Nhãn

26 tháng 12 2015

C. Ban Tiệp Dư

<C.006><Giai thoại văn chương> 
Tên bài: 
BAN TIỆP DƯ
(Cung oán bài 3)
Tác giả: VƯƠNG DUY
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


        班婕妤                              BAN TIỆP DƯ
        怪來妝閣閉,             Quái lai trang các bế,
        朝下不相迎。             Triều hạ bất tương nghinh.
        總向春園裡,             Tổng hướng xuân viên lý,
        花間笑語聲。             Hoa gian tiếu ngữ thanh.
        王維                                  Vương Duy

★ Chú thích

- Quái Lai : Quái lạ ! Sao lạ Vậy !
- Trang Các : Cái Gác trang Điểm, Chỉ cái lầu cái gác cuả các bà các cô ở, chữ nầy cũng như chữ Trang Đài vậy.
- Triều Hạ : là Tan Triều,là Bãi Triều.
- Bất Tương Nghinh : là Không Nginh đón nhau.
- Tổng Hướng : là Đều Hướng Về. Tất cả đều hướng về.

★ Nghĩa bài thơ

        Lạ nhỉ, sao gác ngọc của nàng lại đóng im ỉm thế kia, tan chầu rồi cũng không ra nghêng đón đức vua. Ôi, Tất cả cũng chỉ để hướng về bên trong vườn xuân ấy, há chẳng nghe thấy tiếng cười nói trong hoa đó hay sao ?! ( Nếu ta cũng lẫn vào trong đó, thì cũng chỉ thêm một tiếng cười nói tầm thường vô nghĩa mà thôi ! ).

        Nỗi oán hận âm ỉ trở nên bất bạo động, thay vì phải mở cửa để giả lả chào đón vua khi tan chầu, để mong có may mắn được nhà vua dòm dõ tới hay chăng. Đằng nầy nàng đóng kín cửa không thèm chào đón vua, vì nàng biết rằng chào đón cũng chẳng hề được vua đoái hoài, và như tất cả những cung nữ mơ mộng được vua thương đổ về nói nói cười cười trong vườn Thượng Uyển cũng vô ích mà thôi !

        Nàng cao ngạo hờn lẫy âm thầm đóng kín cửa chịu đựng với số phận hẩm hiu của mình, chớ không " Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra " như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu.


★ Diễn nôm

        Quái lạ, sao đóng cửa,
        Tan chầu chẳng tiếp nghinh.
        Trong đám xuân viên đó,
        Thêm chi một chút tình !

* Diễn lục bát

        Lạ lùng sao cửa đóng im,
        Tan chầu nàng cũng chẳng thèm tiếp nghinh.
        Hướng về vườn Ngự hoa xinh,
        Trong hoa cười nói chút tình như không !
        Đỗ Chiêu Đức

        * Bản viết tay của Đỗ Chiêu Đức năm 1972 bài BAN TIỆP DƯ của Vương Duy.

Không có nhận xét nào: