Nhãn

24 tháng 5 2019

Nền Tảng Ngữ Âm Của Vần Thơ

<N.02~Nghiên Cứu Thơ Đường>

Núi Nga Mi


NỀN TẢNG NGỮ ÂM CỦA VẦN THƠ

★★★

1. KHÁI NIỆM
    1.1. Khái niệm về vần thơ
    1.2. Khái niệm về ngữ âm
2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT
    2.1. Cấu trúc âm tiết
    2.2. Âm đầu
    2.3. Âm đệm
    2.4. Âm chính
    2.5. Âm cuối
    2.6. Thanh điệu
3. CẤU TRÚC VẦN
    3.1. Bảng vần cái
    3.2. Tính vần điệu của vần thơ
    3.3. Quy định về tương quan thông vận
        3.3.1. Vần thông 1
        3.3.2. Vần thông 2
        3.3.3. Vần thông 3
    3.4. Ứng dụng của bảng vần cái 
        3.4.1. Xác định tính vần điệu
        3.4.2. Xác định các thành tố âm tiết


★★★

1. KHÁI NIỆM 


1.1. Khái niệm về vần thơ

        Vần thơ là một tổ hợp từ hình thành bộ vần của bài thơ theo quy định của nguyên tắc vần của luật thơ. Nguyên tắc vần bao gồm các quy định về tương quan giữa các vần thơ căn cứ bộ phận vần của cấu trúc âm tiết của vần thơ, thuộc phạm vi chuyên ngành ngữ âm học.

1.2. Khái niệm về ngữ âm

        Ngữ âm học (Phonectics) là một chuyên ngành ngôn ngữ học nghiên cứu về tiếng nói con người là một loại âm thanh ngôn ngữ do bộ máy phát âm của con người tạo ra. Mỗi cộng đồng có một tiếng nói riêng, tiếng nói của người Việt Nam là tiếng Việt. Tiếng Việt là toàn bộ các câu nói bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, thuộc pham vi nghiên cứu của chuyên ngành ngữ âm học. Đơn vị ngữ âm của Tiếng Việt là tiếng, hay từ thể hiện dưới dạng âm tiết. 
        Âm tiết (Syllable) là đơn vị phát âm nhỏ nhất của lời nói.

★★★

2. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT


2.1. Cấu trúc âm tiết tiếng Việt

    
    
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến hình và có thanh điệu. Cấu trúc âm tiết tiếng Việt gồm: (-) 3 bộ phận: phụ âm đầu, vần, thanh điệu; và (-) 5 thành tố: âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu, trong đó, bộ phận vần hay VẦN là tổ hợp 3 thành tố âm đệm, âm chính, âm cuối.
        Cấu trúc âm tiết được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Âm

đầu

Bộ phận vần hay VẦN

Thanh

điệu

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)



2.2. Âm đầu (initial sound)

        Âm đầu trong âm tiết bao giờ cũng là phụ âm (consonant) nên còn gọi là phụ âm đầu.
        Phụ âm đầu  được phân biệt và chia nhóm theo phương thức cấu âm và vị trí cấu âm: a) về phương thức cấu âm, phụ âm đầu phân chia thành các nhóm âm tắc, âm xát, âm rung, âm vang, âm ồn; b) về vị trí cấu âm chia thành 3 nhóm phụ âm môi, phụ âm lưỡi và phụ âm họng;
        Phụ âm đầu trong âm tiết tiếng Việt hiện nay có số lượng là 21, và các trường hợp âm tiết không có phụ âm đầu thì gọi là phụ âm câm.
        Phụ âm đầu trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/b/

b

bà ba, bửu bối

2

/m/

m

may mắn, mạnh mẽ

3

/f/

ph

phương pháp, phì phà

4

/v/

v

vui vẻ, văng vẳng

5

/t/

t

tập tành, tư tưởng

6

/t’/

th

thanh thản, thơm tho

7

/d/

đ

đông đúc, đồng đều

8

/n/

n

non nước, nợ nần

9

/z/

d; gi

dân dã, giành giật

10

/ʐ,/

r

rành rẽ, rập rờn

11

/s/

x

xong xuôi, xơ xác

12

/ş/

s

sung sướng, sạch sẽ

13

/c/

ch

chuyên chế, chậm chạp

14

/ʈ/

tr

trung trực, trớ trêu

15

/ɲ/

nh

nho nhã, nhọc nhằn

16

/l/

l

lầm lạc, lặng lẽ

17

/k/

c, k, q

cao kều, quay quắt

18

/χ/

kh

không khí, khệnh khạng

19

/ŋ/

ng, ngh

ngốc nghếch, nghiêng ngả

20

/ɣ/

g

gập ghềnh, gói ghém

21

/h/

h

hào hùng, hiền hậu

(22)

/?/

(không có)

ân ái, yên ổn, u ám



2.3. Âm đệm (medial sound)

           
Âm đệm là âm xuất hiện giữa âm đầu và âm chính; tiếng Việt có duy nhất 1 âm đệm /w/ chữ viết ghi là u hay o;
        Âm đệm /w/ là một bán âm (semi wovel) có cấu tạo như nguyên âm /u/ nhưng chỉ có chức năng tu chỉnh chứ không tạo nên âm sắc của âm tiết, có thể xem như một hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của các âm còn lại của bộ phận vần;
        Âm đệm thường không xuất hiện: (-) sau các phụ âm môi /b, m, f, v/; (-) trước các nguyên âm tròn môi /u, ô, ɔ, uô/; và (-) hạn chế ở một số phụ âm và nguyên âm khác;


2.4. Âm chính (nuclear sound)

        Âm chính là âm làm trung tâm của âm tiết và bao giờ cũng là nguyên âm (wovel), (về sau nguyên âm viết tắt là NA);
        Tiếng Việt có 11 NA đơn, 3 NA đôi và phân làm 3 nhóm NA:
            a) Nhóm NA1: đánh số mã từ 1 đến 4, là nhóm NA hàng trước không tròn môi, có 3 NA đơn /i, e, ɛ/và 1 NA đôi /ie/; chữ viết ghi là [i-y, ê, e và iê-ia-yê-ya].
            b) Nhóm NA2: đánh số mã từ 5 đến 8, là nhóm NA hàng sau tròn môi, có 3 NA đơn /u, ô, ɔ/và 1 NA đôi /uo/; chữ viết ghi là [u, ô, o và ua-uô].
            c) Nhóm NA3: đánh số mã từ 9 đến 14, là nhóm NA hàng sau không tròn môi, có 5 NA đơn /ɨ, ə, ə̆, a, ă/và 1 NA đôi /ɨə/; chữ viết ghi là [ư, ơ, â, a, ă và ưa-ươ]. Trong đó, 2 NA đơn /ə̆, ă/ là thể ngắn của /ə, a/;
        Các NA đơn ở thể bình thường và có biến thể ngắn khi đứng trước phụ âm cuối /ŋ, k/. Các NA đôi thì luôn ở thể dài.
        Âm chính là thành phần không thể thiếu của âm tiết, cấu trúc tối thiểu của một âm tiết có thể chỉ gồm 1 âm chính và 1 thanh điệu.
        Âm chính được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/i/

i, y

bi; uy; tíu tít; kịch tính

2

/e/

ê

lê; huệ; thêu; chênh chếch

3

/ε/

e

le hoe; heo; chem chép;

4

/ie/

ia-iê, ya-yê

bia; khuya; yêu; kiên quyết;

5

/u/

u

cu; vui; chụm, búp; sung túc …

6

/o/

ô

ô; ôi; bôm bốp; công cốc …

7

/ɔ/

o

con; oi; gom góp; ton hót;

8

/uo/

ua, uô

mua; chuối; buồm; tuồn tuột;

9

/ɨ/

ư

hư, gửi; bửu; rưng rức …

10

/ə/

ơ

thuở; thơ; mới; nơm nớp;

11

/ə̆/

â

đây; chân cầu; hâm hấp;

12

/a/

a

quả na; ai; tao; nam; nan quạt;

13

/ă/

ă

tay; mau; tăm tắp; săn sắt;

14

/ɨə/

ưa, ươ

mưa; tươi; hươu; thườn thượt;



2.5. Âm cuối (final sound)

        Âm cuối là âm đứng cuối vần, cuối âm tiết, được xếp thành 3 nhóm:
            a) Nhóm không có âm cuối viết tắt là nhóm KAC: là nhóm không có chữ viết của âm cuối, xếp ở số mã 1, gọi là nhóm âm mở;
            b) Nhóm bán âm cuối viết tắt là nhóm BAC: là nhóm do 2 bán âm /w/ và /j/ đảm nhiệm, chữ viết ghi là [u-o và i-y], xếp ở số mã 2, 3, gọi là nhóm âm hơi mở;
            c) Nhóm phụ âm cuối viết tắt là nhóm PAC: chia làm 2 tiểu nhóm: c1) nhóm PAC hơi khép, do các phụ âm /m, n, ŋ/ đảm nhiệm, xếp ở số mã 4, 5, 6, chữ viết ghi là [m, n, ng-nh]; c2) nhóm PAC khép, do các phụ âm /p, t, k/ đảm nhiệm, xếp ở số mã 7, 8, 9, chữ viết ghi là [p, t, c-ch].
        Tất cả các nhóm âm cuối đều ghép với một thanh điệu ngoại trừ nhóm âm khép, chỉ kết hợp với thanh sắc và thanh nặng;
        Khi đứng trước phụ âm cuối /ŋ, k/, các NA đơn chuyển sang thể ngắn, đặc biệt với NA /ε/ chữ viết ghi thành [a] và âm cuối /ŋ, k/ghi thành [nh, ch], ví dụ: /εŋ, εk/ ghi thành [anh, ach];
        Âm cuối được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số mã

IPA

Chữ viết

Minh hoạ

[1]

[2]

[3]

[4]

1

/-_/

không

ký tự, cờ hoa, về khuya …

2

/-j/

i, y

cười nói, đây này, cây cối, …

3

/-w/

u, o

xào nấu, kêu gào, cao kều, …

4

/-m/

m

êm đềm, lim dim, …

5

/-n/

n

ân cần, thân thiện, …

6

/-ŋ/

ng, nh

thoang thoảng, ngông nghênh, …

7

/-p/

p

ấm áp, phốp pháp, …

8

/-t/

t

loắt choắt, thoăn thoắt, …

9

/-k/

c, ch

ngóc ngách, tọc mạch, …



2.6. Thanh điệu (tone)

        Thanh điệu là sự nâng cao hay hạ thấp giọng nói trong âm tiết;
        Thanh điệu gắn liền và biểu hiện trong toàn âm tiết;
        Thanh điệu tham gia vào việc cấu tạo từ, làm chức năng phân biệt ý nghĩa của từ, và làm dấu hiệu phân biệt từ;
        Tiếng Việt có 6 hình thức thanh điệu gọi là dấu (hay dấu thanh), phân chia thành 2 loại thanh điệu: 1) thanh bằng: là các thanh điệu có dấu thanh ngang, huyền; 2) thanh trắc: là thanh điệu có dấu thanh sắc, nặng, ngã, hỏi.
        Chữ viết tiếng Việt ghi dấu thanh trực tiếp ngay trên âm chính, riêng dấu thanh ngang không hiển thị nên còn được gọi là thanh không dấu.
        Thanh điệu được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Loại thanh

THANH BẰNG

THANH TRẮC

Tên gọi

Ngang

Huyền

Ngã

Hỏi

Sắc

Nặng

Ký âm

/-1/

/-2/

/-3/

/-4/

/-5/

/-6/

Chữ viết

“   “

“ \ “

“ ~ ”

“ ? ”

“ / ”

“ . ”



★★★

3. CẤU TRÚC VẦN


        Vần hay bộ phận vần của vần thơ là 1 tổ hợp 3 thành tố: âm đệm, âm chính và âm cuối của vần thơ.
        Vì âm đệm chỉ có chức năng tu chỉnh âm sắc để tạo nên hiện tượng tròn môi của phụ âm đầu hoặc của các âm còn lại của bộ phận vần nên tính vần điệu của vần thơ thể hiện qua sự kết hợp của 2 thành tố âm chính và âm cuối gọi là VẬN CĂN hay VẦN CÁI.

3.1. Bảng vần cái
 
        Bảng vần cái là một bảng liệt kê tất cả các hệ quả kết hợp của 2 thành tố âm chính và âm cuối theo cách trình bày:
            a) nhóm âm cuối xếp theo cột: nhóm KAC (xếp cột 1), nhóm BAC (xếp cột 2, 3), nhóm PAC (xếp cột từ 4 đến 9);
            b) nhóm âm chính xếp theo hàng: nhóm NA1 (xếp hàng từ 1 đến 4); nhóm NA2 (xếp hàng từ 5 đến 8), nhóm NA3 (xếp hàng từ 9 đến 14);
            c) các diễn giải khác: âm chính và âm cuối ghi theo dạng ký âm IPA, phần minh họa ghi theo dạng chữ viết, các ô bỏ trống là những vần cái không xuất hiện trong âm tiết tiếng Việt;
        Bảng vần cái được trình bày theo sơ đồ dưới đây:

Số

Âm chính

Âm cuối

KAC

BAC

PAC hơi khép

PAC khép

/-/

/j/

/w/

/m/

/n/

/ŋ/

/p/

/t/

/k/

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

1

/i/

i

 

iu

im

in

inh

ip

it

ich

2

/e/

ê

 

êu

êm

ên

ênh

êp

êt

êch

3

/ε/

e

 

eo

em

en

anh

ep

et

ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm

iên

iêng

iêp

iêt

iêc

5

/u/

u

ui

 

um

un

ung

up

ut

uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm

ôn

ông

ôp

ôt

ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om

on

ong

op

ot

oc

8

/uô/

uôi

 

uôm

uôn

uông

uôp

uôt

uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

 

ưn

ưng

 

ưt

ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm

ơn

 

ơp

ơt

 

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm

ân

âng

âp

ât

âc

12

/a/

a

ai

ao

am

an

ang

ap

at

ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm

ăn

ăng

ăp

ăt

ăc

14

/ɨə/

ươ

ươi

ươu

ươm

ươn

ương

ươp

ươt

ươc



3.2. Tính vần điệu của Vần thơ 

         Tính vần điệu của vần thơ là tương quan giữa 2 vần cái, căn cứ trên sự giống nhau và khác nhau của âm chính và âm cuối của 2 vần thơ đó. Sự so sánh thu được 3 hệ quả tương quan:
            a) Tương quan chính vận gọi là VẦN CHÍNH: khi cả 2 thành tố âm chính và âm cuối đều giống nhau về yếu tố nhóm;
            b) Tương quan thông vận gọi là VẦN THÔNG: khi có 1 trong 2 thành tố hoặc là âm chính hoặc là âm cuối giống nhau, và thành tố khác nhau phải thỏa thêm điều kiện về yếu tố nhóm theo quy định cụ thể;
            c) Tương quan lạc vận gọi là VẦN LẠC: khi cả 2 thành tố âm chính và âm cuối đều khác nhau.   
         
 3.3. Quy định cụ thể về tương quan thông vận

        Quy định cụ thể của tương quan thông vận căn cứ vào tính chất và yếu tố nhóm của từng thành tố âm chính hay âm cuối:
                     
         3.3.1. Vần thông 1 

         
Vần thông 1 căn cứ sự giống nhau của âm chính, và sự khác nhau của âm cuối phải thỏa điều kiện là các âm cuối đó phải phải thuộc nhóm PAC. Ví dụ: các vần cái [ôm, ôn, ông], ký âm IPA (viết tắt bằng ký hiệu=>) là /om, on, oŋ/, có cùng âm chính là [ô] => /o/, thuộc nhóm NA1, thì các âm cuối phải thuộc cùng nhóm PAC [m, n, ng] => /m, n, ŋ/;
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả yếu tố vần thông 1 (ký hiệu “÷” chỉ tương quan giữa 2 vần cái);

Âm chính

Âm cuối

Số mã

Liệt kê

KAC

BAC

PAC hơi khép

PAC khép

/-/

/j/

/w/

/m÷n÷ŋ/

/p÷t÷k/

 

 

1

2

3

4-5-6

7-8-9

1

/i/

i, y

 

iu

im÷in÷inh

ip÷it÷ich

2

/e/

ê

 

êu

êm÷ên÷ênh

êp÷êt÷êch

3

/ε/

e

 

eo

em÷en÷anh

ep÷et÷ach

4

/ie/

ia

 

iêu

iêm÷iên÷iêng

iêp÷iêt÷iêc

5

/u/

u

ui

 

um÷un÷ung

up÷ut÷uc

6

/o/

ô

ôi

 

ôm÷ôn÷ông

ôp÷ôt÷ôc

7

/ɔ/

o

oi

 

om÷on÷oŋg

op÷ot÷oc

8

/uo/

ua

uôi

 

uôm÷uôn÷uông

uôp÷uôt÷uôc

9

/ɨ/

ư

ưi

ưu

ưm÷ưn÷ưng

ưp÷ưt÷ưc

10

/ə/

ơ

ơi

ơu

ơm÷ơn÷_

ơp÷ơt÷ơc

11

/ə̆/

 

ây

âu

âm÷ân÷âng

âp÷ât÷âc

12

/a/

a

ai

ao

am÷an÷ang

ap÷at÷ac

13

/ă/

 

ay

au

ăm÷ăn÷ăng

ăp÷ăt÷ăc

14

/ɨə/

ưa

ươi

ươu

ươm÷ươn÷ương

ươp÷ươ÷ươc



        3.3.2. Vần thông 2

        Vần thông 2 căn cứ sự giống nhau của âm cuối, và sự khác nhau của âm chính phải thỏa điều kiện là những âm chính đó có cùng một nhóm NA. Ví dụ: các vận căn [iu÷êu÷eo÷iêu], ký âm IPA (viết tắt bằng ký hiệu =>) là /iw÷ew÷εw÷iew/, có cùng  âm cuối là BAC [-u, -o] =>/-w/, thì âm chính [i, ê, e, iê] => /i, e, ε, ie/, phải là những NA cùng nhóm, trong ví dụ này là nhóm NA1. 
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả các vần thông 2 (các ký âm gạch ngang chữ là các vần cái không có của âm tiết tiếng Việt):
 

Âm cuối

Âm chính

Số mã

Liệt kê

nhóm NA1

nhóm NA2

nhóm NA3

(1 đến 4)

(5 đến 8)

(9 đến 14)

1

/-/

i÷ê÷e÷iê

u÷ô÷o÷uô

ư÷ơ÷a÷ươ;
ơ÷â÷a÷ă;

2

/j/

 

ui÷ôi÷oi÷uôi

ưi÷ơi÷ai÷ươi
ơi÷ây÷ai÷ay;

3

/w/

iu÷êu÷eo÷iêu

 

ưu÷ơu÷ao÷ươu;
ơu÷âu÷ao÷au;

4

/m/

im÷êm÷em÷iêm

um÷ôm÷om÷uôm

ưm÷ơm÷am÷ươm;
ơm÷âm÷am÷ăm;

5

/n/

in÷ên÷en÷iên

un÷ôn÷on÷uôn

ưn÷ơn÷an÷ươn;
ơn÷ân÷an÷ăn;

6

/ŋ/

ing÷ênh÷anh÷iêng

ung÷ông÷ong÷uông

ưng÷ơng÷ang÷ương;
ơng÷âng÷ang÷ăng;

7

/p/

ip÷êp÷ep÷iêp

up÷ôp÷op÷uôp

ưp÷ơp÷ap÷ươp;
ơp÷âp÷ap÷ăp;

8

/t/

it÷êt÷et÷iêt

ut÷ôt÷ot÷uôt

ưt÷ ơt÷at÷ươt;
ơt÷ât÷at÷ăt;

9

/k/

ich÷êch÷ach÷iêc

uc÷ôc÷oc÷uôc

ưc÷âc÷ac÷ươc
ơc÷âc÷ac÷ăc;


        3.3.3. Vần thông 3

        Vần thông 3 giống như vần thông 2, hoặc gọi là vần thông 2 mở rộng, nghĩa là vẫn căn cứ sự giống nhau của âm cuối, nhưng sự khác nhau của âm chính chỉ được áp dụng cho các âm chính tương ứng cụ thể là /ɨ÷u/, /ə÷o/, /a÷ɔ/, /ɨə÷uo/ thuộc 2 nhóm NA2 và NA3. Ví dụ: các vần cái [uông÷ương], có cùng 1 âm cuối là PAC [ng], thì âm chính tương ứng [uô] thuộc nhóm NA2 và [ươ] thuộc nhóm NA3 được chấp nhận..
        Sơ đồ dưới đây trình bày tất cả vần thông 3: (các ô bỏ trống là không có sự hiện hữu của vần cái nào).

Âm chính

Âm cuối

Số mã

Liệt kê

/-/

/j/

/m, p/

/n, t/

/ŋ, k/

 

 

1

2

4÷7

5÷8

6÷9

5÷9

/ɨ÷u/

ư÷u

ưi÷ui

 

ưn÷un
ưt÷ut
ng÷ung
ưc÷uc

6÷10

/ə÷o/

ơ÷ô

ơi÷ôi

ơm÷ôm; ơp÷ôp

ơn÷ôn
ơt÷ôt

 

7÷12

/a÷ɔ/

 

ai÷oi

 

 

 

8÷14

/ɨə÷uo/

ưa÷ua

ươi÷uôi

ươm÷uôm
ươp÷uôp
ươn÷uôn
ưt÷ut
ương÷uông
ươc÷uôc

        Phần nhận xét trên chúng tôi đã sưu tầm trong Truyện Kiều và ghi nhận được phần căn bản như trên.    
        Trên thực tế, các điều kiện phải thỏa cho sự khác nhau của âm chính tương ứng rất phức tạp mà quan niệm xưa lưu truyền bằng phương pháp nhận xét cảm tính (nghe âm phát gần giống nhau) mà không có cơ sở ngữ âm vững chắc nào nên người làm thơ cần cẩn thận khi phán đoán.        

3.4. Ứng dụng của bảng vần cái

        3.4.1. Xác định tính vần điệu

        Dựa vào vị trí trên Bảng vần cái, ta có thể xác định nhanh các hình thức gieo vần theo các tiêu chí sau:
            - Vần chính là những vần có các vần cái nằm chung trên một ô (cell);
            - Vần thông 1 là những vần có các vần cái nằm chung trên một hàng (row), giới hạn trong pham vi từ cột 4 đến cột 9, ví dụ im/inh, ươm/ươn …
            - Vần thông 2 là những vần có các vần cái nằm chung trên một cột (column) và được giới hạn trong cùng 1 nhóm NA, ví dụ inh÷iêng (cùng nhóm NA1), ang÷ương (cùng nhóm NA2), om÷ôm (cùng nhóm NA3), …;
            - Vần thông 3 là các vần cái nằm chung trên một cột và giới hạn ở nhóm NA2 và NA3;
            - Vần lạc là khi các vần cái không được xếp vào các tiêu chí kể trên.

        3.4.2. Xác định các thành tố âm tiết

            a) Các từ (vần) có chữ viết [-em, -en, -anh] => /-εm, -εn, -εŋ/ về mặt chữ viết thì thấy có 2 NA [e, a] khi kết hợp với nhóm PAC [m, n, nh], nhưng về mặt ký âm IPA thì có cùng 1 NA /ε/ kết hợp với nhóm PAC /m, n, ŋ/;
            b) Các từ có chữ viết [-ang, -anh] => /-aŋ, -εŋ/ về mặt chữ viết thì giống nhau ở NA [a] và khác nhau ở PAC [ng-nh] nhưng về mặt ký âm IPA thì ngược lại là có 2 NA /a/, /ε/; và cùng 1 PAC /ŋ/;
            c) Các từ có chữ viết [-ơi, -ây] => /-əj, -ə̆j/: chính là 2 thể dài-ngắn của 1 NA /ə/ kết hợp với 1 BAC là /j/;

        Còn rất nhiều ứng dụng khác về ngữ âm ẩn chứa trong Bảng vận căn

14 tháng 5 2019

Tặng huynh Thạch Hãn

<D.512><Giao Tiếp> 



TẶNG HUYNH THẠCH HÃN

(kỷ niệm ngày kết bạn facebook)

Cũng chỉ hai thằng thích mộng mơ
Hồn rong cõi tạm đuổi thương vờ
Lời ngâm tuổi hạc đầy da diết
Tiếng vọng xuân chiều khẽ vẩn vơ
Dệt những mùa yêu tràn cảm xúc
Cầu bao ý niệm thoả mong chờ
Chừ vui mấy thoảng khơi cùng tận
Tặng phẩm dâng đời khúc mỹ thơ.

Mai Thắng – 190513

---------------------------
★ Bài hoạ của Thạch Hãn

ẤM BỞI VẦN THƠ ANH & TÔI

Anh về ngã ấy buổi chiều mơ
Lối nhỏ mình tôi cũng vật vờ
Ngõ phố mây tràn con hẻm cuộn
Hiên nhà lá rụng gió trời vơ
Thầm mơ vẫn mẹ thềm xưa đón
Chợt hỏi còn em lối cũ chờ
Chỉ bấy nhiêu lòng nghe rạn vỡ
Nhưng đời lại ấm bởi vần thơ ./.

LCT 13/05/2019

Tiễn nhà thơ Phương Lê

<D.511~Tiễn Đưa> 



TIỄN BIỆT SƯ HUYNH PHƯƠNG LÊ

Kính cẩn đôi dòng biệt lão huynh
Hồn thơ nghĩa bạn kết bao tình
Mây Hồng sắc đậm cài treo ảnh
Cảnh hạ mưa buồn khóc tiễn linh
Cảm lỡ làng thương thời nhất vận
Tìm khuây khoả niệm thức vô hình
Mùa Sen Tháp rụng dần gương cỗi
Bước lạc đi về cõi hiển minh

Mai Thắng – 180511

Kết Chữ Ngây Khờ

<D.510~Thơ Vui>



KẾT CHỮ NGÂY KHỜ

(toán thi)

Vào yêu CHÍN mọng gửi câu chờ
TÁM cõi âm thầm thả mộng mơ
VẠN thuở tài hoa tình kiếp lỡ
NGÀN năm tự giác cảnh duyên hờ
Bày TRĂM mối chỉ thêu mành nhợ
Rảo CHỤC con đường gá nghĩa tơ
Để vẫn ĐÔI mình vương lấy nợ
Tìm nhau kết MỘT chữ ngây khờ.

Mai Thắng – 190508

------------------------------------------
★ Bài xướng của Thạch Hãn

BUỒN MUÔN THUỞ

Tuổi đã vào yêu CHÍN mộng chờ
Đêm choàng BỐN mặt cũng hoài mơ
Hồn đau VẠN kiếp thuyền hăm hở
Dạ khổ NGÀN NĂM bến hững hờ
Vỡ cả khoang lòng TRĂM mối nhợ
Rơi tràn mảnh gối CHỤC đường tơ
Mình HAI đứa vẫn buồn MUÔN thuở
Để vướng đời nhau MỘT chữ khờ./.

LCT 08/05/2017

---------------------------------------
★ Bài hoạ của Hữu Thiên (Nguyễn Lâm)

NỬA CUỘC ĐƯỜNG DUYÊN

(Toán thi )

Chiều xưa MỘT buổi hứa em chờ
Chửa được MƯƠI ngày gãy gánh mơ
VẠN ngã lòng trao vừa khép dở
NGÀN đêm dạ gửi đã buông hờ
Tình đan MỖI lúc dần xa nhợ
Mộng khởi ĐÔI lần cũng hết tơ
NỬA cuộc duyên buồn như gió rã
VÀI thu lạnh giá mảnh tim khờ..!

NL09/05/2019

Bóng chiều

<D.509><Thời Tiết-Khí Hậu>



BÓNG CHIỀU

Ảnh ráng phương đoài khẽ lịm rơi
Vầng mây tản vội cuối chân trời
Dòng trôi mặt sóng êm đềm trải
Nước đẩy con thuyền lặng lẽ bơi
Vẳng tiếng bờ xa bồng quãng nhạc
Hoà cung điệu lướt gẫm duyên đời
Về đâu ánh vợi chiều phiêu lãng
Vọng bấy ân tình cảm nghĩa khơi.

Mai Thắng – 190508

★ Bài xướng của Dung Nguyên

SÔNG CHIỀU

Nghiêng chiều giọt nắng khẽ khàng rơi
Đỏ thẫm màn mây tận cuối trời
Rực rỡ bên đầm hoa súng trổ
Âm thầm giữa khoảng mái chèo bơi
Câu hò ấm bổng ru miền hạ
Điệu ví nồng êm ủ nghĩa đời
Tĩnh lặng dòng sông màu trắng ảo
Cho nguồn xúc cảm dịu dàng khơi.

DUNG NGUYÊN
06/05/2019

C. Bồng Lai Tiên Cảnh

<C.029><Điển tích văn học> 

Đề tài: BỒNG LAI TIÊN CẢNH
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức 



    Kể từ đến cảnh BỒNG LAI,
    May thay đã trộm thấy người tiên cung

        Đó là hai câu thơ trong truyện Nôm Phan Trần, tả lúc Phan Sinh gặp lại Trần Kiều Liên đang tu trong chùa. BỒNG LAI là tên của một trong ba ngọn núi có tiên ở, ở ngoài biển đông, thường được dùng để chỉ chỗ ở của người đẹp như... tiên. Theo tích sau đây :

        Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử : Phía đông của Bột Hải, có một nơi vực sâu muôn trượng, gọi là Quy Khâu. Tất cà những sông ngòi ao hồ của đất liền đều chảy về nơi nầy. Tương truyền là mực nước ở nơi đây không lên không xuống, cho dù tất cả sông biển đều đổ về đây. 

        Trên mặt nước mênh mông ở đây, có 5 ngọn núi thần đang trôi nổi, đó chính là : “Đại Dư” 岱輿, “Viên Kiệu” 員嶠, “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Mỗi ngọn núi cao và rộng khoảng 3 vạn dặm, phần bằng phẵng trên đỉnh núi cũng hơn 9 ngàn dặm. Các hòn núi nầy cách nhau khoảng 7 vạn dặm. Trên mỗi núi đều có lâu đài lầu các nguy nga xây toàn bằng hoàng kim và bạch ngọc. Hoa thơm cỏ đẹp, cây trái thơm ngon bốn mùa không dứt, ăn vào thơm tho mồm miệng và trường sinh bất tử. Năm ngọn núi nầy đều là nơi ở của các người tiên. Họ thường bay qua bay lại trên năm ngọn núi nầy mà vui chơi để tiêu dao ngày tháng. Có một điều làm họ không được thoải mái là 5 ngọn núi nầy như là 5 cái hồ lô lớn trôi nổi trên biển cả mênh mông, khiến họ đi lại không được thoải mái và như ý. Nên họ cùng thỉnh cầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giải quyết cho vấn nạn nầy. Ngọc Đế bèn ra lệnh cho thần ở Bắc Hải là Ngung Cường để tìm phương giải quyết. Ngung Cường bèn điều 15 con cự Ngao ( Ba ba lớn ) chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 3 con chịu trách nhiệm giữ lấy một ngọn núi. Ba con ba ba khổng lồ, một con lặn xuống biển đội núi lên, hai con còn lại giữ hai bên cho núi đừng di chuyển nữa. Phân công là cứ 6 vạn năm sẽ thay phiên một lần. Vì thế mà 5 ngọn núi thần tiên nầy được cố định không còn nổi trôi di chuyển trên biển đông nữa.

        Nhưng chẳng bao lâu sau, có một người của nước Long Bá ( nước của người Khổng lồ ) đến nơi nầy, thân hình của hắn cao vút tận mây xanh, hắn bước đi trong biển đông như đi trong ao cá sau vườn; chỉ cần vài ba bước là hắn đã đi khắp cả 5 ngọn núi thần tiên. Hắn phát hiện trong nước có cá ngao (Ba ba) lớn, bèn lấy cần móc mồi câu, câu một hơi 6 con ngao lớn, quảy lên vai vác về nhà. Nên hai hòn núi tiên Đại Dư và Viên Kiệu, bị mất đi 6 con ngao, không có gì cầm giữ lại, nên trôi dạt lên bắc cực và chìm xuống biển mất dạng. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết tin, cả giận, bèn thi triển thần uy, làm cho người nước Long Bá nhỏ lại chỉ cao hơn người thường một cái đầu mà thôi.

Người Long Bá câu Ngao

        Đó là truyền thuyết trong Sơn Hải Kinh 《山海经》và các sách xưa cũng có ghi lại chuyện năm tiên đảo bị chìm hết hai, nên chỉ còn lại có “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Tục gọi là " Bồng Lai Tam Đảo 蓬莱三岛 ". Vì là nơi của tiên ở nên còn gọi là " Bồng Lai Tiên Cảnh 蓬莱仙境 " để chỉ cảnh đẹp của tiên giới mà trên đời không thể có được. Sở dĩ Bồng lai nổi tiếng hơn hai tiên đảo kia là vì đó là nơi ở của Bát Tiên trong sự tích Bát Tiên Quá Hải. Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, khi luận về chữ VUI, ông Sãi đã nói với bà Vãi rằng :
    Non BỒNG LAI bước tới, sãi vui với Bát Tiên,
    Núi Thương Lãnh tìm lên, sãi vui cùng Tứ Hạo.

        BỒNG LAI còn được gọi là BỒNG CHÂU 蓬洲. Châu là phần đất nổi trên mặt biển, nên gọi tiên đảo Bồng Lai là Bồng Châu, như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, đoạn nói về Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử có câu :
    Non sông đã trót lời thề,
    Hai người một phút hóa về BỒNG CHÂU.

        Không gọi là Bồng Châu thì lại gọi là BỒNG HỒ 蓬壺, Hồ là cái Hồ Lô đựng rượu, vì tiên đảo Bồng Lai trôi nổi trên biển Đông giống như là một chiếc Hồ Lô khổng lồ, nên còn gọi là BỒNG HỒ như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ :
    BỒNG HỒ, Lãng Uyển xưa hằng có,
    Độ ấy nhân gian dễ mấy đời.

        Và vì Bồng Lai là một ngọn núi, nên còn gọi là BỒNG SƠN 蓬山. Như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
    Tấc gang gác khóa lầu then,
    BỒNG SƠN rằng cách muôn nghìn chẳng sai.

        Và vì là một tiên đảo giữa biển, nên còn được gọi là BỒNG ĐẢO 蓬島. Như trong thơ của cụ Nguyễn Trãi :
    Thuốc tiên thường phục tử hà sa,
    BỒNG ĐẢO khôn tìm ngày tháng qua.

        BỒNG ĐẢO là đảo của tiên ở, là cỏi tiên, là nơi sướng nhất trần gian mà mọi người hằng ao ước. Nên trong văn chương các cụ ngày xưa còn dùng chữ Bồng Đảo để chỉ những cái gì làm cho người ta sung sướng nhất, tiêu hồn lạc phách nhất... Như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tả Thiếu Nữ Ngủ Ngày vậy :
    Đôi gò BỒNG ĐẢO sương còn ngậm,
    Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

        Quả là cảnh tượng tiêu hồn lạc phách làm cho :
    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
    Đi thì cũng dở, ở không xong !

        So với ĐÀO NGUYÊN và THIÊN THAI thì BỒNG LAI hoàn toàn là sản phẩm thần thoại và tưởng tượng theo truyền thuyết, không có một chút căn cứ thực tế nào cả. Nhưng vì Bồng Lai là cỏi tiên, là vùng đất hứa ngày xưa mà mọi người hằng ao ước, nó hư hư thực thực nên dễ hấp dẫn người đời, nhất là trong lãnh vực văn thơ cổ xưa. Trong dân gian sức hấp dẫn của Bồng Lai càng mạnh mẽ hơn với những truyện truyền khẩu về BÁT TIÊN QUÁ HẢI, và từ Bồng Lai được dùng đặt tên cho một Thị Trấn cấp Huyện thuộc Thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, nơi giáp ranh giữa Bột Hải và Hoàng Hải, là nơi mà theo truyền thuyết Bát Tiên là Lữ Động Tân, Lý Thiết Quảy, Trương Quả Lão, Hán Chung Ly, Tào Quốc Cựu, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa và Hàn Tương Tử đã thi triển thần thông, đạp bèo lướt sóng, xuất phát từ nơi bãi biển nầy "quá hải" để đến đảo Bồng Lai vui với cuộc sống thần tiên.

        Nhắc đến BÁT TIÊN lại làm cho ta nhớ đến lúc Từ Hải gặp Kiều. Sau khi " Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn " để chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, thì Từ Hải cũng đã :
    Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
    Đặt giường thất bảo, vây màn BÁT TIÊN.

        Để cho " Trai anh hùng , Gái thuyền quyên " gặp nhau như là lạc vào BỒNG LAI TIÊN CẢNH vậy !

Đỗ Chiêu Đức

09 tháng 5 2019

Đối bóng

<D.508><Cảm Xúc>



ĐỐI BÓNG

Bóng ngã đèn chong ảnh lại về
Soi tình ấm lạnh nghĩa hiền thê
Con đường dịch biến thời qua trải
Cảnh huống hoài theo chuỗi cận kề
Vẫn hiện trầm ngâm dòng cảm xúc
Luôn cùng phảng phất nỗi buồn tê
Từng đêm lặng lẽ men sàng lắng
Mặc bão lòng đang nổi tứ bề

Mai Thắng
190421

-----------------
Bài xướng của Sông Thu

TRI KỶ MỘT ĐỜI

Đèn mới thắp lên, bóng đã về
Ân cần thân thiết tựa phu thê
Ta cười, bóng rộn vui nghiêng ngả
Ta khóc, bóng buồn khổ tái tê
Trà cúc nâng ly cùng đối ẩm
Nhạc tình dạo khúc lại chung nghe
Nỗi niềm tâm sự không cần ngỏ
Thấu hiểu lòng nhau, mãi cận kề.

Sông Thu

Sắc hạ tươi nồng

<D.507><Thương Hạ Ca>  



SẮC HẠ TƯƠI NỒNG

Giã biệt xuân tàn chuyển sắc bông
Chùm hoa lịm rã mất hương nồng
Ve buồn góc cổng luôn hoài niệm
Liễu đứng bên hồ mải đợi trông
Cảm trận mưa chiều rơi thấm đẫm
Chào tia nắng vãn điểm khoe hồng
Diều lên thẳm vợi màu xanh biếc
Ước thả mơ màng một quãng không

Mai Thắng – 190430

-----------------------------

ÊM ĐỀM SẮC HẠ

Giao mùa bịn rịn cúc vài bông
Hạ đến làn hương bỗng thoảng nồng
Giữa bến con đò ngơ ngẩn đợi
Bên hồ dáng liễu rỡ ràng trông
Hờn ve phượng vĩ vừa bung đỏ
Dỗi nắng tường vi mới trổ hồng
Rực rỡ khung trời mây trắng điểm
Nâng diều vút bổng tận tầng không!

29/4/2019
DUNG NGUYÊN 

Ngắm biển chiều

<D.506><Cảnh Biển Trời>



NGẮM BIỂN CHIỀU

Trùng khơi thẳm vợi đắn đo nhiều
Cảm nhận khung trời đỗ bóng yêu
Bỏ mặc thuyền trôi lòng chuỗi sóng
Hờ thương biển nhặt ráng ban chiều
Chân buồn khập khiễng dìu thân ngả
Bước nhãng trây lười dợm ảnh xiêu
Mảnh khói lam vờn xoay giục giã
Người thơ mộng ấy thoả bao điều.

Mai Thắng - 190419

------------------ 
★ Bài xướng của Ngọc Liên

BIỂN CHIỀU

Có lẽ tình em chẳng đủ nhiều
Nên đành bỏ lỡ một lời yêu
Dù thơ vẫn đắm bên dòng nhạc
Dẫu sóng còn xô giữa biển chiều
Tiếng hẹn như là cơn gió thoảng
Câu thề cũng chỉ cánh buồm xiêu
Mà sao mãi đợi từng năm tháng
Để nắng mờ phai áo lụa điều.

Ngọc Liên 16.04.19

Hoa Thiết Mộc Lan

<D.505~TN Hoa Trái>



HOA THIẾT MỘC LAN

Màu hoa điểm nhạt kết nên chùm
Cọng duỗi đua dài lá trải um
Thoảng vị hương nồng bay cám dỗ
Nhờ cơn gió nhẹ tản đưa giùm
Tài nhô thọ phúc không cầu khẩn
Cội vững nhân từ chẳng cúi khum
Nhắn nhủ lòng son nền phụng dưỡng
Đời vui thiện phát cảnh thương đùm.

Mai Thắng – 
190415

★ Bài xướng của Dung Nguyên

HOA THIẾT MỘC LAN

Trắng dịu tinh khôi nở kết chùm
Hoa xòe giữa cội lá xanh um
Thơm lồng cảnh vật sương hoà lẫn
Khéo gửi làn hương gió thoảng giùm
Ngắm những đài xinh màu nhạt nhạt
Yêu từng nụ nhỏ cánh khum khum
Thêm tài lộc phát trong nhà bạn
Nhắc nhở con tim phải bọc đùm

DUNG NGUYÊN
14/04/2019

C. Đào Nguyên Thiên Thai

<C.028><Điển tích văn học>

Đề tài: ĐÀO NGUYÊN, THIÊN THAI
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chào mừng đón hỏi dò la,
ĐÀO NGUYÊN lạc lối đâu mà đến đây ?

        Đó là hai câu trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên đến báo mộng. Vì là một hồn ma, nên "sen vàng lảng đảng như gần như xa" làm cho Thúy Kiều lầm tưởng không biết là tiên ở chốn nào đi lạc đến đây. Thật ra thì ĐÀO NGUYÊN là nơi có cảnh trí yên lành đẹp đẽ và người dân nơi đó hiền lành hòa ái, sống hòa đồng với nhau một cách vui vẻ, không tham lam đấu đá, tranh danh đoạt lợi như thế giới bên ngoài, chớ không phải là cảnh tiên gì cả, theo ĐÀO HOA NGUYÊN KÝ 桃花源記 của Đào Uyên Minh thì :

 
       Năm Thái Nguyên của Hiếu Võ Đế đời Đông Tấn, có một người ở đất Võ Lăng, làm nghề đánh cá độ nhật. Một hôm, ông ngược theo dòng sông đi về phía đầu nguồn. Không biết đi được bao lâu, bỗng thấy hai bên bờ sông toàn là rừng hoa đào ngào ngạt hương thơm trên những thảm cỏ xanh bát ngát. Ông rất ngạc nhiên nên quyết định đi cho đến cuối rừng đào. Khi đến đầu nguồn là một tòa núi lớn, nguồn nước từ trong hang núi chảy ra, và có ánh sáng thấp thoáng ở phía bên kia hang động. Ông bèn bỏ thuyền, men theo hang động mà đi độ vài mươi bước, thì thấy hang động mỗi lúc một rộng ra và sáng hơn lên. Khi ra đến bên ngoài thì như là lạc vào một thế giới khác. Đất lành đường rộng, ruộng lúa phì nhiêu, nhà cửa khang trang sạch sẽ. Gái trai già trẻ ăn mặc tươm tất chỉnh tề, gặp nhau chào hỏi cười nói vui vẻ.

        Họ trông thấy người đánh cá khác hơn những người trong thôn, đều rất ngạc nhiên mà đến thăm hỏi đủ điều. Rồi thay phiên nhau mời về nhà mà đãi đằng cơm nước. Họ kể cho người đánh cá biết rằng : Tổ tiên của họ vì muốn lánh chiến tranh loạn lạc của đời Tần mà dắt díu nhau tìm đến chốn nầy để lánh nạn. Thấy đây là mảnh đất lành yên ổn nên định cư và cắt đứt luôn liên lạc với người bên ngoài đã nhiều đời nay rồi. Họ hỏi người đánh cá bây giờ là triều đại nào, họ không biết gì đến nhà Đông Hán Tây Hán gì cả, đừng nói chi đến đời Ngụy đời Tấn. Người đánh cá bèn kể lại diễn tiến của mấy trăm năm lịch sử cho họ nghe. Mọi người đều tỏ ra rất cảm khái. Họ thay phiên nhau chiêu đãi để nghe người đánh cá kể chuyên bên ngoài đời. Được mấy hôm, người đánh cá bèn từ biệt ra về. Người trong thôn Đào Nguyên đều căn dặn là đừng nói sự hiện diện của họ cho người bên ngoài biết.

        Ra khỏi Đào Nguyên, người đánh cá bèn men theo đường cũ mà ra về, mỗi khi đến đoạn sông uốn khúc hay ngã rẻ đều dừng lại để đánh dấu. Khi đã đến huyện thành, bèn vào yết kiến Thái Thú nơi đó mà trình báo mọi việc. Quan Thái Thú bèn phái người theo ông ta lần theo những dấu hiệu mà ông ta đã đánh để đi tìm. Nhưng rốt cuộc vẫn bị lạc đường không sao tìm ra lối vào Đào Nguyên nữa.

        Có người tên Lưu Tử Ký ở quận Nam Dương, là một người thanh cao thoát tục, nghe được chuyện nầy, bèn dự tính tìm cách để đến cho được Đào Nguyên, nhưng không thành. Ít lâu sau thì bị bệnh mà chết. Từ đó về sau không còn có người hỏi đến chuyện Đào Hoa Nguyên nữa.

        ĐÀO NGUYÊN là thế đấy, chỉ là một làng quê yên lành với đời sống mộc mạc không đòi hỏi cao sang, không tranh danh đoạt lợi... Nhưng đối với thế giới bên ngoài đầy lòng tham lam, nhiểu nhương, chiến tranh, chết chóc... thì đây quả thật là cảnh tiên mà mọi người dân hằng ao ước ! Trong văn học văn chương thi vị và lý tưởng hóa ĐÀO NGUYÊN thành một nơi như là Thiên Thai Tiên Cảnh. Nên trong bản nhạc THIÊN THAI, nhạc sĩ Văn Cao đã viết lời nhạc mở đầu cho bài hát là :
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...
 Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên... 

https://www.youtube.com/watch?v=ZYqVSSicrfo

        Lời nhạc đã viết Sai mà... Đúng. Sai vì Lưu Thần Nguyễn Triệu đi lạc vào THIÊN THAI chớ không phải lạc vào ĐÀO NGUYÊN. Đúng vì trong tâm tưởng của quần chúng nhân dân qua văn chương thì THIÊN THAI hay ĐÀO NGUYÊN gì thì cũng như nhau mà thôi, vì đều cùng là chỗ Tiên ở, chỗ ở lý tưởng mà mọi người hằng ao ước ! Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du còn thi vị hóa THIÊN THAI là chỗ ở của người yêu, là chỗ ở của Kim Trọng, khi Thúy Kiều " Lần theo núi giả đi vòng, cuối tường dường có nẻo thông mới rào ", nên Thúy Kiều mới :
Xắn tay mở khóa động ĐÀO,
Rẻ mây trông tỏ lối vào THIÊN THAI !

        Khi đã yêu thì con gái cũng bạo như con trai vậy !

 
       Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống(宋.劉義慶《幽明錄)chép rằng :
        Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế ( Công nguyên năm 62 ), người đất Diễm ( thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay ) là LƯU THẦN 劉晨 và NGUYỄN TRIỆU 阮肇 vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiễm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ. Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẵn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng : " Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ? " Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẵn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẵn , tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị. Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên tử trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !...


    
    Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại, được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp...như tiên, nhưng khi nghe tiếng Tử Qui gọi Xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nở rời xa !...
Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng : Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi ( Công Nguyên năm 388 ) hơn 300 năm sau rồi !. Hai người đành quay trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa !


    
    Trong những bài thơ vịnh về LƯU NGUYỄN LẠC THIÊN THAI, phải kể đến 5 bài trong ĐẠI DU TIÊN THI của TÀO ĐƯỜNG đời Đường là tiêu biểu và nổi tiếng nhất. Nhất là các câu :
不知此地歸何處, Bất tri thử địa quy hà xứ ?
須就桃源問主人。 Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.
        Có nghĩa :
Chẳng biết nơi đây về đâu nhỉ?
Tìm đến Đào Nguyên hỏi chủ nhân.

        Hay như :
 花留洞口應長在, Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
 水到人間定不回。 Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
        Có nghĩa :
Hoa trước động luôn sầu mong nhớ,
 Nước xuôi dòng biết thuở nào về,

        Hay như câu :
 桃花流水依然在, Đào hoa lưu thủy y nhiên tại,
 不見當時勸酒人。 Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.
         Có nghĩa :
 Hoa đào nước cuốn như xưa,
Đâu người chuốc rượu tiễn đưa dạo nào !?


    
    Trong truyện Nôm Nữ Tú Tài, sau khi biết Tuấn Khanh là nữ, tên là Phi Nga thì :
Soạn Chi nghe nói tỏ tường,
Khác nào Lưu, Nguyễn gặp nàng tiên nhân.

        ĐÀO NGUYÊN, THIÊN THAI đều là những nơi có thật, được người đời lý tưởng và thần tiên hóa thành những chỗ ở của thần tiên, để so sánh với cỏi đời thật đang diễn ra trước mắt một cách xô bồ xô bộn. Trong thực tế, nếu ta chịu an phận thủ thường, chấp nhận thực tại là hạnh phúc, thì nơi đâu cũng là Đào Nguyên và Thiên Thai cả !

Đỗ Chiêu Đức