VÔ ĐỀ 1 - LÝ THƯƠNG ẨN (813-858)
无题
相見時難別亦難,
東風無力百花殘;
春蠶到死絲方盡,
蠟炬成灰淚始乾。
曉鏡但愁雲鬢改,
夜吟應覺月光寒;
蓬萊此去無多路,
青鳥殷勤為探看。
李商隱
* LÝ THƯƠNG ẨN (812-858), tự là Nghĩa Sơn, nên thường đựơc gọi thân mật là Lý Nghĩa Sơn. Ông sống vào thời Vãn Đường (836-907), nhà Đường xuống dốc và sụp đổ nhanh chóng. Nông dân bị bóc lột, sưu cao thuế nặng, quan lại hà hiếp, sự xa hoa trụy lạc của bọn quí tộc quan liêu. Lời hịch khởi nghĩa truyền nhau đã dẫn dắt đến nhiều cuộc nổi dậy để đòi quyền sống, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào. Trong cảnh xã hội nhiễu nhương, đất nước loạn ly phân tán, nền văn học Trung Hoa cũng đột nhiên chuyển biến mang tính chất lãng mạn, phóng khoáng, hiện thực, trữ tình, đem tình yêu nam nữ vào thi ca, và những nhà thơ nổi tiếng trong thời kỳ nầy có thể nói là Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục, Tào Đường, Ôn Đình Quân, Đỗ Tuân Hạc…
Lý Thương Ẩn nổi tiếng qua những bài thơ VÔ ĐỀ vì có ẩn tình riêng. Cuộc đời tình ái của ông vô cùng lãng mạn như thanh niên nam nữa hiện nay, ông yêu cả 2 chị em nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương, yêu cả người Thị thiếp của Lệnh Hồ Sở là Cẩm Sắc, yêu cả một Thiên kim tiểu thơ tên Liễu Chi....nên thơ của ông như tình của ông dàn trãi mênh mông, cuồng nhiệt, say mê đắm đuối mà... mơ hồ không rõ đối tượng, vì thế mà có tựa là VÔ ĐỀ, trong khi mọi người đều làm thơ HỮU ĐỀ, và ông lại nổi tiếng nhờ vào những bài thơ Vô Đề đó cho mãi đến hiện nay, và... Mọi người đều tôn xưng ông là ông Tổ của thơ VÔ ĐỀ.
★ Dịch nghĩaGặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó hơn Gió xuân không đủ sức, để trăm hoa phải tàn úa
Con tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ lòng
Ngọn nến tàn thành tro mới khô những giọt lệ nến
Sớm mai soi gương mới buồn cho tóc mây đã thay đổi
Ban đêm ngâm thơ mới chợt nhận ra ánh trăng lạnh lẽo
Đường đến Bồng Lai không có nhiều lộ
Ân cần nhờ chim xanh dọ hỏi dùm
★ Dịch thơ
VÔ ĐỀ 1
(Tương kiến thì nan biệt diệc nan)
Khó gặp nên thời khó biệt nhau
Gió xuân lả cánh để hoa nhàu
Con tằm kiệt sức đường tơ cạn
Ngọn nến khô ngòi mắt lệ lau
Chải tóc nhìn gương buồn chuyển mái
Ngâm thơ cảm nguyệt lạnh phai màu
Bồng Lai dẫn đến không nhiều lộ
Mượn lũ chim trời hỏi biết mau.
Mai Thắng
-----------------------------
1. Dịch thơ của Nguyễn Thiên Long
VÔ ĐỀ
Gặp nhau xa nhau lòng thấy đau
Chẳng vì gió hoa tàn thấy sầu
Như xuân tầm nhả tơ đến thác
Nến tuôn cháy đến bấc tận bạc
Râu tóc bạc màu buồn tới mau
Ánh nguyệt lạnh thâu thơ ngân sâu
Có đường nào đưa tới thiên thai
Chim ơi đưa ta tới … lâu dài
Nguyễn Thiên Long
2. Họa theo bài dịch của Đinh Hoàng Nhân
Y ĐỀ
Phải có duyên thời mới gặp nhau
Đừng phơi giữa gió để loang nhàu
Do đầu ngọn nến không người giữ
Bởi ngọn tơ tằm chẳng gã lau
Tóc xoã bờ vai nhìn đẹp mái
Tình gieo gió biển thấy tươi màu
Trôi vào cảnh mộng bồng lai ấy
Đuổi bướm chơi đùa hỏi muốn mau???
No Đinh Văn
3. Họa theo bài dịch của Peter Lý
VÔ ĐỀ
Xum vầy đã khó huống xa nhau
Ngọn gió đông sang nụ chả nhàu
Rút xác đường tơ tằm kiệt lực
Bấc tàn lệ đổ nến khô lau
Soi gương cầm lược buồn trên tóc
Ngắm nguyệt viết thơ mực lạnh màu
Tiên cảnh hình như còn một lối
Chim xanh cất tiếng chuyển tin mau
Peter Lý
4. Họa theo bài dịch của Phạm Thị Đào
VÔ ĐỀ
Có duyên mới gặp ,khó lìa nhau
Gió lạnh làm hoa đổi sắc màu
Kiệt sức tằm buông tơ cũng cạn
Tàn ngòi nến tắt, lệ vừa lau
Soi gương tóc bạc buồn hiu mái
Ngắm nguyệt đêm khuya lạnh lẽo màu
Đường đến Bồng lai duy nhất lộ
Chim trời chỉ giúp hướng về mau...
9/8/19 TDP
5. Cảm tác của Nhất Mai Thư Hoàng
Bản dịch 2
Chẳng dễ gặp càng khó lúc xa
Gió xuân nan thắm lại hoa già
Tơ lòng đến thác tằm mong trả
Ngọn nến thành tro lệ mới xa
Dưới nắng soi gương chua tóc nhạt
Trong đêm ngân tiếng lạnh trăng nhòa
Thiên thai chốn ấy đà nên bước
Mượn cánh chim trời đưa lối ta..
9.8.19
Nhất Mai Thư Hoàng
6. Dịch thơ lục bát của Nguyễn Quê
Gặp đã khó, chia lìa càng khó
Trăm hoa tàn bỡi gió đông suy
Tơ lòng nhả hết “Tằm” đi
Nến thành tro xám, lệ thì cạn khô
Soi gương sớm buồn cho đầu bạc
Ngâm thơ đêm lạnh nhạt ánh trăng
Non bồng đường có xa chăng?
Chim xanh xin hãy dò thăm cho cùng
Nguyễn Quê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét