THI HỎNG
Đã trượt kỳ thi trở gót về
Gia đình biểu hiện nỗi buồn tê
Thằng em lạ lẫm bày vô cảm
Đứa chị chanh chua giảng nhúng trề
Thất vọng ngầm than lòng mẹ tỏ
Ôm mừng thiện hữu chó vàng vê
Trò chơi đậu rớt thương phần trẻ
Lãnh mọi niềm đau ngấm đủ bề.
Mai Thắng – 190628
♣ Bài họa của Phương Hà
THI TRƯỢT TRỞ VỀ
Ôm sầu thi trượt phải quay về
Không khí trong nhà ngập tái tê
Mẹ thẫn thờ nhìn, đôi mắt lạc
Chị dè bĩu nguýt, cánh môi trề
Thản nhiên, em nhỏ ôm tay me.
Nặng trĩu, lòng riêng khổ tứ bề
Chỉ có chó vàng vui vẻ đón
Ôm mừng cậu chủ, dáng vân vê.
Phương Hà
( 20/06/2019 )
♣ Bài họa của Song Quang
NỔI BUỒN THI RỚT
Mặt buồn rười rượi gắng quay về
Thi rớt trong lòng quá tái tê
Mẹ thấy nảo nề ,bày mắt ướt
Chị nhìn dè bỉu,tỏ môi trề
Thờ ơ em nhỏ không màng ngó
Mừng rỡ chó phèn nhảy xổm vê
Không khí bao trùm như vắng lặng
Trong tâm cậu bé khổ trăm bề
songquang
20190630
-------------------------
♣ Diễn giải của Hoàng Hải Vân
Một bức tranh, một bài thơ và một triết lý giáo dục
Bức tranh trên đây có tên “Lại điểm 2” của họa sĩ kiêm nhà sư phạm nổi tiếng người Nga Fyodor Pavlovich Reshiotnikov, vẽ năm 1952, hiện được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Nga, bức tranh còn được đưa vào sách giáo khoa hiện nay của nước này. Một đứa bé bị điểm 2 (điểm kém nhất) về nhà như bị đưa ra phán xét : Chị của nó, một Đội viên thiếu niên tiền phong quàng khăn đỏ nhìn nó như rủa sả. Mẹ nó ngồi buồn rầu thất vọng về con. Em nó nép vào mẹ vô tư cười nhìn nó như một kẻ xa lạ. Nó thì đau buồn tuyệt vọng. Chỉ có con chó là chồm lên ngực nó vui mừng.
Bức tranh là lời cảnh báo : Điểm số ở trường chưa nói được đứa trẻ là giỏi hay kém, nhưng thái độ của gia đình đối với điểm số đó có thể đưa em vào hoang tưởng hay đẩy em xuống tuyệt vọng. Và ta hiểu vì sao trẻ con gắn bó với những con chó hơn là người lớn chúng ta gắn bó.
Ở một phương trời khác, hơn 1000 năm trước, thi hào Bạch Cư Dị viết một bài thơ tương tự, nhưng ở tầm “người lớn” :
LẠC ĐỆ
Lạc đệ viễn qui lai
Thê tử sắc bất hỷ
Hoàng khuyển độc hữu tình
Đương môn ngọa dao vỹ
(Bạch Cư Dị)
----------------
THI HỎNG
Thi hỏng về đến nơi,
Vợ con mặt không vui,
Chó vàng riêng có tình,
Giữa cửa nằm vẫy đuôi
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Thật là thú vị khi thấy hai con người vĩ đại ở vào hai thời đại cách xa nhau cùng mượn con chó để nói về một triết lý giáo dục làm người. Thứ triết lý không thể nói hết bằng lời nên hai ông phải nói bằng một bức tranh và một bài thơ. Bình luận thêm có lẽ sẽ thừa.
HOÀNG HẢI VÂN
--------------------
♣ Diễn giải của Đỗ Chiêu Đức
Bức tranh rất sống động, bài thơ rất mĩa mai, triết lý rất sâu xa... Nhưng, bài thơ KHÔNG PHẢI của Bạch Cư Dị mà của ĐƯỜNG THANH THẦN 唐青臣 trong TÙY VIÊN THI THOẠI 隨園詩話 của Viên Mai 袁枚(1716-1797)đời nhà Thanh. Nguyên văn như sau :
不第遠歸來 Bất đệ viễn quy lai,
妻子色不喜 Thê tử sắc bất hỉ.
黃犬恰有情 Hoàng khuyển kháp hữu tình,
當門臥搖尾。 Đương môn ngọa dao vĩ.
* Chú thích
- LẠC ĐỆ 落第 : LẠC là Rơi, Rụng, Rớt... Nên LẠC ĐỆ là Thi Rớt.
- BẤT ĐỆ 不第 : ĐỆ là Thứ Bậc, là Xếp hạng. Nên Bất Đệ là Không được Xếp Hạng là KHÔNG ĐẬU.
- THÊ TỬ 妻子 : là Vợ Con, nhưng chỉ có nghĩa là CON VỢ mà thôi. Vì THÊ TỬ là từ Kép dùng để chỉ Con Vợ, Bà Vợ, Bà Xã...
- KHÁP 恰 : là Phó từ có nghĩa :Vừa vặn, Đúng lúc. Nhưng ở đây KHÁP là Liên Từ là từ Nối dùng để nối một ý bất ngờ hoặc ngược lại, có nghĩa như là LẠI của ta, nên câu thơ "黃犬恰有情 Hoàng khuyển KHÁP hữu tình" có nghĩa : Con chó vàng LẠI có tình cảm (như con người).
- ĐƯƠNG MÔN 當門 : là Ngay trước cửa. Nên câu "當門臥搖尾 Đương môn ngọa dao vĩ. Có nghĩa : " Nằm vẫy đuôi ngay trước cửa !" (để mừng chủ về).
* Diễn Nôm
Không đậu từ xa về
Sắc mặt vợ ủ ê
Con phèn tình vẫn thế
Vẫy đuôi mừng hả hê!
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét