Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -Giai thoại. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -Giai thoại. Hiển thị tất cả bài đăng

05 tháng 10 2022

Tiết Trùng Cửu

<C.083~Giai Thoại Văn Chương>

TIẾT TRÙNG CỬU

Lễ Ông Bà ngày xưa của ta 

        Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghiã là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu. 
        Trùng Cửu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cửu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới !


        Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già : LÃO NHÂN TIẾT 老人節 hoặc KÍNH LÃO TIẾT 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ (ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác, cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là: "Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay" là thế). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết ĐĂNG CAO 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cửu cón được gọi là Tiết THÙ DU 茱萸節, Tiết CÚC HOA 菊花節....

Cây lá và trái Thù Du (trái cherry ở Mỹ)

        THÙ DU là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cửu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để " trừ tà ", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du là vì thế.

 
Hoa Cúc và tục lệ uống rượu Cúc trong ngày Trùng Cữu

        Trong bài thơ " Bốn mùa ăn chơi " của người xưa thì câu thứ 3 là " Thu ẩm Hoàng Hoa tữu ". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích " flu shot " vào mùa nầy ở Mỹ vậy ! Nên Tiết Trùng Cữu còn được gọi là Tiết Cúc Hoa là vì thế !
        Theo truyền thuyết thì ... vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong "Tục Tề Hài Ký" rằng: Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng : mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.
        Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cửu cho đến hiện nay.

Trùng Cửu xưa Trùng Cửu nay

        Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cửu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh với ...

 Nguyên bản  

九日登李明府北樓
九月登高望,
蒼蒼遠樹低。
人煙湖草裡
山翠現樓西。
劉長卿

 Phiên âm  

CỬU NHẬT ĐĂNG LÝ MINH PHỦ BẮC LÂU
Cửu nguyệt đăng cao vọng,
Thương thương viễn thọ đê.
Nhân yên hồ thảo lý,
Sơn thuý hiện lầu tê. ( tây )
Lưu Trường Khanh

 Diễn nôm :

NGÀY CHÍN LÊN BẮC LÂU CỦA LÝ MINH PHỦ

Tháng chín lên cao ngắm,
Xanh xanh cây cỏ xa.
Hồ mờ sương người vắng,
Lầu tây núi biếc nhòa !

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm


        Còn Thi tiên Lý Bạch với ...

 Nguyên bản 

九月十日即事 
昨日登高罷,
今朝再舉觴。 
菊花何太苦,
遭此兩重陽。  
李白 

 Phiên âm 

CỮU NGUYỆT THẬP NHẬT TỨC SỰ
Tạc nhật đăng cao bãi
Kim triêu tái cử trường.
Cúc hoa hà thái khổ,
Tao thử lưỡng Trùng Dương .
Lý Bạch
 
 Chú Thích :

Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng...
Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
Chỉ trong hai ngày, hoa cúc BỊ HÁI, BỊ VÙI DẬP đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi dập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là : " Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương ". Có nghĩa : Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy !
KHỔ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. KHỔ cũng có nghĩa là ĐẮNG nữa ! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!

 Diễn nôm :

Chuyện của ngày mười tháng chín
Hôm qua sau leo núi,
Sáng nay lại nâng ly.
Hoa Cúc sao mà khổ,
Trùng Dương đến nhị kỳ ! 

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm  


        Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cữu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy....  

 Nguyên bản

九月九日忆山东兄弟 
独在异乡为异客, 
每逢佳节倍思亲. 
遥知兄弟登高处, 
遍插茱萸少一人. 
王维  

 Phiên âm 

CỮU NGUYỆT CỬU NHẬT ỨC SƠN ĐÔNG HUYNH ĐỆ
Đôc tại dị hương vi dị khách,
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân !
Vương Duy

★ Chú Thích :

        Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là " Ức Sơn Đông Huynh Đệ ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ " dị hương, dị khách ".

★ Nghĩa bài thơ 

Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi.
Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗĩ lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một lá Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta mà thôi !

★ Diễn nôm của Đỗ Chiêu Đức

Xứ lạ quê người làm khách lạ,
Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
Anh em mùng chín đăng cao đó,
Đều giắt thù du thiếu một người !

Lục bát :
Đơn thân xứ lạ quê người,
Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
Quê xa huynh đệ đăng cao,
Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta !

Đỗ Chiêu Đức biên khảo.


        Để kết thúc bài viết, mời tất cả cùng đọc bài thơ CỬU NHẬT ĐĂNG CAO của Thi Thiên Tử Vương Xương Linh sau đây :

 Nguyên bản

九日登高
青山遠近帶皇州,
霽景重陽上北樓。
雨歇亭臯仙菊潤,
霜飛天苑御梨秋。
茱萸插鬢花宜壽,
翡翠橫釵舞作愁。
謾說陶潛籬下醉,
何曾得見此風流。
王昌齡

 Phiên âm

CỬU NHẬT ĐĂNG CAO

Thanh sơn viễn cận đới hoàng châu
Tễ cảnh trùng dương thướng bắc lâu
Vũ yết đình cao tiên cúc nhuận
Sương phi thiên uyển ngự lê thu
Thù du tháp mấn hoa nghi thọ
Phỉ thúy hoành thoa vũ tác sầu
Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy
Hà tằng đắc kiến thử phong lưu! 
Vương Xương Linh 


 Chú thích

- Hoàng Châu 皇州 : là Vùng châu thổ của hoàng thành.
- Tễ Cảnh 霽景 : là Cảnh trí lúc trời vừa mới tạnh mưa.
- Đình Cao 亭臯 : là Bờ, luống chung quanh đình.
- Thiên Uyển 天苑 : là Vườn hoa của Thiên Tử.
- Ngự Lê 御梨 : là Cây lê trồng trong vườn ngự uyển.
- Thù Du 茱萸 : là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cữu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du. Thù Du là trái cherry ở Mỹ đó.
- Mạn Thuyết 謾說 : Ta còn nói thành Mạn Đàm, là nói lan man, nói chơi về người nào hoặc việc gì đó.
- Đào Tiềm 陶潛 : tức Đào Uyên Minh, là một ẩn sĩ cao nhã đời Tấn, thích hoa cúc và chuyên trồng cúc ở bờ giậu phía đông, nổi tiếng với câu : Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下 悠然見南山. Có nghĩa : Hái cúc rào phía đông, xa xa thấy núi nam.

 Nghĩa bài thơ

        NGÀY CHÍN LÊN CAO
        Núi xanh gần gần xa xa như là một vành đai bao quanh mảnh đất của hoàng thành. Cảnh vật sau cơn mưa của Tiết Trùng Dương khi lên lầu phía bắc để ngắm nhìn. Những luống hoa cúc tiên bên đình mượt mà hơn sau cơn mưa, và những trái lê trong vườn ngự uyển ửng hồng hơn khi nhuốm sương thu. Nhánh thù du cài lên tóc mai cùng với hoa cúc là hoa trường thọ, giống như là cành trâm phỉ thúy lắc lư trên mái tóc khi đang ca múa càng gợi niềm sầu. Đừng nói là Đào Tiềm say dưới giậu hoa cúc là vô cớ, vì trong đời ta há dễ được mấy lần nhìn ngắm cái cảnh phong lưu tao nhã nầy ?!
        Vương Xương Linh là nhà thơ biên tái nổi danh thời Thịnh Đường, nổi tiếng là Thánh thủ của thơ Thất ngôn Tứ tuyệt và là Thi Thiên Tử của đương thời, cùng với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham và Vương Chi Hoán giao tình rất hậu. Những bài thơ tả cảnh ghi lại các phong tục dân gian như bài thơ nầy rất hiếm thấy trong thi phẩm của ông, nên được mọi người rất trân qúi.

 Diễn Nôm

Mùng Chín Đăng Cao

Núi xanh vây phủ lấy hoàng châu,
Trời tạnh Trùng Dương lên bắc lâu.
Đình cúc sau mưa vàng sắc mượt,
Ngự lê sương nhuốm ửng màu thu.
Thù du cài lẫn hoa trường thọ,
Phỉ thúy vắt chung tóc gợi sầu.
Chả trách Đào Tiềm say dưới giậu,
Bao lần được thấy nét phong lưu ?!

Lục bát :
Núi xanh cao thấp bốn phương,
Hoàng thành trời tạnh Trùng Dương lên lầu.
Sau mưa luống cúc tươi màu,
Nhuốm sương lê cũng đỏ au trong vườn.
Thù du cài tóc thọ trường,
Lắc lư phỉ thúy vấn vương mối sầu.
Đào Tiềm say khước vì đâu
Trong đời há dễ qua cầu phong lưu ?!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


Người biên soạn:   杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức 

15 tháng 7 2019

Bốn Bồ Chữ

<C.041~Giai thoại văn chương> 
Đề tài: BỐN BỒ CHỮ - Tạ Linh Vận & Cao Bá Quát)
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm

 

野旷沙岸净,        Dã khoáng sa ngạn tịnh, 
天高秋月明.        Thiên cao thu nguyệt minh.

có nghĩa :
Đồng không bãi cát mênh mông,
Trời thu cao vút trăng lồng bóng gương.

        Đó là một trong những câu thơ tả cảnh nổi tiếng của Tạ Linh Vận 謝靈運 (385-433), người đời Đông Tấn ở đất Cối Kê, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông nguyên là cháu nội của danh tướng Tạ Huyền 謝玄, tiểu tự là Khách, nên người đời gọi là Tạ Khách, lại được hưởng tước Khang Lạc Công, nên còn được gọi là Tạ Khang Lạc. Ông là nhà thơ khai sáng ra phái Sơn Thủy Thi 山水詩, chủ yếu sáng tác thơ tả về núi non sông nước của đời Lưu Tống vào thời Nam Bắc Triều. Sơn Thủy Thi là một trường phái lớn của văn học sử thi ca Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến đời Đường sau nầy với các thi nhân lớn như Lý Bạch, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên... Chúa nhà Tống lúc bấy giờ là Lưu Dụ, nên gọi thời nầy là Lưu Tống, bề ngoài thì như xem trọng nhà họ Tạ, nhưng thực tế thì dần dần cắt bớt quyền hành đi, nên Tạ Linh Vận không còn được trọng vọng như trước. Thất ý trên trường chính trị, nên Tạ gởi gắm tâm sự vào tư tưởng Lão Trang qua thơ sông núi. Do bất đắc chí vì tài hoa xuất chúng, nên Tạ luôn tỏ ra khinh thế ngạo vật, cho mình là tài giỏi hơn cả thiên hạ. Tạ đã từng nói là : "Nếu như tất cả tài hoa trong thiên hạ là một thạch (gồm có 10 đấu), thì Tào Tử Kiện (tức Tào Thực, con trai thứ của Tào Tháo, rất giỏi về văn thơ) giữ hết 8 đấu rồi, ta giữ một đấu, còn một đấu là của tất cả những người trong thiên hạ". Câu nói nầy nghe ra có vẻ như là tôn sùng Tào Thực, thực ra là đang xem thường thiên hạ, vì cho là cả thiên hạ cộng lại mới bằng được mình ! Do tánh khí và thái độ cao ngạo, nên Tạ Linh Vận làm mất lòng hết các đồng liêu và quyền thần lúc bấy giờ. Cuối cùng, bị biếm đến Quảng châu và chết ở nơi đó khi mới có 49 tuổi mà thôi.

        Vì câu nói của Tạ Linh Vận, nên hình thành một thành ngữ thông dụng trong tiếng Hoa là : TÀI CAO BÁT ĐẤU 才高八斗 hay BÁT ĐẤU CHI TÀI 八斗之才 để chỉ những người tài hoa xuất chúng, vượt trôi hơn hẵn những người khác. Thi Tiên Lý Bạch trong bài tự Đào Lý Viên cũng phải hạ câu: 
Ngô nhân vịnh ca, độc tàm Khang Lạc   吾人詠歌,獨慚康樂, có nghĩa: Chúng ta ngâm vịnh ngày hôm nay, chỉ thẹn riêng với ông Khang Lạc mà thôi. (Khang Lạc tức Khang Lạc Công chỉ Tạ Linh Vận đó).


Tào Thực 8 đấu, Tạ Linh Vận 1 đấu, Thiên hạ 1 đấu. 

        Trong văn học sử của ta cũng có một người Tài Cao Bát Đấu nhưng không gặp thời giống như là Tạ Linh Vận vậy, đó chính là ... 

        CAO BÁ QUÁT 高伯适 (1809 – 1855) : 
        Tự là Chu Thần (周臣), hiệu là Mẫn Hiên (敏軒), lại có hiệu là Cúc Đường (菊堂), là quân sư trong cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
        Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm Tân Tỵ (1821), ông thi khảo hạch ở trường thi tỉnh Bắc Ninh lúc đó mới 13 tuổi, nhưng thi Hương (lần đầu) không đỗ. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, bị Bộ Lễ kiếm cớ xếp xuống cuối bảng xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ cử nhân. Năm Nhâm Thìn (1832), Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Sau đó, ông vào kinh dự thi mấy lần nữa, nhưng lần nào cũng hỏng.
        Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ (ngày 7 tháng 9 âm lịch), rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên (21 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Dần, 1842). Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội "trảm quyết" xuống tội "giảo giam hậu", tức được giam lại đợi lệnh.
        Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào Huế (1847) làm ở Viện Hàm Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Do không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát đã bị đầy đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Khoảng cuối năm Canh Tuất (1850) đời vua Tự Đức, Cao Bá Quát lấy cớ về quê chịu tang cha và sau đó xin ở lại nuôi mẹ già rồi xin thôi chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai.
        Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người nhân dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ chống lại nhà Nguyễn. Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời.
        Chính sử là thế, cuộc đời lắm gian truân chìm nổi, bất đắc chí như Cao Bá Quát đã than vản trong bài Tài Tử Đa Cùng Phú rằng :

Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướt thướt, 
ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con ron chiếc chiếu lôi thôi, 
đêm tịch mịch soi chung vầng trăng tỏ.
Áo Trọng Do bạc phếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.
Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy;
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ. ...

        Vì tài giỏi, nên theo truyền thuyết dân gian Cao Bá Quát rất cao ngạo, ông từng nói: "
Trong thiên hạ có 4 bồ chữ. Một mình tôi giữ hết 2 bồ. Anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn văn Siêu giữ một bồ. Còn một bồ phân phát cho thiên hạ"!
        Tương truyền, vì tánh khí cao ngạo nên mọi người đều xa lánh. Một hôm Vua Tự Đức- Ông vua rất giỏi về văn chương - làm được môt đôi câu thơ vừa Hán vừa Nôm rất ngộ nghĩnh đặc biệt, mới đọc khoe với quần thần là :
        Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
        Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.

        Quần thần đều trầm trồ khen là độc đáo khác lạ, chỉ có Cao Bá Quát thản nhiên tâu: "Tâu bệ hạ, tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi ạ! Thần được nghe cả tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.
        Vua Tự Đức đang hí hửng về hai câu thơ dở Hán dở Nôm độc đáo của mình, không dè lại bị Quát dội một gáo nước lạnh thì tức lắm, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính ông ta đã nghĩ ra. Tuy nhiên, nhà vua vẫn cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ, với thâm ý nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân cho hả giận.
        Cao Bá Quát bình thản suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:

Bảo mã tây phương "huếch hoác" lai,
"Huênh hoang" nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.
Xuân nhật bất văn sương "lộp bộp",
Thu thiên chỉ kiến vũ "bài nhài".
"Khù khờ" thi tứ đa nhân thức,
"Khệnh khạng" tương lai vấn tú tài.

        Bài thơ vừa đọc dứt, cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn vua Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục về tài thi tứ rất nhanh nhẹn và sắc sảo của Quát, nhưng trong bụng cũng không vui...
        Ta thấy, Tạ Linh Vận và Cao Bá Quát đều là những nhân tài hiếm thấy và rất có tài đặc biệt trên đời, nhưng vì hoàn cảnh khốn cùng bức bách, sinh bất phùng thời hình thành tính cách cao ngạo với cuộc đời, thậm chí đến nước làm phản để đến nổi thân bại danh liệt, bị tru di tam tộc như Cao Bá Quát thì thật cũng đáng thông cảm lắm thay !

Đỗ Chiêu Đức sưu tập 
(nguồn internet)

20 tháng 3 2019

Nguyệt Mãn Tây Lâu

<C.021><Giai thoai văn chương> 
Đề tài: NGUYỆT MÃN TÂY LÂU
Biên soạn: ĐỔ CHIÊU ĐỨC


        NGUYỆT MÃN TÂY LÂU 月满西楼 là một vế trong bài từ NHẤT TIỄN MAI 一剪梅 nổi tiếng của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu 李清照 đời nhà Tống, được nhạc sĩ Tô Việt phổ nhạc và ca sĩ Đồng Lệ hát. Nguyên văn bài từ và cũng là lời ca như sau :

一剪梅                                  NHẤT TIỄN MAI

红藕香残玉簟秋             Hồng ngẫu hương tàn ngọc điệm thu,
輕解羅裳獨上蘭舟         Khinh giải la thường, độc thướng lan chu.
雲中谁寄锦書来             Vân trung thùy ký cẩm thư lai,
雁字回時月满西樓         Nhạn tự hồi thì, nguyệt mãn tây lâu.
花自飘零水自流             Hoa tự phiêu linh thủy tự lưu,
一种相思两處閒愁         Nhất chủng tương tư, lưỡng xứ nhàn sầu.
此情無計可消除             Thử tỉnh vô kế khả tiêu trừ,
才下眉頭却上心頭         Tài há mi đầu, khước thướng tâm đầu !

李清照                                          Lý Thanh Chiếu


        李清照(1084年3月13日~1155年5月12日)号易安居士,山东省济南章丘人。宋代(南北宋之交)女词人,婉约词派代表,有“千古第一才女”之称。所作词,前期多写其悠闲生活,后期多悲叹身世,情调感伤。形式上善用白描手法,自辟途径,语言清丽。论词强调协律,崇尚典雅,提出词“别是一家”之说,反对以作诗文之法作词。能诗,留存不多,部分篇章感时咏史,情辞慷慨,与其词风不同。有《易安居士文集》《易安词》,已散佚。后人有《漱玉词》辑本。今有《李清照集校注》。

        Lý Thanh Chiếu (13-3-1084 - 12-5-1155), hiệu là Dị An Cư Sĩ, người đất Chương Khâu, phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Bà là Nữ Từ Gia sống ở giữa thời Nam Bắc Tống, thuộc từ phái Uyển Ước, nổi danh là " Thiên cổ đệ nhất tài nữ ". Từ của bà được chia làm 2 thời kỳ : Trước và sau chiến loạn. Trước thường tả cuộc sống an nhàn, Sau thường bi thương cho thân thế. Bà thường dùng thủ pháp Bạch miêu 白描 là miêu tả thẳng sự việc, tạo riêng cho mình một con đường mới với lời lẽ trong sáng đẹp đẽ. Bà chủ trương Từ phải theo âm luật của nhạc, Từ phải là Riêng của Từ, chứ không thể dùng thủ pháp của văn thơ để làm Từ được. Bà cũng làm thơ cảm khái cho thời thế và vịnh sử, lời lẽ mạnh mẽ khảng khái, khác với phong cách làm Từ của bà. Tác phẩm " Dị An Cư Sĩ Văn Tập " và " Dị An Từ " đã thất tán. Người đời sau chỉ thu tập được " Sấu Ngọc Từ " và hiện nay thì có " Lý Thanh Chiếu tập hiệu chú ".


★ Chú Thích :

- Nhất Tiễn Mai : NHẤT TIỄN là Một Kéo; ở đây là Lượng Từ, chỉ Một Cành, Một Nhánh; nên NHẤT TIỄN MAI : là Một nhánh mai ( đã được cắt vào nhà để chưng trong bình ). Nhưng NHẤT TIỄN MAI còn là tên của một Từ Loại, gồm có 60 chữ, phần đầu 4 câu gieo 3 vần bằng, phần hai cũng vậy. Có thể mỗi câu mỗi gieo vần cũng được,
- Hồng Ngẫu Hương Tàn : NGẪU 藕 là Củ sen, ở đây mượn để chỉ Hoa Sen; nên Hồng Ngẫu Hương Tàn : là Sen đà tàn tạ chỉ còn sót lại chút tàn hương.
- Ngọc Điệm : Chiếu được đan bằng tre để nằm cho mát lúc hè về.
- Lan Chu : là Thuyền Lan, từ thậm xưng để chỉ chiếc xuồng con xinh xinh. Trong bài từ dùng để chỉ chiếc giường ngủ xinh xinh của người đẹp.
- Cẩm Thư : là Thư gấm, thư viết trên gấm trên lụa, chỉ chung thư từ.
- Nhàn Sầu : là Mối sầu nhàn hạ. Chỉ nổi buồn vơ vẩn.
- My Đầu là Đầu Mày ( cuối mắt ); Tâm Đầu là Đầu trái tim, là Trong Lòng.

★ Nghĩa bài từ :

        Củ sen đã hồng, sen đã tàn, hương sen cũng đã tàn phai, tấm đệm chiếu đan bằng tre cũng toát ra hơi thu lạnh lẽo. Ta cởi bỏ đi lớp quần là áo lụa, cô độc thả mình lên chiếc giường xinh xinh như một lá thuyền lan. Ngẩng đầu trông về phía mây xa xa, mà ao ước chàng gởi về một thư gấm cho ta trong đàn nhạn bay thành hình chữ nhất đã trở về kia; ánh trăng tròn tượng trưng cho sự đoàn viên đã phủ đầy tràn ngập cả lầu tây. Còn ta thì như hoa vẫn tự mình phiêu linh trôi nổi theo dòng nước vẫn vô tình êm ả trôi; cũng chỉ là một mối tương tư, nhưng hai nơi lại cùng sầu nhớ, và mối tình nầy không thể nào có thể xóa nhòa đi được. Vừa mới vơi sầu đi trên mi mắt thì đã lại thấy quặn thắt tận tâm can ! 
        Qủa là tình cảm thiết tha nhớ nhung của đôi lứa, của người cô phụ trông chồng khiến người đọc cũng phải bồi hồi tấc dạ. 


★ Diễn Nôm :

MỘT NHÀNH MAI

Sen tạ hương tàn chiếu lạnh thu,
Nhẹ cởi áo là, giường tựa lan chu.
Trong mây ai gởi ta thư gấm ?
Nhạn đã bay về trăng ngập tây lâu.
Hoa trôi nước cuốn biết về đâu,
Một mối tương tư, đôi đứa cùng sầu.
Tình nầy khó thể chịu dài lâu,
Thôi nhăn mày liễu, lại nhíu tâm đầu.

 Diễn lục bát :
Sen tàn chăn chiếu lạnh theo,
Áo là giường đẹp tựa chèo thuyền lan.
Ngắm mây những ngóng thư chàng,
Nhạn về trăng sáng ngập tràn lầu tây.
Hoa trôi nước cuốn mây bay,
Tương tư một mối hai nơi cùng sầu.
Tình nầy biết phải làm sao,
Hết nhăn mày liễu lại bào lòng son !
Đỗ Chiêu Đức

        Bấm vào link dưới đây để nghe Đồng Lệ hát bài NGUYỆT MÃN TÂY LÂU.

https://www.youtube.com/watch?v=EsAigp1dUxY

        童麗---月滿西樓
        月滿西樓 紅藕香殘玉簟秋 輕解羅裳獨上蘭舟 雲中誰寄錦書來 雁字回時月滿西樓 花自飄零水自流 一種相思兩處閒愁 此情無計可消除 才下眉頭卻上心頭 卻上心頭 紅藕香殘玉簟秋 輕解羅裳獨上蘭舟 雲中誰寄錦書來 雁字回時月滿西樓 ...

        Nữ văn sĩ Quỳnh Dao cảm vì 4 chữ " NGUYỆT MÃN TÂY LÂU 月满西樓 " ( ánh trăng vàng tràn ngập cả lầu tây ) trong bài từ của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu mà viết thành truyện NGUYỆT MÃN TÂY LÂU, là một truyện tình cảm hiện đại loại vừa ( không phải truyện ngắn nhưng chưa phải là truyện dài ) gọp chung với 9 truyện ngắn khác thành một tập truyện, lấy tựa chung là NGUYỆT MÃN TÂY LÂU. Truyện được quay thành phim, được nhạc sĩ Lưu Gia Xương viết nhạc nền, cũng lấy tựa bản nhạc là NGUYỆT MÃN TÂY LÂU, do nữ sĩ Quỳnh Dao viết lời. Bản nhạc nầy cũng rất nổi tiếng, do nữ ca sĩ Thái Cầm hát. Mời bấm vào link sau để nghe.

https://www.youtube.com/watch?v=XM17SjktcVI

月滿西樓                      NGUYỆT MÃN TÂY LÂU

這正是花開時候         Gía chính thị hoa khai thời hậu, 
露濕胭脂初透             Lộ thấp yên chi sơ thấu.
愛花且殷勤相守     Ái hoa thả ân cần tương thủ,
莫讓花兒消瘦             Mạc nhượng hoa nhi tiêu xấu.

這正是月圓時候         Giá chính thị nguyệt viên thời hậu, 
明月照滿西樓             Minh nguyệt chiếu mãn tây lâu.
惜月且殷勤相守         Tích nguyệt thả ân cần tương thủ, 
莫讓月兒溜走             Mạc nhượng nguyệt nhi lưu tẩu.

似這般良辰美景       Tự giá ban lương thần mỹ cảnh,
似這般蜜意綢繆          Tự giá ban mật ý trù mâu.
但願花長好                Đản nguyện hoa trường hảo...
月長圓人長久               Nguyệt trường viên nhân trường cửu !

có nghĩa :
        Đây chính là lúc mùa hoa đang nở rộ, sương thu mới vừa thấm ướt hoa hồng. Nếu yêu hoa thì hãy ân cần mà chăm chút, đừng để cho hoa tiều tụy võ vàng.
        Đây chính là lúc trăng đang độ tròn, Ánh trăng sáng đang chiếu tràn ngập cả lầu tây. Nếu có yêu trăng thì hãy xin ân cần mà giữ lấy ánh trăng , đừng để cho ánh trăng kia vuột mất.
        Cảnh đẹp đêm thanh như hôm nay, tình ý mật ngọt mặn nồng như thế nầy; Lòng những mong rằng hoa đẹp mãi, trăng tròn mãi và người thì vẫn mãi mãi bên nhau !

★ Diễn lục bát :


NGUYỆT MÃN TÂY LÂU

Yêu hoa đang lúc hoa tươi,
Sương rơi thắm ướt hoa cười đẹp xinh.
Yêu hoa chăm chút chân tình,
Để hoa tàn úa riêng mình xót xa.

Yêu trăng vừa lúc trăng ngà,
Trăng tròn tràn ngập chan hòa lầu tây.
Yêu trăng chớ để trăng gầy,
Xót xa trăng rụng cho đầy nhớ nhung.

Tình nầy cảnh ấy mông lung,
Thiết tha mật ngọt như cùng vấn vương.
Mong cho hoa đẹp miên trường,
Trăng tròn miên viễn người thương vĩnh hằng !

Đỗ Chiêu Đức

   

07 tháng 2 2019

Bồng Lai Không Xa - Tống Kỳ

<C.016><Giai Thoại Văn Chương> 
Đề tài: BỒNG LAI KHÔNG XA 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


        Tống Kỳ 宋祁 (998-1061), người đất An Châu (tỉnh Hồ Bắc hiện nay), người cao ráo đẹp trai, phong lưu tuấn tú, dáng người tiêu sái phiêu diêu như thần tiên giáng hạ. Lúc nhỏ nhà nghèo, gia đạo khốn khó, nhưng rất cố gắng và chăm chỉ học hành. Theo Trần Sử của Vương Đắc Thần ghi:

        Tống Giao 宋郊 (sau đổi là Tống Tường 宋庠 ) cùng em là Tống Kỳ 宋祁. lúc nhỏ cùng học ở đất An Lục. Cuộc sống của anh em rất chật vật, nghèo khó . Một năm, vào tiết Đông Chí, Tống Kỳ mời các bạn đồng học cùng ngâm thơ uống rượu và cười nói với bạn bè rằng :" Tiết Đông Chí mà không tiền mua rượu, tôi phải cạy những hoa văn trang trí trên bao kiếm của Tổ tiên để lại đem bán đi được hơn lượng bạc để mua rượu và đồ nhấm. Đông Chí thì ăn bao kiếm, đến Tết chắc phải ăn cả cây kiếm luôn !". Bạn bè cùng cười ồ, nhưng đều cảm động cho sự khẳng khái của anh ta.

        Năm thứ hai Thiên Thánh đời Tống Nhân Tông (1024), Tống Kỳ cùng anh là Tống Tường đều cùng đậu Tiến Sĩ. Khi điện thí Tống Kỳ được chấm đậu hạng nhất, tức đậu Trạng Nguyên. Nhưng lúc bấy giờ, thái hậu Chương Hiến đang phụ chính cho là : Anh em cũng ngang tài nhau, nếu để cho em đứng trên anh thì không hợp lễ tiết cho lắm, bèn chấm Tống Tường đậu Trạng Nguyên, còn Tống Kỳ xuống Tiến Sĩ hạng mười (?). Vì hai anh em đậu cùng khoa và đều họ Tống, nên các đồng liêu mới phân biệt gọi Tống Tường là Đại Tống, còn Tống Kỳ là Tiểu Tống.

        Tống Kỳ làm quan rất công minh chính trực, không về theo phe phái nào cả. Tất cả những chức vụ mà ông đãm nhiệm, bất luận là về mặt chính trị, văn hóa, nội chính trị an ... đều có thành tích rất tốt, vì thế mà con đường hoạn lộ rất thuận lợi suông sẻ một lèo lên đến chức Hàn Lâm Học Sĩ rồi Công Bộ Thượng Thơ.

 
       Tương truyền, khi đang làm Hàn lâm Học Sĩ ở Kinh Thành, một hôm đang lang thang trên đường phố, bất ngờ có một đoàn xe ngựa của hoàng tộc từ phía trước đi đến với một đoàn Ngự lâm quân đi trước mở đường. Tất cả bá tánh kể cả quan viên lớn nhỏ đều phải đứng nép vào hai bên lề đường, Tống Kỳ cũng đứng nép vào bên đường mà nhìn. Chợt trong một cung xa chạy ngang qua nghe có tiếng gọi: "Tiểu Tống !". Tống Kỳ giật mình nhìn lại thì thấy một bàn tay ngọc đang buông rèm xe xuống và thấp thoáng còn ẩn hiện một gương mặt thật đẹp của một cung nhân. Chàng Hàn Lâm Học Sĩ trẻ trung như bị hớp hồn, đứng ngẩn ngơ bên đường nhìn theo đoàn xe ngựa đi mất hút trong đám bụi mù mà lòng vẫn còn bàng hoàng ngơ ngẩn. Khi về đến phủ Hàn Lâm mà lòng vẫn cứ vấn vương vương vấn mãi hình bóng của ai kia: Nàng là ai, sao nàng lại biết ta là Tiểu Tống, nàng đã để mắt xanh đến ta từ bao giờ, sao ta không hề biết ? ... Qủa là " Ngổn ngang trăm mối bên lòng, nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình", chàng bèn lấy giấy bút ra viết nên bài từ " Giá Cô Thiên 鹧鸪天 " tuyệt diệu như sau :

畫轂雕鞍狭路逢, Họa cốc điêu yên hiệp lộ phùng,
一聲腸断绣帘中。 Nhất thanh trường đoạn tú liêm trung.
身無彩鳳雙飛翼, Thân vô thái phụng song phi dực,
心有靈犀一点通。 Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
金作屋,玉為籠, Kim tác ốc, Ngọc vi lung.
車如流水馬游龍。 Xa như lưu thủy mã du long,
劉郎已恨蓬山遠, Lưu Lang dĩ hận Bồng sơn viễn,
更隔蓬山幾萬重。 Cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng !

có nghĩa : 
Xe vua trạm trổ đẹp qua đường,
Một tiếng ai kêu luống đoạn trường.
Hận không đôi cánh như chim phượng,
Lòng tựa Linh tê đã vấn vương.
Nhà vàng đó, lầu ngọc suông,
Ngựa xe như nước chạy bon bon,
Chàng Lưu vốn hận Bồng Lai cách,
Lại cách Bồng Lai mấy vạn đường !


        Thật ra thì bài từ nầy cũng không phải là một tuyệt tác gì, chỉ sử dụng 4 câu trong hai bài Vô Đề của Lý Thương Ẩn, và câu "Xa như lưu thủy mã như long" trong bài Vọng Giang Nam của Lý Hậu Chủ, rồi viết thêm vài câu theo ý của tác giả cho đúng với hoàn cảnh trước mắt, chắp vá lại mà thành. Nhưng ... nó lại rất hay, rất sát sao với tình ý của tác giả lúc bấy giờ với câu chuyện tình giữa một vị Hàn Lâm với một cung nữ trong cung vua, nên bài từ nổi tiếng rất nhanh và được các ca nhi phổ nhạc hát khắp kinh thành. Chẳng bao lâu sau, bài từ được truyền vào đến hoàng cung, vua Tống Nhân Tông rất lấy làm lạ khi biết được viêc nầy, bèn cho tập hợp tất cả đoàn xe ngựa hôm đó lại để hỏi tra xem, cung nữ nào ngồi ở xe nào đã gọi tên " Tiểu Tống " ? Một cung nhân trẻ đẹp đã thẹn thùng đứng ra nhận tội. Vua hỏi làm sao biết được " Tiểu Tống "?thì nàng cung nữ tâu rằng : Trước đây, khi thị yến trong cung với các quan tân khoa, đã nghe mọi người gọi là Tiểu Tống, mấy hôm trước khi đi ngang qua phố tình cờ vén rèm thấy được nên mới buộc miệng gọi một tiếng " Tiểu Tống " mà thôi !

        Nhà vua lặng thinh chẳng nói gì, ra lệnh cho đòi Hàn Lâm Học Sĩ Tống Kỳ vào cung. Tống kỳ rất lấy làm lạ không biết là chuyện gì. Nhà vua thiết yến khoản đãi, trong buổi tiệc lại cho con hát hát bài "Giá Cô Thiên" của Tống Kỳ đã làm để tỏ tình với cung nữ. Tống Kỳ nghe xong, mồ hôi ra đầy mình, sợ quá, vội vàng quỳ xuống thỉnh tội. Nên biết rằng dưới chế độ phong kiến, các quan viên nào dám cả gan ghẹo đến người của hoàng tộc, nhất là các cung nữ của nhà vua, thì tội khi quân sẽ bị chém đầu như chơi. Nhưng ...

        Tống Nhân Tông là một ông vua rất khoan dung hòa ái, lại yêu thích văn chương, nên vội vàng đở Tống Kỳ dậy, cười xòa mà bảo rằng : "Bài từ của ái khanh viết là : 劉郎已恨蓬山遠 Lưu Lang dĩ hận Bồng sơn viễn, 更隔蓬山幾萬重 Cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng."Bồng Lai" qủa thật rất xa xôi, nhưng hôm nay, trong cung nầy của Trẩm "Bồng Lai" của khanh ở rất gần nơi đây !". Nói đoạn, nhà vua bèn cho đòi nàng cung nữ hôm nọ đến và hạ chỉ : Ban tặng nàng cho Tống Kỳ, kết thúc cho một cuộc nhân duyên rất nên thơ và có hậu.


        Truyện được lan truyền ra ngoài rất nhanh, tạo thành một giai thoại văn chương và một chuyện tình đẹp hiếm có lúc bấy giờ, nhờ vào lòng khoan dung của một vị vua nhân từ : Tống Nhân Tông. Truyện vừa đẹp vì tình yêu đôi lứa, vừa đẹp vì cái nghĩa quân thần của nhà vua và Tống Kỳ. Dân chúng ở kinh thành lúc bấy giờ thường kháo nhau rằng : Chỉ cần một bài từ, chỉ cần có hai câu thơ ao ước đến được cỏi Bồng Lai, Tống Kỳ đã bồng được nàng cung nữ đẹp đẽ từ cung vua về nhà mình !

        Riêng Tống Kỳ, ngoài tài văn thơ ra, ông còn là một nhà viết sử nổi tiếng khi cùng với Âu Dương Tu cùng nhau kiểu chỉnh lại Cựu Đường Thư, và mất mười mấy năm để viết nên bộ TÂN ĐƯỜNG THƯ gồm 225 quyển. Ông còn nổi tiếng với bài từ " Ngọc Lâu Xuân 玉樓春 " trong đó có một câu rất hay là : 
紅杏枝頭春意鬧  - Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo - có nghĩa "ý xuân đang reo vui ở trên đầu cành hoa hồng hạnh", nên Tống Kỳ còn được người đời gọi là "Hồng Hạnh Thượng Thư".

Đỗ Chiêu Đức 

26 tháng 12 2015

Tư Quân Ân - Lệnh Hồ Sở

<C.007><Giai thoại văn chương>
Tên bài: TƯ QUÂN ÂN 
Tác giả: LỆNH HỒ SỞ 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


★ Nguyên bản và phiên âm

    思君恩                        TƯ QUÂN ÂN
小苑鶯歌歇,            Tiểu uyển oanh ca yết,
長門蝶舞多。            Trường Môn Điệp vũ đa.
眼看春又去,            Nhỡn khan xuân hựu khứ,
翠輦不曾過。            Thúy liễn bất tằng qua.
    令狐楚                        Lệnh Hồ Sở 


★ Chú thích

- Tiểu Uyển : là Vườn Hoa nhỏ. Thượng Uyển là Vườn Hoa lớn của vua chúa dạo chơi ngắm hoa.
- Yết : là Nghỉ ngơi, là Hết, là Chấm dứt.
- Trường Môn : là Cung Trường Môn, nơi Trần Hoàng Hậu đời Tây Hán ở khi bị thất sủng.
- Thúy Liễn : là Xe màu xanh biếc của Vua đi do dê kéo.

★ Nghĩa của bài thơ :

        Nhớ lúc được hưởng ơn vua
Trong vườn hoa nhỏ nhoi nầy chim oanh đã ngừng hót,
Nhưng ở cung Trường Môn thì bướm lại bay lượn rất nhiều. 
Mắt trông mùa xuân lại đi qua rồi 
Mà xe vua thì vẫn bằn bặc chẳng thấy tăm dạng đâu cả !

        Cô đơn chiếc bóng mòn mõi đợi chờ, uổng phí cả thanh xuân !.... Bướn chỉ lượn ở cung Trường Môn, còn oanh thì đã ngừng hót, một mùa xuân nữa lại đi qua, một lần nữa lại đánh mất tuổi xuân một cách oan uổng trong lãnh cung buồn thảm ! Càng trông đợi vua thì càng chẳng thấy dấu xe vua. Tình ý thiết tha mà kín đáo, không trắng trợn lộ liễu như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu :
        Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục,
        Chốn phòng không như giục mây mưa!

★ Diễn nôm

        NHỚ ƠN VUA
Vườn nhỏ oanh đà ngừng hót,
Trường Môn bướm lại lượn đua.
Xuân tàn đi qua trước mắt,
Vẫn nào thấy bóng xe vua !

        - Diễn lục bát : 
Oanh đà ngưng hót trong vườn,
Bướm còn bay lượn Trường Môn dập dìu.
Mắt trông xuân đã tiêu điều,
Xe vua nào thấy nghe nhiều đợi mong!
Đỗ Chiêu Đức

        * Bản viết tay của Đỗ Chiêu Đức năm 1972 bài TƯ QUÂN ÂN của Lệnh Hồ Sở

Ban Tiệp Dư (Cung Oán 3) - Vương Duy

<C.006><Giai thoại văn chương> 
Tên bài: 
BAN TIỆP DƯ
(Cung oán bài 3)
Tác giả: VƯƠNG DUY
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


班婕妤                         BAN TIỆP DƯ
怪來妝閣閉,             Quái lai trang các bế,
朝下不相迎。             Triều hạ bất tương nghinh.
總向春園裡,             Tổng hướng xuân viên lý,
花間笑語聲。             Hoa gian tiếu ngữ thanh.
王維                             Vương Duy

★ Chú thích

- Quái Lai : Quái lạ ! Sao lạ Vậy !
- Trang Các : Cái Gác trang Điểm, Chỉ cái lầu cái gác cuả các bà các cô ở, chữ nầy cũng như chữ Trang Đài vậy.
- Triều Hạ : là Tan Triều,là Bãi Triều.
- Bất Tương Nghinh : là Không Nginh đón nhau.
- Tổng Hướng : là Đều Hướng Về. Tất cả đều hướng về.

★ Nghĩa bài thơ

        Lạ nhỉ, sao gác ngọc của nàng lại đóng im ỉm thế kia, tan chầu rồi cũng không ra nghêng đón đức vua. Ôi, Tất cả cũng chỉ để hướng về bên trong vườn xuân ấy, há chẳng nghe thấy tiếng cười nói trong hoa đó hay sao ?! (Nếu ta cũng lẫn vào trong đó, thì cũng chỉ thêm một tiếng cười nói tầm thường vô nghĩa mà thôi!).

        Nỗi oán hận âm ỉ trở nên bất bạo động, thay vì phải mở cửa để giả lả chào đón vua khi tan chầu, để mong có may mắn được nhà vua dòm dõ tới hay chăng. Đằng nầy nàng đóng kín cửa không thèm chào đón vua, vì nàng biết rằng chào đón cũng chẳng hề được vua đoái hoài, và như tất cả những cung nữ mơ mộng được vua thương đổ về nói nói cười cười trong vườn Thượng Uyển cũng vô ích mà thôi !

        Nàng cao ngạo hờn lẫy âm thầm đóng kín cửa chịu đựng với số phận hẩm hiu của mình, chớ không " Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra " như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu.


★ Diễn nôm
        
BAN TIỆP DƯ 

Quái lạ, sao đóng cửa,
Tan chầu chẳng tiếp nghinh.
Trong đám xuân viên đó,
Thêm chi một chút tình !

- Diễn lục bát
Lạ lùng sao cửa đóng im,
Tan chầu nàng cũng chẳng thèm tiếp nghinh.
Hướng về vườn Ngự hoa xinh,
Trong hoa cười nói chút tình như không !
Đỗ Chiêu Đức 

        * Bản viết tay của Đỗ Chiêu Đức năm 1972 bài BAN TIỆP DƯ của Vương Duy.

Tiệp Dư Oán (Cung Oán 2) - Hoàng Phủ Nhiễm

<C.005><Giai thoại văn chương>
Tên bài: 
TIỆP DƯ OÁN
(Cung oán: bài 2) 
Tác giả: HOÀNG PHỦ NHIỄM 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


婕妤怨                         TIỆP DƯ OÁN
花枝出建章,             Hoa chi xuất Kiến Chương,
鳳管發昭陽。             Phụng quản phát Chiêu Dương.
借問承恩者,             Tá vấn thừa ân giả,
雙蛾幾許長?             Song nga kỷ hứa trường ?
皇甫冉                          Hoàng Phủ Nhiễm


★ Chú thích

Hoa Chi : là Cành Hoa, Ở đây chỉ các người đẹp.
Kiến Chương : Tên một cung điện đời Hán.
Phụng Quản : Chỉ Ống Tiêu có hình con chim phụng.
Chiêu Dương : Tên của cung vua ở đời Hán.
Tá Vấn : là Ướm Hỏi, là Dám Hỏi.
Thừa Ân Giả : là Người đang nhận ơn vua.
Song Nga : chỉ Cặp Chơn mày. Ở đây chỉ Sắc đẹp.
Kỷ Hứa : là Bao nhiêu ?.

★ Nghĩa bài thơ

        Nỗi oán hận của nàng Ban Tiệp Dư
 Những người đẹp như những cành hoa đẹp phát xuất từ cung Kiến Chương.
 Tiếng tiêu tiếng sáo phụng dìu dặt trổi lên từ điện Chiêu Dương (nơi mà nhà vua đang yến ẩm vui chơi).
Dám hỏi những kẻ đang được vua ân sủng, đôi mày nga kia dài được bao nhiêu? Đôi Nga My (mày nga hoặc mày ngài) tượng trưng cho sắc đẹp của người phụ nữ.

        Trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu cũng đã viết: Đóa lê ngon mắt cửu trùng / Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu !
        Nàng cung nữ ở lãnh cung đã mĩa mai những cung nhân đang được vua yêu là: Để xem mày ngài của các nàng dài được bao nhiêu, ý muốn nói, để xem các nàng còn đẹp được bao lâu, còn được vua yêu thêm bao lâu nữa ? Trước kia, ta cũng đã từng được vua yêu như các nàng đó các nàng ơi !


★ Diễn nôm

TIỆP DƯ OÁN

Kiến Chương hoa nở đẹp,
Chiêu Dương nhạc rộn ràng.
Dám hỏi người vua mến,
Mày dài mấy hai hàng ?!

 - Diễn lục bát :
Hoa xinh đẹp xuất Kiến Chương,
Phụng tiêu nhạc trổi Chiêu Dương rộn ràng.
Hỏi người yêu dấu điện vàng,
Đã dài được mấy hai hàng mày nga ?!
Đỗ Chiêu Đức

        * Bản viết tay của Đỗ Chiêu Đức năm 1972 bài TIỆP DƯ OÁN của Hoàng Phủ Nhiễm

18 tháng 12 2015

Trường Tín Cung (Cung Oán 1) - Lưu Phương Bình

<C.004><Giai thoại văn chương> 
Bài thơ: TRƯỜNG TÍN CUNG 
(Cung oán: bài 1)
Tác giả: LƯU PHƯƠNG BÌNH 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


        Hầu hết thơ Cung Oán đời Đường đều xoay quanh đề tài của nàng Ban Tiệp Dư, cung Trường Tín, điện Chiêu Dương... đời Hán. Ít có bài thơ nào dám nói thẳng vào hậu cung nhà Đường lắm. Âu cũng là thường tình. Ta đã đọc các bài Thất Ngôn Tứ Tuyệt rồi, bây giờ thì ta đọc Ngũ ngôn Tứ Tuyệt nhé !

長信宮                          TRƯỜNG TÍN CUNG
夢裏君王近,              Mộng lý quân vương cận,
宮中河漢高。           Cung trung hà hán cao.
秋風能再熱,              Thu phong năng tái nhiệt,
團扇不辭勞。           Đoàn phiến bất từ lao !
劉方平                          Lưu Phương Bình


* Chú thích

- Hà Hán : Còn gọi là Ngân Hà, Thiên Hà.
- Từ Lao : là Chối từ lao nhoc, Không chịu được sự lao nhọc.
 - Bất Từ Lao : là Không chối từ sự lao nhọc. Có nghĩa : Sẵn sàng chịu lao nhọc.

* Nghĩa bài thơ

        Trong mơ thấy mình được thân cận với quân vương. Trong cung bây giờ đã vào thu nên dãi Ngân Hà nhìn thấy trên cao. Nếu như gió thu có thể làm cho nóng nực trở lại, thì cây quạt lụa tròn nầy rất sẵn sàng không từ sự lao nhọc mà quạt mát cho vua ngay !
        Qủa thật đáng thương và tội nghiệp vô cùng ! Vua thì ở trên cao như giải Ngân Hà, có thể ngắm được mà không thể với tới được. Và ... Ao ước một điều mà không hề có được, gió thu hiu hắt làm sao có thể nóng lại cho được ?! Cho nên ao ước như không, đành chịu cảnh lẻ loi ở lãnh cung mà không có cơ hội nào thân cận quân vương như trong mộng cho được!

* Diễn nôm

TRƯỜNG TÍN CUNG

Trong mơ vua thân cận,
Vào thu Ngân Hà cao.
Gió thu như nóng lại,
Quạt lụa chẳng từ lao !

- Diễn lục bát

Trong mơ gần gũi quân vương,
Lãnh cung cao ngắm xót thương Ngân Hà.
Gió thu ví nóng lại mà,
Không từ lao nhọc quạt là sẵn đây !
Đỗ Chiêu Đức

        * Bản viết tay của Đỗ Chiêu Đức năm1972 bài TRƯỜNG TÍN OÁN của Lưu Phương Bình

12 tháng 12 2015

Ô Y Hạng - Lưu Vũ Tích

<C.003><Giai thoại văn chương> 
Tên bài: Ô Y HẠNG 
Tác giả: LƯU VŨ TÍCH 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


1. Nguyên bản và phiên âm 

烏衣巷                                   Ô Y HẠNG
朱雀橋邊野草花,         Chu tước kiều biên dã thảo hoa,
烏衣巷口夕陽斜。         Ô y hạng khẩu tịch dương tà.
舊時王謝堂前燕,         Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
飛入尋常百姓家。         Phi nhập tầm thường bách tính gia.
劉禹錫                                   Lưu Vũ Tích 

2. Chú Thích :

        Ô Y HẠNG 烏衣巷 : Ô là Màu đen, Y là Áo, Hạng là Con Hẽm. Ô Y Hạng là Con hẽm áo đen. Có tích như sau :
        Ô Y Hạng là một con hẽm của TP Nam Kinh nằm ở phía nam của sông Tần Hoài, con hẽm nầy có từ đời Tam Quốc, thuộc nước Đông Ngô, nơi độì Cấm quân Áo Đen trú đóng mà thành tên. ( Một điều thú vị mà văn nhân thi sĩ không biết tới, đội Cấm quân Áo Đen chính là đội Thuỷ quân Người Nhái được huấn luyện bên bờ sông Tần Hoài và Trường Giang chuyên đục lủng thuyền của quân địch. Chiếu theo ngũ hành, Thuỷ thuộc màu Đen, nên đội Người Nhái nầy toàn mặc quân phục màu đen là vì thế !).
        Sau, vào đời Đông Tấn, là nơi ở của 2 danh gia vọng tộc Vương Đạo và Tạ An. Gia nhân, ngưòi ăn kẻ ở của 2 nhà nầy đều mặc đồ đen, ra vào nườm nượp trong con hẽm nầy, nên Ô Y Hạng càng nổi tiếng " Ô Y " hơn. Con em của 2 nhà nầy được gọi là " Ô Y Lang ", có nghĩa là : Các Chàng của hẽm Áo Đen ( Ý chỉ là con em của hẽm nhà giàu, chớ chưa chắc là họ thích mặc màu đen đâu !). 
        Nhưng đến đời Đường thì Ô Y Hạng bị bỏ phế, và cho đến hiện nay, thì ....Ô Y Hạng là khu tập trung sản xuất công nghệ phẩm của dân gian.
        CHU TƯỚC KIỀU 朱雀橋 : CHU là Màu đỏ, TƯỚC là Chim sẻ, KIỀU là Cầu. CHU TƯỚC KIỀU là Cây cầu bắt ngang sông Tần Hoài qua Thành phố Nam Kinh đưa đến Ô Y Hạng, giữa cầu có lầu canh được trang trí bằng 2 con chim sẻ bằng đồng là kiến trúc của Tạ An xây nên.
        DÃ THẢO HOA : DÃ 野 là Hoang dã. DÃ THẢO HOA là Hoa cỏ mọc một cách hoang dã, không được trồng trot, chăm sóc.


3. Nghĩa của bài thơ

        Bên cầu Chu Tước ( lẽ ra rất phồn vinh tấp nập người qua kẻ lại, thì nay...) cỏ hoang hoa dại phủ đầy, và ở đầu con hẽm Ô Y ( không còn nườm nượp gia nhân ra vào như xưa, mà nay ...) chỉ thấy nắng chiều nghiêng nghiêng buồn bã. Những con én ngày xưa chít chiu ríu rít trên rường nhà cuả Vương Đạo và Tạ An, nay đã bay hết ra nhà của bá tánh thường dân rồi !
Chim én là biểu tượng của mùa xuân, của ấm êm hạnh phúc. Theo tập tính thì chim én chỉ làm tổ trên những rường nhà có người ở, còn nhà bỏ hoang thì chim én cũng... bay luôn !
        Lưu Vũ Tích đã khéo dùng hình ảnh hoang dại cuả cỏ hoa, cái nghiêng nghiêng sắp tắt của nắng chiều, và sự vắng lặng trơ vơ không một bóng chim lai vãng để gợi nên sự tiêu điều hoang phế của các danh gia vọng tộc đã từng vang bóng một thời, nay thì ..." thời oanh liệt nay còn đău !!!"
        Qủa là một bài thơ hoài cổ não lòng, làm ta chợt nhớ đến 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan :
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương!
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương!!!


4. Diễn nôm

HẼM Ô Y

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa hoang,
Trước hẽm Ô Y ánh nắng tàn.
Chim én trên rường Vương Tạ trước,
Nay đà bay đến với dân gian !

- Diễn lục bát 
Cỏ hoang hoa dại bên cầu,
Chiều nghiêng nắng xế thêm sầu Ô Y.
Én xưa cũng hết rù rì,
Bỏ nhà Vương Tạ bay đi dân thường !

Đỗ Chiêu Đức

07 tháng 12 2015

Tạng Biệt - Đỗ Mục

<C.002><Giai thoại văn chương>
Tên bài: TẠNG BIỆT 
Tác giả: ĐỖ MỤC
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức


 
       "Ôi, Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!". Câu nói trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa mới đơn giản nhưng thấm thía làm sao! Biệt ly là một trong Sanh Ly Tử Biệt, là đề tài muôn thuở của nhân sinh, thi nhân từ ngàn xưa đến nay đều không bỏ qua đề tài nầy. Đỗ Mục cũng không ngoại lệ, ta hãy cùng đọc một bài Thất ngôn Tứ tuyệt tuyệt tác về biệt ly của ông nhé!

        贈別                                   TẠNG BIỆT
        多情卻似總無情,     Đa tình khước tự tổng vô tình,
        唯覺樽前笑不成。     Duy giác tôn tiền tiếu bất thành.
        蠟燭有心還惜別,     Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt,
        替人垂淚到天明。     Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh !
        杜牧                                   Đỗ Mục


1. Xuất xứ của bài thơ

        Năm Đại Hòa thứ 9 (khoảng năm 835) Đỗ Mục từ chức vụ Hoài Nam Tiết Độ Sứ Chưởng Thư Ký thăng nhậm Giám Sát Ngự Sử, nên phải rời Dương Châu về lại Trường An. Đây là bài thơ TẶNG BIỆT ông làm để nói lên cái tình quyến luyến của mình khi phải chia tay cùng một hồng nhan tri kỷ là một cô ca kỷ xinh đẹp ở Dương Châu.

2. Chú thích

TẠNG BIỆT : hay Tống Biệt, Tiễn Biệt đều có nghĩa là Tiễn Đưa, Đưa Tiễn một ai đó.
KHƯỚC TỰ : Lại giống như, Ý chỉ một nghĩa ngược lại.
TIẾU BẤT THÀNH : là Không cười nổi. Cười hổng nổi.
LẠP CHÚC HỮU TÂM : Ngọn nến có tim. Cây đèn cầy cũng có tim đèn cầy như tim của con người vậy.
TÍCH BIỆT : Thương tiếc cho nổi biệt ly.
THẾ : là Thay. Ta có từ kép Thay Thế.
THÙY LỆ : Chảy nước mắt. Rơi lệ.


3. Nghĩa bài thơ

        Rất đa tình mà lại phải làm như là rất vô tình vậy. Chỉ cảm thấy rằng trước chén rượu chia tay thì không thể nào gượng cười cho nổi. Ngay cả ngọn nến kia cũng có cái tim ở giữa như con người, cho nên cũng tiếc thương cho nổi biệt ly mà thay người nhỏ lệ thâu đêm suốt sáng !
        Đọc 2 câu: 
        Đa tình khước tự tổng vô tình, 
        Duy giác tôn tiền tiếu bất thành.
 làm ta nhớ đến một vế thơ trong bài " Giây Phút Chạnh Lòng " của Thế Lữ :
        Rồi bỗng ngừng vui cùng lẵng lặng,
        Nhìn nhau bình thản lúc ra đi,
        Nhưng trong khoảnh khắc ơ thờ ấy,
        Thấy cả muôn đời hận biệt ly !
và ... 2 câu :
        Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt,
        Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh !
làm ta nhớ đến câu :
        Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.
        (Lệ nến chảy tan hết thành tro thì lệ lòng mới cạn)
trong bài thơ VÔ ĐỀ thất ngôn bát cú cuả Lý Thương Ẩn.
và ... câu thơ của Ngân Giang Nữ Sĩ thời Tiền chiến là :
        Đêm nay lệ nến rơi thành chữ ! 


4. Diễn nôm 

TẶNG BIỆT 

Đa tình lại tựa giống vô tình,
Trước rượu cười vui tiếng chẳng thành.
Nến nọ có lòng nên cũng biết...
Thay người nhỏ lệ suốt năm canh !

- Lục bát :
Đa tình phải giống vô tình,
Bồi hồi chén tiễn lặng thinh nói cười.
Nến kia cũng tựa như người,
Suốt đêm nhỏ lệ ngậm ngùi biệt ly !

Đỗ Chiêu Đức