28 tháng 3 2019

CỬA …

<C.023><Điển tích văn học> 
Đề tài: CỬA … 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


        CỬA từ Hán Việt là MÔN 門, Môn là một trong 214 bộ của " Chữ Nho Dễ Học ", là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư


        Ta thấy Giáp Cốt Văn là hình tượng của hai cánh cửa mở ra hai bên, đến Đại Triện thì hai cánh cửa được viết cho gọn lại, Tiểu Triện thì kéo thẳng các nét ra cho thành chữ viết và kịp đến Lệ Thư thì đã hoàn chỉnh như chữ viết hiện tại : 門 Môn là Cửa.

        Cửa được sơn son màu đỏ gọi là CỬA SON, từ Hán Việt là CHU MÔN 朱門. Cửa Son thường dùng để chỉ nhà giào có, như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương :
    CỬA SON đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

        Ngoài sơn son ra , cửa còn được thếp vàng, gọi là KIM MÔN 金門, là cửa của nhà quyền qúy, của giai cấp qúy tộc, như Thúy Kiều đã đánh giá Kim Trọng trong buổi đầu gặp gỡ :
    Nàng rằng trộm liếc dung quang,
    Chẳng sân ngọc bội cũng phường KIM MÔN.

        Còn nhà nghèo bình dân thì cửa chỉ bằng cây bằng gỗ, gọi là CỬA SÀI, từ Hán Việt là SÀI MÔN 柴門, như căn nhà ngang mặt Vương Viên Ngoại mà Kim Trọng đã mướn trọ học và tìm cơ hội để gặp gỡ Thuý Kiều :
    CỬA SÀI vừa ngỏ then hoa,
    Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang.

        
        Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện tả nhà của Dương Tướng Công với hai câu :
    Dò la Dương tướng dinh đâu,
    Tụ hiền phương ấy CỬA HẦU thâm nghiêm.

        CỬA HẦU là từ Nôm của từ Hầu Môn 侯門, dùng để chỉ cửa nhà của những người quyền quý, của những bậc vương hầu; theo như tích sau đây :
        * Theo sách Tình Sử : Vợ Tiêu Lang là Lục Châu, bị bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi; Từ đấy Tiêu Lang thấy vợ đành dửng dưng như khách qua đường không dám nhìn.
        * Theo Toàn Đường Thi Thoại : Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây :

    公子王孫逐後塵, Công tử vương tôn trục hậu trần,
    綠珠垂淚濕羅巾。 Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
    侯門一入深如海, Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
    從此蕭郎是路人。 Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân.
        Có nghĩa :
    Vương tôn công tử theo sau,
    Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
    CỬA HẦU sâu tợ biển xa,
    Chàng Tiêu từ đó như là người dưng.

        Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để ... yêu nhau ! Tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.

        Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã hạ câu :
Có còn chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường dễ hững hờ Chàng Tiêu.

        Trái với CỬA HẦU quyền qúy, ta còn có CỬA KHÔNG, là cửa không có gì hết, là cửa của nhà Phật, theo thuyết của nhà Phật là : "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc". Nên CỬA KHÔNG là KHÔNG MÔN, là Cửa Chùa, như sau khi xem tờ thân cung của Thúy Kiều, Hoạn Thư đã giải quyết sự việc một cách rất khôn ngoan :
    Tiểu thơ rằng ý trong tờ,
    Rắp đem mệnh bạc nương nhờ CỬA KHÔNG.
    Thôi thì thôi cũng chiều lòng ,
    Để cho khỏi lụy trong vòng bước ra !

        Cho mi đi tu để mi khỏi lấy chồng bà cho biết tay !

        
        Cửa Không còn được gọi là CỬA PHẬT, như khi sư Giác Duyên nói với Thúy Kiều :
Rỉ tai nàng mới giãi lòng
Ở đây CỬA PHẬT là không hẹp gì.

        Không gọi bằng CỬA PHẬT thì gọi bằng CỬA NHƯ LAI như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đoạn tả về vua Lý Công Uẩn :
Bởi vì sinh CỬA NHƯ LAI,
Tiêu sơn từ thuở anh hài mới ra.

        Còn nếu thêm dấu hỏi vào chữ KHÔNG, ta sẽ có chữ KHỔNG là CỬA KHỔNG, là KHỔNG MÔN, là cửa của Ngài Chí thánh tiên sư Đức Khổng Phu Tử. Cửa của ngài Khổng là cửa trường học để học theo Đạo Nho của Ngài đề xướng, như trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :
    Ải Tần non Thục đường nghèo hiễm,
    CỬA KHỔNG làng nhân đạo khó khăn.

        Ta có thành ngữ Cửa Khổng Sân Trình để chỉ trường học học về đạo Nho thời xưa ( xem bài NHÀ ). 
Thơ của cụ Trạng Trình còn đề cập đến một cái cửa đặc biệt nữa là :
    CỬA MẬN người yêu nhiều khách trọng,
    Am hoa ai ở đến ông nhàn.

        CỬA MẬN là LÝ MÔN 李門, xuất phát từ thành ngữ 桃李門牆 Đào Lý Môn Tường. Đào Lý là chỉ Học trò giỏi; Môn Tường chỉ Trường học. Cho nên Lý Môn hay Cửa Mận là chỉ nơi đào tạo ra học sinh giỏi, nơi đào tạo nhân tài. Đào Lý Môn Tường còn được nói Nôm na là CỬA MẬN TƯỜNG ĐÀO như trong thơ của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi như sau :
Trúc mai bạn cũ họp nhau quen,
CỬA MẬN TƯỜNG ĐÀO chân ngại chen.


        Ngoài ra Đào Lý 桃李 còn được xem là những người ưu tú, có tài giỏi, có thể ra làm quan được, là người hữu dụng như cây đào cây lý : Mùa xuân ra hoa đẹp, mùa hạ kết trái và mùa thu cho trái chín ngọt. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du ví cô Kiều tài hoa như là Đào Lý khi bị Hoạn Bà vùi dập :
    Tiếc thay ĐÀO LÝ một cành,
    Một phen mưa gió tan tành một phen !

    
    Theo sách Thông Giám : Ông Địch Nhân Kiệt, tể tướng đời Đường, tiến cử cho vua Đường một lúc mấy chục người tài giỏi. Người đương thời khen ông rằng :" Thiên hạ ĐÀO LÝ tận tại công môn 天下桃李盡在公門 ". Có nghĩa: "Cây đào cây mận (ý chỉ nhân tài) trong thiên hạ đều ở cửa của ông mà ra cả!". Trong Lâm Tuyền Kỳ ngộ có câu:
    Cửa chen ĐÀO LÝ người sum họp,
    Nhà chật trân châu của đãi đằng.

        Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu :
    Sân ĐÀO LÝ mây lồng man mác,
    Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.

        Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều báo ân báo oán trong quân dinh của Từ Hải, nàng đã thị uy :
    Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi,
    Điểm danh trước dẫn chực ngoài CỬA VIÊN.

        CỬA VIÊN là VIÊN MÔN 轅門, không phải là cửa của vườn hoa, mà là cửa của trại lính đóng quân. VIÊN 轅 có bộ XA 車 là Xe ở bên trái, nên VIÊN là cái Càng xe. Ngày xưa, vua hoặc đại tướng đóng quân thường quây xe chung quanh làm hàng rào bảo vệ và dựng càng xe lên làm cửa ra vào, nên mới gọi là Viên Môn hay Cửa Viên. Sau nầy, tuy lều trại đã được xây dựng kiên cố khang trang, nhưng cửa ra vào vẫn gọi là CỬA VIÊN.


 
       Nói đến CỬA VIÊN là VIÊN MÔN, lại làm ta nhớ đến thành ngữ VIÊN MÔN XẠ KÍCH 轅門射戟 là bắn trúng mũi kích dựng ở trước cửa trại binh. Theo tích sau đây :
        Năm Công Nguyên 196 ( Năm đầu tiên của Kiến An ). Viên Thuật phái đại tướng Kỷ Linh dẫn 3 vạn binh đi đánh Lưu Bị. Lưu Bị cầu cứu Lữ Bố. Bố lo ngại nếu Lưu Bị bị tiêu diệt thì mình cũng bị Viên Thuật bao vây, nên đem binh đến Tiểu Phối cứu ứng. Khi đã đóng binh hạ trại, Lữ Bố bèn thiết tiệc mời Kỷ Linh cùng các tướng đến dự. Khi rượu đã ngà ngà, Bố bèn cầm ly đứng dậy nói rằng : " Lưu Huyền Đức là hiền đệ của ta, nay bị các vị vây đánh. Ta không thể làm ngơ, nhưng gây hấn với các vị thì lòng ta cũng không muốn. Nay ta có cách nầy để cho trời quyết định. Ta sẽ cho dựng một cây kích trước VIÊN MÔN, nếu ta bắn trúng mũi kích, thì các vị hãy lui binh, bằng như ta bắn không trúng, thì ta sẽ để mặc cho các vị vây đánh Lưu Bị mà không cứu ứng gì cả !" Nói đoạn, ông bèn giương cung lắp tên răng rắc bắn một phát trúng ngay đầu mũi kích dựng trước của dinh đánh " choang " một tiếng, làm mọi người đều kinh hãi vổ tay tán thưởng và đều sợ cho cái thần uy thần tiễn của Lữ Bố mà đều rút quân về.

        Thành ngữ " Viên Môn Xạ Kích 轅門射戟 " dùng để chỉ làm một hành đông mạo hiểm nhưng tích cực để giải hòa cho sự tranh chấp hoặc chiến tranh giữa đôi bên.

        Khi đã báo ân và khi Hoạn Thư kể lể : " Nghĩ cho khi gác viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo " thì Kiều đã " Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay " và khi Hoạn Thư : 
Tạ lòng lạy trước sân mây, thì thấy... 
CỬA VIÊN lại dắt một dây dẫn vào.

        Cánh cửa cuối cùng mà trong văn chương văn học thường nhắc đến là CỬA VŨ. Cửa Vũ là VŨ MÔN 禹門 hay còn gọi là LONG MÔN 龍門, nằm ở thượng lưu sông Hoàng Hà, giữa huyện Hà Tân tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây Trung Hoa. Ở đây có mỏm đá như hình cái cửa.


        Theo truyền thuyết, thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ khi trị thủy đã đục phá mỏm đá nầy cho rộng thêm ra để nước dễ chảy xuống hạ lưu, nên mới gọi là VŨ MÔN ( Cửa của vua Vũ tạo nên ).

        Theo sách Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú, thì Vũ Môn thường có sóng dữ, hằng năm vào tiết tháng ba, cá chép tập trung ở nơi đây để thi vượt qua Vũ Môn. Con nào vượt qua được thì sẽ hóa rồng, nên còn gọi là LONG MÔN. Do đó, CỬA VŨ còn được dùng để chỉ chốn trường thi. Ai thi đỗ thì gọi là đã Vượt Qua Được Cửa Vũ !

        Nhưng, theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ở nước ta cũng có Vũ Môn ở dãy núi Khai Trưởng ( tục gọi là núi Giăng Màn ) thuộc huyện Hương Khê tỉnh Hà Tỉnh. Đây là một dòng suối có 3 bậc. Truyền thuyết kể rằng, hàng năm đến tháng tư có mưa to, nước nguồn tràn ngập thì có cá chép ngược dòng nhảy qua Vũ Môn để hóa rồng, như trong thơ của cụ Đào Duy Từ :
    Kim ngư đeo ấn ở mình,
    Cá trông CỬA VŨ, rồng giành hột châu.

        CỬA VŨ còn được nói thành CỬA VÕ như trong Truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu :
Công danh ai chẳng ước mơ,
Ba tầng CỬA VÕ một giờ nhảy qua !

        Cũng như NHÀ, CỬA là từ rất thông dụng trong văn chương văn học, kể cả văn nói xưa và mãi cho đến hiện nay, CỬA vẫn còn rất đắc dụng, như ta thường nghe nói hàng ngày : Cửa quan, Cửa quyền, Cửa công, Cửa danh, Cửa lợi ... Nếu trong cuộc sống mà ta không tìm ra được " Cửa Sanh " nào cả, thì ta đã vào đến " Cửa Tử " rồi đó !

Đỗ Chiêu Đức

25 tháng 3 2019

X88. Xướng Họa Vần “EN”

<D.481~Xã Hội>



★ Bài 1

XƯỚNG HOẠ TÌM VUI
nđt

Tịnh dưỡng tinh thần chẳng lấn chen
Vài câu xướng hoạ để trui rèn
Âm vần mãi kiếm thiên mù mịt
Hỏi ngã luôn tìm vạn rối ren
Dụng ngữ đồng căn cần tỏ mắt
Chèn thanh ngũ độ gắng soi đèn
Cầu vui chớ tạo vòng tâm quẫn
Ngạo nghễ chi mà phải cuốn len

Mai Thắng – 190324

@ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

VUI THÌ XƯỚNG HỌA
nđt

Vui thì xướng họa chẳng giành chen
Chủ định là tâm trí dưỡng rèn
Trước dở gồng hơi thằng chẫu chuộc
Sau thuần ỉm tiếng lão tèn hen
Sai vần trật nghĩa hờn nghiên bút
Điệp ngữ trùng âm hổ sách đèn
Những buổi rơ đầu không dụng óc
Nghe người dã dượi chút buồn len !

Thuận. 22/03/2019.

@ Bài hoạ của Nguyễn Thị Trọng

VUI HỌA

Mưa xuống cây mừng nên lấn chen.
Còn ta thủng thỉnh họa trui rèn.
Vận thơ lắt léo chưa làm mệt.
Thi tứ lạ thường mới kéo hen.
Cắt gọn vừa câu lo tối nghĩa.
Hiểu sai lệch ý sợ lu đèn.
Mỗi người tâm sự riêng u uất.
Tránh để giận buồn có dịp len!

Nguyễn Thị Trọng. 22/03/2019.

------------------------------------------------------------
★ Bài 2



MONG CÙNG HOẠ TIẾP
nđt

Còn mê mãi vận nối thêm ... "bèn"
Phải lẽ bao người đứng chật ken
Tiếng lạc ve sầu luôn vẳng trỗi
Trời thanh dế lửa sẽ chung chèn
Tìm vui vẫy gọi chia đồng hướng
Giận lẫy e đành bỏ mất phen
Cám cảnh buồn suôn gầy tạo chữ
Bền tâm giải thoát luyện trui rèn.

Mai Thắng – 190324

@ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

MONG MÌNH NỔI TIẾNG
nđt

Nhận ít lời thơm chẳng bõ bèn
Thi tài ngoại đẳng xếp dày ken
Vườn ve sớm hạ om sòm trỗi
Ổ nấm đầu mưa mạnh mẽ chèn
Ảo não ôm đầu luôn mấy lượt
Ê chề ngậm bút cũng nhiều phen
Mong mình nổi tiếng nào đâu dễ
Mệt rũ buồn ôi lắm khổ rèn !

Thuận. 23/03/2019.

@ Bài hoạ của Nguyễn Thị Trọng

KHÔNG CẦN NỔI TIẾNG

Thấy thơ đầy mạng bỗng... tui bèn...
thử sức ghép vần kiếm chỗ ken.
Sương phủ đường thi tìm cách hoạ.
Ve kêu lục bát nối câu chèn.
Hước hài, lãng mạn, xen nhiều kiểu.
Lố bịch, bão hoà,nản lắm phen!
Đồng cảm hồn quê nghèo đậm chất.
Cần chi nổi tiếng, giải ưu,rèn!

Nguyễn Thị Trọng. 23/03/2019.

------------------------------------------------------------
★ Bài 3



TÌNH THƠ HỮU HẢO
nđt

Chân tình trước cả tập làm quen
Chẳng nghĩ rằng sang gá phận hèn
Gốc thợ thuyền vui hoà mỗi buổi
Tâm hồn bản thiện ngán mùa hen
Cầu thanh thản ngắm đời hưng thịnh
Nguyện sẵn sàng yêu cảnh sướng quèn
Hữu hảo cùng chơi dành khấn niệm
Duyên phần biểu lộ há toàn đen.

Mai Thắng – 190325

@ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

ĐÔI LỜI HIẾU NGHỊ
nđt

Thế lộ* sao mình mãi rủi đen
Tuồng như định số sẳn thân quèn
Phong trần ả tiện thường ve vãn
Mạt kiếp con bần vẫn rủ ren
Thích bạn an nhàn trông uyển nhã*
Cười ta lẽo lự đến ươn hèn
Đôi lời hiếu nghị bày trân gửi
Trọn khối chân tình hữu hảo quen !

Thuận. 24/03/2019.
-Thế lộ : đường đời
-Uyển nhã : đẹp, phong nhã.


@ Bài hoạ của Nguyễn Thị Trọng

BẠN THƠ

Ai rồi vận cũng có hồi đen.
May mắn vượt qua cám cảnh quèn.
Lỡ độ xuân ngời ve với vãn.
Tiếc màu thu úa rủ cùng ren.
Vần êm mến gửi tình cao nhã.
Mỹ ý cho quên chuyện thấp hèn.
Xướng hoạ tìm vui mài trí não.
Đoán mò khinh rẻ tội người quen!

Nguyễn Thị Trọng. 25/03/2019

Mưa đêm

<D.480><Thời Tiết-Khí Hậu>



MƯA ĐÊM

Tàn canh khẽ phát điệu mưa sầu
Lặng lẽ đêm nằm trải thức thâu
Nhỏ nhẹ như dòng thơ giẫm dấu
Rền êm tựa khúc phổ ngâm đầu
Phơ màu bạc thếch soi vần thảo
Dã mắt thâm quầng đuổi mộng sâu
Cứ dịp xuân về thêm tuổi lão
Và nghe giục giã tiếng con tầu.

Mai Thắng - 190316

★ Bài xướng của Minh Thuý

MƯA ĐÊM

Mưa đà nặng hạt suốt đêm thâu
Để thấm hồn ai những giọt sầu
Hỡi giấc mơ xưa chìm sóng biển
Ơi cơn mộng cũ lặn ga tầu
Chân trời kỷ niệm mờ sương khói
Góc bể yêu thương bạc mái đầu
Gió bão ngoài kia thêm buốt lạnh
Nghe lòng thổn thức nỗi niềm sâu

Minh Thúy
02:00 - 08/03/2019

Về bên gác trọ

<D.479><Cảm Xúc>



VỀ BÊN GÁC TRỌ

Bên thềm đỗ lại nhắc ngày qua
Lẳng lặng tìm phai nỗi nhớ nhà
Gác nhỏ bầy ve hoà nhạc bỡn
Hiên dài lũ kiến chuyển mồi tha
Chìm trong khúc phổ thời hoa mộng
Lẫn khuất mùa xuân tuổi ngọc ngà
Trải suốt canh trường đêm mãi vọng
Thương màu lá cỗi tủi đời ta.

Mai Thắng – 190323

★ Bài xướng của Trịnh Cơ (Paris)

TRỞ VỀ ….

Lạc lối phong trần mấy tháng qua
Hôm nay quay gót trở về nhà
Sân sau vườn trước còn yên ấm
Gác vắng thềm hoang vẫn thiết tha
Lối cũ đường xưa lời ước hẹn
Sông dài gió nhẹ bóng trăng ngà
Sầu lên mái lá niềm hiu quạnh
Mặc khách cô phòng ta với ta !

Paris, 03/03/2019
TRỊNH CƠ

@ Bài hoạ trên Mộc Gia trang của Dung Nguyên

KHÚC ĐOẢN CA

Khắc khoải bao chiều chuyện ngỡ qua
Hằng đêm lặng lẽ ghé thăm nhà
Phòng loan chén rượu men ngào ngạt
Gác điệp cung đàn nhịp thiết tha
Khẽ nảy gam trầm ai oán điệu
Vừa lay đoạn bổng xót xa ngà
Người ơi dẫu đó là miên ảo
Lạnh gió đông làm thổn thức ta

DUNG NGUYÊN
15:25 - 23/03/2019

Những ngày nắng hạn

<D.478><Thời Tiết-Khí Hậu>



NHỮNG NGÀY NẮNG HẠN

Đang vào tiết hạ buổi về trưa
Nắng hạn bàng quan quẳng đỗ bừa
Quãng vợi tầng không nhìn thẳm suốt
Mây vờn áo lụa tản mành thưa
Đành hanh chẳng đoái dìm sương dịu
Vội vã chừng quên bảo gió lùa
Những trận mưa mùa lay ý tưởng
Bao ngày sẵn đợi đất cày tưa.

Mai Thắng – 190323

★ Bài xướng của Phương Hà (Sông Thu)

NẮNG HẠN

Mới sáng mà như đã giữa trưa
Mặt trời nung cháy khoảng sân thưa
Tầng xanh cao thẳm không mây gợn
Vườn úa buồn thiu chẳng gió lùa
Sông cạn đôi dòng, bờ xám nẻ
Rẫy cằn bao mảnh, lá vàng tưa
Nhà nông sốt ruột ra vào đợi
Mạ đã khô cong, ruộng chửa bừa

Phương Hà

Đêm ngắm trời sao

<D.477~Cảnh Trăng Sao>



ĐÊM NGẮM TRỜI SAO

Về khuya cảnh đã vắng thưa dần
Lạnh lẽo con đường giảm bước chân
Nhạc tấu côn trùng men huyễn ảo
Đèn giăng mảng sáng ngưỡng vô thần
Im lìm tiếng vọng từ muôn thuở
Quạnh quẽ đêm chìm phủ góc sân
Ngắm vợi trời sao màn vĩnh cửu
Nào đâu dễ thấy vệt trong ngần

Mai Thắng – 190319

★ Bài xướng của Bichyen Nguyen

ĐÊM VẮNG VẺ

Ngó cảnh trời khuya đã lịm dần
Hiên ngoài lặng lẽ tiếng rời chân
Nhìn ra cạnh ngõ giàn thiên lý
Ngoảnh lại triền non những vết lằn
Rực rỡ trăng vàng loang cả núi
Ngơ ngàng phượng đỏ rớt đầy sân
Dòm qua kẽ vách sao mà lạ
Có phải người xưa vẫn ngại ngần

18.03.2019
Thơ: Giang Hoa (Bích Yến)

X87. Cơn mưa bất chợt

<D.476~Thiên Nhiên Khí Tiết>

Chiều qua (18:00 17/03/2019) tại Cao Lãnh bất chợt có một cơn mưa kha khá lớn. Rất nhiều cảm xúc, tạm gọi là “Cơn mưa bất chợt” và trình làng bài thơ này.




CƠN MƯA BẤT CHỢT

Bỗng chợt om sòm trút đổ mưa
Tầng mây xám xịt xả tuôn bừa
Như chùm hận tủi chờ buông oán
Ngỡ vạn căm hờn xối hả bưa*
Giữa buổi trời trong mà lại bức
Dường khi tiết đẹp vẫn quen lừa
Soi nguồn biểu kiến cùng suy nghiệm
Lão Tạo muôn đời khéo đẩy đưa.

Mai Thắng – 190318

* Bưa = chán, ngán

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Ngô Văn Bé

CẨN TRỌNG

Có lẽ ông Trời đã chẳng ưa?
Đem mây tụ nước xối cho vừa.
Đằng vân giá vũ Thiên lôi đến,
Hỏi tội ai người tới số chưa?
Bạn hữu trông chừng khi sấm sét,
Bà con để ý tạm ngăn ngừa.
Xui chi độc búa từ cao rớt?
Trúng số đi đời chắc phải thua.

18.3.19
Văn Bé Ngô

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Ngân Hà

ĐỢI MƯA

Bên ấy vui cùng với đợt mưa
Còn đây đất nẻ giống như bừa
Hàng me trụi lá nhìn không thích
Đám phượng trơ chìa ngó chẳng ưa
Chỉ có bầy ve gào tựa dối
Và kia tụi ếch hét như lừa
Người dân đợi nước là gieo mạ
Để trút ưu phiền cứ đẩy đưa

Bà hai lúa (Ngân Hà)

---------------------------------------
★ Bài hoạ của ĐSH Văn Thanh

TÌNH DƯỚI MƯA
-/-
Dung dăng dung dẻ dưới trời mưa
Chẳng nón, chẳng tơi, cứ lội bừa
Sát cánh, kề vai, đâu có chán
Thề non hẹn biển, chẳng nào bưa
Đất trời âm ỉ, coi chưa thấm
Đôi trẻ nhỡn nhơ, ngắm tựa lừa
Vụng dại một thời bao luyến ái
Tình si dồi dạt, cụm mây đưa

Thanh Trương

---------------------------------------
★ Bài hoạ của huynh Trịnh Cơ

HƯỞNG MÁT CƠN MƯA

Trời hanh nắng tốt bỗng rơi mưa
Nghĩ sướng cho dân mãi kéo bừa
Đang nóng tự nhiên người thấy đã
Nực nồng chợt tới ý chưa bưa
Không thèm làm lụng mà ươm mát
Bỏ cả lao công tự phỉnh lừa
Xám xịt ngàn mây nguồn nước đổ
Giỏi cho con Tạo khoái đong đưa.

Paris, 18/03/2019
TRỊNH CƠ

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Trần Như Tùng

GẶP MƯA TRÊN LỘ

Phận hẩm bất ngờ bị trận mưa
Ghét chi lớn nhỏ hạt quăng bừa.
Ô dù nhờ sắn tay giương níu
Quần áo đành thôi nước chẳng chừa.
Cây cối bên đường cành lả lướt
Hoa màu dưới ruộng ngon đu đưa.
Tắc xi vừa nãy chưa buồn tấy
Thật vai ưa nặng kiếp con lừa .

Trần Như Tùng

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Sông Thu

TẠO HÓA...ĐÙA !

Vần vũ bầu trời báo sắp mưa
Dòng xe táo tác chạy xô bừa
Ngả nghiêng cây cối như gần đổ
Mháo nhác quán hàng tựa sắp bưa
Giật thót tim gan nghe sấm dội
Sợ kinh hồn vía thấy giông đưa
Thế rồi ...tĩnh lặng, trời im ắng
Tạo hóa ô hay, cũng biết ...lừa !

Sông Thu

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Như Thu

MƯA QUÊ MÌNH

Cau mày tự ngẫm chắc còn mưa!
Xơ xác rừng cây bởi đốn bừa!
Trăn trở nhiều đêm cành mãi buốt
Ưu phiền lắm nỗi dạ hoài bưa
Nhìn con nước đọng thầm lo nghĩ
Nhớ mái tường xiêu khó lọc lừa
Cám cảnh quê mình thương quá đỗi!
Trong lòng trĩu nặng bấy niềm đưa!!!

Như Thu

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Thanh Hoà

MƯA HÈ

Ào ào xối xả những cơn mưa
Xe đạp trên đê cứ phóng bừa
Cái nắng như thiêu đang đợi mát
Cơn rào tựa suối vẫn chưa bưa
Ông trời trở mặt khôn cho biết
Tạo hoá xoay chiều dễ bị lừa
Bởi vậy ra ngoài nên cẩn thận
Dù che,nón đội áo tơi đưa

Thanh Hoà

---------------------------------------
★ Bài hoạ của chị Suối Kiết

MƯA RÀO

Bầu trời nắng cháy bỗng rơi mưa
Nước trút ào tuôn xuống chảy bừa
Vội vã làn xe đành chậm lại
Xạc xào tiếng gió vẫn chưa bưa
Mây gom cuộn kín không nguôi giận
Người cố đi nhanh chẳng bị lừa
Thời tiết bất thường nào biết được
Quên dù thiếu nón hỏi ai đưa?

THIÊN HẬU

21 tháng 3 2019

Tìm Người Gánh Vác

<D.475~Thơ Vui>



TÌM NGƯỜI GÁNH VÁC

* Đọc thuận

Tung cầu dọ chút có ngờ không
Lắt léo ai thương cảnh vắng chồng
Lung cạn lộ bày khô kiệt nước
Rạch sâu khai gọi dễ xao lòng
Cùng qua ước hẹn lần bơm tiếp
Ví bậu mơ chiều buổi vợi trông
Mùng mấy dẫu vui ngày nén đợi
Chung hoà sẽ đến việc hằng mong.

* Đọc nghịch

Mong hằng việc đến sẽ hoà chung
Đợi nén ngày vui dẫu mấy mùng
Trông vợi buổi chiều mơ bậu ví
Tiếp khơi lần hẹn ước qua cùng
Lòng xao dễ gọi khai sâu rạch
Nước kiệt khô bày lộ cạn lung
Chồng vắng cảnh thương ai léo lắt
Không ngờ có chút dọ cầu tung.

Mai Thắng – 190318



★ Bài xướng của Thy Lệ Trang

Thể thuận-nghịch đọc theo vần:
Không chồng lòng trông mong
Chung mùng cùng lung tung


TÌM CHỒNG

* Đọc thuận

Tung cánh chim tìm ai biết không?
Chán chê- chê chán cảnh xa chồng
Lung lơ vẫn ngỡ thêm an trí
Cố nhớ càng hay mãi rối lòng
Cùng mộng bóng mây về bến hẹn
Để mơ nàng nguyệt đến bờ trông
Mùng đôi lại ấm đời hương lửa
Chung tách, chung trà đẹp ý mong!

* Đọc nghịch

Mong ý đẹp trà chung, tách chung
Lửa hương đời ấm lại đôi mùng
Trông bờ đến nguyệt nàng mơ để
Hẹn bến về mây bóng mộng cùng
Lòng rối mãi hay càng nhớ cố
Trí an thêm ngỡ vẫn lơ lung
Chồng xa, cảnh chán chê- chê chán
Không biết ai tìm chim cánh tung?

Thy Lệ Trang 

Mưa nhớ

<D.474><Tiết Khí>



MƯA NHỚ

Trông về phố nhỏ gợi niềm tây
Bởi chạnh hồn thương vóc liễu gầy
Lá rũ lên thềm chao đảo rụng
Mưa hoài rải lối chập chờn bay
Cầu sương sớm nhạt nhoà hư ảnh
Để nắng hồng loang loãng dịu ngày
Gió chuyển tâm tình khơi chuỗi mộng
Như lời nhạc vẳng tiếng lòng ai.

Mai Thắng - 190317

★ Bài xướng của Thanh Hoà

MƯA NHỚ

Tí tách giọt buồn quạnh mái tây
Thấm thêm, ướt át cội mai gầy
Hoài thương tan tác hoa xuân rụng
Mãi tiếc tơi bời xác pháo bay
Gió tạt cho lòng tê thổn thức
Mây chùng để dạ thắt bi ai
Áo vàng quấn quýt chiều hôm đó
Tha thướt chiêm bao,vẫn nhớ ngày...

Thanh Hoà

Chiều phai nắng

<D.473><Tiết Khí>



CHIỀU PHAI NẮNG

Chân trời sợi nắng đã dần phai
Nhạt nhẽo đời ta một vóc hài
Gió chuyển lùa êm làn gợn láy
Mây đùa thản nhẹ áng vờn bay
Nhìn binh lửa tắt thêm ngần ngại
Cám cảnh chiều trôi tiếp thở dài
Mắt mở tròn căng đường áy náy
Đêm về rỗng lịm trắng bàn tay.

Mai Thắng – 190315

★ Bài xướng của Ngô Văn Bé

PHAI NẮNG

-btnt, bvđâ-

Tôi nghĩ có ngày kia nắng phai !
Tình yêu tan tác một hình hài.
Thân thương luyến ái tìm đâu thấy?
Tim vỡ bên trời thoảng gió bay.
Thử hỏi khi nào ta gặp lại?
Tuổi đời lá úa bóng chiều mây.
Tiếng xưa ánh mắt nhìn nhau ấy,
Tiếc nuối se lòng chẳng nắm tay!

14.03.19
Ngô Văn Bé

NHÀ

<C.022><Điển tích văn học> 
Đề tài: NHÀ … 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


        NHÀ nói theo Chữ Nho ... Dễ Học là GIA 家. Gia là chữ Hôi Ý theo diễn tiến của chữ viết như sau :

Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư

        Ta thấy Giáp Cốt Văn là hình tượng của cái Mái Nhà, bên dưới có một con heo đứng ngóc mỏ lên trên, có chân và đuôi bên dưới, đến Đại Triện thì các nét được đơn giản hóa hơn và đến Tiểu Triện thì các nét lại được kéo thẳng ra cho thành chữ viết. Cuối cùng là chữ Lệ đã có hình dáng như chữ Khải mà hiện nay đang sử dụng GIA 家 : Phía trên là bộ Miên 宀 là hình tượng của cái Mái Nhà; bên dưới là bộ Thỉ 豕 là con Heo, với Hội Ý là : Ở dưới một cái mái che mà có nuôi được một con heo trong cái xã hội du mục thì đây đã là một cái NHÀ, một mái ấm Gia Đình rồi đó.

        Nên GIA 家 là Nhà, mà nhà thì có Sân, sân trong nhà gọi là Đình; nên ta có từ GIA ĐÌNH 家庭. Nhà cũng có Phòng, phòng trong nhà gọi là Thất; nên ta lại có từ GIA THẤT 家室. Cái Phòng lớn nhất để thờ ông bà, để cha mẹ ngồi cho con cái vấn an, để họp gia đình và tiếp khách, thì gọi là Đường; nên ta lại có từ GIA ĐƯỜNG 家堂. Và nhà nào cũng có cửa ra vào, nên ta còn có từ kép là Nhà Cửa, chữ Nho là GIA MÔN 家門. Tất cả những từ và ngữ trên đây đều có thể dùng để chỉ hoặc thay thế cho cái nhà. Ví dụ như câu đối Tết truyền thống của dân Nam Bộ là :
一室太和真富貴, Nhất THẤT thái hòa chơn phú qúy,
滿門春色是榮華。 Mãn MÔN xuân sắc thị vinh hoa.
        Có nghĩa :
Một NHÀ hòa thuận mới là phú qúy thật sự,
Đầy CỬA (đầy nhà) một màu xuân mới thật là Vinh hoa.

        Chữ THẤT 室 là Phòng, chữ MÔN 門 là Cửa trên đây,đều được dùng để chỉ Cái Nhà, chỉ cả Gia Đình.
        GIA 家 là Nhà, nhưng trong văn chương ta thấy có rất nhiều chữ NHÀ không dùng để chỉ Cái Nhà, mà dùng để chỉ : Một Người nào đó; Một Nơi nào đó hay một Nghề Nghiệp nào đó ... Như trong Truyện Kiều, lúc Thúc Sinh muốn chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh để cưới về làm vợ, thì Thúy Kiều đã lo ngại rằng :
    Ở trên con có NHÀ THÔNG.
    Lượng trên trông xuống biết lòng có thương !?

        NHÀ THÔNG là từ Nôm của từ THUNG ĐƯỜNG 椿堂 ( Còn được đọc là XUÂN ĐƯỜNG ) dùng để chỉ ngưới cha trong gia đình. XUÂN 椿 : Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...
    Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
    Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.

Cây Xuân

        Khi nằm mơ thấy Đạm Tiên báo mộng cho biết về kiếp số đoạn trường của mình, thì cô Kiều đã buồn bã than thở đến đổi :
Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
NHÀ HUYÊN chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì ?

        NHÀ HUYÊN là từ Nôm của từ HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂. HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ, nên NHÀ HUYÊN hay HUYÊN ĐƯỜNG là MẸ. Ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN 椿萱. Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi " Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao ", khiến cho :
 
XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
Hóa ra khi đến thế nào mà hay !  

 

Hoa và Cỏ Huyên

        Ta còn gặp lại từ NHÀ HUYÊN trong Kiều một lần nữa khi Thúy Kiều sắp lên đường theo Mã Giám Sinh đi Lâm Chuy :
Bề ngoài chủ khách dập dìu,
Một NHÀ HUYÊN với một Kiều ở trong.

        Sẵn nói luôn về cách xưng hô cha mẹ mình và cha mẹ người khác, như thế nào cho lịch sự và đúng phép tắc.
        * Xưng hô cha mẹ mình với người khác là : 
    
 - Gia phụ 家父, gia nghiêm 家嚴. (nghĩa như Cha Tôi, Ba tao).
 - Gia mẫu 家母, gia từ 家慈, (nghĩa như Mẹ Tôi, Má tao). 
        * Xưng hô cha mẹ của người khác là : 
 - Lệnh tôn 令尊, lệnh nghiêm 令嚴, lệnh nghiêm đường 令嚴堂  (nghĩa như : Cha của anh của chị ... là Ba mầy)
 - Lệnh từ 令慈, lệnh từ đường 令慈堂, lệnh từ mẫu 令慈母. (nghĩa như : Mẹ của anh của chị ... là Má Mầy).

        Cách xưng hô trên đây hiện nay không còn sử dụng trong văn nói, nhưng vẫn còn sử dụng trong văn viết, trên văn bản, giấy tờ ... cho lịch sự. Riêng các từ Huyên Đường, Xuân Đường, Nhà Huyên, Nhà Thông ... thì chỉ để nghiên cứu và tìm hiểu về văn học cổ mà thôi. 

        Trở lại với từ NHÀ ... Khi gia đình Kiều gặp nạn, Kiều ngỏ ý với người may mối mình muốn bán mình chuộc tội cho cha. Cụ Nguyễn Du đã viết :
Sự lòng ngõ với BĂNG NHÂN,
 Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.

        Và thầy trò Mã Giám Sinh đã kéo đến một cách ồn ào :
 Trước thầy sau tớ xôn xao,
 NHÀ BĂNG đưa mối rước vào lầu trang.

        NHÀ BĂNG là BĂNG NHÂN 冰人 là Người May Mối. Tại sao gọi người may mối là BĂNG NHÂN ? À, thì ra ...


        
        Theo Kinh Thi 詩經, chương Bắc Phong 邶風, có câu :
    雝雝鳴雁, Ung ung minh nhạn,
    旭日始旦。 Húc nhật thủy đán.
    士如歸妻, Sĩ như quy thê,
    迨冰未泮。 Đãi băng vị phán.
        Có nghĩa :
    Nhạn kêu oang oác trời thu,
    Tảng sáng mây mù, mặt nhựt mọc ra.
    Nếu chàng có muốn cưới ta,
    Đừng đợi băng rả mới qua rước người !

        Theo quan niệm xưa, cưới vợ phải trước tiết Trọng Xuân tháng 2, vì đây là khoảng thời gian âm dương giao tiếp, âm tiêu dương trưởng, có nghĩa khí âm lạnh lẽo lui dần và khí dương ấm áp bắt đầu nảy sinh. Vạn vật qua mùa đông cũng bắt đầu sinh sôi nẩy nở, cũng thích hợp cho con người cưới vợ sanh con; Vì qua khoảng thời gian nầy băng sẽ tan hết, và công việc đồng áng sẽ bắt đầu vào vụ mùa, nên không còn thích hợp để cưới vợ nữa. Theo như truyền thuyết sau đây :
        Vào đời Tấn, có một quan viên Hiếu Liêm tên là Lệnh Hồ Sách 令狐策. Một đêm, ông ta nằm mộng thấy mình đang đứng ở trên băng cùng nói chuyện với người ở dưới băng. Hồ Sách đem chuyện nầy hỏi Tác Đảm 索紞, là một người có tài chuyên đoán mộng. Đảm đáp rằng :" Trên băng là dương, dưới băng là âm. Đó là việc âm dương. Đứng ở trên băng nói chuyện với người đứng ở dưới băng, đó là ví dương nói với âm, tức là làm mối cho trai gái lấy nhau. Ông sẽ là người mai mối cho trai gái lấy nhau trong mùa nầy trước khi băng tan đó. Cố gắng mà làm cho tốt. Sau đó qủa nhiên như lời của Tác Đảm. Lệnh Hồ Sở đã làm "Băng Nhân" cho mấy cặp thành hôn trước lúc băng tan.

        Cho nên sau nầy gọi người mai mối là BĂNG NHÂN, Nôm na thì gọi là NHÀ BĂNG, chớ không phải NHÀ BANK là Ngân Hàng của ta ngày nay đâu. Ta còn gặp lại từ Băng Nhân khi Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh:
    Ngỏ lời nói với BĂNG NHÂN,
    Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn !

        Trong truyện Nôm Phạm Tải Ngọc Hoa của ta, nói về thân thế của Phạm Tải có câu :
    Kiếm ăn đắp đổi qua lần,
    Nương mình cửa Khổng, tựa thân NHÀ TRÌNH.

        NHÀ TRÌNH hay CỬA TRÌNH, SÂN TRÌNH gì đều chỉ nhà của Trình Di 程頤, tự là Y Xuyên 伊川. Theo Chu Tử Ngữ Lục, Trình Di là một danh nho đời Tống, học trò đến xin học rất đông. Khi Du Tạc 遊酢 và Dương Thời 楊時 tìm đến ra mắt để xin vào học, thấy thầy đang nhắm mắt dưỡng thần, hai người bèn đứng im không dám động đậy. Đến khi Trình Di mở mắt ra nhìn thấy thì tuyết đã đổ xuống phủ chỗ đứng của hai người cao đến hơn một thước (xưa khoảng hơn 2dm).


        Vì tích trên mà ta còn có thành ngữ TRÌNH MÔN LẬP TUYẾT 程門立雪 ( là Đứng trong tuyết trước cửa thầy Trình ) để chỉ : Sự quyết tâm cầu học và lòng kính trọng của học trò đối với thầy.

        Trong Bích Câu Kỳ Ngộ nói về Tú Uyên cũng có câu :
    Thông minh sẵn có tư trời,
    Còn khi đồng ấu mãi vui CỬA TRÌNH.

        Ta hay nghe câu "Cửa Khổng Sân Trình", là Cửa của Khổng Tử và Sân của Trinh Di, dùng để chỉ nơi học tập theo đạo Nho ngày xưa, tương đương với từ Nhà Trường của ta hiện nay.

        Ngoài NHÀ TRÌNH để chỉ trường học ra, ta còn thấy từ NHÀ HUỲNH, do từ HUỲNH VŨ 黌宇. Theo sách Hậu Hán Thư, vua Hán Thuận Đế cho xây những tòa nhà lớn để làm nơi ăn học cho các sĩ tử, gọi là Huỳnh Vũ. Như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
    Gia quan mới dạo NHÀ HUỲNH,
    Thư nhà hầu hạ huyên đình bấy lâu
.
        Ngoài ra, ta còn gặp từ NHÀ LAN trong Truyện Kiều. Khi "Trên hai đường với cùng là hai em, Tưng bừng sắm sửa áo xiêm" để mừng thọ ngoại gia. Ở nhà có một mình, nên Kiều thừa lúc :
    NHÀ LAN thanh vắng một mình,
    Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.

        NHÀ LAN là LAN THẤT 蘭室, là Nhà có mùi thơm như hoa lan, dùng để chỉ những gia đình có đạo đức, như lời của Lưu Tướng Công nói trong Hoa Tiên Ký:
    Dứt lời Lưu mới thưa rằng,
    Từ vào LAN THẤT xem bằng Long Môn.

芝蘭之室

        LAN THẤT có xuất xứ từ câu nói của Đức Khổng Phu Tử như sau. 

        Tử Viết: Dữ thiện nhân cư, như nhập CHI LAN CHI THẤT, cửu nhi bất văn kỳ hương, tức dữ chi hóa hỉ. Dữ bất thiện nhân cư, như nhập bào ngư chi tứ, cửu nhi bất văn kỳ xú, diệc dữ chi hóa hỉ. 孔子曰:與善人居,如入芝蘭之室,久而不聞其香,即與之化矣。與不善人居,如入鮑魚之肆,久而不聞其臭,亦與之化矣。
        Có nghĩa: 
        Khổng Tử nói rằng : " Ở chung với những người thiện, như vào trong nhà có hoa chi lan, lâu dần không thấy mùi thơm, tức là ta đã hòa vào mùi thơm đó rồi. Còn ở chung với người không thiện, thì như đi vào tiệm bán cá, lâu dần cũng không thấy được mùi tanh, vì ta cũng đã hòa vào cái mùi tanh đó rồi ". Ý của câu nầy giống như là câu : " Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng " của ta vậy !

        Nên NHÀ LAN là nhà có đạo đức, lương thiện, đàng hoàng, hay trên thuận dưới hòa, vợ chồng hòa hợp như Tú Uyên và Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ:
    NHÀ LAN sum họp ban mai,
    Đã trong tần tảo, lại ngoài huyền ca.

        Cái nhà cuối cùng của bài viết nầy muốn đề cập là NHÀ VÀNG, từ Hán Việt là KIM ỐC 金屋, là nhà được xây bằng vàng cho người đẹp ở. Như tích sau đây: 
        Theo sách Hán Vũ Cố Sự : Lúc Hán Vũ Đế Lưu Triệt còn làm thái tử, bà trưởng công chúa muốn gả con gái cho, mới ướm hỏi : " Lấy được A Kiều thì có thích không ?". Triệt đáp : " Nếu lấy được A Kiều, thì sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở ". Qủa nhiên, sau nầy khi lấy A Kiều và đã lên làm vua, Hán Vũ Đế bèn xây nhà vàng cho Hoàng Hậu A Kiều ở. Trong Truyện Tây Sương cũng đánh giá cao Thôi Oanh Oanh bằng hai câu :
    Trộm nghe nàng kẻ hồng nhan,
    Dọn phòng KIM ỐC, vây màn tố sa.

        Hay như trong Truyện Kiều, mặc dù ghen tức với Thúy Kiều, nhưng Hoạn Thư vẫn tán thưởng trước tài năng và sắc đẹp của nàng:
    Ví chăng có số giàu sang,
    Giá nầy dẫu đúc NHÀ VÀNG cũng nên !


        Từ đầu bài viết đến giờ, ta đề cập đến bảy cái NHÀ :
- Nhà Thông chỉ người cha.
- Nhà Huyên chỉ người mẹ.
- Nhà Băng chỉ người mai mối.
- Nhà Trình chỉ nhà của Trình Di, chỉ trường dạy về Nho học.
- Nhà Huỳnh chỉ Trường học ngày xưa.
- Nhà Lan chỉ các gia đình có đạo đức.
- Nhà Vàng chỉ nhà làm bằng vàng cho người đẹp ở.

        Với truyền thống sử dụng từ NHÀ trong văn chương văn học, cho đến ngày hôm nay từ NHÀ vẫn còn đắc dụng trong ngôn ngữ nói và viết của tiếng Việt Nam ta ở tất cả các mặt, như :
* Chỉ chính quyền là : Nhà nước, Nhà quan ...
* Chỉ xã hội là : Nhà từ thiện, Nhà hảo tâm ...
* Chỉ nghề nghiệp là : Nhà buôn, Nhà thầu ...
* Chỉ địa điểm là : Nhà thương, Nhà trường ...
* Chỉ chuyên môn là : Nhà thiết kế, Nhà tạo mẫu ...
* Chỉ tình trạng gia đình là : Nhà Giàu có, Nhà Khá giả ...
* Chỉ Kinh doanh là : Nhà hàng, Nhà Bank...

        Thường thì từ NHÀ luôn chỉ một phương diện nào đó vượt trội hơn người, chỉ có ... Nhà Văn, Nhà Giáo, Nhà Báo là ... Nhà Nghèo mà thôi ! 

Đỗ Chiêu Đức

20 tháng 3 2019

Mưa đổ ngày về

<D.472><Thời Tiết-Khí Hậu>



MƯA ĐỔ NGÀY VỀ

Vẫn bước nhưng trời lại đổ mưa
Hàng cây lẳng lặng chút cho vừa
Em về lối cũ hồn thương cảm
Nắng đỗ hiên buồn vệt trải thưa
Ảo não rèm buông bầy nhện quấn
Âu sầu cửa lọt gió ngàn đưa
Chìm trong sắc huyễn chiều se lạnh
Nỗi nhớ quay tròn kỷ niệm xưa.

Mai Thắng - 190316

-----------------------
★ Bài xướng của Phương Hà

* Những cơn mưa miền Trung thật buồn, kéo dài dai dẳng như không biết bắt đầu từ khi nào và đến bao giờ mới kết thúc. Kỷ niệm khó quên của Phương Hà những ngày mới ra đời làm việc, từ Saigon chuyển ra Hội An xa xôi và lạ lẫm...

MƯA CHIỀU MIỀN TRUNG

Tầm tã chiều nao cũng đổ mưa
Nước bao nhiêu trút vẫn không vừa
Mịt mù phố chợ đường im vắng
Lướt thướt hàng cây lá sũng thưa
Lầm lũi người qua, chân vội bước
Âm thầm kẻ đợi, mắt buồn đưa
Bầu trời xám đục màu sương khói
Như đã bao đời, tự thuở xưa...

Phương Hà

Mưa Đêm Xuân Sót

<D.471~Thơ Xuân> 



MƯA ĐÊM XUÂN SÓT

Tàn canh khẽ phát điệu mưa sầu
Lẳng lặng im nằm ngấm nỗi đau
Nhỏ nhẹ như dòng thơ giẫm dấu
Rền êm tựa khúc phổ ngâm đầu
Phơ màu bạc thếch soi vần thảo
Dã mắt thâm quầng đuổi mộng sau
Cứ dịp xuân về thêm tuổi lão
Và nghe trỗi mạnh tiếng tim nhàu.

Mai Thắng – 190310

★ Bài xướng của Lê Giao Văn (Sen Đất Tháp)

THỨC VỚI ĐÊM GIAO MÙA

Lắng đọng canh khuya thấm nỗi sầu
Cựa mình- khởi động chiếu chăn đau
Đêm thao thức rớt đôi tàn lửa
Gối lặng thầm hôn mấy tuổi đầu
Tóc chẻ hai màu, hanh nắng trước
Mắt tròng mấy độ, lạnh mưa sau
Bao mùa lui tới- chừa ta lại
Chợt thấy đèn khuya ánh đỏ nhàu

Lê Giao Văn.

★ Bài hoạ của FB Văn Be Ngo

GIỌT LỆ NĂM NÀO

Những ngày phiêu bạt ở phương nào ?
Lãng tử bước đời chân thấp cao!
Mưa lệ tàn canh sầu ảo não,
Đêm xuân giọt nước mắt dâng trào!
Nhớ xưa mạc vận lần thay áo?
Bỏ phố lên rừng tay cuốc, dao.
Địa ngục trần gian qua có dạo,
Giờ đây cọng tóc đã phai màu!

London 10.03.19

★ Bài hoạ của Bằng Lăng

MỘNG ẢO

Thành cổ còn vương giọt nắng sầu
Như vừa khắc lại vết tình đau
Năm dài áo lụa phai màu dấu
Tháng rộng phong sương bạc mái đầu
Ước hẹn rồi xây tròn duyên hảo
Ưu phiền sẽ xoá trọn đời sau
Dường như mộng đó là hư ảo
Để trái tim son chợt úa nhàu

BL 12.3.19

★ Bài hoạ của Phương Lê (Mây Hồng - SĐT)

ĐÀNH VẬY

RẢ RÍCH mưa khuya đếm nhịp SẦU
A DUA theo gió cợt niềm ĐAU
(GIÓ MƯA hợp soạn bài song TẤU
ẾCH NHÁI đồng ca khúc dạo ĐẦU):
ĐÃ DÁM không chui qua cửa HẬU
THÌ ĐÀNH khó trụ lại mai SAU
MAY RA chỉ nhận toàn xương XẨU
HOẶC GIẢ đồng lương hẻo nát NHÀU!

MA 130319
Tú Ghẻ-TrạngLụi

Nguyệt Mãn Tây Lâu

<C.021><Giai thoai văn chương> 
Đề tài: NGUYỆT MÃN TÂY LÂU
Biên soạn: ĐỔ CHIÊU ĐỨC


        NGUYỆT MÃN TÂY LÂU 月满西楼 là một vế trong bài từ NHẤT TIỄN MAI 一剪梅 nổi tiếng của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu 李清照 đời nhà Tống, được nhạc sĩ Tô Việt phổ nhạc và ca sĩ Đồng Lệ hát. Nguyên văn bài từ và cũng là lời ca như sau :

一剪梅                                  NHẤT TIỄN MAI

红藕香残玉簟秋             Hồng ngẫu hương tàn ngọc điệm thu,
輕解羅裳獨上蘭舟         Khinh giải la thường, độc thướng lan chu.
雲中谁寄锦書来             Vân trung thùy ký cẩm thư lai,
雁字回時月满西樓         Nhạn tự hồi thì, nguyệt mãn tây lâu.
花自飘零水自流             Hoa tự phiêu linh thủy tự lưu,
一种相思两處閒愁         Nhất chủng tương tư, lưỡng xứ nhàn sầu.
此情無計可消除             Thử tỉnh vô kế khả tiêu trừ,
才下眉頭却上心頭         Tài há mi đầu, khước thướng tâm đầu !

