29 tháng 6 2019

PHONG

<C.038><Điển tích văn học> 
Đề tài: PHONG
Đỗ Chiêu Đức sưu tầm 
 


        PHONG là gió, là sự chuyển động của không khí mang đến sự mát mẻ thoải mái cho mọi người, nên Phong Lưu là sự lưu động của gió làm cho con người thấy dễ chịu hơn, vì thế con người PHONG LƯU 風流 là con người dễ chịu khoáng đạt rộng rãi; cuộc sống Phong Lưu 風流 là cuộc sống khá giả sung túc đầy đủ.

        - Trong bài GIÓ, ta đã biết thần gió có tên là DI, nên gọi là PHONG DI 風姨. Trong văn học cổ của ta gọi là DÌ GIÓ. Xin kể thêm một giai thoại về tích của Dì Gió theo truyền thuyết thần thoại đời Đường: Phong Di 風姨 là Phong Thập Bát Di 封十八姨, là bà dì đứng hàng thứ mười tám. 

        - Theo sách Bác Dị Chí 博异志 , năm Thiên Bảo đời Đường vào một đêm trăng sáng, Thôi Huyền Vi 崔玄微 đi ngắm hoa trong vườn tình cờ gặp được một toán giai nhân cùng hẹn nhau uống rượu, người đẹp mặc đồ xanh là Dương Thị, đồ trắng lá Lý Thị, đồ Hồng là Đào Thị, người đẹp mặc đồ hồng phấn nhỏ nhất là Thạch Thố Thố, cùng với bà dì thứ mười tám nhà họ Phong (Phong Thập Bát Di) uống rượu vui đùa trong vườn. Bà dì Mười tám uống say làm rượu đổ dơ đồ của Thố Thố, nên tiệc rượu chẳng vui mà tàn. Đêm sau lại đến, Thố Thố nói cho Thôi Huyền Vi biết là mọi người đều trú ngụ trong vườn nầy, và thường hay bị các trận gió bất thường làm cho gãy đổ, nên khẩn khoản nhờ Thôi dựng cho một cây phướng ở phía đông vườn để hóa giải tai nạn. Lúc bấy giờ vừa qua tiết Nguyên Đán, Thôi bèn y lời dựng phướng, tối hôm ấy quả có gió đông nổi lên rất mạnh, làm cho cát bay đá chạy, cây cối gãy cành đổ nhánh, nhưng các loài hoa trong vườn thì lại không sao cả. Thôi Huyền Vi mới ngộ ra rằng các người đẹp đều là các loại hoa ở trong vườn. Nàng họ Dương áo xanh là cây dương liễu; nàng Lý Thị áo trắng là cây hoa lý ở trong vườn, nàng họ Đào mặc áo hồng là cây hoa đào và người đẹp nhỏ nhất Thạch Thố Thố là cây lựu bạch, còn Phong Thập Bát Di chính là Thần Gió đó.

Phong Thập Bát Di và Thạch Thố Thố (nàng Lựu)

        - Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cuả vua Lê Thánh Tông và Nhị Thập Bát Tú có câu :
         Đêm có ả trăng làm bạn cũ,
         Ngày thì Dì Gió quét bên giường.
        - Trong bài phú Lắm Mối Tối Nằm Không cũng có câu :
         Tối đến thở than cùng nguyệt tỉ,
         Ngày thì năn nỉ với Phong Di.

        Theo thứ tự ABC, sau Phong Di ta có:

        * PHONG ĐÌNH 楓庭 : 
        PHONG ở đây là cây Phong, chớ không phải là Gió. Trong cung điện nhà Hán khi xưa thường hay trồng cây phong trong sân chầu, nên PHONG ĐÌNH hay SÂN PHONG là chỉ trong sân của nhà vua, như trong truyện Nhị Độ Mai :
Bách quan đóng chặt Sân Phong,
Tiếng xe chen ngựa, vẻ lồng cân đai...
hay như :
Thiên ân ban trước Phong Đình,
Ba tuần ngự tửu, hai cành cung hoa.

        * PHONG HẠC 風鶴 :
        Phong Hạc là nói gọn lại của thành ngữ Phong Thanh Hạc Lệ, Thảo Mộc Giai Binh 風聲鶴唳,草木皆兵, có nghĩa là tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu, tiếng cỏ cây xào xạc đều ngỡ là binh lính theo tích sau đây : 
        Công Nguyên năm 383, Tiền Tần Vương Phù Kiên sau khi thống nhất một dãy ven sông Hoàng Hà, định tập trung đủ 90 vạn quân sẽ đem quân đánh ụp tiêu diệt nước Đông Tấn, bèn phái em là Phù Dung làm tiên phong chiếm lấy thành Thọ Dương. Phù Dung đánh lấy thành một cách dễ dàng, biết Đông Tấn binh yếu lại thiếu lương thực, mới đề nghị với Phù Kiên nhanh chóng đánh chiếm Đông Tấn. Phù kiên không đợi binh lực tập trung đầy đủ, lập tức đem quân tấn công Đông Tấn ngay.
        Tướng Đông Tấn là Tạ Thạch biết được binh lực của Tần chưa tập trung đầy đủ, bèn dùng kế khích tướng thách Phù Kiên nếu muốn phân cao thấp thì hãy lui binh một dặm, mình sẽ đem binh qua sông Phì Thủy quyết một trận hơn thua, bằng nếu sợ thua thì hãy đầu hàng ngay đi. Phù Kiên cả giận, định giả vờ lui binh, đợi cho binh Tấn qua sông nửa chừng sẽ quay lại đón đánh một trận cho tan tác binh nhung. Nào ngờ, lòng binh Tần đã chán nản vì chinh chiến lâu ngày, nay thấy sứ giả quân địch vừa rời trại thì chủ tướng bèn ra lịnh lui binh, nên lòng càng hoảng sợ mạnh ai nấy chạy người ngựa ngổn ngang dẫm đạp lên nhau hổn loạn thành một khối. Phù Kiên ra lệnh dừng lại thì đã không còn kịp nữa. Bên kia sông Tạ Thạch thấy thế bèn thừa cơ hạ lịnh quân sĩ cấp tốc sang sông truy sát. Quân Tần thấy quân Tấn qua sông ráo riết càng hoảng sợ hơn dẫm đạp lên nhau mà chạy trốn, đến nỗi nghe cơn gió thổi qua cây cỏ lào xào cũng tưởng là quân Tấn đã đuổi đến nơi rồi. Sự kiện nầy đưa đến câu thành ngữ PHONG THANH HẠC LỆ, THẢO MỘC GIAI BINH 風聲鶴唳,草木皆兵, có nghĩa : Tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu, tiếng cỏ cây xào xạc cũng đều là binh lính cả ! Trận đánh nầy quân Tần đã đại bại. Phù Dung chết trong đám loạn quân, còn Phù Kiên trúng tên bị thương may mà chạy thoát được. Sử gọi trận đánh nầy là PHÌ THỦY CHI CHIẾN 淝水之戰.
        Nên tiếng PHONG HẠC là chỉ sự lo sợ hoảng hốt, như trong bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu :
            "Tiếng Phong Hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa;
            Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ."

 
PHONG THANH HẠC LỆ 風聲鶴唳, 

THẢO MỘC GIAI BINH ,草木皆兵,

        * PHONG QUANG 風光 : 
        - Gió và Ánh sáng. Theo như thơ của Tạ Thiểu 謝朓, một trong Cánh Lăng Bát Hữu 竟陵八友 là "Nhựt Hoa xuyên thượng động, Phong quang thảo tế phù 日華川上動,風光草際浮。", có nghĩa là Ánh nắng rực rỡ lay động trên sông và ánh sáng của gió rung rinh trên làn cỏ nổi trên mặt nước. Gió vốn không có ánh sáng, nhưng trên cỏ được ánh sáng mặt trời chiếu vào, cho nên khi cỏ rung rinh dưới ngọn gió thì tưởng chừng như là gió có ánh sáng vậy. Nên ... Phong Quang chỉ phong cảnh sáng sủa rạng rỡ xinh tươi,
        - Như trong Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 :
Phong Quang tám bức vờn tranh,
Bình non mượn khảm, gương doành lét tô.

        * PHONG SẮC 豐嗇 : 
        PHONG là Đầy là Hơn. SẮC là Cạn là kém. Do thànnh ngữ có xuất xứ từ Kinh Thi là "Bỉ Sắc Tư Phong 彼嗇茲豐". Có nghĩa : Cái nầy đầy thì cái kia vơi. Theo luật bù trừ của tạo hóa, được cái nầy thì mất cái kia, 
        - Như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã mở đầu câu truyện bằng thuyết bù trừ nầy:
Lạ gì Bỉ Sắc Tư Phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
        - Và trong Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ cũng có câu :
Khuôn tạo hóa dẫu rằng Phong Sắc,
 Nợ phù sinh phó mặc bi hoan.

        * PHONG TRẦN 風塵 : 
        là Gió Bụi, là nơi gió nổi bụi bay, nên Phong Trần có các nghĩa sau đây :

       1. Chỉ cảnh đời thường nhiều gió bụi vất vả chật vật của đời người, 
        - Như trong truyện Bần Nữ Thán: 
 Còn hàn vi biết ai hay dở  
Trải Phong Trần mới rõ khá hèn.
        - Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi cho nàng cung nữ thất sủng luận về nhân sinh: 
 Phong Trần đến cả sơn khê  
 Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
         - Hay như trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã luận về định mệnh của con người như sau :
  ... Trời kia đã bắt làm người có thân  
 Bắt Phong Trần phải Phong Trần  
Cho thanh cao mới được phần thanh cao!

        2. Chỉ chốn yên hoa, nhà chứa, kỹ nữ. 
        - Theo "Phan Tử Tiện đề kỳ truyền thần vân: Gia hựu phong trần trung nhân diệc như thử, thịnh tai!" ( 潘子贱题其传神云: 嘉祐風塵中人亦如此,盛哉! ), có nghĩa: Phan Tử Tiện đời Đường đề vào bức họa truyền thần của mình là Phù hộ cho những người trong chốn Phong Trần đều được như thế nầy, chẳng là cũng thịnh lắm sao!". 
        - Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã nói về cô Kiều :
 Tiếc thay trong giá trắng ngần,
 Đến Phong Trần cũng Phong Trần như ai !
         - Hay như khi Thúy Kiều thương cho thân phận ở lầu xanh của mình:
 Những là lần lữa nắng mưa,
 Kiếp Phong Trần đến bao giờ mới thôi ?!

 
       3. Chỉ cảnh chiến tranh ngoài biên tái, 
        - Theo như sách "Hán Thư-Chung quân truyện' 班固《汉书·终军传》:“边境时有风尘之警,臣宜披坚执锐当矢石,启前行。”, nói về Ban Cố: "Vùng biên giới thường phải cảnh giác chiến tranh, thần sẽ nai nịt cầm gươm giáo vượt tên đá mà xông về phía trước!" 
        - Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Ngàn tây nổi áng Phong Trần,
 Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
       - Hay như trong Truyện Kiều đoạn nói về Từ Hải đi dựng nghiệp :
Phong Trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì.
Nghênh ngang một cỏi biên thùy,
Thiếu gì cô qủa thiếu gì đế vương !

        *
PHONG VÂN 風雲 : 
        là Gió Mây, lấy ý từ một câu trong Kinh Dịch :" Vân tòng long Phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ 雲從龍風從虎,聖人作而萬物睹。Có nghĩa : Rồng là thánh vật dưới nước, mây là hơi mước, nên rồng thở hơi ra mây; Cọp là chúa sơn lâm, tiếng gầm chấn động cả núi rừng như gió cuốn; còn thánh nhân xuất hiện thì khác với người thường nên muôn vật đều nhìn thấy mà hướng về. Nên PHONG VÂN chỉ sự hô ứng tốt lành, thời cơ thuận lợi, 
        - Như trong Đại nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay thần tướng đợi chờ Phong Vân.
        - PHONG VÂN còn chỉ sự biến đỗi vô chừng, như câu nói của Thẩm Ước 沈约 đời Lương : " Ly chúc tiếp kỳ quang cảnh, Phong vân ích hồ duy tịch 沈約 : 曬矚接其光景,風雲溢乎帷席 " Có nghĩa : Sờ sờ quang cảnh trước mắt, gió mây bỗng chốc tràn đầy cả màn chiếu. Nên Phong Vân còn chỉ sự biến đổi bất ngờ hoặc phép biến hóa lạ kỳ, 
        - Như trong truyện Nôm Nữ Tú Tài có câu :
    Khấn rằng Thái Thượng Lão Quân,
    Cưởi trâu hóa phép Phong Vân chớ chầy !

        * PHỈ PHONG 菲葑 : 
        Phỉ là củ cải, Phong là củ mì củ sắn, hai loại củ ăn được ở nhà quê. 
        - Có xuất xứ từ Kinh Thi 詩經, chương Bội Phong Cốc Phong 邶风,谷风: Thái phong thái phỉ, vô dĩ hạ thể? Đức âm mạc vi, cập nhĩ đồng tử 采葑采菲,无以下体?德音莫违,及尔同死。Có nghĩa : Hái củ cải hái củ mì, chẳng lẽ chỉ hái phần cây lá ở trên mà không lấy phần củ quả bên dưới? Lời nhân đức giữa vợ chồng với nhau thì không bao giờ quên, nguyện sẽ cùng chàng sống chết có nhau. Tạm diễn Nôm bằng lục bát như sau:
Hái củ cải, hái sắn mì,
Phần ăn bên dưới, bò đi thế nào ?
Trao lời tình nghĩa biết bao,
Nguyện cùng sống chết chẳng nao lòng này ! 
nên PHỈ PHONG trong văn học cổ chỉ vợ chồng cần kiệm sống chết có nhau.
Thái phong thái phỉ, vô dĩ hạ thể ?

 

        - Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng đã cho Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình là:
Ngẩn ngơ nàng mới thưa rằng:
"Thói nhà băng tuyết chất hằng Phỉ Phong,
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha ... 

 

        Xin tạm kết thúc các điển tích về chữ PHONG ở đây, hẹn bài viết tới!

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào: