<D.144~Thơ Xuân>
XUÂN 2016
Chẳng biết cơ gì để định thân
Từ khi lãnh lệnh đáo dương trần
Dòng đời cuốn bốc chơi trò khỉ
Sự thế căng đày bức thảo nhân
Lý tưởng - niềm tin luôn khuấy động
Tình yêu - hận oán vẫn chờ phân
Mùa xuân hợp diễn trường ca khúc
Vũ điệu quay cuồng rất khó cân!
Nguyễn Đắc Thắng
20151210
------------^^^------------♣ Bài xướng của Đỗ Chiêu Đức
VỊNH BÍNH THÂN 2016
Đứng hàng thứ chín thuộc chi Thân
Đại Thánh Tề Thiên giáng xuống trần
Ấn Độ khỉ thần phò thánh đế
Hoa Kỳ vượn chúa lụy giai nhân
Tâm viên ý mã khôn an trụ
Ruột đứt lòng sầu khó giải phân
Cây ngã hồ tôn đi tứ tán
Thái bình vui hưởng lấy chi cân!
Đỗ Chiêu Đức
08/12/2015
(Phần chú thích xem ờ cuối bài)
------------^^^------------★ CÁC BÀI HOẠ
HÃNH DIỆN TUỔI THÂN
Tặng những người tuổi Thân*
Sao phải ngậm ngùi ta tuổi Thân?
Mười hai con giáp ở dương trần
Khôn lanh nhất hạng là anh khỉ
Giống hệt loài người ấy dã nhân
Mặt mũi khôi ngô tròn chín bậc
Dáng hình thon gọn vẹn mười phân
Trí mưu vượt trội so cầm thú
Tình cảm bầy đàn không dễ cân!
Phương Hà
(*) Ca dao tục ngữ có câu:
“Người ta tuổi ngọ tuổi mùi
Riêng tôi lại phải ngậm ngùi tuổi thân”
------------------------------------
1. BẠCH VIÊN TÔN CÁC
Năm Ất Mùi qua đến Bính Thân
Nhớ xưa nàng khỉ bén duyên trần
Kiếp Tiên mắc đoạ mang hình thú
Cửa Phật tu hành hoá mỹ nhân
Nhan sắc Bạch Viên đâu dễ sánh
Danh tài Tôn Các khó bì phân
Trai thanh gái lịch nên chồng vợ
Dẫu tục và tiên vẫn xứng cân.
Quên Đi
--------^^^--------
2. TỦI THÂN TỰ HỌA
Suy tính phận mình cũng tủi thân
Sinh ra sống giữa cỏi hồng trần
Lọt lòng,cha mẹ đà ly tán
Khôn lớn,nương nhờ kẻ nghĩa nhân
Bương chải vào đời đành tự lập
Học hành trể nải khó tranh phân
Bính Thân sắp đến già thêm tuổi
Đạo lý làm người nghĩ khó cân
SONG QUANG
--------^^^--------
3. THÂN…TÔI
Mở mắt Giáp Thân nay Bính Thân
Bảy hai tuổi trọn giữa dương trần
Trải nhiều sóng gío-tuồng tro bụi
Chuốc lắm đa đoan-phận thế nhân
Ngước mặt nhìn đời than mất gốc
Dang tay nhớ bạn cảnh chia phân
Làm sao dây nhỉ tìm an lạc?
Bởi lẽ Vui,Buồn lệch cán cân.
Thái Huy
12-09-15
---------^^^---------
KHỈ THÂN !
Thân khỉ trong rừng chỉ khỉ thân!
Trần ai phủ miết tóc ai trần !
Rủi may chỉ tính trung bình cộng
Lỗ lã luôn chồng cấp số nhân
Mộc Đức xuôi dòng đang tiệm cận
La Hầu xỏ lá bỗng ly phân
Nhiều khi muốn xách mình đem bán
Khổ nỗi xác phàm chả đủ cân!
Cao Linh Tử
10/12/2015
CHÚ THÍCH CỦA BÀI XƯỚNG:
1. Tề Thiên Đại Thánh : Chuyện Tề Thiên... là chuyện hoang đường trong Tây Du Ký cuả Ngô Thừa Ân, nói về một con khỉ đá lanh lợi thông minh, học được phép tiên, làm loạn cả long cung, âm tào địa phủ và làm náo loạn cả thiên đình. Cuối cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng phải chịu thua mà phong cho chức " Ông Thánh lớn ngang bằng trời " là : TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH !
2. Ấn Độ khỉ thần : Ấn Độ với thần khỉ Hanuman là một nhân vật trong thần thoại Hindu được kể lại trong sử thi Ramayana. Theo sử thi, Hanuman đã giúp đỡ cho người anh hùng là Vua Rama trong cuộc chiến chống lại vua quỷ Ravana. Hanuman là người giúp đỡ vua đắc lực nhất, trung thành với vua nhất.
3. Hoa Kỳ vượn chúa : King Kong là tên một con ác thú khổng lồ (giống loài khỉ đột) được hư cấu trong nhiều loại tác phẩm, đặc biệt là điện ảnh. King Kong nổi tiếng khắp thế giới từ bộ phim cùng tên năm 1933, và tiếp tục được làm lại vào 1976 và 2005.
King Kong sinh sống trên Đảo Đầu Lâu (Skull Island), ở đâu đó trên Ấn Độ Dương và được cư dân nơi đây thờ cúng như một quái vật ăn thịt linh thiêng. Một đoàn làm phim từ New York lặn lội đường xa đến đây vì nghe nói có nhiều sinh vật huyền bí trên đảo này, do đó sẽ có cơ hội tạo những cảnh quay ngoạn mục.
Cô diễn viên Ann Darrow xinh đẹp bị bắt cóc và đem ra tế Kong. Con khỉ đột chẳng những không ăn thịt Ann mà còn thích thú và yêu mến nàng. Mọi người trên tàu đi giải cứu Ann, trong đó hăng hái nhất là nhà viết kịch bản Jack Discroll, người yêu của cô. Đạo diễn Carl Denham nhân cơ hội đó bẫy nó đem về New York. Ông ta gọi nó "Kong– vị vua (King) của thế giới".
King Kong được đem ra trình diễn cho khán giả có máu mặt ở Manhattan ( Mã Nhật Tân, một khu phố lớn nổi tiếng ở New York ) như là một "Kỳ quan thứ tám của thế giới". Ann lại không đến dự vì phản đối hành động tàn ác đó. Kong phá tan nhà hát trình diễn, thoát ra tìm Ann. Nó đại náo toàn bộ khu đô thị lộng lẫy xa hoa, khiến xe cộ, nhà cửa đổ bể tan hoang. Ann xuất hiện kịp thời, Kong lại bị mê hoặc bởi sắc đẹp của nàng, giống như trong truyện Giai nhân và Quái thú (Beauty and the Beast). Nhưng quân đội ập đến, Kong bế Ann bỏ chạy lên tòa nhà Empire State cao nhất thời đó (trong phim năm 1976 là tòa WTC). Các phi cơ chiến đấu liên tục bắn nó, mặc cho Ann gào khóc ngăn cản. Cuối cùng King Kong gục ngã và rớt xuống đất, chết một cách đau đớn. Carl Denham lặng lẽ thốt lên "Con Quái thú không chết vì bị bắn, mà chết vì Giai nhân".
4. Tâm viên ý mã : Tâm Viên Ý Mã 心猿意馬 ", để chỉ TÂM và Ý không đồng bộ, không ăn khớp với nhau, vừa muốn làm việc nầy, vừa muốn làm việc nọ, tâm ý hoang mang không quyết định được. Theo kinh văn Duy Ma Cật, thì Phật Giáo cho là lòng của chúng sinh không có ổn định, như lòng của con vượn và ý của con ngựa vậy, luôn luôn động đậy và hướng ngoại, khó mà an trụ cho được !
5. Ruột đứt lòng sầu : là VIÊN TRƯỜNG THỐN ĐOẠN 猿腸寸斷 (Ruột của con vượn đứt ra từng tấc một), Ta nói là "Ruột thắt từng cơn" hay "Đứt từng khúc ruột" theo tích sau đây :
Sách Sưu Thần Ký đời Tấn, Quyển 22 ghi : Xứ Đông Hưng đất Lỗ, thuộc Quận Lâm Xuyên, có ngưới vào núi bắt được một vượn con mang về. Vượn mẹ chạy theo đến nhà. Người nầy trói vượn con trên cây trong sân. Vượn mẹ trông thấy, quỳ xuống van xin, giơ tay tự tát vào má mình. Người đó chẳng những không tha còn giết chết vượn con. Vượn mẹ trông thấy, kêu khóc thảm thương, rồi lộn đầu xuống đất mà chết. Người đó bèn mỗ bụng vượn mẹ ra, thì thấy ruột đã bị đứt từng khúc một. Nên, thành ngữ nầy dùng để chỉ sự nhớ thương bi thiết, hoặc qúa mức đau lòng mà " Đứt từng đoạn ruột "!
6. Cây ngã hồ tôn đi tứ tán : là " Thọ đão hồ tôn tán ! 樹倒猢猻散 !" Có nghĩa : Cây đã ngã rồi thì lũ khỉ cũng sẽ tan hàng ! Theo tích sau đây :
Trong sách Thuyết Phù được biên soạn bởi Đào Tông Nghi, trong đó có một câu truyện như sau :
Vào thời Nam Tống , có người tên là Tào Vịnh, vì có quan hệ mật thiết với Thừa Tướng lúc bấy giờ là Tần Cối nên được phong làm quan lớn. Mọi người đều a dua theo ông ta để được phong quan, duy chỉ có em vợ cuả ông ta là Lệ Đức Tân, người rất chính nghĩa, không thích a dua, thà chịu giữ chức thư lại nhỏ nhoi ở địa phương chứ không về hùa với ông anh rễ. Tào Vịnh rất giận, ra lệnh cho quan huyện địa phương gây áp lực và làm khó ông em vợ cứng đầu nầy, nhưng Lệ Đức Tân vẫn không khuất phục.
Sau khi Tần Cối chết, những người theo hùa với ông ta đều bị rơi đài. Tào Vịnh cũng bị biếm đến đất Tân Châu của vùng Quảng Đông. Lúc nầy, Lệ Đức Tân mới làm một bài phú có tựa là " Thọ Đão Hồ Tôn Tán Phú 樹倒猢猻散賦 ". Nội dung châm biếm những người a dua với Tần Cối như là lũ khỉ, dựa hơi Thừa Tướng để tác oai tác phúc. Nay cây đã ngã rồi thì lũ khỉ nhóc cũng phải tan hàng mà thôi. Tào Vịnh đọc bài phú tức đến ói máu, nhưng cũng không làm gì được cái ông em vợ chính trực kia !!!
4. Tâm viên ý mã : Tâm Viên Ý Mã 心猿意馬 ", để chỉ TÂM và Ý không đồng bộ, không ăn khớp với nhau, vừa muốn làm việc nầy, vừa muốn làm việc nọ, tâm ý hoang mang không quyết định được. Theo kinh văn Duy Ma Cật, thì Phật Giáo cho là lòng của chúng sinh không có ổn định, như lòng của con vượn và ý của con ngựa vậy, luôn luôn động đậy và hướng ngoại, khó mà an trụ cho được !
5. Ruột đứt lòng sầu : là VIÊN TRƯỜNG THỐN ĐOẠN 猿腸寸斷 (Ruột của con vượn đứt ra từng tấc một), Ta nói là "Ruột thắt từng cơn" hay "Đứt từng khúc ruột" theo tích sau đây :
Sách Sưu Thần Ký đời Tấn, Quyển 22 ghi : Xứ Đông Hưng đất Lỗ, thuộc Quận Lâm Xuyên, có ngưới vào núi bắt được một vượn con mang về. Vượn mẹ chạy theo đến nhà. Người nầy trói vượn con trên cây trong sân. Vượn mẹ trông thấy, quỳ xuống van xin, giơ tay tự tát vào má mình. Người đó chẳng những không tha còn giết chết vượn con. Vượn mẹ trông thấy, kêu khóc thảm thương, rồi lộn đầu xuống đất mà chết. Người đó bèn mỗ bụng vượn mẹ ra, thì thấy ruột đã bị đứt từng khúc một. Nên, thành ngữ nầy dùng để chỉ sự nhớ thương bi thiết, hoặc qúa mức đau lòng mà " Đứt từng đoạn ruột "!
6. Cây ngã hồ tôn đi tứ tán : là " Thọ đão hồ tôn tán ! 樹倒猢猻散 !" Có nghĩa : Cây đã ngã rồi thì lũ khỉ cũng sẽ tan hàng ! Theo tích sau đây :
Trong sách Thuyết Phù được biên soạn bởi Đào Tông Nghi, trong đó có một câu truyện như sau :
Vào thời Nam Tống , có người tên là Tào Vịnh, vì có quan hệ mật thiết với Thừa Tướng lúc bấy giờ là Tần Cối nên được phong làm quan lớn. Mọi người đều a dua theo ông ta để được phong quan, duy chỉ có em vợ cuả ông ta là Lệ Đức Tân, người rất chính nghĩa, không thích a dua, thà chịu giữ chức thư lại nhỏ nhoi ở địa phương chứ không về hùa với ông anh rễ. Tào Vịnh rất giận, ra lệnh cho quan huyện địa phương gây áp lực và làm khó ông em vợ cứng đầu nầy, nhưng Lệ Đức Tân vẫn không khuất phục.
Sau khi Tần Cối chết, những người theo hùa với ông ta đều bị rơi đài. Tào Vịnh cũng bị biếm đến đất Tân Châu của vùng Quảng Đông. Lúc nầy, Lệ Đức Tân mới làm một bài phú có tựa là " Thọ Đão Hồ Tôn Tán Phú 樹倒猢猻散賦 ". Nội dung châm biếm những người a dua với Tần Cối như là lũ khỉ, dựa hơi Thừa Tướng để tác oai tác phúc. Nay cây đã ngã rồi thì lũ khỉ nhóc cũng phải tan hàng mà thôi. Tào Vịnh đọc bài phú tức đến ói máu, nhưng cũng không làm gì được cái ông em vợ chính trực kia !!!