Kim quỹ chung tàng vạn thế công
Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu
Thế gian na cánh sổ anh hùng.
NGUYỄN TRÃI


2.3. Chú Thích 

        - KIẾM ở đây là Thuận Thiên kiếm 順天劍 hay kiếm thần Thuận Thiên là thanh kiếm huyền thoại của vua Lê Lợi, người đã đem lại độc lập cho Việt Nam từ ách cai trị của nhà Minh phương Bắc.
        - LAM SƠN 藍山 : Tên núi ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa ngày nay), năm 1418 (Mậu Tuất), Bình Định Vương Lê Lợi đã khởi nghĩa tại đây.
        - NGỌA THẦN LONG 臥神龍 : "Ngoạ long" là con rồng nằm, thường dùng để chỉ Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc (Trung Hoa) lúc còn ở ẩn tại Ngoạ Long Cương (huyện Nam Dương, tỉnh Hà Nam). Trong bài này, Nguyễn Trãi dùng "Ngoạ Thần Long" để chỉ Lê Lợi khi còn ở núi rừng Lam Sơn.
        - THIÊN KHẢI THÁNH 天啓聖 : Trời bảo cho thánh nhân (tức Lê Lợi) biết. Chỉ việc Lê Lợi được trời cho kiếm thần trên có chữ "Thuận Thiên". Năm 1428 (Mậu Thân), Lê Lợi lên ngôi vua, lấy hiệu là Thuận Thiên.
        - HỔ SANH PHONG 虎生風 : Cọp sinh ra gió. Lấy ý ở quẻ Càn 乾 trong kinh Dịch 易: "Vân tòng long, phong tòng hổ" 雲從龍,風從虎 (Mây theo rồng, gió theo cọp).
        - KIM QŨY 金匱 : Do chữ "Kim quỹ thạch thất" 金匱石室 là rương làm bằng vàng, nhà xây bằng đá để cất giữ sử sách. Vua Cao Tổ nhà Hán dùng tráp bằng vàng cất giữ những biểu dương ghi chép công lao của các công thần.
        - CÀN KHÔN 乾坤 : chỉ Âm dương Trời đất, mượn để chỉ cuộc đời nầy. 

2.4. Dịch nghĩa 

 Đề Lưỡi Kiếm Thần của Lê Lợi
 Đất Lam Sơn từ xưa vốn là nơi đã nằm sẵn một con rồng thần. 
 Chuyện đời đã biết rõ rành rành như trong lòng bàn tay. 
Khi trách nhiệm lớn có người gởi gắm thì trời báo cho bậc thánh nhân biết trước, 
Và khi thời cơ tốt đã đến thì như chúa sơn lâm được sự hỗ trợ của gió vậy. 
Quốc thù cũng đã được rửa sạch cái nhục của cả ngàn năm, và rương vàng cũng cất giữ lại công lao muôn đời của các bậc công thần. 
Từ nay đã kết thúc việc chỉnh đốn lại càn khôn trời đất của ta, thử nghĩ trên đời nầy có được mấy người anh hùng như thế chứ ?! 
Ý là Đề Gươm, nhưng thật ra là để ca ngợi sự kiên nhẫn và chiến tích vẻ vang của Bình Định Vương Lê Lợi. 
Được kiếm Thuận Thiên là thuận theo ý trời, như hùm gặp gió, như hổ thêm vây rửa sạch cái nhục ngàn năm mà ổn định lại trật tự xã hội của dân Nam, thành tích nầy không phải anh hùng nào cũng làm được !

        Nhà thơ Nguyễn Văn Cổn thời Tiền Chiến trong bài thơ Nước Tôi cũng đã lấp lửng mà ca ngợi bằng hai câu thơ :
    Rùa thiêng nổi trước thuyền rồng,
    Trên Hồ Hoàn Kiếm anh hùng là ai ?


2.5. Diễn Nôm  

ĐỀ KIẾM

Lam Sơn xưa vốn đất tiềm long,
Thế sự trong tay đã tỏ lòng.
Đại cuộc chuyển xoay trời ban thánh,
Thuận Thiên kiếm báu hổ nương phong.
Báo xong thù nước ngàn năm nhục,
Ghi dấu hộp vàng muôn thuở công.
Chỉnh đốn đất trời nay trọn vẹn,
Anh hùng mấy kẻ được như ông ?!

Lục bát :

Lam Sơn xưa đất ẩn rồng,
Chuyện đời đã rõ như lòng bàn tay.
Thế trời tỏ rõ thánh hay,
Thuận Thiên thần kiếm thêm vây cho hùm.
Ngàn năm thù nước báo xong,
Rương vàng nhà đá ghi công muôn đời.
Đất trời chỉnh đốn xong rồi,
Anh hùng dưới thế mấy người như ông ?!

Đỗ Chiêu Đức

----------------------------------------------

★ Bài 3: ĐỀ BÁ NHA CỔ CẦM ĐỒ


3.1. Nguyên bản 

題伯牙鼓琴圖              

鐘期不作鑄金難, 
獨抱瑤琴對月彈。 
靜夜碧霄涼似水, 
一聲鶴唳九皋寒。
阮廌 

3.2. Phiên âm 

ĐỀ BÁ NHA CỔ CẦM ĐỒ
Chung Kỳ bất tác chú kim nan
Độc bão dao cầm đối nguyệt đàn
Tĩnh dạ bích tiêu lương tự thủy
Nhất thanh hạc lệ cửu cao hàn !
NGUYỄN TRÃI


3.3. Chú Thích

        - BÁ NHA 伯牙 : hay Sở Bá Nha, họ Du tên Thụy, người nước Sở nhưng làm quan Thượng Đại Phu nước Tấn. Ông là một khách phong lưu, có ngón đàn thất huyền cầm nổi tiếng đương thời. Tương truyền một năm nọ, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường trở về đến sông Hán, gặp đêm trung thu trăng thanh gió mát, ông lệnh cho quân lính dừng thuyền uống rượu thưởng nguyệt. Cao hứng mang đàn ra gảy nhưng bản đàn chưa dứt đã bị đứt dây. Bá Nha ngờ có người biết nghe đàn, định truyền quân lên bờ đi tìm thì vừa hay có tiếng chàng trai nói vọng xuống, rằng mình là một tiều phu, thấy khúc đàn hay quá nên dừng chân nghe. Bá Nha có ý nghi hoặc, nhưng khi chàng trai đối đáp trôi chảy, thậm chí biết rõ bản đàn mà mình vừa gảy thì ông không còn mảy may ngờ vực nữa, bèn mời xuống thuyền đàm đạo. Trên thuyền, Bá Nha gảy khúc nhạc Cao sơn Lưu thủy, người tiều phu rung cảm sâu sắc, cao đàm khoát luận, khiến Bá Nha khâm phục hết mực.
        Chàng trai trẻ đó chính là Chung Tử Kỳ 鍾子期, họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền Thôn gần núi Mã Yên cửa sông Hán Giang, là một danh sĩ ẩn dật, đốn củi sớm tối phụng dưỡng mẹ cha già yếu. Được người tri âm, Bá Nha có ý mời Tử Kỳ cùng mình về kinh tiến cử cho Tấn vương để cùng vui hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng Tử Kỳ thoái thác vì chữ hiếu. Bá Nha đành phải hẹn Tử Kỳ trung thu năm sau sẽ gặp lại ở chốn nầy. Nhưng khi Bá Nha trở lại bến sông xưa, thì Tử Kỳ đã mất trong một cơn bạo bệnh. Trước khi chết Tử Kỳ còn trăng trối phải chôn chàng nơi bến sông Hán Dương, cạnh núi Mã Yên, để giữ lời hẹn với Bá Nha. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, khóc than sầu thảm, gảy một bản nhạc ai điếu. Đàn xong, ông đập đàn vào đá, thề trọn đời không đàn nữa vì biết mình từ nay vĩnh viễn không còn bạn tri âm nữa.
        - CỔ CẦM 鼓琴 : CỔ danh từ là Cái Trống; động từ là Đánh Trống. nên CỔ CẦM ở đây có nghĩa là Đánh Đàn, Gãy đàn.
        - CHÚ KIM 鑄金 : là Đúc bằng vàng. CHÚ KIM NAN là Khó mà đúc được bằng vàng.
        - BÍCH TIÊU 碧霄 : là Bầu trời xanh biếc.
        - CỬU CAO 九皋 : là chín cái đầm nước. Kinh Thi chương Hạc minh có câu: “Hạc minh vu cửu cao, thanh văn vu dã” 鶴鳴于九皋,聲聞于野: Chim hạc kêu ở chỗ có chín đầm nước vang khắp đồng nội. Số 9 ở đây là phiếm chỉ, chỉ rất nhiều đầm nước ở ngoài đồng nội.

3.4. Nghĩa Bài Thơ 

Đề Bức Tranh Bá Nha Gãy Đàn
Không làm được Chung Kỳ vì đúc tượng vàng Chung Kỳ khó.(Ý muốn nói : Chung Tử Kỳ là người tri âm qúy hiếm, rất khó tìm thấy trên đời, kể cả đúc bằng kim loại), 
Nên mới một mình ôm cây dao cầm mà đàn dưới ánh trăng. 
 Đêm thanh vắng, bầu trời xanh biếc trong mát như nước. 
 Một tiếng chim hạc kêu làm lạnh cả chín đầm nước ngoài đồng nội.


3.5. Diễn Nôm 

ĐỀ TRANH BÁ NHA GÃY ĐÀN

Chung Kỳ khó gặp đúc nên vàng,
Đơn độc dưới trăng lạnh gãy đàn.
Đêm mát trời xanh trong tợ nước,
Hạc kêu một tiếng chím đầm vang !

Lục bát :
Tri âm khó đúc hơn vàng,
Dưới trăng một bóng ôm đàn gãy suông.
Đêm thanh trời mát tợ gương,
Hạc kêu một tiếng lạnh vương chín đầm !

Đỗ Chiêu Đức

-----------------------

★ Bài 4: QUÁ THẦN PHÙ HẢI KHẨU



4.1. Nguyên bản 

過神符海口   
神符海口夜中過, 
奈此風清月白何。 
夾岸千峰排玉筍, 
中流一水走青蛇。 
江山如昨英雄逝, 
天地無情事變多。 
胡越一家今幸睹, 
四溟從此息鯨波。 
阮廌 

4.2. Phiên âm 

QUÁ THẦN PHÙ HẢI KHẨU
Thần Phù hải khẩu dạ trung qua
Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà
Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn
Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà
Giang sơn như tạc anh hùng thệ
Thiên địa vô tình sự biến đa
Hồ Việt nhất gia kim hạnh đổ
Tứ minh tòng thử tức kình ba.
NGUYỄN TRÃI

4.3. Chú Thích 

        - THẦN PHÙ HẢI KHẨU 神符海口 : là Cửa biển Thần Phù. Theo Nam Ông Mộng Lục 南翁夢錄, Vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến để đánh dẹp Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được; may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ mất ở dọc đường. Vua cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là "Áp Lãng Chân Nhân 壓浪真人" (Chân nhân dẹp yên được sóng dữ) và đặt tên nơi đây là cửa biển Thần Phù.
        - NẠI... HÀ 奈...何 : Phải làm sao đây ? Biết nói sao đây ?!
        - PHONG THANH NGUYỆT BẠCH 風清月白 : Ta nói là Gió mát trăng thanh.
        - GIÁP NGẠN 夾岸 : Hai bên bờ.
        - NGỌC DUẨN 玉筍 : là Măng non mới mọc.
        - GIANG SƠN NHƯ TẠC 江山如昨 : Núi sông như mới ngày hôm qua.
        - HỒ VIỆT 胡越 : Tên các nước thuộc Trung Quốc. Hồ chỉ các nước nhỏ ở phía bắc, Việt chỉ các nước nhỏ ở phía nam, nên HỒ VIỆT ý chỉ hai nơi rất xa nhau. Tác giả ngụ ý khi hoà hợp thì xa cũng hoá gần.
        - TỨ MINH 四溟 : là Tứ Phương Chi Hải 四方之海, là Biển của bốn phương; ta nói là Bốn Bể, có nghĩa là khắp nơi khắp chốn.
        - KÌNH BA 鯨波 : Sóng do con cá kình lội mà tạo nên, ở đây mượn ý để chỉ các chiến thuyền lướt sóng như cá kình cá voi; và Chiến Thuyền Lướt Sóng hàm ý chỉ chiến tranh.


Ảnh Non nước Thần Phù

4.4. Nghĩa Bài Thơ 

QUA CỬA BIỂN THẦN PHÙ

Trong đêm đi ngang qua cửa biển Thần Phù,
Trong cảnh gió mát trăng thanh nầy, ôi, phải biết nói sao đây ?!
Giáp hai bên bờ là hàng ngàn ngọn núi vươn lên như những búp măng mới mọc,
Và ở giữa là một dòng chảy lấp loáng dưới ánh trăng như một con rắn xanh.
Sông núi vẫn như ngày hôm qua, nhưng những người anh hùng thì đã khuất.
Trời đất vô tình trước sự biến hóa đổi thay.
May mắn là đã nhìn thấy được hôm nay Hồ Việt đã chung lại một nhà,
Bốn biển từ đây cũng đã chấm dứt sóng kình (chấm dứt chuyên can qua).

4.5. Diễn Nôm 

QUA CỬA BIỂN THẦN PHÙ

Thần Phù cửa biển giữa đêm qua,
Gió mát trăng thanh biết phải là ?
Núi đá hai bờ như duẩn ngọc,
Nước xanh một dãi tựa thanh xà.
Giang sơn còn đó anh hùng mất,
Trời đất vô tình thế sự đa.
Hồ Việt nay đà chung một mái,
Thanh bình bốn biển hết can qua !

        Lục bát :

Thần Phù cửa biển trong đêm,
Nói sao gió mát êm đềm trăng thanh.
Đôi bờ ngàn núi như tranh,
Giữa trôi lấp lánh rắn xanh một dòng.
Giang sơn đó, đâu anh hùng ?
Sự đời biến đổi vô chừng thoáng qua.
Nay mừng Hồ Việt một nhà,
Từ nay chinh chiến can qua chẳng còn !

Đỗ Chiêu Đức

-----------------------

★ Bài 5: DỤC THÚY SƠN


5.1. Nguyên bản 

浴翠山                  
海口有仙山, 
年前屢往還。 
蓮花浮水上, 
仙景墜人間。 
塔影簪青玉, 
波光鏡翠鬟。 
有懷張少保, 
碑刻蘚花斑。 
阮廌 

5.2. Phiên âm 

DỤC THÚY SƠN
Hải khẩu hữu tiên san
Niên tiền lũ vãn hoàn
Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy nhân gian
Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo
Bi khắc tiễn hoa ban.
NGUYỄN TRÃI

5.3. Chú Thích

        - DỤC THÚY SAN 浴翠山 : Dục Thúy là Tắm trong màu xanh biếc. Núi Dục Thuý, tức núi Non Nước ở Ninh Bình, tên Dục Thuý là do Trương Hán Siêu đặt, vì núi soi bóng xuống cửa biển với một màu xanh biếc.
        - LŨ VÃN HOÀN 屢往還 : là Mấy lượt đi về. Đi đi về về mấy lượt.
        - TRỤY NHÂN GIAN 墜人間 : là Rơi xuống trần gian.
        - TRƯƠNG THIẾU BẢO 張少保 : Tức Trương Hán Siêu đời Trần, được phong hàm Thiếu Bảo, sau khi mất được thăng Thái Bảo, hàm chánh nhất phẩm. Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, quê làng Phúc Thành, huyện An Ninh (sau đổi là Phúc Âm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, làm quan đời Trần, chức Tham Tri Chính Sự. Về già ở ẩn tại núi Dục Thuý.
        - BI 碑 : là Bia. TIỄN 蘚 : là Rong rêu.

5.4. Nghĩa bài Thơ  

NÚI DỤC THÚY
Trước cửa biển có núi tiên,
năm trước đây ta đã mấy lượt đi về nơi nầy.
Toà núi như là một đóa hoa sen nổi trên mặt nước
như là cảnh tiên rơi xuống nhân gian nầy vậy.
Bóng tháp in trên nước như trâm bích ngọc
và các gợn sóng sáng lấp lánh như gương soi các lọn tóc xanh.
Trước cảnh đẹp nầy, làm cho ta chợt nhớ đến Trương Thiếu Bảo,
nhưng tấm bia đá khắc về ông đã lốm đốm rêu xanh cả rồi !


5.5. Diễn Nôm 

DỤC THÚY SAN

Cửa biển có tiên san,
Năm qua vẫn khứ hoàn.
Hoa sen trên mặt nước,
Tiên cảnh lạc nhân gian.
Bóng tháp như trâm ngọc,
Sóng xanh tựa tóc nàng.
Nhớ ngài Trương Thiếu Bảo,
Bia khắc cỏ rêu lan.

* Diễn lục bát :

Núi tiên cửa biển cận kề,
Năm qua mấy lượt đi về nơi đây.
Như sen nổi mặt nước đầy,
Bồng Lai tiên cảnh đọa đày nhân gian.
Tháp in đáy nước trâm vàng,
Sóng vờn tựa kính soi làn tóc mây.
Nhớ Trương Thiếu Bảo nơi nầy,
Rêu xanh lốm đốn phủ đầy thạch bia !

Đỗ Chiêu Đức

07 tháng 6 2019

Vịnh tranh sông núi

<D.527><Cảnh Sông Núi>



VỊNH TRANH SÔNG NÚI

Sông hồ nét vẻ thật là thanh
Điểm xuyết màn phông hiện rõ cành
Cửa động mờ giăng màu sắc loãng
Cây rừng phớt vẽ mảng nền xanh
Tươi cười nước đổ khơi hồn mộng
Yểu điệu cầu mơ nối chuỗi lành
Vẫn cảm chim mừng lay gọi gió
Khung trời ánh nhật phổ đầy tranh.

Mai Thắng - 190607

★ Bài họa trên facebook của Dung Nguyên

BỨC TRANH QUÊ

Vẽ cảnh sơn hà một nét thanh
Rừng cây vạn lá điểm tô cành
Kia hồ nước ngọt bên đầm trũng
Đấy nụ hoa vàng giữa cỏ xanh
Núi thẫm mây sà loang vệt đỏ
Đồng xa lúa trổ dậy hương lành
Trời cao gió lộng từng cơn phả
Ngỡ nẻo quê nhà tựa bức tranh..

DUNG NGUYÊN
06/06/2019

★ Bài xướng trên MGT của Bùi Xuân Phương

VIỆT NAM TA

Quê nhà sớm Hạ lộng thiên thanh
Toả ánh dương quang rực lá cành
Lũ bướm xôn xao vờn phượng đỏ
Đàn cò chấp chới lượn đồng xanh
Thênh thang gửi nghĩa phương trời đẹp
Rộn rã trao duyên mảnh đất lành
Đón bạn tha hương về ngắm cảnh
Ba Miền tiếp sợi dệt nên tranh.

buixuanphuong09
08:54 - 06/06/2019

Kết Bạn Thơ

<D.526~Xã Hội> 



KẾT BẠN THƠ

Chân thành kết bạn hưởng cầu may
Duỗi đẹp tình thân đón cảnh này
Lễ thảo mơ màng cung điệu láy
Tay chìa tưởng tượng khúc đàn say
Giao hòa mộng ước khuyên lời nảy
Biểu đạt hồn thương dưỡng sức cày
Khoáng đãng chơi đùa vui chỉ dạy
Tâm nhàn nhã bảo chọn phần hay.

Mai Thắng – 190606

★ Bài xướng của Nguyễn Mạnh Hoàng

HỘI TRẢM HAY

Kết bạn chân thành sẽ hưởng may
Nhìn hoa nở đẹp muốn trao này
Âm thầm hạnh phúc tình yêu nảy
Lặng lẽ an bình cảm hứng say
Đã mộng giao hòa chăm chỉ gáy
Còn mơ xướng họa dẻo dai cày
Tâm lòng giúp đỡ làm thơ dạy
Hội trảm tưng bừng phú nghĩa hay

2019 N.M.H 1
816

Mưa chiều nhỏ giọt

<D.525><Thời Tiết-Khí Hậu>



MƯA CHIỀU NHỎ GIỌT

Mưa chiều nhỏ giọt cứ hoài rơi
Mộng rã rời theo ảo giác đời
Ngọn sóng âm thầm xô bãi biển
Con thuyền lặng lẽ hướng trùng khơi
Nhành lan trắng điểm hồn yên phận
Vạt nắng nhòa tan mảnh nhiễu trời
Thiếu phụ ôm chầm duyên mẫn cảm
Mơ màng khuấy động chẳng hề vơi.

Mai Thắng – 190604

★ Bài xướng của Thạch Hãn

MƯA CHIỀU

Xóm cũ mưa chiều nhỏ giọt rơi
Vườn cây ướt mộng rã hương đời
Sao chìm bến hạ tầm mây biển
Nguyệt bỏ đêm hồng đến ngõ khơi
Ửng vạt sương rừng loang rãnh nước
Mềm manh chiếu cỏ đậm chân trời
Thương người thiếu phụ tình tan vỡ
Những dạo đơn lòng nhớ chẳng vơi ./.

LCT 04/06/2019

Đêm về tưởng vọng

<D.524><Thời Tiết-Khí Hậu>



ĐÊM VỀ TƯỞNG VỌNG

Đêm về ánh nguyệt trải giòn tan
Lặng lẽ màng sương ngấm nẻo đàng
Nhạc vẳng phòng khuya hòa quyến rũ
Âm hài điểm mộng xướng dầm chan
Cầu treo hạnh phúc nhìn chăm chỉ
Nguyện đuổi bình yên xóa phũ phàng
Lối nhỏ chờ mong niềm tịnh dưỡng
Se thầm nỗi nhớ nhẹ đèo mang.

Mai Thắng - 190604

★ Bài xướng của Nhung Nguyễn

MỘNG VỠ

Giấc mộng ban đầu đã vỡ tan
Cùng bao hứa hẹn ở bên đàng
Người đi nẻo ấy môi cười mở
Kẻ ngụ phương này mắt lệ chan
Dẫu biết thời gian còn biến đổi
Sao mà nỗi nhớ vẫn đeo mang
Ai đành lỗi hẹn sang đò mới
Bỏ mặc tình tôi lắm phũ phàng

BL 26.3.19
*****

Mưa chiều rả rích

<D.523><Thời Tiết-Khí Hậu>



MƯA CHIỀU RẢ RÍCH

Mưa chiều rả rích tựa dòng ngâu
Cảnh diễn buồn thiu đọng lá sầu
Mấy lũ chim trời bươi điểm đậu
Bao đàn cá biển chọn nguồn thâu
Triền miên nước khẳm khu vườn mẫu
Lạnh lẽo đường hoen dáng bản cầu
Chuỗi quạnh tan nhòa song ẩn dấu
Ai người cảm thán chuyện dài lâu?

Mai Thắng – 190604

★ Bài xướng của Nguyễn Mạnh Hoàng

AI GIÙM

Thấp thỏm bao ngày vẫn lại ngâu
Chờ mong hợp cảnh đỡ âu sầu
Chim trời thổn thức tìm khu đậu
Cá biển mơ màng định chỗ thâu
Hễ ước duyên tình yên ả nhậu
Vì xây nghĩa phận nhẩn nha cầu
Ai giùm giải mã lời ban hậu
Hạnh phúc cân bằng mãi trẻ lâu

28-05-2019 N.M.H
-1846

Dòng châu hải thệ

<D.522><Tự Do>



DÒNG CHÂU HẢI THỆ

Con đò những buổi đợi người lâu
Mộng dở tình phai thắm nghĩa sầu
Trải nhớ chan hòa muôn dặm liễu
Truy tầm hóng rảo vạn vườn dâu
Bài thơ khéo gợi cài nhân ảnh
Nhã nhạc thầm mơ ủ lá trầu
Đã nếm men nồng câu hải thệ
Xin gìn mấy mảng đọng dòng châu

Mai Thắng  
190604

★ Bài xướng của Bích Yến

MỘT THUỞ

Một thuở con đò cắm đã lâu
Tình đơm trái ngọt bỗng tâm sầu
Gieo ngàn nỗi khổ qua từng đoạn
Biết nợ duyên mờ giẫm bể dâu
Bóng lẻ nên đành vơi cõi mộng
Hồn đơn cũng bởi thiếu cau trầu
Bây giờ nghĩ lại buồn da diết
Ngữ cảnh đau lòng rướm lệ châu

03.06.2019
Thơ: Giang Hoa

Nhuộm ánh hoàng hôn

<D.521><Thời Tiết-Khí Hậu>



NHUỘM ÁNH HOÀNG HÔN

Nghĩ lại càng thương cảm kiếp đời
Quay vòng số phận chẳng hề vơi
Ngàn câu gọi vẫy chuyên cày xới
Vạn nỗi giằng chen khó bảo rời
Khắc khoải hằn in bày ngưỡng đợi
Âm thầm gói tạc phủ nguồn khơi
Hoàng hôn mãi nhuốm vầng thiên khởi
Vẫn ủ hồn thiêng ánh rạng ngời.

Mai Thắng - 190603

★ Bài xướng của Ngọc Ánh Nguoideplongyen

NHƯ GIẤC CHIÊM BAO

-nđt, bvđâ-

Nhiều khi nghĩ lại thấy yêu đời
Ước nguyện chân tình đã chẳng vơi
Dưỡng lộc chăm vườn luôn phải xới
Trồng cây tạo phúc mãi không rời
Vô thường khắc khoải giờ ai đợi?
Nghiệp dĩ eo sèo lúc kẻ khơi
Quãng lộ phù sinh chừ oải tới
Hoàng hôn phủ nhuộm bóng mây ngời

28/05/2019
Ngoc Anh Nguoideplongyen

Ngẫm Ngợi Niềm Vui

<D.520~Thơ Vui>



NGẪM NGỢI NIỀM VUI

(Ngũ độ thanh; bộ vần 1 vận, 5 thanh; từ thủ 6 thanh)

Rằng ta cảm khoái giọng ngoan hiền
Hảo hữu vui cùng tiếng động viên
Một hướng chơi đùa say biểu diễn
Ngàn câu ghẹo khuấy cữ gieo phiền
Giao hoà trí tưởng đừng sinh nghiện
Xướng hoạ tâm thành chẳng nghĩ xiên
Dõi ánh trùng khơi thuyền lộng biển
Tìm dung ngẫm ngợi chốn bưng biền

Mai Thắng – 190525

----------------- 

★ Bài xướng của huynh Trần Tòng

TỬ TẾ

(Ngũ độ thanh, Lục thanh vi thủ,
Ngũ thanh vi vận, Bát vận đồng âm)

Tử tế vào đây mãi bạn hiền
Thi đường hữu hảo mộng đoàn viên
Đừng khoe ngữ tự rồi nghênh chiến
Chớ mượn lời văn sẽ khỏi phiền
Cũng muốn giao hòa... Anh để nghiện
Do mừng xướng họa.. Ả thành xiên
Đành xin giã biệt về nơi biển
Lại phải lìa xa đến chỗ biền...

5/2019. TT 

06 tháng 6 2019

Duyên

<L.248~Thơ Vui>


CẢM TÁC CHỮ DUYÊN

Ừ thì … duyên gặp cứ chào
Không phân hiền dữ để trao nụ cười
Chúng ta cùng một kiếp người
Tựa nương tiếp bước giữa đời nhiêu khê
Tìm vui những buổi giao kề
Sẻ chia gắn bó chữ thề đồng tâm
Nỗi niềm nhen nhúm âm thầm
Tình thương vun quén lên mầm nụ non
Nụ mời mãi đắm màu son
Nụ gầy hạnh phúc cười giòn trọn vui

Mai Thắng – 190530

---------------------------------- 
* Bài xướng của Thy Nguyễn

DUYÊN

 Thảnh thơi luận một chữ duyên
Đời ai cơm, áo, gạo, tiền đã qua
Giữa cuộc đời lắm phong ba
Tình, tiền hai chữ cũng là cần thay.
Giữa cơn gió giật, bão lay
Cơm duyên một hột, đắng cay muôn phần
Người ngồi ở chốn thị phần
Tiền, duyên phóng túng, chẳng cần nghĩ suy.
Người khôn, của khó cũng kỳ
Miếng ăn cũng phải chi ly hằng ngày
Làm cực lực chẳng hở tay
Cuối ngày cũng chỉ được vài chén cơm.
Rơm đành cam phận gối rơm
Mong chi gối mộng, giường thơm bên người
Duyên lành thì miệng cười tươi
Chẳng may gặp ác duyên thời héo hon.
Duyên gặp cả những dở ngon
Biến thành tốt xấu, ví von thế nào
Thôi thì duyên gặp cứ chào
Trở nên thiện ác đành trao số phần.
Nhưng lòng vẫn cứ ân cần
Trao lời nói đẹp, ý vần thơ hay
Đã là số phận rủi, may
Cứ vui đón nhận đời này chóng qua.

Thy Nguyễn 29-05-2019

Sinh nhật Tường Vân

<D.519~Thơ Sinh Nhật> 


Ảnh Tường Vân

MỪNG SINH NHẬT TƯỜNG VÂN

Khách vẫn thèm quen được trổ tài
Khen lòng thục nữ thử tìm ai
Thơ cài chữ mọng thêu thùa cảm
Bút vẫy vần xinh yểu điệu hài
Để vệt mi huyền neo võng mắt
Cho làn tóc mượt phủ bờ vai
Phong trần hé mở tia nhìn trộm
Rũ bụi thời gian nhủ ước dài.

Mai Thắng – 190526

★ Bài xướng của Tường Vân

Happy Birthday - KHÚC TỰ TÌNH

Rằng em chỉ đợi khách anh tài
Xướng họa thi đàn chẳng kém ai
Thả bút văn chương vừa sống động
Dùng câu ý tứ thật khôi hài
Cho chiều tuyết điểm thơm màu tóc
Để buổi sương tràn đẹp ngấn vai
Một kiếp phong trần quen cát bụi
Dừng chân lãng tử ước đêm dài.!

Tường Vân - 25/05/18

★ Bài hoạ của Ngọc Liên

MỪNG EM

Mừng em tuổi mới thật đa tài
Ngõ hạnh đi về mộng sánh vai
Thả tứ bình thơ miền thế tục
Gìn tâm dũa ngọc chốn bi hài
Thu vàng mãi đẹp tình kim cải
Hạ đỏ luôn nồng nghĩa trúc mai
Để lúc chiều buông còn nán lại
Mùa hương kỷ niệm nối thêm dài.

Ngọc Liên
25.05.19

C. Con Cuốc Gọi Hè

<C.031><Điển tích văn học> 

Đề tài: CON CUỐC GỌI HÈ
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm


    Ai xui con cuốc gọi vào hè,
    Cái nóng nung người nóng nóng ghê
        Con Cuốc, ta còn gọi là Con Chim Quấc, đồng âm với chữ Quốc là Nước; tên chữ Nho là Chim Đỗ Quyên với thành ngữ Đỗ Quyên Đề Huyết như sau :

        ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến mửa máu miệng ra vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ, Tử Quy, Tử Quyên, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc. Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ đầu xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết. Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng : Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn của Thành Ngạn Hùng 成彦雄 đời Đường như sau :

杜鵑花與鳥, Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
怨艷两何賒, Oán diễm lưỡng hà xa.
疑是口中血, Nghi thị khẩu trung huyết,
滴成枝上花. Trích thành chi thượng hoa !
Có nghĩa : 
 * Đỗ Quyên là tên của hoa và của cả chim,
* Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng
không xa cách là mấy, nên...
* Ngờ là máu ở trong miệng ( của con chim ) đã...
* Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành !

Diễn Nôm : 

Đỗ Quyên chim với hoa,
Oán đẹp có nào xa.
Ngờ là máu trong miệng,
Nhỏ xuống cành nở hoa !

Chim Đỗ Quyên (Cuốc) và Hoa Đỗ Quyên

        Tích ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血 theo câu truyện về truyền thuyết sau đây : 

        Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục ( tỉnh Tứ Xuyên ngày nay ) thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này, và vì trước đó Biết Linh cũng đã có công trị thủy, cứu nước Thục khỏi cảnh lũ lục thiên tai. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc" (cuốc cuốc). Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.

        Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ hoặc Đỗ Quyên để nói lên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều đờn cho Kim Trọng nghe khi Kim Kiều tái hợp có câu:
    Khúc đâu êm ái xuân tình,
    Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?

        ....là lấy điển tích từ vị vua nước Thục này qua câu thơ trong bài thơ Cẩm Sắt 錦瑟 của Lý Thương Ẩn đời Đường là :
            Thục Đế xuân tâm hóa Đỗ Quyên,
    蜀帝春心化杜鵑。

        Trong thơ Nôm "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải cũng nhắc đến Chim Đỗ Vũ kêu vào đầu mùa xuân đến cuối mùa hạ như sau :
Cớ chi mày, hỡi con Đỗ Vũ,
Quyến xuân về lại rủ hè sang.

        Và như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Chim Đỗ Quyên bằng tên Chim Quyên với Điệu Thương Xuân khi nàng cung nữ thất sủng nghe tiếng cuốc kêu :
Ai ngờ tiếng Quyên kêu ra rả,
Điệu Thương Xuân khóc ả sương khuê !

        ... và trong bài Qua Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan cũng đã hạ một đôi Luận để đời là :
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mõi miệng cái gia gia.

        ... và đến bài Nghe Cuốc Kêu của cụ Nguyễn Khuyến thì tiếng cuốc kêu mới thật sự bâng khuâng, khoắc khoải làm ngơ ngẩn lòng người nhất là những ai đang xa quê hương lưu lạc gởi thân nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay :
    Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
    Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ.
    Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
    Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
    Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?
    Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
    Ban đêm róng rã kêu ai đó?
    Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

Bà Huyện Thanh Quan và Tam nguyên Yên Đỗ

        Đỗ Quyên cũng là con chim Quyên đã đi sâu vào ca dao của dân Nam bộ với :
    Trồng trầu thì phải khai mương,
    Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
    Chim Quyên ăn trái nhãn lồng,
    Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi !

        .
.. và đã được phổ thành bản nhạc Tân cổ Giao Duyên với lời ca Lý Chim Quyên rặc mùi Nam bộ :
    Chim Quyên quầy, ăn trái quay... nhãn lồng này
    Nhãn lồng, ơi anh bạn mình ơi...
    Ơi anh bạn mình ơi...!

Trái nhãn lồng Nam bộ mọc đầy cả đồng cỏ

        Trở lại với hai câu thơ mở đầu bài viết nầy là :
    Ai xui con cuốc gọi vào hè,
    Cái nóng nung người nóng nóng ghê

        Có người cho hai câu thơ trong bài VÀO HÈ nầy là Thơ Cổ, có người lại ngờ rằng đây là bài thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhưng lại có tài liệu cho rằng, đây là bài thơ của cụ Dương bá Trạc. Toàn bài thơ như sau :

VÀO HÈ
Ai xui con cuốc gọi vào hè,
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ,
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác,
Trong tối đua bay, đóm lập loè.
May được nồm nam cơn gió thổi,
Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.

Nguồn: 

        1. Sách Quốc văn giáo khoa thư (Trần Trọng Kim, Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản, 1935) ghi bài này là thơ cổ, có lẽ thơ thời Nguyễn chứ không phải thời cổ đại. 

        2. Thiếu Sử trong bài Ai Là Tác Giả Bài “Vào Hè” đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 740, ngày 1-3-2011, mục Trà Dư Tửu Hậu (tr. 45, 46, 133), thì bài này là của Dương Bá Trạc, in trong tập thơ Nét Mực Tình (NXB Đông Tây, Hà Nội, 1937). Cũng theo bài viết này thì hai câu 4 và 5 của bài thơ như sau:
    Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê.
    Trên cành gọi bạn chim xao xác,

        Phần trên đây trích trong THI VIỆN trên internet để người đọc rộng đường dư luận.

Đỗ Chiêu Đức 

Khúc thời ly

<D.518><Cuộc Sống>



KHÚC THỜI LY

Thời ly đến vội phải lên đường
Đường vãn hơi chiều lắm dở ương
Ương những giống hoa vừa hé nở
Nở vòm cây cảnh mới đành vương
Vương màu cúc đỏ mi chờm động
Động ánh hồng nhung mắt tỏ tường
Tường lãm thuyền trăng vờ hỏi bến
Bến chờ dáng toả điệu trầm hương.

Mai Thắng – 190526

★ Bài xướng của Trương Đức Hạnh

VÓ NGỰA THỜI GIAN

(Thể áp cú)

Vó ngựa thời gian trỗi nẻo đường
Đường đi bão nổi lắm tai ương
Ương mầm rõ giống hoa hồng nở
Nở nụ vui nhà suối mộng vương
Vương vấn nàng thơ lòng cảm động
Động thương đất Mẹ cảnh buông tuồng
Tuồng khơi sáng tỏ thuyền mơ bến…
Bến đổ dòng đời vọng cố hương.

Đức Hạnh
25 05 2019

Mộng Giữ Nàng

<D.517~Thơ Vui>



MỘNG GIỮ NÀNG

Những dạo mừng vui để đón nàng
Âm thầm lá rụng duỗi đường ngang
Thềm xưa nhẹ điểm màu hoa tím
Ngõ nhỏ dày treo cánh phượng vàng
Ghé quãng trường say hồn thuỷ rạch
Vào Văn Miếu mượn ảnh Tiền giang
Tình riêng ấp ủ nuôi lòng dưỡng
Ước trải ngày trôi mộng giữ hàng.

Mai Thắng - 190526
(@1513>MT>94%<pv-6)

★ Bài xướng của Ngọc Liên

KHÚC TÌNH XƯA

Mùa thu dạo đó sánh vai chàng
Lá rụng bên đường gió thổi ngang
Lác đác thềm hoa cành phượng đỏ
Xôn xao ngõ mộng ánh trăng vàng
Sương còn đọng giữa triền non nước
Sóng vẫn trôi ngoài bến bạch giang
Mà khúc tình xưa nào trở lại
Sầu chan mắt lệ nhỏ đôi hàng.

Ngọc Liên 26.05.19

★ Bài hoạ của Tường Vân

NIỀM RIÊNG MUỐN NGỎ

Nhớ một chiều xưa thiếp bảo chàng
Mai về nếu lạnh chuyến đò ngang
Đừng da diết trải vần thơ mộng
Để chuyện ba sinh phải lỡ làng
Bởi nước còn xuôi dòng biển cả
Nhưng đời mãi dậy sóng Trường Giang
Ai đem sợi nắng giăng ngoài ngõ
Tội kẻ ngồi hong ánh nguyệt vàng

Tường Vân - 24/05/19

★ Bài hoạ của Thy Nguyễn

LỆ ĐOÀN VIÊN

Hết lạnh cùng nhau đón hạ vàng
Chiều nay ngóng đợi chuyến đò ngang
Âm thầm đếm bước xa rời xóm
Lặng lẽ đưa nhau tận cuối làng
Cách biệt mau qua rồi lại tới
Xum vầy trở lại sẽ sang trang
Chia ly nước mắt đôi mi ướt
Hạnh phúc đoàn viên lệ rớt hàng.

Thy Nguyễn 22-04-2019

Tham Gia Xướng Họa

<D.516~Thơ Vui> 



THAM GIA XƯỚNG HOẠ

Khi chào khẩu lệnh bốn dòng tê
Ái Tỉ bày giương mọi ngõ về
Bạn hữu êm lời thôi quản chế
Thi hào đẹp ý chẳng vờ hê
Vui vầy để kết ngàn câu lệ
Nhủ nhắn chờ xem vạn ngã tề
Dưỡng lực tầm xuân cầu chúa tể
Như chừng thoải mái vị cà phê.

Mai Thắng – 190525

★ Bài xướng của Manh Tien Nguyen

TÌNH THÂN TRẢM THƠ
 
(nđt- g/c- cú trung đối – thập láy)

Vẫn ngẩn ngơ chờ nhập bốn ( T )
Tình say khấp khởi gọi ta về
Ong THỜ THẪN lẳng lơ hồng bạch
Rạng rỡ lan huỳnh bướm HẢ HÊ
Sắc nhạt – màu phai ầm ĩ trảm
Lời vay – chữ mượn nỉ non tề
À uôm bỏ nhãng đôi tuần họa
Chẳng nỡ om sòm hạ bút phê*

t/g H V - Nguyễn Mạnh Tiến

Tiếng hạ thu buồn

<D.515><Thương Hạ Ca> 



TIẾNG HẠ THU BUỒN

Bỗng hạ thu buồn chả lắng vơi
Đường xa mệt lữ hết nên lời
Loài ve thất thểu ôm lòng đợi
Phượng vĩ âm thầm ủ sắc phơi
Dẫu chẳng mưu cầu ai gọi tới
Còn chăng để dệt tiếng ca mời
Gìn trông ý niệm đau niềm gởi
Gẫm cảm thương gì đất mẹ ơi.

Mai Thắng – 190525

★ Bài xướng của Hường Xưa

HÈ ƠI

Sang hè bỗng tủi ái tình vơi
Mãi giận người đi khó tỏ lời
Tiếng thở nêm buồn khe khẽ đợi
Câu hờn trách nhẹ thẫn thờ phơi
Nghiêng thềm cánh phượng chao mùa gởi
Dạm ngõ nàng thơ phổ tứ mời
Kỷ niệm đâu rồi lo quá đỗi
Cho hồn thổn thức bạn lòng ơi

Hường Xưa – 25/5/19

Sen Soi Đèn Phố

<D.514~TN Hoa Trái>



SEN SOI ĐÈN PHỐ

Lại cảm say hoài mỗi lúc đêm
Bùng binh nở rộ sắc nhung mềm
Gương chòi trỗ nhuỵ đài hoa mở
Điện tãi giăng đèn dải bóng êm
Vẫn thoảng hương đồng len phố thị
Còn khiêu mắt ngọc dõi bên thềm
Màu xanh lá trải chen đường nhựa
Nét đẹp đô thành mỹ cảnh thêm.

Mai Thắng – 190525

★ Bài xướng của Ngân Hà

LÀ HOA

Sen thường rực nở lúc về đêm
Cánh mỏng đài cong thả vóc mềm
Lá trải phô mình trên nước động
Thân oằn uốn cọng giữa trời êm
Hương thơm phản phất bên bờ dậu
Sắc tỏa rung rinh cạnh ngưỡng thềm
Lại tủi cho nàng trinh nữ nhỏ
Co nhành xếp phận thấy buồn thêm .

Nganha 240519

01 tháng 6 2019

Tình Thân Xứ Lạ

<D.513><Giao Tiếp>



TÌNH THÂN XỨ LẠ

Giữa cảnh xa ngàn bước nhẹ rây
Niềm vui bất chợt cảm duyên thầy
Xoè tay nắm chặt tình thương gửi
Đáp lễ ôm mừng ảnh dựng xây
Mấy chục năm trường yên ổn rỗi
Vài trăm cột số thản nhiên đầy
Mâm bàn khéo gợi hồn quê cũ
Chạnh ngẫm xu thời phút bủa vây.

Mai Thắng – 190520

★ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận
(họp mặt đồng hương trên đất Mỹ)

ĐÓN BẠN ĐỒNG HƯƠNG

“Thưa hồng rậm lục”bụi phùn rây
Đón bạn đồng hương với quí thầy
Tay bắt mặt mừng lâu gặp lại
Gia đình hạnh phúc ngợi gìn xây
Món ăn xứ sở mùi thơm lựng
Câu chuyện quê hương tiếng rỡ đầy
Nhắc mái trường xưa khu phố cũ
Bà con còn mất chút buồn vây !

Thuận. Cali 19/05/2019.

*-Cảnh cuối mùa xuân,đầu hạ.
(Thưa hồng rậm lục đã chừng cuối xuân. Kiều.)

★ Bài hoạ của thầy Mai Lộc

TÌNH ĐỒNG HƯƠNG

Mưa bụi ngoài trời lất phất rây
Căn phòng ấm cúng nỗi mừng vây.
Thời gian vùn vụt nhớ Cao Lảnh
Năm tháng sầu thương nhuộm tóc thầy.
Kỷ niệm hàn huyện tình chất ngất
Tha hương tâm sự lệ vơi đầy.
Trường xưa cảnh cũ hằn trong trí
Phương ấy đang hè mây trắng xây!

Mailoc
5-22-19

★ Bài hoạ của Cao Linh Tử

Xúc Cảm họa

NGHĨA THẦY TRÒ

Vô hình đã lập một đường rây
Dẫn học trò xưa gặp lai thầy
Trái đất tròn vòng duyên hội ngộ
Tình sư đậm dấu thuở truyền xây
Cao vời nghĩa cữ còn lưu kỹ
Bất tận niềm thương vẫn giữ đầy
Trông ảnh vui vầy mà ước được
Quê nhà tử đệ một lần vây!

Cao Linh Tử
20/5/2019

27 tháng 5 2019

C. Thiên Tải Nhất Thì

<C.030><Điển tích văn học> 

Đề tài: THIÊN TẢI NHẤT THÌ
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức 


        Sau khi chứng kiến Thúy Kiều báo ân báo oán xong, thì sư " Giác Duyên vội vả gởi lời từ quy ".Thúy Kiều mới cầm lại : 

Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN !
Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?!

        T
a sẽ làn lượt tìm hiểu các Thành Ngữ : THIÊN TẢI NHẤT THÌ, BÀN HOÀN, BÈO HỢP MÂY TAN, HẠC NỘI MÂY NGÀN.

        THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : THIÊN là Ngàn, TẢI là Năm, NHẤT là Một, THÌ là Khi, là Lúc. Nên Thiên Tải Nhất Thì là Ngàn năm một lúc, ta quen nói là NGÀN NĂM MỘT THUỞ. Theo như tích sau đây :
        Đời vua Đường Hiến Tông ( 805-820 ). Nhà vua rất tin Phật, định làm lễ rước cốt Phật( Xá Lợi) vào cung. Lúc đó có Hàn Dũ là quan Hình Bộ Thị Lang dâng " Gián nghinh Phật cốt biểu 諫迎佛骨表 ", can gián vua đừng nghinh cốt Phật vào cung. Hiến Tông xem biểu chương , giận định xử Hàn Dũ tội chết, may nhờ có Tể Tướng và các quan đương triều xin cho mới khỏi tội chém đầu, nhưng lại bị biếm đi làm Ngự Sử đất Triều Châu. Về sau, Đường Hiến Tông còn cho cải cách một số chính sách của triều đình, làm cho công việc triều chính thuận lợi và tốt hơn lên. Hàn Dũ lại dâng " Triều Châu Ngự Sử tạ thượng biểu 潮州刺史謝上表". Tán dương việc cải cách triều chính của nhà vua, đồng thời đề nghị nhà vua nên đi làm lễ Phong Thiền ở núi Thái Sơn.

        PHONG THIỀN 封禪 là lễ tế cáo trời đất của vua chúa ngày xưa. Người xưa cho rằng, trong Ngũ Nhạc Thái Sơn là cao lớn nhất, nên lập đàn trên đỉnh Thái Sơn để tế trời, gọi là PHONG 封. Còn ở chỗ bằng phẵng của sườn núi lương Phụ Sơn tế đất, thì gọi là THIỀN 禪. Trong lịch sử, chỉ có Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang và Chu Thành Vương là có cử hành đại lễ nầy mà thôi. Nên Hàn Dũ nói thế cũng có nghĩa là tâng bốc nhà vua là đấng minh quân như Nghiêu Thuấn ngày xưa, vì thế mà nhà vua rất đẹp dạ. Nhà vua cho là trước đây can vua nghinh cốt Phật, bây giờ lại khuyên vua tế cáo trời đất, Hàn Dũ quả là người dám nghĩ dám nói, thẳng thắng vô tư, nên cho triệu hồi về kinh để phục lại chức cũ.

        Vì trong biểu tấu có câu : Đương thử chi tế, sở vị Thiên Tải Nhất Thì bất khả phùng chi gia hội 當此之際,所謂千載一時不可逢之嘉會. Có nghĩa : Trong dịp ( lễ hội ) nầy, quả là ngày hội lớn mà ngàn năm một thuở khó có để mà gặp được. Nên lại hình thành hai câu thành ngữ :

        THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : 
Ta thường nói là " Ngàn năm một thuở " để chỉ việc gì đó, hoặc dịp may nào đó, rất hiếm khi mà gặp được, có được.

        THIÊN TẢI NAN PHÙNG 千載難逢 : 
là "ngàn năm khó gặp". Nghĩa cũng đã rất rõ ràng, chỉ việc gì đó may mắn lắm mới gặp được. Nên, câu nói của Thúy Kiều với Giác Duyên: Nàng rằng: THIÊN TẢI NHẤT THÌ, "ngàn năm một thuở", khó khăn lắm mới gặp được bà đây, thôi thì...  Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.

        BÀN HOÀN 盤桓 : BÀNG HOÀNG có gờ(G) là : Ngỡ Ngàng, là Thảng thốt. BÀN và HOÀN đều không có gờ(G). BÀN lá Cái Mâm, HOÀN là Cây Cột ở giữa nhà. Nhưng BÀN HOÀN là từ ghép có nghĩa là : Lòng Vòng, Quanh Co, Dụ Dự, Trù trừ, Nấn ná ... 
        Nên câu : 
Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.  Có nghĩa: Bạn cũ dễ gì có dịp Nấn Ná ở chơi như thế nầy( sao mà đi vội thế !).

        Theo U Thông Lục, văn tuyển của Ban Cố 文選·班固<幽通賦>: Thừa linh huấn kỳ hư từ hề, trữ BÀN HOÀN nhi thả sĩ “承靈訓其虛徐兮,竚盤桓而且俟。” Có nghĩa : Được sự dạy bảo và răn đe của thần linh, nên còn NẤN NÁ đứng đó mà chờ đợi.

        Theo " Trần Tình Biểu " của Lý Mật đời Tấn 晉 李密 《陳情事表》: Quá mông bạt trạc, sủng mệnh ưu ốc, khởi cảm BÀN HOÀN, hữu sở hi ký ? 過蒙拔擢,寵命優渥,豈敢盤桓,有所希冀?. Có nghĩa : Nhờ ơn được cất nhắc, lại được thương mến ưu đãi, làm sao còn dám NẤN NÁ mà có điều tính toán khác chớ ?!

        Nói chung, BÀN HOÀN ở đây có nghĩa là NẤN NÁ, là lưu lại không đi. Chớ không phải BÀNG HOÀNG là Thảng Thốt, Ngỡ Ngàng ...


       
Đến câu : Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,  BÈO, vừa thấy hợp đó bỗng liền tan đó, theo dòng nước chảy đẩy đưa , nên bèo tan hợp bất thường; cũng như những đám mây trên trời lửng lơ theo gió, tan hợp vô chừng. Nên BÈO HỢP MÂY TAN dùng để ví sự gặp gỡ hay biệt ly không biết trước được (tựa như bèo và mây, hợp đấy rồi lại tan ngay đấy. Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?

        HẠC NỘI là Hạc ở đồng nội, tự do bay lượn trong đồng nội mênh mông; MÂY NGÀN là Mây trôi nổi ở trên ngàn, cũng phất phơ vô định. HẠC NỘI MÂY NGÀN có gốc Hán việt là CÔ VÂN DÃ HẠC 孤雲野鶴 Có nghĩa là : Đám mây cô độc lơ lửng trôi lang thang không biết về đâu và con hạc ngoài cánh đồng hoang, tự do bay lượn không bị gò bó buộc ràng gì cả. Thường dùng để chỉ sự vân du bốn phương của các đạo sĩ tu tiên ngày xưa. Theo như hai câu thơ của Lưu Trường Khanh đời Đường 唐· 劉長卿 là Tống 
Phương Ngoại Thượng Nhân thi《送方外上人》詩:

孤雲將野鶴, Cô vân tương dã hạc,
豈向人間住。 Khởi hướng nhân gian trú.
        Có nghĩa :
Mây Ngàn theo Hạc Nội,
Bay khỏi cỏi nhân gian.

        Nên... HẠC NỘI MÂY NGÀN ngoài nghĩa chỉ tự do tự tại ra, còn có nghĩa là không chịu sự trói buộc của danh lợi và những thường tình của con người.

        Trở lại với 4 câu thơ trong Truyện Kiều :
Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN !
Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?!

        Có nghĩa : Thúy Kiều nói với sư Giác Duyên rằng : Ngàn năm một thuở, lâu lắm ta mới có dịp gặp nhau đây; dễ có mấy khi bạn cũ lại gặp được nhau như thế nầy, sao không nấn ná ở chơi vài hôm. Rồi đây chúng ta sẽ như là bèo hợp mây tan, mỗi người một nơi; còn bà ( chỉ sư Giác Duyên ) thì như là hạc nội mây ngàn có biết bà đi đâu và về đâu đâu mà tìm mà kiếm ?!


Đỗ Chiêu Đức 

24 tháng 5 2019

Nền Tảng Ngữ Âm Của Vần Thơ

<N.02~Nghiên Cứu Thơ Đường>

Núi Nga Mi


NỀN TẢNG NGỮ ÂM CỦA VẦN THƠ

★★★

1. KHÁI NIỆM
    1.1. Khái niệm về vần thơ
    1.2. Khái niệm về ngữ âm
2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT
    2.1. Cấu trúc âm tiết
    2.2. Âm đầu
    2.3. Âm đệm
    2.4. Âm chính
    2.5. Âm cuối
    2.6. Thanh điệu
3. CẤU TRÚC VẦN
    3.1. Bảng vần cái
    3.2. Tính vần điệu của vần thơ
    3.3. Quy định về tương quan thông vận
        3.3.1. Vần thông 1
        3.3.2. Vần thông 2
        3.3.3. Vần thông 3
    3.4. Ứng dụng của bảng vần cái 
        3.4.1. Xác định tính vần điệu
        3.4.2. Xác định các thành tố âm tiết


★★★

1. KHÁI NIỆM 


1.1. Khái niệm về vần thơ

        Vần thơ là một tổ hợp từ hình thành bộ vần của bài thơ theo quy định của nguyên tắc vần của luật thơ. Nguyên tắc vần bao gồm các quy định về tương quan giữa các vần thơ căn cứ bộ phận vần của cấu trúc âm tiết của vần thơ, thuộc phạm vi chuyên ngành ngữ âm học.

1.2. Khái niệm về ngữ âm

        Ngữ âm học (Phonectics) là một chuyên ngành ngôn ngữ học nghiên cứu về tiếng nói con người là một loại âm thanh ngôn ngữ do bộ máy phát âm của con người tạo ra. Mỗi cộng đồng có một tiếng nói riêng, tiếng nói của người Việt Nam là tiếng Việt. Tiếng Việt là toàn bộ các câu nói bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, thuộc pham vi nghiên cứu của chuyên ngành ngữ âm học. Đơn vị ngữ âm của Tiếng Việt là tiếng, hay từ thể hiện dưới dạng âm tiết. 
        Âm tiết (Syllable) là đơn vị phát âm nhỏ nhất của lời nói.

★★★

2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT


2.1. Cấu trúc âm tiết tiếng Việt

    
    
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến hình và có thanh điệu. Cấu trúc âm tiết tiếng Việt gồm: (-) 3 bộ phận: phụ âm đầu, vần, thanh điệu; và (-) 5 thành tố: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu, trong đó, bộ phận vần hay VẦN là tổ hợp 3 thành tố âm đệm, âm chính, âm cuối.
        Cấu trúc âm tiết được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Âm

đầu

Bộ phận vần hay VẦN

Thanh

điệu

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)



2.2. Âm đầu (initial sound)

        Âm đầu trong âm tiết bao giờ cũng là phụ âm (consonant) nên còn gọi là phụ âm đầu.
        Phụ âm đầu  được phân biệt và chia nhóm theo phương thức cấu âm và vị trí cấu âm: a) về phương thức cấu âm, phụ âm đầu phân chia thành các nhóm âm tắc, âm xát, âm rung, âm vang, âm ồn; b) về vị trí cấu âm chia thành 3 nhóm phụ âm môi, phụ âm lưỡi và phụ âm họng;
        Phụ âm đầu trong âm tiết tiếng Việt hiện nay có số lượng là 21, và các trường hợp âm tiết không có phụ âm đầu thì gọi là phụ âm câm.
        Phụ âm đầu trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/b/

b

bà ba, bửu bối

2

/m/

m

may mắn, mạnh mẽ

3

/f/

ph

phương pháp, phì phà

4

/v/

v

vui vẻ, văng vẳng

5

/t/

t

tập tành, tư tưởng

6

/t’/

th

thanh thản, thơm tho

7

/d/

đ

đông đúc, đồng đều

8

/n/

n

non nước, nợ nần

9

/z/

d; gi

dân dã, giành giật

10

/ʐ,/

r

rành rẽ, rập rờn

11

/s/

x

xong xuôi, xơ xác

12

/ş/

s

sung sướng, sạch sẽ

13

/c/

ch

chuyên chế, chậm chạp

14

/ʈ/

tr

trung trực, trớ trêu

15

/ɲ/

nh

nho nhã, nhọc nhằn

16

/l/

l

lầm lạc, lặng lẽ

17

/k/

c, k, q

cao kều, quay quắt

18

/χ/

kh

không khí, khệnh khạng

19

/ŋ/

ng, ngh

ngốc nghếch, nghiêng ngả

20

/ɣ/

g

gập ghềnh, gói ghém

21

/h/

h

hào hùng, hiền hậu

(22)

/?/

(không có)

ân ái, yên ổn, u ám



2.3. Âm đệm (medial sound)

           
Âm đệm là âm xuất hiện giữa âm đầu và âm chính; tiếng Việt có duy nhất 1 âm đệm /w/ chữ viết ghi là u hay o;
        Âm đệm /w/ là một bán âm (semi wovel) có cấu tạo như nguyên âm /u/ nhưng chỉ có chức năng tu chỉnh chứ không tạo nên âm sắc của âm tiết, có thể xem như một hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của các âm còn lại của bộ phận vần;
        Âm đệm thường không xuất hiện: (-) sau các phụ âm môi /b, m, f, v/; (-) trước các nguyên âm tròn môi /u, ô, ɔ, uô/; và (-) hạn chế ở một số phụ âm và nguyên âm khác;


2.4. Âm chính (nuclear sound)

        Âm chính là âm làm trung tâm của âm tiết và bao giờ cũng là nguyên âm (wovel), (về sau nguyên âm viết tắt là NA);
        Tiếng Việt có 11 NA đơn, 3 NA đôi và phân làm 3 nhóm NA:
            a) Nhóm NA1: đánh số mã từ 1 đến 4, là nhóm NA hàng trước không tròn môi, có 3 NA đơn /i, e, ɛ/và 1 NA đôi /ie/; chữ viết ghi là [i-y, ê, e và iê-ia-yê-ya].
            b) Nhóm NA2: đánh số mã từ 5 đến 8, là nhóm NA hàng sau tròn môi, có 3 NA đơn /u, ô, ɔ/và 1 NA đôi /uo/; chữ viết ghi là [u, ô, o và ua-uô].
            c) Nhóm NA3: đánh số mã từ 9 đến 14, là nhóm NA hàng sau không tròn môi, có 5 NA đơn /ɨ, ə, ə̆, a, ă/và 1 NA đôi /ɨə/; chữ viết ghi là [ư, ơ, â, a, ă và ưa-ươ]. Trong đó, 2 NA đơn /ə̆, ă/ là thể ngắn của /ə, a/;
        Các NA đơn ở thể bình thường và có biến thể ngắn khi đứng trước phụ âm cuối /ŋ, k/. Các NA đôi thì luôn ở thể dài.
        Âm chính là thành phần không thể thiếu của âm tiết, cấu trúc tối thiểu của một âm tiết có thể chỉ gồm 1 âm chính và 1 thanh điệu.
        Âm chính được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/i/

i, y

bi; uy; tíu tít; kịch tính

2

/e/

ê

lê; huệ; thêu; chênh chếch

3

/ε/

e

le hoe; heo; chem chép;

4

/ie/

ia-iê, ya-yê

bia; khuya; yêu; kiên quyết;

5

/u/

u

cu; vui; chụm, búp; sung túc …

6

/o/

ô

ô; ôi; bôm bốp; công cốc …

7

/ɔ/

o

con; oi; gom góp; ton hót;

8

/uo/

ua, uô

mua; chuối; buồm; tuồn tuột;

9

/ɨ/

ư

hư, gửi; bửu; rưng rức …

10

/ə/

ơ

thuở; thơ; mới; nơm nớp;

11

/ə̆/

â

đây; chân cầu; hâm hấp;

12

/a/

a

quả na; ai; tao; nam; nan quạt;

13

/ă/

ă

tay; mau; tăm tắp; săn sắt;

14

/ɨə/

ưa, ươ

mưa; tươi; hươu; thườn thượt;



2.5. Âm cuối (final sound)

        Âm cuối là âm đứng cuối vần, cuối âm tiết, được xếp thành 3 nhóm:
            a) Nhóm không có âm cuối viết tắt là nhóm KAC: là nhóm không có chữ viết của âm cuối, xếp ở số mã 1, gọi là nhóm âm mở;
            b) Nhóm bán âm cuối viết tắt là nhóm BAC: là nhóm do 2 bán âm /w/ và /j/ đảm nhiệm, chữ viết ghi là [u-o và i-y], xếp ở số mã 2, 3, gọi là nhóm âm hơi mở;
            c) Nhóm phụ âm cuối viết tắt là nhóm PAC: chia làm 2 tiểu nhóm: c1) nhóm PAC hơi khép, do các phụ âm /m, n, ŋ/ đảm nhiệm, xếp ở số mã 4, 5, 6, chữ viết ghi là [m, n, ng-nh]; c2) nhóm PAC khép, do các phụ âm /p, t, k/ đảm nhiệm, xếp ở số mã 7, 8, 9, chữ viết ghi là [p, t, c-ch].
        Tất cả các nhóm âm cuối đều ghép với một thanh điệu ngoại trừ nhóm âm khép, chỉ kết hợp với thanh sắc và thanh nặng;
        Khi đứng trước phụ âm cuối /ŋ, k/, các NA đơn chuyển sang thể ngắn, đặc biệt với NA /ε/ chữ viết ghi thành [a] và âm cuối /ŋ, k/ghi thành [nh, ch], ví dụ: /εŋ, εk/ ghi thành [anh, ach];
        Âm cuối được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/-_/

không

ký tự, cờ hoa, về khuya …

2

/-j/

i, y

cười nói, đây này, cây cối, …

3

/-w/

u, o

xào nấu, kêu gào, cao kều, …

4

/-m/

m

êm đềm, lim dim, …

5

/-n/

n

ân cần, thân thiện, …

6

/-ŋ/

ng, nh

thoang thoảng, ngông nghênh, …

7

/-p/

p

ấm áp, phốp pháp, …

8

/-t/

t

loắt choắt, thoăn thoắt, …

9

/-k/

c, ch

ngóc ngách, tọc mạch, …



2.6. Thanh điệu (tone)

        Thanh điệu là sự nâng cao hay hạ thấp giọng nói trong âm tiết;
        Thanh điệu gắn liền và biểu hiện trong toàn âm tiết;
        Thanh điệu tham gia vào việc cấu tạo từ, làm chức năng phân biệt ý nghĩa của từ, và làm dấu hiệu phân biệt từ;
        Tiếng Việt có 6 hình thức thanh điệu gọi là dấu (hay dấu thanh), phân chia thành 2 loại thanh điệu: 1) thanh bằng: là các thanh điệu có dấu thanh ngang, huyền; 2) thanh trắc: là thanh điệu có dấu thanh sắc, nặng, ngã, hỏi.
        Chữ viết tiếng Việt ghi dấu thanh trực tiếp ngay trên âm chính, riêng dấu thanh ngang không hiển thị nên còn được gọi là thanh không dấu.
        Thanh điệu được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Loại thanh

THANH BẰNG

THANH TRẮC

Tên gọi

Ngang

Huyền

Ngã

Hỏi

Sắc

Nặng

Ký âm

/-1/

/-2/

/-3/

/-4/

/-5/

/-6/

Chữ viết

“   “

“ \ “

“ ~ ”

“ ? ”

“ / ”

“ . ”



★★★

3. CẤU TRÚC VẦN


        Vần hay bộ phận vần của vần thơ là 1 tổ hợp 3 thành tố: âm đệm, âm chính và âm cuối của vần thơ.
        Vì âm đệm chỉ có chức năng tu chỉnh âm sắc để tạo nên hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của các âm còn lại của bộ phận vần nên tính vần điệu của vần thơ thể hiện qua sự kết hợp của 2 thành tố âm chính và âm cuối gọi là VẬN CĂN hay VẦN CÁI.

3.1. Bảng vần cái
 
        Bảng vần cái là một bảng liệt kê tất cả các hệ quả kết hợp của 2 thành tố âm chính và âm cuối theo cách trình bày:
            a) nhóm âm cuối xếp theo cột: nhóm KAC (xếp cột 1), nhóm BAC (xếp cột 2, 3), nhóm PAC (xếp cột từ 4 đến 9);
            b) nhóm âm chính xếp theo hàng: nhóm NA1 (xếp hàng từ 1 đến 4); nhóm NA2 (xếp hàng từ 5 đến 8), nhóm NA3 (xếp hàng từ 9 đến 14);
            c) các diễn giải khác: âm chính và âm cuối ghi theo dạng ký âm IPA, phần minh họa ghi theo dạng chữ viết, các ô bỏ trống là những vần cái không xuất hiện trong âm tiết tiếng Việt;
        Bảng vần cái được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số

Âm chính

Âm cuối

KAC

BAC

PAC hơi khép

PAC khép

/-/

/j/

/w/

/m/

/n/

/ŋ/

/p/

/t/

/k/

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

1

/i/

i

 

iu

im

in

inh

ip

it

ich

2

/e/

ê

 

êu

êm

ên

ênh

êp

êt

êch

3

/ε/

e

 

eo

em

en

anh

ep

et

ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm

iên

iêng

iêp

iêt

iêc

5

/u/

u

ui

 

um

un

ung

up

ut

uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm

ôn

ông

ôp

ôt

ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om

on

ong

op

ot

oc

8

/uô/

uôi

 

uôm

uôn

uông

uôp

uôt

uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

 

ưn

ưng

 

ưt

ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm

ơn

 

ơp

ơt

 

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm

ân

âng

âp

ât

âc

12

/a/

a

ai

ao

am

an

ang

ap

at

ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm

ăn

ăng

ăp

ăt

ăc

14

/ɨə/

ươ

ươi

ươu

ươm

ươn

ương

ươp

ươt

ươc



3.2. Tính vần điệu của Vần thơ 

         Tính vần điệu của vần thơ là tương quan giữa 2 vần cái, căn cứ trên sự giống nhau và khác nhau của âm chính và âm cuối của 2 vần thơ đó. Sự so sánh thu được 3 hệ quả tương quan:
            a) Tương quan chính vận gọi là VẦN CHÍNH: khi cả 2 thành tố âm chính và âm cuối đều giống nhau về yếu tố nhóm;
            b) Tương quan thông vận gọi là VẦN THÔNG: khi có 1 trong 2 thành tố hoặc là âm chính hoặc là âm cuối giống nhau, và thành tố khác nhau phải thỏa thêm điều kiện về yếu tố nhóm theo quy định cụ thể;
            c) Tương quan lạc vận gọi là VẦN LẠC: khi cả 2 thành tố âm chính và âm cuối đều khác nhau.   
         
 3.3. Quy định cụ thể về tương quan thông vận

        Quy định cụ thể của tương quan thông vận căn cứ vào tính chất và yếu tố nhóm của từng thành tố âm chính hay âm cuối:
                     
         3.3.1. Vần thông 1 

         
Vần thông 1 căn cứ sự giống nhau của âm chính, và sự khác nhau của âm cuối phải thỏa điều kiện là các âm cuối đó phải phải thuộc nhóm PAC. Ví dụ: các vần cái [ôm, ôn, ông], ký âm IPA (viết tắt bằng ký hiệu=>) là /om, on, oŋ/, có cùng âm chính là [ô] => /o/, thuộc nhóm NA1, thì các âm cuối phải thuộc cùng nhóm PAC [m, n, ng] => /m, n, ŋ/;
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả yếu tố vần thông 1 (ký hiệu “÷” chỉ tương quan giữa 2 vần cái);

Âm chính

Âm cuối

Số mã

Liệt kê

KAC

BAC

PAC hơi khép

PAC khép

/-/

/j/

/w/

/m÷n÷ŋ/

/p÷t÷k/

 

 

1

2

3

4-5-6

7-8-9

1

/i/

i, y

 

iu

im÷in÷inh

ip÷it÷ich

2

/e/

ê

 

êu

êm÷ên÷ênh

êp÷êt÷êch

3

/ε/

e

 

eo

em÷en÷anh

ep÷et÷ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm÷iên÷iêng

iêp÷iêt÷iêc

5

/u/

u

ui

 

um÷un÷ung

up÷ut÷uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm÷ôn÷ông

ôp÷ôt÷ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om÷on÷oŋg

op÷ot÷oc

8

/uo/

ua

uôi

 

uôm÷uôn÷uông

uôp÷uôt÷uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

ưm÷ưn÷ưng

ưp÷ưt÷ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm÷ơn÷_

ơp÷ơt÷ơc

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm÷ân÷âng

âp÷ât÷âc

12

/a/

a

ai

ao

am÷an÷ang

ap÷at÷ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm÷ăn÷ăng

ăp÷ăt÷ăc

14

/ɨə/

ưa

ươi

ươu

ươm÷ươn÷ương

ươp÷ươ÷ươc



        3.3.2. Vần thông 2

        Vần thông 2 căn cứ sự giống nhau của âm cuối, và sự khác nhau của âm chính phải thỏa điều kiện là những âm chính đó có cùng một nhóm NA. Ví dụ: các vận căn [iu÷êu÷eo÷iêu], ký âm IPA (viết tắt bằng ký hiệu =>) là /iw÷ew÷εw÷iew/, có cùng  âm cuối là BAC [-u, -o] =>/-w/, thì âm chính [i, ê, e, iê] => /i, e, ε, ie/, phải là những NA cùng nhóm, trong ví dụ này là nhóm NA1. 
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả các vần thông 2 (các ký âm gạch ngang chữ là các vần cái không có của âm tiết tiếng Việt):
 

Âm cuối

Âm chính

Số mã

Liệt kê

nhóm NA1

nhóm NA2

nhóm NA3

(1 đến 4)

(5 đến 8)

(9 đến 14)

1

/-/

i÷ê÷e÷iê

u÷ô÷o÷uô

ư÷ơ÷a÷ươ;
ơ÷â÷a÷ă;

2

/j/

 

ui÷ôi÷oi÷uôi

ưi÷ơi÷ai÷ươi
ơi÷ây÷ai÷ay;

3

/w/

iu÷êu÷eo÷iêu

 

ưu÷ơu÷ao÷ươu;
ơu÷âu÷ao÷au;

4

/m/

im÷êm÷em÷iêm

um÷ôm÷om÷uôm

ưm÷ơm÷am÷ươm;
ơm÷âm÷am÷ăm;

5

/n/

in÷ên÷en÷iên

un÷ôn÷on÷uôn

ưn÷ơn÷an÷ươn;
ơn÷ân÷an÷ăn;

6

/ŋ/

ing÷ênh÷anh÷iêng

ung÷ông÷ong÷uông

ưng÷ơng÷ang÷ương;
ơng÷âng÷ang÷ăng;

7

/p/

ip÷êp÷ep÷iêp

up÷ôp÷op÷uôp

ưp÷ơp÷ap÷ươp;
ơp÷âp÷ap÷ăp;

8

/t/

it÷êt÷et÷iêt

ut÷ôt÷ot÷uôt

ưt÷ ơt÷at÷ươt;
ơt÷ât÷at÷ăt;

9

/k/

ich÷êch÷ach÷iêc

uc÷ôc÷oc÷uôc

ưc÷âc÷ac÷ươc
ơc÷âc÷ac÷ăc;


        3.3.3. Vần thông 3

        Vần thông 3 giống như vần thông 2, hoặc gọi là vần thông 2 mở rộng, nghĩa là vẫn căn cứ sự giống nhau của âm cuối, nhưng sự khác nhau của âm chính chỉ được áp dụng cho các âm chính tương ứng cụ thể là /ɨ÷u/, /ə÷o/, /a÷ɔ/, /ɨə÷uo/ thuộc 2 nhóm NA2 và NA3. Ví dụ: các vần cái [uông÷ương], có cùng 1 âm cuối là PAC [ng], thì âm chính tương ứng [uô] thuộc nhóm NA2 và [ươ] thuộc nhóm NA3 được chấp nhận..
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả vần thông 3: (các ô bỏ trống là không có sự hiện hữu của vần cái nào).

Âm chính

Âm cuối

Số mã

Liệt kê

/-/

/j/

/m, p/

/n, t/

/ŋ, k/

 

 

1

2

4÷7

5÷8

6÷9

5÷9

/ɨ÷u/

ư÷u

ưi÷ui

 

ưn÷un
ưt÷ut
ng÷ung
ưc÷uc

6÷10

/ə÷o/

ơ÷ô

ơi÷ôi

ơm÷ôm; ơp÷ôp

ơn÷ôn
ơt÷ôt

 

7÷12

/a÷ɔ/

 

ai÷oi

 

 

 

8÷14

/ɨə÷uo/

ưa÷ua

ươi÷uôi

ươm÷uôm
ươp÷uôp
ươn÷uôn
ưt÷ut
ương÷uông
ươc÷uôc

        Phần nhận xét trên chúng tôi đã sưu tầm trong Truyện Kiều và ghi nhận được phần căn bản như trên.    
        Trên thực tế, các điều kiện phải thỏa cho sự khác nhau của âm chính tương ứng rất phức tạp mà quan niệm xưa lưu truyền bằng phương pháp nhận xét cảm tính (nghe âm phát gần giống nhau) mà không có cơ sở ngữ âm vững chắc nào nên người làm thơ cần cẩn thận khi phán đoán.        

3.4. Ứng dụng của bảng vần cái

        3.4.1. Xác định tính vần điệu

        Dựa vào vị trí trên Bảng vần cái, ta có thể xác định nhanh các hình thức gieo vần theo các tiêu chí sau:
            - Vần chính là những vần có các vần cái nằm chung trên một ô (cell);
            - Vần thông 1 là những vần có các vần cái nằm chung trên một hàng (row), giới hạn trong pham vi từ cột 4 đến cột 9, ví dụ im/inh, ươm/ươn …
            - Vần thông 2 là những vần có các vần cái nằm chung trên một cột (column) và được giới hạn trong cùng 1 nhóm NA, ví dụ inh÷iêng (cùng nhóm NA1), ang÷ương (cùng nhóm NA2), om÷ôm (cùng nhóm NA3), …;
            - Vần thông 3 là các vần cái nằm chung trên một cột và giới hạn ở nhóm NA2 và NA3;
            - Vần lạc là khi các vần cái không được xếp vào các tiêu chí kể trên.

        3.4.2. Xác định các thành tố âm tiết

            a) Các từ (vần) có chữ viết [-em, -en, -anh] => /-εm, -εn, -εŋ/ về mặt chữ viết thì thấy có 2 NA [e, a] khi kết hợp với nhóm PAC [m, n, nh], nhưng về mặt ký âm IPA thì có cùng 1 NA /ε/ kết hợp với nhóm PAC /m, n, ŋ/;
            b) Các từ có chữ viết [-ang, -anh] => /-aŋ, -εŋ/ về mặt chữ viết thì giống nhau ở NA [a] và khác nhau ở PAC [ng-nh] nhưng về mặt ký âm IPA thì ngược lại là có 2 NA /a/, /ε/; và cùng 1 PAC /ŋ/;
            c) Các từ có chữ viết [-ơi, -ây] => /-əj, -ə̆j/: chính là 2 thể dài-ngắn của 1 NA /ə/ kết hợp với 1 BAC là /j/;

        Còn rất nhiều ứng dụng khác về ngữ âm ẩn chứa trong Bảng vận căn