22 tháng 4 2019

Giấc Kê Vàng

<C.026><Điển tích văn học> 
Đề tài: GIẤC KÊ VÀNG & GIẤC ...
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


    Ôi, nhân sinh là thế ấy,
    Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
    Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
    Vừa tỉnh giấc NỒI KÊ chửa chín.

        Đó là 4 câu thơ mở đầu cho bài hát nói Vịnh Nhân Sinh của cụ Nguyễn Công Trứ, chỉ nhân sinh vốn dĩ phù du mộng ảo như một Giấc kê Vàng, mà khi tỉnh giấc rồi Nồi kê vẫn còn chưa chín ! 
 
        KÊ là một loại ngũ cốc, ta gọi là lúa Mì, lúa Mạch, có màu vàng; nên còn gọi là KÊ VÀNG, từ Hán Việt là HOÀNG LƯƠNG 黃梁, như khi bị Ưng Khuyển bắt về giao nạp cho Hoạn Bà, Thúy Kiều mới :
    HOÀNG LƯƠNG chợt tỉnh hồn mai,
    Cửa nhà đâu tá lâu đài nào đây ?


        Giấc Kê Vàng hay Hoàng Lương Mộng 黃梁夢 có điển tích như sau:
        Theo Chẩm Trung Ký 枕中記, Đường Khai Nguyên năm thứ 7, có chàng Lư Sinh, người xứ Hàm Đan, sau khi thi rớt bèn về quê canh tác. Một hôm đang ngồi trong quán ven đường, thì có một đạo sĩ họ Lữ cũng ghé lại ngồi chung bàn. Hai người cùng trao đổi và bàn bạc về nhân sinh rất là tâm đắc. Bỗng Lư sinh nhìn xuống áo quần lam lũ của mình mà cảm khái nói : " Đại trượng phu sống trên đời mà không đắc chí, đến nỗi phải như thế nầy !". Đạo sĩ nói : " Trông anh rất khỏe mạnh, ăn nói lại rất uyên bác, có điều gì còn phải than thở nữa ?" Lư Sinh đáp : " Kẻ sĩ sống trên đời phải dương danh lập nghiệp, không làm quan văn thì cũng phải là võ tướng; như tôi đây học cả lục nghệ : Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số, lại phải chịu đi cày ruộng khốn khó thế nầy, nghĩ có ức không ?" Bàn luận một hồi lâu, vừa buồn vừa nản, Lư Sinh lại thấy buồn ngủ khi đang đợi chủ quán bắt nồi kê vàng lên nấu, bèn nằm xuống sạp mà ngủ. Đạo sĩ họ Lữ lấy trong bọc ra một cái gối cho chàng nằm. Lư sinh nghiêng đầu nằm lên gối ngủ thiếp đi, chợt chàng thấy có ánh sáng phát ra từ cái lổ trống bên gối, ánh sáng và khoảng trống lớn dần, chàng bèn nhảy vào trong ánh sáng đó, thì thấy mình đã về đến nhà.


        Mấy tháng sau có người làm mối cho chàng cưới con gái nhà họ Thôi, thuộc gia đình giàu có lại rất trẻ đẹp, nên chàng rất yên tâm mà dồi mài kinh sử. Năm sau lai kinh ứng thí, lại đậu ngay Tiến sĩ. Nhà vua phái đi làm Huyện Úy của huyện Vị Nam, không bao lâu lại được thăng làm Giám Sát Ngự Sử, lại được chuyển làm Khởi Cư Xá Nhân Tri Chế Cáo. Ba năm sau, lại thăng làm Trưởng Quan của đất Thiểm. Lư Sinh lại thích về thủy lợi, nên mở kinh đào 80 dặm cho đất Thiểm Tây, giải quyết vấn đề giao thông đường thủy cho dân chúng, nên dân chúng vùng đó làm bia ca tụng công đức. Lại được cải nhậm làm Trưởng Quan ở Biện Châu, làm Thái Phỏng Sứ ở Hà Nam Đao. theo lời triệu của nhà vua về Kinh Thành làm Kinh Triệu Doãn. Năm đó Huyền Tông hoàng đế chinh phạt Nhung Địch, mở rộng biên cương, nhằm lúc Tiết Độ Sứ Vương Quân bị giết, nhà vua cần nhân tài đến thay thế, mới lệnh cho Lư Sinh làm Ngự Sử Trung Thừa kiêm Tiết Độ Sứ đất Hà Tây. Lư Sinh cầm quân đại phá quân địch, mở rộng thêm biên cương chín trăm dặm, xây thêm ba thành trì để củng cố bờ cỏi. Nhân dân một dãy biên cương lập bia ca ngợi công đức. Ban sư về triều, luận công phong thưởng, nhà vua lại thăng làm Lại Bộ Thị Lang. Lại thuyên phong Hộ Bộ Thượng Thư kiêm Ngự Sử Đại Phu. Trong một lúc mà danh vọng lên cao đến tột đĩnh. Trong khi mọi người đều hâm mộ thì Tể Tướng đương triều lại đố kỵ, phao tin thất thiệt là Lư Sinh ỷ công hống hách không xem ai ra gì, nên vua mới đày đi làm Thứ Sử Đoan Châu. Ba năm sau, Vua xét oan tình cho về kinh phục chức Thường Thị, hầu cận bên vua, ít lâu sau lại được thăng làm Tể Tướng, cùng ngang hàng với các Tể Tướng đương thời là Tiêu Tung, Bùi Quang Đình, giúp nhà vua chấp chánh và thực thi sách lược an dân, được tiếng là Thừa Tướng giỏi. Nhưng lại bị đồng liêu tạo chứng cứ giả, vu cho thông đồng với các tướng ở biên cương định mưu phản. Nhà vua lại hạ lệnh bắt hết cả nhà giam vào ngục tối, tịch biên toàn bộ gia sản. Lư Sinh rất kinh hoàng nói với vợ con rằng :" Gốc gác nhà ta ở Sơn Đông, có đến 5 khoảnh ruộng, đủ để nuôi sống cả nhà một cách sung túc, đâu cần phải theo đuổi công danh phú quý mà chi để cho đến bây giờ nhà tan cửa nát, muốn sống yên thân bình thường cũng không được !" Nói xong bèn rút dao ra khứa cổ tự vẫn, may mà Thôi Thị giựt dao lại kịp mới không chết, nhưng những người liên can đều bị xử tử hình. Nhà vua xét trong quá khứ có công nên miễn cho tội chết, chỉ đày đi Hoan Châu lao dịch.


        Năm năm sau, vua xét thấy oan tình, bèn triệu về kinh cho phục chức Tể Tướng, sách phong Yên Quốc Công, được hưởng ân sủng đặc biệt của nhà vua. Lư Sinh sinh được năm trai, tất cả đều hiễn đạt. Con cả Lư Kiệm đỗ Tiến sĩ, con thứ Lư Truyền làm chức Ngự Thị Lang, con thứ ba Lư Vị là Thái Thường Thừa, thứ tư Lư Châu làm Vạn niên Huyện Úy, con trai út Lư Ỷ mới 28 tuổi đã giữ chức Tả Nhưỡng. Các thông gia đều là bậc quyền quý, cháu nội gần hai mươi đứa đều rất ngoan hiền. Cuộc sống vinh hoa phú quý của Lư Sinh kéo dài đến hơn 80 tuổi mới nhuốm bệnh mà qua đời...

        Bấy giờ, Lư Sinh mới trở mình và ngáp dài một cái thức dậy. Mở mắt ra thấy đạo sĩ họ Lữ còn ngồi bên cạnh, và nồi kê mà chủ quán đang nấu vẫn còn chưa chín, mọi vật chung quanh đều vẫn y như cũ. Lư Sinh hoảng loạn như vừa từ thế giới khác trở về, hỏi rằng :" Đó chỉ là giấc mộng thôi sao ?" Lữ đạo sĩ đáp rằng :" Cái huy hoàng nhất của cuộc đời chẳng qua cũng chỉ như thế mà thôi !" Lư Sinh vô cùng cảm khái mà tạ rằng :" Vinh nhục của cuộc đời, cùng thông của vận mệnh, cái lý của được và mất, cái tình của sống và chết, ta đều đã trải nghiệm cả rồi. Cám ơn đạo sĩ đã điểm hóa cho ta, sao ta lại còn không tỉnh ngộ chứ ?!" Bèn lạy ta đạo sĩ mà đi. Từ đó về sau không còn bận tâm về công danh phú quý nữa.

        Ông bà ta cũng thường nói " Trăm năm một giấc kê vàng " để chỉ cuộc đời dù vinh dù nhục, dù phú quý hay bần tiện, dù thành công hay thất bại... rốt cuộc rồi cũng thoáng qua như một giấc mộng mà thôi !

        Ngoài Giấc Nam Kha, Giấc Kê Vàng ra, ta còn có GIẤC BƯỚM , GIẤC HỒ hay GIẤC ĐIỆP đều có cùng một nghĩa như nhau. Vì Bướm từ Hán Việt là Hồ Điệp 蝴蝶, Hồ Điệp là Bướm, theo như tích sau đây :


        Tề Vật Luận trong sách Trang Tử 莊子·齊物論 có ghi lại câu chuyện sau đây : Trang Chu hay nằm mơ thấy mình hóa ra bươm bướm, tiêu dao tự tại bay múa dạo chơi khắp nơi. Khi tỉnh lại rồi thì còn ngờ ngợ tự hỏi rằng:" Không biết là Trang Chu ta hóa ra bươm bướm, hay là bướm bướm đã hóa ra Trang Chu ta đây ?!" Có nghĩa là mộng cũng như thực mà thực cũng như mộng. Nhưng sau dùng rộng ra đều có nghĩa là giấc ngủ mơ màng mà ta hay nghe nói là " Mơ Màng Giấc Điệp ", hay như lời hiểu lầm của Thiện Sĩ trong Quan Âm Thị Kính :

    Chàng rằng : GIẤC BƯỚM vừa say,
    Dao con nàng bỗng cầm tay gần kề.

        hay như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

    GIẤC HỒ nửa gối mơ màng,
    Chiền đầu đã lọt tiếng chuông mái trường.

        Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng đã thoát dịch hai câu đầu bài Phong Kiều Dạ bạc của Trương Kế là :" Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, Giang phong ngư hỏa đối sầu miên " bằng giấc ngủ chập chờn với :

            Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
    Lửa chài cây bến sầu vương GIẤC HỒ.

        Ngoài GIẤC HỒ GIẤC BƯỚM ta còn có GIẤC MAI, là " giấc ngủ dưới cây mai "cũng dùng để chỉ những giấc ngủ ngon, ngủ say trong mộng, theo như điển tích sau đây :
            Theo sách Long Thành Lục 龍城錄 : Triệu Sư Hùng 趙師雄 người Khai Hoàng đời Tùy, trong một buổi chiều trời lạnh lẽo đi ngang qua núi La Phù. Đang cơn tỉnh say, ghé xe vào một tửu quán ven đường, có người con gái ăn mặc đồ trắng giản dị ra tiếp đón. Lúc trời vừa tối hẵn, tuyết bắt đầu tan trong ánh trăng nhàn nhạt. Sư Hùng tiếp chuyện với nàng, người đẹp ăn nói văn hoa lại thoang thoảng có hương thơm nhẹ, bèn cùng nhau uống dăm ba chén rượu. Chốc lát lại có một đồng tử ăn mặc màu xanh lục đến ca múa giúp vui. Sư Hùng uống say, mơ hồ ngủ đi lúc nào không biết. Khi cảm thấy hơi gió lạnh thổi, giật mình thức giấc thì trời đã hừng đông. Nhìn lại thì thấy mình đang nằm ngủ dưới gốc cây mai lớn, trên cây lại có con chim oanh đang hót líu lo, trăng tàn rơi rụng mà lòng những bàng hoàng.



        GIẤC MAi thường dùng để chỉ giấc ngủ mê mang ngon lành, như lúc Thúy Kiều được sư Giác Duyên vớt từ dưới sông Tiền Đường lên còn đang mê mang trong giấc ngủ sau khi đã gặp Đạm Tiên :

    Giật mình thoát tỉnh GIẤC MAI,
    Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn,
    Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,
    Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.

        S
au GIẤC MAI, ta còn có GIẤC XUÂN là Xuân Mộng 春夢 theo như thơ của Bạch Cư Dị : 
    來如春夢不多時,   Lai như xuân mộng bất đa thì, /   去似秋雲無覓處。 Khứ tự thu vân vô mịch xứ. Có nghĩa: Đến tựa mông xuân trong thoáng chốc, / Đi như mây nổi biết về đâu.

        GIẤC XUÂN là giấc ngủ vô tư ngon lành không lo nghĩ như Thúy Vân trong Truyện Kiều. Chị bán mình mặc chị, em thì em vẫn ngủ ngon lành : 
    Thúy Vân chợt tỉnh GIẤC XUÂN, / Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han.

 

        Cuối cùng, ta còn có GIẤC HÙNG. HÙNG 熊 là con gấu, nên Giấc Hùng là nằm chiêm bao thấy gấu. Theo Kinh Thi chương Tiểu Nhã có câu :     維熊維羆,      duy hùng duy bi, 
    男子之祥.       Nam tử chi tường.  Có nghĩa: Chỉ có hai con hùng và con bi, (là hai loài gấu). / Là điềm sẽ sanh được con trai.

        Nên GIẤC HÙNG là giấc ngủ chiêm bao thấy gấu là điềm sẽ sanh được con trai, như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải : 
 Điềm lành sớm ứng HÙNG BI, / Trăm trai đầy rẫy khác gì Lạc Long.

    
    Hay như trong truyện Phương Hoa với : 
GIẤC HÙNG hai thấy xa xa, / Cả là Cảnh Tĩnh, thứ là Cảnh Yên.


        Từ điển tích trên, ta còn có một thành ngữ thường gặp trong văn học cổ là PHI HÙNG NHẬP MỘNG 飛熊入夢 là Con gấu có cánh bay vào mộng, nghĩa là : Nằm mơ thấy gấu bay. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi như sau :
        Cuối đời nhà Thương, Châu Văn Vương Cơ Xương cần tìm một nhân tài để phò tá, nhưng tìm mãi chưa được. Một đêm ông nằm mộng thấy có một con gấu có cánh bay vào trong lòng. Ngày hôm sau, cho quan Chiêm Bốc bói quẻ, cho biết là sẽ tìm được nhân tài phò trợ. Châu Văn Vương mới dẫn một đoàn người ngựa đi dọc theo dòng sông Vị và tìm gặp Khương Thượng, tự là Tử Nha, hiệu là Phi Hùng ( gấu bay ), ứng với điềm trong mộng. Từ đó, Châu Văn Vương như hùm thêm cánh, tiêu diệt nhà Thương và dựng nên nhà Châu gần 800 năm.

        Nên PHI HÙNG NHẬP MỘNG là chỉ vua chúa tướng soái gặp được người tài giỏi phò trợ; như giám đốc mà tìm được phụ tá giỏi vậy !

        Xin tạm chấm dứt các ... GIẤC nơi đây, hẹn bài viết tới !

Đỗ Chiêu Đức

15 tháng 4 2019

Trò chơi quyền thế

<D.497><Thời Sự Việt Nam>



TRÒ CHƠI QUYỀN THẾ

Phe mình hắn thật chả bằng ai
Nghĩ đến mà nôn vượt khổ hài
Những kẻ quan quyền vô đạo đức
Bao tầng chức vị tuyển người sai
Dân tình gánh chịu trò nhăn nhở
Xã hội buồn vương tiếng thở dài
Trí não suy đồi lên tận đỉnh
Kêu hoài chẳng diệt hoá thành chai.

Mai Thắng – 190410

★ Bài xướng của Thạch Hãn

PHE MÌNH

Nghĩ lại phe mình hổng giống ai
Nhiều câu chuyện kể quá bi hài
Ông trùm kiểm sát dùng môi bậy
Cậu ấm quan tòa để mũi sai
Có lẽ vì mê mùi tiện tiểu
Còn không cũng thích vị đi ngoài
Nên người chẳng sợ đời lên án
Quả đúng đây là lũ mặt chai ./.

LCT 09/04/2019.
(Lỗi Tiểu vận)

★ Bài hoạ khác của Loan Nguyen

CHỜ DUYÊN

Đêm ngồi lại tưởng bóng hình ai
Phố cũ đèn khuya nhẹ gót hài
Nhớ buổi ghen hờn em lỡ dại
Quên chiều giận dỗi bé làm sai
Buồn thơ thẩn đứng chờ sân trước
Chán hững hờ nghiêng đợi cửa ngoài
Chẳng biết bao giờ duyên tái hợp
Cho lòng hết hẳn nỗi mòn chai/

NPP 09/04/2019.

★ Bài hoạ khác của Hữu Thiên

TRÁNH ĐÂU

Chui tròng ráng chịu đổ thừa ai
Dẫu biết rằng như vở kịch hài
Kẻ sĩ theo hùa nghe tiếng bậy
Tên khờ đứng nghĩ nhận lời sai
Trong nhà mới rõ trăm hoàn cảnh
Trước ngõ nào hay đủ chuyện ngoài
Ruột thắt gan bầm không giỏi cãi
Thôi thà lãnh án nhận mầy chai..!

NL09/04/2019.

★ Bài kết hoạ của Thạch Hãn (-bđh-)

LIỀU LĨNH

Cứ ngỡ vô buồng chẳng sợ ai
Ngờ đâu đoạn diễn quá ư hài
Quan tòa dỡ thói dâm loàn ẩu
Viện phó chơi trò cưỡng trẻ sai
Thiển nghĩ tuồng kia đừng tiết lộ
Làm sao cảnh nọ chiếu ra ngoài
Bây giờ mạng ảo nào mong giấu
Hễ dấn thân vào mặt phải chai ./.

LCT 09/04/2019.

Tổ quốc ta

<D.496~Tình Quê>



TỔ QUỐC TA

Kiêu kỳ dáng Việt giữa trời nam
Đứng vững hồn thiêng trải địa bàn
Núi thẳm thần uy rèn dũng kiệt
Sông dài nước ngọn chảy dòng lan
Bao mùa biến loạn tro tàn mảnh
Những đợt gầy binh máu đổ ngàn
Biển rộng vừng đông nguồn sáng rỡ
Tham đần chễm chệ chẳng bình an.

Mai Thắng  
190409

★ Bài xướng của Dung Nguyên

TỔ QUỐC TA

Chữ S kiêu kì dáng Việt Nam
Trường sinh biển rộng với non ngàn
Trời tây Đất Mũi “vườn dâu” trải
Cực bắc Cao Bằng “ngọn thác” lan
Nhớ buổi khai thiên từng kế lược
Rồi khi lập địa những mưu bàn
Người Cha tóc bạc không chùn bước
“Hiệu triệu” con rồng giữ nước an.

DUNG NGUYÊN
07:42 - 02/04/2019

Hoa Anh Đào

<D.495~TN Hoa Trái>



HOA ANH ĐÀO

Giữa buổi giao mùa ngộ mấy tao
Hồng phô sắc toả rạng Anh Đào
Đua chào bướm lượn đùa mê mải
Bỡn cợt ong vờn bủa xuyến xao
Cảnh trạng say vùi câu chữ quyến
Hồn thơ thấu cảm vị hương ngào
Dường như tạo hoá luôn dành để
Thưởng những nhân tình đẹp biết bao.

Mai Thắng
190409

★ Bài xướng của Minh Thuý

HOA ANH ĐÀO

Về đây gởi mộng nép Anh Đào
Rạng rỡ trời hồng đẹp biết bao
Vạn cánh hoa khai ong rạo rực
Ngàn cành nhuỵ hé gió lao xao
Người say bút mực tô đằm thắm
Kẻ dệt vần thơ điểm ngọt ngào
Một cảnh thiên đàng ngây lạc bước
Hương đời dịu toả nét thanh tao

Minh Thuý
4/7/2019

Gió

<D.494><Thời Tiết-Khí Hậu>



GIÓ

GIÓ thổi muôn trùng tản mọi phương
GIÓ len núi thẳm ngập thôn phường
GIÓ dang cánh rộng xuyên lòng biển
GIÓ đẩy sông dài tiếp ruộng nương
GIÓ tải mây ngàn phun nước ngọt
GIÓ đem hạt giống dưỡng sân vườn
GIÓ an ủi bấy dân nghèo khổ
GIÓ giục người say những nẻo đường.

Mai Thắng - 190408

★ Bài xướng của Sông Thu (Phương Hà)

GIÓ

La đà, vi vút thổi muôn phương
Qua núi rừng xa đến phố phường
Đẩy cánh buồm giong trên mặt biển
Giúp chùm quả trĩu giữa đồi nương
Đem mây rải nước cho đồng ruộng
Rắc hạt ươm cây khắp rẫy vườn
Lau giọt mồ hôi người vất vả
Xua tan mệt mỏi kẻ trên đường.

Sông Thu
05/04/2019

14 tháng 4 2019

Giấc Nam Kha

<C.025><Điển tích văn học> 
Đề tài: GIẤC NAM KHA
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


    GIẤC NAM KHA khéo bất bình,
    Bừng con mắt dậy thấy mình tay không !

        Hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều nói lên cuộc đời nầy như là một giấc mộng lớn : Phú quý vinh hoa, công danh lợi lộc, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn... bỗng chốc hóa thành hư không, không còn gì cả. Quá khứ vàng son huy hoàng rực rỡ chỉ thoáng qua như là một ... giấc Nam Kha ! Theo như Điển Tích sau đây :

        Tháng Tám năm Trinh nguyên thứ 18 đời Đường. Lý công Tá đi thuyền từ Ngô Quận đến Lạc Dương, khi thuyền đậu bên bến sông Hoài, đã nghe kể về chuyện của Thuần Vu Phần, nên về viết lại thành NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN 南柯太守傳 như sau :

Nam Kha nhất mộng

        Thuần Vu Phần 淳于棼, người đất đông bình, thích giao du, trọng nghĩa khí, hay cứu khổn phò nguy. Nhưng tánh tình nóng nảy, bộc trực, thích uống rượu. Gia đình khá giả nên giao du với rất nhiều hào kiệt hiệp nghĩa, lại giỏi võ nghệ, đã từng giữ chức phó tướng đất Hoài Nam.

        Nhà Thuần Vu Phần ở phía đông quận Quảng Lăng, ở mé nam nhà có một cây Hòe xưa, tàn lá rậm rạp, bóng mát che cả một góc vườn. Năm Đường Trinh Nguyên thứ 7, ngày 9 tháng 7. Thuần Vu Phần cùng các hiệp khách uống rượu dưới gốc cây, vì vui nên quá chén. Hai người bạn bèn đỡ vào nằm ngủ ở phía đông lang. Trong mơ mơ màng màng thấy có hai sứ giả áo tía đi vào, quỳ xuống mà thưa rằng: "Chúng tôi phụng mệnh vua xứ Hòe An, kính thỉnh tiên sinh đến nước chúng tôi du ngoạn một chuyến ". Thuần Vu Phần bèn chỉnh đốn khăn áo chỉnh tề, theo hai sứ giả ra cửa thì đã thấy có sẵn một xe tứ mã và bảy tám tùy tùng hầu cận. Xe ra khỏi cửa chạy thẳng về phía hang động dưới gốc cây Hòe và chui thẳng vào đó. Thuần Vu Phần giựt mình nhìn lại thì thấy cây cỏ cảnh trí hai bên đường đều thay đổi cả. Xe chạy một lúc đến một cửa thành lớn, tấp nập người qua kẻ lại. Trên thành có một tấm bảng thật to với các chữ vàng lắp lánh : "Đại Hòe An Quốc". Quan thủ thành trông thấy, bèn cho người vào trong thông báo. Một khoái mã chạy đến hô to :" Hoàng thượng có chỉ, phò mã đi đường xa lao nhọc, hãy tạm vào Đông Hoa Quán nghỉ ngơi ". Tướng quân giữ thành bèn đưa Thuần Vu Phần vào một dịch quán vô cùng hoa lệ để nghỉ ngơi. Lại có người đến báo là Hữu Thứ Tướng sắp đến viếng. Thừa Tướng đến nói với Thuần Vu Phần rằng :" Hoàng đế bệ hạ nước tôi không hiềm nước nhỏ xa xôi, mời ngài đến để chiêu ngài làm Phò Mã đó ". Thuần vu Phần đáp rằng :" Tôi là một ti chức thấp hèn, lại là kẻ thất phu võ biền, đâu dám trèo cao như thế !" Đọan cùng thừa tường đến bái kiến nhà vua.

        Trên đường đi vào cung,Thuần Vu Phần thấy hai bên lầu các trùng trùng điệp điệp, nguy nga tráng lệ khác với đời thường. Đến một cửa cung lớn, sơn son thếp vàng với các võ sĩ búa việt cờ mao đứng gát uy nghi. Bá quan văn võ đứng chầu hai bên, trong đó có cả một bạn rượu thường ngày là Châu Biền, Thuần Vu Phần mừng quá nhưng không dám kêu, đi theo thừa tướng lên chánh điện, thấy trên ngôi là một ông vua cao lớn uy vũ, đầu đội mũ đỏ, mình mặc áo bào trắng trông bề thế hiên ngang. Thuần cúi lạy ra mắt không dám ngẩn đầu lên. Nhà vua phán :"Ta tuân theo sự gởi gắm của lệnh tôn, không nề hà mình là tiểu quốc, đồng ý chiêu ngươi làm phò mã cho công chúa thứ hai của ta là Dao Phương, người thấy thế nào?" Thuần vui mừng khôn xiết, chỉ còn đồng ý chứ còn biết nói sao. Nhà vua cho về dịch quán để đợi ngày cử hành hôn lễ.

        Đêm cử hành hôn lễ, hoàng cung trang hoàng lộng lẫy rực rỡ vô cùng, với đầy đủ lễ nghi tiết nhạc. Có ba quan viên trẻ ăn mặc thật đẹp đến bái kiến Thuần Vu Phần bảo là nhà vua phái đến làm phù rể, trong đó lại có một người là bạn cũ. Thuần Vu Phần mừng quá hỏi : " Bạn có phải là Điền Tử Hoa không, sao lại ở đây ? Có biết là Châu Biền cũng ở đây không ?" Điền Tử Hoa đáp : " Tôi du sơn ngoạn thủy, lạc đến nơi nầy, hữu thứa tướng thấy tôi có tài nên lưu tôi lại đây làm một quan võ, còn Châu Biền có tài hơn tôi, hiện đang giữ chức Tư Lệ của triều đình. Hai người bạn cũ gặp nhau cười nói thỏa tình. Tử Hoa cũng nhắn nhủ Thuần nhớ cất nhắc mình sau nầy. Đang lúc nói cười vui vẻ thì thấy một toán nữ nhạc đẹp như tiên kéo đến, tấu lên những khúc hát rất lạ tai, rồi cung phi mỹ nữ cùng dẫn đường đưa phò mã vào động phòng hoa chúc. Khi đến Tu Nghi Cung của công chúa, lại thấy có hoàng thân quốc thích đến chúc mừng dự tiệc. Kịp đến khi vào được loan phòng thì đà nửa đêm rồi, và khi giở tấm nhiễu điều che mặt công chúa ra thì Thuần muốn bay bổng lên mây. Công chúa chỉ khoảng mười lăm mười sáu tuổi và đẹp như tiên nga giáng thế.

        Từ đó Thuần Vu Phần đắm say trong hạnh phúc như từ trời rơi xuống. Một hôm, công chúa hỏi Thuần có muốn làm quan không. Thuần bảo mình chỉ là một võ phu, đâu có biết việc an bang tế thế. Công chúa hứa sẽ hỗ trợ cho Thuần làm việc quan cho thật tốt. Nhân có quận Nam Kha đang thiếu người cai quản, công chúa bèn xin cho Thuần đến trấn nhậm nơi đó. Nhà vua bèn phong cho Thuần làm Thái Thú quận Nam Kha. Thuần cung kính nhận lệnh, nhưng lại xin với vua cho hai người bạn của mình là Châu Biền và Điền Tử Hoa theo làm phụ tá giúp đỡ cho mình trong các việc quan. Nhà vua chuẩn thuận. Hoàng hậu còn căn dặn công chúa là :" Phò mã tính khí cương trực lại thích uống rượu, con phải tùy lúc khuyên răn và giúp đỡ chồng con làm tốt chức trách của phụ mẫu chi dân, làm một ông quan tốt ". Công chúa bái biệt vua và hoàng hậu rồi cùng chồng lên đường.

NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN

        Một đoàn người ngựa với khí thế hiên ngang cùng tiến thẳng về quận Nam Kha. Nghe có Thái Thú mới đến trấn nhậm tất cả quan viên và những bậc đức cao vọng trọng cùng dân chúng đều kéo ra thành để nghinh tiếp thật là long trọng rình rang. Sau khi nhậm chức, Thuần Vu Phần rất chăm chỉ việc quan, xem xét nhân tình phong hóa của địa phương, chăm lo đến đời sống của nhân dân trong quận, lại được sự hỗ trợ khuyến khích của công chúa bên trong, còn bên ngoài thì có Châu Biền và Điền Tử Hoa giúp đỡ, nên chẳng bao lâu, đời sống của dân chúng được nâng cao hẵn lên. Mọi người dân đều ca tụng công đức của Thái Thú, tiếng đồn đến kinh đô, nhà vua và hoàng hậu cũng rất vui lòng. Vua lại ban hàm phong cho Thuần Vu Phần được ngang hàng với Tam Công Tể Tướng trong triều.

        Cứ thế, hai mươi năm trôi qua, Thuần Vu Phần và công chúa sanh được năm trai hai gái, tất cả đều khôn lớn và nên người. Nhờ có phụ ấm, nên con trai cũng hiễn đạt làm quan và con gái thì cũng gả về cho các bậc vương hầu quyền quý. Quả là "Một cây cù mộc một sân quế hòe !" như cụ Nguyễn Du đã tả trong Truyện kiều.

        Năm đó, có quân của Đàn La Quốc đến xâm lược. Thuần Vu Phần phái Châu Biền cầm quân chống cự. Châu Biền tuy già nhưng dũng mãnh phi thường dẫn quân tiến sâu vào lòng địch, chẳng may bị địch phục kích. Bại trận bị thương, về dinh mấy hôm thì mất. Công chúa lo buồn nên cũng nhuốm bệnh, ít lâu sau cũng qua đời. Nhờ có Điền Tử Hoa đẩy lui được quân địch. Nhưng trước cảnh chiến tranh điêu tàn, công chúa lại mất. Thuần Vu Phần giao quận Nam Kha lại cho Điền Tử Hoa rồi từ chức đưa linh cửu của công chúa về kinh. Nhà vua thương con, phong thụy là Thuận Nghi Công Chúa, nhưng lại lạnh nhạt với Thuần, nên cả triều bá quan văn võ qua lại hai mươi năm nay rất thân thiết đều tỏ ra tẻ nhạt với Thuần. Buồn tình nên Thuần tối ngày chỉ biết uống rượu tiêu sầu. Nhà vua cũng đâm ra bực mình nên truyền lệnh đuổi chàng về quê cũ. Thuần Vu Phần mới giật mình suy nghĩ đây là nhà của mình rồi còn về quê cũ nào nữa ?!...


    
    Khi xe tứ mã đưa Thuần Vu Phần ra khỏi hang động dưới gốc cây hòe, thì chàng ta mới mơ mơ hồ hồ lúc đầu cũng từ hang động nầy đi vào Đại Hòe An Quốc. Còn đang ngơ ngơ ngẩn ngẩn thì nghe tiếng gọi giật ngược bên tai của hai gia nhân đang quét dọn trong sân. Bừng tỉnh mở mắt ra thì thấy hai người bạn nhậu vẫn còn ngồi đó rửa chân, trên bàn đồ ăn và rượu thừa vẫn còn rơi vải đầy ra đó. Ánh nắng buổi ban chiều còn chưa tắt hẵn, vài tia nắng yếu ớt còn len lỏi qua tàn lá của cây hòe rậm rạp ở góc sân. Cảm khái trước giấc mơ dằng dặc hiếm có như sống cả một đời của mình chỉ diễn ra trong một hai thời khắc của nhân sinh, Thuần bèn kể lại cho hai người bạn nghe. Tất cả đều cùng ngạc nhiên và cùng đi đến gốc của cây hòe to lớn thì thấy có một hốc cây thật to bên có mấy con kiến bò qua bò lại. Thuần bèn cho gia nhân đào sâu vào, thì lại thấy có một ổ kiến thật to, có con kiến vương đầu đỏ mình trắng giống như là nhà vua trong giấc mơ, đào về phía nam lại thấy có một ổ kiến nhỏ, giống như là quận Nam Kha của mình trấn nhậm trong mơ, xa xa xéo một bên lại có một ổ kiến đen đã bỏ đi chỉ còn xót lại vài con, giống như là Đàn La Quốc đã đem binh xâm lược quận Nam Kha trong mơ vậy. Thuần Vu Phần vô cùng cảm khái, cho gia nhân lấp ổ kiến lại một cách cẩn thận như cũ mà không cho phá đi.

        Thuần Vu Phần lại chợt nhớ đến hai người bạn mà mình đã gặp trong mơ, bèn cho người đến thăm nom thì mới biết rằng Châu Biền đã nhuốm bệnh mà chết còn Điền Tử Hoa thì đang nằm thoi thóp trên giường bệnh chưa biết sống chết ra sao. Thuần Vu Phần cảm khái cho cuộc đời hư ảo tựa khói tựa mây, phú quý vinh hoa như một giấc mộng dài. Cho nên, tự đó về sau chỉ chuyên tâm tu đạo, không uống rượu, không gần nữ sắc, theo thuyết thanh tịnh vô vi. Ba năm sau thì mất khi tuổi mới vừa 47, là tuổi trung bình của người đời lúc bấy giờ.

NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN

        Vì trong giấc mộng Thuần Vu Phần thấy mình được làm Thái Thú của quận Nam Kha, nên người đời thường gọi là " GIẤC NAM KHA ", và vì nằm ngủ gần gốc cây Hòe, nên còn gọi là GIẤC HÒE, như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, khi tả Thúy Kiều " Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình " để qua thăm Kim Trọng :
            Gót sen sẻ động GIẤC HÒE,
            Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

        Hay như trong Bích câu kỳ Ngộ, anh chàng Tú Uyên sau khi gặp Giáng Kiều trở về đã mang bệnh tương tư :
            Lầu trăng ngơ ngẩn ra về,
            Đèn thông khêu cạn GIẤC HÒE chưa nên !

        Hay còn gọi là GIẤC HÒE AN vì Thuần Vu Phần mơ thấy mình lạc đến Hòe An Quốc, như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của ông vua Lê Thánh Tông:
            Phú quý bao nhiêu người thế gian,
            Mơ mơ bằng thuở GIẤC HÒE AN.
        Sau Giấc Nam Kha, Giấc Hòe, Giấc Hòe An... ta còn có Giấc kê vàng, Giấc Hoàng Lương, Giấc Bướm, Giấc Mai, Giấc Xuân... Mời đọc tiếp trong bài viết tới cho đủ... GIẤC !

Đỗ Chiêu Đức 

Vẳng khúc tình xa 2

<D.493><Cảm Xúc> 



VẲNG KHÚC TÌNH XA

Ta buồn lạc lõng chìm tăm cá
Bậu bước ơ hờ giẫm lẳng hoa
Cỏ rạc bờ hoang thềm lá rũ
Hồ êm sóng loãng vệt trăng tà
Say miền cõi tạm màu vô ảnh
Trỗi điệu tiêu sầu khúc phổ ca
Ngắm chuỗi sao cài chia cảm vọng
Chờ âm vẳng nhịp tiếng thơ hoà.

Mai Thắng
190408

★ Bài hoạ trên MGT của Ngọc Tĩnh

KHÚC RA KHƠI BUỒN

Não nuột nhìn khoang thuyền chẳng cá
Âm thầm khỏa bọt nước đầy hoa
Vì đâu mắt cuội bơ phờ đỏ
Có phải vầng trăng lặng lẽ tà?
Biển ngỡ ngàng kêu hồi vắng bạn
Neo rầu rĩ đợi lúc dài ca
Đìu hiu cảnh nhạt chim nào vẫy
Rệu rã buồm nheo gió chửa hòa

Ngọc Tĩnh
23:30 - 08/04/2019

★ Bài hoạ trên MGT của Dung Nguyên

ÊM ĐỀM

Nghiêng nhìn dưới lạch lao xao cá
Ngắm dõi bên đường phảng phất hoa
Nhẹ nhõm chiều sương mây khói mỏng
Hoe hoe vạt nắng mảnh dương tà
Trăng gầy mắc núi tràn muôn nẻo
Gió nhẹ lay hồn vẳng khúc ca
Giữa cảnh hoàng hôn nhòa bóng tối
Mà êm tiếng Mẹ giọng ru hòa

DUNG NGUYÊN
16:19 - 11/04/2019

Vẳng khúc tình xa

<D.492><Tuổi Lão>



VẲNG KHÚC TÌNH XA

(biến thể trốn vần)

Ta buồn lạc lõng chìm tăm cá
Bậu bước ơ hờ giẫm lẳng hoa
Cỏ rạc bờ hoang thềm lá rũ
Hồ êm sóng loãng vệt trăng tà
Say miền cõi tạm màu vô ảnh
Trỗi điệu tiêu sầu khúc phổ ca
Ngắm chuỗi sao cài chia cảm vọng
Chờ âm vẳng nhịp tiếng thơ hoà.

Mai Thắng
190408

★ Bài xướng của Thạch Hãn

KHÚC HỢP XƯỚNG

- Tứ đối, giao cổ đối, cách cú đối
- Ngũ độ thanh, 6 thanh thủ, 6 thanh vận


Nhỏ ấy hờn ai sầu đẫm lệ
Ta nào trách kẻ mộng tìm hoa
Vườn hoang cỏ úa … hồn thu loãng
Ngõ hạ mờ… đêm vắng cảnh tà
Dạo đó em về trăng gõ cửa
Không chờ ngọn sóng trỗi tình ca
Từ hôm biển hẹn thuyền qua bến
Có dẫn nàng thơ gợi cảm hòa ./.

LCT 07/04/2019

★ Bài đối hoạ của Thạch Hãn

LỜI CỦA GIÓ

(mạ đề)

Những buổi chiều tan buồn sợi nắng
Bao lần hạ mãn nhớ mùa hoa
Vầng dương xế ngã bên triền mộng
Đứng giữa dòng mơ mảnh nguyệt tà
Biển hẹn muôn đời ôm sóng giỡn
Con thuyền đuổi gió giận lòng ca
Rừng mong trọn kiếp choàng mây ngủ
Nhạn đảo nhồi sương trỗi tiếng hòa ./.

LCT 08/04/2019

Tâm Tình Chiếc Lá

<D.491~TN Hoa Trái>



TÂM TÌNH CHIẾC LÁ

Bỗng chợt đưa vèo lá đổ bay
Vừa cơn gió mạnh thoảng nơi này
Tàn cây phủ kín vòm xao động
Mảng nắng len vào sợi nhiễu lay
Sảng khoái bao mùa nuôi dưỡng cội
Triền miên mấy nỗi vượt qua ngày
Chừ xong kiếp quả duyên tiền định
Trải tận đi cùng cũng đáng thay.

Mai Thắng – 190407

★ Bài xướng của Cao Bồi Già

NỖI LÒNG CHIẾC LÁ

Có gì đâu nhỉ lá vàng bay
Ai biết em đang khép phận này
Rã xác đền ơn nơi cõi thế
tan thân trả nợ chốn lưu đầy
Tàn đông đón tết bừng nhan sắc
Hết hạ sang thu cạn tháng ngày
Ai oán nỉ non đâu tiếng khóc
Thỏa nhìn bao đọt nhú mầm thay …

CAO BỒI GIÀ
06-04-2019

★ Bài hoạ trên FB của Van Be Ngo

LÁ BAY

Lá vẫn còn đây theo gió bay,
Vườn xưa cách biệt đã bao ngày.
Đường chiều nhớ lại lòng tê tái,
Buổi sớm xuân nào nghe úa phai!
Vẫn tiếc mùa hoa thời nắng dại,
Chưa về lối cũ một lần say.
Bởi chưng định mệnh đường nan giải;
Uẩn khúc dòng đời lôi cuốn quay.

10.04.19
Ngô Văn Bé

★ Bài hoạ trên FB của Ngọc Liên

GIAO MÙA

Giao mùa lá cũng nhẹ nhàng bay
Để nỗi niềm riêng lạc ngõ này
Một chữ ân tình tha thiết gửi
Đôi vần kỷ niệm hững hờ lay
Nhìn trang thế sự còn bao lớp
Hỏi quãng phù vân được mấy ngày
Đã biết gian trần như ảo mộng
Nên làm ngọn gió dịu dàng thay.

