29 tháng 1 2019

Gương Vỡ Lại Lành

<C.015~Điển tích văn học> 
Đề tài: GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH có gốc từ Thành ngữ Điển tích PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 mà ra. Nói Nôm na theo dân Nam Kỳ Lục tỉnh là "Kiếng Bể Lại Tròn". Thường dùng để chỉ vợ chồng hoặc đôi lứa yêu nhau, vì hoàn cảnh mà phải phân ly cách trở, xa nhau một thời gian, rồi do một cơ duyên nào đó lại được sum họp đoàn viên trở lại. Như Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc vì phải bán mình chuộc cha, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần", cuối cùng cũng được đoàn viên sum họp với gia đình và Kim Trọng, nên trong buổi tiệc đoàn viên, khi đã "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân mới đứng lên nói rằng :
        Những là rày ước mai ao,
        Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
        Bây giờ GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH
        Khuôn duyên lừa lọc đã dành có nơi ...

        Điển tích Gương Vỡ Lại Lành theo tích sau đây :
        Em gái của Trần Hậu Chúa 陳後主 Nam Triều là Lạc Xương Công Chúa 樂昌公主 có chồng là Thái tử Xá nhân Từ Đức Ngôn 徐德言. Vợ chồng rất mực thương yêu nhau.

 
       Khi Tùy Văn Đế cử binh đánh nước Trần, thì Trần Hậu Chủ chỉ lo ở trong cung ăn chơi, làm thơ đề từ. Nên quân Trần thua chạy khắp nơi. Từ Đức Ngôn thấy đại cuộc sắp tiêu vong, nên vô cùng lo lắng.

        Biết rằng nước Trần sẽ mất trong nay mai, không còn cách gì cứu vãn được nữa. Từ bèn nói với Công chúa rằng : "Với tài hoa và sắc đẹp của nàng, khi nước đã mất rồi, chắc chắn sẽ lọt vào tay những bậc quyền qúy sau nầy. Nếu duyên phận chúng ta chưa dứt, ta rất mong gặp lại nàng sau nầy, nhưng chúng ta cũng phải có một tín vật gì đó để mà nhận nhau chứ !". Nói đoạn, Từ Đức Ngôn vói tay lấy chiếc gương đồng trên bàn trang điểm của công chúa, đập bể làm đôi. Đưa cho công chúa một nửa, còn mình thì giữ một nửa còn lại.

        Hai người cùng ước hẹn nhau rằng, sau nầy nếu có muốn gặp nhau thì vào ngày Tiết Nguyên Tiêu, rằm tháng giêng hàng năm, cứ đem nửa mảnh gương nầy mà rao bán giữa chợ Trường An.


    
    Qủa nhiên, nước Trần mất vào tay nước Tùy. Lạc Xương Công chúa lọt vào tay của hoàng thân nước Tùy là Dương Tố. Tố rất sủng ái công chúa, nhưng nàng thì luôn luôn buồn bã vì nhớ đến chồng.

        Những năm sau đó, tuy cuộc chiến đã yên, nhưng Từ Đức Ngôn luôn nhớ đến công chúa qua nửa mảnh gương, nên thường ra dạo chợ Trường an.

        Tiết Nguyên Tiêu năm đó, Từ cũng mang nửa mảnh gương ra chợ, tình cờ gặp được một gia nhân cũng đang rao bán nửa mảnh gương. Ráp lại thì vừa vặn với nửa mảnh gương của mình.


        Từ bèn khẩn khoản mời gia nhân về nhà trọ hỏi thăm về tin tức của công chúa. Sau khi biết công cúa luôn thương nhớ đến mình. Từ rất xúc động viết một bài thơ ngũ ngôn gởi cho công chúa như sau:
        鏡與人俱去, 
        鏡歸人不歸; 
        無復嫦娥影, 
        空留明月輝 ! 
âm Hán Việt:
        Kính dữ nhân câu khứ 
        Kính quy nhân bất quy
        Vô phục Thường Nga ảnh
        Không lưu minh nguyệt huy!        
có nghĩa : 
        Gương đi người cũng đi theo,
        Gương về người chẳng về theo lại nhà.
        Đâu còn thấy được bóng Nga,
        Bơ vơ như ánh trăng tà trống không !

        Công chúa đọc thơ của Từ Đức Ngôn mà lòng đau như cắt. Suốt mấy ngày liền không ăn uống gì cả. Dương Tố biết chuyện, cảm thông cho tình vợ chồng sắt son gắn bó, mới cho người đi mời Từ Đức Ngôn vào dinh, làm tiệc khoản đãi và mời cả công chúa đến dự.


        Khi công chúa đến nơi, thấy trong bàn tiệc có cả chồng cũ lẫn chồng mới, nàng vô cùng ngỡ ngàng, nửa mừng nửa lo, xúc động mà ngâm rằng:
        今日何遷次, 
        新官對舊官; 
        笑啼俱不敢, 
        方驗作人難 !         
âm Hán Việt: 
        Kim nhật hà thuyên thứ 
        Tân quan đối cựu quan
        Tiếu đề câu bất cảm
        Phương nghiệm tác nhân nan!
 có nghĩa : 
        Hôm nay khéo đổi vời,
        Chồng cũ cùng chồng mới.
        Cười khóc cũng lỡ làng,
        Khó làm người cho nổi !
dịch lục bát:
        Hôm nay sao khéo đổi vời,
        Chồng cũ chồng mới cùng ngồi chung nhau.
        Khóc, cười thiếp biết phải sao ?
        Làm người khó lắm phải nào dễ đâu !


        Từ Đức Ngôn nghe xong cảm động mà rơi nước mắt; còn Dương Tố nghe xong thì cảm động mà cưới lớn rằng: "Thôi được rồi, ta sẽ trả nàng về để cho vợ chồng đoàn viên sum họp". Sau tiệc, Dương Tố chẳng những trả Lạc Xương Công Chúa về cho Từ Đức Ngôn mà còn ban thưởng rất nhiều vàng bạc cho vợ chồng về lại Giang Nam để sống yên vui hạnh phúc tới già .

        Câu chuyện PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 từ đó được lan truyền khắp thiên hạ, qua đến Việt Nam ta thì thành GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH. Mong rằng tất cả những GƯƠNG VỠ trong thiên hạ đều LẠI LÀNH sau những sầu thương lận đận của cuộc đời !

Đỗ Chiêu Đức

Chúc Mừng Năm Mới

<D.438~Thơ Xuân> 



CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Nguyện sẽ chung cùng kết mảng thơ
Từ tâm thức dậy gửi mong chờ
Nương luồng gió chuyển thời u muội
Mục cảnh dương bày chuỗi xót nhơ
Lý tưởng chìm tan vùng rệu rã
Tình quê thấu cảm nỗi bơ phờ
Ngày xuân thưởng Tết hoà thiên lộc
Hĩ chúc muôn người đỏ vợi mơ

Mai Thắng - 190129

★ Bài mời hoạ của Võ Sĩ Quý

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2019

Năm mới dài thêm những ước mơ
Hòa Bình Hạnh Phúc khắp nơi chờ
Thương yêu trao gửi không toan tính
Thành thật hòa chia chẳng phĩnh phờ
Đất nước thêm nhiều nhiều bạn tốt
Quê hương bớt lắm lắm quan nhơ
Gia Đình Con Cháu vui đầm ấm
Các Bạn cùng Tôi dệt ý thơ

Nha Trang, 01.01.2019
Võ Sĩ Quý

Hồi Ức Xuân Xưa

<D.437~Thơ Xuân> 



HỒI ỨC XUÂN XƯA

Vẫn thoảng từ xa một góc trời
Đêm dài cảnh vật lắng chìm rơi
Dăm chùm đạn nổ trơ vòm mắt
Mấy tảng mù giăng lạnh quãng đời
Nhạc phổ xuân về nơi bãi chiến
Tay hờ súng thủ trận tiền khơi
Như tràng pháo vọng bên lò lửa
Ảnh mẹ buồn trông dáng rã rời.

Mai Thắng – 190128

----------------------------
★ Bài xướng của Đại sư huynh Văn Thanh

MƯỜI LĂM NGÀY PHÉP
-/-
Đêm khuya vọng gác giữa lưng đồi
A Lưới, A Shau, tuyết phủ rơi
Hoả pháo đêm đêm soi đỉnh núi
Đường băng sáng sáng ngập chim trời*
Sân bay Tây Lộc** vương chiều nắng
Đường phố Đặng Nghi** đợi bạn đời
Hạnh phúc tràn đầy khi hạ cánh
Mười lăm ngày phép, đó em ơi..!

Thanh Trương (1963)

* trực thăng trên sân bay A lưới
** Thành Nội Huế


-----------------------------
★ Bài hoạ của Peter Lý

MÙA XUÂN BUỒN

Tượng buồn chết lặng cả bầu trời
Ôm súng hững hờ mặc đạn rơi
Hàng mộ trong kia xong nhiệm vụ
Đoàn xe ngoài lộ chửa qua đời
Hỏa châu có lúc bừng lên sáng
Tiếng pháo đôi lần hoảng nổ khơi
Nón sắt ba lô chưa bỏ cuộc
Tháng Tư khốn khổ bắt tay rời

Peter Lý

-------------------------------------
★ Bài cảm tác của Hương Chiều

Anh về tiếng vọng đạn còn rơi
Nặng gió bụi sương em nhớ người
Mẹ vẫn chờ anh im tiếng súng
Ngắm hướng con trông dạ nào lơi
Xa nhà ngõ rậm bom đạn xới
Trầm lặng trông con tựa khách mời
Ba lô nặng lệch mùi chiến trận
Gìn giữ đất này mãi chẳng ngơi

Hương Chiều 

---------------------------------
★ Bài hoạ của Dung Nguyên

HỒI ỨC!

Phù vân một áng nẻo tây trời
Ngắm cảnh non ngàn lệ đắng rơi
Kiếm đọt hoa vàng đan mộng ái
Tìm dăm quả ngọt hái dâng đời
Bình yên cuộc chiến niềm yêu gợi
Tĩnh lặng miên trường nỗi nhớ khơi
Kỉ nệm quân hành luôn khắc khoải
Hằn trong kí ức chẳng khi rời!

30/1/2019
DUNG NGUYÊN

★ Bài hoạ của Thạch Hãn

KHÔNG GÌ TỒN TẠI MÃI 

(Nđt-ltvt-ntvv)*

Người ta chẳng muốn ở chung trời
Bỏ mặc đêm dài những thoáng rơi
Huyễn ảo người đi tìm cuộc sống
Huyền mơ kẻ lại kiếm manh đời
Trăng vàng mấy độ tàn trên bãi
Suối lạnh bao mùa rã biển khơi
Mọi thứ không là duyên vĩnh cửu
Thời gian cũng vậy đến đi rời ./.

LCT 31/01/2019

Ước mộng sang giàu

<D.436><Cảm Xúc>

Lẽ đời hai chữ trọng khinh
Răn mình thiện ác phân minh với đời



ƯỚC MỘNG SANG GIÀU

Đời ai cũng mộng ước sang giàu
Chẳng nghĩa đua đòi, trọng trước sau
Có: gửi tâm bày câu hữu dụng
Nghèo: e nói trổng vị không màu
Cày toang mã vạch hằn gian khổ
Gắng mở con đường vượt nỗi đau
Ngưỡng vọng gia đình vui sống đủ
Rồi ra nghĩ đến chuyện chung tàu.

Mai Thắng – 190127

★ Bài xướng của Thầy Sắc Tứ Minh Thiện

Thói đời giàu trọng nghèo khinh
Gẫm câu thế thái nhân tình mà đau !


ĐỪNG CHẢNH !

Chớ có khoe khoang ,chớ ỷ giàu
Tuồng đời mấy kẻ nghĩ ngày sau
Lên voi mãi tưởng nồng hương vị
Xuống chó càng lo bạc sắc màu
Cảnh thắm thay lòng gom hỷ lạc
Duyên tàn cúi mặt ngậm sầu đau
Đừng nên lắm của khinh thiên hạ
Sạt nghiệp thân như ngựa bỏ tàu!

Sắc Tứ Minh Thiện

27 tháng 1 2019

Chuyện Venezuela

<D.435><Thời Sự Quốc Tế>


Ảnh thời sự Venezuela đăng trên facebook

CHUYỆN VENEZUELA

Thế sự luận bàn chẳng dễ chơi
Hạt nhân đã ủ khắp cùng trời
Đang giàu đẹp nhất vùng Nam Mỹ
Bỗng lạc tồi tàn mọi chốn nơi
Ý niệm sai lầm còn bám víu
Độc tài gian trá lại đua mời
Lòng tham nhũng bạo chưa từ bỏ
Sẽ bị thanh trừng tội lỗi ơi!

Mai Thắng
190126

★ Bài xướng của Lâm Mỹ Thuận

VENEZUELA THỜI SỰ

Vê nê thời sự luận bàn chơi
Một phút vùng lên chuyển đất trời
Muôn miệng tự do gào lảnh tiếng
Triệu chân dân chủ tiến cùng nơi
Độc tài phát rét Diêm Vương gọi
Tham bạo run eng Chúa Ngục mời
Bài học nhân tâm mù chẳng biết
Hô hào cách mạng chết người ơi !

Thuận.26/01/2019.

Đếm bước thời gian

<D.434><Thời Tiết-Khí Hậu>



ĐẾM BƯỚC THỜI GIAN

Khi vầng ác lặn thoảng ngoài song
Gió nhẹ nhàng lan toả giữa dòng
Thả bước lần khân hoài lỡ hẹn
Chum đầu sửa soạn mãi chờ xong
Tuồng dâu bể diễn trò gian trá
Khúc khải hoàn ca ngã lộn còng
Phủi lớp phong trần rêu bụi giẫm
Buông tờ lịch gỡ mảnh đời rong.

Mai Thắng – 190125

★ Bài xướng của Nguyễn Gia Khanh

ĐẾM BƯỚC THỜI GIAN

Ngỡ bóng câu chiều chợt thoảng song
Thời gian vội vã cuốn theo dòng
Thang đời mấy bậc leo đà mỏi
Món nợ bao ngày giũ chửa xong
Tuổi mới chồng trên tờ lịch cũ
Niềm xưa chất giữa mảnh lưng còng
Ta ngồi phủi mộng vương đầu trắng
Chạnh bước phong trần lỡ ruổi rong.

Nguyễn Gia Khanh

Họp Mặt Tất Niên 2018

<L.244~Tình Bạn Hữu> 

Toàn bộ ảnh minh hoạ đám cưới con gái Ngọc Anh (Sài Gòn - 2013)

HỌP MẶT TẤT NIÊN 2018

Ta còn mấy móng cùng vui
Tàn niên gặp mặt chia ngùi nổi đau
Thời gian là phép nhiệm mầu
Chúng ta tìm lối trao nhau nụ cười
Xuân về hoa lá xinh tươi
Lòng ta rộng mở một trời ủi an
Quê hương xa ngái dặm ngàn
Những hồn nhiên cũ chảy tràn về đây
Ngại ngùng sắc tóc màu mây
Ngập ngừng bóp trán chau mày gọi tên
Hỏi ngày rủ áo sinh viên
Hỏi đường rèn chí lập nên phận người
Hỏi mùa chớp đỗ ngang trời
Hỏi vòng tan tác giữa thời rác rơm
Bão giông vùi dập oán hờn
Ly tan tản lạc ngàn phương nhớ về
Người từ đất mới xa quê
Người từ cách trở sơn khê dặm ngàn
Đường dài há ngại gian nan
Ngậm ngùi nhớ Mẹ* cưu mang không còn
Phút này tưởng niệm lòng con
Đệ huynh khắc tạc lòng son giữa trời
Bóng chiều đạm bạc áo tơi
Đường chiều áp mảnh tình khơi ấm tình
Phận người cuộc sống nổi nênh
Duyên người khéo buộc phù sinh bảo toàn
Trăm lần thương, vạn lần thương
Một lần gặp gỡ ánh dương cảm hoà. 

Nguyễn Đắc Thắng - 190127
K4/72 – ĐĐ11


 


 







26 tháng 1 2019

Giãi bày hơn thiệt

<D.433><Tuổi Lão>



GIÃI BÀY HƠN THIỆT

Cố giãi bày hơn bội hiểu nhầm
Dông dài kể khéo lạc vườn thâm
Tâm nhiều nói rõ càng thêm lộn
Ngữ ít làm thinh bị quở ngầm
Muốn diễn ngôn từ yêu thật cảm
Đem trình ý nghĩ ngộ thành hâm
Lòng luôn niệm tưởng hồi sau tốt
Hạnh phúc trời xa mãi khẩn thầm!

Mai Thắng – 190125

★ Bài hoạ của Dung Nguyên

THẦM MƠ

Nhiều khi nói giỡn lại hay nhầm
Ngỡ chỉ câu đùa hóa thật thâm
Chợt thấy dòng tin mày nhíu vội
Vừa hay đoạn nhắn lệ rơi ngầm
Làng phây bạn kết cho lòng
Mạng số duyên chờ hóa kẻ hâm
Khoảng cách xa vời mơ bữa gặp
Này môi mắt thỏa những thương thầm!

25/01/19
DUNG NGUYÊN

24 tháng 1 2019

Tiễn Hàn sĩ Thanh Sang

<D.432~Tiễn Đưa>

Nhà thơ HÀN SĨ THANH SANG,
hội viên sáng lập CLB Mây Hồng Cao Lãnh,
vừa ra đi vĩnh viễn sáng ngày 23/01/2019 tại quê nhà
thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp




THƠ TIỄN NGƯỜI THƠ

Lại có nhà THƠ buộc phải rời
Mây Hồng thoảng nhạt áng THƠ rơi
Đời THƠ lịch trải qua nhiều buổi
Nước mắt THƠ sương nhỏ ít lời
Ấm lạnh trần gian THƠ hữu ái
Vui buồn Đất Tháp tiếng THƠ ngơi
Đi thanh thản… nhớ ngày THƠ hội
Một đóa SEN THƠ tiễn biệt người!

Mai Thắng - 190123

23 tháng 1 2019

Liễu Chương Đài

<C.014~Điển tích văn học> 
Đề tài: LIỄU CHƯƠNG ĐÀI
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        Chương Đài 章台 là tên của một con đường có lâu đài được xây dựng từ thời Chiến Quốc, nằm ở Cố Thành của Trường An thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, nên mượn Chương Đài để ám chỉ Trường An. Còn LIỄU 柳 là Liễu Thị 柳氏, một danh kỷ nổi tiếng của Trường An, nên LIỄU CHƯƠNG ĐÀI hay CHƯƠNG ĐÀI LIỄU 章台柳 đều là lời ám chỉ danh kỷ Liễu Thị nổi tiếng ở đất Trường An như sự tích sau đây:

        Theo Thái Bình Quảng Ký, quyễn 485 : Hàn Hoành 韓翊 thi nhân đời Đường, tự là Quân Bình, người đất Nam Dương, đậu Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 13 ( 754 ). Làm quan đến chức Trung Thư Xá Nhân, là một trong " Đại Lịch Thập Tài Tử ". Tương truyền ...


    
    Hàn Hoành 韓翊 từ nhỏ đã nổi tiếng giỏi văn thơ, nhưng tính tình trầm lặng ít giao du. Tuy vậy chàng cũng chơi thân với một danh sĩ lại rất giàu sang là Lý Sinh. Lý rất yêu tài thơ văn và xem trọng Hàn Hoành, mới tặng cho chàng ca nhi Liễu Thị, tài sắc vẹn toàn để làm vợ.


    
    Vợ chồng Hàn Hoành rất thương yêu nhau, hay cùng nhau ngâm thơ xướng họa. Tình chồng vợ ân ái khắng khít mặn nồng.
        Chẳng bao lâu sau, An Lộc Sơn làm loạn đánh chiếm Trường An và Lạc Dương. Vua quan triều đình phải chạy vào đất Ba Thục. Hàn Hoành lúc đó là thư lại của Tiết Độ Sứ Lỗi Châu, nên không tiện mang theo Hàn Thị. Vợ chồng chia cắt đôi nơi.


    
    Trong thời buổi loạn ly, lại là người có chút nhan sắc, nên Hàn Thị thí phát quy y, gởi thân vào Pháp Linh Tự để giữ tròn danh tiết. Khi loạn An Lộc Sơn đã yên rồi, thì Hàn Hoành cũng nhờ người về Trường An dò la tin tức.
        Khi đã biết được tin tức của Liễu Thị rồi bèn nhờ người mang đến cho nàng bài thơ sau đây để bày tỏ nổi lòng :
        章台柳,章台柳, 
        昔日青青今在否?     
        縱使長條似舊垂, 
        也應攀折他人手。
âm Hán Việt: 
        Chương đài liễu, Chương đài liễu,
        Tích nhật thanh thanh kim tại phủ ?
        Túng sử trường điều tự cựu thùy,
        Dã ưng phan chiết tha nhân thủ !
có nghĩa : 
        Liễu chương đài, Liễu chương đài,
        Còn xanh như trước hay đã phai ?
        Cành lá vươn dài như xưa cũ,
        Hay là đã bẻ vào tay ai ?!


        Liễu Thị đọc thơ mà khóc ròng, vừa mừng vừa tủi, bèn làm một bài thơ hồi âm cho chồng như sau :
        楊柳枝,芳菲節,      
        所恨年年贈離別。      
        一葉隨風忽報秋,      
        縱使君來豈堪折?         
âm Hán Việt: 
        Dương liễu chi, phương phi tiết,
        Sở hận niên niên tặng ly biệt.
        Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
        Túng sử quân lai khởi kham chiết ?
có nghĩa :
        Nhành dương liễu, tiết thơm bay,
        Chỉ hận năm năm tặng chia tay.
        Gió cuốn lá rơi thu đà tới,
        Chàng chưa về đến bẻ cho ai ?!

        Hàn Hoành đọc thơ cũng vừa mừng vừa cảm động, nghĩ rằng vợ chồng sẽ đoàn tụ trong nay mai. Nào ngờ có Phiên tướng là Sa Tra Lợi vì giúp bình loạn An Lộc Sơn có công nên cậy thế làm càng, khi nghe Liễu Thị là giai nhân danh kỹ mới đến chùa cướp nàng về làm ái thiếp. Khi về đến Trường An Hàn Hoành mới té ngửa ra.


        Lúc bấy giờ có Ngu Hầu là Hứa Tuấn, vốn xuất thân là một hiệp sĩ giang hồ, thấy chuyện bất bình bèn bảo Hàn Hoành viết cho mình một lá thơ để làm tin, rồi lên ngựa phóng thẳng đến phủ Sa tướng quân mà hô hoán lên rằng: "Tướng quân đang bất ngờ nhuốm bịnh ở bên ngoài, nhờ ta đến đón Liễu Thị đến săn sóc cho ngài!" Quân sĩ gát cửa thấy cũng là một võ quan nên tin là thật.

        Sau khi đưa thơ của Hàn Hoành cho Liễu Thị xem xong, Hứa Tuấn bèn bóc nàng lên ngựa chạy về giao trả cho Hàn Hoành để vợ chồng được đoàn viên. Cả hai đều rất vui mừng cảm động mà bái tạ Ngu Hầu hiệp sĩ. Sau đó, cả vợ chồng Hàn Hoành và Hứa Tuấn đều rời khỏi trường an, vì sợ Sa tướng quân truy cứu mà trả thù.

        Vì văn tài của Tiến sĩ Hàn Hoành rất lớn, nên mấy năm sau nhà vua ban sắc chỉ phong làm Tri Chế Cáo, chuyên lo soạn thảo các sắc lệnh và chiếu chỉ cho nhà vua. Vợ chồng lại một lần nữa hân hoan về lại đất Trường an để an hưởng vinh hoa phú qúy.


        Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, tả lúc Thúy Kiều đang ở lầu xanh, sau khi đã " Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngã bóng dâu tà tà " thì Thúy Kiều lại :
        Nhớ lời hẹn ước ba sinh,
        Xa xôi ai có biết tình chăng ai ?
        Khi về hỏi LIỄU CHƯƠNG ĐÀI,
        Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay !

        Không có Ngu Hầu Hứa Tuấn nào phi ngựa chạy đến để cứu nàng ra khỏi lầu xanh để trả về cho Kim Trọng cả. Chỉ có gả Sở Khanh càng nhấn cho nàng lún xuống bùn nhơ mà thôi ! Tội nghiệp !
Đỗ Chiêu Đức 



* Bài dịch lục bát của Mai Thắng

        LIỄU CHƯƠNG ĐÀI

        Chương Đài ! … ơi Liễu Chương Đài!
        Xưa thời xanh tốt mà nay có còn
        Tay dài cánh rũ thong dong
        Hay cành đã bẻ vào trong tay người


        Mai Thắng – 190312

21 tháng 1 2019

Canh Mẵn

<D.431><Tình Đất Mẹ>

Chúc mừng ngày họp mặt Cựu Giáo Sư - Học Sinh trường Trung Học Kiến Phong tại Nam Cali ngày 
21/01/2015. 



CANH MẴN

Gửi món canh quê vượt biển trời
Thầy cô anh chị thảy cùng xơi
Men chua trợ giúp đường men ruột
Vị mẵn tăng thêm thú vị đời
Thịt cá da trơn bày khoái mắt
Rau cần súp nóng tỏa nồng hơi
Kiến Phong sông nước tình thân thiện
Chúc gót tha hương mạnh khỏe người!

Nguyễn Đắc Thắng
20150118



★ Bài họa của Nắng Hỏa Tinh (Thạch Hãn)

HỎI ANH ?

Món canh quê gởi tận bên trời
Hỏi biết có còn để được xơi
Cá mắm đồng chua mơ mấy thuở
Tôm cua nước măn ước bao đời
Vợ vừa nấu chín đem lên dọn
Chồng lại dở nồi phải bốc hơi
Vượt nửa vòng quay quanh trái đất
Ngon không ? Khi đến tận quê người ...

Nắng Hỏa Tinh
21/1/2015

Bệnh Viện Chờ Xuân

<D.430~Thơ Vui> 



BỆNH VIỆN CHỜ XUÂN

Bác sĩ ngày vui bị phản sườn
Vào thăm viện cũ cổng hoài thương
Nằm không tịnh dưỡng nhà lo cửa
Nghỉ chẳng ngơi yên liếp ngại vườn
Chạp đến cây cần chăm tỉa lá
Giêng kề kiểng đợi hứng hoà sương
Dồn toa thuốc thúc nhanh bình phục
Để buổi xuân sang được đổi giường.

Mai Thắng – 190121

★ Bài xướng của Bs Nguyễn Văn Tráng

Bệnh bất ngờ

Đám cưới đùa vui gãy xương sườn
Ho, thở, nằm đau thật thảm thương
Đi vào, đi ra ôi bức rức
Tám tuần chắc không thể làm vườn
Vườn cây hốc nắng trông người tưới
Ao thời kém nước, ít mù sương
Tăng cường uống thuốc cho mau khỏi
Để nhanh bình phục sớm chăm vườn.
Hu hu hu!!!

NVT

* Bác sĩ Nguyễn Văn Tráng công tác tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp đang tập sự sáng tác thơ Đường. Bài xướng chỉ nhằm làm bối cảnh xuất xứ của bài hoạ

Tỏa Rạng Xuân Về

<D.429~Thơ Xuân>



TOẢ RẠNG XUÂN VỀ

Tình năm tháng lụn chửa phai mờ
Giữa buổi đông tàn cội lá trơ
Cuối nẻo hoàng hôn sầu trĩu nặng
Bờ ao nhánh liễu rủ buông lờ
Ào cơn gió thoảng hoa buồn rụng
Đẫm giọt mưa phùn dáng thả mơ
Vợi bóng Hường Xưa đầy huyễn ảo
Mùa xuân toả rạng mấy ai ngờ.

Mai Thắng – 190119

★ Bài xướng của Hường Xưa

MỘNG ƯỚC BÌNH YÊN

Để những niềm yêu khó nhạt mờ
Ta mình nghĩa sáng chẳng buồn trơ
Ngoài hiên nhánh phượng chào ngơ ngẩn
Giữa cửa chùm mai thoáng lập lờ
Mộng khẽ khàng đưa quỳnh ngái ngủ
Sương nhè nhẹ trải bướm hờ mơ
Vầng trăng nửa hé trời quang đãng
Vẽ Cảnh bình yên đẹp bất ngờ.

Hường Xưa

★ Bài họa của Đăng Minh

HƯỜNG XƯA

Nàng chưng hửng giữa bóng trăng mờ
Cảnh vẽ đông tàn lá trụi trơ
Nhạc dế êm đềm lay ngõ ẩn
Đàn thông nhã nhặn rót mi lờ
Rung ngàn nốt bổng ngời đêm gọi
Rẽ vạn cung trầm thắm nẻo mơ
Nguyệt khẽ khàng soi vàng bến lở
Hường Xưa lộng lẫy dáng không ngờ .

Đặng Minh

19 tháng 1 2019

Đẹp Dáng Nhà Thơ

<D.428~Thơ Vui>



ĐẸP DÁNG NHÀ THƠ

Trông già rạng rỡ chính nhà thơ
Chảnh choẹ luôn vờ cõng túi thơ
Mũi nhạo câu hờ thơm món phở
Mi chầu dáng thở đẹp trời thơ
Còn đương lỡ dở treo màu nhớ
Vẫn chạnh bơ phờ tiếc tuổi thơ
Não trạng ầu ơ ngầm nhắc nhở
Tim gìn mạch hở phác vần thơ.

Mai Thắng – 190116

★ Bài hoạ của sư huynh Phương Lê

1. MÒN MỎI

LÂU NAY mệt mỏi với nàng THƠ
ĐỎNG ĐẢNH, điêu ngoa, chẳng chút THƠ
ĐỘI NẮNG, giong mưa tuyền nón PHỞ
GHẸO NGƯỜI, lụi thú chỉ bài THƠ
DƯ CÔNG, rảnh rỗi ngồi nhung NHỚ
THIẾU TỨ, lơ là bước thẩn THƠ
CHÁN NẢN, ra vô nhăn với NHỞ
NHÌN LUI, ngó tới nỏ* thành THƠ!

MA 190119 Tú Ghẻ-Trạng Lụi
* nỏ (phương ngữ): không

2. MỆT PHỜ

MỆT PHỜ duyên NỢ với nàng THƠ
MAN RỢ, lập LỜ, chẳng chút THƠ
QUÁ CỠ bụng BƠ rồi tới PHỞ
LẲNG LƠ để HỞ lại kêu: THƠ!
SA CƠ gặp SỞ còn thương NHỚ
TỚI CHỢ cập BỜ lại thẩn THƠ
NỊNH BỢ, mù MỜ, nham với NHỞ
LỜ ĐỜ, ú Ớ, vậy mà THƠ!

MA 200119
Tú Ghẻ-Trạng Lụi

★ Bài hoạ của sư huynh Đỗ Quyên

TẾT CÓ THƠ

Nín THỞ hàng GIỜ cố nặn THƠ
Lờ MỜ mới VỚ được vần THƠ
Ngu NGƠ cứ NGỠ như ăn PHỞ
Vỡ LỠ đâu NGỜ mới học THƠ!
Mắc NỢ nhưng VỜ như hổng NHỚ
Còn MƠ tìm CỚ để quên THƠ
Hững HỜ càng RỚ càng nham NHỞ
Vớt ĐỠ: Hãy CHỜ tết có THƠ!

Đỗ Quyên

★ Bài hoạ của sư tỉ Thân Thị Vân Hà

HỘI THƠ

Ô hay bắt chước lũ trẻ thơ,
Các cụ châu đầu cố nặn thơ.
O nớ bưng vào dăm tô phở,
Chú tê xoá mất mấy khổ thơ.
Gió cợt mơ màng rơi màu nhớ,
Hoa cười chúm chím rớt ý thơ.
Chị hai, bé út cùng cu nhỡ,
Tìm mãi mô rồi các vần thơ?

Hóc Môn 21012019
THÂN THỊ VÂN HÀ

* Ghi chú:
Bài này sáng tác theo thể ngũ độ thanh, gieo vần nhất vận, hài âm đại vận:
- Thể ngũ độ thanh: là một thể thơ thất ngôn bát cú, chính luật, vận dụng tất cả 6 thanh điệu của từ tiếng Việt vào vị trí các câu bằng và câu trắc của bài thơ (câu bằng có 4 từ bằng + 3 từ trắc; câu trắc có 4 từ trắc + 3 từ bằng - câu trắc phải gieo đủ 4 từ trắc khác dấu, còn câu bằng phải gieo 2 từ bằng kề nhau khác dấu thanh);
- Gieo vần nhất vận là gieo tất cả các vần thơ (bằng hay trắc) đều có cùng 1 vận căn, trong bài là vận căn /ơ/, (bài này thuộc thêm 1 trường hợp đặc biệt là toàn bộ vần thơ bằng có cùng 1 từ là [thơ])
- Hài âm đại vận là chơi phạm lỗi đại vận toàn bài thơ tức là hài vận của từ thứ 4 và từ thứ 7 trong mỗi câu thơ có cùng vận căn (trong toàn bài là vận căn [ơ]).
- Bài của sư huynh Đỗ Quyên chơi đặc biệt hơn nữa là phạm thêm một lỗi TIỂU VẬN nữa, đó là chơi thêm từ thứ 2 đồng vận căn [ơ] với từ thứ 7).

