29 tháng 1 2019

Gương Vỡ Lại Lành

<C.015~Điển tích văn học> 
Đề tài: GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH có gốc từ Thành ngữ Điển tích PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 mà ra. Nói Nôm na theo dân Nam Kỳ Lục tỉnh là "Kiếng Bể Lại Tròn". Thường dùng để chỉ vợ chồng hoặc đôi lứa yêu nhau, vì hoàn cảnh mà phải phân ly cách trở, xa nhau một thời gian, rồi do một cơ duyên nào đó lại được sum họp đoàn viên trở lại. Như Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc vì phải bán mình chuộc cha, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần", cuối cùng cũng được đoàn viên sum họp với gia đình và Kim Trọng, nên trong buổi tiệc đoàn viên, khi đã "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân mới đứng lên nói rằng :
        Những là rày ước mai ao,
        Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
        Bây giờ GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH
        Khuôn duyên lừa lọc đã dành có nơi ...

        Điển tích Gương Vỡ Lại Lành theo tích sau đây :
        Em gái của Trần Hậu Chúa 陳後主 Nam Triều là Lạc Xương Công Chúa 樂昌公主 có chồng là Thái tử Xá nhân Từ Đức Ngôn 徐德言. Vợ chồng rất mực thương yêu nhau.

 
       Khi Tùy Văn Đế cử binh đánh nước Trần, thì Trần Hậu Chủ chỉ lo ở trong cung ăn chơi, làm thơ đề từ. Nên quân Trần thua chạy khắp nơi. Từ Đức Ngôn thấy đại cuộc sắp tiêu vong, nên vô cùng lo lắng.

        Biết rằng nước Trần sẽ mất trong nay mai, không còn cách gì cứu vãn được nữa. Từ bèn nói với Công chúa rằng : "Với tài hoa và sắc đẹp của nàng, khi nước đã mất rồi, chắc chắn sẽ lọt vào tay những bậc quyền qúy sau nầy. Nếu duyên phận chúng ta chưa dứt, ta rất mong gặp lại nàng sau nầy, nhưng chúng ta cũng phải có một tín vật gì đó để mà nhận nhau chứ !". Nói đoạn, Từ Đức Ngôn vói tay lấy chiếc gương đồng trên bàn trang điểm của công chúa, đập bể làm đôi. Đưa cho công chúa một nửa, còn mình thì giữ một nửa còn lại.

        Hai người cùng ước hẹn nhau rằng, sau nầy nếu có muốn gặp nhau thì vào ngày Tiết Nguyên Tiêu, rằm tháng giêng hàng năm, cứ đem nửa mảnh gương nầy mà rao bán giữa chợ Trường An.


    
    Qủa nhiên, nước Trần mất vào tay nước Tùy. Lạc Xương Công chúa lọt vào tay của hoàng thân nước Tùy là Dương Tố. Tố rất sủng ái công chúa, nhưng nàng thì luôn luôn buồn bã vì nhớ đến chồng.

        Những năm sau đó, tuy cuộc chiến đã yên, nhưng Từ Đức Ngôn luôn nhớ đến công chúa qua nửa mảnh gương, nên thường ra dạo chợ Trường an.

        Tiết Nguyên Tiêu năm đó, Từ cũng mang nửa mảnh gương ra chợ, tình cờ gặp được một gia nhân cũng đang rao bán nửa mảnh gương. Ráp lại thì vừa vặn với nửa mảnh gương của mình.


        Từ bèn khẩn khoản mời gia nhân về nhà trọ hỏi thăm về tin tức của công chúa. Sau khi biết công cúa luôn thương nhớ đến mình. Từ rất xúc động viết một bài thơ ngũ ngôn gởi cho công chúa như sau:
        鏡與人俱去, 
        鏡歸人不歸; 
        無復嫦娥影, 
        空留明月輝 ! 
âm Hán Việt:
        Kính dữ nhân câu khứ 
        Kính quy nhân bất quy
        Vô phục Thường Nga ảnh
        Không lưu minh nguyệt huy!        
có nghĩa : 
        Gương đi người cũng đi theo,
        Gương về người chẳng về theo lại nhà.
        Đâu còn thấy được bóng Nga,
        Bơ vơ như ánh trăng tà trống không !

        Công chúa đọc thơ của Từ Đức Ngôn mà lòng đau như cắt. Suốt mấy ngày liền không ăn uống gì cả. Dương Tố biết chuyện, cảm thông cho tình vợ chồng sắt son gắn bó, mới cho người đi mời Từ Đức Ngôn vào dinh, làm tiệc khoản đãi và mời cả công chúa đến dự.


        Khi công chúa đến nơi, thấy trong bàn tiệc có cả chồng cũ lẫn chồng mới, nàng vô cùng ngỡ ngàng, nửa mừng nửa lo, xúc động mà ngâm rằng:
        今日何遷次, 
        新官對舊官; 
        笑啼俱不敢, 
        方驗作人難 !         
âm Hán Việt: 
        Kim nhật hà thuyên thứ 
        Tân quan đối cựu quan
        Tiếu đề câu bất cảm
        Phương nghiệm tác nhân nan!
 có nghĩa : 
        Hôm nay khéo đổi vời,
        Chồng cũ cùng chồng mới.
        Cười khóc cũng lỡ làng,
        Khó làm người cho nổi !
dịch lục bát:
        Hôm nay sao khéo đổi vời,
        Chồng cũ chồng mới cùng ngồi chung nhau.
        Khóc, cười thiếp biết phải sao ?
        Làm người khó lắm phải nào dễ đâu !


        Từ Đức Ngôn nghe xong cảm động mà rơi nước mắt; còn Dương Tố nghe xong thì cảm động mà cưới lớn rằng: "Thôi được rồi, ta sẽ trả nàng về để cho vợ chồng đoàn viên sum họp". Sau tiệc, Dương Tố chẳng những trả Lạc Xương Công Chúa về cho Từ Đức Ngôn mà còn ban thưởng rất nhiều vàng bạc cho vợ chồng về lại Giang Nam để sống yên vui hạnh phúc tới già .

        Câu chuyện PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 từ đó được lan truyền khắp thiên hạ, qua đến Việt Nam ta thì thành GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH. Mong rằng tất cả những GƯƠNG VỠ trong thiên hạ đều LẠI LÀNH sau những sầu thương lận đận của cuộc đời !

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào: