19 tháng 10 2022

Đường Duyên Giải Hóa

<D.883~Thơ Thiền>



ĐƯỜNG DUYÊN GIẢI HÓA

Hoà chia nếp nghĩ thả theo dòng
Cảnh sắc hương đời rũ bụi phong
Đáp nghĩa nhân từ chăm bản mệnh
Gìn phương huệ nhãn cảm yên lòng
Tâm thành khấn niệm cơ phòng thủ
Cõi mộng trưng bày hướng ruổi rong
Nguyện giữ ân tình luôn sảng khoái
Đường duyên giải hoá đẹp xe vòng.

Mai Thắng - 221008

--------------
★ Bài xướng của PV Ngôn (thơ luật đường)

SỐNG TÙY DUYÊN

Phấn khởi hòa chung, mở rộng vòng
Tôi rèn khí tiết mãi đầy đong
Lỡ khi cách biệt còn thơm nghĩa
Để lúc chia xa vẫn ngọt lòng
Đẹp bởi gian nan gìn mỹ tục
Hay vì khó nhọc giữ thuần phong
Dù cho nhân thế nhiều chao đảo
Nguyện sống tùy duyên, vượt giữa dòng ...

Ngôn Phạm Văn
5h17 - 15 / 4 / 2022 

Tâm Hoài Chánh Niệm

<D.882~Thơ Thiền> 



TÂM HOÀI CHÁNH NIỆM

Trên cành váng mỏng đọng mù sương
Buổi sớm bình yên duỗi mộng thường
Cuộc sống phơi bày muôn bản lĩnh
Khung đời ấp ủ vạn tình thương
Dù qua thống khổ bền khuyên dựa
Dẫu vượt ngàn lao sáng tỏ tường
Phúc thiện lòng ta dành nhẫn quả
Tâm hoài chánh niệm để cầu nương

Mai Thắng – 221008

------------------
★ Bài xướng của Ngân Hà

CON ĐƯỜNG NÀO

Buổi sớm trên cành vẫn phủ sương
Rồi tan biến mất thật vô thường
Rằng ta cuộc sống bao người thích ?
Hỏi bạn trong đời mấy kẻ thương ?
Kiếp trước dù sai nào đã biết
Phận sau chỗ đúng chẳng am tường
Nên giờ cố gắng làm điều phải
Để lúc lên trời có chỗ nương.

Ngânha 071022 

-------------
★ Bài họa của Hồng Phượng

CHỞ CHE NƯƠNG 

Hồ cao lấp lánh quyện màu sương
Núi biếc màng mơ huyễn lạ thường
Vạn vật lung linh gợi cảm xúc
Thiên nhiên rạng rỡ góp tình thương
Trần gian dẫu khó khăn khôn xiết
Cõi tạm dù dâu bể nỏ tường
Mở rộng tâm can xua dạ não
Con đường phẳng lặng chở che …nương !

HP

-------------
★ Bài họa của Thạch Hãn

CÙNG CHÁNH NIỆM

Giữa lối thu chiều cỏ đọng sương
Nàng trinh nữ khép cuộc vô thường
Khi loài nhện ngủ quên miền nhớ
Lúc lũ ong buồn bỏ cội thương
Lại cảnh mùa đông về trước ngõ
Còn cơn lửa hạ đến bên tường
Em ngồi chánh niệm tìm thanh thản
Để gió đêm vờn dọc rẫy nương ./.

LCT 24/1O/2O23

10 tháng 10 2022

Phùng Bệnh Quân Nhân - Lư Luân

<C.086~Dịch Hán Thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh

Bài 4: PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
Tác giả: LƯ LUÂN



★ Nguyên bản

逢病軍人
行多有病住無糧,
萬里還鄉未到鄉。
蓬鬢哀吟古城下,
不堪秋氣入金瘡。
盧綸

★ Phiên âm

PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
 
Hành đa hữu bệnh trú vô lương,
Vạn lí hoàn hương vị đáo hương.
Bồng mấn ai ngâm cổ thành hạ,
Bất kham thu khí nhập kim thương !

LƯ LUÂN

★ Dịch nghĩa

Đi thêm nhưng bị thương, ở lại thì không có gì ăn,
Đường về quê dài vạn dặm vẫn chưa tới.
Tóc bù rối nằm rên rỉ dưới chân tường thành bỏ hoang,
Vì không chịu nổi gió thu thổi vào vết chiến thương.

★ Dịch thơ

PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN

Thất ngôn
Ngã bệnh di hành sẽ mất lương
Hoài trông quê cũ nẻo sơn trường
Tóc bời rên rỉ chan thành cổ
Đao kiếm không ngừng chạm vết thương

- Lục bát
Đi là ngã bệnh không lương
Hoài trông quê cũ dặm đường mù khơi
Tiếng rên thành cổ tóc bời
Kiểm đao nào nghĩ nương hời vết thương

Mai Thắng

--------------------

★ BIÊN SOẠN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

• Góc Đường Thi : PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN

        " TÚY NGỌA SA TRƯỜNG " chỉ là cách nói hào hùng cho người chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến,còn người CỰU CHIẾN BINH Hà Hoàng sống lây lất đến tàn cuộc chiến để rồi mỗi chiều lại một mình thổi khúc sáo buồn ngoài biên tái. Nhưng dù sao thì vẫn hơn những THƯƠNG BỆNH BINH sống oằn oại đau khổ với đói nghèo bệnh tật và với cái vết thương không bao giờ lành được do cuộc chiến gây nên vẫn hành hạ mỗi lúc giá buốt khi gió thu se sắt thổi về !... như bài PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN sau đây...

逢病軍人                      PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
行多有病住無糧, Hành đa hữu bệnh trú vô lương,
萬里還鄉未到鄉。 Vạn lí hoàn hương vị đáo hương.
蓬鬢哀吟古城下, Bồng mấn ai ngâm cổ thành hạ,
不堪秋氣入金瘡。 Bất kham thu khí nhập kim thương !
盧綸                              Lư Luân.

        * LƯ LUÂN ( khoảng 737-799 ). Tự DUẪN NGÔN, người đất Hà Trung thuộc Huện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây hiện nay. Ông là một trong mười tài tử thuộc những năm Đại Lịch ( Đại Lịch Thập Tài Tử ). đậu Tiến Sĩ cuối năm Thiên Bảo, hoạn lộ thăng trầm bất định. Đến đời Đức Tôn được triệu về làm Chiêu Ứng Lệnh, chuyển nhậm làm Phán Quan cho Hà Trung Nguyên Soái Phủ, sau thăng đến Kiểm Hiệu Hộ Bộ Lang Trung. Còn lưu lại một tập thơ " Hộ Bộ Thi Tập ".

• CHÚ THÍCH :

1. BỆNH QUÂN NHÂN : Ở đây chỉ chung cho tất cả Thương Bệnh Binh, Thương Phế Binh.
2. BỒNG MẤN : là Đầu bù Tóc rối.
3. AI NGÂM : Ai là BI AI, là buồn bã, Ngâm là THÂN NGÂM 呻吟 là Rên rỉ ( chớ không phải ngâm thơ đâu ! ), nên AI NGÂM là Rên rỉ một cách buồn thảm. ( Chớ không phải ngâm thơ một cách buồn bã đâu!).
4. CỔ THÀNH: Ở đây chỉ những thành xưa được nối lại thành Vạn Lí Trường Thành.
5. BẤT KHAM : là Chịu không nổi, Không kham nổi.
6. KIM THƯƠNG : là Vết thương do kim khí gây nên. Thuốc Kim Thương là Thuốc để rịt những vết thương bị đứt đó.

• DỊCH NGHĨA :

        GẶP THƯƠNG PHẾ BINH
Đi nhiều thành bệnh vì phải vượt đường xa, nhưng nếu dừng lại thì e sẽ không có đủ lương thực để ăn. Quê nhà xa tít ngoài vạn dặm đi hoài mà không thấy tới. Đầu bù tóc rối, đau đớn rên rỉ dọc theo bức cổ thành, vì không kham nỗi với khí thu se sắt làm nhức nhối những vết thương do đao kiếm gây nên.
        Quả là cảnh tình thê thảm của người Thương Bệnh Binh sau cuộc chiến ! Chanh đã hết nước rồi, còn ai ngó ngàng chiếu cố nữa đây ?!!!

• DIỄN NÔM :

 GẶP THƯƠNG BỆNH BINH

Đi nhiều càng bệnh, ở, không lương,
Muôn dặm về quê, muôn dặm đường !
Rên rỉ dười thành đầu tóc rối,
Hơi thu vật vả vết kim thương !

Lục bát :
Đường xa bệnh tật không lương,
Về quê muôn dặm đường trường trông quê.
Dưới thành rên rỉ ủ ê ,
Vết thương nhức buốt não nề hơi thu !

杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức 

Lũng Tây Hành – Trần Đào

 <C.085~Dịch Cổ Thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh

Bài 3: LŨNG TÂY HÀNH
Tác giả: TRẦN ĐÀO



★ Nguyên bản

隴西行
誓掃匈奴不顧身,
五千貂錦喪胡塵。
可憐無定河邊骨,
猶是深閨夢裏人。
陳陶

★ Phiên âm

LŨNG TÂY HÀNH
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
Khả lân Vô Định Hà biên cốt
Do thị thâm khuê mộng lý nhân.
TRẦN ĐÀO

★ Dịch nghĩa

Thề quét sạch giặc Hung Nô chẳng tiếc thân,
Năm nghìn chiến sĩ mặc áo gấm, đội mũ da điêu vùi xác trong bụi Hồ.
Đáng thương cho những bộ xương bên bờ sông Vô Định,
Vẫn còn là người trong mộng của chốn khuê phòng.

★ Dịch thơ

KHÚC HÁT LŨNG TÂY

- Thất ngôn
Đã thề quét sạch giặc Hung Nô
Binh sĩ năm muôn ngã đất Hồ
Xương rũ bờ sông Vô Định trắng
Khuê phòng chinh phụ thảy hoài mơ

- Lục bát
Đã thề quét sạch Hung Nô
Năm ngàn binh sĩ đất Hồ rã thây
Trắng sông Vô Định xương bầy
Lòng chinh phụ vẫn lắp đầy hoài mơ

Mai Thắng
220725 



★ BIÊN SOẠN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

        Người chinh phu đem thân ra chốn chiến trường sống chết chỉ cận kề trong gang tấc, không " túy ngọa sa trường " thì cũng " bạch đầu linh lạc " bâng khuâng thổi sáo chiều tàn biên khu, hay thảm hại hơn, lê lết tấm thân thương tật để tìm về quê hương ... Trong khi đó, ở nơi quê nhà người cô phụ luôn luôn mong mõi hằng đêm khoắc khoải mòn mõi đợi chàng về. Có biết đâu rằng lắm khi chàng đã da ngựa bọc thây hay đã xương phơi ngoài chiến địa ... Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tàn nhẫn như thế cả, mời tất cả cùng đọc bài thơ Lũng Tây Hành của Trần Đào dưới đây sẽ rõ ...

• Chú thích :

        TRẦN ĐÀO 陳陶(812—888)Thi nhân đời Đường, tự là Tung Bá 嵩伯, tự hiệu là Tam Giáo Bố Y 三教布衣. Ông người đất Lĩnh Nam, lúc nhỏ từng du học đất Trường An, giỏi thi thư, nhưng thi mãi vẫn không đậu tiến sĩ, nên ẩn cư trong rừng núi, tu tiên, về sau không biết ra sao. Ông để lại mười thi quyển "Trần Tung Bá Thi Tập 陳嵩伯詩集. Trong Toàn Đường Thi《全唐詩》có trích đăng 2 quyển thơ của ông.
        Lũng Tây : là vùng đất thuộc núi Lũng Sơn của tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ hiện nay. Là vùng tranh chấp giữa Hung Nô và Hán.
        Điêu Cẩm : Chỉ đoàn quân tinh nhuệ thiện chiến được trang bị quân trang quân dụng đầy đủ.
        Vô Định Hà : Tên con sông thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà, nằm ở phía bắc của tỉnh Thiểm Tây, là một chiến địa ngày xưa.

• Nghĩa bài thơ :

        Thề quét sạch giặc Hung Nô mà chẳng màng đến thân mình, nên năm ngàn quân thiện chiến phải chôn thây nơi đất Hồ. Khá thương thay, những nắm xương trắng bên bờ sông Vô Định vẫn còn là người trong mộng của các nàng chinh phụ ở chốn khuê phòng !

        Chiến tranh là tàn nhẫn như thế đó. Ta hãy nghe những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn nữ sĩ sau đây :
Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?

        và ...
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

        Khi khuyên Từ Hải quy hàng triều đình, Thúy Kiều cũng đã nhắc đến sự tàn khốc của chiến tranh trong "Năm năm hùng cứ một phương hải tần" của Từ Hải đã giết chết biết bao nhiêu là tướng sĩ của cả hai bên :
Ngẫm từ gây việc binh đao,
Đống xương VÔ ĐỊNH đã cao bằng đầu.


• Diễn Nôm 

LŨNG TÂY HÀNH

Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
Khá thương xương trắng bờ Vô Định,
Vẫn cũng là người chinh phụ mong !

        Lục bát :
Hung Nô thề quét chẳng màng,
Bên bờ Vô Định năm ngàn bỏ thây.
Khá thương xương trắng phơi đầy,
Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !

杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức      

Hà Hoàng Cựu Tốt - Trương Kiều

<C.084~Dịch Cổ Thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh

Bài 2: HÀ HOÀNG CỰU TỐT
Tác giả: TRƯƠNG KIỀU




★ Nguyên bản

河湟舊卒
少年隨將討河湟,
頭白時清返故鄉。
十萬漢軍零落盡,
獨吹邊曲向殘陽。
張喬

★ Phiên âm

HÀ HOÀNG CỰU TỐT

Thiếu niên tùy tướng thảo hà hoàng
Đầu bạch thời thanh phản cố hương
Thập vạn Hán quân linh lạc tận
Độc xuy biên khúc hướng tàn dương.

TRƯƠNG KIỀU

★ Dịch nghĩa

Lúc thiếu niên theo tướng quân đi đánh giặc ở Hà Hoàng,
Đến khi đầu bạc mới dẹp yên giặc được trở về quê cũ.
Cả chục vạn binh lính người Hán nay lạc mất hết cả,
Một mình lấy sáo hướng về mặt trời lặn mà thổi các khúc ca biên ải.

★ Dịch thơ 

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH

- Thất ngôn
Hà Hoàng lúc trẻ dặm xông pha
Tóc bạc thời yên trở lại nhà
Mười vạn lính xưa tan mất hết
Mình ta thổi sáo lúc chiều tà

- Lục bát
Hà Hoàng lúc trẻ xông pha
Thời yên tóc bạc về nhà dưỡng thân
Lính xưa mười vạn tiệt phần
Mình ta thổi sáo bâng khuâng chiều tàn!

Mai Thắng



★ BIÊN SOẠN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

        Để nối tiếp theo cái hào khí " Túy ngọa sa trường " của Vương Hàn, TRƯƠNG KIỀU cũng người của thời Vãn Đường nói lên cái vô tình tàn khốc của chiến tranh bằng một bài tứ tuyệt thật đơn sơ bình dị mà dễ làm xúc động lòng người ! Xin mời đọc bài HÀ HOÀNG CỰU TỐT...

• CHÚ THÍCH :

        * TRƯƠNG KIỀU, thi nhân đời Tàn Đường, không rõ năm sanh năm mất, tự là Bá Thiên, người đất Trì Châu ( thuộc huyên Quí Trì, tỉnh An Huy hiện nay ). Khoảng giữa năm Hàm Thông ( 860-874 ) đậu Tiến Sĩ, sống ở đất Trường An, cùng với Hứa Đường, Trịnh Cốc... xưng là HÀM THÔNG THẬP TRIẾT. Khi loạn Hoàng Sào, ông ẩn cư ở Cửu Hoa Sơn và mất ở nơi đó. Ông làm thơ giản dị nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, thiên về Ngũ Ngôn Luật Thi. Trong TOÀN ĐƯỜNG THI còn lưu lại 2 quyển thơ của Ông.

        HÀ HOÀNG 河湟 : là sông Hoàng Thủy, phát nguồn từ tỉnh Thanh Hải, chảy về đông đổ vào sông Hoàng Hà ra biển. Hà Hoàng trong thơ chỉ vùng đất Lũng Tây do Thổ Phồn chiếm giữ từ thời Đường Túc Tôn, bao gồm Qua Châu, Y Châu... mười châu quận luôn chìm ngập trong khói lửa chiến tranh do hai bên Hán Hồ luân phiên cát cứ ròng rã suốt cả trăm năm, dân chúng sống trong cảnh điêu linh đồ thán.
        CỰU TỐT : Cựu là Cũ, Tốt là Con Chốt, là Lính. CỰU TỐT là Người lính cũ, là Cựu Chiến Binh.
       THẢO : là Thảo Phạt, từ chỉ nước lớn đem binh đi đánh nước nhỏ, hoặc đi dẹp loạn.
        THỜI THANH : Thời cuộc trở nên thanh bình, không còn giặc giã nữa. THẬP VẠN : Mười Vạn là Một Trăm Ngàn.
        LINH LẠC : do thành ngữ THẤT LINH BÁT LẠC 七零八落 có nghĩa: "Thất Điên Bát Đão, để chỉ thua trận"; Tơi Bời Hoa Lá, dùng để chỉ cỏ cây"; "Ba Chìm Bảy Nổi, dùng để chỉ hoàn cảnh", nói theo bình dân "Thất Linh Bát Lạc là Xất Bất Xang Bang"!
        ĐỘC : là Đơn độc có một mình. XUY ; là Thổi ( Tiêu, hoặc Sáo ).
        BIÊN KHÚC : là Những khúc nhạc ngoài biên cương được thổi bằng Tiêu hoặc Sáo.
        8. TÀN DƯƠNG : là Ánh nắng tàn của buổi chiều tà.

• DỊCH NGHĨA :

Khi còn trẻ ta đã theo các tướng đi đánh giặc ở đất Hà Hoàng. Kịp đến lúc thanh bình thì đầu đã bạc mới được về lại cố hương. Mười vạn quân lính của người Hán khi xưa giờ đã tan tác gần hết ( may mà ta còn sống sót ). Một thân đơn độc ta cảm khái mà thổi lên khúc sáo của vùng biên tái trong ánh nắng chiều tàn thoi thóp !

• DIỄN NÔM :

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH ĐẤT HÀ HOÀNG

Trẻ đi đánh trận ở Hà Hoàng,
Đầu bạc mới về lại xóm làng.
Mười vạn Hán binh tan tác hết,
Một mình thổi sáo lúc chiều tàn !

Lục bát :
Trẻ đi đánh giặc Hà Hoàng,
Thanh bình đầu bạc về làng lang thang.
Trăm ngàn quân Hán tan hoang,
Một mình thổi sáo chiều tàn biên khu !

杜紹德  Đỗ Chiêu Đức.

------------------

★ TRÍCH DIỄN GIẢI CỦA THI VIỆN

• Giải thích

        Sông Hoàng bắt nguồn từ Thanh Hải, chảy hướng đông vào địa phận Cam Túc thì nhập vào sông Hoàng Hà để thoát ra biển. Lưu vực chỗ hai sông gặp nhau gọi là Hà Hoàng, nơi quân nhà Đường chiến đấu gian khổ gần 100 năm với giặc Thổ Phồn để bảo tồn giang sơn. Điển hình là người lính trong thơ, đi từ lúc thiếu niên, đến già tóc bạc mới được về.

• Dịch nghĩa của Thi Viện

Theo tướng quân đi đánh giặc ở Hà Hoàng từ lúc còn thiếu niên,
Đến khi đầu bạc mới dẹp yên, được trở về quê cũ.
Cả chục vạn binh lính người Hán nay tản mát hết cả,
Một mình lấy sáo hướng về mặt trời lặn thổi các ca khúc nơi biên ải.

Lương Châu Từ - Vương Hàn

<C.083~Dịch Hán thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh 

Bài 1: LƯƠNG CHÂU TỪ
Tác giả: VƯƠNG HÀN



★ Nguyên bản

涼 州 詞
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催。
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回。
王 翰

★ Phiên âm

LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?
Vương Hàn

        * VƯƠNG HÀN: Không rõ năm sanh năm mất. Tự là Tử Vũ. Người đất Tinh Châu Tấn Dương (thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hiện nay). Lúc trẻ nhà giàu nên sống rất hào sảng phóng túng, thích uống rượu và ngao du sơn thủy. Đậu Tiến Sĩ đời Đường Tuấn Tôn Cảnh Vân Nguyên niên (719). Khi Trương Thuyết làm Tể Tướng có triệu ông về kinh làm quan, đến khi Trương Thuyết bị bãi chức, ông cũng bị biến ra khỏi kinh thành. Cuối cùng ông nhậm chức Tư Mã Thông Châu và mất ở nơi đây. Ông sở trường về thơ Thất ngôn tứ tuyệt, thiên về biên tái, lời thơ rất hùng tráng, hoa lệ và cảm khái, bi phẫn với cảnh chiến tranh dai dẳng.

★ Dịch nghĩa

Khúc hát Lương Châu
Rượu ngon Bồ Đào rót vào chén dạ quang
Muốn uống, thì tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.
Uống say nằm giữa sa trường xin đừng cười nhạo
Từ xưa đến nay người đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về.

★ Dịch thơ của Mai Thắng

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU

- Thất ngôn
Bồ đào rượu rót chén pha lê
Đàn giục giả kìa uống cạn đi
Say giữa sa trường đâu nở nhạo
Từ xưa chinh chiến mấy ai về!

- Lục bát
Bồ đào rót chén dạ quang
Giục quân lên ngựa tiếng đàn tung hê
Sa trường uống đã đừng chê
Từ xưa chinh chiến ai về cố hương

Mai Thắng 
220806



★ CHÚ THÍCH :
(Phần biên soạn của Đỗ Chiêu Đức ) 

        LƯƠNG CHÂU: là đất Lũng Tây đời Đường, (nay thuộc TP Võ Uy tỉnh Cam Túc) là vùng đất giáp ranh, do người Hán và người Hồ luân phiên cát cứ, ai mạnh thì chiếm giữ. LƯƠNG CHÂU TỪ nghĩa là tên một khúc hát của đất Lương Châu, ngoài bài nầy ra, còn có Lương Châu Từ của thi sĩ Vương Chi Hoán cũng thuộc đời Đường. Vì vậy bài nầy còn có tựa là XUẤT TÁI 出塞 có nghĩa là “Xuất chinh ra ngoài biên tái” để phân biệt.
        BỒ ĐÀO: là trái nho, nên BỒ ĐÀO MỸ TỬU là rượu ngon được ủ bằng nho (nho là trái của người Hồ, làm nên rượu nho cống nhập vào Trung Hoa).
        DẠ QUANG BÔI: là ly uống rượu làm bằng ngọc dạ quang, ban đêm phát ra ánh sáng, có thể là ly bằng pha lê cũng do người Hồ cống vào Trung Hoa.
        TỲ BÀ: là loại đàn có 4 dây, cũng từ đất Hồ cống nhập, nên còn gọi là Hồ Cầm, (“Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương” – Truyện Kiều)
        QUÂN 君 là nhân vật đại từ ngôi thứ 2 số ít. Trong ngữ cảnh này có thể dịch theo nghĩa thông thường là Anh, Bạn, … nhưng có thể hiểu theo nghĩa mở rộng là Nàng Hồ Cơ 胡姬 - Người đẹp xứ Hồ, ngồi đánh đàn tỳ bà thúc quân. (Trung Hoa xưa gọi những dân tộc ở phương bắc là Bắc Mông, phương tây là Rợ Hồ, phương nam là Nam Man. Gọi chung các nước của các dân tộc đó là PHIÊN BANG).

★ DỊCH NGHĨA :

        Rượu Bồ Đào rót vào chén dạ quang (Rượu vang ngon rót vào chén ngọc đẹp). Toan uống, thì đã nghe tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.( Nhưng khoan, hãy đợi ta uống cạn vài ly đã ) Vì có say nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! Vì hãy nghĩ xem, từ xưa đến nay đem thân đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về đâu ?! Đây là cái khí phách ngang tàng của...
        Những người chinh chiến bấy lâu,
        Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc)

★ DIỄN NÔM : (cúa Đỗ Chiêu Đức)

BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU

Rượu vang rót vội chén pha-lê,
Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!

- Lục bát :
Bồ đào rót chén dạ quang,
Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
Chớ cười chiến địa ta say,
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!
Đỗ Chiêu Đức.

★ PHỤ CHÚ :

Người Hoa gọi tất cả các loại đá quí là BẢO THẠCH 寶石, mà cũng gọi là NGỌC 玉 nữa. Ví dụ : CẨM THẠCH 錦石 mà ta làm đồ trang sức để đeo, thì người Hoa không có gọi là đeo CẨM THẠCH 戴錦石, mà gọi là ĐỚI NGỌC 戴玉 là Đeo NGỌC. Nên PHA LÊ trong thiên nhiên ngày xưa rất hiếm, có được một khối Pha Lê để làm ly uống rượu không phải là dễ. Pha Lê lại lóng lánh trong ánh đèn đêm, nên ta có thể " nghĩ " DẠ QUANG BÔI ở đây là LY PHA LÊ được nói nhấn cho có vẻ cao quí và trịnh trọng !. Mặc dù theo truyền thuyết cho rằng NGỌC DẠ QUANG là Ngọc tự nó có thể phát sáng trong đêm, chớ không phải như Pha Lê phải nhờ ánh sáng mới lấp lánh được. Nhưng trong Văn Chương ai biết được....!!! 

07 tháng 10 2022

Đón Ngày Đông

<D.881><Tiết Lạnh Đông>



ĐÓN NGÀY ĐÔNG

Ngắm cảnh an bình đỗ dọc sông
Thần tiên ánh lửa ngọn đua hồng
Như hồn mộng tãi cơn vùi cảm
Chạnh buổi thu tàn lễ đón đông
Khẽ thưởng trà châm khà vị đắng
Hờ lay khói gợn tỏa hương nồng
Sương mờ trở tiết đêm chầm chậm
Ngủ giấc thư nhàn vững đợi trông.

Mai Thắng – 221007

---------------

★ Bài xướng của Phượng Phượng

GIỌT LỆ ĐÔNG

Đêm ngồi ngắm cảnh dọc bờ sông
Đóm lửa tàn khơi rực ánh hồng
Chợt ngõ thu buồn chao bến mộng
Nên chiều gác lạnh rã hồn đông
Vài cơn sóng vọng chân trời cũ
Một mảnh đời nâng chén rượu nồng
Mặt biển sương lùa không bóng nguyệt
Ai sầu mắt lệ thẫn thờ trông/

NPP 01/10/2022 

Nắm Tay Dìu Tiếp

<D.880~Gia Đình>



NẮM TAY DÌU TIẾP

Mình đi vẹn lối giữa phiên đời
Cảm xúc gieo tràn những tạm vơi
Khẽ nhạt môi hồng son đỏ thắm
Tròn xoe mắt nhỏ ngọc xanh ngời
Câu thề thỏa thích nằm an dưỡng
Ký vãng êm đềm quyện thảnh thơi
Nhạc trỗi thương dìu ru giấc ngủ
Hoàng hôn nhẹ bước thả tay hời.

Mai Thắng – 221007

-------------
★ Bài xướng của Sông Thu

CHIA TAY

Có nói gì thêm cũng thế thôi
Chén tình người rót lỏng tay rồi
Bờ môi đắm đuối phai hương đắm
Ánh mắt ngời say nhạt nét ngời
Bởi lẽ câu thề khôn trọn giữ ?
Hay vì cảm xúc đã dần vơi ?
Thà rằng lặng lẽ khi ly biệt
Mỗi kẻ đi riêng một quãng đời

Sông Thu
( 01/10/2022 ) 

Cơn Cuồng Quẩn

<D.879><TS Thế Giới>



CƠN CUỒNG QUẨN

Phá bỏ hung tàn ngỡ được yên
Ngờ đâu tự thể vẫn sinh phiền
Mưu đồ thủ ác bày ngang ngược
Cậy lẽ gian hùng bảo chứng điên
Sợ cảnh dân bừng khai ngã hướng
Chìm danh thế tạo giữ ôm quyền
Phơi đầu óc lệch cơn cuồng quẩn
Hại những an lành mảnh áo huyên

Mai Thắng - 221004

---------------- 
★ Bài xướng của Thạch Hãn

VĨNH BIỆT NGÀI 

Mong ngài giấc ngủ thật bình yên
Kẻ đã bày ra lắm lụy phiền
Kế hiểm khi người gieo mã độc
Mưu hèn để họ nói đồ điên
Thần dân cảm thán phường ô trọc
Vệ sĩ cười chê thứ cửa quyền
Hãy nhớ đây là tên nghịch tử
Đang về gặp Chúa buổi hàn huyên ./.

LCT O2/1O/2O22 

05 tháng 10 2022

Tiết Trùng Cửu

<C.083~Giai Thoại Văn Chương>

TIẾT TRÙNG CỬU

Lễ Ông Bà ngày xưa của ta 

        Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghiã là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu. 
        Trùng Cửu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cửu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới !


        Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già : LÃO NHÂN TIẾT 老人節 hoặc KÍNH LÃO TIẾT 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ (ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác, cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là: "Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay" là thế). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết ĐĂNG CAO 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cửu cón được gọi là Tiết THÙ DU 茱萸節, Tiết CÚC HOA 菊花節....

Cây lá và trái Thù Du (trái cherry ở Mỹ)

        THÙ DU là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cửu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để " trừ tà ", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du là vì thế.

 
Hoa Cúc và tục lệ uống rượu Cúc trong ngày Trùng Cữu

        Trong bài thơ " Bốn mùa ăn chơi " của người xưa thì câu thứ 3 là " Thu ẩm Hoàng Hoa tữu ". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích " flu shot " vào mùa nầy ở Mỹ vậy ! Nên Tiết Trùng Cữu còn được gọi là Tiết Cúc Hoa là vì thế !
        Theo truyền thuyết thì ... vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong "Tục Tề Hài Ký" rằng: Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng : mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.
        Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cửu cho đến hiện nay.

Trùng Cửu xưa Trùng Cửu nay

        Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cửu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh với ...

 Nguyên bản  

九日登李明府北樓
九月登高望,
蒼蒼遠樹低。
人煙湖草裡
山翠現樓西。
劉長卿

 Phiên âm  

CỬU NHẬT ĐĂNG LÝ MINH PHỦ BẮC LÂU
Cửu nguyệt đăng cao vọng,
Thương thương viễn thọ đê.
Nhân yên hồ thảo lý,
Sơn thuý hiện lầu tê. ( tây )
Lưu Trường Khanh

 Diễn nôm :

NGÀY CHÍN LÊN BẮC LÂU CỦA LÝ MINH PHỦ

Tháng chín lên cao ngắm,
Xanh xanh cây cỏ xa.
Hồ mờ sương người vắng,
Lầu tây núi biếc nhòa !

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm


        Còn Thi tiên Lý Bạch với ...

 Nguyên bản 

九月十日即事 
昨日登高罷,
今朝再舉觴。 
菊花何太苦,
遭此兩重陽。  
李白 

 Phiên âm 

CỮU NGUYỆT THẬP NHẬT TỨC SỰ
Tạc nhật đăng cao bãi
Kim triêu tái cử trường.
Cúc hoa hà thái khổ,
Tao thử lưỡng Trùng Dương .
Lý Bạch
 
 Chú Thích :

Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng...
Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
Chỉ trong hai ngày, hoa cúc BỊ HÁI, BỊ VÙI DẬP đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi dập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là : " Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương ". Có nghĩa : Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy !
KHỔ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. KHỔ cũng có nghĩa là ĐẮNG nữa ! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!

 Diễn nôm :

Chuyện của ngày mười tháng chín
Hôm qua sau leo núi,
Sáng nay lại nâng ly.
Hoa Cúc sao mà khổ,
Trùng Dương đến nhị kỳ ! 

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm  


        Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cữu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy....  

 Nguyên bản

九月九日忆山东兄弟 
独在异乡为异客, 
每逢佳节倍思亲. 
遥知兄弟登高处, 
遍插茱萸少一人. 
王维  

 Phiên âm 

CỮU NGUYỆT CỬU NHẬT ỨC SƠN ĐÔNG HUYNH ĐỆ
Đôc tại dị hương vi dị khách,
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân !
Vương Duy

★ Chú Thích :

        Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là " Ức Sơn Đông Huynh Đệ ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ " dị hương, dị khách ".

★ Nghĩa bài thơ 

Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi.
Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗĩ lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một lá Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta mà thôi !

★ Diễn nôm của Đỗ Chiêu Đức

Xứ lạ quê người làm khách lạ,
Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
Anh em mùng chín đăng cao đó,
Đều giắt thù du thiếu một người !

Lục bát :
Đơn thân xứ lạ quê người,
Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
Quê xa huynh đệ đăng cao,
Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta !

Đỗ Chiêu Đức biên khảo.


        Để kết thúc bài viết, mời tất cả cùng đọc bài thơ CỬU NHẬT ĐĂNG CAO của Thi Thiên Tử Vương Xương Linh sau đây :

 Nguyên bản

九日登高
青山遠近帶皇州,
霽景重陽上北樓。
雨歇亭臯仙菊潤,
霜飛天苑御梨秋。
茱萸插鬢花宜壽,
翡翠橫釵舞作愁。
謾說陶潛籬下醉,
何曾得見此風流。
王昌齡

 Phiên âm

CỬU NHẬT ĐĂNG CAO

Thanh sơn viễn cận đới hoàng châu
Tễ cảnh trùng dương thướng bắc lâu
Vũ yết đình cao tiên cúc nhuận
Sương phi thiên uyển ngự lê thu
Thù du tháp mấn hoa nghi thọ
Phỉ thúy hoành thoa vũ tác sầu
Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy
Hà tằng đắc kiến thử phong lưu! 
Vương Xương Linh 


 Chú thích

- Hoàng Châu 皇州 : là Vùng châu thổ của hoàng thành.
- Tễ Cảnh 霽景 : là Cảnh trí lúc trời vừa mới tạnh mưa.
- Đình Cao 亭臯 : là Bờ, luống chung quanh đình.
- Thiên Uyển 天苑 : là Vườn hoa của Thiên Tử.
- Ngự Lê 御梨 : là Cây lê trồng trong vườn ngự uyển.
- Thù Du 茱萸 : là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cữu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du. Thù Du là trái cherry ở Mỹ đó.
- Mạn Thuyết 謾說 : Ta còn nói thành Mạn Đàm, là nói lan man, nói chơi về người nào hoặc việc gì đó.
- Đào Tiềm 陶潛 : tức Đào Uyên Minh, là một ẩn sĩ cao nhã đời Tấn, thích hoa cúc và chuyên trồng cúc ở bờ giậu phía đông, nổi tiếng với câu : Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下 悠然見南山. Có nghĩa : Hái cúc rào phía đông, xa xa thấy núi nam.

 Nghĩa bài thơ

        NGÀY CHÍN LÊN CAO
        Núi xanh gần gần xa xa như là một vành đai bao quanh mảnh đất của hoàng thành. Cảnh vật sau cơn mưa của Tiết Trùng Dương khi lên lầu phía bắc để ngắm nhìn. Những luống hoa cúc tiên bên đình mượt mà hơn sau cơn mưa, và những trái lê trong vườn ngự uyển ửng hồng hơn khi nhuốm sương thu. Nhánh thù du cài lên tóc mai cùng với hoa cúc là hoa trường thọ, giống như là cành trâm phỉ thúy lắc lư trên mái tóc khi đang ca múa càng gợi niềm sầu. Đừng nói là Đào Tiềm say dưới giậu hoa cúc là vô cớ, vì trong đời ta há dễ được mấy lần nhìn ngắm cái cảnh phong lưu tao nhã nầy ?!
        Vương Xương Linh là nhà thơ biên tái nổi danh thời Thịnh Đường, nổi tiếng là Thánh thủ của thơ Thất ngôn Tứ tuyệt và là Thi Thiên Tử của đương thời, cùng với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham và Vương Chi Hoán giao tình rất hậu. Những bài thơ tả cảnh ghi lại các phong tục dân gian như bài thơ nầy rất hiếm thấy trong thi phẩm của ông, nên được mọi người rất trân qúi.

 Diễn Nôm

Mùng Chín Đăng Cao

Núi xanh vây phủ lấy hoàng châu,
Trời tạnh Trùng Dương lên bắc lâu.
Đình cúc sau mưa vàng sắc mượt,
Ngự lê sương nhuốm ửng màu thu.
Thù du cài lẫn hoa trường thọ,
Phỉ thúy vắt chung tóc gợi sầu.
Chả trách Đào Tiềm say dưới giậu,
Bao lần được thấy nét phong lưu ?!

Lục bát :
Núi xanh cao thấp bốn phương,
Hoàng thành trời tạnh Trùng Dương lên lầu.
Sau mưa luống cúc tươi màu,
Nhuốm sương lê cũng đỏ au trong vườn.
Thù du cài tóc thọ trường,
Lắc lư phỉ thúy vấn vương mối sầu.
Đào Tiềm say khước vì đâu
Trong đời há dễ qua cầu phong lưu ?!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


Người biên soạn:   杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức 

03 tháng 10 2022

Thu Sót

<D.878><Những Vần Thu Cảm> 



THU SÓT

Còn kia chút cảm đọng bên trời
Tiễn lá thu vàng lẳng lặng rơi
Nước chảy hoài tuôn dòng sẽ cạn
Chiều buông khẽ dọn lối êm mời
Mơ cầu ý niệm duyên huyền bản
Mộng gối ân lành ảnh viễn khơi
Cảnh dệt thanh nhàn đêm rũ xuống
Mùa đi tạm khép mảnh hương đời

Mai Thắng – 221003

30 tháng 9 2022

Trải Lòng

<D.877><Tuổi Lão> 


TRẢI LÒNG

Lại cảm thấy buồn vương
Màn đêm phủ dặm trường
Mưa dàn rơi khắp ngõ
Bão nổi dậy trùng dương
Vẫn thức thao im lặng
Còn trăn trở vốn thường
Đâu thành mơ mộng nữa
Dỗ giác niệm hoài thương

Mai Thắng
220929

----------------

★ Bài xướng của Quên Đi (Vườn Thơ Thẩn)

Nỗi Lòng

Buồn sao mãi vấn vương
Trằn trọc suốt đêm trường
Hoa bướm đầy bao ngã
Tơ duyên chỉ một đường
Không là trai nước Lỗ
Chẳng phải Tề Tuyên Vương (*)
Tim lại luôn dao động
Cũng vì mỗi chữ thương. 

 Quên Đi 

Thu Ẩm

<D.876><Những Vần Thu Cảm> 


THU ẨM

(song thanh) 

Hừng trời tiết lạnh ngọn thu phong
Nhóm bếp nhen hơi lửa sưởi lòng
Thạo sự trà châm hương luẩn quẩn
Cù vầng khói dợn cuộn long đong
Lăn tăn bóng nước màng bào ảnh
Mộc mạc âm ba mắt nhếch tròng
Nhủ hỏi Trương Chi thầm dệt mộng
Hầu nhờ cậy được để trông mong.

Mai Thắng
220928 

----------------------

★ Bài họa của Nguyễn Thị Hồng Phượng

ÂM VANG 

Bềnh bồng một thoáng sắc rêu phong
Lửng thửng mây trôi chợt não lòng
Bến nước năm xưa đơm mộng mị
Con sông chốn cũ đắp mơ đong
Lung linh nắng sớm xinh tươi cảnh
Lấp lánh mưa chiều óng ả tròng
Sánh bước bên nhau trên dốc nhỏ
Âm vang sáo trúc thoả tình mong ?
HP

----------------

★ Bài họa của Hương Lan

MỘNG ĐẸP

Mộng đẹp ngày nào giữa vũ phong
Trăng thanh gió mát thỏa đầy lòng
Hòa nhiều ái thắm bên xuân đọng
Khảm đủ tình nồng cạnh hạ đong
Mãi giữ ghim tâm chờ kết móng
Luôn mơ khắc trí đợi bền tròng
Dòng đời cứ nối bên thu võng
Thắm thiết hình hài vội gợi mong

Hương Lan

----------------

★ Bài họa của Nguyệt Trần Thị Ánh

“Đào hoa y cựu tiếu Đông phong”
(Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông)

NHỚ ĐÔNG PHONG

Nàng Đào tẩn ngẩn nhớ Đông phong
Gió bấc lao xao động chạm lòng
Sột soạt mưa rơi... thềm tí tách
Ì ầm nước xối... giọt long tong
Nôn nao tiếc nắng bùi ngùi dạ
Nhộn nhạo thương hoa tủi mủi tròng
Mảnh khảnh thân em đà lóng cóng
Ngồi buồn muốn tiếu tưởng ai mong.

Trần Thị Ánh Nguyệt 

Tình Quê Chất Nặng

 <D.875~Quê Hương>


TÌNH QUÊ CHẤT NẶNG

Quê nghèo chất nặng nỗi lòng ôi
Cảnh cũ bình yên lặng mất rồi
Mệt mỏi dàn nuôi hồn chiến sĩ
Âm thầm chốt lại mảnh tàn ngôi
Lần dong tẽ hướng thay lề phận
Bến hẹn cài phương vẫy đỉnh đồi
Nhẫn nại tranh dành rơi rớt đổ
Xao dòng cám nghĩa bậm bờ môi.

Mai Thắng – 220928

-----------------

♠ Bài xướng của Thầy Mai Lộc

ÔI QUÊ XƯA !

Nđt

Rảo bước chân về lạc lõng ôi !
Đường xưa bến cũ ở đâu rồi ?
Chùa quê lặng lẽ mơ màng tối
Bảo tháp cao vời chễm chệ ngôi
Huyễn ảo sương mờ vây ánh nguyệt
Buồn vương khói nhạt bủa lưng đồi
Đìu hiu cảnh vật hồn xao xuyến
Lữ khách nao lòng phải bậm môi !

Mailoc 82422

----------------

★ Bài họa của Lâm Mỹ Thuận
(Họa vận) 

MẮT LỆ ÂM THẦM

nđt

Chuyện đã qua rồi cứ ỉ ôi
Dày trang nhục sử khắc ghi rồi
Thương đàn lính dũng ghìm ngăn giặc
Oán gã vua hèn chạy bỏ ngôi
Khẩn lệnh quy hàng bao máu vũng
Nhiều năm cải tạo lắm xương đồi
Đêm nằm nhớ lại hoài trăn trở
Mắt lệ âm thầm chảy đẫm môi !

Mỹ Thuận.27/09/2022.

Đời Có Gì Vui

<D.874~Thơ Vui> 



ĐỜI CÓ GÌ VUI

Chóng thấy đời này hỏi chẳng vui
Thương đau níu kéo ngậm bùi ngùi
Tương lai bất trắc nhìn tù hãm
Dĩ vãng lềnh bềnh ngó tối thui
Biết vớ cầu nao thôi gặp chuyện
Mong cho hợp tủ khỏi lèn vùi
Ông thiên lộn xộn quờ nhầm mối
Cởi mở gì nào tháo khoán mui.

Mai Thắng - 220923

------------------

★ Bài xướng của Song Quang

ĐỜI CÓ GÌ VUI ?

Cuộc đời chẳng thấy có gì vui !
Chỉ gặp đau thương với ngậm ngùi
Ngó trước tương lai màu xám ngoét
Nhìn sau dĩ vãng sắc đen thui
Nếu hay như vậy ….đừng mê thức
Lỡ biết thế ri…cứ ngủ vùi
Chắc số phận mình hiu hẩm quá
Đâu còn lẽ sống để mà vui !

Songquang
20220918 

Đêm Dài

<D.873><Tiết Khí> 



ĐÊM DÀI

Đêm vừa trở giấc lạnh vờn qua
Duỗi ánh đèn giăng điện tẻ nhoà
Gió miệt mài len đường lõi thẳng
Trăng hờ hững với mảng mù xa
Trầm tư cảnh lặng mùa duyên cớ
Tỉnh táo điềm rơi chuỗi ngọc ngà
Độc ẩm ngồi xem tuồng sắp vãn
Treo nguồn khát vọng sẽ chờ ta

Mai Thắng - 220923

-----------------

★ Bài xướng của Sông Thu (Phương Hà)

ĐÊM DÀI

Độc ẩm bên thềm ta với ta
Từng ly tự chuốc đến say ngà
Nhin trăng đăm đắm, trăng mờ khuất
Ngóng gió miệt mài, gió lảng xa
Im lặng rợn người, tâm khắc khoải
Cô đơn nẫu dạ, bóng hoen nhòa
Sương khuya lành lạnh len khe áo
Biết đến bao giờ đêm mới qua ?

Sông Thu
( 19/09/2022 ) 

20 tháng 9 2022

Cảm Thơ Đường

<D.872~Thơ Vui>



CẢM THƠ ĐƯỜNG

Phác thảo vài câu đã quạng quờ
Luôn thèm tiếp diễn đẹp bài thơ
Vần chơi khúc vũ êm đềm tưởng
Luật vẽ đường băng vững chắc chờ
Mở Truyện Kiều soi hùng khí dũng
Trông Hoàng Hạc đứng ngẩn lầu ngơ
Chừng kim cổ sự đồng khai ý
Vẫn muốn bừng tâm lại phải ngờ.

Mai Thắng - 
220919 

Đọc Lại Thơ Chơi

<D.871~Thơ Vui>



ĐỌC LẠI THƠ CHƠI

(Song thanh) 

Ngồi buồn nhẩm đọc lại thơ chơi
Thả lỏng băn khoăn ngẫm nghĩ đời
Chạnh bật phì cười thằng ngốc nghếch
Tần ngần khó hứa đứa man hơi
Dang tay lướt gió bồng diều lượn
Nhập hội căng gân gắng tiếng mời
Lắt léo đường thi ma gặp bụt
Đồng hành lủi thủi ráng chung bơi

Mai Thắng 
220909

12 tháng 9 2022

Ngắm Trăng Trung Thu

<D.869~Những Vần Thu Cảm>



NGẮM TRĂNG TRUNG THU

Giữa trọng thu dàn bủa khắp nơi
Tầng không tỏ rạng ánh trăng ngời
Như đàn ngọc thố giăng chày giã
Tựa những cô hằng trải thuốc phơi
Khéo nghĩ thiên hà treo cửa nguyệt
Đồng chan hạnh phúc tỏa ngôi trời
Soi lòng hạ giới triền miên khổ
Khẩn nguyện an lành phút dãn ngơi

Mai Thắng – 220909

-----------------

★ Bài họa của Peter Lý

TRUNG THU

Trung Thu Nguyệt tỏ khắp muôn nơi
Tháng Tám tròn trăng ánh sáng ngời
Bày nhỏ rước đèn nơi cuối xóm
Cụ già trà nước trước sân phơi
Chị Hằng thấp thỏm nhìn dương thế
Chú Cuội trông mong muốn bỏ trời
Chán ngán trần gian toàn "thánh nổ"
Bao giờ thấy lại những cơ ngơi

PL

----------------------------------- 

Nhắm Ngụm Cà Phê

<D.869><Thơ Ca Tuổi Lão>



NHẮM NGỤM CÀ PHÊ

Đêm về hãy hẹn đến cùng anh
Nhắm ngụm cà phê để dưỡng lành
Vị đắng dần loang nhàn rỗi cảnh
Hương nồng cậy nhỏ ít nhiều canh
Trầm ngâm dõi tiếng đàn xoa chạnh
Khắc khoải chờ phiên dỗ mộng đành
Sẽ bảo nhau rằng thôi vội tránh
Mai ngày nhẹ sưỡi nắng vàng hanh’

Mai Thắng – 220907

---------------------

★ Bài xướng của Hương Lan

CÀ PHÊ TÌNH YÊU

Mỗi buổi đêm tàn bé đợi anh
Cà phê ngọt đắng thả trong lành
Đôi ngày ấp cổ nhìn bao cảnh
Mấy bữa ôm đầu gợi đủ canh
Đợi ngõ sương mờ uyên uyển lánh...
Chờ sân gió thảm phượng loan đành...
Yên bình tổ ấm đời vui hạnh...
Tủi bận đông về giỡn nắng hanh

Hương Lan 

___________________________________________

11 tháng 9 2022

Dặn Lòng

<D.867><Thơ Ca Tự Do>


DẶN LÒNG

Rằng nuôi trụ giữ ấm trong lòng
Bởi chạnh thân gầy đã tróc bong
Dõi ảnh thuyền trôi bền dạt bóng
Nhìn con nước đổ vẹn xuôi dòng
Thu về khẽ ước khung hoài vọng
Bão nổi chung toàn dạ ngấm đong
Trọng đãi đời thư nhàn quấn lỏng
Đừng cho khóe lệ mải quanh tròng

Mai Thắng – 220907

★ Comment trước họa (Đáp trước họa sau)

Rằng anh vẫn giữ ấm trong lòng
Rằng dẫu thân gầy đã tróc bong
Rằng buổi thu về thêm vững ước
Rằng trời bão nổi gói buồn đong
Rằng luôn bảo trọng đời thư giãn

★ Bài xướng của Moni Tran


DẶN LÒNG …

Dẫu bụi thời gian phủ kín lòng
Ân tình một thuở cũng đà bong
Người đi kẻ giận phai hình bóng
Nước chảy bèo trôi lạc giữa dòng
Để những sầu thương hồn ứ đọng
Cho từng tủi hận , não phiền đong
Đừng vương vấn nữa mà tim bỏng
Lệ buốt ngày xưa ,khỏi đẫm tròng.

06.09.2022 - Moni Tran

★ Reply cho comment trước họa

Dặn Huynh giữ ấm khỏi se lòng
Dặn giữ ân tình chớ để bong
Dặn buổi đông về tâm khẽ ước
Dặn chiều bão đổi ý thầm đong
Dặn chăm sức khoẻ đời viên mãn
——
Em chúc Anh luôn an vui hạnh phúc nhiều sức khỏe ạ

02 tháng 9 2022

Thu Và Thơ

<F.048~Vần Thu Cảm><7t-4c-3v-4k>


Tranh Nguyễn Sơn
 
THU VÀ THƠ

Em ạ mùa thu đến với thơ
Như lòng nhân thế gửi niềm mơ
Vầng mây tụ tán đan chiều tím
Gió thổi lang thang chẳng bến bờ.

Có một mùa thu hát khúc buồn
Để rồi từ ấy khởi đau thương
Chiến tranh huỷ hoại đời trai trẻ
Sóng thảm trên từng dặm đại dương.

Rồi những mùa thu đến lại đi
Người thơ tê dại nói năng gì?
Lòng đau chết nửa đời hoang phế
Một nửa lệ buồn khóc biệt ly.

Mưa nhỏ giọt sầu tiễn bước thu
Ngày đông giăng mắc mảng sương mù
Đơn côi thấm lạnh hồn thi cảm
Ngắm bóng câu qua lướt vụt vù.

Mai Thắng 
(2014)

01 tháng 9 2022

Thái Liên Khúc 4 - Lý Bạch

<C.080~Dịch Hán Thi>


★ Nguyên bản

採蓮曲
若耶溪邊採蓮女,
笑隔荷花共人語。
日照新妝水底明,
風飄香袂空中舉。
岸上誰家遊冶郎,
三三五五映垂楊。
紫騮嘶入落花去,
見此踟躕空斷腸。
李白

★ Phiên âm

THÁI LIÊN KHÚC
Nhược Da khê biên thái liên nữ,
Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ.
Nhật chiếu tân trang thủy để minh,
Phong phiêu hương duệ không trung cử.
Ngạn thượng thùy gia du dã lang,
Tam tam ngũ ngũ ánh thùy dương.
Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ,
Kiến thử trì trù không đoạn trường !
Lý Bạch

  
★ Chú thích :

    - THÁI LIÊN KHÚC 採蓮曲 là Khúc hát hái sen, là tên của một khúc hát xưa do cha con của Lương Võ Đế (464-549) khởi xướng, người đời sau mô phỏng làm theo rất nhiều. Thi Tiên Lý Bạch làm bài nầy khi đang mạn du ở đất Cối Kê thuộc TP Tô Châu của tỉnh Giang Tô ngày nay. THÁI LIÊN KHÚC nầy là bài thơ Thất ngôn Cổ phong; bốn câu đầu gieo vần trắc và bốn câu sau gieo vần bằng.
    - Nhược Da Khê 若耶溪 : Khe suối Nhược Da từ Nhược Da Sơn chảy thành sông về hướng bắc đổ vào sông Vận Hà. Bên bờ sông có một bãi đá nổi tiếng là Hoán Sa Thạch 浣紗石, tương truyền đây là nơi ngày xưa người đẹp Tây Thi và các cô gái nước Việt giặt tơ giặt lụa.
    - Hà Hoa 荷花 : tức Hoa sen; còn gọi là Liên Hoa 蓮花, Thủy Phù Dung 水芙蓉, và được xưng tụng với chức danh là Phù Cừ Vương Phi 芙蕖王妃.
    - Hương Duệ 香袂 : DUỆ 袂 có bộ Y 衣 là Áo ở bên trái, nên DUỆ có nghĩa là Tay áo; HƯƠNG DUỆ là tay áo thơm, chỉ tay áo của các người đẹp.(Ai bảo các cụ ngày xưa không biết "ga-lăng" đâu ? Này nhé, khuê phòng của người đẹp thì gọi là HƯƠNG KHUÊ 香閨; Xe của người đẹp đi thì gọi là HƯƠNG XA 香車; đến "mồ hôi" của người đẹp cũng được gọi là HƯƠNG HẠN 香汗 là Mồ Hôi thơm đó !)
    - Cử 舉 : CỬ có bộ Thủ 扌ở bên dưới, nên CỬ 舉 có nghĩa là "Đưa tay lên"; nghĩa phát sinh là ĐƯA LÊN cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như CỬ THỦ là đưa tay lên; ĐỀ CỬ là giới thiệu hay đưa người nào đó lên cho chọn lựa... Trong bài thơ là : Các cô gái hái sen vui đùa đưa tay áo thơm tho lên trong gió.
    - Du Dã Lang 遊冶郎 : Các chàng thanh niên phong lưu rong chơi lãng tử.
    - Tử Lưu 紫騮 : Tên một giống ngựa mạnh, qúy, có bộ lông màu đỏ.
    - Trì Trù 踟躕 : là Dùng dằng, chần chừ, do dự, ngẩn ngơ.
    - Đoạn Trường 斷腸 : là Đứt ruột, chỉ Đau lòng, đau thương xúc động đến cùng cực. KHÔNG ĐOẠN TRƯỜNG 空斷腸 là Đau lòng khơi khơi, là nỗi buồn vu vơ vì chuyện gì đó không thể giải quyết được.

 Nghĩa bài thơ :

        Khúc hát hái sen
        Các cô gái hái sen bên bờ sông Nhược Da đang cười nói rộn ràng lẫn khuất trong đám hoa sen; Ánh nắng chiếu vào các khuôn mặt mới trang điểm của các cô phản chiếu xuống làm cho đáy nước cũng sáng rực lên; Gió thổi các tay áo phất phơ khi các cô đưa tay lên làm cho hương thơm thoang thoảng đâu đây, khiến cho các chàng trai phong lưu lãng tử con nhà ai đó đang tụm năm tụm ba dạo chơi bên bến sông cũng phải ngẩn ngơ dưới hàng liễu rũ, rồi thúc ngựa tử lưu hí vang mà đạp bừa lên hoa rụng. Thấy cảnh nên thơ gợi tình nầy của đám nam nữ trước mắt, ta không khỏi bồi hồi ngơ ngẩn và dậy nên một nỗi buồn vu vơ vô cớ !

        Cảm xúc trước cảnh thanh xuân hồn nhiên, thi vị mà gợi tình của các nam nữ thanh niên trước mắt, làm cho Thi Tiên bồi hồi xúc động nuối tiếc cho tuổi xuân của mình đã đi qua mà đau lòng xót dạ (có thể vì công chưa thành danh chưa toại chăng ?!)

 Diễn Nôm :

THÁI LIÊN KHÚC

Hái sen sông Nhược các cô nàng,
Lẩn khuất trong hoa cười nói vang.
Nắng chiếu bóng hình soi đáy nước,
Phất phơ tay áo thoảng hương sang.
Bên bờ nhà ai thoáng mấy chàng,
Tụm năm ba dưới liễu mơ màng.
Tiếng ngựa hí vang đạp hoa rụng,
Ngẩn ngơ ta ngắm chợt bàng hoàng !

- Lục bát :
Hái sen các ả Nhược Da,
Râm rang tiếng nói trong hoa giọng cười.
Bóng in đáy nước rạng ngời,
Phất tay theo gió hương bay ngạt ngào.
Các chàng lãng tử lao xao,
Ngẩn ngơ hàng liễu lào xào năm ba.
Thúc ngựa hí đạp bừa hoa,
Tình nầy cảnh ấy khiến ta bồi hồi !

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm 



★ Dịch thơ của Mai Thắng

KHÚC HÁT HÁI SEN 4

- Thất ngôn
Khe Nhược Da bên có các nàng
Sau vùng sen nở tiếng cười vang
Nắng soi đáy nước tư trang gợn
Tay áo đưa lùa gió thoảng hương

+
Bờ thoáng nhà ai dạo các chàng
Năm ba túm tụm dưới hàng dương
Ngựa chen hí dậm hoa nhàu lướt
Thấy cảnh bâng quơ chạnh ngỡ ngàng

- Lục bát
Các nàng bên Nhược Da khe
Sau vùng hoa nở cười toe toét cười
Tư trang đáy nước toả ngời
Hương lồng tay áo gió mời bay bay
+
Các chàng lãng tử nhà ai
Tụm năm ba dưới nắng dài hàng dương
Ngựa chen hoa rụng hí bường
Chạnh nhìn cảm thấy hoài vương ngỡ ngàng

Mai Thắng

Lễ Phật Cầu Duyên

<D.868~LH Ngày Xuân>


LỄ PHẬT CẦU DUYÊN

Lễ Phật em cầu ước thỏa duyên
Hằng soi tín phục khẩn linh nguyền
Dâng lòng đức độ bền lay chuyển
Tưởng mối ân tình vững lạc quyên
Khấp khởi chờ tin dàn dẫn chuyện
Thành tâm đợi phút đổ neo thuyền
Trông tầm huệ nhãn say mầu luyến
Dạ nhủ vin đường giữ thế nguyên

Mai Thắng

★ Bài xướng của Hương Lan

CẦU DUYÊN

Lên chùa lễ Phật để cầu duyên
Ước thệ ngày nao vẫn ủ nguyền
Bởi lẽ vườn xưa mờ bóng uyển
Nên là cổng cũ nhạt hình quyên
Chờ trăng lại đón xua bày chuyện
Dõi biển về khơi vọng tráo thuyền
Mộng sẽ cùng anh tìm nẻo luyến
Ân tình thuở ấy mãi còn nguyên

Hương Lan

Sen Hồng Vượt Sóng

<D.867><Tình Quê>



SEN HỒNG VƯỢT SÓNG

(thể tung hoành trục khoán, đối giao cổ)

MIỀN quê nước nổi đượm phù sa
RUỘNG bủa phèn tươm vị chát là
CẢ khoảng ĐỒNG phơi tầm nắng lửa
NUÔI tình THÁP hiệu những màu hoa
NGƯỜI chăm chỉ luyện chờ thư thả
KHÁT đợi bình yên chuỗi mặn mà
VỌNG trỗi buồng tim dành tổ quốc
ĐẤT SEN HỒNG VƯỢT SÓNG VƯƠN XA

Mai Thắng