X84. Chiều Đông

<D.427~Tiết Đông Lạnh> 



CHIỀU ĐÔNG

(nhất cú nhất điệp)

Chiều hong tóc nhuộm nắng hong trời
Ráng đỏ buông dần đỏ khắp nơi
Tán lá trên cành rơi lá úa
Đài hoa giữa bội héo hoa ngời
Chìm trong cõi mộng chìm không lắng
Rót giữa đêm dài rót chả vơi
Nỗi nhớ người xa sao nhớ quá
Mời bao chén cạn ngỡ chưa mời

Mai Thắng - 180116

---------------------------------------
★ Bài xướng của Hồng Mai

NẮNG ĐÔNG

(Điệp từ)

Rực rỡ chiều đông nắng rực trời
Muôn ngàn sợi ấm tỏa ngàn nơi
Nàng qua ngõ hẹn nàng tươi rói
Cảnh ép hồn mê cảnh rạng ngời
Lạnh giá trăm điều nay tiễn lạnh
Vơi đầy một thủa khắc dừng vơi
Ngày Xuân tuổi hợp ngày hôn lễ
Thiệp đỏ lồng tên viết thiệp mời

15/01/18
Hong Mai

---------------------------------------
★ Bài họa khác của Dung Nguyên

ĐẮNG CAY

Chiều loang sợi khói trải loang trời
Đỏ sắc dương tràn đỏ khắp nơi
Những giọt sương mờ sương ướt lạnh
Từng tia nắng nhạt nắng tươi ngời
Hờn nơi đáy dạ hờn chưa cạn
Giận chốn buồng tim giận chửa vơi
Chữ viết tên người lồng chữ hỉ
Mừng em chén rượu của em mời…

15/1/2017
DUNG NGUYÊN

---------------------------------------
★ Bài họa của Hương Thềm Mây

CHIỀU NGHIÊNG NẮNG

Gió lộng mây về gió lộng trời
Chiều nghiêng nắng nhẹ nắng thơm nơi
Thơ văn phóng túng thơ văn sáng
Phú lục thênh thang phú lục ngời
Sông mộng trăng về sông mộng gọi
Núi mơ suối hát núi mơ vời
Nâng ly mấy chén nâng ly bóng
Uống cạn vơi đầy uống cạn mời.

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đình Diệm).
19.01.2018

---------------------------------------
★ Bài họa của Ngô Văn Bé

1. Đợi Chờ

Đông lạnh với sầu cho tuyết rơi,
Ngồi đây nỗi nhớ thuở yêu người.
Rượu hồng chi nữa khi lòng chạnh?
Em một bóng tình vương mắt tôi.
Tuyết phủ dâng đầy qua lối nhỏ,
Dạo nào em bước thuở xa xôi.
Dáng xưa quyến rũ cho hồn đợi,
Chờ buổi đông tàn xuân nắng tươi.

VBN 18.01.18

2. Rượu hồng

(sửa lại theo thể điệp vận)

Đông lạnh với sầu tuyết lạnh rơi,
Người ôm nỗi nhớ thuở yêu người.
Rượu hồng ly rót thêm hồng chạnh,
Em mắt đa tình vương mắt tôi!
Tuyết phủ đong đầy cao lối tuyết,
Thuở nào em bước thuở xa xôi.
Dáng xưa quyến rũ, hồn xưa đợi ,
Chờ buỗi đông tàn chờ nắng tươi.

19.01.18

---------------------------------------
★ Bài họa của Anh Tam

VĨNH HẬU

Rực sáng mùa xuân rạo rực trời
Chim ngàn giỡn hót rộn ngàn nơi
Sương vờn lối xóm cây vờn gió
Nắng trải đồng quê lúa trải ngời
Dệt sắc Mai đào đua sắc nở
Giao tình cánh bướm lượn tình vơi
Ươm lòng lãng tử say lòng viết
Nghĩa ngỏ vần thơ mến ngỏ mời

Anh Tam

---------------------------------------
★ Bài họa của Nguyễn Thiên Long

NGƯỜI XA

Người xa thăm thẳm tận mù khơi,
Người cách biệt người tận cuối trời.
Có nhớ có thương đành đựng chịu,
Có sầu có giận đành thôi vơi.
Dòng thơ viết mãi chưa tròn ý,
Lời nói mãi hoài nói hết thôi.
Lướt gió tung mây mà cứ ngỡ !
Đoàn viên lệ đỗ rớt tơi bời...!!

Nguyễn Thiên Long

---------------------------------------
★ Bài họa của Hue Thương

TRỌN MƠ

Choàng ngang nắng đỗ phía ngang trời
Ngàn muôn sắc đỏ thắm muôn nơi
Bên đàn én lượn tung tăng lượn
Đón mãi xuân về đón chẳng vơi
Tình chao ngây ngất ấm tình khơi
Thấm đượm bờ môi thắm vạn lời
Yêu thương cuốn mộng đêm dài mộng
Xiết trọn vòng tay trọn giấc mơ....

Tháng 1/2018
Hue Thuong

17 tháng 1 2019

Tiễn nhà thơ Nguyễn Mẫn Trí

<D.426~Tiễn Đưa>

Nhà thơ Ntd HOA VIÊN – NGUYỄN MẪN TRÍ
sinh năm 1959
vừa ra đi vĩnh viễn lúc 08:40 ngày 16/01/2019
tại quê nhà huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp




THƠ TIỄN NGƯỜI THƠ

Tiễn biệt người thơ cảm ít lời
Đông tàn bão sót chạnh buồn rơi
Đường thương vạn nẻo quay về đất
Cõi tịnh ngàn phương thẳng hướng trời
Ấm lạnh an bày con chữ thảo
Vui buồn tĩnh toạ mảnh hồn ngơi
Đi nhàn nhã hoạ câu vần xướng
Giữ tấc lòng yêu tặng phẩm đời.

Mai Thắng - 190116

★ Bài thơ cuối cùng của Nguyễn Mẫn Trí

NGƯỠNG CỬA TỪ BI 

Ngắm dãy đồi xanh một buổi chiều
Nghe lòng nhẹ nhõm khổ buồn tiêu
Chùa vang tiếng mõ lời kinh Phật
Gió dẫn mùi sen bản nhạc Thiều
Đã hết âu sầu vô vọng phủi
Không còn ảo não bất bình xiêu
Hồn nương nẻo đạo tầm chân lý
Ngưỡng cửa từ bi cội phúc nhiều.

Ntd Hoa Viên



★ Bài Xướng-Hoạ kỷ niệm với Nguyễn Mẫn Trí

Xướng: ĐÀO PHAI

-Nđt -Tvn

Lặng ngắm hoa Đào rũ tuổi Xuân
Thời gian đã xóa vẻ trong ngần
Mơ về xứ lạnh ...đời chia sẻ
Bỏ lại quê nghèo.. kiếp rẽ phân
Hãy để lòng đau vì mộng số
Đừng cho dạ nẫu bởi thương phần
Thôi đành phải cánh hồng phai nhạt
Lặng ngắm hoa Đào rũ tuổi Xuân.

Ntd Hoa Viên
18/02/2016.

Hoạ: BÔNG TUYẾT

Hoa đào cợt gió để tìm xuân
Ẩn giữa màu mây bọt trắng ngần
Tuyết đỗ thương về em phận lẻ
Đêm tàn chạnh xót cảnh tình phân
Khơi hòa sóng mạng tìm nhen lửa
Đón đọc lời thơ đỡ tủi phần
Giữ lại hương nồng ru giấc ngủ
Hoa đào cợt gió để tìm xuân!

Mai Thắng – 160218

Can Qua Mâu Thuẫn

C.013~Điển tích văn học> 
Đề tài: CAN QUA MÂU THUẪN
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 



        Có nhiều thành ngữ được thành lập bởi những chữ có ngữ nghĩa giống nhau, nhưng lại cho ra những từ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong số đó có 2 cặp từ kép CAN QUA và MÂU THUẪN. Sau đây, ta sẽ lần lượt truy nguyên để tìm hiểu tận gốc ý nghĩa của 2 cặp từ này.

        * CAN QUA干戈 :
 
        CAN 干 : là Có Quan Hệ, như Can Dự 干預(與), Can Hệ 干係, Can Thiệp 干涉, Can Liên 干聯, ta nói là Liên Can... CAN vừa là Bộ vừa là Chữ theo lối Tượng Hình Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư ta thấy CAN là hình vẽ một loại vũ khí dùng để đi săn thú rừng ngày xưa, đầu có hai mũi chỉa nhọn, dưới có dây thòng lọng, là một loại vũ khí dùng để tấn công. Nhưng sau nầy thường dùng theo nghĩa Phòng Ngự, nên CAN là cái Thuẫn, cái Mộc để chống đở phòng ngự; còn QUA 戈 : là Một loại vũ khí ngày xưa, làm bằng đồng sắt, có cán dài, dùng để đánh trận, theo chữ viết Tượng Hình Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư, ta thấy đây là một loại vũ khí dùng cho kỵ binh, đầu có móc nhọn, đuôi có cán dài để tiện việc đánh nhau trên lưng ngựa; nên CAN QUA 干戈 : là Một Đâm Một Đở, một chém một ngăn, là Đánh nhau, là Chiến Tranh. Ta thường hay nghe nói : Dấy động Can Qua là Gây sự đánh nhau, là Phát động Chiến Tranh. Hai câu đầu trong bài sấm Trạng Trình có nhắc đến từ nầy :
        Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,
        CAN QUA xứ xứ khổ đao binh.

        * MÂU THUẪN 矛盾 : 
 
        MÂU 矛 : c ũng là Một loại Vũ Khí ngày xưa dùng để tấn công. Ta thường gọi là cây Thương. Đây là một trong 214 bộ và cũng là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư là hình vẽ của một loại vũ khí đầu có 2 ngạnh, cán dài, đến Đại Triện lại thêm những phần phức tạp ở đằng đầu cho dễ sát thương, và khi đến Tiểu Triện thì các phần được đơn giản hóa bằng các nét cong và thẳng; còn THUẪN 盾 : cũng là chữ Tượng Hình của Cái Mộc, Cái Khiên dùng để đở khi đánh nhau, theo như diễn tiến của chữ viết ta thấy Giáp Cốt Văn và Kim Văn Đại Triện phần trên là hình giống như cái mộc cái khiên để che chắn, bên dưới là chữ Mục là con mắt, tượng trưng cho cái mặt. Nên THUẪN cũng là dụng cụ dùng để chống đở, che chắn bảo vệ cho thân mình. Thuẫn thường dùng để che trước mặt, nên ai có người giúp đở, che chở, nâng đở ở phía sau lưng thì gọi là : Có HẬU THUẪN nên MÂU 矛 là vũ khí dùng để đâm, và THUẪN 盾 là cái Mộc cái khiên dùng để đở, như tích sau đây:
        Theo sách Hàn Phi Tử - chương Nan Nhất: Có một người nước Sở ra chợ bán Mâu, rao rằng Mâu của ông ta rất bén nhọn, bất cứ vật gì cứng tới đâu cũng có thể đâm lủng được. Hôm sau, ông ta lại mang ra bán một cái Thuẫn, và lại rao rằng: Thuẫn nầy rất cứng chắc, không có vật bén nhọn nào có thể đâm lủng được cả. Có người hỏi ông rằng: Thế lấy cây Mâu hôm qua của ông có thể đâm lủng được cái Thuẫn này hay không?!. Người bán MÂU và THUẪN cứng họng không trả lời được. Mới hay, hai sự việc cực đoan thì không thể song hành tồn tại cùng lúc với nhau được!


        Cho nên MÂU THUẪN 矛盾 : là Hai hoặc nhiều sự việc trái ngược hẵn nhau, không thể nào tồn tại song song với nhau được. Còn CAN QUA 干戈 : là Chiến tranh, là Đánh Giặc, là Giặc Giã. 
        Ta thấy CAN là THUẪN cùng có nghĩa là Cái Mộc, Cái Khiên dùng để đở. QUA là MÂU cùng có nghĩa là cây Mác, cây Thương dùng để chém để đâm. Nhưng CAN QUA và MÂU THUẪN lại diễn 2 ý hoàn toàn khác nhau.
Nghĩa của CAN QUA không có liên quan gì đến nghĩa của MÂU THUẨN cả, cũng như nghĩa của MÂU THUẨN không có liên quan gì đến chiến tranh cả!

        Ta thường gặp các thành ngữ sau đây :

        - TỰ TƯƠNG MÂU THUẪN 自相矛盾 : là thành ngữ chỉ 2 sự việc trái ngược hẵn nhau cùng xảy ra cùng lúc với cùng một người hoặc cùng một hoàn cảnh, tình huống. Tự mình chống chọi lại mình !

        - DĨ TỬ CHI MÂU, CÔNG TỬ CHI THUẪN 以子之矛,攻子之盾 : là " Lấy cây mâu của ông để tấn công cái thuẫn của ông ", như ta thường nói là " Lấy gậy của ông để đập lưng của ông " vậy !

        - PHÁT ĐỘNG CAN QUA  發動干戈 : là Gây ra chiến tranh, là Gây sự đánh nhau. Ta nói là DẤY ĐỘNG CAN QUA hay DẤY ĐỘNG BINH ĐAO ( Binh lính và Đao thương cũng tượng trưng cho Chiến Tranh ).

        - CAN QUA XỨ XỨ干戈處處 hay CAN QUA TỨ XỨ干戈四處 : là Chiến tranh nổi lên khắp nơi.

        Mới hay “ Tập Quán Ngôn Ngữ “ hay ho và mạnh mẽ biết chừng nào. Hai từ cùng nghĩa như nhau, nhưng theo thói quen sử dụng trong ngôn ngữ lại diễn hai ý hoàn toàn khác nhau như thế.

        Đỗ Chiêu Đức

14 tháng 1 2019

X83. Cùng chơi với biển

<D.425~Thiên Nhiên Cảnh Vật> 



CÙNG CHƠI VỚI BIỂN

Chiều hôm biển lặng bãi thưa người
Sóng vỗ lên bờ thưởng ngoạn chơi
Những ngọn vươn dài dang sải với
Từng con mở rộng cuốn đua mời
Kiên trì tuế nguyệt màu thiên cảnh
Thử thách muôn trùng chuỗi vạn khơi
Ngưỡng tạo vô cùng chen bé nhỏ
Chìm nhân ảnh mộng chốn xa vời.

Mai Thắng
190114

-------------------------------------------
★ Bài xướng của Phương Hà

* Xuất hành đầu năm dương lịch, Phương Hà xin mời Thầy và các bạn ra biển đùa chơi để thấy mình trẻ lại, tâm hồn rộng mở trước thiên nhiên và cuộc sống ...

ĐÙA VỚI BIỂN

Bãi biển chiều hôm vắng bóng người
Ta và ngọn sóng mải đùa chơi
Từng vòng tay sải vươn tràn tới
Mỗi đợt nước ùa đẩy bật lui
Hăm hở thi gan cùng tạo hóa
Kiên trì thử sức với trùng khơi
Rã rời nhưng thấy vui chi lạ
Sáng rực chân trời, ráng đỏ tươi.

Phương Hà
( 13/01/2019 )


Bán đảo Sơn Chà (Đà Năng)

---------------------------------------------
★ Bài hoạ của Mai Xuân Thanh

ĐI BIỂN MỘT MÌNH

Một mình ra bãi vắng tanh người
Hy vọng cùng ai nói chuyện chơi
Trắng xóa bọt tung ghềnh sóng vỗ
Trong xanh nước mặn cát bờ lui
Em yêu chẳng thấy ghe chài lưới
Bạn mến nào xem biển gió khơi
Lạc lõng tìm ai trời ấm lạnh
Cô đơn nhớ bạn má hồng tươi

MAI XUÂN THANH
Ngày 13/01/2019

---------------------------------------------
★ Bài hoạ của Thầy Mai Lộc

BIỂN HOÀNG HÔN

Bãi vắng một mình dạo bước chơi
Lơ mơ trên cát dấu chân người.
Dã tràng vội vã sóng tràn tới
Bọt biển tan tành nước rút lui.
Xa tắp ác tà êm ả lặn
Lưng trời ánh nguyệt lững lờ khơi.
Mơ màng trước cảnh hoàng hôn xuống
Le lói mây hồng nhuộm ráng tươi.

Mailoc
01-13-19

---------------------------------------------
★ Bài hoạ 4 vần của Song Quang

TÌNH XƯA

Chợt thoáng chiều nay nhớ một người
Ngày xưa,từng ruỗi bước rong chơi
Hái hoa e ấp đem trao gởi
Bắt bướm lăng xăng chạy tới lui
Hình bóng thân thương mờ mịt lối
Cuộc đời cay nghiệt khuất mù khơi
Thời gian trôi chảy vô tình đã ....
Cuốn mất tình tôi thuở thiếu thời

songquang
1/14/2019

---------------------------------------------
★ Bài hoạ của Thanh Hoà

Cô đơn

Bãi biển mênh mông chẳng có người
Một mình đối diện trước ngàn khơi
Đâu ai chung lối mà đùa rỡn
Nào kẻ đồng hành để dạo chơi
Ghềnh đá chơ vơ đương với sóng
Cát vàng lì lợm đợi triều lui
Nẻo xa ráng đỏ bừng ngày xuống
Hồn quyện trời mây lại ửng tươi

Thanh Hoà.



---------------------------------------------
★ Bài hoạ của Mỹ Bình (FB)

SẢNG KHOÁI LÀM SAO

Sóng biển đùa vui đã dạ người
Chiều xuân rũ áo một mình chơi
Càn khôn xoãi thẳng thành tâm gọi
Vũ trụ dồn ngang kính cẩn mời
Vắng vẻ bờ thương gần trước ngõ
Mơ màng đảo nhớ tận ngoài khơi
Hồn trong trí mẫn đời bình dị
Sảng khoái làm sao giữa tuyệt vời!!!

MB 16/1/2019




Cánh cổng sân thiền

<D.424~Thơ Thiền>


Ảnh chùa Hồng Liên (Tp Cao Lãnh)

CÁNH CỔNG SÂN THIỀN

Những muốn đi vào tạm nghỉ chân
Thiền môn rộng mở ghé qua lần
Dần phai lớp bụi đời dâu bể
Khả vợi khung trời áng ngũ vân
Cõi thiện tâm bày trau bản tính
Lời kinh kệ nhắc nhủ duyên trần
Phù sinh khuất dạng chìm vô ảnh
Vẳng tiếng chuông chiều mãi vọng ngân.

Mai Thắng
@1411~190113

--------------------------
★ CÁC BÀI HOẠ TRÊN FACEBOOK


1. VÔ PHẦN

Dòng đời luân chuyển tợ phù vân,
Con nước ra khơi biển sóng ngần!
Bóng cũ chưa mờ ghi não tận,
Rừng xưa tưởng lại nhớ bao lần.
Tim đau dấu mộng tàn vương vấn,
Lệ khóc cho người cuộc cách phân!
Lãng tử đường chiều kia mạc vận,
Bàn tay định mệnh chuốc vô phần!

14.01.19
Ngô Văn Bé

----------------------

2. GIỮ KIẾP VÔ THƯỜNG

Vẫn muốn an thiền bỏ chữ sân
Cho lòng chẳng vướng bận si trần
Nhưng sao một nỗi đường tu vụng
Nghiệp mãi trăm niềm trĩu bước chân
Ấp trọn miền mê nào kẻ sướng
Ôm tròn cảnh muội khổ muôn phần
Thôi thì mọi thứ tuỳ duyên định
Giữ kiếp vô thường chẳng luỵ thân.

Huế Thương
ngày 15/01/2019

--------------------------

3. CÁNH CỬA BÌNH AN

Xa đường bước mỏi tạm dừng chân
Hãy ghé vào đây chỉ một lần
Rũ bỏ trầm tư còn nặng gánh
Thêm vào hạnh phúc sẽ ngời vân
Vì sao toả sáng cùng muôn ngã
Tảng phước chào ngay giữa lối trần
Ân Chúa cao vời khai trí não
Nghe tình ấm lại tiếng lòng ngân

Bằng Lăng
BL - 14.1.2018

* Cánh cửa của chú theo đạo Phật, còn cánh cửa của cháu là đạo Công Giáo. Dù bất kỳ ai, có đạo hay không cũng có thể đến bên Chúa dù chỉ 1 lần cũng được bình an. Con mạn phép góp vui cùng chú.

--------------------------

4. CÁNH CỔNG SÂN THIỀN

Gát bỏ muộn phiền vướng gót chân,
Tay nâng tràng hạt đếm bao lần.
Chớp mắt nhìn đời như giấc mộng,
Xa luân điểm thế tựa phù vân.
Tụng kinh Bát Nhã tròn duyên kiếp,
Trì Chú Lăng Nghiêm thoát nợ trần.
Khói nhang lan toả miền tỉnh thức,
Sớm chiều bay bổng tiếng chuông ngân.

Hóc Môn 23012019
THÂN THỊ VÂN HÀ


Chùa Linh Sơn (Tp Cao Lãnh)

Tình Bạn Đồng Môn

<L+F~Góp Nhặt>


THƠ GIAO LƯU

NGUYỄN THIÊN LONG và NGÔ VĂN BÉ

Nghe anh thở ngắn than xa,
Chiều buông hiu quạnh biển qua chập chùng.
Có gì vui...Có gì không ?
Sao nghe dậy sóng muôn trùng tỉ tê...!
Bàng hoàng nhớ lại giấc kê,
Trại tù bốn cửa ê chề tuổi xuân.
Bơ vơ trôi giữa nhân quần,
Vô thân tứ cố người dân gọi là .
Bến bờ biển vượt ngút xa,
Làm sao với tới Trời xa nguyện cầu...
Nắng sương gội bạc mái đầu,
Kiếp này thôi lỡ qua cầu gió bay!
Mặc Trời mặc đất an bài,
Thâm tâm mòn mỏi chờ mai sum vầy..
Chờ hoài đợi mãi tháng ngày,
Mỗi mòn con mắt đọa đày tấm thân.
Ngực tù giăng khắp gian trần ,
Đem nhau đa'y ải khổ thân con người...
Làm sao vui trọn nụ cười ?
Năm tàn tháng lụn bên trời tha phương !
Mỗi lần về nặng vấn vương,
Vấn vương trĩu nặng đau thương ngại về.
Phập phồng hài ngoại sơn khê,
Ngày đêm đôi ngã nhớ về người xưa...
Người xưa giờ tóc bạc thưa,
Đợi chàng lâu quá mà chưa thấy về !
Người xưa bạch mã sơn khê,
Đẹp như sóng bạc đầu mê biển trời...
Một lần ngã ngựa bên đời,
Bóng hồng xa khuất dưới trời xa xăm.
Đời buồn tênh, người biệt tăm,
Mộng chưa tròn giấc đêm nằm lao ly...!!!

Nguyễn Thiên Long & Ngô Văn Bé

------------------------------------------- 

NGUYỄN ĐẮC THẮNG (MAI THẮNG)

Cảm tác và đối đáp cùng hai bạn

1. Cảm tác

Một lần cất bước ra đi
Quê hương còn đó sầu bi số phần
Ngậm ngùi cuộc sống gian truân
Dõi hồn nhìn áo chinh nhân chuyển màu
Mai ngày tay bắt tay nhau
Mẹ hiền thương cảm vỡ trào niềm vui
MT - 180113

2. Đợi một ngày về

Đợi một ngày về tay nắm tay
Quê hương còn đó hẹn ngày này
Tóc xanh buổi ấy giờ thay trắng
Kết lại thâm tình ngất ngưởng say
MT – 180103

3. Tình thư của lính

Tình thơ của lính nhớ làm sao
Một thuở gian truân ở chiến hào
Văng vẳng từ xa lời hát thoảng
Chợt buồn kỷ niệm đã bay cao
MT - 180115

4. Tự do

Tự do ơi hỡi tự do
Kiếm hoài chửa thấy nỗi lo héo người
Bao giờ muốn nở nụ cười
Tự do gào thét góc trời quê hương

5. Với Ngô Văn Bé

Còn đây những mảnh hồn thơ
Một lòng son sắt đợi chờ ngày vui
Gặp nhau những thoáng bồi hồi
Quê hương lắm nỗi ngậm ngùi tình ta

6. Với Nguyễn Thiên Long

Ta chờ kết nối tình thơ
Mượn đường sóng ảo nối bờ đại dương
Ngày nào nắng đẹp quê hương
Bắt tay ta nắm tình thương thêm đầy

12 tháng 1 2019

Trư Bát Giới

<C.012~Tạp Ghi & Phiếm Luận>
Đề tài: NĂM HỢI nói chuyện TRƯ BÁT GIỚI 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Trư Bát Giới 

        Đọc truyện Tây Du Ký, không ai là không biết đến Trư Bát Giới 豬八戒, nhân vật có cái đầu heo và mình mẩy phốp pháp ú lù như ... Trư Bát Giới ! Vốn dĩ là Thiên Bồng Nguyên Soái 天蓬元帥 ở trên trời, cai quản tám vạn thủy binh ở Thiên Hà, nhưng vì uống rượu say đi lạc vào cung Quảng Hàn, buông lời chọc ghẹo Hằng Nga nên mới bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày phải đầu thay xuống thế gian. Vốn tính hời hợt, lại đang buồn lòng, ù ù cạc cạc chui nhằm vào bụng của con heo nái đang chuyển dạ nên khi chào đời mới có cái hình dạng quái dị mình người mà đầu heo như thế ! 

        Năm Hợi 亥 nói chuyện ... Trư Bát Giới là nói chuyện bao đồng quanh quẩn chung quanh cái con heo ham ăn ham ngủ mà háo sắc nầy để nghe chơi cho đở buồn khi trà dư tửu hậu.

        Trư 豬 là Heo, thuộc bộ Thỉ 豕 cũng có nghĩa là Heo, Thỉ là một trong 214 bộ của CHỮ NHO ... DỄ HỌC, thuộc dạng chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư

        Ta thấy từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của con heo, với cái mỏ nhọn, bụng bự, lưng cong cong, có 4 chân và đuôi hẵn hoi. THỈ 豕 chỉ chung các loại heo rừng hoang dã. Còn Trư 豬 là con heo đã được thuần hóa nuôi trong nhà, cùng với trâu, dê, chó, gà và ngựa họp thành Lục súc 六畜 là 6 con vật mà ta thường nuôi, nên mới có tác phẩm Lục Súc Tranh Công 六畜爭功 mà ta học ở chương trình cổ văn lớp Đệ Lục khi xưa.

        Trư là heo, Thỉ cũng là heo, nhưng Hợi không phải là heo. Vì HỢI 亥 là Ngôi thứ 12, ngôi cuối cùng của Thập nhị Địa Chi : Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, HỢI. Hợi không phải là heo, nhưng biểu tượng của Hợi là Con Heo, nên người ta cứ tưởng Hợi là Heo và hễ nhắc đến Hợi là người ta nghĩ ngay đến con heo. Nhất là bà con ở nông thôn hay nói chơi với nhau : 
Nhà hôm nay ăn cơm với thịt "Hợi"; Bà Ba mới bán con "Hợi" được một tạ ! ... và câu ca dao dân gian về :
Tuổi Hợi là con heo ăn hèm,
Ở dơ ở dáy mình lem lắm sình !
        Hèm là chất bã của gạo sau khi đã cất lên để lấy rượu, trộn thêm cám vào để cho heo ăn thì heo sẽ rất mau lớn. Ở nông thôn Nam kỳ Lục tỉnh, vì khí hậu nóng nực, bà con nuôi heo hay thả rong ngoài vườn, nên heo hay tìm những vũng nước, vũng sình để vùi mình vào đó cho mát. Vì thế mới có câu "Ở dơ ở dáy mình lem lắm sình".

        Theo truyện cổ dân gian kể về Trạng Quỳnh, thì một hôm ông Tú Cát nghe đồn Quỳnh thông minh, nên muốn thử tài, mới ra cho vế đối là: 
Lợn cấn ăn cám tốn, có nghĩa Lợn Cấn là con lợn đã được thiến để nuôi nâng cho mau lớn, nên ăn rất nhiều rất tốn cám. 

        Nhưng vế ra hóc búa ở chỗ CẤN 艮 và TỐN 巽 là 2 quẻ trong Bát Quái là : Càn 乾、Khảm 坎、Cấn 艮、Chấn 震、Tốn 巽、Ly 離、Khôn 坤、Đoài 兌.  
        Quỳnh đã rất nhanh nhẩu đối lại ngay: Chó khôn chớ cắn càn; có nghĩa Con chó khôn ngoan thì không cắn càn cắn bậy. Mà KHÔN 坤 và CÀN 乾 cũng là 2 quẻ trong Bát Quái nữa, thế mới tài !



        2019 là năm Kỷ Hợi 己亥. Thiên Can KỶ 己 thuộc Thổ, màu vàng. Địa Chi HỢI 亥 thuộc Thủy, màu đen. Con heo màu đen là con heo đi vùi sình; còn con heo màu vàng là con heo đã được quay xong. Người Hoa gọi con heo quay là Kim Trư 金豬, dùng để tế lễ thần thánh, cúng trả lễ hoặc cúng bình an cuối năm. Còn dân ta thì trình làng cũng quay heo, đám cưới cũng quay heo, đám ma theo lệ xưa thì chàng rể phải cúng con heo quay, vợ chồng gấu ó ra làng hòa giải cũng phải khiêng heo ... cho nên con heo trong Lục Súc Tranh Công đã kể lể là :

        Kìa những việc hôn nhân giá thú.
        Không heo ra, tính đặng việc chi?
        Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
        Cũng không thấy một người thấp thoáng.
        Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
        Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
        Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
        Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
        Làng xã tới lao đao, láu đáu,
        Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
        Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
        Mọi việc rối liền xong trơn trải.
        Phải chăng, chăng phải,
        Nghĩ lại mà coi,
        Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi
        Thảy thảy cũng lấy heo làm trước !...

        Và quan trọng hơn nữa là nhà vua tế Nam Giao hàng năm để cầu cho phong điều vũ thuận 風調雨順, quốc thái dân an 國泰民安 cũng phải có con heo mới thành "Tam Sên", nên con heo lại lên mặt :
... Ai sánh đặng mình heo béo tốt ?
Vua ngự lễ Nam giao đại đột,
Phải có heo mới gọi tam sanh ...

        Tam Sanh 三牲, dân Nam Kỳ Lục Tỉnh phát theo âm Tiều Châu thành "Tam Sên". TAM SANH 三牲 là ba loại súc sanh, ba loài súc vật tượng trưng cho Tam giới : Thiên giới, Địa giới và Thủy giới. Nên ta thường thấy trên mâm cúng có con gà là phi cầm, tượng trưng cho Thiên giới. Một con heo. Heo là Tẩu thú, tượng trưng cho Địa giới và một con cá tượng trưng cho Thủy giới. Giới bình dân quê tôi cúng "Tam Sên" rất gọn gồm : Một miếng thịt heo, một con gà con và vài con tép cũng đủ để tượng trưng cho Tam Giới như thường. Dĩ nhiên, nhà giàu có hay quan quyền, vua chúa thì thường cúng bằng nguyên con heo quay cho trịnh trọng.

        Tam sanh 三牲 thường dùng để cúng TAM THANH 三清, là 3 ông thánh cao nhất của Đạo Giáo : Ngọc Thanh Nguyên Thỉ Thiên Tôn 玉清元始天尊、Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn 上清靈寶天尊、và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn ( tức Thái Thượng Lão Quân ) 太清道德天尊 (太上老君). Thái Thượng Lão Quân là Lão Tử, người viết ra quyển Đạo Đức Kinh, chủ trương thuyết Thanh Tịnh Vô Vi 清淨無為 ... Nói theo giới bình dân, tu theo Đạo giáo thì thành Đạo sĩ, Đạo cô, Chân Nhân và cảnh giới cao nhất là thành Thần, thành Tiên, biết phép thuật và trường sinh bất tử. Đạo giáo sang đến Việt Nam ta là các Thầy cúng, Thầy bùa, Thầy Pháp ... chuyên trừ bịnh tà, giải nạn, bắt yêu bắt quỷ ...

        Còn "Tam sên" ở vùng "Cái răng, Bá láng, Vàm xáng, Phong điền" quê tôi, thường dùng để cúng Thần Tài, Thổ Địa, Đất Đai... là chỉ cần có một lát thịt ba-rọi, một cái trứng luộc và một con khô mực là đủ để tượng trưng cho Tam giới rồi !... và Con heo hay thịt heo là món ăn không thể thiếu trong những ngày giỗ quãy lễ tết, cả những ngày thường nữa, nên các từ thịt nạc, thịt đùi, thịt sườn, ba rọi ... không cần phải có chữ "heo" đi kèm, mọi người vẫn biết đó là thịt heo như thường ! Nhà nghèo nhưng phải cúng trả lễ, không có tiền quay nguyên con heo để cúng thì có thể cúng tượng trưng bằng cái Thủ Vĩ ...


        THỦ 首 là cái Đầu; VĨ 尾 là cái Đuôi; nên THỦ VĨ 首尾 là Đầu Đuôi, là cái Đầu và cái Đuôi của con heo, nhưng thường thì có kèm theo 4 cái Móng Heo và một miếng mỡ chài nữa để tượng trưng cho đủ nguyên con heo. Nhưng vì cái đuôi và bốn cái móng nhỏ qúa để bên cạnh cái đầu heo đã được chẻ đôi ở giữa và lận ra cho lớn để cúng, người ngoài nhìn chỉ thấy có cái đầu heo, nên lầm tưởng THỦ VĨ có nghĩa là Cái ĐẦU HEO, mới có các câu nói: (!) 
Cái mặt như cái Thủ Vĩ. (!) Giận ai mà cái mặt như cái Thủ Vĩ vậy ? (!) Thằng đó nó buồn cái gì mà suốt ngày cái mặt của nó giống như là cái Thủ Vĩ Lận vậy ? ( ý nói : Cái mặt chằm dằm).


        Trư 豬 là Heo, còn Bát Giới 八戒 là tám giới cấm theo Giới luật Thanh quy của nhà Phật là : không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không sống xa hoa và phải ăn chay. Bát Giới là tên mà sư phụ Đường Tăng đã đặt nhằm nhắc nhở cho cái tính tham ăn tham ngủ mà lại lười biếng làm việc của Trư Bát Giới. Đây là nhân vật tiêu biểu cho cái nhân bản của con người nhất của tác phẩm Tây Du Ký. Bản chất con người vốn dĩ thích ăn biếng làm, nếu đã có đủ cái để ăn, thì không ai muốn làm gì cả! Con Heo là con vật được chủ ưu tiên cho ăn no rồi ... ngủ cho mau lớn mau mập để gả bán cho chú lái heo. Nên thành ngữ dành cho lão trư là Cao Chẩm Vô Ưu 高枕無憂. Có nghĩa là : Gối đầu cao cao mà ngủ không lo lắng gì cả, giống như câu "Ăn No Ngủ Kỷ" của ta vậy !

        Ta thường nghe câu Tam Quy Ngũ Giới 三皈五戒, Tam Quy là Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ Giới là : Sát sanh, Trộm đạo, Dâm dục, Vọng ngôn và Uống Rượu. Năm giới cấm nầy chưa đủ làm cho con người trở nên trong sạch, cho nên phải thêm 3 giới cấm nữa là : Không trang sức, Không sống xa hoa phú quý và Không được ăn mặn. Tổng cộng là Bát Giới thì mới dễ dàng giúp cho người tu hành dễ tu tâm dưỡng tánh hơn, nhất là với bản chất đầy đủ cả tham sân si và sắc dục như Trư Bát Giới. Hằng năm viết liễn, thư pháp để gây quỹ cho chùa Tịnh Luật, ở hai bên chữ PHẬT phía sau lưng, tôi đã viết đôi câu đối sau: 
Hán ngữ:     
        淨 渡 十 方 迷 眾, 同 登 彼 岸;
        律 行 八 戒 清 規, 速 捨 迷 途 。
âm Hán Việt 
TỊNH độ thập phương mê chúng, đồng đăng bỉ ngạn;
LUẬT hành bát giới thanh quy, tốc xả mê đồ !
có nghĩa :
        * TỊNH là Sạch, nên Tịnh Độ là Độ sạch sẽ, là ĐỘ HẾT cho chúng sinh mê muội ở khắp mười phương. Đồng đăng bỉ ngạn là : Cùng qua được bến bờ bên kia, vì chúng sinh đang chìm trong bể khổ, nên qua được bến bờ bên kia là đã vượt qua bể khổ để đến được niết bàn rồi.
        * LUẬT là Giới luật, Hành là Thực hành, Thực hành tám cái giới luật và những quy tắc làm cho con người trở nên trong sáng trong sạch hơn của nhà Phật. Tốc xả mê đồ là : Nhanh chóng rời bỏ con đường mê muội mà về với chính giác.

        Trư Bát Giới đã không thể "Luật hành bát giới", cho nên mặc dù có công phò Đường Tăng đến tận Tây Phương chầu Phật Tổ để thỉnh kinh, vẫn không thể thành Phật hay La Hán được. Khi thấy Phật Tổ chỉ phong mình làm "Tịnh Đàn Sứ Giả" để làm sạch các bàn thờ, Bát Giới đã khiếu nại và được Phật Tổ giải thích là :
        " Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt ?".( theo Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân ).


        Cái tật ăn tạp và háo ăn của Trư Bát Giới còn hình thành một câu thành ngữ mà ai đã đọc qua truyện Tây Du Ký đều biết, đó là câu : "Trư Bát Giới thực nhân sâm qủa,( toàn bất tri kỳ vị) 猪八戒食人参果 (全不知其味)". có nghĩa: Trư Bát Giới ăn qủa nhân sâm, (ý nói Ăn mà không biết được mùi vị gì cả !)".

        Theo Tây Du Ký - Hồi thứ 24, 25, 26 : Trên đường thỉnh kinh, khi đi ngang qua đạo quan Ngũ Trang của Vạn Thọ Sơn, nơi vị Tổ sư của Địa Tiên là Trấn Nguyên Tử tu hành. Nơi đây có một cây Nhân Sâm Qủa, ba ngàn năm mới ra hoa, ba ngàn năm mới kết trái và ba ngàn năm trái mới chín, ăn một qủa có thể sống đến mười ngàn năm, ngửi một cái thôi cũng có thể sống đến ba trăm năm. Vì bận việc đi xa Trấn Nguyên Tử dặn dò hai đệ tử là Thanh Phong và Minh Nguyệt bẻ hai trái Nhân Sâm thết đãi Đường Tăng. Tam Tạng thấy loại trái hình thù như đứa bé, không dám ăn. Bát Giới thấy thèm mà không được ăn, mới xúi sư huynh Tôn Ngộ Không hái trộm. Khi đã hái trộm về 3 qủa, Tôn Ngộ Không kêu cả Sa Tăng đến để chia nhau 3 sư Huynh đệ cùng ăn. Bát Giới vì thèm qúa cầm trái nhân sâm thơm phức bỏ vào miệng, ngoạp một cái là nuốt trọng luôn, nhìn lại thấy Tôn Ngộ Không và Sa Tăng từ từ nhai từ từ thưởng thức, mùi thơm của qủa nhân sâm bay ngào ngạt lại bắt thèm, năn nỉ hai người cho cắn thêm một miếng để thưởng thức từ từ, vì không ai chịu cho nên Bát Giới đâm ra cằn nhằn cưởi nhưởi mãi khiến cho Thanh Phong Minh Nguyệt nghe thấy, mắng cho một trận và mách với sư phụ, tạo thêm một tai nạn rắc rối nữa trên đường đi thỉnh kinh ...

        Vì sự việc trên mà sau nầy hễ ăn một cách vội vả cái gì đó, cứ ăn lấy ăn để mà chưa kịp thưởng thức mùi vị của thức ăn, thì mọi người đều bảo là : Ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm vậy !

        Trư Bát Giới còn được Phật Bà Quan Âm đặt cho pháp danh là Trư Ngộ Năng 豬悟能, Ngộ Năng là giác ngộ ra được cái bản năng của con người, của chính mình để mà tu tập sao cho thành chánh giác. Chính vì cái bản tánh của Trư bát Giới thể hiện đầy đủ cả tam độc là Tham Sân Si của con người, nên Quan Thế Âm Bồ Tát mới đặt cho pháp hiệu Ngộ Năng để nhắc nhở, nhưng cố tật tham tài tham sắc vẫn không bỏ được, hễ có dịp là lại thể hiện ra ngay, như hồi thứ 54 qua Nữ Nhi Quốc 女兒國 hay hồi thứ 72 khi đến Bàn Tơ Động 盤絲洞 gặp bảy con yêu nhền nhện cái, Bát Giới đều là người dễ bị mê hoặc, dễ bị dẫn dụ và dễ sa ngã nhất. Bản tánh háo sắc của Trư Bát Giới nổi tiếng đến nỗi làm cho "con heo" cũng bị mang tiếng lây. Bà con bình dân hễ nhắc đến những hành động dâm dục thì đều nói là : Giở trò "con heo". Mắng những người dâm dục hay quan hệ tình dục lăng nhăng thì nói là : Thứ cái đồ "heo nọc"! và phim ảnh khiêu dâm thì gọi là : Phim "con heo"!
 
        Nhưng "Phim con Heo" ở Mỹ lại là một bộ phim hoạt hình rất dễ thương của gia đình chú heo Peppa Pig mà trẻ em rất thích, kể cả trẻ em Việt Nam. Kể từ lần đầu tiên ra mắt khán giả truyền hình năm 2004 tại Anh, Peppa Pig - con heo hoạt hình mặc váy đỏ 4 tuổi không chỉ khiến các nhóc tì mà cả phụ Huynh cũng thích thú. Việt Nam ta cũng có phim hoạt hình Ba Chú Heo con ...

        Trư Bát Giới cũng luôn đẩy những người đồng hành với mình vào những tình huống rắc rối bởi sự lười biếng, thói ham ăn và bản tính háo sắc trước những cô gái đẹp của mình. Bát Giới cũng luôn tỏ ra ghen tị với sư Huynh Tôn Ngộ Không của mình và lúc nào cũng muốn tìm cách hạ bệ Ngộ Không xuống. Tại hồi thứ 27, khi Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Bát Giới đã gièm xiễm rằng Tôn Ngộ Không đã có ác ý giết chết ba mạng người lương thiện để cho Ðường Tăng nổi giận niêm chú khẩn cô trừng phạt sư huynh, rồi quyết định đuổi luôn về Hoa Quả sơn để đến nổi thầy trò đều lâm nạn lớn. Cái tánh ghét ghen ganh tị đó bị người đời thóa mạ là "Cẩu Trệ Bất Như 狗彘不如". Có nghĩa là : Không bằng Chó Lợn hay "Hành Đồng Cẩu Trệ 行同狗彘" là : Hành động giống như là chó là heo vậy.

        TRỆ 彘 : là con heo nái; miền Bắc gọi là Con Lợn Sề. Nên cũng có câu mắng để nhục mạ người khác khi có hành vi không đứng đắn, đàng hoàng là : Quân Cẩu Trệ, là Đồ Chó Lợn, mà miền Nam chưởi là: "Thứ cái đồ heo, đồ chó !".

        Như vậy là ngoài Trư 豬 và Thỉ 豕 ra, ta còn có Trệ 彘 cũng là Heo nữa. Năm con Heo là năm Hợi 亥, đứng hàng thứ mười hai, là ngôi chót của Thập Nhị Địa Chi xếp sau năm Tuất; Tháng Hợi là tháng Mười âm lịch; Ngày Hợi là ngày đứng trước ngày Tý và Giờ Hợi là từ 9 đến 11 giờ đêm (pm), tức ở cuối canh hai gần sang canh ba. Vì thế mà ta mới có giai thoại văn chương sau đây :

        
Khi hay tin chị dâu sanh được con gái đầu lòng trong đêm rộn rịp vui mừng, Bà Đoàn Thị Điểm đã đùa với anh rằng:
chữ Hán: 
        半 夜 生 孩, 亥 子 二 時 未 定 .
âm Hán Việt:
        Bán dạ sinh hài, Hợi Tý nhị thời vị định.
có nghĩa là: 
        Nửa đêm sanh con, Hợi Tý 2 giờ chưa định, 
ý muốn nói không biết là sanh vào giờ Tý hay giờ Hợi.

        Ông anh là Đoàn Viết Luân liền đối lại:
chữ Hán: 
        两 情 相 配, 巳 酉 双 合 乃 成 .
âm Hán Việt: 
        Lưỡng tình tương phối, Tỵ Dậu song hợp nãi thành.
có nghĩa là 
        "Hai tình phối hợp lại với nhau, Tỵ Dậu 2 tuổi hợp lại mà thành".
với lối chơi chữ, 2 chữ Hợi 亥 và Tý 子 ghép lại thành chữ Hài 孩; chữ Tỵ 巳 và chữ Dậu 酉 ghép lại thành chữ Phối 配. Ta còn gọi đây là lối đối chiết tự. 
 
        Nói thêm: đúng ra chữ PHỐI 配 là do 2 chữ Dậu 酉 và Kỷ 己 họp lại mà thành, nhưng nếu đối là "Kỷ Dậu song hợp nãi thành" thì KỶ 己 là ngôi thứ 6 của Thiên Can, nên Kỷ Dậu là " Một Can một Chi" sẽ không ăn với " Hợi Tý " ở câu trên đều là 2 ngôi của Địa Chi. Cho nên mới dựa vào tự dạng của 2 chữ KỶ 己 và TỴ 巳 giống nhau mà "Mập mờ đánh lận con đen" đổi KỶ 己 thành TỴ 巳, để cho "TỴ DẬU song hợp nãi thành" ( Vì theo Tử Vi : Tỵ Dậu Sửu là Tam Hợp ). Và như thế thì 2 Địa Chi "HỢI TÝ" sẽ đối với 2 Địa Chi "TỴ DẬU" rất ăn và rất chỉnh !

        Trong văn chương Trung Hoa cũng có giai thoại sau đây :

        Tương truyền, vào giữa những năm Hoằng Trị triều Minh, ở đất Quỳnh Sơn tỉnh Quảng Đông có một học giả tên là KHƯU TUẤN 丘濬( 1421-1495 ), tự là Trong Thâm 仲深, đậu Tiến Sĩ năm Cảnh Thái thứ 5, làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thơ, Văn Uyên Các Đại Học Sĩ. Thế mà xém chút nữa đã bị thua một cô gái nhà quê con chủ quán. Truyện kể ...

        Một đêm, khi Khưu Tuấn đang ở trong một quán trọ. Chủ quán có một cô con gái rất thông minh, lại giỏi văn chương, nghe tin có Văn Các Đại Học Sĩ đến, bèn xin ra mắt. Sau khi đàm luận có ra cho ông một câu đố như thế nầy :

二人並坐, Nhị nhân tịnh tọa,
坐到二更三鼓, Tọa đáo nhị canh tam cổ,
一畏貓兒一畏虎。 Nhất úy miêu nhi nhất úy hổ.
        Có nghĩa :  
Hai người cùng ngồi ngang với nhau,
Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ,
Một người sợ mèo, một người sợ hổ !

        Khưu Tuấn nghĩ ngợi hèn lâu, ông đang cân nhắc giữa câu " hai người ngồi ngang nhau " có thể là 2 chữ " Nhân 人 " mà lại một người sợ mèo một người sợ cọp, thì không phải là " 2 người " nữa, mà là 2 con vật gì đó. Con gì sợ mèo ?! Là ... CÁ là NGƯ 魚. Con gì sợ cọp ? Là ... DÊ là DƯƠNG 羊. NGƯ 魚 và DƯƠNG 羊 ghép lại cho "ngồi ngang" với nhau thành chữ TIÊN 鮮 : Có nghĩa là Tươi Ngon. Chắc ăn như bắp, suy nghĩ xong, ông bèn vuốt râu mĩm cười nói ra đáp án.

        Nào ngờ, cô gái cũng mĩm cười lắc đầu bảo: "Sai rồi!". Ông ngạc nhiên hỏi: "Sao lại sai?". Cô gái đáp: "Thế thì ông giải thích thế nào về câu: Tọa đáo nhị canh tam cổ? (Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ). Khưu Tuấn xịu mặt trầm tư, chợt ông tỉnh ngộ ra, vổ đùi đánh đét một tiếng bảo rằng: "Phải rồi! Canh hai là giờ HỢI 亥, còn Ba hồi trống đổ là Canh ba giờ TÝ 子. Ghép chữ TÝ 子 với chữ HỢI 亥 lại với nhau, ta có chữ HÀI 孩 là Hài Nhi phải không? Cô gái gật đầu cười đáp: " Đúng vậy! TÝ là Chuột sợ mèo; HỢI là Heo sợ Cọp !".

        Khưu Tuấn khen lấy khen để, cho đây là câu đố thật tuyệt vời !


        Tuổi Hợi là tuổi con Heo, trong đề 36, sau nầy là đề 40, thì con heo mang số 7, có tên chữ là Chánh Thuận 正順, nằm trong Ngũ Hổ Tướng gồm có :
Số 5 là Chí Cao con Trùng.
Số 6 là Khôn Sơn con Cọp.
Số 7 là CHÁNH THUẬN con Heo.
Số 8 là Nguyệt Bửu con Thỏ.
Số 9 là Hán Vân con Trâu.

        Con heo Chánh Thuận làm cho ta nhớ đến lò heo Chánh Hưng, bên kia Cầu Chữ Y Quận Tám ngày xưa, nơi chuyên mỗ và cung cấp thịt heo cho toàn đô thành Sài Gòn Chợ Lớn. Giới bình dân ghiền số đề hiện nay đánh đề theo vé số Kiến Thiết xổ hằng ngày từ 00 đến 99 lại phải thua thêm 2 số nữa; ngoài số 7 là con heo con ra còn có con heo sồn sồn số 47, và một con heo già, lớn cở ... Trư Bát Giới nữa là con số 87. Giới thua đề thường than với nhau :
Chánh Thuận chẳng thuận chút nào,
Thua hoài thua huỷ quơ quào khắp nơi !

        Xã hội còn dân nghèo, còn bất công, tham nhũng, thì nạn đánh đề và vé số còn hoành hành và còn làm khổ dân đen mãi mãi. Vì đâu có làm ăn gì bằng được với trúng số, trúng đề :
Phải thời một vốn bỗng liền bảy mươi !
có nhiều chủ thầu còn cho 1 đồng trúng tới 72, thậm chí 75 nữa là đằng khác. Cho nên dân ghiền số đề cứ cắm đầu vô đó mà chết ! Chánh Thuận 正順 có nghĩa là : Chính trực đàng hoàng thì sẽ được thuận lợi suông sẻ, nhưng Chánh Thuận là con heo của số đề thì không suông sẻ chút nào cả. Vướng vào rồi thì là từ chết đến bị thương mà thôi !

        Xét ra thì cũng tội nghiệp cho con heo hiền lành dễ bị thuần hóa bởi con người, nhưng lại bị số đề và hình tượng đầy tính tham sân si của Trư Bát Giới làm cho xấu đi; con heo ục ịch dễ thương, ủn ỉn như lợn ăn khoai thành con heo dâm dật háo sắc, thấy đàn bà đẹp thì thèm rõ dãi như Trư Bát Giới thì qủa thật là tội nghiệp cho con ... " heo đồng cỏ nội " quá đi thôi !

        Thịt heo lại là món ăn hiền lành nhất, phổ thông nhất trong dân gian, người ta cử ăn thịt trâu thịt bò thịt chó ... chớ không ai cử ăn thịt heo cả ! ( trừ những người theo đạo Hồi ). Trong dân gian ta đầy rẫy những món ngon được chế biến từ thịt heo, như : Giò, chả, nem, lạp xưởng, thịt khô, thịt đông ... Nhà có tiệc đãi khách, hoặc ngày lễ ngày Tết ... là không thể thiếu thịt heo được, ta hãy đọc một bài thơ rất nổi tiếng của Lục Phóng Ông ( tức Lục Du ) đời Nam Tống tả cảnh xóm tây mời khách ăn Tết trong một cuối năm được mùa như sau:

遊 山 西 村                      Du Sơn Tây Thôn
莫 笑 農 家 臘 酒 渾, Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,
豐 年 留 客 足 雞 豚。 Phong niên lưu khách túc kê đồn
山 重 水 復 疑 無 路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ
柳 暗 花 明 又 一 村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn
簫 鼓 追 隨 春 社 近, Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận
衣 冠 簡 樸 古 風 存。 Y quan giản phác cổ phong tồn
從 今 若 許 閑 乘 月, Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt
拄 杖 無 時 夜 叩 門。 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.
陸 游                                  Lục Du

        Đừng cười nhà nông chúng tôi uống rượu Tết không trong, vì rượu chỉ ủ thôi chớ không có cất nấu, và vì được mùa nên mời khách ở lại mà thưởng thức các món ăn do gà heo làm ra ...

DẠO NÚI XÓM TÂY
Thôn dã chớ cười rượu nhạt phèo,
Cuối năm đãi khách sẵn gà heo.
Núi liền sông nước ngờ vô lối,
Liễu rũ đường hoa đến xóm nghèo.
Tiêu trống rộn ràng Xuân Xã đến,
Áo xiêm giản dị cổ phong theo.
Từ nay nếu rảnh đêm trăng sáng,
Gỏ cửa cùng vui gậy khẳng kheo.

       
Bài thơ trên cho ta biết thêm một từ chỉ Con Heo nữa, đó là từ ĐỒN 豚. Kê Đồn 雞 豚 : là Gà và Heo. Trong Tăng Quảng Hiền Văn có dạy : 
貪 他 一 斗 米,失 卻 半 年 糧;(ham tha nhất đấu mễ, thất khước bán niên lương);
 爭 他 一 腳 豚,反 失 一 肘 羊。(tranh tha Nhất Cước Đồn, phản thất nhất trửu dương).
        Có nghĩa: tham của người ta một đấu gạo, mình lại bị mất hết nửa năm lương thực;( ăn gian chỉ có một đấu, bị phạt đến nửa năm lương );
Tranh với người ta Một Cái Giò Heo, ngược lại mình bị mất đi một cái đùi dê ! ( tranh nhau cái nhỏ để mất đi cái lớn hơn, ngon hơn !).

        Ở đời, hễ tham thì thâm là thế !


        Trở lại với nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Ký, ngoài những thói hư tật xấu đã kể trên, Trư Bát Giới tuy đã xuất gia, nhưng vẫn còn rất nặng nợ với ... gia đình vợ con. Thật vậy, cứ mỗi lần Đường Tăng gặp nạn, bị yêu quái bắt đi hay bị Nữ Vương của Nữ Nhi Quốc giữ lại thì y như là Trư Bát Giới đòi " phân chia tài sản " rồi ai về quê nấy. Tôn Ngộ Không và Sa Tăng thì đâu có "quê" đâu mà về, nhưng Trư Bát Giới thì lại khác, trong lòng y luôn canh cánh nhớ tới Cao Tiểu Thơ của Cao Lão Trang, người vợ mà y thương yêu rất mực và làm việc cật lực hết lòng để làm giàu cho Cao lão Viên Ngoại. Khi đi theo Đường Tăng y cũng có dặn lại rằng : ... Khi nào không thỉnh được kinh thì con sẽ về lại nhà để làm ăn sinh sống như xưa. Cho nên, hễ có dịp là y lại thừa cơ bàn ra và luôn luôn muốn cho tan đàn xẻ nghé !

        Nhưng bên cạnh nhiều nhược điểm như trên, Trư Bát Giới còn là một nhân vật với rất nhiều đức tính tích cực. Đó là, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ một yêu quái nào dù là loại hung dữ nhất hay gặp phải những hoàn cảnh khủng khiếp nhất, bị yêu quái bắt để ăn thịt chẳng hạn, mặc dù ngoài miệng y luôn cằn nhằn cưởi nhưởi, nhưng lại là một trợ thủ đắc lực của Tôn Ngộ Không trên con đường thiên lý đi Tây Thiên thỉnh kinh. Nhân vật Trư Bát Giới trong suốt chặng đường đi đã luôn gây cho người xem các trận cười thoải mái cũng như sự hồi hộp, lòng cảm mến trước những đức tính đáng yêu. Đó là hình tượng một anh nông dân thật thà với những cách nghĩ, cách làm rất... chất phác, dù dưới cái lốp hòa thượng, và y cũng một lòng một dạ đi đến tận Tây phương Lôi Âm Tự để diện kiến đức Thế Tôn : Phật Tổ Như Lai.

        Tóm lại, trong Tây Du Ký nhân vật Trư Bát Giới là nhân vật có lý lịch và tâm lý phức tạp nhất và do vậy, y cũng là nhân vật có nhiều tính chất " nhân bản " nhất, kể cả tính tốt lẫn tật xấu và là nhân vật sinh động nhất trong tác phẩm.

        Năm Hợi, mong rằng tất cả mọi người đều cùng vượt qua được tham sân si như Trư Bát Giới để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc, một sự nghiệp thành công, một cuộc sống đầy từ bi bác ái tình người và ấm no đầy đủ như là Tịnh Đàn Sứ Giả vậy !

Đỗ Chiêu Đức