Nhãn

Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -điển tích. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -điển tích. Hiển thị tất cả bài đăng

29 tháng 1 2019

C. Gương Vỡ Lại Lành

<C.015><Điển tích văn học> 

Đề tài: GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH 
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH có gốc từ Thành ngữ Điển tích PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 mà ra. Nói Nôm na theo dân Nam Kỳ Lục tỉnh là "Kiếng Bể Lại Tròn". Thường dùng để chỉ vợ chồng hoặc đôi lứa yêu nhau, vì hoàn cảnh mà phải phân ly cách trở, xa nhau một thời gian, rồi do một cơ duyên nào đó lại được sum họp đoàn viên trở lại. Như Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc vì phải bán mình chuộc cha, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần", cuối cùng cũng được đoàn viên sum họp với gia đình và Kim Trọng, nên trong buổi tiệc đoàn viên, khi đã "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân mới đứng lên nói rằng :
             ... Những là rày ước mai ao,
            Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
            Bây giờ GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH
            Khuôn duyên lừa lọc đã dành có nơi ...

        Điển tích Gương Vỡ Lại Lành theo tích sau đây :
        Em gái của Trần Hậu Chúa 陳後主 Nam Triều là Lạc Xương Công Chúa 樂昌公主 có chồng là Thái tử Xá nhân Từ Đức Ngôn 徐德言. Vợ chồng rất mực thương yêu nhau.

 
       Khi Tùy Văn Đế cử binh đánh nước Trần, thì Trần Hậu Chủ chỉ lo ở trong cung ăn chơi, làm thơ đề từ. Nên quân Trần thua chạy khắp nơi. Từ Đức Ngôn thấy đại cuộc sắp tiêu vong, nên vô cùng lo lắng.

        Biết rằng nước Trần sẽ mất trong nay mai, không còn cách gì cứu vãn được nữa. Từ bèn nói với Công chúa rằng : "Với tài hoa và sắc đẹp của nàng, khi nước đã mất rồi, chắc chắn sẽ lọt vào tay những bậc quyền qúy sau nầy. Nếu duyên phận chúng ta chưa dứt, ta rất mong gặp lại nàng sau nầy, nhưng chúng ta cũng phải có một tín vật gì đó để mà nhận nhau chứ !". Nói đoạn, Từ Đức Ngôn vói tay lấy chiếc gương đồng trên bàn trang điểm của công chúa, đập bể làm đôi. Đưa cho công chúa một nửa, còn mình thì giữ một nửa còn lại.

        Hai người cùng ước hẹn nhau rằng, sau nầy nếu có muốn gặp nhau thì vào ngày Tiết Nguyên Tiêu, rằm tháng giêng hàng năm, cứ đem nửa mảnh gương nầy mà rao bán giữa chợ Trường An.


    
    Qủa nhiên, nước Trần mất vào tay nước Tùy. Lạc Xương Công chúa lọt vào tay của hoàng thân nước Tùy là Dương Tố. Tố rất sủng ái công chúa, nhưng nàng thì luôn luôn buồn bã vì nhớ đến chồng.

        Những năm sau đó, tuy cuộc chiến đã yên, nhưng Từ Đức Ngôn luôn nhớ đến công chúa qua nửa mảnh gương, nên thường ra dạo chợ Trường an.

        Tiết Nguyên Tiêu năm đó, Từ cũng mang nửa mảnh gương ra chợ, tình cờ gặp được một gia nhân cũng đang rao bán nửa mảnh gương. Ráp lại thì vừa vặn với nửa mảnh gương của mình.


        Từ bèn khẩn khoản mời gia nhân về nhà trọ hỏi thăm về tin tức của công chúa. Sau khi biết công cúa luôn thương nhớ đến mình. Từ rất xúc động viết một bài thơ ngũ ngôn gởi cho công chúa như sau :

鏡與人俱去, Kính dữ nhân câu khứ,
鏡歸人不歸; Kính quy nhân bất quy;
無復嫦娥影, Vô phục Thường Nga ảnh,
空留明月輝 ! Không lưu minh nguyệt huy !
        Có nghĩa :
 
Gương đi người cũng đi theo,
Gương về người chẳng về theo lại nhà.
Đâu còn thấy được bóng Nga,
Bơ vơ như ánh trăng tà trống không !

        Công chúa đọc thơ của Từ Đức Ngôn mà lòng đau như cắt. Suốt mấy ngày liền không ăn uống gì cả. Dương Tố biết chuyện, cảm thông cho tình vợ chồng sắt son gắn bó, mới cho người đi mời Từ Đức Ngôn vào dinh, làm tiệc khoản đãi và mời cả công chúa đến dự.


        Khi công chúa đến nơi, thấy trong bàn tiệc có cả chồng cũ lẫn chồng mới, nàng vô cùng ngỡ ngàng, nửa mừng nửa lo, xúc động mà ngâm rằng:

今日何遷次, Kim nhật hà thuyên thứ,
新官對舊官; Tân quan đối cựu quan.
笑啼俱不敢, Tiếu đề câu bất cảm,
方驗作人難 ! Phương nghiệm tác nhân nan !
        Có nghĩa : 
Hôm nay khéo đổi vời,
Chồng cũ cùng chồng mới.
Cười khóc cũng lỡ làng,
Khó làm người cho nổi !

Lục bát :
Hôm nay sao khéo đổi vời,
Chồng cũ chồng mới cùng ngồi chung nhau.
Khóc, cười thiếp biết phải sao ?
Làm người khó lắm phải nào dễ đâu !


        Từ Đức Ngôn nghe xong cảm động mà rơi nước mắt; còn Dương Tố nghe xong thì cảm động mà cưới lớn rằng: "Thôi được rồi, ta sẽ trả nàng về để cho vợ chồng đoàn viên sum họp". Sau tiệc, Dương Tố chẳng những trả Lạc Xương Công Chúa về cho Từ Đức Ngôn mà còn ban thưởng rất nhiều vàng bạc cho vợ chồng về lại Giang Nam để sống yên vui hạnh phúc tới già .

        Câu chuyện PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 từ đó được lan truyền khắp thiên hạ, qua đến Việt Nam ta thì thành GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH. Mong rằng tất cả những GƯƠNG VỠ trong thiên hạ đều LẠI LÀNH sau những sầu thương lận đận của cuộc đời !

Đỗ Chiêu Đức

23 tháng 1 2019

C. Liễu Chương Đài

<C.014><Điển tích văn học> 

Đề tài: LIỄU CHƯƠNG ĐÀI
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        Chương Đài 章台 là tên của một con đường có lâu đài được xây dựng từ thời Chiến Quốc, nằm ở Cố Thành của Trường An thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, nên mượn Chương Đài để ám chỉ Trường An. Còn LIỄU 柳 là Liễu Thị 柳氏, một danh kỷ nổi tiếng của Trường An, nên LIỄU CHƯƠNG ĐÀI hay CHƯƠNG ĐÀI LIỄU 章台柳 đều lời ám chỉ danh kỷ Liễu Thị nổi tiếng ở đất Trường An, như tích sau đây :

        Theo Thái Bình Quảng Ký, quyễn 485 : Hàn Hoành 韓翊 thi nhân đời Đường, tự là Quân Bình, người đất Nam Dương, đậu Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 13 ( 754 ). Làm quan đến chức Trung Thư Xá Nhân, là một trong " Đại Lịch Thập Tài Tử ". Tương truyền ...


    
    Hàn Hoành 韓翊 từ nhỏ đã nổi tiếng giỏi văn thơ, nhưng tính tình trầm lặng ít giao du. Tuy vậy chàng cũng chơi thân với một danh sĩ lại rất giàu sang là Lý Sinh. Lý rất yêu tài thơ văn và xem trọng Hàn Hoành, mới tặng cho chàng ca nhi Liễu Thị, tài sắc vẹn toàn để làm vợ.


    
    Vợ chồng Hàn Hoành rất thương yêu nhau, hay cùng nhau ngâm thơ xướng họa. Tình chồng vợ ân ái khắng khít mặn nồng.
Chẳng bao lâu sau, An Lộc Sơn làm loạn đánh chiếm Trường An và Lạc Dương. Vua quan triều đình phải chạy vào đất Ba Thục. Hàn Hoành lúc đó là thư lại của Tiết Độ Sứ Lỗi Châu, nên không tiện mang theo Hàn Thị. Vợ chồng chia cắt đôi nơi.

        Trong thời buổi loạn ly, lại là người có chút nhan sắc, nên Hàn Thị thí phát quy y, gởi thân vào Pháp Linh Tự để giữ tròn danh tiết. Khi loạn An Lộc Sơn đã yên rồi, thì Hàn Hoành cũng nhờ người về Trường An dò la tin tức.

        Khi đã biết được tin tức của Liễu Thị rồi bèn nhờ người mang đến cho nàng bài thơ sau đây để bày tỏ nổi lòng :

章台柳,章台柳, Chương đài liễu, Chương đài liễu,
昔日青青今在否?     Tích nhật thanh thanh kim tại phủ ?
縱使長條似舊垂, Túng sử trường điều tự cựu thùy,
也應攀折他人手。 Dã ưng phan chiết tha nhân thủ !
có nghĩa : 
Liễu chương đài, Liễu chương đài,
Còn xanh như trước hay đã phai ?
Cành lá vươn dài như xưa cũ,
Hay là đã bẻ vào tay ai ?!


        Liễu Thị đọc thơ mà khóc ròng, vừa mừng vừa tủi, bèn làm một bài thơ hồi âm cho chồng như sau :

楊柳枝,芳菲節,      Dương liễu chi, phương phi tiết,
所恨年年贈離別。      Sở hận niên niên tặng ly biệt.
一葉隨風忽報秋,      Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
縱使君來豈堪折?         Túng sử quân lai khởi kham chiết ?

Có nghĩa :
Nhành dương liễu, tiết thơm bay,
Chỉ hận năm năm tặng chia tay.
Gió cuốn lá rơi thu đà tới,
Chàng chưa về đến bẻ cho ai ?!

        Hàn Hoành đọc thơ cũng vừa mừng vừa cảm động, nghĩ rằng vợ chồng sẽ đoàn tụ trong nay mai. Nào ngờ có Phiên tướng là Sa Tra Lợi vì giúp bình loạn An Lộc Sơn có công nên cậy thế làm càng, khi nghe Liễu Thị là giai nhân danh kỹ mới đến chùa cướp nàng về làm ái thiếp. Khi về đến Trường An Hàn Hoành mới té ngửa ra.


        Lúc bấy giờ có Ngu Hầu là Hứa Tuấn, vốn xuất thân là một hiệp sĩ giang hồ, thấy chuyện bất bình bèn bảo Hàn Hoành viết cho mình một lá thơ để làm tin, rồi lên ngựa phóng thẳng đến phủ Sa tướng quân mà hô hoán lên rằng: "Tướng quân đang bất ngờ nhuốm bịnh ở bên ngoài, nhờ ta đến đón Liễu Thị đến săn sóc cho ngài!" Quân sĩ gát cửa thấy cũng là một võ quan nên tin là thật.

        Sau khi đưa thơ của Hàn Hoành cho Liễu Thị xem xong, Hứa Tuấn bèn bóc nàng lên ngựa chạy về giao trả cho Hàn Hoành để vợ chồng được đoàn viên. Cả hai đều rất vui mừng cảm động mà bái tạ Ngu Hầu hiệp sĩ. Sau đó, cả vợ chồng Hàn Hoành và Hứa Tuấn đều rời khỏi trường an, vì sợ Sa tướng quân truy cứu mà trả thù.

        Vì văn tài của Tiến sĩ Hàn Hoành rất lớn, nên mấy năm sau nhà vua ban sắc chỉ phong làm Tri Chế Cáo, chuyên lo soạn thảo các sắc lệnh và chiếu chỉ cho nhà vua. Vợ chồng lại một lần nữa hân hoan về lại đất Trường an để an hưởng vinh hoa phú qúy.


        Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, tả lúc Thúy Kiều đang ở lầu xanh, sau khi đã " Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngã bóng dâu tà tà " thì Thúy Kiều lại :
Nhớ lời hẹn ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai ?
Khi về hỏi LIỄU CHƯƠNG ĐÀI,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay !

        Không có Ngu Hầu Hứa Tuấn nào phi ngựa chạy đến để cứu nàng ra khỏi lầu xanh để trả về cho Kim Trọng cả. Chỉ có gả Sở Khanh càng nhấn cho nàng lún xuống bùn nhơ mà thôi ! Tội nghiệp !
Đỗ Chiêu Đức 



* Bài dịch lục bát của Mai Thắng

LIỄU CHƯƠNG ĐÀI

Chương Đài ! … ơi Liễu Chương Đài!
Xưa thời xanh tốt mà nay có còn
Tay dài cánh rũ thong dong
Hay cành đã bẻ vào trong tay người

Mai Thắng – 190312

17 tháng 1 2019

C. Can Qua Mâu Thuẫn

C.013><Điển tích văn học> 

Đề tài: CAN QUA MÂU THUẪN
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC 



        Có nhiều thành ngữ được thành lập bởi những chữ có ngữ nghĩa giống nhau, nhưng lại cho ra những từ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong số đó có 2 cặp từ kép CAN QUA và MÂU THUẪN. Sau đây, ta sẽ lần lượt truy nguyên để tìm hiểu tận gốc ý nghĩa của 2 cặp từ này.

        * CAN QUA干戈 :
 
        CAN 干 : là Có Quan Hệ, như Can Dự 干預(與), Can Hệ 干係, Can Thiệp 干涉, Can Liên 干聯, ta nói là Liên Can... CAN vừa là Bộ vừa là Chữ theo lối Tượng Hình Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư ta thấy CAN là hình vẽ một loại vũ khí dùng để đi săn thú rừng ngày xưa, đầu có hai mũi chỉa nhọn, dưới có dây thòng lọng, là một loại vũ khí dùng để tấn công. Nhưng sau nầy thường dùng theo nghĩa Phòng Ngự, nên CAN là cái Thuẫn, cái Mộc để chống đở phòng ngự. 
        Còn QUA 戈 : là Một loại vũ khí ngày xưa, làm bằng đồng sắt, có cán dài, dùng để đánh trận, theo chữ viết Tượng Hình Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
 ta thấy đây là một loại vũ khí dùng cho kỵ binh, đầu có móc nhọn, đuôi có cán dài để tiện việc đánh nhau trên lưng ngựa. 
        Nên CAN QUA 干戈 : là Một Đâm Một Đở, một chém một ngăn, là Đánh nhau, là Chiến Tranh. Ta thường hay nghe nói : Dấy động Can Qua là Gây sự đánh nhau, là Phát động Chiến Tranh. Hai câu đầu trong bài sấm Trạng Trình có nhắc đến từ nầy :
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,
CAN QUA xứ xứ khổ đao binh.

        * MÂU THUẪN 矛盾 : 
 
        MÂU 矛 : c ũng là Một loại Vũ Khí ngày xưa dùng để tấn công. Ta thường gọi là cây Thương. Đây là một trong 214 bộ và cũng là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư là hình vẽ của một loại vũ khí đầu có 2 ngạnh, cán dài, đến Đại Triện lại thêm những phần phức tạp ở đằng đầu cho dễ sát thương, và khi đến Tiểu Triện thì các phần được đơn giản hóa bằng các nét cong và thẳng. 
        Còn THUẪN 盾 : cũng là chữ Tượng Hình của Cái Mộc, Cái Khiên dùng để đở khi đánh nhau, theo như diễn tiến của chữ viết ta thấy Giáp Cốt Văn và Kim Văn Đại Triện phần trên là hình giống như cái mộc cái khiên để che chắn, bên dưới là chữ Mục là con mắt, tượng trưng cho cái mặt. Nên THUẪN cũng là dụng cụ dùng để chống đở, che chắn bảo vệ cho thân mình. Thuẫn thường dùng để che trước mặt, nên ai có người giúp đở, che chở, nâng đở ở phía sau lưng thì gọi là : Có HẬU THUẪN nên MÂU 矛 là vũ khí dùng để đâm, và THUẪN 盾 là cái Mộc cái khiên dùng để đở, như tích sau đây : 

        Theo sách Hàn Phi Tử - chương Nan Nhất: Có một người nước Sở ra chợ bán Mâu, rao rằng Mâu của ông ta rất bén nhọn, bất cứ vật gì cứng tới đâu cũng có thể đâm lủng được. Hôm sau, ông ta lại mang ra bán một cái Thuẫn, và lại rao rằng: Thuẫn nầy rất cứng chắc, không có vật bén nhọn nào có thể đâm lủng được cả. Có người hỏi ông rằng: Thế lấy cây Mâu hôm qua của ông có thể đâm lủng được cái Thuẫn này hay không?!. Người bán MÂU và THUẪN cứng họng không trả lời được. Mới hay, hai sự việc cực đoan thì không thể song hành tồn tại cùng lúc với nhau được!


        Cho nên MÂU THUẪN 矛盾 : là Hai hoặc nhiều sự việc trái ngược hẵn nhau, không thể nào tồn tại song song với nhau được. Còn CAN QUA 干戈 : là Chiến tranh, là Đánh Giặc, là Giặc Giã.

        Ta thấy CAN là THUẪN cùng có nghĩa là Cái Mộc, Cái Khiên dùng để đở. QUA là MÂU cùng có nghĩa là cây Mác, cây Thương dùng để chém để đâm. Nhưng CAN QUA và MÂU THUẪN lại diễn 2 ý hoàn toàn khác nhau.
Nghĩa của CAN QUA không có liên quan gì đến nghĩa của MÂU THUẨN cả, cũng như nghĩa của MÂU THUẨN không có liên quan gì đến chiến tranh cả!

        Ta thường gặp các thành ngữ sau đây :

        - TỰ TƯƠNG MÂU THUẪN 自相矛盾 : là thành ngữ chỉ 2 sự việc trái ngược hẵn nhau cùng xảy ra cùng lúc với cùng một người hoặc cùng một hoàn cảnh, tình huống. Tự mình chống chọi lại mình !

        - DĨ TỬ CHI MÂU, CÔNG TỬ CHI THUẪN 以子之矛,攻子之盾 : là " Lấy cây mâu của ông để tấn công cái thuẫn của ông ", như ta thường nói là " Lấy gậy của ông để đập lưng của ông " vậy !

        - PHÁT ĐỘNG CAN QUA  發動干戈 : là Gây ra chiến tranh, là Gây sự đánh nhau. Ta nói là DẤY ĐỘNG CAN QUA hay DẤY ĐỘNG BINH ĐAO ( Binh lính và Đao thương cũng tượng trưng cho Chiến Tranh ).

        - CAN QUA XỨ XỨ干戈處處 hay CAN QUA TỨ XỨ干戈四處 : là Chiến tranh nổi lên khắp nơi.

        Mới hay “ Tập Quán Ngôn Ngữ “ hay ho và mạnh mẽ biết chừng nào. Hai từ cùng nghĩa như nhau, nhưng theo thói quen sử dụng trong ngôn ngữ lại diễn hai ý hoàn toàn khác nhau như thế.

        Đỗ Chiêu Đức

10 tháng 1 2019

C. Cầu Lam

<C.011><Điển tích văn học>

Đề tài: CẦU LAM
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC


        CẦU LAM là cây cầu màu xanh lam, mà cây cầu mà màu xanh lam là cây cầu đẹp và nên thơ vô cùng, vì nơi đó là chỗ ở của người đẹp, của các nàng tiên, của người trong mộng… nên khi muốn nghe Thúy Kiều đờn, Kim Trọng đã phải rào đón trước :
 Sinh rằng : Gió mát trăng trong,
 Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
 Chày sương chưa nện CẦU LAM,
Sợ lần khần qúa ra sởm sỡ chăng ?

        hay như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ :
 CẦU LAM hội ấy đành khôn hẹn,
 Con tạo trời kia bỗng khéo xây.

        Cầu Lam là LAM KIỀU, là nơi ở của người đẹp mà ta hằng ao ước. Nên khi dò la tìm chỗ ở của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết về chàng Kim Trọng như sau :
Tình riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo LAM KIỀU lần sang.

        Ngay cả Mã Giám Sinh khi đến trả giá để mua Thúy Kiều cũng phải làm ra vẻ cao qúy nho nhã lịch sự :
Rằng mua ngọc đến LAM KIỀU,
 Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường.

        Lam Kiều hay Cầu Lam còn có liên quan đến CHÀY SƯƠNG là cái Chày dùng để giả thuốc trường sinh làm sính lễ cưới vợ, như Kim Trọng đã nói ở trên : CHÀY SƯƠNG chưa nện CẦU LAM, 
có nghĩa là chưa trình sính lễ để hỏi cưới, để hợp thức hóa mối duyên của đôi lứa yêu nhau.

        Lam Kiều cũng làm cho người ta nghĩ đến QUỲNH TƯƠNG, là thứ rượu được ướp bằng trái cây, như rượu cocktail của ta bây giờ, nhưng ngày xưa Quỳnh Tương là rượu qúy chỉ dùng để đãi khách qúy mà thôi. Nên để trân trọng cho lần đầu tiên gặp gỡ, Kim Trọng đã dùng chén HÀ là chén có hoa văn như mây ở trên trời, rót rượu Quỳnh Tương vào để đãi Thúy Kiều :
Chén HÀ sánh giọng QUỲNH TƯƠNG,
Dải là hương lộn bình gương bong lồng !

        Để tìm hiểu một cách thấu đáo, chính xác sự liên quan giữa các điển tích Lam Kiều, Cầu Lam, Chày Sương, Quỳnh Tương … như thế nào, mời tất cả cùng đọc và tìm hiểu xuất xứ sau đây :

        Thật ra LAM KIỀU không phải là Cây cầu màu xanh lam, mà là LAM KIỂU DỊCH 藍橋驛, là Dịch quán Lam Kiều, nằm ở đông nam của xứ Lam Khê( Dòng sông xanh ) thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Nơi nổi tiếng là đường cái quan ra vào kinh thành Trường An của đời Đường. Lam Kiều còn nổi tiếng với câu chuyện của Bùi Hàng cưới được vợ đẹp là Vân Anh và vợ chồng đều lên tiên theo tích sau đây...

Chung thuyền gặp Vân Kiều

        Theo sách Thái Bình Quảng Ký, quyển 50: Đời Đường Mục Tông (795-824), năm Trường Khánh có Tú tài Bùi Hàng 裴航 lai kinh ứng thí, nhưng thi rớt. Buồn vì vô tích sự nên định đi du ngoạn Tương Dương một chuyến để giải khuây. Khi đến bến để thuê thuyền thì chỉ còn một khoang thuyền nhỏ, khoang chính của thuyền đã có một phu nhân thuê rồi. Mặc dù có rèm sáo che chắn, nhưng vì ở chung trên một chiếc thuyền, lúc lên xuống ra vào, khi gió động rèm châu, Bùi Hàng cũng lén ngắm nhìn dung nhan của vị phu nhân chung thuyền. Chàng chợt ngẩn người ra và mê mẫn trước sắc đẹp như tiên giáng thế của vị phu nhân mà ngày thường chỉ nghe tiếng nói thanh tao như ngọc của nàng qua bức rèm châu. Hỏi thăm thị nữ theo hầu thì được biết đó là Phàn Phu Nhân. Chàng bèn làm một bài thơ tỏ tình ái mộ của mình, rồi nhờ thị nữ chuyển đến cho phu nhân bài thơ sau đây :

同舟胡越猶懷想, Đồng chu Hồ Việt do hoài tưởng.
況遇天仙隔錦屏。 Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
倘若玉京朝會去, Thảng nhược Ngọc kinh triều hội khứ,
願隨鸞鶴入青雲。 Nguyện tùy loan hạc nhập thanh vân.
        có nghĩa :
Cùng thuyền Hồ Việt cũng thương nhau,
Huống gặp người tiên cách sáo rào.
Nếu đó Ngọc Kinh về phó hội,
Nguyện cùng chắp cánh vút trời cao !

        Phàn phu nhân xem xong mỉm cười nói thầm : Rõ khéo đa tình, rất tiếc ta không phải là đối tượng của chàng ! Bèn lấy ra một mảnh hoa tiên, cất bút đề thơ hồi âm :

一飲瓊漿百感生, Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh,
玄霜搗盡見雲英。 Huyền sương đão tận kiến Vân Anh.
藍橋便是神仙窟, Lam Kiều tiện thị thần tiên quật.
何必崎嶇上玉京? Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh ?
        có nghĩa :
Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh,
Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh.
Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ,
Sao phải gập ghềnh đến Ngọc Kinh ?!

         Bùi Hàng đọc thơ mà không hiểu ngụ ý của Phu nhân muốn nói chi. Huyền sương là cái gì và Vân Anh là ai, sao lại ở trong thần tiên quật (hang động của thần tiên). Chàng cứ ngẩn ngơ suy nghĩ mãi không hiểu nàng muốn ám chỉ việc gì. Chừng định hồn lại thì phu nhân và thị nữ đã lên bờ đi mất. Dò la mãi cũng không biết được mãi mai tin tức gì. Buồn lòng, chàng bèn quay trở lại Trường an định chờ khoa thi tới. Khi về đến Lam Kiều Dịch, xa xa trông thấy có mấy mái nhà tranh thật nên thơ, sẵn đang khát nước chàng bèn ghé lại xin chén nước uống. Sau khi hỏi xin bà lão đang ngồi quay tơ trứơc cửa, thì bà lão gọi vói vào trong nhà : " Vân Anh, bưng nước ra mời khách !". Bùi Hàng ngẩn người ra nhớ lại bài thơ của Phàn phu nhân có nhắc đến Vân Anh. Chàng hồi hộp nhìn vào bên trong bình phong, quả nhiên một người con gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi đẹp như tiên nga bưng nước ra mời khách. Chàng uống cạn ly nước mát ngọt lịm tận tim gan. Tuy nàng đã lui vào bên trong mà hương thừa vẫn còn phảng phất đâu đây. Chàng lấy cớ là đi đường người mệt ngựa mõi mà nấn ná ở lại nghỉ ngơi.

        Sau khi làm quen và trao đổi hàn huyên với bà lão, Bùi Hàng mới khẩn khoản ngỏ ý muốn xin cưới Vân Anh, thì bà lão bảo rằng :" Đó là cháu gái của lão, bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, nếu muốn cưới nó thì phải giúp lão giả xong thang thuốc Huyền Sương, vì là thuốc của tiên ban nên phải giả bằng chày ngọc cối ngọc. Nếu trong một trăm ngày mà chàng tìm được chày ngọc cối ngọc đến đây giả thuốc cho ta , thì ta sẽ gả nó cho chàng ". Bùi Hàng vui mừng hớn hở từ biệt bà lão để ra đi tìm chày ngọc cối ngọc.

        Chàng lang thang suốt hơn hai tháng trường, bỏ cả khoa thi để quyết chí tìm chày cối ngọc. Nhưng vẫn biền biệt không tìm đâu ra cả. Buồn lòng và lo lắng, gặp ai cũng chỉ hỏi có chày ngọc cối ngọc mà thôi. Một hôm đang lang thang để hỏi thăm tin tức ở kinh thành, tình cờ gặp được người buôn ngọc cho chàng biết là có người đang rao bán chày cối ngọc, nhưng lại đòi đến hai ngàn lượng bạc. Chàng đành phải bán cả hành trang, cả ngựa và cả tên gia đồng theo hầu mới đổi được chày ngọc cối ngọc mang về Lam Kiều cho bà lão. Bà lại bảo chàng phải ở lại Lam Kiều để giã thuốc Huyền Sương cho đúng một trăm ngày nữa.

