Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -Điển tích. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -Điển tích. Hiển thị tất cả bài đăng

14 tháng 7 2019

Nước Chảy Đá Mòn

<C.040~Điển tích văn học>
Đề tài: NƯỚC CHẢY ĐÁ MÒN  
(Lý Bạch và Vũ Tuấn Chiêu)
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm


君不見; 
黃河之水天上來 
奔流到海不復回.” 

Quân bất kiến 
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai 
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi 
... 
        Làm chi cho mệt một đời !
        Đó là những câu kết của Cao Bá Quát trong bài hát nói "Uống Rượu Tiêu Sầu" mà ông đã mượn ý trong bài thơ nổi tiếng "Tương Tiến Tửu 將進酒 " của thi tiên Lý Bạch. Để viết được những câu thơ bất hũ như trên, Lý Bạch cũng đã từng trải qua thời niên thiếu học tập vất vả và trãi qua nhiều gian nan trắc trở. Mời đọc qúa trình học tập và rèn luyện của ông sau đây sẽ rõ:

        LÝ BẠCH (701-761) tự là Thái Bạch, tương truyền khi có thai ông, bà mẹ đã nằm mơ thấy sao Trường Canh rơi vào bụng mà sanh ra ông, cho nên mới lấy hiệu là Thái Bạch, vì sao Trường Canh còn có tên là Thái Bạch Kim Tinh.

        Lý Bạch con của Lý Khách 李客, một thương gia có hàm dưỡng văn hóa cao hơn những con buôn bình thường, nên dạy dỗ con cháu rất nghiêm khắc. Lý Bạch là con út thứ 12 của ông, từ nhỏ đã tỏ ra rất thông minh lanh lợi, lại siêng năng học hành, nên ông rất thương yêu và để tâm bồi dưỡng. Khi Lý Bạch mới 5 tuổi đầu đã được ông chỉ điểm cho đọc các từ phú của Tư Mã Tương Như đời Hán. Ông thường nhắn nhủ Lý Bạch là phải cố gắng làm rạng danh nhà họ Lý và phải rèn luyện sao cho có tài như là Tư mã Tương Như vậy. Lý Bạch luôn khắc ghi lời cha dạy bảo và lập chí quyết tâm học hành sao cho hơn cả Tư Mã Tương Như nữa thì mới cam lòng.



        Năm Lý Bạch 10 tuổi, đang theo học văn chương từ phú với thầy ở Tượng Nhĩ sơn thuộc Mi Châu. Một hôm Lý trốn học đi chơi, khi đi ngang qua một khe suối, thấy có một bà lão đang mài một cây chày bằng sắt trên đá. Lấy làm lạ, Lý bèn hỏi bà ta mài cây sắt để làm chi vậy. Bà lão bèn đáp là mài để làm cây kim may đồ và thêu hoa. Lý rất ngạc nhiên nói với bà lão rằng :" Cây sắt to thế kia, bà phải mài đến bao lâu mới thành cây kim được ?". Bà lão bèn đáp rằng :" Hôm nay ta mài, ngày mai ta mài, ngày mốt ngày kia ta cũng mài, cây sắt sẽ ngày một nhỏ dần đi, ắt có một ngày sẽ trở thành cây kim cho ta may vá và thêu thùa được !" Lý Bạch nghe xong chưng hửng, rồi chợt ngộ ra rằng : " Cây chày sắt bị mài hằng ngày sẽ trở thành cây kim, còn ta nếu không chịu cố gắng học tập hằng ngày thì làm sao mà thành tài cho được ?!". Nghĩ đoạn, Lý bèn quay trở lại trường tiếp tục học hành.

  Đến năm 25 tuổi, thì Lý Bạch đã trở thành một thanh niên văn võ song toàn. Với một túi thơ bầu rượu và một thanh kiếm báu trên lưng, ông đi chu du khắp chốn cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ và vì thế mà ông sáng tác và để lại khắp nơi những văn thơ bất hũ. Được người đời xưng tụng là Thi Tiên như bốn câu thơ sau đây của Thi Thánh Đỗ Phủ viết về ông:

Hán ngữ:
        李白斗酒詩百篇,
        長安市上酒家眠,
        天子呼來不上船,
        自稱臣是酒中仙。
        
âm Hán Việt: 
        Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên
        Trường An thị thượng tửu gia miên
        Thiên tử hô lai bất thượng thuyền
        Tự xưng thần thị tửu trung tiên!
 
có nghĩa :
        Lý Bạch đấu rượu thơ trăm,
        Trường An quán chợ hay nằm ngủ quên.
        Lệnh vua gọi chẳng lên thuyền,
        Tự xưng thần chính là tiên trong đời !

    
    Đó chính là Thi Tiên Lý Bạch của buổi Thịnh Đường, vì được câu nói của bà lão: "Có công mài sắt có ngày nên kim" mà quyết chí dùi mài kinh sử, trở thành Thi Tiên nổi tiếng giỏi thơ và tiếng thơm còn được truyền tụng cho đến ngày hôm nay.



        Nhìn về sử Việt Nam ta thì có ông Trạng Nguyên nhờ câu nói của vợ là "Nước chảy đá mòn" mà phấn chí học hành để được đỗ Trạng. Đó chính là ... 

        VŨ TUẤN CHIÊU  武濬昭 (1426 - ?) nguyên quán xã Cổ Liễu, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), phủ Phụng Thiên, trú quán phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức (nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Ông đỗ đầu trong số ba đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ (tức Trạng Nguyên) khoa thi Hồng Đức năm thứ 6 (1475). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại.

        Theo sách Sử Việt "những bất ngờ lý thú": Vũ Tuấn Chiêu mồ côi cha từ nhỏ. Do cuộc sống khó khăn, mẹ của Vũ Tuấn Chiêu phải đưa con về quê ngoại ở ngoại thành Thăng Long. Mấy năm sau, mẹ qua đời, Vũ Tuấn Chiêu lại trở về quê nội làm ăn sinh sống.



        Tại đây, ông kết hôn với Nguyễn Thị Chìa. Là người nết na, bà Chìa không quản vất vả, chăm chỉ ruộng đồng, dệt vải kéo tơ, vừa phụng dưỡng cha già, vừa nuôi chồng ăn học. Thế nhưng, Vũ Tuấn Chiêu tuy mặt mũi khôi ngô, nhưng học hành lại rất tối dạ. Hơn 10 năm đèn sách, đường học vấn của ông vẫn không tiến bộ. Trong một lần bà Chìa gánh gạo đến cho chồng, thầy giáo đã gọi người vợ lại để trả chồng về. Thầy bảo rằng: "Trò Chiêu tuổi đã lớn, học hành lại không tấn tới, nay ta cho về giúp con lo việc nhà, việc đồng áng cho đỡ bề vất vả". Hết lời cầu xin, nhưng thầy vẫn không đổi ý, hai vợ chồng bèn thu xếp quần áo, sách vở về nhà. Khi đến đầu làng, họ dừng chân nghỉ ngơi bên chiếc cầu đá bắt qua nhánh sông nhỏ, thấy cây cột đá chân cầu bị mòn, Vũ Tuấn Chiêu lấy làm ngạc nhiên hỏi vợ.

        Bà Chìa nói rằng: "Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu. Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn. Nên làm việc gì nếu có chí, có sự kiên trì, nhẫn nại thì tất sẽ thành công". Nghe lời vợ nói, Vũ Tuấn Chiêu chợt tỉnh ngộ. Ông liền bảo vợ trở về nhà, còn mình mang sách vở, quần áo trở lại nhà thầy đồ xin tiếp tục theo học.

        Thấy học trò quay lại, thầy ngạc nhiên hỏi nguyên nhân. Vũ Tuấn Chiêu đáp rằng: "Nước chảy đá mòn, thưa thầy việc học cũng như vậy, nếu có chí học thì chắc chắn sẽ khá lên. Nay con trở lại trường quyết tâm dùi mài kinh sử, mong một ngày có tên trên bảng vàng; trước là khỏi phụ công ơn dạy dỗ của thầy, sau đền đáp tấm lòng của vợ và cũng để thỏa cái chí của con". Tuy nghe học trò nói một câu đầy khí khái, thầy vẫn không tin lắm. Nhân lúc ngoài trời nổi gió, lác đác mưa rơi, thầy đồ tức cảnh đọc : 
"Lác đác mưa sa làng Hạ Vũ", ... rồi bảo rằng, nếu đối được thì mới cho ở lại tiếp tục học. Câu đối hóc búa ở chỗ chữ "mưa sa" là "hạ vũ 下雨", mà Hạ Vũ 夏禹 lại là tên một làng thuộc Xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng với ý chí cầu học, suy nghĩ một lát, Vũ Tuấn Chiêu bèn đối lại: "Ầm ì sấm động đất Xuân Lôi".

        Câu đối chuẩn và hay qúa, khiến thầy đồ rất hài lòng, vì "mưa sa" đối với "sấm động", còn "HẠ VŨ 夏禹" lại đối với "XUÂN LÔI 春雷" thì không còn gì chỉnh cho bằng, Xuân Lôi lại cũng là tên một làng của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cái mới thật là tuyệt diệu ! Nên thầy đồ cho ông ở lại tiếp tục học. Từ đó, Vũ Tuấn Chiêu không ngừng nỗ lực, dốc chí học tập, dần dần sức học tiến bộ hẳn lên.

        Để giúp chồng ăn học, bà Chìa tuy tóc đã hoa râm vẫn một mình chăm con, lo việc ruộng vườn, đều đặn gánh gạo cho chồng ăn học. Đến năm Vũ Tuấn Chiêu gần 50 tuổi, bà qua đời. Sau khi vợ mất, Vũ Tuấn Chiêu một lần nữa rời quê hương, đưa con trở về quê ngoại để tiện việc học hành, chuẩn bị tham gia thi cử.

        Đến khoa thi Ất Mùi (1475) dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên. Bấy giờ, ông đã gần 50 tuổi, trở thành một trong ba vị Trạng Nguyên già nhất khi đỗ đạt, cùng Nguyễn Đức Lượng (đỗ năm 1514) và Nguyễn Xuân Chính (đỗ năm 1637), đều đã gần 50 tuổi mới thi đậu. Theo tư liệu còn ghi lại tại bia tiến sĩ ở Thăng Long, khoa thi năm đó, rất đông người tham gia nhưng số được chấm đỗ không nhiều. Qua bốn trường lấy trúng cách được 43 người... Khi dâng đọc quyển thi, vua Lê Thánh Tông đã ban cho Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên nhờ bài thi xuất sắc nhất.



        Bài văn sách thi Đình của Trạng Nguyên Vũ Tuấn Chiêu hiện vẫn được lưu lại trong cuốn gia phả của họ Vũ ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Bài thi gồm 23 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng từ 4 đến 31 chữ. Sau khi đỗ đạt, Vũ Tuấn Chiêu làm quan trải nhiều chức vụ, sau này giữ tới chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Ông mất năm nào chưa rõ.

        Gương học tập của Lý Bạch dạy cho ta câu :"Có công mài sắt có ngày nên kim", còn gương học tập của Vũ Tuấn Chiêu dạy cho ta câu "Nước chảy đá mòn". Nên ta phải nhớ rằng, ở đời hễ CÓ CHÍ THÌ NÊN, chỉ sợ người không có chí kiên trì mà bỏ dở nửa chừng mà thôi!

Đỗ Chiêu Đức

29 tháng 6 2019

PHONG

<C.038><Điển tích văn học> 
Đề tài: PHONG
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm 
 


        PHONG là gió, là sự chuyển động của không khí mang đến sự mát mẻ thoải mái cho mọi người, nên Phong Lưu là sự lưu động của gió làm cho con người thấy dễ chịu hơn, vì thế con người PHONG LƯU 風流 là con người dễ chịu khoáng đạt rộng rãi; cuộc sống Phong Lưu 風流 là cuộc sống khá giả sung túc đầy đủ.

        - Trong bài GIÓ, ta đã biết thần gió có tên là DI, nên gọi là PHONG DI 風姨. Trong văn học cổ của ta gọi là DÌ GIÓ. Xin kể thêm một giai thoại về tích của Dì Gió theo truyền thuyết thần thoại đời Đường: Phong Di 風姨 là Phong Thập Bát Di 封十八姨, là bà dì đứng hàng thứ mười tám. 

        - Theo sách Bác Dị Chí 博异志 , năm Thiên Bảo đời Đường vào một đêm trăng sáng, Thôi Huyền Vi 崔玄微 đi ngắm hoa trong vườn tình cờ gặp được một toán giai nhân cùng hẹn nhau uống rượu, người đẹp mặc đồ xanh là Dương Thị, đồ trắng lá Lý Thị, đồ Hồng là Đào Thị, người đẹp mặc đồ hồng phấn nhỏ nhất là Thạch Thố Thố, cùng với bà dì thứ mười tám nhà họ Phong (Phong Thập Bát Di) uống rượu vui đùa trong vườn. Bà dì Mười tám uống say làm rượu đổ dơ đồ của Thố Thố, nên tiệc rượu chẳng vui mà tàn. Đêm sau lại đến, Thố Thố nói cho Thôi Huyền Vi biết là mọi người đều trú ngụ trong vườn nầy, và thường hay bị các trận gió bất thường làm cho gãy đổ, nên khẩn khoản nhờ Thôi dựng cho một cây phướng ở phía đông vườn để hóa giải tai nạn. Lúc bấy giờ vừa qua tiết Nguyên Đán, Thôi bèn y lời dựng phướng, tối hôm ấy quả có gió đông nổi lên rất mạnh, làm cho cát bay đá chạy, cây cối gãy cành đổ nhánh, nhưng các loài hoa trong vườn thì lại không sao cả. Thôi Huyền Vi mới ngộ ra rằng các người đẹp đều là các loại hoa ở trong vườn. Nàng họ Dương áo xanh là cây dương liễu; nàng Lý Thị áo trắng là cây hoa lý ở trong vườn, nàng họ Đào mặc áo hồng là cây hoa đào và người đẹp nhỏ nhất Thạch Thố Thố là cây lựu bạch, còn Phong Thập Bát Di chính là Thần Gió đó.

Phong Thập Bát Di và Thạch Thố Thố (nàng Lựu)

        - Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cuả vua Lê Thánh Tông và Nhị Thập Bát Tú có câu :
         Đêm có ả trăng làm bạn cũ,
         Ngày thì Dì Gió quét bên giường.
        - Trong bài phú Lắm Mối Tối Nằm Không cũng có câu :
         Tối đến thở than cùng nguyệt tỉ,
         Ngày thì năn nỉ với Phong Di.

        Theo thứ tự ABC, sau Phong Di ta có:

        * PHONG ĐÌNH 楓庭 : 
        PHONG ở đây là cây Phong, chớ không phải là Gió. Trong cung điện nhà Hán khi xưa thường hay trồng cây phong trong sân chầu, nên PHONG ĐÌNH hay SÂN PHONG là chỉ trong sân của nhà vua, như trong truyện Nhị Độ Mai :
Bách quan đóng chặt Sân Phong,
Tiếng xe chen ngựa, vẻ lồng cân đai...
hay như :
Thiên ân ban trước Phong Đình,
Ba tuần ngự tửu, hai cành cung hoa.

        * PHONG HẠC 風鶴 :
        Phong Hạc là nói gọn lại của thành ngữ Phong Thanh Hạc Lệ, Thảo Mộc Giai Binh 風聲鶴唳,草木皆兵, có nghĩa là tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu, tiếng cỏ cây xào xạc đều ngỡ là binh lính theo tích sau đây : 
        Công Nguyên năm 383, Tiền Tần Vương Phù Kiên sau khi thống nhất một dãy ven sông Hoàng Hà, định tập trung đủ 90 vạn quân sẽ đem quân đánh ụp tiêu diệt nước Đông Tấn, bèn phái em là Phù Dung làm tiên phong chiếm lấy thành Thọ Dương. Phù Dung đánh lấy thành một cách dễ dàng, biết Đông Tấn binh yếu lại thiếu lương thực, mới đề nghị với Phù Kiên nhanh chóng đánh chiếm Đông Tấn. Phù kiên không đợi binh lực tập trung đầy đủ, lập tức đem quân tấn công Đông Tấn ngay.
        Tướng Đông Tấn là Tạ Thạch biết được binh lực của Tần chưa tập trung đầy đủ, bèn dùng kế khích tướng thách Phù Kiên nếu muốn phân cao thấp thì hãy lui binh một dặm, mình sẽ đem binh qua sông Phì Thủy quyết một trận hơn thua, bằng nếu sợ thua thì hãy đầu hàng ngay đi. Phù Kiên cả giận, định giả vờ lui binh, đợi cho binh Tấn qua sông nửa chừng sẽ quay lại đón đánh một trận cho tan tác binh nhung. Nào ngờ, lòng binh Tần đã chán nản vì chinh chiến lâu ngày, nay thấy sứ giả quân địch vừa rời trại thì chủ tướng bèn ra lịnh lui binh, nên lòng càng hoảng sợ mạnh ai nấy chạy người ngựa ngổn ngang dẫm đạp lên nhau hổn loạn thành một khối. Phù Kiên ra lệnh dừng lại thì đã không còn kịp nữa. Bên kia sông Tạ Thạch thấy thế bèn thừa cơ hạ lịnh quân sĩ cấp tốc sang sông truy sát. Quân Tần thấy quân Tấn qua sông ráo riết càng hoảng sợ hơn dẫm đạp lên nhau mà chạy trốn, đến nỗi nghe cơn gió thổi qua cây cỏ lào xào cũng tưởng là quân Tấn đã đuổi đến nơi rồi. Sự kiện nầy đưa đến câu thành ngữ PHONG THANH HẠC LỆ, THẢO MỘC GIAI BINH 風聲鶴唳,草木皆兵, có nghĩa : Tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu, tiếng cỏ cây xào xạc cũng đều là binh lính cả ! Trận đánh nầy quân Tần đã đại bại. Phù Dung chết trong đám loạn quân, còn Phù Kiên trúng tên bị thương may mà chạy thoát được. Sử gọi trận đánh nầy là PHÌ THỦY CHI CHIẾN 淝水之戰.
        Nên tiếng PHONG HẠC là chỉ sự lo sợ hoảng hốt, như trong bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu :
            "Tiếng Phong Hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa;
            Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ."

 
PHONG THANH HẠC LỆ 風聲鶴唳, 

THẢO MỘC GIAI BINH ,草木皆兵,

        * PHONG QUANG 風光 : 
        - Gió và Ánh sáng. Theo như thơ của Tạ Thiểu 謝朓, một trong Cánh Lăng Bát Hữu 竟陵八友 là "Nhựt Hoa xuyên thượng động, Phong quang thảo tế phù 日華川上動,風光草際浮。", có nghĩa là Ánh nắng rực rỡ lay động trên sông và ánh sáng của gió rung rinh trên làn cỏ nổi trên mặt nước. Gió vốn không có ánh sáng, nhưng trên cỏ được ánh sáng mặt trời chiếu vào, cho nên khi cỏ rung rinh dưới ngọn gió thì tưởng chừng như là gió có ánh sáng vậy. Nên ... Phong Quang chỉ phong cảnh sáng sủa rạng rỡ xinh tươi,
        - Như trong Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 :
Phong Quang tám bức vờn tranh,
Bình non mượn khảm, gương doành lét tô.

        * PHONG SẮC 豐嗇 : 
        PHONG là Đầy là Hơn. SẮC là Cạn là kém. Do thànnh ngữ có xuất xứ từ Kinh Thi là "Bỉ Sắc Tư Phong 彼嗇茲豐". Có nghĩa : Cái nầy đầy thì cái kia vơi. Theo luật bù trừ của tạo hóa, được cái nầy thì mất cái kia, 
        - Như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã mở đầu câu truyện bằng thuyết bù trừ nầy:
Lạ gì Bỉ Sắc Tư Phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
        - Và trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ cũng có câu :
Khuôn tạo hóa dẫu rằng Phong Sắc,
 Nợ phù sinh phó mặc bi hoan.

        * PHONG TRẦN 風塵 : 
        là Gió Bụi, là nơi gió nổi bụi bay, nên Phong Trần có các nghĩa sau đây :

       1. Chỉ cảnh đời thường nhiều gió bụi vất vả chật vật của đời người, 
        - Như trong truyện Bần Nữ Thán: 
 Còn hàn vi biết ai hay dở  
Trải Phong Trần mới rõ khá hèn.
        - Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi cho nàng cung nữ thất sủng luận về nhân sinh: 
 Phong Trần đến cả sơn khê  
 Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
         - Hay như trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã luận về định mệnh của con người như sau :
  ... Trời kia đã bắt làm người có thân  
 Bắt Phong Trần phải Phong Trần  
Cho thanh cao mới được phần thanh cao!

        2. Chỉ chốn yên hoa, nhà chứa, kỹ nữ. 
        - Theo "Phan Tử Tiện đề kỳ truyền thần vân: Gia hựu phong trần trung nhân diệc như thử, thịnh tai!" ( 潘子贱题其传神云: 嘉祐風塵中人亦如此,盛哉! ), có nghĩa: Phan Tử Tiện đời Đường đề vào bức họa truyền thần của mình là Phù hộ cho những người trong chốn Phong Trần đều được như thế nầy, chẳng là cũng thịnh lắm sao!". 
        - Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã nói về cô Kiều :
 Tiếc thay trong giá trắng ngần,
 Đến Phong Trần cũng Phong Trần như ai !
         - Hay như khi Thúy Kiều thương cho thân phận ở lầu xanh của mình:
 Những là lần lữa nắng mưa,
 Kiếp Phong Trần đến bao giờ mới thôi ?!

 
       3. Chỉ cảnh chiến tranh ngoài biên tái, 
        - Theo như sách "Hán Thư-Chung quân truyện' 班固《汉书·终军传》:“边境时有风尘之警,臣宜披坚执锐当矢石,启前行。”, nói về Ban Cố: "Vùng biên giới thường phải cảnh giác chiến tranh, thần sẽ nai nịt cầm gươm giáo vượt tên đá mà xông về phía trước!" 
        - Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Ngàn tây nổi áng Phong Trần,
 Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
       - Hay như trong Truyện Kiều đoạn nói về Từ Hải đi dựng nghiệp :
Phong Trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì.
Nghênh ngang một cỏi biên thùy,
Thiếu gì cô qủa thiếu gì đế vương !

        *
PHONG VÂN 風雲 : 
        là Gió Mây, lấy ý từ một câu trong Kinh Dịch :" Vân tòng long Phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ 雲從龍風從虎,聖人作而萬物睹。Có nghĩa : Rồng là thánh vật dưới nước, mây là hơi mước, nên rồng thở hơi ra mây; Cọp là chúa sơn lâm, tiếng gầm chấn động cả núi rừng như gió cuốn; còn thánh nhân xuất hiện thì khác với người thường nên muôn vật đều nhìn thấy mà hướng về. Nên PHONG VÂN chỉ sự hô ứng tốt lành, thời cơ thuận lợi, 
        - Như trong Đại nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay thần tướng đợi chờ Phong Vân.
        - PHONG VÂN còn chỉ sự biến đỗi vô chừng, như câu nói của Thẩm Ước 沈约 đời Lương : " Ly chúc tiếp kỳ quang cảnh, Phong vân ích hồ duy tịch 沈約 : 曬矚接其光景,風雲溢乎帷席 " Có nghĩa : Sờ sờ quang cảnh trước mắt, gió mây bỗng chốc tràn đầy cả màn chiếu. Nên Phong Vân còn chỉ sự biến đổi bất ngờ hoặc phép biến hóa lạ kỳ, 
        - Như trong truyện Nôm Nữ Tú Tài có câu :
    Khấn rằng Thái Thượng Lão Quân,
    Cưởi trâu hóa phép Phong Vân chớ chầy !

        * PHỈ PHONG 菲葑 : 
        Phỉ là củ cải, Phong là củ mì củ sắn, hai loại củ ăn được ở nhà quê. 
        - Có xuất xứ từ Kinh Thi 詩經, chương Bội Phong Cốc Phong 邶风,谷风: Thái phong thái phỉ, vô dĩ hạ thể? Đức âm mạc vi, cập nhĩ đồng tử 采葑采菲,无以下体?德音莫违,及尔同死。Có nghĩa : Hái củ cải hái củ mì, chẳng lẽ chỉ hái phần cây lá ở trên mà không lấy phần củ quả bên dưới? Lời nhân đức giữa vợ chồng với nhau thì không bao giờ quên, nguyện sẽ cùng chàng sống chết có nhau. Tạm diễn Nôm bằng lục bát như sau:
Hái củ cải, hái sắn mì,
Phần ăn bên dưới, bò đi thế nào ?
Trao lời tình nghĩa biết bao,
Nguyện cùng sống chết chẳng nao lòng này ! 
nên PHỈ PHONG trong văn học cổ chỉ vợ chồng cần kiệm sống chết có nhau.
Thái phong thái phỉ, vô dĩ hạ thể ?

 

        - Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng đã cho Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình là:
Ngẩn ngơ nàng mới thưa rằng:
"Thói nhà băng tuyết chất hằng Phỉ Phong,
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha ... 

 

        Xin tạm kết thúc các điển tích về chữ PHONG ở đây, hẹn bài viết tới!

Đỗ Chiêu Đức

28 tháng 6 2019

GIÓ

<C.035~Thành ngữ điển tích>
Đề tài: GIÓ 
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức


        Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
        Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
        (Chinh Phụ ngâm khúc)

        Gió Bụi chữ Nho là PHONG TRẦN 風塵. Hai câu thơ mở đầu cho Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã thoát dịch rất hay 2 câu trong nguyên tác của Đặng Trần Côn là : 
  天地風塵, Thiên địa phong trần,   紅顏多屯. Hồng nhan đa truân. 

        Nên GIÓ là PHONG và PHONG là GIÓ. Trong văn chương ta thấy có rất nhiều Gió, rất nhiều Phong trong các câu thơ của nền văn học cổ, ngay cả Tản Đà là một nhà thơ cận đại cũng viết về gió rất hay :
        Cát đâu ai bốc tung trời?
        Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung?
        Phải rằng Dì Gió hay không?
        Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?

        DÌ GIÓ là Bà dì làm ra gió ! là PHONG DI 風姨, có xuất xứ như sau: Phong di thị cổ đại Hán tộc thần thoại truyền thuyết trung ty phong chi thần. "Bắc đường thư sao" quyển nhất tứ tứ dẫn "Thái Công kim quỹ" : " Phong Bá danh Di. Thử " Phong Di" chi sở bổn. ( 風姨是古代漢族神話傳說中司風之神。《北堂書鈔》卷一四四引《太公金匱》:“ 風伯名姨 。”此“風姨”之所本。), có nghĩa: "Phong Di" là thần cai quản về gió theo truyền thuyết của dân tộc Hán xưa. Theo Bắc Đường Thư Sao quyển 144 đoạn Thái Công Kim Qũy có câu: "cái bác Thần gió có tên là Di, đó là lý do chính gọi Thần gió là PHONG DI 風姨, là Dì Gió".

        DI 姨 là Dì, chị em của mẹ. Ông thần gió là giống đực, nhưng lại tên là Dì, cho nên mới gọi là Dì Gió, và trong văn chương cổ các văn nhân thi sĩ cũng thích gọi là Dì Gió cho có vẻ yểu điệu thục nữ, dịu dàng êm ái ấm áp như những cơn gió mùa xuân, mát mẻ như các làn gió hạ, nhưng lại se sắt như những trận gió thu và lạnh lẽo buốt giá tận xương tuỷ như các trận gió bấc lúc đông về. Kịp đến khi nổi tam bành thì DÌ GIÓ sẽ thổi sập nhà của, xô ngã cây cối và nhấn chìm thuyền bè một cách không thương tiếc. Trong Liêu Trai Chí Dị, Bồ Tùng Linh cũng có một thiên truyện Giáng Phi 绛妃 (Hoa Thần 花神) nói về Dì Gió và các loài hoa.

        Giáng Phi Phong Di và Hoa Thần

        Gió trong văn học cổ Việt Nam ta theo thứ tự A B C như sau: 

        * GIÓ BẰNG : là Gió của chim bằng gây ra khi cất cánh bay cao, chỉ công danh lên cao vút như cánh chim bằng, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
        Gió Bằng chín vạn bay khơi,
        Bất bình dẫu việc tày trời cũng xong !

        * GIÓ BỤI : là hai câu thơ mở đầu cho Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm :
        Thuở trời đất nổi cơn Gió Bụi,
        Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.

        * GIÓ ĐẰNG : Trong truyện Quan Âm Thị Kính dùng để chỉ sự may mắn của duyên lành khi được gió thần đưa đẩy (Xem lại điển tích Gác Đằng) :
        Gió Đằng kể khéo đưa duyên,
        Chàng Lưu dung dủi đến miền Thiên Thai.

        * GIÓ ĐÔNG : Xem lại điển tích Hoa Đào Năm Trước về bài thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處 (Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊) của Thôi Hộ đời Đường với 2 câu: Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong 人面不知何處去,桃花依舊笑東風 mà cụ Nguyễn Du đã mượn ý để tả lúc Kim Trọng trở lại Vườn Thúy tìm Thúy Kiều khi nàng đã bán mình chuộc cha :
        Trước sau nào thấy mặt người,
        Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
        - Gió Đông còn là gió mà Chu Du đã nhờ Khổng Minh mượn để đốt tiêu hơn tám mươi vạn quân Tào Tháo trên sông Xích Bích, mà nhà thơ Đỗ Mục đã diễn lại bằng 2 câu thơ bất hũ : Đông Phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều 東風不與周郎便,銅雀春深鎖二喬. Có nghĩa : " Gió Đông chẳng giúp chàng Chu, Thì đền Đồng Tước ngàn thu khóa Kiều ! ". Trong Truyện Nôm Tây Sương của ta cũng mượn ý nầy:
        Rằng ơn giúp sức Gió Đông,
        Vườn sâu biết có đẹp lòng hoa chưa ?

        * GIÓ HUÂN : là gió mát mẻ từ hướng Nam thổi đến. Trong Khổng Tử Gia Ngữ, có dẫn bài ca của Đế Thuấn là : "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 南風之薰兮,可以解吾民之愠兮..." Có nghĩa : Cái mát mẻ ấm áp của gió Nam, có thể giải tỏa được nỗi lòng u uẩn ẩn ức của dân Nam ta! Và... với thâm Ý nầy, ông Phạm Qùynh đã lập ra Nam Phong Tạp Chí với Ý đồ mở mang dân trí và xoa dịu lòng dân để ẩn nhẫn đợi thời ! Gió Huân thường dùng để chỉ cảnh thái bình thịnh vượng, như trong tác phẩm "Bát Giáp Thưởng Đào Văn" của Lê Đức Mao (1462-1529), danh sĩ thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam ta có câu :
        Mừng xuân, xuân yến, xuân ca,
        Bốn dân mưa huệ, trăm nhà Gió Huân !

 
Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề.

        * GIÓ KIM : là KIM PHONG, theo âm dương ngũ hành thì Tây phương Canh Tân thuộc KIM, nên Kim Phong là GIÓ VÀNG, và vì từ hướng tây thổi đến, nên còn gọi là GIÓ TÂY... và tất cả những loại gió nầy đều thổi vào mùa Thu nên còn gọi là GIÓ THU, là THU PHONG. Theo các câu trong văn học cổ được tìm thấy như sau:
 
        - Trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải :
        Gió Kim thổi lọt ngỡ dùi,
        Ngày sâu tựa bể, tháng dài tựa năm !

        - Mở đầu cho Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :
        Trải vách quế Gió Vàng hiu hắt,
        Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng !

        - Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc củ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm :
        Gió Tây thổi, không đường hồng tiện,
        Xót cõi ngoài, tuyết quyến mưa sa !

        - Bài thơ "Gió Thu" của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
        Trận gió thu phong rụng lá vàng
        Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
        Vàng bay mấy lá năm già nửa
        Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!
        Trận gió thu phong rụng lá hồng
        Lá bay tường bắc, lá sang đông
       Hồng bay mấy lá năm hồ hết
        Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không! 

 

        * GIÓ LIỄU TRĂNG ĐỒNG: Là gió lướt qua cành liễu, trăng chiếu trên cành cây ngô đồng. Lấy ý từ bài thơ "Nguyệt đáo ngô đồng thượng ngâm" của Thiệu Ung đời Bắc Tống với hai câu : Nguyệt đáo ngô đồng thượng, Phong lai dương liễu biên 月到梧桐上,風来楊柳邊。Có nghĩa : Trăng chiếu cành ngô đồng, Gió thổi nhành dương liễu. Trong văn học cổ của ta thường vận dụng để tả cảnh đêm thu, như trong truyện Bích Câu kỳ Ngộ :
        Lần thâu Gió Liễu Trăng Đồng,
        Xương phàm như chắp cánh bông nhẹ nhàng !

        Nguyệt đáo ngô đồng thượng và

        * GIÓ MÂY : là PHONG VÂN 風雲 gồm có hai nghĩa : 

        Phong Vân Tế Hội 風雲際會

        1. Gió Mây là Gió cuốn mây bay chỉ chuyện đời biến đổi khôn lường trước được, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:
        Đỡ lời Hương lại thưa rằng:
        Gió Mây khôn xiết nói năng sự đời.

        2. Gió Mây là Phong Vân Tế Hội 風雲際會, chỉ sự gặp gỡ may mắn hiếm có bay cao như gió cuốn mây trôi. Cũng trong truyện Hoa Tiên trên:
        Gió Mây hãy gắng chí hồng,
        Trông mong cho bỏ tấm lòng bấy nay.

        * GIÓ NHÂN : là Nhân Phong 仁風, là Gió của nhân nghĩa, nhân từ. Theo Tấn Thư : Khi Viên Hoằng đi làm Thái thú quận Đông dương, Thái phó là Tạ An muốn thử tài ứng biến của ông ta, nên chỉ tặng cho một cây quạt lông. Viên Hoằng nhận quạt tạ rằng : " Tôi sẽ cố gắng dùng chiếc quạt nầy để mang đến cho bá tánh nơi đó một luồn gió nhân từ dễ chịu." Nên GIÓ NHÂN là chỉ chính sách cai trị tốt của quan lại đối với dân đen, như trong truyện Nôm khuyết danh : Phương Hoa Lưu Nữ Tướng :
        Gió Nhân vỗ khắp đâu đâu,
        Mấy nơi núi thẳm hang sâu rưới nhuần.

    
    Cuối cùng, ta trở lại với ...

        * GIÓ THẦN ĐƯA GÁC : là được gió của thần linh đưa đến Gác Đằng Vương như Vương Bột thuở xưa. Dịp may đưa đến, chỉ qua một đêm mà nổi tiếng. Ta đọc lại câu Gió Thần Đưa Gác trong bài Văn Tế Nguyễn Thị Tồn của cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa viết khi tế vợ mình :
        Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần sấm đất tan bia,
        Bay kịp chúng, nhảy kịp người, mới đặng hưởng Gió Thần Đưa Gác.

        Mời xem tiếp bài sau với các điển tích về PHONG !

Đỗ Chiêu Đức

15 tháng 6 2019

Gác Đằng

<C.034~Điển tích văn học>
Đề tài: GÁC ĐẰNG
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức




        Đưa duyên nhờ gió GÁC ĐẰNG,
        Đành hay con tạo nhắc bằng đồng cân.
        (Truyện Trinh Thử)

        GÁC ĐẰNG hay GÁC ĐẰNG VƯƠNG tức là ĐẰNG VƯƠNG CÁC 滕王閣, nơi mà Vương Bột 王勃, một trong tứ kiệt đời Sơ Đường, đã viết nên một bài Tự bất hũ, sản sinh ra rất nhiều Thành ngữ còn thông dụng đến hiện nay. Theo như tích sau đây :


Bài ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ của Vương Bột được viết bằng chữ Hành



        Vương Bột 王勃 (650-676), tự là Tử An 子安, người đất Giáng Châu, Long Môn (tỉnh Sơn Tây ngày nay) cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Châu Hoan Giao Chỉ. Lên sáu tuổi đã nổi tiếng thần đồng, thuộc làu kinh sử. 14 tuổi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình. Năm 16 tuổi trên đường đi thăm cha, hay tin Đô Đốc Diêm Bá Dư trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Chủ ý muốn khoe tài con rễ là Ngô Tử Chương, nên đã cho Chương trau chuốt sẵn một bài phú thật hay để ngày hôm đó viết lại. Bột hay tin muộn, thời may có cụ già mách cho Bột rẻ thuyền vào Chương Giang sẽ có gió giúp đưa đến Đằng Vương Các. Bột nghe theo lời, đến đêm quả có gió lớn nổi lên chỉ trong một đêm mà vượt qua 800 dặm đường ( có thể là nhờ gió của đêm Trùng Cửu mùng 9 tháng 9 ). Kịp lúc Đằng Vương Các vừa phát giấy bút chiêu đãi khách làng văn. Thấy Bột chỉ là một thằng bé con, Đô Đốc Diêm Bá Dư không muốn cấp giấy bút, nhưng Bột kiên quyết muốn làm văn. Diêm bèn cho người đứng phía sau lưng Bột, hễ Bột viết được câu nào thì chép lấy dâng đến cho Diêm xem, hễ thấy không xong là tống cổ ra khỏi buổi tiệc ngay. Khi Bột mở đầu bài văn bằng câu : Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ 南昌故郡,洪都新府 ( Xưa là quận Nam Xương, nay là phủ Hồng Đô ), thì Diêm cười và bảo : Cũng là sáo ngữ của các thầy Đồ Nho mà thôi. Đến câu : Tinh phân Dực Chẩn, Địa tiếp Hành Lư 星分翼軫,地接衡廬 ( chỉ địa thế của Đằng Vương Các : Phân chia giữa sao Dực và sao Chẩn, còn đất thì nối tiếp giữa Hành Sơn và Lư Sơn ) thì Diêm lặng thinh. Lại đến câu : Vật hoa thiên bảo, long quang xạ Ngưu đẩu chi Khư. Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp 物華天寶,龍光射牛斗之墟;人傑地靈,徐稚下陳蕃之榻 ( Của đẹp báu trời, ánh long quang chiếu sao Ngưu sao Đẩu; Đất linh người giỏi, cao nhân Từ Trĩ hạ giường Trần Phồn ) thì Diêm lại tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Kịp đến câu : Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc 落霞與孤鶩齊飛,秋水共長天一色 ( Ráng chiều cò trắng cùng bay, Long lanh thu thủy nước mây một màu ) thì ông không còn dằn được cảm xúc, vỗ bàn đứng dậy khen là tuyệt cú ! Rồi giấu nhẹm luôn bài phú làm sẵn của con rể không dám trình làng. Vương Bột nổi tiếng luôn từ đấy và bài Tự của Vương Bột cũng được lưu truyền thiên cổ với các câu trở thành Thành Ngữ như:
        - Lão Đương Ích Tráng 老當益壯 : Già mà còn mạnh khỏe.
        - Cùng Thả Ích Kiên 窮且益堅 : Nghèo mà biết kiên trì phấn đấu.
        - Thiên Cao Địa Quýnh 天高地迥 : Trời cao đất rộng.
        - Hứng Tận Bi Lai 興盡悲來 : Hết vui tới buồn.
        - Quan San Nan Việt 關山難越 : Núi non khó vượt.
        - Bình Thủy Tương Phùng 萍水相逢 : Bèo nước gặp nhau .....



        Vì tích của Vương Bột, nên trong Tăng Quảng Hiền Văn lại có câu: 時來風送滕王閣 Thời lai phong tống Đằng Vương Các, có nghĩa: Khi thời đã đến rồi thì sẽ có gió đưa đến Đằng Vương Các ngay.

        Ý của câu trên chỉ khi thời vận tốt đã đến, thì con người sẽ rất dễ dàng mà có cơ hội để phát tích về mặt tiếng tăm hay công danh sự nghiệp. Nhưng khi qua đến Việt Nam ta, thì lại chuyển sang ý chỉ về tình duyên thuận lợi, may mắn, mà gọi là Duyên Đằng. Như ...

        Trong Truyện Kiều để tả cuộc tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư với Thúc Sinh, cụ Nguyễn Du cũng mượn tích nầy :
        Duyên Đằng thuận nẽo gió đưa,
        Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.




        Ngay cả trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập với sự chủ xướng của vua Lê Thánh Tông cũng mượn từ GÁC ĐẰNG để chỉ dịp may hiếm có, cơ hội thuận lợi cho tình duyên như : 
        Thương nhĩ, Hồng nhan nguyền khéo lỗi,
        Gác Đằng nhờ gió những ai vay !


        Hay như hai câu thơ mở đầu cho bài viết nầy trong Truyện Trinh Thử :
        Đưa duyên nhờ gió Gác Đằng,
        Đành tay con tạo nhắc bằng đồng cân.


        Và như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, bài thứ 8 tả lại mối tình giữa Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử có câu :
        Tiên-Dung gặp buổi đi chơi,
        Gió đưa Đằng-Các, buồm xuôi Nhị-Hà,


        Hay như trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả lại mối tình tiên tục giữa Tú Uyên và Giáng Kiều cũng có câu :
        Gác Đằng Vương mấy dặm khơi,
        Có duyên đành đã gió trời thổi đưa.




        Trong truyện Quan Âm Thị Kính thì đổi từ Gác Đằng thành Gió Đằng, nhưng cũng cùng một ý dùng để chỉ tình duyên :
        Gió Đằng kể khéo đưa duyên,
        Chàng Lưu dung dủi đến miền Thiên Thai.


        Trong bài Văn Tế Nguyễn Thị Tồn, viết để tế vợ mình, cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa đã diễn cái ý của tích nầy bằng bốn chữ GIÓ THẦN ĐƯA GÁC với ý nghĩa giống như nghĩa gốc lúc ban đầu là :
        Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần sấm đất tan bia,
        Bay kịp chúng, nhảy kịp người, mới đặng hưởng Gió Thần Đưa Gác.


        Ta thấy, khi được sử dụng rộng rãi trong dân gian, nhất là khi đã qua nhiều thời đại hay địa phương, một số Thành Ngữ Điển Tích đã tự động thay đổi ý nghĩa và dụng ý của lúc ban đầu, như điển tích Gác Đằng mà ta vừa biết ở trên.

Đỗ Chiêu Đức

06 tháng 6 2019

Con Cuốc Gọi Hè

<C.031><Điển tích văn học> 
Đề tài: CON CUỐC GỌI HÈ
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm


        Ai xui con cuốc gọi vào hè,
        Cái nóng nung người nóng nóng ghê

        Con Cuốc, ta còn gọi là Con Chim Quấc, đồng âm với chữ Quốc là Nước; tên chữ Nho là Chim Đỗ Quyên với thành ngữ Đỗ Quyên Đề Huyết như sau:
        ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến mửa máu miệng ra vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ, Tử Quy, Tử Quyên, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc. Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ đầu xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết. Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng: Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn của Thành Ngạn Hùng 成彦雄 đời Đường như sau :

杜鵑花與鳥, Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
怨艷两何賒, Oán diễm lưỡng hà xa.
疑是口中血, Nghi thị khẩu trung huyết,
滴成枝上花. Trích thành chi thượng hoa !

    - Có nghĩa : 
 
* Đỗ Quyên là tên của hoa và của cả chim,
* Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng
không xa cách là mấy, nên...
* Ngờ là máu ở trong miệng ( của con chim ) đã...
* Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành !

    - Diễn Nôm :
Đỗ Quyên chim với hoa,
Oán đẹp có nào xa.
Ngờ là máu trong miệng,
Nhỏ xuống cành nở hoa !

Chim Đỗ Quyên (Cuốc) và Hoa Đỗ Quyên

        Tích ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血 theo câu truyện về truyền thuyết sau đây : 
        Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục ( tỉnh Tứ Xuyên ngày nay ) thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này, và vì trước đó Biết Linh cũng đã có công trị thủy, cứu nước Thục khỏi cảnh lũ lục thiên tai. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc" (cuốc cuốc). Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.

        Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ hoặc Đỗ Quyên để nói lên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều đờn cho Kim Trọng nghe khi Kim Kiều tái hợp có câu:
        Khúc đâu êm ái xuân tình,
        Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?
        ... là lấy điển tích từ vị vua nước Thục này qua câu thơ trong bài thơ Cẩm Sắt 錦瑟 của Lý Thương Ẩn đời Đường là :
            Thục Đế xuân tâm hóa Đỗ Quyên,
    蜀帝春心化杜鵑。

        Trong thơ Nôm "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải cũng nhắc đến Chim Đỗ Vũ kêu vào đầu mùa xuân đến cuối mùa hạ như sau :
        Cớ chi mày, hỡi con Đỗ Vũ,
        Quyến xuân về lại rủ hè sang.

        Và như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Chim Đỗ Quyên bằng tên Chim Quyên với Điệu Thương Xuân khi nàng cung nữ thất sủng nghe tiếng cuốc kêu :
        Ai ngờ tiếng Quyên kêu ra rả,
        Điệu Thương Xuân khóc ả sương khuê !

        ... và trong bài Qua Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan cũng đã hạ một đôi Luận để đời là :
        Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
        Thương nhà mõi miệng cái gia gia.

        ... và đến bài Nghe Cuốc Kêu của cụ Nguyễn Khuyến thì tiếng cuốc kêu mới thật sự bâng khuâng, khoắc khoải làm ngơ ngẩn lòng người nhất là những ai đang xa quê hương lưu lạc gởi thân nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay:
        Nghe Cuốc Kêu
        Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
        Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ.
        Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
        Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
        Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?
        Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
        Ban đêm róng rã kêu ai đó?
        Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

Bà Huyện Thanh Quan và Tam nguyên Yên Đỗ

        Đỗ Quyên cũng là con chim Quyên đã đi sâu vào ca dao của dân Nam bộ với:
        Trồng trầu thì phải khai mương,
        Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
        Chim Quyên ăn trái nhãn lồng,
        Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi !

        .
.. và đã được phổ thành bản nhạc Tân cổ Giao Duyên với lời ca Lý Chim Quyên rặc mùi Nam bộ :
        Chim Quyên quầy, ăn trái quay... nhãn lồng này
        Nhãn lồng, ơi anh bạn mình ơi...
        Ơi anh bạn mình ơi...!

Trái nhãn lồng Nam bộ mọc đầy cả đồng cỏ

        Trở lại với hai câu thơ mở đầu bài viết nầy là :
        Ai xui con cuốc gọi vào hè,
        Cái nóng nung người nóng nóng ghê
        có người cho hai câu thơ trong bài VÀO HÈ nầy là Thơ Cổ, có người lại ngờ rằng đây là bài thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhưng lại có tài liệu cho rằng, đây là bài thơ của cụ Dương bá Trạc. Toàn bài thơ như sau:
        VÀO HÈ
        Ai xui con cuốc gọi vào hè,
        Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
        Ngõ trước, vườn sau um những cỏ,
        Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
        Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác,
        Trong tối đua bay, đóm lập loè.
        May được nồm nam cơn gió thổi,
        Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.

        - Nguồn: 
        1. Sách Quốc văn giáo khoa thư (Trần Trọng Kim, Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản, 1935) ghi bài này là thơ cổ, có lẽ thơ thời Nguyễn chứ không phải thời cổ đại. 
        2. Thiếu Sử trong bài Ai Là Tác Giả Bài “Vào Hè” đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 740, ngày 1-3-2011, mục Trà Dư Tửu Hậu (tr. 45, 46, 133), thì bài này là của Dương Bá Trạc, in trong tập thơ Nét Mực Tình (NXB Đông Tây, Hà Nội, 1937). Cũng theo bài viết này thì hai câu 4 và 5 của bài thơ như sau:
        Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê.
        Trên cành gọi bạn chim xao xác,

        Phần trên đây trích trong THI VIỆN trên internet để người đọc rộng đường dư luận.

Đỗ Chiêu Đức 

27 tháng 5 2019

Thiên Tải Nhất Thì

<C.030><Điển tích văn học> 
Đề tài: THIÊN TẢI NHẤT THÌ
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức 


        Sau khi chứng kiến Thúy Kiều báo ân báo oán xong, thì sư " Giác Duyên vội vả gởi lời từ quy ".Thúy Kiều mới cầm lại : 

Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN !
Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?!

        T
a sẽ làn lượt tìm hiểu các Thành Ngữ : THIÊN TẢI NHẤT THÌ, BÀN HOÀN, BÈO HỢP MÂY TAN, HẠC NỘI MÂY NGÀN.

        THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : THIÊN là Ngàn, TẢI là Năm, NHẤT là Một, THÌ là Khi, là Lúc. Nên Thiên Tải Nhất Thì là Ngàn năm một lúc, ta quen nói là NGÀN NĂM MỘT THUỞ. Theo như tích sau đây :
        Đời vua Đường Hiến Tông ( 805-820 ). Nhà vua rất tin Phật, định làm lễ rước cốt Phật( Xá Lợi) vào cung. Lúc đó có Hàn Dũ là quan Hình Bộ Thị Lang dâng " Gián nghinh Phật cốt biểu 諫迎佛骨表 ", can gián vua đừng nghinh cốt Phật vào cung. Hiến Tông xem biểu chương , giận định xử Hàn Dũ tội chết, may nhờ có Tể Tướng và các quan đương triều xin cho mới khỏi tội chém đầu, nhưng lại bị biếm đi làm Ngự Sử đất Triều Châu. Về sau, Đường Hiến Tông còn cho cải cách một số chính sách của triều đình, làm cho công việc triều chính thuận lợi và tốt hơn lên. Hàn Dũ lại dâng " Triều Châu Ngự Sử tạ thượng biểu 潮州刺史謝上表". Tán dương việc cải cách triều chính của nhà vua, đồng thời đề nghị nhà vua nên đi làm lễ Phong Thiền ở núi Thái Sơn.

        PHONG THIỀN 封禪 là lễ tế cáo trời đất của vua chúa ngày xưa. Người xưa cho rằng, trong Ngũ Nhạc Thái Sơn là cao lớn nhất, nên lập đàn trên đỉnh Thái Sơn để tế trời, gọi là PHONG 封. Còn ở chỗ bằng phẵng của sườn núi lương Phụ Sơn tế đất, thì gọi là THIỀN 禪. Trong lịch sử, chỉ có Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang và Chu Thành Vương là có cử hành đại lễ nầy mà thôi. Nên Hàn Dũ nói thế cũng có nghĩa là tâng bốc nhà vua là đấng minh quân như Nghiêu Thuấn ngày xưa, vì thế mà nhà vua rất đẹp dạ. Nhà vua cho là trước đây can vua nghinh cốt Phật, bây giờ lại khuyên vua tế cáo trời đất, Hàn Dũ quả là người dám nghĩ dám nói, thẳng thắng vô tư, nên cho triệu hồi về kinh để phục lại chức cũ.

        Vì trong biểu tấu có câu : Đương thử chi tế, sở vị Thiên Tải Nhất Thì bất khả phùng chi gia hội 當此之際,所謂千載一時不可逢之嘉會. Có nghĩa : Trong dịp ( lễ hội ) nầy, quả là ngày hội lớn mà ngàn năm một thuở khó có để mà gặp được. Nên lại hình thành hai câu thành ngữ :

        THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : 
Ta thường nói là " Ngàn năm một thuở " để chỉ việc gì đó, hoặc dịp may nào đó, rất hiếm khi mà gặp được, có được.

        THIÊN TẢI NAN PHÙNG 千載難逢 : 
là "ngàn năm khó gặp". Nghĩa cũng đã rất rõ ràng, chỉ việc gì đó may mắn lắm mới gặp được. Nên, câu nói của Thúy Kiều với Giác Duyên: Nàng rằng: THIÊN TẢI NHẤT THÌ, "ngàn năm một thuở", khó khăn lắm mới gặp được bà đây, thôi thì...  Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.

        BÀN HOÀN 盤桓 : BÀNG HOÀNG có gờ(G) là : Ngỡ Ngàng, là Thảng thốt. BÀN và HOÀN đều không có gờ(G). BÀN lá Cái Mâm, HOÀN là Cây Cột ở giữa nhà. Nhưng BÀN HOÀN là từ ghép có nghĩa là : Lòng Vòng, Quanh Co, Dụ Dự, Trù trừ, Nấn ná ... 
        Nên câu : 
Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.  Có nghĩa: Bạn cũ dễ gì có dịp Nấn Ná ở chơi như thế nầy( sao mà đi vội thế !).

        Theo U Thông Lục, văn tuyển của Ban Cố 文選·班固<幽通賦>: Thừa linh huấn kỳ hư từ hề, trữ BÀN HOÀN nhi thả sĩ “承靈訓其虛徐兮,竚盤桓而且俟。” Có nghĩa : Được sự dạy bảo và răn đe của thần linh, nên còn NẤN NÁ đứng đó mà chờ đợi.

        Theo " Trần Tình Biểu " của Lý Mật đời Tấn 晉 李密 《陳情事表》: Quá mông bạt trạc, sủng mệnh ưu ốc, khởi cảm BÀN HOÀN, hữu sở hi ký ? 過蒙拔擢,寵命優渥,豈敢盤桓,有所希冀?. Có nghĩa : Nhờ ơn được cất nhắc, lại được thương mến ưu đãi, làm sao còn dám NẤN NÁ mà có điều tính toán khác chớ ?!

        Nói chung, BÀN HOÀN ở đây có nghĩa là NẤN NÁ, là lưu lại không đi. Chớ không phải BÀNG HOÀNG là Thảng Thốt, Ngỡ Ngàng ...


       
Đến câu : Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,  BÈO, vừa thấy hợp đó bỗng liền tan đó, theo dòng nước chảy đẩy đưa , nên bèo tan hợp bất thường; cũng như những đám mây trên trời lửng lơ theo gió, tan hợp vô chừng. Nên BÈO HỢP MÂY TAN dùng để ví sự gặp gỡ hay biệt ly không biết trước được (tựa như bèo và mây, hợp đấy rồi lại tan ngay đấy. Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?

        HẠC NỘI là Hạc ở đồng nội, tự do bay lượn trong đồng nội mênh mông; MÂY NGÀN là Mây trôi nổi ở trên ngàn, cũng phất phơ vô định. HẠC NỘI MÂY NGÀN có gốc Hán việt là CÔ VÂN DÃ HẠC 孤雲野鶴 Có nghĩa là : Đám mây cô độc lơ lửng trôi lang thang không biết về đâu và con hạc ngoài cánh đồng hoang, tự do bay lượn không bị gò bó buộc ràng gì cả. Thường dùng để chỉ sự vân du bốn phương của các đạo sĩ tu tiên ngày xưa. Theo như hai câu thơ của Lưu Trường Khanh đời Đường 唐· 劉長卿 là Tống 
Phương Ngoại Thượng Nhân thi《送方外上人》詩:

孤雲將野鶴, Cô vân tương dã hạc,
豈向人間住。 Khởi hướng nhân gian trú.
        Có nghĩa :
Mây Ngàn theo Hạc Nội,
Bay khỏi cỏi nhân gian.

        Nên... HẠC NỘI MÂY NGÀN ngoài nghĩa chỉ tự do tự tại ra, còn có nghĩa là không chịu sự trói buộc của danh lợi và những thường tình của con người.

        Trở lại với 4 câu thơ trong Truyện Kiều :
Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN !
Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?!

        Có nghĩa : Thúy Kiều nói với sư Giác Duyên rằng : Ngàn năm một thuở, lâu lắm ta mới có dịp gặp nhau đây; dễ có mấy khi bạn cũ lại gặp được nhau như thế nầy, sao không nấn ná ở chơi vài hôm. Rồi đây chúng ta sẽ như là bèo hợp mây tan, mỗi người một nơi; còn bà ( chỉ sư Giác Duyên ) thì như là hạc nội mây ngàn có biết bà đi đâu và về đâu đâu mà tìm mà kiếm ?!


Đỗ Chiêu Đức 

14 tháng 5 2019

Bồng Lai Tiên Cảnh

<C.029><Điển tích văn học> 
Đề tài: BỒNG LAI TIÊN CẢNH
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức 



    Kể từ đến cảnh BỒNG LAI,
    May thay đã trộm thấy người tiên cung

        Đó là hai câu thơ trong truyện Nôm Phan Trần, tả lúc Phan Sinh gặp lại Trần Kiều Liên đang tu trong chùa. BỒNG LAI là tên của một trong ba ngọn núi có tiên ở, ở ngoài biển đông, thường được dùng để chỉ chỗ ở của người đẹp như... tiên. Theo tích sau đây :

        Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử : Phía đông của Bột Hải, có một nơi vực sâu muôn trượng, gọi là Quy Khâu. Tất cà những sông ngòi ao hồ của đất liền đều chảy về nơi nầy. Tương truyền là mực nước ở nơi đây không lên không xuống, cho dù tất cả sông biển đều đổ về đây. 

        Trên mặt nước mênh mông ở đây, có 5 ngọn núi thần đang trôi nổi, đó chính là : “Đại Dư” 岱輿, “Viên Kiệu” 員嶠, “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Mỗi ngọn núi cao và rộng khoảng 3 vạn dặm, phần bằng phẵng trên đỉnh núi cũng hơn 9 ngàn dặm. Các hòn núi nầy cách nhau khoảng 7 vạn dặm. Trên mỗi núi đều có lâu đài lầu các nguy nga xây toàn bằng hoàng kim và bạch ngọc. Hoa thơm cỏ đẹp, cây trái thơm ngon bốn mùa không dứt, ăn vào thơm tho mồm miệng và trường sinh bất tử. Năm ngọn núi nầy đều là nơi ở của các người tiên. Họ thường bay qua bay lại trên năm ngọn núi nầy mà vui chơi để tiêu dao ngày tháng. Có một điều làm họ không được thoải mái là 5 ngọn núi nầy như là 5 cái hồ lô lớn trôi nổi trên biển cả mênh mông, khiến họ đi lại không được thoải mái và như ý. Nên họ cùng thỉnh cầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giải quyết cho vấn nạn nầy. Ngọc Đế bèn ra lệnh cho thần ở Bắc Hải là Ngung Cường để tìm phương giải quyết. Ngung Cường bèn điều 15 con cự Ngao ( Ba ba lớn ) chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 3 con chịu trách nhiệm giữ lấy một ngọn núi. Ba con ba ba khổng lồ, một con lặn xuống biển đội núi lên, hai con còn lại giữ hai bên cho núi đừng di chuyển nữa. Phân công là cứ 6 vạn năm sẽ thay phiên một lần. Vì thế mà 5 ngọn núi thần tiên nầy được cố định không còn nổi trôi di chuyển trên biển đông nữa.

        Nhưng chẳng bao lâu sau, có một người của nước Long Bá ( nước của người Khổng lồ ) đến nơi nầy, thân hình của hắn cao vút tận mây xanh, hắn bước đi trong biển đông như đi trong ao cá sau vườn; chỉ cần vài ba bước là hắn đã đi khắp cả 5 ngọn núi thần tiên. Hắn phát hiện trong nước có cá ngao (Ba ba) lớn, bèn lấy cần móc mồi câu, câu một hơi 6 con ngao lớn, quảy lên vai vác về nhà. Nên hai hòn núi tiên Đại Dư và Viên Kiệu, bị mất đi 6 con ngao, không có gì cầm giữ lại, nên trôi dạt lên bắc cực và chìm xuống biển mất dạng. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết tin, cả giận, bèn thi triển thần uy, làm cho người nước Long Bá nhỏ lại chỉ cao hơn người thường một cái đầu mà thôi.

Người Long Bá câu Ngao

        Đó là truyền thuyết trong Sơn Hải Kinh 《山海经》và các sách xưa cũng có ghi lại chuyện năm tiên đảo bị chìm hết hai, nên chỉ còn lại có “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Tục gọi là " Bồng Lai Tam Đảo 蓬莱三岛 ". Vì là nơi của tiên ở nên còn gọi là " Bồng Lai Tiên Cảnh 蓬莱仙境 " để chỉ cảnh đẹp của tiên giới mà trên đời không thể có được. Sở dĩ Bồng lai nổi tiếng hơn hai tiên đảo kia là vì đó là nơi ở của Bát Tiên trong sự tích Bát Tiên Quá Hải. Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, khi luận về chữ VUI, ông Sãi đã nói với bà Vãi rằng :
    Non BỒNG LAI bước tới, sãi vui với Bát Tiên,
    Núi Thương Lãnh tìm lên, sãi vui cùng Tứ Hạo.

        BỒNG LAI còn được gọi là BỒNG CHÂU 蓬洲. Châu là phần đất nổi trên mặt biển, nên gọi tiên đảo Bồng Lai là Bồng Châu, như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, đoạn nói về Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử có câu :
    Non sông đã trót lời thề,
    Hai người một phút hóa về BỒNG CHÂU.

        Không gọi là Bồng Châu thì lại gọi là BỒNG HỒ 蓬壺, Hồ là cái Hồ Lô đựng rượu, vì tiên đảo Bồng Lai trôi nổi trên biển Đông giống như là một chiếc Hồ Lô khổng lồ, nên còn gọi là BỒNG HỒ như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ :
    BỒNG HỒ, Lãng Uyển xưa hằng có,
    Độ ấy nhân gian dễ mấy đời.

        Và vì Bồng Lai là một ngọn núi, nên còn gọi là BỒNG SƠN 蓬山. Như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :
    Tấc gang gác khóa lầu then,
    BỒNG SƠN rằng cách muôn nghìn chẳng sai.

        Và vì là một tiên đảo giữa biển, nên còn được gọi là BỒNG ĐẢO 蓬島. Như trong thơ của cụ Nguyễn Trãi :
    Thuốc tiên thường phục tử hà sa,
    BỒNG ĐẢO khôn tìm ngày tháng qua.

        BỒNG ĐẢO là đảo của tiên ở, là cỏi tiên, là nơi sướng nhất trần gian mà mọi người hằng ao ước. Nên trong văn chương các cụ ngày xưa còn dùng chữ Bồng Đảo để chỉ những cái gì làm cho người ta sung sướng nhất, tiêu hồn lạc phách nhất... Như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tả Thiếu Nữ Ngủ Ngày vậy :
    Đôi gò BỒNG ĐẢO sương còn ngậm,
    Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

        Quả là cảnh tượng tiêu hồn lạc phách làm cho :
    Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
    Đi thì cũng dở, ở không xong !

        So với ĐÀO NGUYÊN và THIÊN THAI thì BỒNG LAI hoàn toàn là sản phẩm thần thoại và tưởng tượng theo truyền thuyết, không có một chút căn cứ thực tế nào cả. Nhưng vì Bồng Lai là cỏi tiên, là vùng đất hứa ngày xưa mà mọi người hằng ao ước, nó hư hư thực thực nên dễ hấp dẫn người đời, nhất là trong lãnh vực văn thơ cổ xưa. Trong dân gian sức hấp dẫn của Bồng Lai càng mạnh mẽ hơn với những truyện truyền khẩu về BÁT TIÊN QUÁ HẢI, và từ Bồng Lai được dùng đặt tên cho một Thị Trấn cấp Huyện thuộc Thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, nơi giáp ranh giữa Bột Hải và Hoàng Hải, là nơi mà theo truyền thuyết Bát Tiên là Lữ Động Tân, Lý Thiết Quảy, Trương Quả Lão, Hán Chung Ly, Tào Quốc Cựu, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa và Hàn Tương Tử đã thi triển thần thông, đạp bèo lướt sóng, xuất phát từ nơi bãi biển nầy "quá hải" để đến đảo Bồng Lai vui với cuộc sống thần tiên.

        Nhắc đến BÁT TIÊN lại làm cho ta nhớ đến lúc Từ Hải gặp Kiều. Sau khi " Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn " để chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, thì Từ Hải cũng đã :
    Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
    Đặt giường thất bảo, vây màn BÁT TIÊN.

        Để cho " Trai anh hùng , Gái thuyền quyên " gặp nhau như là lạc vào BỒNG LAI TIÊN CẢNH vậy !

Đỗ Chiêu Đức