李清照                                          Lý Thanh Chiếu


        李清照(1084年3月13日~1155年5月12日)号易安居士,山东省济南章丘人。宋代(南北宋之交)女词人,婉约词派代表,有“千古第一才女”之称。所作词,前期多写其悠闲生活,后期多悲叹身世,情调感伤。形式上善用白描手法,自辟途径,语言清丽。论词强调协律,崇尚典雅,提出词“别是一家”之说,反对以作诗文之法作词。能诗,留存不多,部分篇章感时咏史,情辞慷慨,与其词风不同。有《易安居士文集》《易安词》,已散佚。后人有《漱玉词》辑本。今有《李清照集校注》。

        Lý Thanh Chiếu (13-3-1084 - 12-5-1155), hiệu là Dị An Cư Sĩ, người đất Chương Khâu, phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Bà là Nữ Từ Gia sống ở giữa thời Nam Bắc Tống, thuộc từ phái Uyển Ước, nổi danh là " Thiên cổ đệ nhất tài nữ ". Từ của bà được chia làm 2 thời kỳ : Trước và sau chiến loạn. Trước thường tả cuộc sống an nhàn, Sau thường bi thương cho thân thế. Bà thường dùng thủ pháp Bạch miêu 白描 là miêu tả thẳng sự việc, tạo riêng cho mình một con đường mới với lời lẽ trong sáng đẹp đẽ. Bà chủ trương Từ phải theo âm luật của nhạc, Từ phải là Riêng của Từ, chứ không thể dùng thủ pháp của văn thơ để làm Từ được. Bà cũng làm thơ cảm khái cho thời thế và vịnh sử, lời lẽ mạnh mẽ khảng khái, khác với phong cách làm Từ của bà. Tác phẩm " Dị An Cư Sĩ Văn Tập " và " Dị An Từ " đã thất tán. Người đời sau chỉ thu tập được " Sấu Ngọc Từ " và hiện nay thì có " Lý Thanh Chiếu tập hiệu chú ".


★ Chú Thích :

- Nhất Tiễn Mai : NHẤT TIỄN là Một Kéo; ở đây là Lượng Từ, chỉ Một Cành, Một Nhánh; nên NHẤT TIỄN MAI : là Một nhánh mai ( đã được cắt vào nhà để chưng trong bình ). Nhưng NHẤT TIỄN MAI còn là tên của một Từ Loại, gồm có 60 chữ, phần đầu 4 câu gieo 3 vần bằng, phần hai cũng vậy. Có thể mỗi câu mỗi gieo vần cũng được,
- Hồng Ngẫu Hương Tàn : NGẪU 藕 là Củ sen, ở đây mượn để chỉ Hoa Sen; nên Hồng Ngẫu Hương Tàn : là Sen đà tàn tạ chỉ còn sót lại chút tàn hương.
- Ngọc Điệm : Chiếu được đan bằng tre để nằm cho mát lúc hè về.
- Lan Chu : là Thuyền Lan, từ thậm xưng để chỉ chiếc xuồng con xinh xinh. Trong bài từ dùng để chỉ chiếc giường ngủ xinh xinh của người đẹp.
- Cẩm Thư : là Thư gấm, thư viết trên gấm trên lụa, chỉ chung thư từ.
- Nhàn Sầu : là Mối sầu nhàn hạ. Chỉ nổi buồn vơ vẩn.
- My Đầu là Đầu Mày ( cuối mắt ); Tâm Đầu là Đầu trái tim, là Trong Lòng.

★ Nghĩa bài từ :

        Củ sen đã hồng, sen đã tàn, hương sen cũng đã tàn phai, tấm đệm chiếu đan bằng tre cũng toát ra hơi thu lạnh lẽo. Ta cởi bỏ đi lớp quần là áo lụa, cô độc thả mình lên chiếc giường xinh xinh như một lá thuyền lan. Ngẩng đầu trông về phía mây xa xa, mà ao ước chàng gởi về một thư gấm cho ta trong đàn nhạn bay thành hình chữ nhất đã trở về kia; ánh trăng tròn tượng trưng cho sự đoàn viên đã phủ đầy tràn ngập cả lầu tây. Còn ta thì như hoa vẫn tự mình phiêu linh trôi nổi theo dòng nước vẫn vô tình êm ả trôi; cũng chỉ là một mối tương tư, nhưng hai nơi lại cùng sầu nhớ, và mối tình nầy không thể nào có thể xóa nhòa đi được. Vừa mới vơi sầu đi trên mi mắt thì đã lại thấy quặn thắt tận tâm can ! 
        Qủa là tình cảm thiết tha nhớ nhung của đôi lứa, của người cô phụ trông chồng khiến người đọc cũng phải bồi hồi tấc dạ. 


★ Diễn Nôm :

MỘT NHÀNH MAI

Sen tạ hương tàn chiếu lạnh thu,
Nhẹ cởi áo là, giường tựa lan chu.
Trong mây ai gởi ta thư gấm ?
Nhạn đã bay về trăng ngập tây lâu.
Hoa trôi nước cuốn biết về đâu,
Một mối tương tư, đôi đứa cùng sầu.
Tình nầy khó thể chịu dài lâu,
Thôi nhăn mày liễu, lại nhíu tâm đầu.

 Diễn lục bát :
Sen tàn chăn chiếu lạnh theo,
Áo là giường đẹp tựa chèo thuyền lan.
Ngắm mây những ngóng thư chàng,
Nhạn về trăng sáng ngập tràn lầu tây.
Hoa trôi nước cuốn mây bay,
Tương tư một mối hai nơi cùng sầu.
Tình nầy biết phải làm sao,
Hết nhăn mày liễu lại bào lòng son !
Đỗ Chiêu Đức

        Bấm vào link dưới đây để nghe Đồng Lệ hát bài NGUYỆT MÃN TÂY LÂU.

https://www.youtube.com/watch?v=EsAigp1dUxY

        童麗---月滿西樓
        月滿西樓 紅藕香殘玉簟秋 輕解羅裳獨上蘭舟 雲中誰寄錦書來 雁字回時月滿西樓 花自飄零水自流 一種相思兩處閒愁 此情無計可消除 才下眉頭卻上心頭 卻上心頭 紅藕香殘玉簟秋 輕解羅裳獨上蘭舟 雲中誰寄錦書來 雁字回時月滿西樓 ...

        Nữ văn sĩ Quỳnh Dao cảm vì 4 chữ " NGUYỆT MÃN TÂY LÂU 月满西樓 " ( ánh trăng vàng tràn ngập cả lầu tây ) trong bài từ của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu mà viết thành truyện NGUYỆT MÃN TÂY LÂU, là một truyện tình cảm hiện đại loại vừa ( không phải truyện ngắn nhưng chưa phải là truyện dài ) gọp chung với 9 truyện ngắn khác thành một tập truyện, lấy tựa chung là NGUYỆT MÃN TÂY LÂU. Truyện được quay thành phim, được nhạc sĩ Lưu Gia Xương viết nhạc nền, cũng lấy tựa bản nhạc là NGUYỆT MÃN TÂY LÂU, do nữ sĩ Quỳnh Dao viết lời. Bản nhạc nầy cũng rất nổi tiếng, do nữ ca sĩ Thái Cầm hát. Mời bấm vào link sau để nghe.

https://www.youtube.com/watch?v=XM17SjktcVI

月滿西樓                      NGUYỆT MÃN TÂY LÂU

這正是花開時候         Gía chính thị hoa khai thời hậu, 
露濕胭脂初透             Lộ thấp yên chi sơ thấu.
愛花且殷勤相守     Ái hoa thả ân cần tương thủ,
莫讓花兒消瘦             Mạc nhượng hoa nhi tiêu xấu.

這正是月圓時候         Giá chính thị nguyệt viên thời hậu, 
明月照滿西樓             Minh nguyệt chiếu mãn tây lâu.
惜月且殷勤相守         Tích nguyệt thả ân cần tương thủ, 
莫讓月兒溜走             Mạc nhượng nguyệt nhi lưu tẩu.

似這般良辰美景       Tự giá ban lương thần mỹ cảnh,
似這般蜜意綢繆          Tự giá ban mật ý trù mâu.
但願花長好                Đản nguyện hoa trường hảo...
月長圓人長久               Nguyệt trường viên nhân trường cửu !

có nghĩa :
        Đây chính là lúc mùa hoa đang nở rộ, sương thu mới vừa thấm ướt hoa hồng. Nếu yêu hoa thì hãy ân cần mà chăm chút, đừng để cho hoa tiều tụy võ vàng.
        Đây chính là lúc trăng đang độ tròn, Ánh trăng sáng đang chiếu tràn ngập cả lầu tây. Nếu có yêu trăng thì hãy xin ân cần mà giữ lấy ánh trăng , đừng để cho ánh trăng kia vuột mất.
        Cảnh đẹp đêm thanh như hôm nay, tình ý mật ngọt mặn nồng như thế nầy; Lòng những mong rằng hoa đẹp mãi, trăng tròn mãi và người thì vẫn mãi mãi bên nhau !

★ Diễn lục bát :


NGUYỆT MÃN TÂY LÂU

Yêu hoa đang lúc hoa tươi,
Sương rơi thắm ướt hoa cười đẹp xinh.
Yêu hoa chăm chút chân tình,
Để hoa tàn úa riêng mình xót xa.

Yêu trăng vừa lúc trăng ngà,
Trăng tròn tràn ngập chan hòa lầu tây.
Yêu trăng chớ để trăng gầy,
Xót xa trăng rụng cho đầy nhớ nhung.

Tình nầy cảnh ấy mông lung,
Thiết tha mật ngọt như cùng vấn vương.
Mong cho hoa đẹp miên trường,
Trăng tròn miên viễn người thương vĩnh hằng !

Đỗ Chiêu Đức

   

Tiếng Thơ Trao

<D.470~Thơ Vui> 



TIẾNG THƠ TRAO

Thơ điệu trăm vần vẫn điệu thơ
Hờ trao khát vọng chỉ trao hờ
Nhỏ soi bóng sắc trăng soi nhỏ
Tơ hóng mây trời nắng hóng tơ
Nợ gánh thân oằn đeo gánh nợ
Cờ vây trận chiến phủ vây cờ
Dở ương mấy bận thời ương dở
Mơ đỉnh an nhàn vẫn đỉnh mơ!

Mai Thắng – 190308

★ Bài xướng của Liêu Xuyên

MƠ LÒNG XUÂN NỮ

Thơ tình xin gởi chút tình thơ,
Hờ hững mà chi để hững hờ.
Mộng úa lòng đau đời úa mộng,
Tơ sầu dạ thấu phận sầu tơ.
Nợ duyên thân vướng buồn duyên nợ,
Cờ rượu đàn vương nhớ rượu cờ.
Hỏi liễu đài chương thương liễu hỏi…
Mơ lòng xuân nữ được lòng mơ ?!

Liêu Xuyên

Những sáng dần trôi

<D.469><Thời Tiết-Khí Hậu>



NHỮNG SÁNG DẦN TRÔI

Bỗng thoảng từ hiên khúc nhạc đời
Đêm trường khuất lẫn chuyển dần trôi
Vài tia nắng hửng men đường tập
Cặp cẳng trần lê chọn chỗ ngồi
Bãi quạnh u hoài phơi góc biển
Triền hoang lặng lẽ cuốn chân đồi
Lòng vô cảm hứng thiên bày biện
Ấm lạnh chung trà dễ nhủ tôi.

Mai Thắng – 190307

(Ghi chú: Bài viết trên ngữ cảnh buổi sáng đi tập thể dục về vào quán ngồi nghỉ ngắm hòn giả sơn)

★ Bài xướng của Mai Lộc

SÁNG XUÂN

Sáng nay thức dậy thấy yêu đời.
Mây trắng lưng trời lửng thửng trôi.
Trước ngõ chập chờn đôi bướm lượn
Ngoài hiên lặng lẽ một mình ngồi.
Vừng hồng rực rỡ tô son núi
Hoa dại xinh xinh trải thảm đồi.
Cảnh vật trần gian sao đẹp quá
Khói trà nghi ngút quyện hồn tôi!

Mailoc
3-5-19

★ Bài hoạ của Cao Mỵ Nhân

HƯƠNG SẮC XUÂN

Trăm năm cảm luỵ sắc hương đời
Vẫn phải mê hồn ngày tháng trôi
Thượng Đế trổ hoa mời khách ngắm
Thiên nhiên trải mộng đón ta ngồi
Bao nhiêu chim hót quanh bờ biển
Một chiếc dù bay lạc hướng đồi
Nắng xẻ đôi vườn tình lá biếc
Chia ai phân nửa, nửa phần tôi ...

Hawthorne 5 -3 - 2019
CAO MỴ NHÂN

★ Bài hoạ của Phương Hà

BỐN MÙA HẠNH PHÚC

Yêu mỗi phút giây của cuộc đời
Bốn mùa xinh đẹp chẳng ngừng trôi
Xuân, hoa bướm rộn bên chân bước
Hạ, cánh phượng reo cạnh chỗ ngồi
Thu đến lá vàng tươi đỉnh núi
Đông sang tuyết trắng sáng lưng đồi
Thiên nhiên quyến rũ luôn thay sắc
Hạnh phúc ngập tràn tâm trí tôi.

Phương Hà

13 tháng 3 2019

Mừng sinh nhật 79

<D.468~Thơ Sinh Nhật> 

Mừng sinh nhật 79 (ngày 12/03/2019)
***
Thầy NGUYỄN HỮU LỘC
Cựu Hiệu trưởng Trung Học Kiến Phong




★ Bài xướng của Thầy Mai Lộc

79 TỰ KIỂM

Thất thập niên tiền, cửu tuế niên
Cuối đời thấu hiểu lý nhân duyên.
Trầm tư mọi lúc xa tham ái
Chánh niệm từng giây tránh lụy phiền.
Xướng họa miệt mài chữ nghĩa nhộn
Vui buồn buông bỏ cõi lòng yên.
Tháng ngày quấn quít ba thằng nhóc
Không vọng tâm như ý hướng thiền.

Mailoc
3-12-19

★ Bài cảm tác của Mai Thắng

MỪNG SINH NHẬT 79

Sắp đầy tám chục mừng rơn
Chúc Thầy sống thọ hơn hơn nhiều nhiều

Mở vận Đường thi chúc thọ Thầy
Niên trường bảy chín ánh vàng lay
Thần hưng tuệ mẫn thơ hoà ái
Sắc toả hào quang khí thịnh dày
Nghiệp giáo tài năng đường dở gánh
Tha hương tịnh dưỡng buổi chồn tay
Còn thương đất mẹ miền quê cũ
Thản nhẹ niềm riêng chuỗi tháng ngày.

Mai Thắng - 190312




--------------------
• Bài cảm tác của Thái Huy

GÓP VUI

Mừng Sinh Nhật anh Mai Lộc

Chúc mừng Mai Lộc Thẩn Thơ nha !
Theo Thắng nhưng đây chẳng có quà
Tạm viết đôi câu là nhịp nối
Ghi xoàng ít vận gọi lời qua
Đàn anh khỏe nhé chờ tám bó
Quan bác vui luôn nhận lời hoa,
Từ quí thân bằng và bạn hữu
Nhân ngày sinh nhật đẹp chi là… !

Thái Huy,
12/3/2019

---------------------
• Bài cảm tác của chị Phương Hà

CHÚC MỪNG SINH NHẬT

( Mừng Sinh nhật thứ 79 của anh Mai Lộc )

Bảy chín mùa xuân đã vút qua
Tóc dù điểm bạc, nét chưa già
Câu vần Song thất đầy trau chuốt
Chữ nghĩa Đường thi rất mượt mà
Lời lẽ ân cần luôn đúng mực
Tác phong điềm đạm mãi chan hòa
Gia đình, hạnh phúc tròn mơ ước
Cuộc sống rạng ngời muôn sắc hoa.

Phương Hà
12/03/2019



----------------------
• Bài hoạ của Cao Linh Tử

Thầy Tôi

Ngô sư thái tuế thượng cao niên
Ngộ nhập tâm từ tất hữu duyên
Bất chấp thời gian tăng luyến ái
Mạc vong quốc thổ mãn ưu phiền
Đầu xanh ngả bạc qua ngày nhộn
Giấc tĩnh thêm dài định tánh yên
Ước đặng nghe thầy kêu chú nhóc
Cùng quên ưu lự lạc trong thiền.

Cao Linh Tử
13/3/2019

---------------------
• Bài cảm tác của Đỗ Chiêu Đức

MỪNG SINH NHẬT THẦY

Bảy chín tám mươi chúc thọ thầy,
Tuổi ta tuổi Mỹ cũng lần tay.
Lão đương ích tráng tinh thần vượng,
Hạc phát đồng nhan khí chất dày.
Yếm thế gieo vần khi áo não,
Yêu đời thơ thẩn chẳng lung lay,
Học trò bằng hữu cùng vui chúc,
Sinh nhật hôm nay nhớ lấy ngày !

Đỗ Chiêu Đức

---------------------
• Bài hoạ của Mai Xuân Thanh

Mừng sinh nhật lần thứ 79 của thầy MAILOC

Thương thầy Mailoc bậc cao niên
Thượng thọ nay mừng bảy chín duyên
Gặp gỡ đôi lần nghe nhớ mãi
Hàn huyên những lúc thoại ưu phiền
Gieo vần bát cú thơ Đường luật
Thích ý đôi câu thực, luận yên
Thong thả vui đùa bên quý cháu
An nhiên tự tại vẫn tham thiền

MAI XUÂN THANH
Ngày 12/03/2019

------------------------
• Cảm tác của Thầy Trầm Vân

Chúc Mừng Sinh Nhật Thi Hữu Mai Lộc

Mến chúc sinh nhật
Trọn vẹn niềm vui
79 xuân đẹp
Rạng rỡ nụ cười

Chúc thêm một tuổi
Là thêm an khang
Thêm nhiều hạnh phúc
Lòng trổ mai vàng

Là thêm ấm áp
Cháu thảo con ngoan
Gia đình hòa thuận
Cành lộc nghiêng sang

Hồn thơ lai láng
Mở cửa bình minh
Đẹp câu xướng họa
Tràn ngập nghĩa tình

Trầm Vân