Bùi Hàng dâng thuốc

        Khi thuốc đã giã xong và khi bà lão đã uống xong thuốc, bèn dẫn Vân Anh ra đi và bảo chàng hãy nán đợi. Hôm sau, có đoàn ngựa xe từ đâu đến đón chàng đi đến một nơi mây mù vần vũ, lầu các nguy nga, tòa rộng dãy dài, tiêu thiều nhạc sáo vang vang, trúc tơ dìu dặc như tiên cảnh. Bà lão không còn nghèo nàn như trước mà hiện ra như một lão Phật gia trong cung tiên, cô dâu Vân Anh đẹp rực rỡ với " Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng " được thị tì hai bên đở ra để làm lễ tơ hồng. Bùi Hàng bàng hoàng ngây ngất, sung sướng đê mê bên cô dâu thơm phức và đẹp như … tiên !

        Sau khi cử hành hôn lễ, bà lão còn đưa hai vợ chồng đến ra mắt một tiên nương chị của cô dâu Vân Anh là Vân Kiều. Bùi Hàng mới giật mình nhận ra đây là Phàn phu nhân đi cùng thuyền với mình lúc trước. Thì ra Vân Kiều Phàn phu nhân đã báo trước mối duyên giã thuốc của mình với Vân Anh ở Lam Kiều rồì, mà trước đây mình đâu có biết.

        Sau những năm tháng sống vui vẻ bên nhau, vợ chồng Bùi Hàng cũng cùng tu và cùng đắc đạo thành tiên cả.


        Đây cũng là câu chuyện xung đột giữa đạo Nho và đạo Lão. Vì chuyện của Bùi Hàng mà một số Nho sinh bỏ Nho theo Lão để tu tiên. vừa có vợ đẹp vừa có cuộc sồng thoải mái như … tiên. Không bị ràng buộc bởi công danh phiền toái mà còn phải biết a dua nịnh bợ với cấp trên và cũng chưa chắc đã được yên thân trong quan trường đầy hiễm họa.

Đỗ Chiêu Đức 

Lam Kiều Dịch Quán

03 tháng 1 2019

C. Mai Trúc

<C.010><Điển tích văn học> 

Đề tài: MAI TRÚC
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC



        MAI TRÚC là nói gọn lại của Thành ngữ Điển tích "THANH MAI TRÚC MÃ". Trước khi tìm hiểu Điển Tích nầy, mời đọc bài thơ Ngũ ngôn Cổ phong Nhạc phủ của Thi Tiên LÝ BẠCH sau đây:

長干行      TRƯỜNG CAN HÀNH

妾髮初覆額, Thiếp phát sơ phúc ngạch,
折花門前劇。 Chiết hoa môn tiền kịch.
郎騎竹馬來, Lang kỵ trúc mã lai,
遶床弄青梅。 Nhiễu sàng lộng thanh mai.
同居長干裡, Đồng cư Trường Can lý,
兩小無嫌猜。 Lưỡng tiểu vô hiềm sai.
十四為君婦, Thẫp tứ vi quân phụ.
羞顏未嘗開。 Tu nhan vị thường khai.
低頭向暗壁, Đê đầu hướng ám bích,
千喚不一回。 Thiên hoán bất nhứt hồi.
十五始展眉, Thập ngũ thỉ triển mi,
願同塵與灰。 Nguyện đồng trần dữ hôi.
常存抱柱信, Thường tồn bảo trụ tín,
豈上望夫臺。 Khởi thượng Vọng phu đài.
十六君遠行, Thập lục quân viễn hành,
瞿塘灩澦堆。 Cù Đường diễm dự đôi.
五月不可觸, Ngũ nguyệt bất khả xúc,
猿聲天上哀。 Viên thanh thiên thượng ai.
門前遲行跡, Môn tiền trì hành tích,
一一生綠苔。 Nhất nhất sinh lục đài.
苔深不能掃, Đài thâm bất năng tảo,
落葉秋風早。 Lạv duệp thu phong tảo.
八月蝴蝶黃, Bát nguyệt hồ điệp hoàng,
雙飛西園草。 Song phi tây viên thảo.
感此傷妾心, Cảm thử thương thiếp tâm,
坐愁紅顏老。 Tọa sầu hồng nhan lão.
早晚下三巴, Tảo vãn hạ Tam Ba,
預將書報家。 Dự tương thư báo gia.
相迎不道遠, Tương nghinh bất đạo viễn,
直至長風沙。 Trực chí trường phong sa.
李白                      Lý Bạch

Thanh Mai Trúc Mã kiểu Tàu và Kiểu Tây

* Chú thích

        - Trường Can : Tên một làng, nay thuộc huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô. HÀNH là tên một khúc hát trong Nhạc phủ như CA, KHÚC, HÀNH … Nên TRƯỜNG CAN HÀNH là Khúc hát xứ Trường Can. Ngoài bài nầy của Lý Bạch ra, ta còn có 2 bài TRƯỜNG CAN HÀNH ngũ ngôn tuyệt cú nhạc phủ cũng rất nổi tiếng của Thôi Hiệu ( Mời đọc Đường Thi Tuyển Độc I, bài 21 ).
        - Phúc Ngạch : Phúc là Đậy, Ngạch là Trán; nên Phúc Ngạch là Phủ trán.
        - Kịch : không phải là Kịch nghệ, ở đây có nghĩa là Chơi Đùa.
        - Sàng : không phải là cái Giường ngủ, mà là cái Miệng Giếng.
        - Hiềm Sai : là Nghi Ngại. Vô Hiềm Sai là Không nghi ngại gì cả, rất vô tư.
        - Triển Mi : là Mở mày. Ta hay nói là Mở Mày Mở Mặt, ý chỉ Mặt Mũi đã trưởng thành, đã đẹp đẽ. Mở Mày Mở Mặt trong tiếng Việt ta còn dùng để chỉ Vui Vẻ hân hoan vì Hãnh Diện bởi việc gì đó.
        - Nguyện Đồng Trần Dữ Hôi : là Nguyện cùng tro cùng bụi, ý muốn nói là Sẽ Đồng cam cộng khổ với nhau.
        - Bão Trụ Tín : là theo Thành ngữ : BẢO TRỤ CHI TÍN 抱柱之信 là Cái Uy Tín Về Việc Ôm Cột (Cầu). Theo sách TRANG TỬ: VĨ SINH hẹn với cô gái ở dưới trụ cầu. Khi nước lớn, cô gái không đến, VĨ SINH ôm lấy cột cầu "chịu trận" mà chết. Si tình đến thế là cùng! Cụ NGUYỄN DU gọi ÔM CỘT là ẤP CÂY và đã mượn tích nầy để cho KIM TRỌNG "Hù" THÚY KIỀU:
            ...Tháng tròn như cuội cung mây,
            Trần trần một phận "ẤP CÂY" đã liều!

rồi mới tỏ tình...
            Tiện đây xin một hai điều,
            Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?!

        Nếu nàng chẳng “ soi đến dấu bèo “ thì ta sẽ chết như Vĩ Sinh cho nàng xem !

Bảo Trụ Chi Tín

        - Vọng Phu Đài : là Đài Trông Chồng, ở cách Nam Huyện của tỉnh Tứ Xuyên hai ba chục dặm. Tương truyền là nơi của Tôn Phu Nhân đứng để ngóng trông Lưu Bị, khi Bị đã chết ở Bạch Đế Thành .
        - Cù Đường : Tên một bến nước, ở phía thành đông của Quỳ Châu Phủ, tên cũ là Tây Lăng Giáp, là cửa ngỏ ra vào của Tam Giáp, hai bên vách đá dựng đứng giữa dòng Trường Giang.
        - Hành Tích : là Dấu tích của bước chân đã đi qua. Là Dấu Giày.
        - Tam Ba : là Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây, hợp xưng là Tam Ba.
        - Trường Phong Sa : là địa danh, nay thuộc huyện Qúy Trì, tỉnh An Huy.

Vọng Phu Đài

* Dịch nghĩa

KHÚC HÁT XỨ TRƯỜNG CAN
Khi tóc của thiếp vừa phủ lưa thưa xuống trán, đang hái hoa chơi đùa phía trước cửa, thì chàng cởi ngựa tre chạy đến, chạy vòng quanh miệng giếng để ngắt ghẹo cành mai xanh. Chúng ta cùng lớn lên ở xứ Trường Can, hai đứa trẻ cùng ngây thơ trong trắng không úy kỵ gì cả ! Nhưng… Mười bốn tuổi thiếp đã về làm vợ chàng rồi, mà vẫn còn rất thẹn thùng bẽn lẽn, chỉ cúi đầu nằm xây mặt vào vách, chàng gọi trăm ngàn lần vẫn không quay đầu lại. Đến mười lăm tuổi mới mở mặt mở mày ra nguyện cùng chàng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, và quyết một lòng chung thủy với chàng (bảo trụ tín) cho dù phải lên Vọng Phu Đài để trông ngóng chồng về. Mười sáu tuổi chàng lại phải đi xa đến tận xứ Cù Đường hiễm trở. Giữa tháng năm mùa hè nóng nực, tiếng vượn hú vang mãi tận trời xanh. Những dấu chân của thiếp khi đưa tiễn chàng trước cửa đều đã nổi rêu xanh, rêu dầy đến nỗi thiếp cố quét nhưng vẫn không đi. Lá rụng theo làn gió thu sớm thổi, những con bướm tháng tám đã vàng vọt, nhưng vẫn bay song đôi trong vườn tây đầy cỏ, làm cho thiếp cảm thấy thương tâm cho thân phận lẻ loi, ngồi đây mà sầu não cho cái nhan sắc sớm già nua của mình ! Nếu trong một sớm tối nào đó mà chàng về đến xứ Tam Ba, hãy viết thư về nhà báo cho thiếp biết trước, thiếp sẽ chẳng nệ đường xa mà đi đón chàng dù cho phải trực chỉ đến tận Trường Phong Sa !
Tình cảm chân thực, thật thà nhưng tha thiết gắn bó của người vợ trẻ cùng lớn lên với chồng trong cùng một xóm một làng. Từ ngây thơ trong trắng đến lấy nhau hợp cẫn trong thẹn thùng, rồi khắng khít nhau, ủn ỉn như lợn ăn khoai, thề cùng đồng cam cộng khổ, để rồi lại phải chia tay nhau trong sầu nhớ. Hè đi thu đến, mơ ước được đoàn viên và sẽ chẳng ngại vượt đường xa mà đón chàng về sum họp ! Bài thơ nổi tiếng không chỉ vì chuyện tình của đôi lứa mà còn vì hai câu thơ bất hũ :
            Lang kỵ Trúc Mã lai,                        郎騎竹馬來,
            Nhiễu sàng lộng Thanh Mai.         繞床弄青梅。

đã hình thành Thành ngữ Điển Tích “Thanh Mai Trúc Mã 青梅竹馬“ để chỉ những đôi lứa cùng lớn lên bên nhau, rồi cùng yêu nhau, cùng thành chồng vợ với nhau. Sau dùng rộng ra để chỉ các cặp đôi là bạn học với nhau hay quen biết nhau từ tấm bé, từ trước … rồi mới yêu nhau, lấy nhau. Dùng rộng ra hơn nữa là … chỉ để chỉ tình nghĩa vợ chồng với nhau mà thôi ! và … Thành ngữ nầy còn được nói gọn thành “ Mai Trúc “hay “ Trúc Mai “ như trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha đã chối lại với Thúy Vân để nói lại với Kim Trọng rằng :
            Tái sinh chưa dứt hương thề,
            Làm thân trâu ngựa đền nghì Trúc Mai.


        và khi Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã viết :
Một nhà sum họp Trúc Mai,
 Càng sâu nghĩa bễ càng dài tình sông !

        hay khi tưởng Thúy Kiều đã chết cháy trong thư phòng, chàng Thúc cũng đã khóc :
Tưởng rằng Mai Trúc lại vầy,
 Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau !

        Bắt chước theo gương người xưa, trong bài thơ “ Thắm Thoát Năm Mươi Năm “ tả lại mối tình của tuổi học sinh, Đỗ Chiêu Đức tôi cũng kết thúc bài thơ bằng 8 câu :
 … Những lúc trà dư tửu hậu tan,
Chạnh niềm cô lữ buổi xuân tàn.
Chiều nay chợt thấy lòng xao xuyến,
Ngậm ngùi đọc lại khúc Trường Can.
    “ Mai Trúc “ ngày xưa đã dở dang,
    Phương trời cách biệt những bâng khuâng,
    “ Thanh Mai “ vẫn thắm như ngày trước ?!
    “ Trúc Mã “ giờ đây đã cỗi cằn !!!

Thanh Mai Trúc Mã thời nay

* Diễn nôm

 KHÚC HÁT TRƯỜNG CAN

Khi tóc thiếp mới vừa phủ trán,
Bẻ hoa chơi lảng vảng trước sân.
Ngựa tre chàng cưởi đến gần,
Chạy quanh bờ giếng ghẹo cành mai xanh.

Xứ Trường Can em anh cư trú,
Hai bé con vẫn cứ thơ ngây,
Mười bốn làm vợ chàng ngay,
Thẹn thùa chưa biết mảy mai chuyện tình.

Cứ quay đầu mặt nhìn vào vách,
Gọi ngàn lần… nhìn vách làm thinh.
Mười lăm mới đắm đuối tình,
Nguyện cùng lên thác xuống ghềnh có nhau !

Như Vĩ Sinh ôm cầu giữ hẹn,
Nào phải cần thẹn đá vọng phu.
Mười sáu chàng phải viễn du,
Cù Đường non nước mịt mù xa xôi.

Trời tháng năm tơi bời nóng bức,
Tiếng vượn buồn thổn thức mây xanh.
Dấu giày đưa tiễn bước anh,
Giờ đà đã phủ rêu xanh mất rồi !

Rêu xanh phủ ngậm ngùi khôn quét,
Lá vàng rơi gió rét thu sang.
Trung thu tháng tám bướm vàng,
Song song đôi lứa bay sang vườn đoài.

Thấy đôi bướm ai hoài lòng thiếp,
Hồng nhan sầu ai biết già mau.
Sớm chiều mơ ước bên nhau,
Nếu thư chàng báo về mau lại nhà,

Thiếp sẽ chẳng nề hà đường xá,
Nguyện vượt ngàn đến xứ Tam Ba.
Thẳng dong tận Trường Phong Sa,
Đón chàng về lại quê nhà đoàn viên !
ĐCĐ

        Nhưng đó chỉ là mơ ước của nàng thiếu phụ trông chồng mà thôi, chứ thực tế thì … vẫn biền biệt bặt vô âm tín, không biết chàng đang ở nơi nao và khi nào thì mới về quê như trong bài XUÂN TỨ cũng của Lý Bạch là :
Đương quân hoài quy nhật,
Thị thiếp đoạn trường thì !

        có nghĩa :
 Khi chàng nhớ trở lại nhà,
 Là khi lòng thiếp xót xa đoạn trường!

        Đỗ Chiêu Đức

25 tháng 12 2018

C. Chỉ Hồng

<C.009><Điển tích văn học> 

Đề tài: CHỈ HỒNG 
Biên soạn: Đỗ Chiêu Đức


        Điển tích “ CHỈ HỒNG “ cũng được sử dụng rất nhiều trong văn học cổ Việt Nam ta, như khi nghe Kim Trọng tỏ tình, Thúy Kiều đã trả lời một cách rất khéo léo và khôn ngoan rằng :
    Dù khi lá thắm CHỈ HỒNG,
    Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

        Chỉ Hồng còn được nói trại đi thành CHỈ THẮM, như trong Tây Sương Ký :
    Nhân duyên sao khéo hẹn hò,
    Rắp đem CHỈ THẮM xe cho Trịnh Hằng.
        Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Chỉ Hồng không gọi là Chỉ Thắm mà còn được gọi là DÂY THẮM như :
    Ý cũng rắp ra ngoài đào chú,
    Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
    Ai ngờ trời chẳng cho làm
    Nở đem DÂY THẮM mà giam bông đào.
        Nhưng Dây Thắm, Chỉ Thắm hay Chỉ Hồng gì đều cùng một gốc Hán Việt là XÍCH THẰNG ( là sợi dây màu đỏ ) mà ra cả. Như lời Thúy Kiều đã nói với Kim Trọng trong lần đầu Kim Kiều hội ngộ :
    Nàng rằng hồng diệp XÍCH THẰNG,
    Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.
        Hay như lời Mã Giám Sinh đã thề và hứa với Vương Viên Ngoại khi sắp lên đường ở “Bề ngoài mười dặm trường đình “ là :
    Cạn lời khách mới thưa rằng :
    Buộc chân thôi cũng XÍCH THẰNG nhiệm trao.
    Sau dù sinh sự thế nào,
    Kìa gươm nhật nguyệt nọ dao qủy thần !
        Hoặc như nàng cung nữ của trong Cung Oán đã than van oán trách :
    Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế,
    Sợi XÍCH THẮNG chi để vướng chân
        … và Xích Thằng hay Chỉ Thắm, Chỉ Hồng gì gì … đều do tay NGUYỆT LÃO mà ra cả. Nguyệt Lão đã xe Chỉ Hồng rồi thì … chạy trời không khỏi nắng, đôi lứa tất phải lấy nhau mà thôi, cho dù nàng cung nữ của Ôn Như Hầu có nghi ngờ thì cũng đành cam chịu :
    Tay NGUYỆT LÃO chẳng xe thì chớ,
    Xe thế nầy có dở dang không ?
        Đôi khi Nguyệt Lão còn được gọi là NGUYỆT SỨ, như trong truyện Từ Thức gặp Tiên :
    Lọ là NGUYỆT SỨ băng môi,
    Phận này duyên ấy ắt thời trong tay.
        Nguyệt Lão là từ nói gọn lại của nhóm từ “ NGUYỆT HẠ LÃO NHÂN 月下老人“ là “Ông gìa dưới trăng “, vì chuyên xe tơ cho trai gái lấy nhau, nên còn được gọi là ÔNG TƠ, như khi Kim Trọng đến từ biệt Thúy Kiều để đi Liêu Dương hộ tang chú, thì Thúy Kiều cũng đã oán trách :
    ÔNG TƠ ghét bỏ chi nhau,
    Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
        Hay khi bị Hồ Tôn Hiến ép gã cho thổ quan, Thúy Kiều lại một lần nữa lên tiếng oán trách :
    ÔNG TƠ sao khéo đa đoan,
    Xe tơ sao lại vơ quàng vơ xiên ?!
        Vậy, Ông Tơ là ai, Nguyệt Lão là ai, chuyện xe tơ là như thế nào mà người thì cam chịu, người thì “đổ thừa “, người thì oán trách … Mời đọc tiếp phần xuất xứ sau đây sẽ rõ.

        Điển tích Chỉ Hồng, Chỉ Thắm, Dây Thắm, Xích Thằng, Ông Tơ hay Nguyệt Lão … có xuất xứ như sau :

Nguyệt Lão và Vi Cố

        Theo Tục U Quái Lục của Lý Phục Ngôn đời Đường 唐朝文学家李复言所著的《续玄怪录 : Vào năm Đường Trinh Quan thứ hai (638), đất Đỗ Lăng có thư sinh Vi Cố韋固, con nhà thế gia vọng tộc. Cha mẹ mất sơm, nên Cố đi du học bốn phương, vừa để học tập cầu tiến vừa để tìm kiếm hôn nhân. Khi đến Tống Thành, có người mai mối cho Vi Cố cưới con gái của quan tiền nhiệm huyện Thanh Hà là Tư Mã Phan làm vợ. Hẹn rằng sáng sớm hôm rằm sẽ gặp người mai mối ở trước cửa chùa Long Hưng Tự ở Nam Điếm để nói chuyện.

        Đến hẹn, Vi Cố vì nóng lòng với chuyện hôn nhân nên đêm đó không ngủ được. Trời chưa sáng mà đã lần mò đến trước cửa chùa. Bỗng chàng trông thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tiên phong đạo cốt ngồi trên bậc tam cấp trước cửa chùa đang giở xem một quyển sách. Hiếu kỳ chàng bèn đi tới ghé mắt nhìn vào, thì ngạc nhiên làm sao, trên sách là loại chữ rất đặc biệt không sao đọc được. Chàng bèn khẩn khoản hỏi thăm ông lão, thì được ông lão cho biết đó không phải là chữ của nhân gian, và bản thân ông cũng không phải là người của nhân gian nữa. Hiếu kỳ và thích thú, Vi Cố hỏi trong sách ghi chép những gì, thì ông lão cho biết đó là sách ghi chép tất cả những cuộc hôn nhân của trai gái trên đời nầy. Đoạn ông lấy ra một cuộn chỉ đỏ và giải thích rằng, khi ông đã buộc chỉ đỏ nầy vào chân của cặp trai gái nào rồi, thì dù cho có quan san cách trở hay thù oán lẫn nhau gì gì đi nữa, thì rốt cuộc cũng sẽ thành vợ thành chồng với nhau mà thôi.

        Trong lúc đang tìm kiếm hôn nhân, Vi Cố bèn hỏi ông lão xem có biết mình chừng nào kết hôn và vị hôn thê của mình là ai không ? Ông lão bèn lật sách ra xem rồi nói rằng : Vợ của Vi Cố năm nay mới có ba tuổi và phải mười bốn năm sau thì hai người mới kết hôn được. Đang lúc nóng lòng muốn cưới vợ, nghe ông lão nói thế, Vi Cố nản qúa bèn hỏi tới rằng : “ Vậy chớ bây giờ vợ tôi đang ở đâu ?”. Ông lão đáp là : “ Vợ của cậu đang ở tại đây, ở phía bắc của Nam Điếm nầy, đang do một người đàn bà bán cải trông nom. Cậu đừng nóng ruột, trời sáng thì sẽ gặp mặt thôi !”

Nguyệt Lão và Vi Cố

        Khi trời đã sáng hẵn rồi, mà người mai mối ước hẹn với Vi Cố cũng không thấy tới. Ông lão ngồi dưới trăng cũng cất sách vào bọc. Đoạn đứng dậy bảo Vi Cố đi theo ông ta vào chợ. Khi đến hàng cải, thấy có người đàn bà một mắt tay đang ẵm một đứa bé mũi dãi thò lò, đang mua cải. Ông lão bèn chỉ vào cô bé gái bảo : “Đây là vợ cậu đó !”. Vi Cố nghe xong cả giận nói : “ Nếu lời nói của ông không sai, thì tôi sẽ giết con bé nầy !”. Ông lão cười bảo : “Đây là mạng số đã an bày, e rằng cậu sẽ không giết nổi cô ấy đâu !”. Nói đoạn, ông lão quay lưng bỏ đi mất.

        Vi Cố là con nhà thế gia vọng tộc, cho là ông lão cố ý làm nhục mình, nên khi về đến nhà trọ, bèn đưa một con dao nhỏ cho một gia đồng, bảo ra chợ đâm chết con bé gái của người đàn bà một mắt. Trong thời buổi phong kiến, thì việc con nhà quyền thế, cậy quyền cậy thế để giết hại người nghèo cũng là chuyện thường tình, còn các đầy tớ do chủ nuôi thì cứ sai đâu đánh đó, nhắm mắt làm càng. Tuy nhiên, mạng người hệ trọng, giữa chợ giữa búa lại là lúc ban ngày ban mặt mà dám giết người giữa chợ thì cũng không phải là chuyện tầm thường. Nên khi ra đến chợ, tên gia đồng lừa thế đâm đứa bé một nhát rồi bỏ chạy trối chết. Khi về đến nhà trọ Vu Hựu hỏi kết qủa thế nào. Tên gia đồng bảo là vì có người đàn bà che chở, nhưng vẫn đâm trúng một nhát vào đứa bé, còn sống chết ra sao thì chưa biết !

        Sau vụ om sòm ngoài chợ, Vu Hựu cũng hối hận cho sự nóng giận bồng bột của mình, nên bỏ đi nơi khác. Những năm sau đó chàng tiếp tục tìm người hôn phối khắp nơi để cầu hôn, nhưng đều thất bại, cộng thêm mấy lần thi rớt, công danh không thành, hôn phối không xong, gia cảnh ngày một khốn khó. Cuối cùng, chàng đành phải dẹp lòng tự ái tự trọng để xin một chức phụ ấm của cha để lại : làm Tham Quân cho xứ Tương Châu. Lúc bấy giờ chàng đã ngoài ba mươi tuổi và vẫn còn độc thân trơ trọi có một mình.

        Thứ sử Tương Châu là Vương Thái thấy chàng tướng mạo đoan trang, lại có văn tài, giao cho chàng kiêm nhiệm luôn về tư pháp ty của địa phương, chàng đều hoàn thành thật xuất sắc. Thấy chàng đã ngoài ba mươi mà chưa thành gia lập thất, nên Vương bèn gả con gái út cho chàng làm vợ. Cầu hôn suốt mười mấy năm trời đều thất bại, bỗng dưng được vợ, lại là con gái cưng của thượng cấp, Vi Cố vui mừng quá đổi.

Vi Cố cưới vợ

        Đêm động phòng hoa chúc, thấy cô dâu Vương Thị chỉ khoảng mười bảy mười tám tuổi, xinh đẹp vô cùng, lại theo thời trang đính một hoa vàng ở giữa đôi mày trông càng xinh xắn kiểu dáng vô cùng. Vi Cố rất thỏa mãn và hạnh phúc với cô vợ trẻ đẹp này. Nhưng không biết vì sao đóa hoa vàng làm dáng ở giữa mày, cả khi đi ngủ đi tắm nàng cũng không chịu mở ra, khiến Vi Cố vô cùng thắc mắc.

        Một hôm, khi vợ chồng đang trò chuyện thân mật với nhau, chàng mới thừa cơ hỏi rõ nguyên do. Nàng bèn cười mà đáp rằng : “Đó chẳng qua là tính thích làm đẹp của phái nữ, muốn giữ cho đẹp mà thôi !” Đoạn kể cho chàng nghe về lai lịch của mình. Thì ra, nàng không phải là con ruột của Vương Thứ Sử, chỉ là cháu gọi bằng chú mà thôi. Lúc nhỏ vì trên đường đi làm quan xa, cha nàng bị bệnh mất sớm, chẳng bao lâu mẹ cũng buồn rầu mà mất theo. Lúc đó nàng chỉ mới ba tuổi, phải sống nương nhờ vào bà vú nuôi, trồng cải ở mảnh đất sau nhà, nên mỗi ngày phải ra chợ bán cải cho bạn hàng. Một hôm không biết vì cớ gì có một kẻ côn đồ cầm dao định đâm nàng chết, may mà bà vú nhanh mắt tránh sang một bên, nên chỉ sướt qua giữa chân mày, vì thế mà nàng phải đính một đóa hoa vàng để che đi cái thẹo còn để lại. Sau đó chú nàng là Vương Thái tìm đến đem nàng về nuôi nấng và nhận làm con nuôi.

        Vi Cố nghe xong cả kinh, mồ hôi ra ướt cả mình, hỏi lại rằng : “ Có phải bà vú của nàng là người đàn bà chỉ có một mắt hay không ?” Vương Thị cũng rất ngạc nhiên mà hỏi lại rằng : “ Sao chàng lại biết ?!”. Đến nước nầy, Vi Cố bèn kể lại chuyện Nguyệt Lão là Ông gìa dưới trăng đã định sẵn hôn nhân của hai vợ chồng cho nàng nghe. Vương Thị cũng vô cùng cảm khái cho cuộc hôn nhân tiền định nầy, vì thế mà vợ chồng càng yêu thương khắn khít nhau hơn là những cặp vợ chồng thường khác.

        Vi Cố vì hưởng phụ ấm mà được chức quan nhỏ, nhưng nhờ gia đình bên vợ nâng đở, nên đường hoạn lộ cũng hanh thông. Sau nhờ con trai trưởng là Vi Cổn bình loạn có công, được phong làm Thái Thú Nhạn Môn Quan, lại được vua ban hàm Tướng Quân, mẹ là Vương Thị cũng được phong hàm Thái Nguyên Quận Thái Phu Nhân. Vì thế, mà câu chuyện Nguyệt Lão ở Nam Điếm của Tống thành ngày xưa được nhân gian truyền tụng và nhắc nhở. Huyện lệnh Tống Thành bèn đổi Nam Điếm thành Định Hôn Điếm定婚店là nơi Định đoạt Hôn Nhân của người thế gian, đồng thời cũng cho xây miếu để thờ phượng Ông Già Dưới Trăng, gọi là Nguyệt Lão Miếu月老廟.

Nguyệt Hạ Lão Nhân Miếu

        Ngày nay, khắp nơi đều có miếu thờ Nguyệt Lão, nếu không thì cũng có bàn thờ Nguyệt Lão được thờ chung với các vị thần khác ở tất cả các miếu. Riêng ở Trung Hoa thì miếu thờ Nguyệt Lão có ở khắp nơi trong nước, nhưng nổi tiếng nhất là Nguyệt Lão Miếu ở Hàng Châu, không phải vì nó đẹp và linh thiêng hơn các nơi khác mà vì nó có nét cổ kính và nhất là đôi câu đối bất hủ ở hai bên cổng miếu không biết do danh sĩ nào đã làm ra :
Nguyện thiên hạ hữu tình nhân chung thành liễu quyến thuộc,
願 天 下 有 情 人 终 成 了 眷 屬,
Thị tam sanh chú định sự mạc thác qúa nhân duyên !
是 三 生 註 定 事 莫 錯 過 良 緣。
Có nghĩa : 
Mong cho tất cả tình nhân trong thiên hạ, đều được nên gia thất,
Là chuyện tiền định từ ba kiếp trước, đừng để lở mất duyên lành !

Rất bình dân, rất nên thơ mà cũng rất thực tế, rất thiệt tình !

Tượng Nguyệt Lão

        Còn một chuyện rất mỉa mai đến buồn cười là : Nguyệt Lão ở Trung Hoa là Ông Gíà Dưới Trăng lẻ loi đơn độc có một mình. Mặc dù chuyên xe tơ kết tóc cho người đời nên duyên chồng vợ với nhau, nhưng sang qua Việt Nam, có thể dân ta thấy tội nghiệp cho ông suốt đời chỉ mai mối cho người khác còn mình thì vẫn lẻ loi, và theo quan niệm của người Việt Nam ta, có “Ông” thì phải có “Bà”, nên mới “cưới” cho ông một “ Bà Nguyệt “ nữa, thành một cặp “Ông Tơ Bà Nguyệt”, và thành ngữ “Ông Tơ Bà Nguyệt” chỉ có trong ngôn ngữ và văn chương Việt Nam ta mà thôi, chớ ở bên Tàu thì “Ông Tơ” là Nguyệt Lão vẫn chỉ trơ trọi có một mình, không biết chuyện trai gái là gì cả, nên mới bị nàng Cung phi của Nguyễn Gia Thiều bỡn cợt :
Tay NGUYỆT LÃO khờ sao có một
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.
Cái đêm hôm ấy đêm gì?
Bóng gương lồng bóng đồ mi trập trùng.
  
 Đỗ Chiêu Đức

 

19 tháng 12 2018

C. Lá Thắm

<C.008><Điển tích văn học> 

Đề tài: LÁ THẮM
Biên soạn: ĐỖ CHIÊU ĐỨC
 

        Điển tích “LÁ THẮM” được sử dụng rất nhiều và rất rộng rãi trong văn chương Việt Nam. Phần đầu Truyện Kiều, khi dò la chỗ ở của Thúy Kiều, Kim Trọng đã đụng phải :
    Thăm nghiêm kín cổng cao tường,
    Cạn dòng LÁ THẮM dứt đường chim xanh !

        Lá Thắm là từ Nôm của từ “Hồng Diệp 紅葉” là Lá đỏ thắm; mà Hồng Diệp lại là từ nói gọn lại của nhóm từ “Hồng Diệp Đề Thi 紅葉題詩” là “Lá Đỏ Đề Thơ”, hay là “Thơ Bài Lá Đỏ” như trong thơ của Hoàng Sĩ Khải :
    Thực nhân tình THƠ BÀI LÁ ĐỎ,
    Mạch sầu kia hầu tỏ cùng ai.

        Lắm lúc lại được nói trại đi thành “Thả Lá Doanh Câu” như trong Bích Câu Kỳ Ngộ là :
    Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
    Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?!

        Hồng Diệp đôi khi còn được nói thành nửa Hán nửa Nôm là “Lá Hồng”, như thơ của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện trong Hoa Tiên Ký :
    Gớm nơi ngôi bảng duềnh khơi,
    LÁ HỒNG bỗng đến chi nơi nổi chìm.

        Hồng Diệp còn thường đi chung với Xích Thằng, thành “Hồng Diệp Xích Thằng 紅葉赤繩”, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :
    Nàng rằng : HỒNG DIỆP Xích Thằng,
    Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri !

        Và như trong Tây Sương Ký :
    Sự đâu nói gió bàn trăng,
    Mà nghe HỒNG DIỆP Xích Thằng như chơi !

        Hồng Diệp Xích Thằng nói Nôm na thành ra “Lá Thắm Chỉ Hồng”, cũng lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng khi Kim tỏ tình :
    Dù khi LÁ THẮM Chỉ Hồng,
    Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

        Ta thấy, điển tích Lá Thắm được sử dụng hết sức rộng rãi trong văn học cổ Việt Nam ta, và được biến thể rất đa dạng từ Hồng Diệp đến Lá Thắm, Lá Hồng, Hồng Diệp Đề Thi, Thư Bài Lá Đỏ, Hồng Diệp Xích Thằng … Nên muốn hiểu hết, cảm nhận hết ý nghĩa của các câu thơ trên, ta phải tìm hiểu xuất xứ của điển tích này để thấy được hết cái hay, cái ý vị hàm chứa trong các câu thơ đó.


        Có 3 xuất xứ cho điển tích LÁ THẮM như sau :

        1. Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC :
        Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương đời Đường là Phượng Nhi 鳳兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈全虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.

        2. Theo sách VĂN KHÊ HỮU NGHỊ :
        Thư sinh Lư Ốc 盧偓 đi ngang qua ngự câu ( dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài ), Ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong trap, người vợ nói :” Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, không ngờ chàng lại chính là người đã bắt được !”.

        3. Theo THANH TỎA CAO NGHI và THÁI BÌNH QUẢNG KÝ :
        Cung nhân Hàn Thị 韓氏 đề một bài thơ trên lá đỏ, thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于祐 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ, rồi đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ cùng cùng cảm kích mà nói :" Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây ".

        Cả ba xuất xứ trên của điển tích Lá Thắm đều có nội dung tương tự như nhau. Nhưng truyền tụng rộng rãi trong dân gian và được mọi người yêu thích nhất là Xuất Xứ Thứ 3 : Truyện của chàng thư sinh Vu Hựu và cung nhân Hàn Thị. Truyện được kể như sau : 
        Đời vua Đường Hi Tông (874-888). Thiên hạ loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi, vì thế mà kẻ sĩ là những người chân yếu tay mềm đều nhập kinh lánh nạn, một số cũng nhân cơ hội nầy đợi kỳ ứng thí để tìm chút công danh. Trong số đó có chàng nho sinh Vu Hựu.

        Sau khi lưu lạc ở đất Trường An, Vu Hựu cũng không tìm được việc làm thích hợp. Chàng hay lang thang đi về những nơi hẻo lánh của chốn kinh thành. Một buổi chiều thu, khi thả bộ bên dòng Ngự câu từ trong cung chảy ra, ngắm những lá phong vàng bị gió thu cuốn rơi lả tả trôi theo dòng nước. Cảm khái với thân phận của mình cũng giống như những chiếc lá vàng kia. Chàng bèn ngồi xuống một tảng đá bên bờ ngự câu mà nhìn lá rơi nước cuốn. Những chiếc lá phong đỏ rực lắp lánh bên dòng nước thu hút sự chú ý của chàng. Chàng chợt thấy thắp thoáng trên một chiếc lá phong ẩn hiện như có dòng chữ viết, bèn vội vả vớt lên xem, thì thấy có bốn câu Ngũ ngôn Tứ tuyệt sau đây :
流水何太急 ?               Lưu thuỷ hà thái cấp? 
深宮盡日閒。             Thâm cung tận nhật nhàn 
殷勤謝紅葉,             Ân cần tạ hồng diệp 
好去到人間!             Hảo khứ đáo nhân gian! 
        Có nghĩa :  
    Nước chảy sao vội thế ?
    Trong cung suốt buổi nhàn.
    Ân cần nhờ là đỏ,
    Đưa đến chốn nhơn gian !

        Lời thơ thanh tân mà chất chứa bao nỗi u ẩn ở trong lòng : Nước ơi, sao mà chảy vội vả thế, trong cung cấm ta nhàn rỗi suốt cả ngày, nên mới ân cần nhờ chiếc lá đỏ gởi những dòng tâm sự nầy ra đến cỏi dân gian ! Vu Hựu cảm thương cho người cung nữ tài hoa, nàng đã gọi thế giới bên ngoài là " Nhơn Gian ", thế thì ở trong cung cấm là gì? "Địa Ngục" sao? Chàng cứ ray rức ngẩn ngơ thương cho nàng cung nữ bất hạnh, bèn lên phía thượng lưu của ngự câu, chọn một chiếc lá thật đẹp, rồi thả trở vào cung hai câu thơ thất ngôn sau đây :

曾聞葉上題紅怨                 Tằng văn diệp thượng đề hồng oán, 
葉上題詩寄阿誰?             Diệp thượng đề thi ký A thùy ? 
        Có nghĩa : 
Từng nghe lá đỏ đề thơ oán,
Lá đỏ đề thơ gởi đến ai ?

        Bạn bè biết được sự si tình của Vu Hựu, lại chế giễu chàng bằng hai câu thơ sau :
君恩不禁東流水                 Quân ân bất cấm đông lưu thủy, 
流出宮情是此溝.                 Lưu xuất cung tình thị thử câu. 
        Có nghĩa : 
Vua không ngăn nước về đông,
Thả tình cung cấm theo dòng chảy ra !

        Mặc cho bạn bè cười cợt, Vu Hựu vẫn mang chiếc lá về cất kỹ trong rương. Rồi từ đó về sau chàng đi thi mãi mà vẫn không đậu đạt gì cả. Vì cuộc sống khó khăn nên chàng mới xin vào làm gia khách, gia sư cho một qúy nhân ở Hà Trung là Hàn Vĩnh. Hàn rất kính trọng về nhân phẩm và học vấn của Vu Hựu nên đối với chàng rất tốt.


        Mười năm sau, trong cung vua thải ra ba ngàn cung nhân, cho về quê lấy chồng sinh sống. Trong số đó có Hàn Thị là em họ của Hàn Vĩnh. Vĩnh biết Hựu chưa lập gia đình nên mới làm mai Hàn Thị cho chàng. Hàn Thị ở trong cung lâu ngày nên cũng tích lũy được một ít tài vật, lại có nhan sắc. Vu Hựu vốn là thư sinh cùng đồ mạt vận, nay bỗng được vợ đẹp lại có của thì còn gì sung sướng cho bằng. Còn Hàn Thị thì ngoài ba mươi mới lấy chồng, nên hết lòng thương yêu chăm sóc cho Vu Hựu. Sau tân hôn họ sống với nhau rất là hạnh phúc.

        Một hôm, Hàn Thị sắp xếp lại sách vở cho chồng, bỗng phát hiện ra chiếc lá đỏ có đề thơ của mình được kẹp trong một quyển sách. Nàng rất ngạc nhiên mà hỏi chàng về lai lịch của chiếc lá. Vu Hựu bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày xưa. Hàn Thị bèn cho chàng biết đó là bài thơ của mình, đồng thời cũng lấy từ trong trap ra chiếc lá có hai câu thơ của Vu Hựu mà nàng đã vớt được sau đó. Cả hai đều rất kinh ngạc và cảm khái cho duyên số đã an bài. Hàn Thị bèn từ trong trap lấy ra thêm một bài thơ nữa và nói với chồng rằng : “Đây là bài thơ của thiếp làm sau khi vớt được chiếc lá của chàng!”. Vu Hựu bèn đọc bài thơ như sau :
獨步天溝岸,                     Độc bộ thiên câu ngạn, 
臨流得葉時.                     Lâm lưu đắc diệp thì. 
此情誰可得                      Thử tình thùy khả đắc, 
腸斷一聯詩 !                    Trường đoản nhất liên thi ! 
        Có nghĩa : 
Lẻ loi bước giữa dòng câu,
Bên bờ vớt lá nghe sầu mênh mang.
Tình nầy ai thấu can tràng,
Đau lòng cung nữ đôi hàng thơ ai !

        Hôm sau, vợ chồng Vu Hựu bèn đem chuyện Lá Đỏ Đề Thơ nói cho Hàn Vĩnh biết. Nghe xong Hàn Vĩnh cả cười, cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau: 
一聯佳句題流水,                Nhất liên giai cú tùy lưu thủy
十載幽思滿素懷.                Thập tải u tư mãn tố hoài.
今日卻成鸞鳳友,                Kim nhật khước thành loan phượng hữu,
方知紅葉是良媒.                Phương tri hồng diệp thị lương mai.
        Có nghĩa : 
Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
May mắn hôm nay loan phụng hợp,
Mới hay lá đỏ chính mai dong !

        S
au đó, Hàn Vĩnh còn cho tổ chức một Hồng Diệp Hội (một Party về Lá Đỏ) cho hai vợ chồng Vu Hựu và còn công khai chuyện Lá Đỏ Đề Thơ ra ngoài. Các văn nhân thi sĩ ở Trường An lúc bấy giờ hưởng ứng rất đông. Trong số văn thơ xướng họa, nổi tiếng nhất có bài thất ngôn tứ tuyệt của thi sĩ Cố Huống như sau :
花落深宮鶯亦悲,             Hoa lạc thâm cung oanh diệc bi, 
上陽宮女斷腸時。             Thượng Dương cung nữ đoạn trường thì. 
君恩不閉東流水,                 Quân ân bất bế đông lưu thủy, 
葉上題詩寄與誰?             Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ ? 
        Có nghĩa : 
Hoa rụng thâm cung oanh cũng sầu,
Thượng Dương cung nữ quặn lòng đau.
Ơn vua không bế dòng lưu thuỷ,
Trên lá đề thơ gởi đến đâu ?!

        Ch
ẳng bao lâu sau, gặp loạn Hoàng Sào. Đường Hi Tông cùng bá quan văn võ lià bỏ kinh thành chạy loạn vào đất Thục. Vợ chồng Vu Hựu cũng cùng với Hàn Vĩnh theo phò giá. Vì trước kia từng ở trong cung nên rất am tường về nề nếp sinh hoạt của hoàng gia, vì thế Hàn Thị được vua triệu kiến. Nhà vua bèn hỏi nàng về chuyện đề thơ trên lá. Hàn Thị bèn kể lại chuyện mình. Vua lại triệu kiến Vu Hựu. Thấy chàng ăn nói chửng chạc đối đáp lưu loát, có văn tài, bèn cho theo làm tùy tùng bên cạnh vua.

        
        Khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên. Vu Hựu vì theo phò giá có công, nên được phong làm Thần Sách Quân Ngu Hầu. Mặc dù quan chức không lớn, nhưng khi trở lại trường an, vợ chồng Vu Hựu nổi tiếng với câu cuyện Lá Đỏ Đề Thơ của mình. Họ sống với nhau trong phú qúy hạnh phúc và mặc dù đã trên ba mươi mới lấy chồng, Hàn Thị vẫn sinh được năm trai hai gái. Đến khi con cái lớn lên thành đạt cả rồi mà câu chuyện Lá Đỏ Đề Thơ vẫn còn được dân gian nhắc mãi.

        Tương truyền là Hàn Thị mất trước. Trước lúc lâm chung, bà còn yêu cầu chồng cho chôn chung chiếc lá đỏ với mình. Lá đỏ giờ đã phai màu, nhưng câu chuyện “ Hồng Diệp Đề Thi “ của họ vẫn thắm đượm mãi trong dân gian…

        Lúc bấy giờ, Thừa Tướng đương triều là Trương Tuấn biết được việc nầy đã cảm khái mà viết nên bài ca sau đây :

長安百萬戶,                     Trường an bách vạn hộ, 

御水日東注。                 Ngự thủy nhật đông chú. 
水上有紅葉,                 Thủy thượng hữu hồng diệp, 
子獨得佳句。                 Tử độc đắc giai cú. 
 子復題脫葉,                 Tử phục đề thoát diệp,
 流入宮中去。                 Lưu nhập cung trung khứ.
 漢宮千萬人,                 Hán cung thiên vạn nhân,
 葉歸韓氏處.                    Diệp quy Hàn Thị xứ.
出宮三千人,                 Xuất cung tam thiên nhân, 
韓氏藉中數。                 Hàn Thị tịch trung số. 
回首謝君恩,                 Hồi thủ tạ quân ân, 
淚灑胭脂雨。                 Lệ sái yên chi vũ. 
寓居貴人家,                 Ngụ cư qúy nhân gia, 
方與子相遇。                 Phương dữ tử tương ngộ, 
通媒六禮俱。                 Thông môi lục lễ cụ, 
百歲為夫婦。                Bách tuế vi phu phụ. 
兒女滿眼前,                 Nhi nữ mãn nhản tiền, 
青紫盈門戶。                 Thanh tử doanh môn hộ. 
茲事自前無,                Tư sự tự tiền vô, 
可以傳千古!                 Khả dĩ truyền thiên cổ ! 

        Diễn nôm : 

Thành Trường An dân đông bách hộ,
Dòng ngự câu vẫn đổ về đông.
Chảy xuôi lá đỏ theo dòng,
Chàng Vu bắt được bâng khuâng sớm chiều.
Viết đôi câu đánh liều thả ngược,
Trôi vào cung theo nước phản hồi.
Lãnh cung nhan nhản những người,
Lá về Hàn Thị tìm vui cung buồn.
Thải về nguồn ba ngàn cung nữ,
Hàn Thị về vui chữ đoàn viên.
Cúi đầu lạy tạ ơn trên,
Lệ rơi ướt má hết phiền hết lo.
Đem thân trọ nhà anh Hàn Vĩnh,
Gặp chàng Vu định mối lương duyên.
Mối mai sáu lễ đã yên,
Trăm năm chồng vợ phỉ nguyền sánh đôi.
Con đàn cháu đống thảnh thơi,
Nên danh áo tía lộc trời vinh hoa.
Duyên lành LÁ ĐỎ đồn xa,
Lưu danh thiên cổ ai mà chẳng khen !

        Sau bài ca nầy, câu chuyện “ Hồng Diệp Nhân Duyên “(Nhân duyên nhờ vào lá đỏ) của Vu Hựu và Hàn Thị được loan truyền khắp cả nước và … mãi mãi cho đến ngày nay !

Đỗ Chiêu Đức