Nhãn

19 tháng 1 2019

Đẹp Dáng Nhà Thơ

<D.428~Thơ Vui>



ĐẸP DÁNG NHÀ THƠ

Trông già rạng rỡ chính nhà thơ
Chảnh choẹ luôn vờ cõng túi thơ
Mũi nhạo câu hờ thơm món phở
Mi chầu dáng thở đẹp trời thơ
Còn đương lỡ dở treo màu nhớ
Vẫn chạnh bơ phờ tiếc tuổi thơ
Não trạng ầu ơ ngầm nhắc nhở
Tim gìn mạch hở phác vần thơ.

Mai Thắng – 190116

★ Bài hoạ của sư huynh Phương Lê

1. MÒN MỎI

LÂU NAY mệt mỏi với nàng THƠ
ĐỎNG ĐẢNH, điêu ngoa, chẳng chút THƠ
ĐỘI NẮNG, giong mưa tuyền nón PHỞ
GHẸO NGƯỜI, lụi thú chỉ bài THƠ
DƯ CÔNG, rảnh rỗi ngồi nhung NHỚ
THIẾU TỨ, lơ là bước thẩn THƠ
CHÁN NẢN, ra vô nhăn với NHỞ
NHÌN LUI, ngó tới nỏ* thành THƠ!

MA 190119 Tú Ghẻ-Trạng Lụi
* nỏ (phương ngữ): không

2. MỆT PHỜ

MỆT PHỜ duyên NỢ với nàng THƠ
MAN RỢ, lập LỜ, chẳng chút THƠ
QUÁ CỠ bụng BƠ rồi tới PHỞ
LẲNG LƠ để HỞ lại kêu: THƠ!
SA CƠ gặp SỞ còn thương NHỚ
TỚI CHỢ cập BỜ lại thẩn THƠ
NỊNH BỢ, mù MỜ, nham với NHỞ
LỜ ĐỜ, ú Ớ, vậy mà THƠ!

MA 200119
Tú Ghẻ-Trạng Lụi

★ Bài hoạ của sư huynh Đỗ Quyên

TẾT CÓ THƠ

Nín THỞ hàng GIỜ cố nặn THƠ
Lờ MỜ mới VỚ được vần THƠ
Ngu NGƠ cứ NGỠ như ăn PHỞ
Vỡ LỠ đâu NGỜ mới học THƠ!
Mắc NỢ nhưng VỜ như hổng NHỚ
Còn MƠ tìm CỚ để quên THƠ
Hững HỜ càng RỚ càng nham NHỞ
Vớt ĐỠ: Hãy CHỜ tết có THƠ!

Đỗ Quyên

★ Bài hoạ của sư tỉ Thân Thị Vân Hà

HỘI THƠ

Ô hay bắt chước lũ trẻ thơ,
Các cụ châu đầu cố nặn thơ.
O nớ bưng vào dăm tô phở,
Chú tê xoá mất mấy khổ thơ.
Gió cợt mơ màng rơi màu nhớ,
Hoa cười chúm chím rớt ý thơ.
Chị hai, bé út cùng cu nhỡ,
Tìm mãi mô rồi các vần thơ?

Hóc Môn 21012019
THÂN THỊ VÂN HÀ

* Ghi chú:
Bài này sáng tác theo thể ngũ độ thanh, gieo vần nhất vận, hài âm đại vận:
- Thể ngũ độ thanh: là một thể thơ thất ngôn bát cú, chính luật, vận dụng tất cả 6 thanh điệu của từ tiếng Việt vào vị trí các câu bằng và câu trắc của bài thơ (câu bằng có 4 từ bằng + 3 từ trắc; câu trắc có 4 từ trắc + 3 từ bằng - câu trắc phải gieo đủ 4 từ trắc khác dấu, còn câu bằng phải gieo 2 từ bằng kề nhau khác dấu thanh);
- Gieo vần nhất vận là gieo tất cả các vần thơ (bằng hay trắc) đều có cùng 1 vận căn, trong bài là vận căn /ơ/, (bài này thuộc thêm 1 trường hợp đặc biệt là toàn bộ vần thơ bằng có cùng 1 từ là [thơ])
- Hài âm đại vận là chơi phạm lỗi đại vận toàn bài thơ tức là hài vận của từ thứ 4 và từ thứ 7 trong mỗi câu thơ có cùng vận căn (trong toàn bài là vận căn [ơ]).
- Bài của sư huynh Đỗ Quyên chơi đặc biệt hơn nữa là phạm thêm một lỗi TIỂU VẬN nữa, đó là chơi thêm từ thứ 2 đồng vận căn [ơ] với từ thứ 7).

Không có nhận xét nào: