Nhãn

23 tháng 11 2015

C. Hoàng Hạc Lâu

<C.001><Giai thoại văn chương>

Đề tài: HOÀNG HẠC LÂU
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức


* PHẦN GIỚI THIỆU

        Hoàng Hạc Lâu (HHL) nằm ở trên Hoàng Hạc Cơ của Xà Sơn thuộc đất Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Được xây dựng từ năm Hoàng Võ thứ 2 của nước Đông Ngô thời Tam Quốc (223 sau CN). Theo sách Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí ghi lại :"Tôn Quyền khi xây Cố thành ở Hạ Khẩu, vì thành tây giáp Trường Giang, góc Giang Nam lại có bờ đá lớn, nên xây lên một lầu cao để quan sát, gọi tên là HHL. Lầu được xây dựng cho mục đích quân sự". Nhưng theo sách "Cực Ân Lục" ghi lại, thì HHL là do dòng họ Tân Thị xây lên để làm tửu lâu.

        Qua các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, trước sau được tu sửa đến 10 lần, nhưng cuối cùng vẫn bị hũy ở đời vua Quang Tự thứ 10 (1884). Từ đời Bắc Tống cho đến khi bị hũy, HHL từng là Đạo Tràng lớn của Đạo giáo (Lão giáo). Là nơi truyền đạo của tiên ông Lữ (Lã) Động Tân (một trong Bát Tiên), tương truyền Tổ Sư Lã Động Tân đã cởi hạc thăng thiên trong ngày 20 tháng 5 ở HHL, nên nơi đây trở thành thánh tích của Đạo Giáo từ đó.

* HOÀNG HẠC LÂU hiện nay

    Năm 1957, khi xây cầu bắt ngang sông Trường Giang ở Vũ Xương, chân cầu dẫn đã chiếm dụng mất địa chỉ cũ của HHL. Mãi đến năm 1981, chính quyền TP Vũ Hán mới căn cứ các tư liệu lịch sử cho xây dựng lại HHL, cũng trên Xà Sơn nhưng cách địa chỉ cũ khoảng 1 ngàn mét. Đến tháng 6 năm 1985 mới khánh thành và cũng trở thành biểu tượng của TP Vũ Hán.

        HHL mới gồm 5 tầng, cộng thêm 5 mét đỉnh tháp là hình một Hồ Lô khổng lồ. Tổng chiều cao là 51,4 mét, cao hơn lầu cũ khoảng 20 mét, chiều rộng là 30 mét, gấp đôi chiều rộng của lầu cũ. Toàn bộ được xây dựng bằng bê tông cốt sắt kiên cố. Trong ngoài, cỏ cây hoa kiểng, tranh họa, điêu khắc ... đều theo một chủ thể là "Bạch vân Hoàng Hạc". Cột lớn 2 bên là một đôi câu đối dài 7 mét như sau :
        爽氣西 來 雲霧掃開天地撼, // 大 江東 去波涛 洗净 古 今愁。
        Phiên âm Hán Việt: Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám / Đại giang đông khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu. 
        Dịch nghĩa : Hơi mát từ hướng tây đến, mây mù quét sạch mở ra làm lay động đất trời. / Sông lớn chảy về đông, sóng gió theo dòng rửa sạch cả nỗi sầu kim cổ.

        Hoàng Hạc Lâu là một "Đệ nhất lâu danh thắng" bao đời nay của Trung Hoa, thu hút biết bao văn nhân, thi sĩ đến đây để ngâm vịnh. Trong số đó, phải kể đến bài thơ Thất ngôn Bát cú của Thôi Hiệu là tuyệt tác nhất, thơ và lầu cùng bổ túc cho nhau để cùng lưu danh thiên cổ. Chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ tuyệt tác này



1. HOÀNG HẠC LÂU

1.1. Nguyên bản Hán Văn

        黄鹤樓                                 HOÀNG HẠC LÂU 
        昔人已乘黃鶴去             Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
        此地空餘黃鶴樓             Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu        
        黃鶴一去不復返              Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản       
        白雲千載空悠悠             Bạch vân thiên tải không du du 
        晴川歷歷漢陽樹             Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ
        芳草萋萋鸚鵡洲             Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
        日暮鄉關何處是             Nhật mộ hương quan hà xứ thị 
        煙波江上使人愁             Yên ba giang thượng sử nhân sầu  
        崔颢                                                 Thôi Hiệu

1.2. Dịch nghĩa Việt văn

        Người ngày xưa đã cởi hạc bay đi mất rồi, nên nơi nầy chỉ còn lại một Hoàng Hạc Lâu trống không mà thôi. Hoàng hạc đã một đi không trở lại, chỉ có mây trắng là vẫn dằng dặc bay mãi ngàn năm. Trời quang mây tạnh trên sông nên nhìn rõ cả những hàng cây bên bờ Hán Dương đối diện, và màu cỏ non xanh biếc trên bãi Anh Vũ ở giữa ngả ba sông. Khi chiều xuống, lúc mặt trời chen lặn, ta không phân biệt phương nào là hướng của quê hương, nên dạ chợt âu sầu vì khói sóng trên sông mờ mịt... Cảnh dẫn đến tình và tình hòa vào cảnh thành một bức tranh sống động gợi cảm tuyệt vời !

1.3. Giải thích từ ngữ

        Tích 昔 : Cũ, xưa. Chiết tự chữ nầy gồm có 3 chữ : Niệm 廿, Nhất 一 và Nhật 日. Niệm (còn đọc là TRẤP) nghĩa là 20. Nhất là một. Nhật là ngày. Chuyện nào đó mà qua 21 ngày là CŨ rồi. Sở Khanh đã dùng chữ Tích nầy rồi thêm vào chữ Việt 越 là Tẩu 走 và Tuất 戌 vào nữa để dụ dỗ cô Kiều bỏ trốn. Cô Kiều cũng thông minh đáo để, cô đã.... Lấy trong ý tứ mà suy :"Ngày hai nươi mốt, tuất thì phải chăng?"
        Thừa 乘 : Cởi, Đi. Ví dụ (Vd) : Thừa mã là cởi ngựa. Thừa xa là đi xe. Trong bài thơ là Thừa Hoàng hạc là Cởi hạc vàng. Thừa còn có nghĩa là Nhân cơ hội. Nhân dịp Vd : Thừa Hứng là nhân lúc còn đang hứng thú. Thừa còn một nghĩa nữa là Toán Nhân. Vd : Thừa số.
        Phản 返 : Đi ngược trở lại. Vd : Phản hồi : đi trở về. Có bộ Xước là bước đi. 反 : Ngược lại. Vd : Phản bội, phản nghịch. Phản Trụ đầu Châu....
        Du 悠 : Xa, Dài. Lâu. Du du : có nghĩa là diệu vợi, dằng dặc..
攸 : Tên của cụ Nguyễn Du. DU nầy có nghĩa là nơi đây, chốn nầy.
        Lịch 歷 : Từng trải, kinh qua. Có bộ Chỉ là dấu chân ở bên dưới. Vd: Lịch lãm, Lịch duyệt. Trong bài Lịch Lịch có nghĩa là rành rành, rõ ràng từng chút một. 曆 : Lịch nầy có bộ Nhật bên dưới là Cuốn Lịch mà ta xé hằng ngày.
        Thê 萋 : Vẻ xanh của cỏ. Thê Thê là xanh non, mơn mởn. Có bộ Thảo trên đầu. Còn 妻 không có bộ Thảo. THÊ là Bà xã, là Hiền Thê Lương Mẫu.
        Mộ 暮 : Chiều, hoàng hôn. Bộ Nhật nằm bên dưới, chỉ mặt trời lặn. 墓 : Mộ Mả. Bộ Thổ ở bên dưới, chỉ đã dùi sâu dưới 3 tất đất đất.慕 : Ái mộ. Ngưởng mộ. Có bộ Tâm ở bên dưới ( chữ Tiểu thêm 1chấm ).募 : Quyên góp, Bắt. Vidu.: Mộ quyên là ddi lạc quyên. Mộ Binh là bắt lính. Chữ Mộ nầy có bộ Lực ở dưới. có nghĩa là phải bỏ công sức ra mà làm.
        Sử 使 : Phó từ : Có nghĩa Làm cho, Khiến cho.Sử Nhân Sầu : Khiến cho người ta buồn. Động từ : Dùng, Xài. Vd : Sử dụng. Danh từ : Đọc là SỨ. Sứ giả, Sứ thần, Đại Sứ.

1.4. Dịch thơ

        Người xưa đã cởi hạc bay cao
        Bỏ lại ven sông Hoàng Hạc Lâu
        Hoàng hạc một đi không trở lại
        Bạch vân muôn thuở vẫn bay mau
        Hán Dương sông tạnh rừng cây tỏ
        Anh Vũ bãi xa cỏ biếc màu
        Chiều xuống quê nhà xa chẳng thấy
        Đầy sông khói sóng ngẩn ngơ sầu !
        Đỗ Chiêu Đức.

* Bài diễn nôm Luc Bát của Thi sĩ Tản Đà :

        Hạc vàng ai cởi đi đâu
        Mà đây Hoàng Hạc riêng Lầu còn trơ
        Hạc vàng đi mất từ xưa
        Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
        Hán Dương sông tạnh cây bày
        Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
        Quê hương khuất bóng hoàng hôn
        Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !...

        Quả là cảnh tình hợp nhất, tình cảnh tương liên, hòa hợp thành một bức tranh tuyệt tác... Thảo nào mà khi đến đây, nhìn lên vách thấy bài thơ nầy, Thi Tiên Lý Bạch đã phải quẳng bút mà than rằng :

        眼前有景道不得            Nhởn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
        崔颢题詩在上頭            Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

        Nghĩa là trước mắt có cảnh mà nói chẳng nên lời, vì Thôi Hiệu đã đề thơ ở phía trên đầu ta rồi! Vì Lý biết chắc rằng, nếu mình có miễn cưỡng làm thơ, thì chắc chắn chẳng bao giớ bằng được bài thơ mà Thôi Hiệu đã làm, nên thôi. Nhưng nỗi lòng ấm ức vẫn cứ mãi âm ĩ trong tâm, cho nên khi đến đất Kim Lăng, lên ngắm cảnh trên Phụng Hoàng Đài, ông mới xúc cảnh sinh tình, mà làm nên bài thơ " Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài " rất xuất sắc, gieo vần và âm hưởng đều tương tự như bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Phải chăng để giải tỏa đi cái ấm ức bấy lâu nay ở trong lòng ? Ta hãy cùng đọc bài thơ này



2. PHỤNG HOÀNG ĐÀI

2.1. Nguyên tác Hán Văn

        登金陵鳳凰台                     ĐĂNG KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI
        鳳凰台上鳳凰游,         Phụng Hoàng Đài thượng Phụng hoàng du   
        鳳去台空江自流。         Phụng khứ đài không, giang tự lưu
        吳宮花草埋幽徑,         Ngô cung hoa thảo mai u kính
        晉代衣冠成古邱。         Tấn đại y quan thành cổ khâu
        三山半落青天外,         Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
        二水中分白鷺洲。          Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu 
        總為浮雲能蔽日,          Tổng vị phù vân năng tế nhật
        長安不見使人愁。          Trường An bất kiến sử nhân sầu !
        李白                                        Lý Bạch 

2.2. Dịch nghĩa Việt văn

Lên Phụng Hoàng Đài ở Kim Lăng.
Ngày xưa, phụng hoàng đã từng dạo chơi trên đài Phụng Hoàng nầy,
Nay phụng đã đi rồi, chỉ còn dòng sông lặng lẽ trôi.
Hoa cỏ trong cung Ngô ngày xưa, nay đã tiêu điều trong hẽm vắng,
Những bậc vương hầu khanh tướng nhà Tấn, nay cũng chỉ còn lại những nấm mộ xưa.
Nhìn ra xa, trong cảnh mây mù, ba ngọn núi liền nhau như bị rớt một nửa trên vòm trời xanh,
Bên dưới dòng sông Tần Hoài tách làm đôi chảy thành 2 nhánh bởi cù lao Bạch lộ (cù lao có rất hiều cò trắng trên đó mà thành tên ).
Trong cảnh trí nầy, mây mù lại che khuất cả vầng thái dương,
Nên không thấy được đất Trường An, khiến cho người ta càng thấm thía thêm nỗi sầu nhân thế...(Ông ví mây mù như là bè lũ nịnh thần, che lấp mặt trời, lấn áp Thiên tử, khiến cho người ưu thời mẫn thế cảm thấy lo buồn...) (Theo Đường Thi Tam Bá Thủ).