Ngọc Liên 11.04.19 

Tiếng gọi ngày hè

<D.490><Thương Hạ Ca>  



TIẾNG GỌI NGÀY HÈ

Hè sang nắng hạ đỗ tư bề
Phượng vĩ hoa vàng-đỏ xóm quê
Dải lớp trầm vang mùa tiễn biệt
Sân trường dấy hẹn buổi quay về
Tuy rằng cảnh tạc lòng vương vấn
Nhất định tâm dành chuỗi mải mê
Viễn ảnh mai ngày luôn thúc gọi
Cần bao sức lực để nương kề.

Mai Thắng - 190404

★ Bài xướng của Trương Đức Hạnh

KHUNG TRỜI KỶ NIỆM

Phượng vĩ hè sang nở tứ bề
Khung trời kỷ niệm thắm làng quê
Ngôi trường bạn hữu còn thương nhớ
Lớp học thầy cô mãi tưởng về…
Cánh mộng ngày xanh tình vẫn trổ
Trưa hè suối Hạ cảnh nồng mê…
Trang đời ấp ủ bao hoài vọng
Bến đỗ thuyền yêu tỏ cận kề…

Đức Hạnh
02 04 2019

Hoa Đào Năm Ngoái

<C.024><Điển tích văn học> 
Đề tài: HOA ĐÀO NĂM NGOÁI
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        HOA ĐÀO NĂM NGOÁI là Khứ Niên Đào Hoa 去年桃花, xuất phát từ thành ngữ Nhân Diện Đào Hoa 人面桃花, chỉ hoa đào và mặt của người đẹp. Người đẹp có gương mặt ửng hồng đẹp như hoa đào theo Truyện "Thôi Hộ" trong "Bổn Sự Thi" của Mạnh Khải có ghi lại tích sau đây :

        THÔI HỘ (772-846), tự là Ân Công, người đất Bác Lăng đời Đường ( thuộc Định Châu tỉnh Hà Bắc hiện nay ). Một năm vào tiết Thanh minh, khi mà "cỏ non xanh rợn chân trời", chàng thư sinh lạc đệ Thôi Hộ cũng đạp thanh ngắm cảnh. Mãi tìm nguồn thơ với cảnh đẹp của mùa xuân, chàng lạc bước vào một thôn trang phía nam của Trường An với non xanh nước biếc, kịp đến khi quay gót trở về, thì mới thấy cổ khô khát nước. Nhìn xa xa phía trước mặt trong một rừng đào rực rỡ thấp thoáng có bóng một mái nhà. Thôi Hộ bèn đến gỏ cửa xin chén nước uống.

       
        Ra mở cửa là một cô gái trẻ đẹp. Thấy là một chàng trai lạ, bèn quay mặt đi vào. Thôi Hộ vội vàng thi lễ và tỏ ý muốn xin một chén nước để giải khát. Một lát sau, cô gái e thẹn bưng ra cho chàng một tách trà thơm, hương bay ngào ngạt. Choáng váng trước vẻ thẹn thùng kiều diễm, mặt ửng hồng như đóa hoa đào của nàng, chàng ngơ ngẩn thần hồn, nhấp chén trả mà như nhấp chén quỳnh tương.

        Còn nàng thì cũng e thẹn liếc nhìn chàng, hai bên " tình trong như đã mặt ngoài còn e". Sau khi cám ơn và cáo từ ra về, Thôi Hộ nghĩ thầm rằng, nếu sau này đại đăng khoa xong, tiểu đăng khoa mà được một nương tử như thế nầy thì cũng mãn nguyện lắm rồi. Tuổi trẻ chóng quên, lại phải chăm lo đèn sách, cho nên mãi đến ...


        Mùa xuân năm sau, khi lại đi ra ngoại thành đạp thanh, Thôi Hộ mới nhớ đến giai nhân của vườn đào năm ngoái mà cố ý ghé thăm để gặp lại người đẹp với chén trà thơm ngát của năm qua. Nhưng ...
Khi đến nơi thì cửa đóng then cài, cảnh cũ còn đây, hoa đào còn đó, mà người xưa thì đà vắng bóng. Xúc cảnh sinh tình, chàng bèn đề một bài thơ lên cửa như sau :

    去年今日此門中, Khứ niên kim nhật thử môn trung,
    人面桃花相映红。 Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
    人面不知何處去, Nhân diện bất tri hà xứ khứ ?
    桃花依舊笑東風。 Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Có nghĩa :
    Năm ngoái hôm nay cũng cửa này,
    Mặt người hoa đẹp má hây hây,
    Mặt người nay biết về đâu nhỉ ?
    Như trước hoa đào vẫn nở đây !


 
       Chàng ngẩn ngơ giây lát, rồi thơ thẩn ra về mà lòng nghe như hụt hẫng trống vắng, nuối tiếc một cái gì đó như bị mất đi; cho nên,
mấy hôm sau, chàng lại lần mò đến vườn đào năm trước. Nhưng, sao lạ thay, có tiếng ai đó đang thổn thức bi thương. Bước đến gỏ cửa. Một ông lão đầu râu tóc bạc đầy vẻ bi thương ra mở cửa. Trông thấy chàng bèn hỏi :" Anh có phải là Thôi Hộ không ? ". Thôi Hộ giật mình hỏi lại :" Sao cụ lại biết ?". Ông lão bèn kể :" Con gái của lão là Giáng Nương từ Tiết Thanh Minh năm ngoái tới nay, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mất hồn, mỗi ngày cứ ngóng ngóng mong mong như chờ đợi ai đó. Mấy hôm trước đây, lão muốn cho nó khuây khỏa mới dắt nó về ngoại gia mấy hôm. Khi trở về, nó thấy bài thơ đề trên cửa bèn khóc òa, biết là sẽ khó còn có cơ hội để gặp lại anh, nên buồn bã bỏ ăn mấy hôm nay, và mới đây đã trút hơi thở cuối cùng, Anh đã hại chết con gái lão rồi !"

   
         Thôi Hộ nghe xong, vô cùng thương cảm và xúc động. Chàng xin phép ông lão để được nhìn Giáng Nương lần cuối. Khi vào bên trong phòng, thấy Giáng Hương như đang nằm ngủ, Thôi Hộ kêu to lên rằng : "Nàng ơi, Thôi Hộ đã tới đây, ta đã đến với nàng đây rồi !" Nước mắt của chàng rơi trên mặt nàng, thì lạ thay, nàng khẻ rên lên một tiếng, rồi từ từ mở mắt ra, nhết mép mĩm cười. Nàng đã hồi sinh trong tình yêu kỳ diệu!

        Sau đám cưới, vợ chồng tình đầu ý hợp. Trong thâm tâm Thôi Hộ rất thỏa mãn với cô vợ vừa hiền thục vừa đẹp đẽ. Giáng Nương lại hết lòng săn sóc giúp đở và khuyến khích chồng sôi kinh nấu sử, nên Thôi Hộ đã đậu Tiến Sĩ vào năm Trinh Nguyên thứ 12 đời vua Đường Đức Tông và hoạn lộ hanh thong, làm quan đến chức Lãnh Nam Tiết Độ Sứ, để lại một giai thoại đẹp trong làng thi ca lúc bấy giờ.


        Bài thơ " Khứ niên kim nhật thử môn trung..." của Thôi Hộ, trước đây, trong lớp thầy dạy văn thường đề tựa của bài thơ là " ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ 題昔所見處. Có nghĩa : Cảm đề cái nơi mà mình đã thấy năm xưa. Nhưng gần đây, tất cả các tài liệu trên mạng đều ghi là : ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG 題都城南莊. Có nghĩa : Cảm đề thôn trang phía nam của đô thành ( Tràng An ). It khi thấy có bài thơ cổ nào lại thay đổi hẵn tựa của bài thơ như thế !

 

        Trong Truyện Kiều, sau khi hộ tang chú ở Liêu Dương, Kim Trọng trở lại vườn thúy tìm Kiều, thì " Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa". Chỉ thấy :
    Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
    Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời.
    Trước sau nào thấy mặt người,
    Hoa Đào Năm Ngoái còn cười gió đông.

        Khi Vương Viên Ngoại gặp Kim Trọng cũng kể lể : " Chàng ôi biết nỗi nước nầy cho chưa ? Kiều nhi phận mỏng như tờ, một lời đã lỗi tóc tơ với chàng !" chớ không như cha của Giáng Nương, khi nàng tỉnh lại thì gả nàng cho Thôi Hộ để hai người được đoàn tụ bên nhau.


        Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Lê Dinh và Nguyễn Hiền đã phổ nhạc chuyện tình đầy thi vị của Thôi Hộ thành bản nhạc " Hoa Đào Năm Trước " đã thịnh hành một thời và mãi cho đến hiện nay, ở hải ngoại nầy, các ca sĩ vẫn còn hát bài hát trữ tình và nên thơ nầy. Mời bấm vào link dưới đây để nghe giọng hát truyền cảm của Mai Thiên Vân với HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC. 
https://www.youtube.com/watch?v=gg910uVfb5w

Đỗ Chiêu Đức 

13 tháng 4 2019

Bước Đầu Chơi Thơ

<D.489~Thơ Vui> 


Ảnh tác giả Hường Xưa

BƯỚC ĐẦU CHƠI THƠ

Ngày xưa ngắm ảnh chụp cô nàng
Ngưỡng mộ danh Trà ẩn khúc Giang
Bước thảo thành câu vần ngũ độ
Lòng say vọng thể thức thơ vàng
Chân tình tiếng luận bàn hay dở
Ái hữu tâm bày bỏ tiện sang
Chữ chọn mà sai thì thử tiếp
Nền căn tạo vững khỏi ngơ ngàng

Mai Thắng - 190402


★ Bài xướng của Hường Xưa (Thơ vui)

KHOÁI

Tấm ảnh ngày nao rõ mặt nàng
Xưa Hường trộm mác của Trà Giang
Bao thời nhắc để khoe hình liễu
Những thuở ngồi say tạo dáng vàng
Tiếng nổi trong hồn lưu nghĩa vẹn
Danh đồn cõi dạ đắm tình sang
Vào phây xướng họa em nào lảng
Chỉ khoái làng thơ lại ngỡ ngàng 

Hường Xưa 

Bệnh mau hồi phục

<D.488><Giao Tiếp> 



BỆNH MAU HỒI PHỤC

Mau hồi phục nhé hỡi nàng thơ
Bệnh khó mần chi cũng phải ngờ
Tịnh dưỡng câu vần khuyên gác bỏ
An lành thuốc lệ nhủ đừng ngơ
Hằng nôn dịp đến là hao tổn
Chớ ngại dòng trôi bảo hoãn chờ
Để ngẫm sau này duyên vạn lý
Tinh thần phấn khởi mặc tình mơ

Mai Thắng – 190402

★ Bài xướng của Đặng Minh

BỆNH

Bệnh mãi nên đành bỏ áng thơ
Vào trang bạn hữu có đâu ngờ
Tim nhàu tựa ấy xui vần dở
Cổ nặng như này oán chữ ngơ
Lắm cảm hiền huynh lòng vẫn đợi
Nhiều lo nghĩa muội ý luôn chờ
Ừ em sẽ cố gieo lời đẹp
Giữ mảnh chân tình vẹn lối mơ.

Đặng Minh 

Cảnh sống hồn nhiên

<D.487~Tình Hoa>



CẢNH SỐNG HỒN NHIÊN

Có tự lâu rồi cảnh bám leo
Dìu nhau để sống vượt qua nghèo
Không cầu phúc lộc cơ bền dẻo
Chẳng ngại sang hèn sự níu đeo
Xúm xít xoa màng da dưỡng thẹo
Quần quây tạo thế cột nương kèo
Đô thành đất ruộng vùng hoang hẻo
Bất kể nơi nào cảm nghĩa treo.

Mai Thắng - 190402

★ Bài xướng của Nguyễn Thị Trọng

NGƯỠNG MỘ … CÂY!

Hạt mầm kẽ đá mọc cheo leo.
Ráng sống vượt lên giữa cảnh nghèo.
Mạnh mẽ,ơn Trời, chưa tử ẻo.
Xanh rờn,mạch nước,vẫn đu đeo.
Cuồng phong , nhánh dẻo vờn trêu ghẹo.
Nắng lửa,tàn xoè gợi muốn leo.
Ngưỡng mộ , kiên cường tuy chốn hẻo.
Rễ dai thách thức bọn đua kèo!

Nguyễn Thị Trọng
1/4/2019

★ Bài hoạ khác của Cao Linh Tử

Vịnh Dây Tơ Hồng

Lặng lẽ đêm ngày quấn quít leo
Gió trăng bất tận sợ chi nghèo
Lòng thòng tua tụi như trù ẻo
Rối rắm dây vòi mãi bám đeo
Cây mít nghệ còi xơ chịu ghẹo
Nhọc nhằn ráng mọc trái dưa leo
Phải chi vấn vít nơi nào hẻo
Ngắm cũng nên thơ nợ cột kèo.

Cao Linh Tử
2/4/2019

★ Bài hoạ khác của Lâm Mỹ Thuận

TƠ HỒNG TỰ SỰ

Thân thảo tôi loài sống bám leo
Như muôn vạn kẻ chẳng ưa nghèo
Nguồn phân dinh dưỡng ham bòn đẽo
Sương nắng sinh tồn gắng sức đeo
Im ỉm phớt lờ câu đuổi xéo
Âm thầm mải miết tớ trườn leo
Tơ hồng một sợi ràng xem hẻo
Quấn buộc nhiều dây nặng gãy kèo !

Thuận. 02/04/2019.

Rũ Cánh Hoa Vàng

<D.573~TN Hoa Trái>



RŨ CÁNH HOA VÀNG

Thảm hại đài hoa rũ cánh tàn
Bên thềm nhạt nhẽo ánh chiều tan
Nào đâu bóng gợi dòng Thanh Thuỷ
Ghẻ lạnh hình khoe góc Quãng Hàn
Rảo bước hoang tàn hương đã rụi
Trông vời quạnh quẽ nét buồn man
Đời mang điệp khúc chào xuân vãng
Khẽ ngậm ngùi thương gió thổi tràn.

Mai Thắng – 190401

★ Bài xướng của thầy Mai Lộc

KIẾP HOA

Anh đào tan tác gió miên man
Trĩu nặng sương lam loáng ráng vàng
Lững thững gót sen ngờ Nhược Thủy
Phất phơ áo lụa ngỡ Cung Hàn
Vin cành trơ trọi hồn man mác
Nhặt cánh tả tơi lệ thắm tràn
Ngắn ngủi kiếp hoa sầu mỹ nữ
Ai ngồi thổn thức dưới trăng tan!

Mailoc
3-30-19

Khát vọng sổ lồng

<D.485~Chim Thú>



KHÁT VỌNG SỔ LỒNG

Chim lồng phút sổ vội vàng bay
Giữa khoảng tầng cao gió lộng đầy
Nhạc trỗi kiêu hùng hăng khúc phổ
Mây vờn lãng mạn ngát rừng cây
Xòe dang cánh vững tung trời vậy
Dõi ngắm hồn phiêu thoả mộng này
Hưởng tự do hoà tâm khoáng đãng
Tưng bừng nhủ ước hội lòng say.

Mai Thắng – 190401

-------------------
★ Bài xướng của Giáng Xưa

AN NHIÊN

Chim sổ lồng rồi vỗ cánh bay
Về khung trời rộng thảnh thơi nầy
Chiều chiều vui thú cùng kinh kệ
Sáng sáng hòa mình với cỏ cây
Quên hết lợi danh đường thế sự
Nhớ chi nghiệp chướng cõi trần ai
Tâm nghe thanh tịnh niềm an lạc
Rộn rã hân hoan hạnh phúc đầy

Giáng Xưa

Ngắm chiều

<D.484><Thời Tiết-Khí Hậu>



NGẮM CHIỀU

Chốn cũ ta về cảm nhịp yêu
Hoàng hôn vãn lịm ráng rơi chiều
Con tàu sóng cuộn trôi mờ thoảng
Bóng ảnh mây vờn gãy dợn xiêu
Lạc lõng hồn thơ cầu thức tỉnh
Nhàn thư cuộc sống rõ mong nhiều
Trò chơi thế sự luôn bày mãi
Dẫn tạm tim lòng nhủ bấy nhiêu!

Mai Thắng – 190330

★ Bài xướng của Ngọc Liên

NẮNG CHIỀU

Ai về chốn cũ nhặt niềm yêu
Nhắn hộ giùm tôi vạt nắng chiều
Bến đã ba mùa ngơ ngẩn đợi
Thơ dường mấy đoạn nhạt nhoà xiêu
Từng thu vẫn mộng bên trời vắng
Những hạ còn mơ giữa tuổi nhiều
Để tháng năm mờ phai kỷ niệm
Ân tình giữ lại khoảng chừng nhiêu...?

Ngọc Liên 29.03.19

★ Bài hoạ của Tường Vân

DUYÊN THẦM

Đếm những ba mùa chỉ bấy nhiêu
Buồn trông lá rụng xót xa nhiều
Đêm nhìn nguyệt gác bên thềm lạnh
Sáng đợi anh về dưới nắng xiêu
Dõi nhạn âu sầu nơi biển Bắc
Nhìn mây lãng đãng lúc sương chiều
Tâm tình vẫn giấu trong lòng vậy
Mà thiết tha từng mỗi nhịp yêu...

Tường Vân - 29/03/19

Gậm nhấm nỗi buồn

<D.483><Cảm Xúc>



GẬM NHẤM NỖI BUỒN 

(Khoán thủ N)

Nếu ở phương trời cảm xót xa
Nào đang thấu rõ cảnh quê nhà
Non xanh trải dãy dài binh lửa
Nước nhược theo dòng rũ gấm hoa
Nặng óc gian tham mầm khốn quẩn
Nuôi đầu lệ thuộc khí phai nhoà
Nằm co để hiểu đời tù túng
Ném liệng ngây khờ giải phóng ta

Mai Thắng – 100326

★ Bài xướng của Thy Lệ Trang

MỘT CÕI BUỒN...

Mênh mông một dãy cánh đồng xa
Man mác lòng riêng nỗi nhớ nhà
Mờ mịt đường trăng... buồn kiếp nhạn
Mơ hồ giấc điệp...xót đời hoa
Mưa giăng trước ngõ hồn tê tái
Mây phủ đầu non lệ nhạt nhòa
Mãn kiếp có chăng ngày trở lại?
Muôn trùng cách trở ngậm ngùi ta!

Thy Lệ Trang 

Góc Nhớ Trời Quê

<D.482~Tình Quê>

“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông…”




GÓC NHỚ TRỜI QUÊ

ĐẤT từ vạn thuở thấm sâu lòng
KHÁCH tự xa ngàn đuổi ước mong
MUÔN dặm quan san hoài khát vọng
TRÙNG dương biển nước hiển uy rồng
SAO trời khối lớp/ đa nguồn sóng
NHỎ tiếng van/ thần khí núi sông
HẸP mảng chiều vơi ngồi điểm bóng
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNH MÔNG

Mai Thắng
190326

★ Bài xướng của Trương Đức Hạnh

HƯƠNG LÒNG

ĐẤT Nam kỷ niệm…trỗi hương lòng
KHÁCH ở phương trời dẫu hóa long
MUÔN nẻo xuân về thêm ước vọng
TRÙNG khơi én luyện tỏ hoài mong
SAO đành biến chuyển chao nền móng
NHỎ bé tồn vong thỏa núi sông
HẸP thả thuyền tình ra biển rộng
QUÊ NHÀ MỘT GÓC NHỚ MÊNG MÔNG.

Đức Hạnh
24 03 2019

28 tháng 3 2019

CỬA …

<C.023><Điển tích văn học> 
Đề tài: CỬA … 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 


        CỬA từ Hán Việt là MÔN 門, Môn là một trong 214 bộ của " Chữ Nho Dễ Học ", là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư


        Ta thấy Giáp Cốt Văn là hình tượng của hai cánh cửa mở ra hai bên, đến Đại Triện thì hai cánh cửa được viết cho gọn lại, Tiểu Triện thì kéo thẳng các nét ra cho thành chữ viết và kịp đến Lệ Thư thì đã hoàn chỉnh như chữ viết hiện tại : 門 Môn là Cửa.

        Cửa được sơn son màu đỏ gọi là CỬA SON, từ Hán Việt là CHU MÔN 朱門. Cửa Son thường dùng để chỉ nhà giào có, như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương :
    CỬA SON đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

        Ngoài sơn son ra , cửa còn được thếp vàng, gọi là KIM MÔN 金門, là cửa của nhà quyền qúy, của giai cấp qúy tộc, như Thúy Kiều đã đánh giá Kim Trọng trong buổi đầu gặp gỡ :
    Nàng rằng trộm liếc dung quang,
    Chẳng sân ngọc bội cũng phường KIM MÔN.

        Còn nhà nghèo bình dân thì cửa chỉ bằng cây bằng gỗ, gọi là CỬA SÀI, từ Hán Việt là SÀI MÔN 柴門, như căn nhà ngang mặt Vương Viên Ngoại mà Kim Trọng đã mướn trọ học và tìm cơ hội để gặp gỡ Thuý Kiều :
    CỬA SÀI vừa ngỏ then hoa,
    Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang.

        
        Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện tả nhà của Dương Tướng Công với hai câu :
    Dò la Dương tướng dinh đâu,
    Tụ hiền phương ấy CỬA HẦU thâm nghiêm.

        CỬA HẦU là từ Nôm của từ Hầu Môn 侯門, dùng để chỉ cửa nhà của những người quyền quý, của những bậc vương hầu; theo như tích sau đây :
        * Theo sách Tình Sử : Vợ Tiêu Lang là Lục Châu, bị bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi; Từ đấy Tiêu Lang thấy vợ đành dửng dưng như khách qua đường không dám nhìn.
        * Theo Toàn Đường Thi Thoại : Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây :

    公子王孫逐後塵, Công tử vương tôn trục hậu trần,
    綠珠垂淚濕羅巾。 Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
    侯門一入深如海, Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
    從此蕭郎是路人。 Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân.
        Có nghĩa :
    Vương tôn công tử theo sau,
    Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
    CỬA HẦU sâu tợ biển xa,
    Chàng Tiêu từ đó như là người dưng.

        Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để ... yêu nhau ! Tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.

        Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã hạ câu :
Có còn chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường dễ hững hờ Chàng Tiêu.

        Trái với CỬA HẦU quyền qúy, ta còn có CỬA KHÔNG, là cửa không có gì hết, là cửa của nhà Phật, theo thuyết của nhà Phật là : "Sắc tức thị không, Không tức thị sắc". Nên CỬA KHÔNG là KHÔNG MÔN, là Cửa Chùa, như sau khi xem tờ thân cung của Thúy Kiều, Hoạn Thư đã giải quyết sự việc một cách rất khôn ngoan :
    Tiểu thơ rằng ý trong tờ,
    Rắp đem mệnh bạc nương nhờ CỬA KHÔNG.
    Thôi thì thôi cũng chiều lòng ,
    Để cho khỏi lụy trong vòng bước ra !

        Cho mi đi tu để mi khỏi lấy chồng bà cho biết tay !

        
        Cửa Không còn được gọi là CỬA PHẬT, như khi sư Giác Duyên nói với Thúy Kiều :
Rỉ tai nàng mới giãi lòng
Ở đây CỬA PHẬT là không hẹp gì.

        Không gọi bằng CỬA PHẬT thì gọi bằng CỬA NHƯ LAI như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đoạn tả về vua Lý Công Uẩn :
Bởi vì sinh CỬA NHƯ LAI,
Tiêu sơn từ thuở anh hài mới ra.

        Còn nếu thêm dấu hỏi vào chữ KHÔNG, ta sẽ có chữ KHỔNG là CỬA KHỔNG, là KHỔNG MÔN, là cửa của Ngài Chí thánh tiên sư Đức Khổng Phu Tử. Cửa của ngài Khổng là cửa trường học để học theo Đạo Nho của Ngài đề xướng, như trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :
    Ải Tần non Thục đường nghèo hiễm,
    CỬA KHỔNG làng nhân đạo khó khăn.

        Ta có thành ngữ Cửa Khổng Sân Trình để chỉ trường học học về đạo Nho thời xưa ( xem bài NHÀ ). 
Thơ của cụ Trạng Trình còn đề cập đến một cái cửa đặc biệt nữa là :
    CỬA MẬN người yêu nhiều khách trọng,
    Am hoa ai ở đến ông nhàn.

        CỬA MẬN là LÝ MÔN 李門, xuất phát từ thành ngữ 桃李門牆 Đào Lý Môn Tường. Đào Lý là chỉ Học trò giỏi; Môn Tường chỉ Trường học. Cho nên Lý Môn hay Cửa Mận là chỉ nơi đào tạo ra học sinh giỏi, nơi đào tạo nhân tài. Đào Lý Môn Tường còn được nói Nôm na là CỬA MẬN TƯỜNG ĐÀO như trong thơ của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi như sau :
Trúc mai bạn cũ họp nhau quen,
CỬA MẬN TƯỜNG ĐÀO chân ngại chen.


        Ngoài ra Đào Lý 桃李 còn được xem là những người ưu tú, có tài giỏi, có thể ra làm quan được, là người hữu dụng như cây đào cây lý : Mùa xuân ra hoa đẹp, mùa hạ kết trái và mùa thu cho trái chín ngọt. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du ví cô Kiều tài hoa như là Đào Lý khi bị Hoạn Bà vùi dập :
    Tiếc thay ĐÀO LÝ một cành,
    Một phen mưa gió tan tành một phen !

    
    Theo sách Thông Giám : Ông Địch Nhân Kiệt, tể tướng đời Đường, tiến cử cho vua Đường một lúc mấy chục người tài giỏi. Người đương thời khen ông rằng :" Thiên hạ ĐÀO LÝ tận tại công môn 天下桃李盡在公門 ". Có nghĩa: "Cây đào cây mận (ý chỉ nhân tài) trong thiên hạ đều ở cửa của ông mà ra cả!". Trong Lâm Tuyền Kỳ ngộ có câu:
    Cửa chen ĐÀO LÝ người sum họp,
    Nhà chật trân châu của đãi đằng.

        Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu :
    Sân ĐÀO LÝ mây lồng man mác,
    Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.

        Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều báo ân báo oán trong quân dinh của Từ Hải, nàng đã thị uy :
    Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi,
    Điểm danh trước dẫn chực ngoài CỬA VIÊN.

        CỬA VIÊN là VIÊN MÔN 轅門, không phải là cửa của vườn hoa, mà là cửa của trại lính đóng quân. VIÊN 轅 có bộ XA 車 là Xe ở bên trái, nên VIÊN là cái Càng xe. Ngày xưa, vua hoặc đại tướng đóng quân thường quây xe chung quanh làm hàng rào bảo vệ và dựng càng xe lên làm cửa ra vào, nên mới gọi là Viên Môn hay Cửa Viên. Sau nầy, tuy lều trại đã được xây dựng kiên cố khang trang, nhưng cửa ra vào vẫn gọi là CỬA VIÊN.


 
       Nói đến CỬA VIÊN là VIÊN MÔN, lại làm ta nhớ đến thành ngữ VIÊN MÔN XẠ KÍCH 轅門射戟 là bắn trúng mũi kích dựng ở trước cửa trại binh. Theo tích sau đây :
        Năm Công Nguyên 196 ( Năm đầu tiên của Kiến An ). Viên Thuật phái đại tướng Kỷ Linh dẫn 3 vạn binh đi đánh Lưu Bị. Lưu Bị cầu cứu Lữ Bố. Bố lo ngại nếu Lưu Bị bị tiêu diệt thì mình cũng bị Viên Thuật bao vây, nên đem binh đến Tiểu Phối cứu ứng. Khi đã đóng binh hạ trại, Lữ Bố bèn thiết tiệc mời Kỷ Linh cùng các tướng đến dự. Khi rượu đã ngà ngà, Bố bèn cầm ly đứng dậy nói rằng : " Lưu Huyền Đức là hiền đệ của ta, nay bị các vị vây đánh. Ta không thể làm ngơ, nhưng gây hấn với các vị thì lòng ta cũng không muốn. Nay ta có cách nầy để cho trời quyết định. Ta sẽ cho dựng một cây kích trước VIÊN MÔN, nếu ta bắn trúng mũi kích, thì các vị hãy lui binh, bằng như ta bắn không trúng, thì ta sẽ để mặc cho các vị vây đánh Lưu Bị mà không cứu ứng gì cả !" Nói đoạn, ông bèn giương cung lắp tên răng rắc bắn một phát trúng ngay đầu mũi kích dựng trước của dinh đánh " choang " một tiếng, làm mọi người đều kinh hãi vổ tay tán thưởng và đều sợ cho cái thần uy thần tiễn của Lữ Bố mà đều rút quân về.

        Thành ngữ " Viên Môn Xạ Kích 轅門射戟 " dùng để chỉ làm một hành đông mạo hiểm nhưng tích cực để giải hòa cho sự tranh chấp hoặc chiến tranh giữa đôi bên.

        Khi đã báo ân và khi Hoạn Thư kể lể : " Nghĩ cho khi gác viết kinh, Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo " thì Kiều đã " Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay " và khi Hoạn Thư : 
Tạ lòng lạy trước sân mây, thì thấy... 
CỬA VIÊN lại dắt một dây dẫn vào.

        Cánh cửa cuối cùng mà trong văn chương văn học thường nhắc đến là CỬA VŨ. Cửa Vũ là VŨ MÔN 禹門 hay còn gọi là LONG MÔN 龍門, nằm ở thượng lưu sông Hoàng Hà, giữa huyện Hà Tân tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây Trung Hoa. Ở đây có mỏm đá như hình cái cửa.


        Theo truyền thuyết, thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ khi trị thủy đã đục phá mỏm đá nầy cho rộng thêm ra để nước dễ chảy xuống hạ lưu, nên mới gọi là VŨ MÔN ( Cửa của vua Vũ tạo nên ).

        Theo sách Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú, thì Vũ Môn thường có sóng dữ, hằng năm vào tiết tháng ba, cá chép tập trung ở nơi đây để thi vượt qua Vũ Môn. Con nào vượt qua được thì sẽ hóa rồng, nên còn gọi là LONG MÔN. Do đó, CỬA VŨ còn được dùng để chỉ chốn trường thi. Ai thi đỗ thì gọi là đã Vượt Qua Được Cửa Vũ !

        Nhưng, theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ở nước ta cũng có Vũ Môn ở dãy núi Khai Trưởng ( tục gọi là núi Giăng Màn ) thuộc huyện Hương Khê tỉnh Hà Tỉnh. Đây là một dòng suối có 3 bậc. Truyền thuyết kể rằng, hàng năm đến tháng tư có mưa to, nước nguồn tràn ngập thì có cá chép ngược dòng nhảy qua Vũ Môn để hóa rồng, như trong thơ của cụ Đào Duy Từ :
    Kim ngư đeo ấn ở mình,
    Cá trông CỬA VŨ, rồng giành hột châu.

        CỬA VŨ còn được nói thành CỬA VÕ như trong Truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu :
Công danh ai chẳng ước mơ,
Ba tầng CỬA VÕ một giờ nhảy qua !

        Cũng như NHÀ, CỬA là từ rất thông dụng trong văn chương văn học, kể cả văn nói xưa và mãi cho đến hiện nay, CỬA vẫn còn rất đắc dụng, như ta thường nghe nói hàng ngày : Cửa quan, Cửa quyền, Cửa công, Cửa danh, Cửa lợi ... Nếu trong cuộc sống mà ta không tìm ra được " Cửa Sanh " nào cả, thì ta đã vào đến " Cửa Tử " rồi đó !

Đỗ Chiêu Đức

25 tháng 3 2019

X88. Xướng Họa Vần “EN”

<D.481~Xã Hội>



★ Bài 1

XƯỚNG HOẠ TÌM VUI
nđt

Tịnh dưỡng tinh thần chẳng lấn chen
Vài câu xướng hoạ để trui rèn
Âm vần mãi kiếm thiên mù mịt
Hỏi ngã luôn tìm vạn rối ren
Dụng ngữ đồng căn cần tỏ mắt
Chèn thanh ngũ độ gắng soi đèn
Cầu vui chớ tạo vòng tâm quẫn
Ngạo nghễ chi mà phải cuốn len

Mai Thắng – 190324

@ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

VUI THÌ XƯỚNG HỌA
nđt

Vui thì xướng họa chẳng giành chen
Chủ định là tâm trí dưỡng rèn
Trước dở gồng hơi thằng chẫu chuộc
Sau thuần ỉm tiếng lão tèn hen
Sai vần trật nghĩa hờn nghiên bút
Điệp ngữ trùng âm hổ sách đèn
Những buổi rơ đầu không dụng óc
Nghe người dã dượi chút buồn len !

Thuận. 22/03/2019.

@ Bài hoạ của Nguyễn Thị Trọng

VUI HỌA

Mưa xuống cây mừng nên lấn chen.
Còn ta thủng thỉnh họa trui rèn.
Vận thơ lắt léo chưa làm mệt.
Thi tứ lạ thường mới kéo hen.
Cắt gọn vừa câu lo tối nghĩa.
Hiểu sai lệch ý sợ lu đèn.
Mỗi người tâm sự riêng u uất.
Tránh để giận buồn có dịp len!

Nguyễn Thị Trọng. 22/03/2019.

------------------------------------------------------------
★ Bài 2



MONG CÙNG HOẠ TIẾP
nđt

Còn mê mãi vận nối thêm ... "bèn"
Phải lẽ bao người đứng chật ken
Tiếng lạc ve sầu luôn vẳng trỗi
Trời thanh dế lửa sẽ chung chèn
Tìm vui vẫy gọi chia đồng hướng
Giận lẫy e đành bỏ mất phen
Cám cảnh buồn suôn gầy tạo chữ
Bền tâm giải thoát luyện trui rèn.

Mai Thắng – 190324

@ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

MONG MÌNH NỔI TIẾNG
nđt

Nhận ít lời thơm chẳng bõ bèn
Thi tài ngoại đẳng xếp dày ken
Vườn ve sớm hạ om sòm trỗi
Ổ nấm đầu mưa mạnh mẽ chèn
Ảo não ôm đầu luôn mấy lượt
Ê chề ngậm bút cũng nhiều phen
Mong mình nổi tiếng nào đâu dễ
Mệt rũ buồn ôi lắm khổ rèn !

Thuận. 23/03/2019.

@ Bài hoạ của Nguyễn Thị Trọng

KHÔNG CẦN NỔI TIẾNG

Thấy thơ đầy mạng bỗng... tui bèn...
thử sức ghép vần kiếm chỗ ken.
Sương phủ đường thi tìm cách hoạ.
Ve kêu lục bát nối câu chèn.
Hước hài, lãng mạn, xen nhiều kiểu.
Lố bịch, bão hoà,nản lắm phen!
Đồng cảm hồn quê nghèo đậm chất.
Cần chi nổi tiếng, giải ưu,rèn!

Nguyễn Thị Trọng. 23/03/2019.

------------------------------------------------------------
★ Bài 3



TÌNH THƠ HỮU HẢO
nđt

Chân tình trước cả tập làm quen
Chẳng nghĩ rằng sang gá phận hèn
Gốc thợ thuyền vui hoà mỗi buổi
Tâm hồn bản thiện ngán mùa hen
Cầu thanh thản ngắm đời hưng thịnh
Nguyện sẵn sàng yêu cảnh sướng quèn
Hữu hảo cùng chơi dành khấn niệm
Duyên phần biểu lộ há toàn đen.

Mai Thắng – 190325

@ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

ĐÔI LỜI HIẾU NGHỊ
nđt

Thế lộ* sao mình mãi rủi đen
Tuồng như định số sẳn thân quèn
Phong trần ả tiện thường ve vãn
Mạt kiếp con bần vẫn rủ ren
Thích bạn an nhàn trông uyển nhã*
Cười ta lẽo lự đến ươn hèn
Đôi lời hiếu nghị bày trân gửi
Trọn khối chân tình hữu hảo quen !

Thuận. 24/03/2019.
-Thế lộ : đường đời
-Uyển nhã : đẹp, phong nhã.


@ Bài hoạ của Nguyễn Thị Trọng

BẠN THƠ

Ai rồi vận cũng có hồi đen.
May mắn vượt qua cám cảnh quèn.
Lỡ độ xuân ngời ve với vãn.
Tiếc màu thu úa rủ cùng ren.
Vần êm mến gửi tình cao nhã.
Mỹ ý cho quên chuyện thấp hèn.
Xướng hoạ tìm vui mài trí não.
Đoán mò khinh rẻ tội người quen!

Nguyễn Thị Trọng. 25/03/2019

Mưa đêm

<D.480><Thời Tiết-Khí Hậu>



MƯA ĐÊM

Tàn canh khẽ phát điệu mưa sầu
Lặng lẽ đêm nằm trải thức thâu
Nhỏ nhẹ như dòng thơ giẫm dấu
Rền êm tựa khúc phổ ngâm đầu
Phơ màu bạc thếch soi vần thảo
Dã mắt thâm quầng đuổi mộng sâu
Cứ dịp xuân về thêm tuổi lão
Và nghe giục giã tiếng con tầu.

Mai Thắng - 190316

★ Bài xướng của Minh Thuý

MƯA ĐÊM

Mưa đà nặng hạt suốt đêm thâu
Để thấm hồn ai những giọt sầu
Hỡi giấc mơ xưa chìm sóng biển
Ơi cơn mộng cũ lặn ga tầu
Chân trời kỷ niệm mờ sương khói
Góc bể yêu thương bạc mái đầu
Gió bão ngoài kia thêm buốt lạnh
Nghe lòng thổn thức nỗi niềm sâu

Minh Thúy
02:00 - 08/03/2019

Về bên gác trọ

<D.479><Cảm Xúc>



VỀ BÊN GÁC TRỌ

Bên thềm đỗ lại nhắc ngày qua
Lẳng lặng tìm phai nỗi nhớ nhà
Gác nhỏ bầy ve hoà nhạc bỡn
Hiên dài lũ kiến chuyển mồi tha
Chìm trong khúc phổ thời hoa mộng
Lẫn khuất mùa xuân tuổi ngọc ngà
Trải suốt canh trường đêm mãi vọng
Thương màu lá cỗi tủi đời ta.

Mai Thắng – 190323

★ Bài xướng của Trịnh Cơ (Paris)

TRỞ VỀ ….

Lạc lối phong trần mấy tháng qua
Hôm nay quay gót trở về nhà
Sân sau vườn trước còn yên ấm
Gác vắng thềm hoang vẫn thiết tha
Lối cũ đường xưa lời ước hẹn
Sông dài gió nhẹ bóng trăng ngà
Sầu lên mái lá niềm hiu quạnh
Mặc khách cô phòng ta với ta !

Paris, 03/03/2019
TRỊNH CƠ

@ Bài hoạ trên Mộc Gia trang của Dung Nguyên

KHÚC ĐOẢN CA

Khắc khoải bao chiều chuyện ngỡ qua
Hằng đêm lặng lẽ ghé thăm nhà
Phòng loan chén rượu men ngào ngạt
Gác điệp cung đàn nhịp thiết tha
Khẽ nảy gam trầm ai oán điệu
Vừa lay đoạn bổng xót xa ngà
Người ơi dẫu đó là miên ảo
Lạnh gió đông làm thổn thức ta

DUNG NGUYÊN
15:25 - 23/03/2019

Những ngày nắng hạn

<D.478><Thời Tiết-Khí Hậu>



NHỮNG NGÀY NẮNG HẠN

Đang vào tiết hạ buổi về trưa
Nắng hạn bàng quan quẳng đỗ bừa
Quãng vợi tầng không nhìn thẳm suốt
Mây vờn áo lụa tản mành thưa
Đành hanh chẳng đoái dìm sương dịu
Vội vã chừng quên bảo gió lùa
Những trận mưa mùa lay ý tưởng
Bao ngày sẵn đợi đất cày tưa.

Mai Thắng – 190323

★ Bài xướng của Phương Hà (Sông Thu)

NẮNG HẠN

Mới sáng mà như đã giữa trưa
Mặt trời nung cháy khoảng sân thưa
Tầng xanh cao thẳm không mây gợn
Vườn úa buồn thiu chẳng gió lùa
Sông cạn đôi dòng, bờ xám nẻ
Rẫy cằn bao mảnh, lá vàng tưa
Nhà nông sốt ruột ra vào đợi
Mạ đã khô cong, ruộng chửa bừa

Phương Hà