2.3. Giải thích từ ngữ

- Phụng Hoàng Đài: nằm ở Phụng Đài Sơn thuộc TP Nam Kinh (là Kinh đô Kim Lăng ngày xưa), phía nam Quận Giang Ninh thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Tương truyền vào năm Tống Nguyên Gia của thời Nam Triều có rất nhiều chim Phụng hoàng tụ tập ở nơi nầy, vì thế mà xây đài tưởng niệm, Đài và Núi đều lấy tên Phụng Hoàng từ đó.
- Mai 埋 : chôn, vùi. Vd : Mai một ; vùi lấp, chôn vùi.
- Y Quan 衣冠 : Áo mão : chỉ những người quyền quý, quan chức.
- Cổ Khâu 古邱 : Gò đất xưa, ở đây ý chỉ các gò đất hoang.

2.4. Dịch thơ

        Phụng Hoàng Đài trước phụng hoàng chơi
        Phụng đã biệt tăm, sông vẫn trôi
        Hoa cỏ cung Ngô đà vắng vẻ
        Y trang nhà Tấn cũng xa rồi
        Ba núi lưng trời như ẩn hiện
        Hai dòng sông nước rẻ đôi nơi
        Cũng bởi mây mù che mặt nhật
        Trường An chẳng thấy dạ bồi hồi!
        Đỗ Chiêu Đức.

        So với " Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu " thi bài nầy ngụ ý xâu xa hơn, thâm trầm và có chiều sâu hơn, kỹ thuật cũng nghiêm cẩn hơn, nhưng thơ của Thôi Hiệu lại khoáng đạt hơn, trực tả cảnh trí trước mắt, hơi thơ liền lạc đi một mạch từ đầu đến cuối, và " đi " thẳng vào lòng người đọc !.... Hai bài đều có cái hay riêng, nhưng sao ta vẫn thấy Hoàng Hạc Lâu như vẫn thanh thoát và gợi cảm hơn... Có phải chăng... tại Hoàng Hoạc Lâu gần gũi, thân thiết với người đọc hơn là với Phụng Hoàng Đài ?!!!....

        Không riêng gì Lý Bạch, còn có rất nhiều thi sĩ đương thời ngấm ngầm ganh tỵ với bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Họ không ganh ghét, mà chỉ muốn chứng tỏ tài năng của bản thân mình, vì địa vị và tài hoa của họ cũng không thua Thôi Hiệu chút nào cả.!. Trong số những thi sĩ ngấm ngầm nầy, ta thấy có Vương Xương Linh, tác giả của bài Khuê Oán nổi tiếng với "Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu!". Ông đã làm bài Vạn Tuế Lâu với đủ cả âm hưởng và vần điệu của Hoàng Hạc Lâu. Nào, ta hãy cùng đọc và tìm hiểu bài thơ nầy



3. VẠN TUẾ LÂU

3.1. Nguyên tác Hán văn

        萬歳楼                                     VẠN TUẾ LÂU
        江上巍巍萬歳楼。             Giang thượng nguy nguy Vạn Tuế Lâu
        不知経歴幾千秋。             Bất tri kinh lịch kỷ thiên thu
        年年喜見山長在。             Niên niên hỉ kiến sơn trường tại
        日悲看水独流。                 Nhật nhật bi khan thủy độc lưu
        猿狖何曾離暮嶺。             Viên dứu hà tằng ly mộ lĩnh
        鹭鷀空自泛寒洲。             Lô tư không tự phiếm hàn châu
        誰堪登望雲煙裏。             Thùy kham đăng vọng vân yên lý
        向晩茫茫發旅愁。             Hướng vãn man man phát lữ sầu 
        王昌齡                                     Vương Xương Linh. 

3.2. Dịch nghĩa Việt văn

Vạn Tuế Lâu cao cao ngất nghểu trên bờ sông Trường Giang,
Không biết là trải qua mấy ngàn thu rồi.
Nhưng, vẫn còn mừng vì mỗi năm đều trông thấy núi xanh vẫn còn đó,
Chỉ buồn là mỗi ngày đều thấy dòng nước âm thầm lặng lẽ trôi.
Bầy khỉ vượn vẫn luyến lưu chưa từng rời khỏi đĩnh núi mỗi khi chiều xuống,
Cũng như đàn cò kia vẫn luôn luôn bay lượn vô tư lự trên bãi sông lạnh lẽo.
Ai là người có thể leo lên đứng trên lầu cao nầy, nhìn vào trong khói mây mờ mịt mỗi buổi chiều,
Mà không thấy lòng trổi dậy một nỗi buồn lữ thứ tha hương ?!

3.3. Giải thích từ ngữ

- Nguy nguy : Cao ngất nghểu, cao vòi vọi.
- Kinh lịch : Từng trải, trải qua.
- Viên dứu : Từ kép chỉ Khỉ Vượn nói chung.
- Lô tư : Cò trắng, một loại chim đồng.
- Phiếm 泛 : Động từ, có nghĩa là trôi nổi, chợt hiện. bơi chèo. Vd: Phiếm chu là chèo thuyền đi vòng vòng chơi. Tính từ , có nghĩa Rộng rãi, Nói chung. Vd : Phiếm luận. Một nghĩa nữa là Hời hợt. Vd: Phiếm phiếm chi giao 泛泛之交 : là bạn bè bình thường, không thân thiết.

3.4. Dịch thơ

★ Bài dịch của Đỗ Chiêu Đức

VẠN TUẾ LÂU

Ngất nghểu trên sông Vạn Tuế Lầu
Mấy ngàn năm cũ vẫn cao cao
Mừng trông núi biếc còn trơ mãi
Buồn ngắm sông côi vẫn chảy mau
Lũ vượn luyến lưu chiều núi thẳm
Đàn cò bay lượn bãi sông sâu
Nào ai lên gác trông mây khói
Chiều xuống mênh mông lữ khách sầu!
Đỗ Chiêu Đức

★ Bài dịch của Thầy Nguyễn Hữu Lộc

VẠN TUẾ LÂU

Sừng sửng bên sông Vạn Tuế Lầu
Dãi dầu nào biết mấy nghìn thu
Năm qua mừng thấy non xanh vẫn
Ngày lại buồn trông nước một mầu
Khỉ vượn không rời chiều núi thẫm
Vạc cò lượn cánh bãi hoang sâu
Lên cao vời vợi trời mây khói
Lòng khách hoàng hôn bỗng phát sầu.
Mailoc phỏng dịch
10/10/2015

★ Bài dịch của Thầy Phạm Khắc Trí

VẠN TUẾ LÂU

Bên sông lừng lững mấy tầng cao
Lầu vạn năm xưa từ thuở nào
Trên núi đá trơ vui tuế nguyệt
Dưới dòng nước chảy thẹn trăng sao
Đầu non lũ vượn ngồi ngơ ngáo
Cuối bãi bầy cò lượn xớn xao
Mây khói mịt mờ thiên cổ lụy
Trời chiều đất khách những nao nao.
PKT 11/10/2015

        Mặc dù không so được với Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, và Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài cũa Lý Bạch, nhưng đây cũng là một bài thơ hay tả lại cảnh trí của một Danh Lâu thuở xưa ở trên Tây Nam thành của Phủ Trấn Giang thuộc Tỉnh Giang Tô.

        Còn rất nhiều thơ tả lại "Tứ Đại Danh Lâu" 四大名楼 (Đằng Vương Các, Hoàng Hạc Lâu, Nhạc Dương Lâu và Phù Dung lâu). Nhưng vì bài viết chỉ đề cập đến những bài thơ có liên quan đến Hoàng Hạc Lâu mà thôi....

Đỗ Chiêu Đức.

21 tháng 11 2015

Đặp Chắn Dòng Cửu Long

<D.114><Thời Sự Việt Nam>

Lượng cá về xuôi đang khánh kiệt

Lòng sông sắp cạn chảy dòng vơi



ĐẬP CHẮN DÒNG CỬU LONG

Đây rồi thảm trạng sẽ dần rơi
Tự hướng xa xăm tận góc trời
Lượng cá về xuôi đang khánh kiệt
Lòng sông sắp cạn chảy dòng vơi
Đồng khô đốt rụi màu xanh thắm
Nắng hạn bùng lên sức nóng ngời
Đập chắn trên nguồn gây hiểm họa
Nghe mùi biển cả thoáng từng nơi!

Maithang
20151121

-------------------
♣ Bài xướng của Phương Hà

THIÊN NHIÊN TUYỆT VỜI

Em hỏi vì sao có tuyết rơi
Mây bay vần vũ ở trên trời
Suối tuôn róc rách không ngừng nghỉ
Sóng vỗ ầm ào chẳng giảm vơi
Đêm lạnh mưa sa buồn áo não
Đỉnh cao băng đóng đẹp trong ngời
Tuyệt vời, tất cả đều do nước
Biến đổi theo mùa, tại mỗi nơi (*)

Sông Thu
18/11/2015

(*) Nước biến đổi trạng thái lỏng, hơi hoăc đông đặc
là do ảnh hưởng của nhiệt độ ( mùa, độ cao…) và địa hình…


-----------------
♣ Các bài hoạ khác  

1. VÌ EM...

Vì em sầu não tuyết sương rơi
Mưa gió buồn giăng tận cuối trời
Núi khóc âm thầm mây lắng đọng
Biển sầu dai dẳng sóng chơi vơi
Chiều đông năm ấy chưa phai nhạt
Nắng hạ ngày nao vẫn rạng ngời
Một kiếp phù du như cát bụi
Buồn vui rồi cũng đến cùng nơi.

Văn Thanh

-----------------
2. DUYÊN NỢ

Cho dù bão táp, gió mưa rơi
Ta mãi bên em đến góc trời
Âu yếm kề vai nhìn bướm lượn
Thì thầm tựa cửa ngắm trăng vơi
Sắt son gối mộng luôn nồng ấm
Lấp lánh sao đêm mãi sáng ngời
Duyên nợ ba sinh tròn hạnh phúc
Thỏa lòng chia sẻ khắp muôn nơi.

Như Thu

------------------

3. KHÉP MI...

Đừng hỏi vì sao lệ mãi rơi
Mênh mông mây xám úa chân trời
Thu sầu, biển vắng...hương thu đọng
Nguyệt khuyết, đêm tàn...bóng nguyệt vơi
Nước đã xa buông bờ cát lạnh
Dạ còn tưởng vọng cánh hoa ngời
Người xưa bàng bạc trong sương khói
Khép nhẹ mi buồn...ngỡ đến nơi !

Thy Lệ Trang



4. SINH THÁI ĐIÊU TÀN

Mưa tràn lũ lụt cứ tuông rơi
Thời tiết hiện nay chẳng thuộc trời
Hậu quả con người gây chất ngất
Tài nguyên trái đất mất dần vơi
Tai ương thảm họa nhiều tăm tối
Cảnh sống nguồn vui thiếu rạng ngời
Hỏi tại lòng tham không có đáy
Điêu tàn sinh thái khắp cùng nơi

Hải Rừng
19/11/2015

-------------------

5. THẢM HỌA CỬU LONG

Đồng bằng sông Cửu họa tràn rơi
Đất Việt tang thương khắp tận trời
Đê đập Vân Nam xây chắn nước
Thượng nguồn hoa lục tháo cho vơi
Miền Tây cạn thấp mùa khô nóng
Biển mặn trào dâng sóng ngất ngời
Lúa gạo đâu còn dễ sản xuất
Dân tình đói khổ chịu muôn nơi

Hải Rừng
22/11/2015

Áo trắng trên sân trường

<D.113><Tình Xã Hội>

Tinh khiết hồn thanh phơi bóng nắng
Trong veo ánh mắt mở đàn nai


ÁO TRẮNG TRÊN SÂN TRƯỜNG

Áo trắng tung tà tha thướt bay
Chừng như dáng phượng vẫn đua dài
Sân trường rộn chuyển bàn chân nghịch
Tiếng nói cười vang cảnh sắc say
Tinh khiết hồn thanh phơi bóng nắng
Trong veo ánh mắt mở đàn nai
Thời gian lắng đọng nhiều tâm cảm 
Bụi phấn về chiều vương tóc ai

Nguyễn Đắc Thắng
151120

-------------------

♣ Bài xướng của Phương Hà

NHỮNG TÀ ÁO TUNG BAY

Phất phơ rợp mát quãng đường dài
Cuốn hút tia nhìn ngây của ai
Đàn bướm rộn ràng trong nắng sớm
Ngàn hoa lay động giữa men say
Diụ dàng mềm mại thân hình sóng
Trong vắt ngây thơ ánh mắt nai
Cơn gió xôn xao như vẫy gọi
Những tà áo lụa thướt tha bay...

Phương Hà
20/11/2015

-----------------

♣ Bài cảm tác và hoạ của Đỗ Chiêu Đức

TÀ ÁO TRẮNG

Trưng Vương áo trắng bay bay
Gia Long áo tím cho dài ngẩn ngơ
Những chàng si học làm thơ
Suốt đời thơ thẩn nên ngơ ngẩn sầu!

Xe đạp song song giữa nắng chiều,
Thướt tha trong gió nhẹ hiu hiu.
Phất phơ áo trắng bay theo gió,
Xao xuyến lòng anh tuổi chớm yêu!

Theo gió phất phơ vạt áo dài
Thướt tha xao xuyến cỏi lòng ai
Nắng chiều nghiêng trắng lòng ngơ ngẩn
Gió nhẹ ửng hồng má tựa say
Tóc rối tung bay theo nhịp bước
Mắt huyền ngơ ngác sánh dường nai
Năm mươi năm lẻ lòng canh cánh
Hình bóng chập chờn áo trắng bay!

Đỗ Chiêu Đức

----------------------
♣ Các bài hoạ khác


MÙA THU ĐẤT KHÁCH 

Bao thu lạnh lẽo tháng năm dài
Đất khách sầu về đọng mắt ai
Tê tái tuổi vàng mơ ước cạn
Chập chờn quê cũ lắng hồn say
Đồng hoang lau lách bâng khuâng nhạn
Thung lũng rừng chiều réo rắt nai
Cánh hạc lững lờ theo gió cuốn
Nghìn đời mây trắng vẫn còn bay!

Mailoc
Cali 11-20-15

-------------------

TÀ ÁO BAY... 

Áo lụa em mang vạt đổ dài
Như đang vẫy gọi,đón mời ai
Cổng trường mở rộng càng tha thướt
Vành nón chao nghiêng thật đắm say
Những ước cùng thương theo gót ngọc
Rồi mơ lại mộng bám chân nai
Để rồi hụt hữang theo thời thế
Cánh phượng ngày xưa đã vút bay. 
 
Thái Huy
11-20-15

------------------

ÁO LỤA HÀ ĐÔNG

Viễn xứ thời gian lặng lẽ dài
Quê hương vạn dặm nhớ thương ai
Đêm thu lạnh lẽo đầu đen bạc
Ngày nắng âm u rượu trắng say
Tri kỷ còn đâu người cố cựu
Rừng phong lá đổ vắng hưu nai
Nâu sồng ai mặc lo kinh kệ
Áo lụa Hà đông chẳng thấy bay...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 20 tháng 11 năm 015

------------------

LƯU LUYẾN

Tiếng vạc trong đêm tiếng thở dài
Lòng buồn vời vợi tỏ cùng ai
Một thời tuổi trẻ nhiều mơ ước
Cái thuở nghiệp thầy nặng đắm say
Viên phấn thướt tha trên mặt bảng
Học trò ngơ ngát tựa đàn nai
Nhưng rồi trăng khuyết mòn năm tháng
Nhuộm lá thêm sầu giận gió bay.

Quên Đi
  
-----------------

ÁO TRẮNG NGƯỜI XƯA

Hình bóng người em áo trắng dài
Thuở còn cắp sách....đắm hồn ai!
Đôi tà tha thướt theo chiều gió
Nhịp bước khoan thai khiến đắm say
Chiếc nón nghiêng che làn nắng nhạt
Mắt huyền lay láy ngỡ như nai
Giờ đây cách trở mà luôn nhớ
Áo trắng ngày xưa.....vạt vẫn bay?

SONG QUANG

19 tháng 11 2015

Về thăm trường cũ

<D.112><Tình Xã Hội>

CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO 20/11/2015




VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

(cặp luận chơi đại vận)

Về thăm trường cũ nhớ xa xưa
Buổi tiễn lần đi lúc chuyển mùa
Hàng phượng ngậm ngùi hàng lá rụng
Tiếng ve thổn thức tiếng lòng đưa
Đằng sau cổng vắng loang tường nắng
Bên góc rào thưa mất bóng dừa
Hình ảnh sân cờ còn ẩn hiện
Ngỡ ngàng trời lại chợt tuôn mưa!

Nguyễn Đắc Thắng
140820

---------------------------------------------
& Các bài họa
---------------------------------------------

1. TRƯỜNG CŨ TÌNH XƯA


Cảnh cũ sao người vội khác xưa
Niềm ve khắc khoải nỗi đau mùa
Ngôi trường lũ bạn ngày xa cách
Đoạn bút đôi mình thủa tiễn đưa
Kỷ niệm còn xanh từng ngọn liễu
Thời gian đã bạc những thân dừa
Thương về mắt ngọc còn chi nữa
Chỉ thấy hoang tàng lệ đẫm mưa

Hong Mai
18/11/15

---------------------------------------------

2. VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

Ta đứng bùi ngùi dưới cổng xưa
Thay tên đổi hiệu biết bao mùa
Này nơi cầu gỗ giờ tan học
Nọ mé bờ lau gió đẩy đưa
Nón lá nghiêng che đường trắng áo
Tóc thề lơi xỏa bóng xanh dừa
Nước về cá lượn trên sân cỏ
Ba bốn anh gàn đi dưới mưa.

Cao Linh Tử
18.11.2015

---------------------------------------------

3. TRƯỜNG CŨ

Còn đâu cảnh cũ, mái trường xưa
Bóng dáng đổi thay đã mấy mùa
Văng vẳng tiếng cười, sương khói quyện
Âm vang hồi trống, gió mây đưa
Chơ vơ cổ thụ bên sân cỏ
Thui thủi thân đơn cạnh cụm dừa
Một thuở vui buồn qua ký ức
Bờ môi giọt mặn, lệ hay mưa

Văn Thanh

-------------------------------------------

4. HƯƠNG NHỚ NGÀY XƯA

Tiếc nhớ mà chi cái thuở xưa,
Thời gian thấm thoát đã bao mùa.
Lời thầy văng vẳng lời khuyên nhủ,
Tiếng bạn êm đềm câu tiển đưa,
Ánh mắt người thương bên rặng liễu,
Nụ cười ai gửi cạnh hàng dừa.
Làm sao kể xiết tinh thân ái,
Khi mỗi mùa sang nắng chuyển mưa.

Hoành Trần
18/11/1
5

16 tháng 11 2015

Tình thầy trò

<D.111><Tình Xã Hội> 

CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO 20/11/2015
Ghi vài kỷ niệm với các Thầy Trung học Kiến Phong


Đồng lương hạn hẹp không xin xỏ
Tay trái thêm vào chẳng đắn đo




CHUYỆN CŨ

Gửi chút tâm tư đứa học trò
Nhớ hồi thuở ấy thật buồn xo
Đồng lương hạn hẹp không xin xỏ
Tay trái thêm vào chẳng đắn đo
Lên lớp chớp thời che ngáp gió
Về nhà ngã sạp ngủ chò co
Nhờ ơn mưa móc đời đen đỏ
Cuộc sống bon chen phải bước mò!

Nguyễn Đắc Thắng

-----------------------------
♣ Bài xướng của Cao Linh Tử

CHUYỆN XƯA !

Nhớ chuyện thầy tôi với học trò
Đệ sư có lúc cũng buồn xo
Quyền uy dẫu hẳn không thiên vị
Lý lẽ bao giờ biết đắn đo
“Thày Giáo tháo giày nằm chỏng gong,
Giáo ch… giức cháo ngủ chò co!”
Ngôi trường còn đó người đâu tá!
Tiên học gì đây hậu học mò ?

Cao Linh Tử
11/11/2014

* Ch…trong bài đọc là chờ, chính chữ là chức.

-----------------------------
♣ Bài họa của Thầy Nguyễn Hữu Lộc

BẢY LĂM

Bảy lăm giáo chức thích pha trò
Mất dạy, người nào cũng ốm xo
Rau muống ngày ngày còn khó kiếm
Khoai mì tháng tháng hết so đo
Mặt mày bun bủn vì teo tóp
Bao tử lình bình bởi dãn co
Qui mã rụt rè sợ bị tóm
Thuyền ghe, bãi đáp cứ lò mò.

Mailoc

-----------------------------
♣ Bài cảm tác riêng của Nguyễn Xuân Gương
Tưởng nhớ thầy Nguyễn Văn Út

NHỚ THẦY

Đêm dài trằn trọc dạ bâng khuâng
Ký ức ngày xưa hiển hiện dần
"Thở dốc thầy kêu: lên phụ giảng
Giật mình tôi ngớ: dạ xin vâng
Chứng minh rành mạch lời bay bướm
Lý giải hùng hồn ý sáng ngần!"
Chợt tỉnh mới hay là giấc mộng
Nhớ Thầy hồn quyện tiếng chuông ngân.

Nguyễn Xuân Gương




* Giai thoại về Thầy Nguyễn Văn Út qua lời trần thuật của cựu học sinh Nguyễn Trước Lâm (Cao Linh Tử)
Hôm qua thăm thầy cũ Đức Minh, câu chuyện hàn huyên quanh những kỷ niệm xưa dưới mái trường.
Nhân nhắc lại một giai thoại cười ra nước mắt của thầy dạy môn toán, thầy Nguyễn Văn Út. Thầy đã ra thiên cổ từ lâu, giờ nhắc lại mà ngậm ngùi, xúc cảm đôi vần về câu đối hài hước của thầy:

“Đêm ba mươi, thầy giáo tháo giầy nằm chỏng gọng
Sáng mồng một, giáo chức giức cháo ngủ chò co!”

* Giức: tiếng lóng của người Miền Nam, nghĩa là ăn.

Vì cặp đối này mà thầy bị học trò của thầy kiểm điểm khiền trách nặng nề hồi đầu thập niên 80 thế kỷ trước.
Gởi thầy và các anh chị bài thơ này đọc chơi, nếu có nhã hứng xin mời họa ạ ! (Bài số 1)

* Lời của Thầy Nguyễn Hữu Lộc (cựu Hiệu trưởng)
Cao Linh Tử ơi ,
Cám ơn em đã sốt sắng đi tìm Thầy Đức Minh cho các thầy. Nhân em nhắc lại thầy Út ngày trước, thầy bùi ngùi lắm vì hai chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm thật khó quên. Để trả công cho em, thầy xin gởi bài họa cùng em, nhưng chịu thua không làm nổi hai câu đối với Thầy Út mà em còn nhớ để thầy Út mĩm cười nơi Chín Suối (cặp luận của bài số 2).
Xin cám ơn CLT.
Thân mến. ML

* Lời của Nguyễn Đắc Thắng (cựu học sinh)
Tôi biết và luôn nhớ Thầy Út với câu chuyện rất cảm động và cao cả. Sự việc khi gia đình Thầy rời Đồng Tháp (Kiến Phong) cũ về Sài Gòn và bán căn nhà ở đường Hùng Vương (gần ngả tư Ngô Thì Nhậm) ngày nay. Tiếng là chuyển địa bàn công tác nhưng thực ra là để có tiền lo cho thằng con đi Úc học.
Thầy Út rất được sự kính nể và thương mến của học trò THKP hồi trước. Một hội viên trong hội thơ Mây Hồng Cao Lãnh có làm bài thơ, chuẩn bị đăng trên tập thơ địa phương (ghi lại ở bài số 4)

Ngày Nhà giáo 20/11

<D.110><Ngày Nhà Giáo>

CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO 20/11/2015



VINH DANH NHÀ GIÁO

Sông dài hai lối trọc và thanh
Cuộc sống in màu sắc lá xanh
Nghiệp giáo điềm nhiên vùng đất hẹp
Sân trường chứng kiến bước chân nhanh
Tình yêu gieo hạt xa quan lộ
Lý tưởng trồng người gạt lợi danh
Bụi phấn ngày qua vương tóc trắng
Niềm vui thanh bạch chẳng tranh giành!

Nguyễn Đắc Thắng

----------------------

♣ Bài xướng của Phương Hà

TIẾNG THƠM MUÔN THUỞ

Dòng sông dẫu nước trong hay đục
Thì bến bờ kia vẫn mướt xanh
Mái tóc người chèo dù đã bạc
Con thuyền tri thức mãi trôi nhanh
Học trò bao kẻ nên cơ nghiệp
Thầy giáo một đời chẳng lợi danh
Cuộc sống thanh bần, lòng rộng mở
Tiếng thơm thiên hạ dám đâu giành.

Phương Hà

------------------------
♣ Các bài họa

THẦY CÔ GIÁO 

Cuộc sống luôn luôn rời bến đục
Tâm hồn mãi mãi hướng màu xanh
Đầu trần bụi phấn rơi rơi nhẹ
Mắt kiếng bàn tay lướt lướt nhanh
Từng lớp nhân tài xây dựng nghiệp
Muôn ngàn trí thức nối công danh
Hy sinh tất cả vì con cháu
Trái ngọt hoa thơm cũng chẳng giành

Thuyền Viễn Xứ

--------------------------

NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Rừng kia cây lá vẫn màu xanh
Nghề dạy đề cao nhất mọi ngành
Thầy giáo suốt đời luôn giữ mực
Học trò thay lớp mãi qua nhanh
Con thuyền tri thức không ham lợi
Sự nghiệp văn chương chẳng hám danh
Cuộc sống thanh tao tâm cao thượng
Mọi người tân bốc chẳng tranh giành.

Võ Đình Cử

X52. Thu Vàng

<D.109~Vần Thu Cảm> 


★ Bài xướng của Kim Phượng

THU VÀNG

Tôi đi tìm lại nắng thu vàng
Thu của năm nào trở tiết sang
Ngơ ngẩn thả hồn theo sắc thắm
Miên man mộng tưởng đến trăng tàn
Tình thư nắn nót o con chữ
Xương lá âm thầm ép những trang
Hơi lạnh thu mang lùa tóc rối
Ai lau nhan sắc nhuộm thu vàng

Kim Phượng
12/11/2015

-------------------------------------------
★ Các bài họa của Vườn Thơ Thẩn
-------------------------------------------

1. SẮC VÀNG MÙA THU

Xin gió đừng lay rụng lá vàng
Cho mùa đông xám khỏi theo sang
Trời mây bãng lãng màn sương nhẹ
Sông nước chơi vơi ánh nguyệt tàn
Áo lụa dịu dàng trong bóng nắng
Trang thư nhàu nhĩ dưới hành trang
Bên thềm, bụi cúc xôn xao nở
Nhuộm cả không gian với sắc vàng.

Phương Hà

------------------------------

2. VƯỜN THU

Đường cũ còn đây ngập lá vàng
Gió chiều lành lạnh chở mùa sang
Từ khi bướm bỏ vườn hoang vắng
Là lúc hoa rơi cánh úa tàn
Nhớ quá bờ vai ai mảnh khảnh
Thương hoài áo lụa nét đoan trang
Lấy gì đổi được trời thu ấy
Man mác hồn ta tuổi võ vàng.

Mailoc
Cali 11-13-15

------------------------------

3. TÌNH THEO MÙA THU

Một buổi trời thu có nắng vàng
Quen em nên cũng muốn tìm sang
Vờ xin xem lá rơi vừa rung
Mượn cớ nhìn hoa úa sắp tàn
Sẳn dịp trao thơ tình mới viết
Tìm vào nhật ký thảo vài trang
Ngập ngừng hàng dậu ngăn đầu ngỏ
Lại ngại ngoài hiên....cột chó vàng...hihi!!

Song Quang

------------------------------

4. SẮC VÀNG THU

Tà áo ai khoe lộng sắc vàng
Xui mình yêu trộm mỗi thu sang
Vô tư em hát trong nắng mới
Luyến tiếc anh lo nếu mộng tàn
Dẫu biết nhưng rồi đông vẫn đến
Niềm mơ đến lúc phải qua trang
Bao năm cách biệt anh còn nhớ
Tà áo ai khoe lộng sắc vàng

Quên Đi

------------------------------

5. TÌNH THU QUÊ MÙA

Ví dầu than nướng cá trê vàng
Chấm nước mắm gừng chả gọi sang
Xuồng đục lênh đênh con nước bạc
Cà rèm mát mẻ nắng thu tàn
Xuân tình bậu muốn nghe vài lớp
Vọng cổ qua vừa thuộc mấy trang
Gặp gỡ chung luồng câu dấu ó
Đồng không đâu có lá rơi vàng.

Cao Linh Tử
14.11.2015

------------------------------

6. GỬI MỘNG THU VÀNG

Tôi gửi cho em chút nắng vàng
Giao mùa nhuốm lạnh cũng vừa sang
Bao năm xa cách trời thu nhớ
Mấy lượt qua đi ánh nguyệt tàn
Mảnh đất trâu cày đang kiệt sức
Quê hương chuột túi đã thay trang
Hồn thơ giấc ngủ lời ru ấm
Để luyến vào mơ chuỗi mộng vàng!

Nguyễn Đắc Thắng
20151114

14 tháng 11 2015

Chùa Xưa

<F.118~Thơ Thiền>

Thiền môn gội rửa từ tâm thức
Lắng tiếng chuông chiều bớt mỏi mê!

   
 
& Bài xướng của Thầy Nguyễn Hữu Lộc

(Cựu Hiệu trưởng trường Trung học Kiến Phong ~
Hồi ức về chùa Linh Sơn Tự - Cao Lãnh)

 CHÙA XƯA

Ngày xưa tôi thích bước trong chiều
Chùa cổ một mình giữa tịch liêu
Cao vút hàng sao mưa trái rụng
Xoay xoay trong gió cánh quay đều.

Ra rả ve sầu nhạc khúc trưa
Hàng dương bóng ngã nắng lưa thưa
Rêu phong tháp cổ buồn im đứng
Lất phất cô đơn liễu bốn mùa.

Sen hồ vào hạ lá tròn xoe
Hàm tiếu hồng sen mấy cánh xòe
Thủy tạ nhịp cầu đà gãy đổ
Đáy hồ in nước mấy cành tre.

Ẩn mình rợp bóng mái chùa cong
Vách nứt hậu liêu mặc gió lồng
Lỗ chỗ tường vôi nhiều vết đạn
Ê a kinh mỏ vẳng trời không.

Chim chiều xao xác gọi trong cây
Cảm xúc lòng ai bỗng ngập đầy
Lẳng lẽ sư già gom xác lá
Khói un mờ mịt quyện lên mây.

Sau chùa nghĩa địa mộ lê thê
Tiếng khóc khói nhang thật não nề
Một cõi đi về ai tránh khỏi
Lòng tôi xao xuyến bước chân lê!

Mailoc
Cali 11-5-15

----------------------- 



& Bài họa của Mai Thắng

(Hồi ức về chùa Kim Quang và Hồng Liên - Cao Lãnh)

CHÙA XƯA

Tôi nhớ ngày xưa một buổi chiều
Lòng buồn lặng lẽ giữa cô liêu
Bước chân thất thểu đường hoang vắng
Định hướng vời trông tiếng mỏ đều.

Khi nắng oi nồng dỗ giấc trưa
Mây về bất chợt đổ cơn mưa
Cổng chùa ướt sủng hàng cây dậy
Giũ giọt mưa neo trước gió lùa.

Một góc tượng đài chiếc lộng xoe
Những con hạc duỗi cánh dang xòe
Đường hoa thẳng tắp màu trang đỏ
Dẫn lối sang bờ soi bóng tre.

Nằm ẩn mình sau lớp mái cong
Những ngôi tháp cổ nhánh cây lồng
Rong rêu bám víu theo ngày tháng
Lẳng lặng duyên đời ngộ sắc không.

Một góc bên thềm dưới tán cây
Lao xao chút động lá rơi đầy
Chuông trầm mấy tiếng công phu điểm
Mỏ cốc khua lòng gửi khói mây.

Tục lụy vương sầu khối thảm thê
Nhân sinh tan nát bước sang nề
Thiền môn gội rửa từ tâm thức
Lắng tiếng chuông chiều bớt mỏi mê!

Nguyễn Đắc Thắng
20151113

---------------
& Bài cảm tác khi đến chùa Hồng Liên lần đầu

DƯỚI BÓNG THIỀN

Tôi bước vào đây dưới bóng thiền
Hàng cây tượng Phật thảy bình yên
Hồi chuông tiếng mỏ chiều vang đọng
Nhẹ thản tâm lòng lắng nỗi riêng

13 tháng 11 2015

Trăng lả lơi

<D.108><Cảnh Trăng Sao>



TRĂNG LẢ LƠI

TRĂNG của xưa ngàn ánh vẫn chơi
NẰM ru hạ thế toả mơ đời
SÓNG trùng mở hội gom hoài bão
SOẢI cánh phi bằng vượt biển khơi
TRÊN đỉnh tầng cao mù mãi bám
CÀNH khô nhánh cỗi nụ không rời
LIỄU buông dáng rũ che tình gợi
ĐỢI GIÓ ĐÔNG VỀ ĐỂ LẢ LƠI.

Nguyễn Đắc Thắng
20151011

--------------------------------
♣ Bài xướng của Trần Tòng

ĐÊM BUỒN

TRĂNG đã chong đèn rủ lại chơi
NẰM nghe tiếng vọng ở bên đời
SÓNG vờn biển vắng loang bờ dọc
SOẢI cánh chim buồn lượn giữa khơi
TRÊN đỉnh Tiên bồng mi mãi khép
CÀNH cao Thánh ngự mắt không rời
LIỄU chờ giá lạnh màn sương phủ
ĐỢI GIÓ ĐÔNG VỀ ĐỂ LẢ LƠI....

Trần Tòng
11/10/2015

------------------------------
♣ Bài họa của Hường Xưa

LẢ LƠI

Trăng nhú lên kìa rủ bạn chơi
Nằm chi mệt mỏi rũ trong đời
Sóng chao mặt biển nghe hồn lắng
Soải vẫy chân chàng ngóng dạ khơi
Trên núi xa vời vang tiếng động
Cành sim thoảng lại nức sao rời
Liễu mong cảnh thắm ươm tình mộng
Đợi gió đông về để lả lơi

Hường Xưa

--------------------
♣ Bài họa của Nguyên Nhật (Thạch Hãn)

ĐÊM TÌNH

TRĂNG buồn lặng ngắm khách làng chơi
NẰM trải mênh mông giữa bến đời
SÓNG đẩy chao tình lay mặt nước
SOÀI buồm gió xoáy động hồ khơi
TRÊN cây xào xạc chim về tổ
CÀNH ngã lung lay cánh nhạn rời
LIỄU rũ ven bờ say mộng lỡ
ĐỢI TÀN CƠN KHÁT SẼ BUÔNG LƠI

Nguyên Nhật