Nhãn

Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -dịch Hán thi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Thơ Cổ -dịch Hán thi. Hiển thị tất cả bài đăng

26 tháng 11 2023

Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ

 <C.087~Dịch Hán Thi>
Đề bài: XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ
Tác giả: TRƯƠNG NHƯỢC HƯ
Thể thơ: thất ngôn tứ cú (9 khổ)




★ Nguyên bản chữ Hán

春江花月夜

春江潮水連海平,
海上明月共潮生。
灩灩隨波千萬里,
何處春江無月明。

江流宛轉繞芳甸,
月照花林皆似霰。
空裏流霜不覺飛,
汀上白沙看不見。

江天一色無纖塵,
皎皎空中孤月輪。
江畔何人初見月,
江月何年初照人。

人生代代無窮已,
江月年年只相似。
不知江月待何人,
但見長江送流水。

白雲一片去悠悠,
青楓浦上不勝愁。
誰家今夜扁舟子,
何處相思明月樓。

可憐樓上月徘徊,
應照離人妝鏡臺。
玉戶帘中捲不去,
搗衣砧上拂還來。

此時相望不相聞,
願逐月華流照君。
鴻雁長飛光不度,
魚龍潛躍水成文。

昨夜閒潭夢落花,
可憐春半不還家。
江水流春去欲盡,
江潭落月復西斜。

斜月沉沉藏海霧,
碣石瀟湘無限路。
不知乘月幾人歸,
落月搖情滿江樹。

張若虛

★ Phiên âm

Xuân giang hoa nguyệt dạ

Xuân giang triều thuỷ liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.

Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tiển.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Đinh thượng bạch sa khan bất kiến.

Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?

Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên chỉ tương tự.
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân,
Đãn kiến trường giang tống lưu thuỷ.

Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong phố thượng bất thăng sầu.
Thuỳ gia kim dạ thiên chu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?

Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.

Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
Ngư long tiềm dược thuỷ thành văn.

Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thuỷ lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.

Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.

--------------------
★ Dịch nghĩa (của Thi Viện)

Thuỷ triều lên, mặt sông xuân ngang mặt bể,
Trên bể, trăng sáng cùng lên với thuỷ triều.
Lấp loáng theo sóng trôi muôn ngàn dặm,
Có nơi nào trên sông xuân là không sáng trăng?

Dòng sông lượn vòng khu cồn hương thơm,
Trăng chiếu rừng hoa ngời như hạt tuyết.
Trên sông sương trôi tưởng như không bay
Bãi sông cát trắng, nhìn chẳng nhận ra

Sông và trời, một màu không mảy bụi,
Ngời sáng trong không, vầng trăng trơ trọi
Người bên sông, ai kẻ đầu tiên thấy trăng?
Trăng trên sông, năm nào đầu tiên rọi xuống người?

Người sinh đời đời không bao giờ ngừng
Trăng trên sông năm năm ngắm vẵn y nguyên
Chẳng biết trăng trên sông chiếu sáng những ai
Chỉ thấy sông dài đưa dòng nước chảy

Mây trắng một dải, vẩn vơ bay
Cây phong biếc xanh trên bờ buồn khôn xiết
Người nhà ai đêm nay dong con thuyền nhỏ
Người nơi nao trên lầu trăng sáng đương tương tư?

Đáng thương cho trên lầu vầng trăng bồi hồi
Phải chiếu sáng đài gương người biệt ly
Rèm nhà ngọc cuốn lên rồi, trăng vẫn không đi
Phiến đá đập áo lau đi rồi, trăng vẫn cứ lại

Giờ đây cùng ngắm trăng mà không cùng nghe tiếng nhau
Nguyện theo ánh đẹp vầng trăng trôi tới chiếu sáng bên người
Chim hồng nhạn bay dài không thể mang trăng đi
Cá rồng lặn nhảy, chỉ khiến làn nước gợn sóng

Đêm qua thanh vắng, mơ thấy hoa rơi,
Đáng thương cho người đã nửa mùa xuân chưa về nhà
Nước sông trôi xuôi, xuân đi sắp hết
Trăng lặn trên bãi sông, trăng xế về tây

Trăng xế chìm dần lẩn trong sương mù mặt bể
Núi Kiệt Thạch, sông Tiêu Tương đường thẳm không cùng
Chẳng biết nhân ánh trăng đã mấy người về
Trăng lặn, rung rinh mối tình, những cây đầy sông.

-------------------
Dịch thơ của Mai Thắng

XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ
(Sông Xuân Đêm Hoa Trăng)

- Dịch thất ngôn tứ cú

Con nước triều lên ngang mặt biển
Trăng lên sáng biển đón triều dâng
Sóng gợn lung linh loang vạn dặm
Sông xuân nào dễ thiếu màu trăng.

Sông lượn mùi thơm hương cỏ lạ
Trăng ngời hạt móc đẫm rừng hoa
Mặt sông sương mắc như hòa đọng
Bãi cát và trăng khó nhận ra

Sông lẫn màu trời không mảy bụi
Vầng trăng lơ lửng giữa tầng khơi
Đầu sông phương ấy ai nhìn trước
Trăng sáng năm nao rọi xuống người

Vạn kiếp nhân sinh không thể nghỉ
Sông trăng ngàn thuở vẫn y nguyên
Biết đãi ai người đang tỏa sáng
Sông dài con nước chảy triền miên

Mây trắng vẫn bay liền một dải
Bến Thanh Phong vẫn mải sầu thương
Du tử dong thuyền phiêu bạt thả
Lầu cao cô phụ chạnh dòng tương

Thương chốn lầu cao trăng lởn vởn
Chiếu đài gương vọng bóng phân ly
Rèm ngọc cuốn lên trăng vẫn đó
Chiếu chày đá giặt chẳng buồn đi

Cùng ngắm trăng mà đâu thể thấy
Ước cùng chung rảo bước tung tăng
Hồng nhạn lượn bay vùng nguyệt tỏ
Cá rồng đùa giỡn sóng lăn tăn

Đầm vắng chìm mơ hoa rụng khắp
Nửa mùa xuân hết vẫn loay quay
Sông vẫn xuôi dòng xuân sắp cạn
Bóng trăng lờ lững ngã về tây

Trăng lẫn màn sương trên mặt biển
Ngàn xa Kiệt Thạch với Tiêu Tương
Sáng vợi thâm tình thương mấy kẻ
Hàng cây còn đợi bóng trăng nương

- Dịch song thất lục bát

Con nước triều lên ngang mặt biển
Trăng lên từ biển chuyển theo triều
Lung linh sóng dợn trăng dìu
Nơi nào sông chẳng trải điều đón trăng

Sông uốn lượn miền giăng hương lạ
Trăng sáng ngời móc tỏa rừng hoa
Mặt sông sương đọng giao thoa
Ánh trăng bãi cát chan hòa quyện nhau

Sông với trời chung màu không bụi
Vầng trăng nhìn theo dõi tầng không
Ai nhìn trước phía đầu sông
Có nghe trăng sáng dỗ hồng thế nhân

Nhân sinh mãi không ngừng để nghỉ
Sông trăng hoài vạn kỷ còn nguyên
Ai người biết sẽ hữu duyên
Sông dài nước chảy triền miên xuôi dòng

Vầng mây trắng thong dong một dải
Bến Thanh Phong vẫn mải ôm sầu
Con thuyền du tử về đâu
Nàng cô phụ ngắm nguyệt lầu nhớ thương

Thương lầu cao trăng dường lởn vởn
Chiếu đài gương vọng tưởng người đi
Cuốn rèm ngọc vẫn không lê
Chiếu chày đá giặt cũng về chỗ xưa

Cùng ngắm trăng tìm chưa thể thấy
Ngẫm ước cùng bước nhảy tung tăng
Nhạn hồng lượn dưới vùng trăng
Cá rồng giỡn sóng lăn tăn biệt mù

Đêm mơ thấy đầm khô hoa rụng
Nửa xuân rồi chẳng vững gì hơn
Xuôi dòng sông sắp cạn xuân
Trăng tà đang ngã theo dần về tây

Trăng chìm lẫn sương dày trên biển
Kiệt Thạch đường khó đến Tiêu Tương
Tình về được mấy người thương
Sông chờ cây đợi trăng nương bóng tìm

Mai Thắng (230920)

--------------------------

★ Bài sưu tầm của Đỗ Chiêu Đức

Góc Đường Thi :

XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ.

TRƯƠNG NHƯỢC HƯ 張若虛 (Khoảng 660-720), người đất Dương Châu (thuộc tỉnh Giang Tô hiện nay) là thi nhân nổi tiếng đời Đường. Từng giữ chức Binh Tào ở Đoái Châu, cùng với Hạ Tri Chương, Trương Húc và Bao Dung hợp xưng là "Ngô Trung Tứ Sĩ 吳中四士". Trong Toàn Đường Thi Tập chỉ còn chép lại có 2 bài thơ của Trương Nhược Hư mà thôi : Bài nầy và bài "Đại Đáp Khuê Mộng Hoàn 代答閨夢還". Riêng bài "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ 春江花月夜" là bài thơ được đánh giá là "Bài thơ Thất ngôn trường thiên hay nhất ở thời buổi Thịnh Đường". Ta hãy cùng đọc bài thơ nầy nhé !

* Nguyên bản và phiên âm

春江花月夜             XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ
                                
春江潮水連海平,     1. Xuân giang triều thủy liên hải bình,
海上明月共潮生。 Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
灩灩隨波千萬裏, Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,
何處春江無月明!? Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh !?

江流宛轉繞芳甸, 2. Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
月照花林皆似霰; Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tán;
空裏流霜不覺飛, Không lý lưu sương bất giác phi,
汀上白沙看不見。 Thinh thượng bạch sa khan bất kiến.

江天一色無纖塵, 3. Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
皎皎空中孤月輪。 Giảo giảo không trung cô nguyệt luân.
江畔何人初見月? Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt ?
江月何年初照人? Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân ?

人生代代無窮已, 4. Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
江月年年望相似。 Giang nguyệt niên niên vọng tương tự.
不知江月待何人, Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân,
但見長江送流水。 Đản kiến trường giang tống lưu thủy.

白雲一片去悠悠, 5. Bạch vân nhất phiến khứ du du,
青楓浦上不勝愁。 Thanh phong phố thượng bất thắng sầu.
誰家今夜扁舟子? Thùy gia kim dạ biển chu tử ?
何處相思明月樓? Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu ?

可憐樓上月徘徊, 6. Khả lân lâu thượng nguyệt bồi hồi,
應照離人妝鏡臺。 Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
玉戶簾中卷不去, Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
搗衣砧上拂還來。 Đảo y châm thượng phất hoàn lai.

此時相望不相聞, 7. Thử thời tương vọng bất tương văn,
願逐月華流照君。 Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
鴻雁長飛光不度, Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
魚龍潛躍水成文。 Ngư long tiềm diệu thủy thành văn.

昨夜閒潭夢落花, 8. Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
可憐春半不還家。 Khả lân xuân bán bất hoàn gia.
江水流春去欲盡, Giang thủy lưu xuân khứ dục tận,
江潭落月復西斜。 Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.

斜月沉沉藏海霧, 9. Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
碣石瀟湘無限路。 Kiệt thạch tiêu tương vô hạn lộ.
不知乘月幾人歸, Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
落月搖情滿江樹。 Lạc nguyệt diêu tình mãn giang thọ.

* Chú thích :

- Xuất xứ của bài thơ XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ 春江花月夜 : Vốn là tên của một ca khúc nổi tiếng của đất Ngô, tương truyền là do Trần Hậu Chúa của Nam Triều làm ra, Bản từ gốc đã thất truyền. Theo Cựu Đường Thư, thì "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ", "Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa", "Đường Đường"... đều do Trần Thúc Bảo Hậu Chúa cùng các nữ học sĩ trong cung sáng tác và các triều thần hòa thành thơ, rồi Thái Nhạc Lệnh là Hà Tư chọn những bài từ hoa lệ mà phổ thành ca khúc nầy. Sau Tùy Dương Đế cũng có sáng tác qua từ điệu nầy. Trong "Nhạc Phủ Thi Tập 樂府詩集" quyển thứ 47 có chép lại 7 khúc hát với từ điệu "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ", trong đó có 2 bài là của Tùy Dương Đế. Bài thơ "Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ" của Trương Nhược Hư cũng làm theo đề từ nầy, nhưng đã khác với các khúc điệu trước đây, nhưng lại là bài thơ nổi tiếng nhất trong các bài đề từ cùng tên.

- Diễm Diễm 灩灩 :Sóng nước chập chờn lắp loáng.
- Phương Điện 芳甸 :PHƯƠNG là Mùi thơm của Hoa cỏ. ĐIỆN là Đất ngoài đồng trống; nên PHƯƠNG ĐIỆN là Cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ.
- Tán 霰 :là Mưa đá thật nhỏ, những hạt nước trắng tinh trông thật tinh khiết dưới ánh trăng.
- Lưu Sương 流霜 :Không phải là sương lưu động, mà là những hạt sương như những làn tuyết mỏng bay bay dưới ánh trăng mờ ảo mông lung.
- Thinh 汀 :Bãi cát hay những cồn cát nổi lên ở trên sông.
- Tiêm Trần 纖塵 :TIÊM là Mịn màng, TRẦN là Bụi bặm; nên TIÊM TRẦN là những hạt bụi thât nhỏ thật mịn.
- Nguyệt Luân 月輪 :LUÂN là cái bánh xe, nên NGUYỆT LUÂN chỉ Vầng trăng tròn như là cái bánh xe. Trăng thật tròn.
- Cùng Dĩ 窮已 :là Cùng tận, là Hết mức.
- Câu "Giang nguyệt niên niên CHỈ tương tự 江月年年只相似:Còn có một dị bản là “Giang nguyệt niên niên VỌNG tương tự 江月年年望相似”。
- Đản Kiến 但見 :Chỉ thấy, Chỉ thấy là...
- Du Du 悠悠 :là Xa xôi diệu vợi.
- Thanh Phong Phố 青楓浦 :PHỐ là Bến nước, nên THANH PHONG PHỐ là Bến nước Thanh Phong ở tỉnh Hồ Nam hiện nay. Ở đây phiếm chỉ chỗ ở của người du tử.
- Phố Thượng 浦上:là Trên bến nước, là Bên bờ sông. Câu nầy lấy ý từ bài Cửu Ca của Khuất Nguyên《屈原 九歌》:“Tử giao thủ hề đông hành, Tống mỹ nhân hề nam phố 子交手兮東行,送美人兮南浦”. Hai câu thơ trên hàm ý chia tay giả biệt : Nắm tay giả biệt về đông,/ Đưa người nam phố cho lòng ngẩn ngơ.
- Biển Chu Tử 扁舟子 :là Chiếc thuyền con, ý chỉ phiêu bạt như người du tử.
- Minh Nguyệt Lâu 明月樓 :là Lầu trăng sáng, chỉ sự nhớ nhung của người cô phụ, theo như bài thơ "Thất Ai Thi" của Tào Thực đời Tấn
曹植《七哀詩》:  明月照高樓    Minh nguyệt chiếu cao lâu //  流光正徘徊    Lưu quang chánh bồi hồi // 上有愁思婦     Thượng hữu sầu tư phụ    //  悲嘆有餘哀!  Bi thán hữu dư ai! // , có nghĩa : Lầu cao trăng chiếu mênh mông, / Ánh vàng bàng bạc cho lòng ngẩn ngơ. /Cô đơn thiếu phụ bơ phờ, /Tiếng than não nuột thẫn thờ bi ai !
- Ly Nhân 離人 :Những người ly biệt, ở đây chỉ người cô phụ xa chồng.
- Trang Kính Đài 妝鏡台 :Cái đài gương, cái giá gương để trước bàn trang điểm, chỉ chung Bàn Phấn của qúy bà qúy cô.
- Ngọc Hộ 玉戶 :Cửa có dát ngọc, chỉ các lâu đài cao sang hoa lệ.
- Đảo Y Châm 搗衣砧 :Cái chày bằng đá ngày xưa dùng để giặt giũ.
- Tương Vọng 相望...Tương Văn 相聞 :Nhìn nhau... Nghe thấy nhau.
- Trục 逐 :Rượt theo, đuổi theo.
- Nhàn Đàm 閒潭 :chỉ Đầm nước yên tịnh phẵng lặng.
- Phục Tây Tà 復西斜 :Lại nghiêng ngã về tây.
- Tiêu Tương 瀟湘 : chỉ 2 con sông Tương Giang và Tiêu Thủy ở tỉnh Hồ Nam hiện nay.
- Kiệt Thạch 碣石 : Hòn đá đứng trơ trọi một mình, tên núi ở tỉnh Hà Bắc hiện nay, nên KIỆT THẠCH và TIÊU TƯƠNG : Một ở bắc một ở nam, chỉ đường xá xa xôi khó thể gặp nhau.
- Vô Hạn Lộ 無限路 :Đường xá không có giới hạn, chỉ xa xôi vô cùng.
- Thừa Nguyệt 乘月 :Thừa lúc ánh trăng sáng, nhân lúc sáng trăng.
- Diêu Tình 搖情 :Tình cảm dao động, chỉ xúc động tâm tình.

* Nghĩa bài thơ :

Đêm Hoa Nguyệt Trên Sông Xuân

    Thế nước thủy triều của mùa xuân dào dạt hòa cùng nước biển liền thành một dãy, một vầng trăng mọc lên từ mặt biển như cùng trào dâng với nước thủy triều. Ánh trăng sáng chiếu trên sông xuân gợn sóng lắp loáng cả muôn vạn dặm. Không có chỗ nào trên sông là không có ánh sáng trăng chiếu đến. Nước sông uốn khúc chảy quanh cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ, ánh trăng thì rải đầy trên rừng cây lắp lánh hạt móc sa.
    Ánh trăng sáng mông lung như sương bay bay phất phơ khắp nơi. Bãi cát trắng xóa hòa cùng ánh trăng trong làm ta không còn phân biệt được cát trắng hay trăng trong. Sông và trời như liền làm một không chút bụi trần, còn vầng trăng thì vẫn vằng vặc treo lơ lửng trên bầu trời. Bên dòng sông ai là người thấy trăng mọc trước nhất ? Còn vầng trăng trên sông thì năm nào mới bắt đầu chiếu ánh sáng cho người ? Đời người thì đời nầy qua đời khác nối tiếp nhau không dứt, còn vầng trăng trên sông thì năm nầy qua năm nọ cũng vẫn như thế mà thôi ! Không biết là vầng trăng trên sông đang chờ đợi ai đây, chỉ thấy nước sông trường giang cứ không ngừng trôi chảy mãi.
    Người du tử như đám mây trắng vằng vặc bay mãi bay đi, còn người cô phụ ở lại trên bến Thanh Phong thì cứ sầu hoài sầu mãi. Chàng du tử nhà ai đêm nay còn thả một con thuyền nhỏ phiêu bạt trên sông ? Và nơi nào có nàng cô phụ đang ngắm trăng trên lầu mà thương nhớ ? Khá thương thay ánh trăng cứ lởn vởn mãi trên lầu, lẽ ra phải chiếu vào bàn trang điểm của kẻ đã đi xa. Ánh trăng chiếu vào rèm ngọc của người cô phụ cuốn cũng không đi, chiếu trên chiếc chày đá giặc giũ phủi cũng không được. Đang lúc này cả hai đang cùng nhìn ngắm trăng nhưng lại cùng không nghe thấy tiếng của nhau. Mong ước rằng sẽ được như ánh trăng vượt ngàn để soi rọi cho nhau. Chim hồng nhạn không ngừng bay lượn, nhưng vẫn không bay ra khỏi được ánh trăng mênh mông vô bờ. Vầng trăng chiếu trên mặt sông, rồng cá dưới nước như cũng đang quẫy đuôi làm nổi lên những gợn sóng lăn tăn.(Ý muốn nói, bóng chim tăm cá gì đều bặc vô âm tín). Hôm qua mơ thấy hoa rụng bên đầm nước vắng lặng, chỉ tiếc là mùa xuân đã đi qua một nửa rồi mà vẫn còn chưa được về quê.
    Nước sông xuân cứ chảy mãi không thôi như mùa xuân sắp tàn, và bóng trăng trong đầm nước cũng sắp ngã về hướng tây. Trăng tàn dần dần chìm xuống trong sương mờ trên biển, những tảng đá chơ vơ trên núi Kiệt Thạch miền bắc và hai dòng sông Tiêu Tương ở miền nam xa cách nhau ngàn trùng diệu dợi. Không biết đã có những ai nhân vầng trăng sáng nầy mà về lại quê nhà, chỉ có ánh trăng tà sắp lặn mới biết được cái ly tình kia nên rải ánh trăng lên khắp cả các rừng cây ven sông !...

    Cả bài thơ xoay quanh 5 chủ đề của cái tựa là XUÂN, GIANG, HOA, NGUYỆT và DẠ để thể hiện cái đẹp của đêm trăng trên sông xuân với hoa thơm cỏ đẹp trong đêm làm rung động lòng người. Cả bài theo tuần tự của cảnh trí đưa đến triết lý rồi biểu hiện của tình cảm biệt ly... Cảnh, Lý, Tình cứ lần lượt bày ra trước mắt người đọc : Cảnh sáng trăng đẹp đẽ nên thơ trên dòng sông xuân, cái cảm khái phát sinh khi đối diện với cảnh trí đẹp đẽ nên thơ nầy và cuối cùng lồng vào cái nỗi niềm biệt ly nhung nhớ của người cô phụ và kẻ lãng tử giang hồ. Với thủ pháp trực khởi thi nhân đã vào đề bằng cách tả ngay cảnh đẹp đẽ nên thơ của vầng trăng mới mọc lên trên sông biển bằng "Giang triều liên hải, nguyệt cộng triều sinh  江潮连海,月共潮生 (nước sông mênh mông liền với biển cả và vầng trăng nương theo sóng nước mà mọc lên)... rồi kết thúc bằng cảnh trăng tà sắp lặn khi đêm đã gần tàn trên sông nước "Lạc nguyệt diêu tình mãn giang thọ  落月搖情滿江樹". Trăng sắp rụng nhưng ánh trăng vẫn như còn trải đầy trên sông nước rừng cây...

* Diễn nôm :

XUÂN GIANG HOA NGUYỆT DẠ

Nước sông xuân biển liền bằng phẵng,
Trăng sáng như mọc thẳng từ sông,
Nhấp nhô lắp lánh mênh mông,
Nơi nào chẳng có trăng lồng dáng xuân.

Sông uốn khúc qua vùng cỏ lạ,
Trăng chiếu hoa lả chả sương rơi,
Sương bay bay khắp muôn nơi,
Mông lung bãi cát sáng ngời ánh trăng.

Trời liền sông trong ngần tựa bạc,
Một vầng trăng vằng vặc trên cao,
Ai người ngắm trước trăng nào ?
Trăng bên sông nước năm nào chiếu ai ?

Người nhân thế đổi thay kiếp kiếp,
Trăng năm năm vẫn tiệp một màu,
Trăng ơi, trăng đợi ai nào ?
Nước trường giang cứ dạt dào đêm đêm.

Như mây trắng trôi êm đi mãi,
Bến Thanh Phong cỏ ái lòng sầu,
Thuyền người du tử về đâu ?
Tương tư thiếu phụ bên lầu trăng soi.

Trăng bồi hồi vàng gieo ngấn nước,
Chiếu đài gương chênh chếch trăng treo,
Cuốn rèm trăng chẳng cuốn theo,
Tiếng chày giặt lụa càng gieo càng sầu.

Ngắm trăng ở hai đầu cùng lúc,
Cùng chẳng nghe cùng chẳng thấy nhau.
Trăng lồng nhạn mãi bay cao,
Cá rồng chìm nước âm hao mõi mòn.

Đêm qua mơ hoa còn chưa héo,
Muốn hồi gia sợ kẽo xuân đi.
Sông xuân nước chảy liền khi,
Đầm xuân trăng rụng khác gì nước trôi.

Trăng nghiêng nghiêng bồi hồi sương biển,
Bắc Nam kia vĩnh viễn hai đường,
Theo trăng mấy kẻ hồi hương,
Trăng tà ánh vẫn phủ sương cây rừng !

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

--------------------------

@ Các bài dịch thơ tiêu biểu

    "Xuân Giang Hoa Nguyệt Da 春江花月夜" là thi phẩm tiêu biểu cho thơ ca của buổi Sơ Đường bước vào thời kỳ Thịnh Đường. Bài thơ đã nêu lên cái đẹp thiên nhiên của đêm trăng sáng, cái ảo diệu của vầng trăng sáng đối với cuộc sống của nhân sinh, bao la của vũ trụ và khát vọng của tình yêu, mang lại cho người đọc cái lòng yêu cuộc sống và khẳng định lại cái giá trị, cái tác động của quang cảnh mùa xuân đã mang đến cho con người cái hơi thở, cái hy vọng và cái sức sống bồng bột mãnh liệt trong đêm trăng trên sông xuân. Bài thơ được đánh giá là  以孤篇壓全唐   Dĩ cô thiên áp toàn Đường (có nghĩa - chỉ có một bài thơ mà đè bẹp cả toàn Đường thi - ý muốn nói đây là bài thơ hay nhất của tất cả thơ đời Đường).

    Danh sĩ đời Thanh Vương Khải Vận  王闓運  đánh giá là   孤篇横絕,竟為大家  cô thiên hoành tuyệt, cánh vi đại gia (có nghĩa - chỉ một bài thơ độc nhất tung hoành tuyệt đĩnh, là một đại gia trong thơ). Một học giả cận đại Văn Nhất Đa  聞一 多  đánh giá là :  詩中的詩,頂峰上的頂峰  Thi trung đích thi, đĩnh phong thượng đích đĩnh phong (có nghĩa - thơ ở trong thơ, đỉnh cao trên đỉnh cao).


* Bản dịch của Tản Đà

Đêm trăng hoa trên sông xuân

Sông xuân sáng nước liền ngang bể,
Vầng trăng trong mặt bể lên cao.
Ánh trăng theo sóng đẹp sao!
Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng?

Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát,
Trăng soi hoa như tán trập trùng.
Sương bay chẳng biết trong không
Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì.

Trời in nước một ly không bụi.
Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời.
Thấy trăng thoạt mới là ai?
Trăng sông thoạt mới soi người năm nao?

Người sinh mãi, kiếp nào cho biết,
Nhìn trăng sông năm hệt không sai.
Trăng sông chẳng biết soi ai,
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.

Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi,
Rặng phong xanh một dải sông sầu.
Đêm nay ai đó, ai đâu?
Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi.

Trăng thờ thẫn nơi người xa ngóng,
Chốn đài gương tựa bóng thương ai.
Trong rèm cuốn chẳng đi thôi,
Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay.

Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy,
Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.
Hồng bay, ánh sáng không màng,
Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm.

Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa,
Ai xa nhà xuân nửa còn chi!
Nước sông trôi mãi xuân đi,
Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm.

Vầng trăng lặn êm chìm khói bể,
Đường bao xa non kệ sông Tương.
Về trăng mấy kẻ thừa lương,
Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông.

--------------------
@ Bản dịch của nhóm thơVườn Thơ Thẩn

1. Bản dịch của Thầy Danh Hữu

Đêm xuân trên bến trăng hoa

Nước triều dâng sông xuân tràn biển,
Trăng theo dòng cũng tiến trên khơi.
Tỏa lên muôn dặm sóng nhồi,
Sông xuân đâu chẳng đầy trời trăng soi.

Bên đồi thơm dòng trôi uốn thác,
Ánh trăng gieo trắng toát rừng hoa.
Trông trời hết biết sương sa,
Bờ sông cát bạc nhận ra được nào.

Chẳng mảy bụi, một màu trời nước;
Mảnh trăng trôi sáng lướt không trung.
Gặp trăng? Ai trước bên dòng!
Năm nao trăng tới trên sông soi người?

Người sinh hóa đời đời chẳng hết,
Trăng trên sông giống hệt năm năm.
Biết ai trăng tới rọi thăm?
Sông Trường chỉ thấy đằm đằm ánh trôi!

Làn mây trắng nhẹ xuôi lờ lững,
Hàng phong xanh khiến những u sầu.
Đêm nay, thuyền nhỏ, ai đâu?!
Nơi nào mà nhớ một lầu đầy trăng?

Khá thương trăng trên tầng thắm đượm,
Chốn đài trang muốn ướm ly nhân.
Cuốn rèm, trăng chẳng dời chân;
Phủi chày đập áo cũng vầng trăng in.

Nay mong mãi mà tin chẳng thấy,
Muốn theo trăng đưa đẩy đến người,
Hồng nhạn bay, trăng chẳng rời,
Ngư long trồi lặn, nước cơi sóng ngầm.

Đêm qua mộng trên đầm hoa rụng,
Nửa chừng xuân mà cũng chưa về.
Nước sông trôi hết xuân kề,
Trên đầm, trăng đã bóng rề qua tây.

Trăng xế bóng lẫn rày sương biển,
Thạch, Tương kia đường đến bao xa !?
Theo trăng, mấy kẻ về nhà ?
Tình cây man mác, trăng tà bến sông.

Danh Hữu dịch
(Saigon, 1978)

------------------
2. Bản Dịch của Thầy Mai Lộc

Mặt biển sông ngang bằng triều dậy ,
Triều vừa dâng đã thấy trăng nhô .
Dặm ngàn loang loáng sóng xô ,
Sông xuân đâu chẳng trăng tô sáng ngời.

Sông lượn quanh cồn hương thơm ngát ,
Sương vờn hoa như hạt tuyết rây .
Tầng không, sương tưởng không bay ,
Bãi sông cát trắng nhìn hoài chẳng ra .

Nước với trời giao hòa trong vắt ,
Không gian ngời vằng vặc trăng cao .
Ai người trăng thấy thoạt đầu ?
Trăng sông người chiếu năm nào trước tiên ?

Đời người cứ triền miên sinh sản ,
Năm rồi năm trăng vẫn không thay .
Chẳng hay trăng nước soi ai ?
Dưới trăng chỉ thấy chảy hoài trường giang .

Áng mây trắng lang thang bay mãi ,
Răng phong xanh lải rải giăng sầu .
Đêm nay thuyền nhỏ về đâu ?
Tương tư ai đứng trên lầu nhìn trăng .

Thương cảm người , lầu trăng lưu luyến ,
Chiếu gương đài trăng tiễn người đi .
Cuốn rèm trăng vẫn ngồi lì ,
Lau rồi phiến đá trăng si lại về .

Giờ cùng ngắm , không nghe , không thấy ,
Nguyện cùng trăng bám lấy soi chàng .
Nhạn hồng không gậm trăng tan ,
Cá, rồng quậy nhảy khiến làn nước chao .

Đêm qua mộng lao xao hoa rụng ,
Nửa đời xuân , người cũng chưa về .
Nước trôi như giục xuân kề ,
Bên đoài trăng lặn lê thê bãi dài .

Lẩn trong sương trăng tà mất biệt ,
Dòng Tiêu Tương non Kiệt xa vời .
Theo trăng về biết mấy người ?
Cây sông não nuột rã rời tàn trăng .

Mailoc phỏng dịch
10-24-14

---------------------
3. Bản dịch của Thầy Phạm Khắc Trí (5 khổ)

ĐÊM HOA TRĂNG TRÊN SÔNG XUÂN

Con nước chiều xuân tràn mặt biển ,
Trăng lên cùng lúc thủy triều dâng.
Tràn lan sáng rực , trăng cùng khắp ,
Đâu biết sóng xuân nổi mấy tầng.

Dòng nước lượn quanh cồn đất đẹp ,
Rừng hoa trăng giãi tuyết ngàn pha.
Trong không sương đọng lung linh ngọc ,
Cát trắng nhạt nhòa bờ bãi xa.

Trời nước tinh khôi không mảy bụi ,
Trăng cao vời vợi sáng trong ngần.
Ai người bến cũ thấy trăng trước ,
Trăng sáng năm nào soi cố nhân.

Nhân sinh sau trước vô cùng tận ,
Trăng nước muôn đời vẫn thế thôi.
Không biết trăng tròn ai ngóng đợi ,
Chỉ thấy sông dài nước chảy xuôi.

Mây bạc ngang trời trôi lãng đãng ,
Phong xanh trên bến rũ u sầu .
Đêm nay ai đó trong thuyền nhỏ ,
Biết gửi về đâu nỗi nhớ nhau.

PKT 10/10/2014 

Phụ Chú : Tác giả bài Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ này, là 1 trong 4 danh sĩ đất Ngô ( Hạ Tri Chương , Trương Húc, Bao Dung , và Trương Nhựơc Hư) , đời Sơ Đường (618 - 713). Toàn bài , thuộc thể Thơ Thất Ngôn Cổ Phong , gồm 9 liên , mỗi liên 4 câu. Đêm Hoa Trăng Trên Sông Xuân trên đây chỉ được chuyển dịch ý từ 5 liên đầu.

Lời Thêm : Toàn bài XGHND của TNH là 1 danh tác, được người đời ca tụng là "Thơ của những bài thơ ". Và, cũng là mối tình đầu của tôi với Đường Thi , hơn 10 năm trước đây. "Ôi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" , gặp là mê ngay , tình cảm xúc động chất ngất , nhưng tiếc rằng lúc bấy giờ vốn liếng hiểu biết rất hạn hẹp, không đủ khả năng để diễn tả thành lời. Cho mãi đến bây giờ , vẫn vậy , mà tình thì dường như đã bị lão hóa ,phôi pha , vẫn nói chẳng đủ lời, vẫn nói chẳng nên lời. Một chút ngâm ngùi. Gửi đi để mọi người mà tôi hằng quí mến ,đọc rồi cườI với nhau cho.vui thôi. Cầu chúc an lành. PKT 10/10/2014 

10 tháng 10 2022

C. Phùng Bệnh Quân Nhân - Lư Luân

<C.086~Dịch Hán Thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh

Bài 4: PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
Tác giả: LƯ LUÂN



★ Nguyên bản

逢病軍人
行多有病住無糧,
萬里還鄉未到鄉。
蓬鬢哀吟古城下,
不堪秋氣入金瘡。
盧綸

★ Phiên âm

PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
 
Hành đa hữu bệnh trú vô lương,
Vạn lí hoàn hương vị đáo hương.
Bồng mấn ai ngâm cổ thành hạ,
Bất kham thu khí nhập kim thương !

LƯ LUÂN

★ Dịch nghĩa

Đi thêm nhưng bị thương, ở lại thì không có gì ăn,
Đường về quê dài vạn dặm vẫn chưa tới.
Tóc bù rối nằm rên rỉ dưới chân tường thành bỏ hoang,
Vì không chịu nổi gió thu thổi vào vết chiến thương.

★ Dịch thơ

PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN

        Thất ngôn
Ngã bệnh di hành sẽ mất lương
Hoài trông quê cũ nẻo sơn trường
Tóc bời rên rỉ chan thành cổ
Đao kiếm không ngừng chạm vết thương

        Lục bát
Đi là ngã bệnh không lương
Hoài trông quê cũ dặm đường mù khơi
Tiếng rên thành cổ tóc bời
Kiểm đao nào nghĩ nương hời vết thương

Mai Thắng

--------------------

★ BIÊN SOẠN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

• Góc Đường Thi : PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN

        " TÚY NGỌA SA TRƯỜNG " chỉ là cách nói hào hùng cho người chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến,còn người CỰU CHIẾN BINH Hà Hoàng sống lây lất đến tàn cuộc chiến để rồi mỗi chiều lại một mình thổi khúc sáo buồn ngoài biên tái. Nhưng dù sao thì vẫn hơn những THƯƠNG BỆNH BINH sống oằn oại đau khổ với đói nghèo bệnh tật và với cái vết thương không bao giờ lành được do cuộc chiến gây nên vẫn hành hạ mỗi lúc giá buốt khi gió thu se sắt thổi về !... như bài PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN sau đây...

逢病軍人                      PHÙNG BỆNH QUÂN NHÂN
行多有病住無糧, Hành đa hữu bệnh trú vô lương,
萬里還鄉未到鄉。 Vạn lí hoàn hương vị đáo hương.
蓬鬢哀吟古城下, Bồng mấn ai ngâm cổ thành hạ,
不堪秋氣入金瘡。 Bất kham thu khí nhập kim thương !
盧綸                              Lư Luân.

        * LƯ LUÂN ( khoảng 737-799 ). Tự DUẪN NGÔN, người đất Hà Trung thuộc Huện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây hiện nay. Ông là một trong mười tài tử thuộc những năm Đại Lịch ( Đại Lịch Thập Tài Tử ). đậu Tiến Sĩ cuối năm Thiên Bảo, hoạn lộ thăng trầm bất định. Đến đời Đức Tôn được triệu về làm Chiêu Ứng Lệnh, chuyển nhậm làm Phán Quan cho Hà Trung Nguyên Soái Phủ, sau thăng đến Kiểm Hiệu Hộ Bộ Lang Trung. Còn lưu lại một tập thơ " Hộ Bộ Thi Tập ".

• CHÚ THÍCH :

        1. BỆNH QUÂN NHÂN : Ở đây chỉ chung cho tất cả Thương Bệnh Binh, Thương Phế Binh.
        2. BỒNG MẤN : là Đầu bù Tóc rối.
        3. AI NGÂM : Ai là BI AI, là buồn bã, Ngâm là THÂN NGÂM 呻吟 là Rên rỉ ( chớ không phải ngâm thơ đâu ! ), nên AI NGÂM là Rên rỉ một cách buồn thảm. ( Chớ không phải ngâm thơ một cách buồn bã đâu ! ).
        CỔ THÀNH: Ở đây chỉ những thành xưa được nối lại thành Vạn Lí Trường Thành.
        BẤT KHAM : là Chịu không nổi, Không kham nổi.
        KIM THƯƠNG : là Vết thương do kim khí gây nên. Thuốc Kim Thương là Thuốc để rịt những vết thương bị đứt đó.

• DỊCH NGHĨA :

        GẶP THƯƠNG PHẾ BINH
Đi nhiều thành bệnh vì phải vượt đường xa, nhưng nếu dừng lại thì e sẽ không có đủ lương thực để ăn. Quê nhà xa tít ngoài vạn dặm đi hoài mà không thấy tới. Đầu bù tóc rối, đau đớn rên rỉ dọc theo bức cổ thành, vì không kham nỗi với khí thu se sắt làm nhức nhối những vết thương do đao kiếm gây nên.
        Quả là cảnh tình thê thảm của người Thương Bệnh Binh sau cuộc chiến ! Chanh đã hết nước rồi, còn ai ngó ngàng chiếu cố nữa đây ?!!!

• DIỄN NÔM :

        GẶP THƯƠNG BỆNH BINH

Đi nhiều càng bệnh, ở, không lương,
Muôn dặm về quê, muôn dặm đường !
Rên rỉ dười thành đầu tóc rối,
Hơi thu vật vả vết kim thương !

        Lục bát :
Đường xa bệnh tật không lương,
Về quê muôn dặm đường trường trông quê.
Dưới thành rên rỉ ủ ê ,
Vết thương nhức buốt não nề hơi thu !

杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức 

C. Lũng Tây Hành – Trần Đào

 <C.085><Dịch Cổ Thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh

Bài 3: LŨNG TÂY HÀNH
Tác giả: TRẦN ĐÀO



★ Nguyên bản

隴西行
誓掃匈奴不顧身,
五千貂錦喪胡塵。
可憐無定河邊骨,
猶是深閨夢裏人。
陳陶

★ Phiên âm

LŨNG TÂY HÀNH
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
Khả lân Vô Định Hà biên cốt
Do thị thâm khuê mộng lý nhân.
TRẦN ĐÀO

★ Dịch nghĩa

Thề quét sạch giặc Hung Nô chẳng tiếc thân,
Năm nghìn chiến sĩ mặc áo gấm, đội mũ da điêu vùi xác trong bụi Hồ.
Đáng thương cho những bộ xương bên bờ sông Vô Định,
Vẫn còn là người trong mộng của chốn khuê phòng.

★ Dịch thơ

KHÚC HÁT LŨNG TÂY

        - Thất ngôn
Đã thề quét sạch giặc Hung Nô
Binh sĩ năm muôn ngã đất Hồ
Xương rũ bờ sông Vô Định trắng
Khuê phòng chinh phụ thảy hoài mơ

        - Lục bát
Đã thề quét sạch Hung Nô
Năm ngàn binh sĩ đất Hồ rã thây
Trắng sông Vô Định xương bầy
Lòng chinh phụ vẫn lắp đầy hoài mơ

Mai Thắng
220725 



★ BIÊN SOẠN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

        Người chinh phu đem thân ra chốn chiến trường sống chết chỉ cận kề trong gang tấc, không " túy ngọa sa trường " thì cũng " bạch đầu linh lạc " bâng khuâng thổi sáo chiều tàn biên khu, hay thảm hại hơn, lê lết tấm thân thương tật để tìm về quê hương ... Trong khi đó, ở nơi quê nhà người cô phụ luôn luôn mong mõi hằng đêm khoắc khoải mòn mõi đợi chàng về. Có biết đâu rằng lắm khi chàng đã da ngựa bọc thây hay đã xương phơi ngoài chiến địa ... Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tàn nhẫn như thế cả, mời tất cả cùng đọc bài thơ Lũng Tây Hành của Trần Đào dưới đây sẽ rõ ...

• Chú thích :

        TRẦN ĐÀO 陳陶(812—888)Thi nhân đời Đường, tự là Tung Bá 嵩伯, tự hiệu là Tam Giáo Bố Y 三教布衣. Ông người đất Lĩnh Nam, lúc nhỏ từng du học đất Trường An, giỏi thi thư, nhưng thi mãi vẫn không đậu tiến sĩ, nên ẩn cư trong rừng núi, tu tiên, về sau không biết ra sao. Ông để lại mười thi quyển "Trần Tung Bá Thi Tập 陳嵩伯詩集. Trong Toàn Đường Thi《全唐詩》có trích đăng 2 quyển thơ của ông.
        Lũng Tây : là vùng đất thuộc núi Lũng Sơn của tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ hiện nay. Là vùng tranh chấp giữa Hung Nô và Hán.
        Điêu Cẩm : Chỉ đoàn quân tinh nhuệ thiện chiến được trang bị quân trang quân dụng đầy đủ.
        Vô Định Hà : Tên con sông thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà, nằm ở phía bắc của tỉnh Thiểm Tây, là một chiến địa ngày xưa.

• Nghĩa bài thơ :

        Thề quét sạch giặc Hung Nô mà chẳng màng đến thân mình, nên năm ngàn quân thiện chiến phải chôn thây nơi đất Hồ. Khá thương thay, những nắm xương trắng bên bờ sông Vô Định vẫn còn là người trong mộng của các nàng chinh phụ ở chốn khuê phòng !

        Chiến tranh là tàn nhẫn như thế đó. Ta hãy nghe những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn nữ sĩ sau đây :
Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?

        và ...
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

        Khi khuyên Từ Hải quy hàng triều đình, Thúy Kiều cũng đã nhắc đến sự tàn khốc của chiến tranh trong "Năm năm hùng cứ một phương hải tần" của Từ Hải đã giết chết biết bao nhiêu là tướng sĩ của cả hai bên :
Ngẫm từ gây việc binh đao,
Đống xương VÔ ĐỊNH đã cao bằng đầu.


3. Diễn Nôm :

LŨNG TÂY HÀNH

Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
Khá thương xương trắng bờ Vô Định,
Vẫn cũng là người chinh phụ mong !

        Lục bát :
Hung Nô thề quét chẳng màng,
Bên bờ Vô Định năm ngàn bỏ thây.
Khá thương xương trắng phơi đầy,
Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !

杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức      

C. Hà Hoàng Cựu Tốt - Trương Kiều

<C.084><Dịch Cổ Thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh

Bài 2: HÀ HOÀNG CỰU TỐT
Tác giả: TRƯƠNG KIỀU




★ Nguyên bản

河湟舊卒
少年隨將討河湟,
頭白時清返故鄉。
十萬漢軍零落盡,
獨吹邊曲向殘陽。
張喬

★ Phiên âm

HÀ HOÀNG CỰU TỐT

Thiếu niên tùy tướng thảo hà hoàng
Đầu bạch thời thanh phản cố hương
Thập vạn Hán quân linh lạc tận
Độc xuy biên khúc hướng tàn dương.

TRƯƠNG KIỀU

★ Dịch nghĩa

Lúc thiếu niên theo tướng quân đi đánh giặc ở Hà Hoàng,
Đến khi đầu bạc mới dẹp yên giặc được trở về quê cũ.
Cả chục vạn binh lính người Hán nay lạc mất hết cả,
Một mình lấy sáo hướng về mặt trời lặn mà thổi các khúc ca biên ải.

★ Dịch thơ 

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH

- Thất ngôn
Hà Hoàng lúc trẻ dặm xông pha
Tóc bạc thời yên trở lại nhà
Mười vạn lính xưa tan mất hết
Mình ta thổi sáo lúc chiều tà

- Lục bát
Hà Hoàng lúc trẻ xông pha
Thời yên tóc bạc về nhà dưỡng thân
Lính xưa mười vạn tiệt phần
Mình ta thổi sáo bâng khuâng chiều tàn!

Mai Thắng



★ BIÊN SOẠN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

        Để nối tiếp theo cái hào khí " Túy ngọa sa trường " của Vương Hàn, TRƯƠNG KIỀU cũng người của thời Vãn Đường nói lên cái vô tình tàn khốc của chiến tranh bằng một bài tứ tuyệt thật đơn sơ bình dị mà dễ làm xúc động lòng người ! Xin mời đọc bài HÀ HOÀNG CỰU TỐT...

• CHÚ THÍCH :

        * TRƯƠNG KIỀU, thi nhân đời Tàn Đường, không rõ năm sanh năm mất, tự là Bá Thiên, người đất Trì Châu ( thuộc huyên Quí Trì, tỉnh An Huy hiện nay ). Khoảng giữa năm Hàm Thông ( 860-874 ) đậu Tiến Sĩ, sống ở đất Trường An, cùng với Hứa Đường, Trịnh Cốc... xưng là HÀM THÔNG THẬP TRIẾT. Khi loạn Hoàng Sào, ông ẩn cư ở Cửu Hoa Sơn và mất ở nơi đó. Ông làm thơ giản dị nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, thiên về Ngũ Ngôn Luật Thi. Trong TOÀN ĐƯỜNG THI còn lưu lại 2 quyển thơ của Ông.

        HÀ HOÀNG 河湟 : là sông Hoàng Thủy, phát nguồn từ tỉnh Thanh Hải, chảy về đông đổ vào sông Hoàng Hà ra biển. Hà Hoàng trong thơ chỉ vùng đất Lũng Tây do Thổ Phồn chiếm giữ từ thời Đường Túc Tôn, bao gồm Qua Châu, Y Châu... mười châu quận luôn chìm ngập trong khói lửa chiến tranh do hai bên Hán Hồ luân phiên cát cứ ròng rã suốt cả trăm năm, dân chúng sống trong cảnh điêu linh đồ thán.
        CỰU TỐT : Cựu là Cũ, Tốt là Con Chốt, là Lính. CỰU TỐT là Người lính cũ, là Cựu Chiến Binh.
       THẢO : là Thảo Phạt, từ chỉ nước lớn đem binh đi đánh nước nhỏ, hoặc đi dẹp loạn.
        THỜI THANH : Thời cuộc trở nên thanh bình, không còn giặc giã nữa. THẬP VẠN : Mười Vạn là Một Trăm Ngàn.
        LINH LẠC : do thành ngữ THẤT LINH BÁT LẠC 七零八落 có nghĩa: "Thất Điên Bát Đão, để chỉ thua trận"; Tơi Bời Hoa Lá, dùng để chỉ cỏ cây"; "Ba Chìm Bảy Nổi, dùng để chỉ hoàn cảnh", nói theo bình dân "Thất Linh Bát Lạc là Xất Bất Xang Bang"!
        ĐỘC : là Đơn độc có một mình. XUY ; là Thổi ( Tiêu, hoặc Sáo ).
        BIÊN KHÚC : là Những khúc nhạc ngoài biên cương được thổi bằng Tiêu hoặc Sáo.
        8. TÀN DƯƠNG : là Ánh nắng tàn của buổi chiều tà.

• DỊCH NGHĨA :

Khi còn trẻ ta đã theo các tướng đi đánh giặc ở đất Hà Hoàng. Kịp đến lúc thanh bình thì đầu đã bạc mới được về lại cố hương. Mười vạn quân lính của người Hán khi xưa giờ đã tan tác gần hết ( may mà ta còn sống sót ). Một thân đơn độc ta cảm khái mà thổi lên khúc sáo của vùng biên tái trong ánh nắng chiều tàn thoi thóp !

• DIỄN NÔM :

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH ĐẤT HÀ HOÀNG

Trẻ đi đánh trận ở Hà Hoàng,
Đầu bạc mới về lại xóm làng.
Mười vạn Hán binh tan tác hết,
Một mình thổi sáo lúc chiều tàn !

Lục bát :
Trẻ đi đánh giặc Hà Hoàng,
Thanh bình đầu bạc về làng lang thang.
Trăm ngàn quân Hán tan hoang,
Một mình thổi sáo chiều tàn biên khu !

杜紹德  Đỗ Chiêu Đức.

------------------

★ TRÍCH DIỄN GIẢI CỦA THI VIỆN

• Giải thích

        Sông Hoàng bắt nguồn từ Thanh Hải, chảy hướng đông vào địa phận Cam Túc thì nhập vào sông Hoàng Hà để thoát ra biển. Lưu vực chỗ hai sông gặp nhau gọi là Hà Hoàng, nơi quân nhà Đường chiến đấu gian khổ gần 100 năm với giặc Thổ Phồn để bảo tồn giang sơn. Điển hình là người lính trong thơ, đi từ lúc thiếu niên, đến già tóc bạc mới được về.

• Dịch nghĩa của Thi Viện

Theo tướng quân đi đánh giặc ở Hà Hoàng từ lúc còn thiếu niên,
Đến khi đầu bạc mới dẹp yên, được trở về quê cũ.
Cả chục vạn binh lính người Hán nay tản mát hết cả,
Một mình lấy sáo hướng về mặt trời lặn thổi các ca khúc nơi biên ải.

C. Lương Châu Từ - Vương Hàn

<C.083><Dịch Hán thi>

Loạt bài: Đường Thi và Chiến Tranh 

Bài 1: LƯƠNG CHÂU TỪ
Tác giả: VƯƠNG HÀN



★ Nguyên bản

涼 州 詞
葡萄美酒夜光杯,
欲飲琵琶馬上催。
醉臥沙場君莫笑,
古來征戰幾人回。
王 翰

★ Phiên âm

LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?

Vương Hàn

        * VƯƠNG HÀN: Không rõ năm sanh năm mất. Tự là Tử Vũ. Người đất Tinh Châu Tấn Dương (thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hiện nay). Lúc trẻ nhà giàu nên sống rất hào sảng phóng túng, thích uống rượu và ngao du sơn thủy. Đậu Tiến Sĩ đời Đường Tuấn Tôn Cảnh Vân Nguyên niên (719). Khi Trương Thuyết làm Tể Tướng có triệu ông về kinh làm quan, đến khi Trương Thuyết bị bãi chức, ông cũng bị biến ra khỏi kinh thành. Cuối cùng ông nhậm chức Tư Mã Thông Châu và mất ở nơi đây. Ông sở trường về thơ Thất ngôn tứ tuyệt, thiên về biên tái, lời thơ rất hùng tráng, hoa lệ và cảm khái, bi phẫn với cảnh chiến tranh dai dẳng.

★ Dịch nghĩa

Khúc hát Lương Châu
Rượu ngon Bồ Đào rót vào chén dạ quang
Muốn uống, thì tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.
Uống say nằm giữa sa trường xin đừng cười nhạo
Từ xưa đến nay người đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về.

★ Dịch thơ của Mai Thắng

KHÚC HÁT LƯƠNG CHÂU

- Thất ngôn
Bồ đào rượu rót chén pha lê
Đàn giục giả kìa uống cạn đi
Say giữa sa trường đâu nở nhạo
Từ xưa chinh chiến mấy ai về!

- Lục bát
Bồ đào rót chén dạ quang
Giục quân lên ngựa tiếng đàn tung hê
Sa trường uống đã đừng chê
Từ xưa chinh chiến ai về cố hương

Mai Thắng 
220806



★ CHÚ THÍCH :
(Phần biên soạn của Đỗ Chiêu Đức ) 

        LƯƠNG CHÂU: là đất Lũng Tây đời Đường, (nay thuộc TP Võ Uy tỉnh Cam Túc) là vùng đất giáp ranh, do người Hán và người Hồ luân phiên cát cứ, ai mạnh thì chiếm giữ. LƯƠNG CHÂU TỪ nghĩa là tên một khúc hát của đất Lương Châu, ngoài bài nầy ra, còn có Lương Châu Từ của thi sĩ Vương Chi Hoán cũng thuộc đời Đường. Vì vậy bài nầy còn có tựa là XUẤT TÁI 出塞 có nghĩa là “Xuất chinh ra ngoài biên tái” để phân biệt.
        BỒ ĐÀO: là trái nho, nên BỒ ĐÀO MỸ TỬU là rượu ngon được ủ bằng nho (nho là trái của người Hồ, làm nên rượu nho cống nhập vào Trung Hoa).
        DẠ QUANG BÔI: là ly uống rượu làm bằng ngọc dạ quang, ban đêm phát ra ánh sáng, có thể là ly bằng pha lê cũng do người Hồ cống vào Trung Hoa.
        TỲ BÀ: là loại đàn có 4 dây, cũng từ đất Hồ cống nhập, nên còn gọi là Hồ Cầm, (“Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương” – Truyện Kiều)
        QUÂN 君 là nhân vật đại từ ngôi thứ 2 số ít. Trong ngữ cảnh này có thể dịch theo nghĩa thông thường là Anh, Bạn, … nhưng có thể hiểu theo nghĩa mở rộng là Nàng Hồ Cơ 胡姬 - Người đẹp xứ Hồ, ngồi đánh đàn tỳ bà thúc quân. (Trung Hoa xưa gọi những dân tộc ở phương bắc là Bắc Mông, phương tây là Rợ Hồ, phương nam là Nam Man. Gọi chung các nước của các dân tộc đó là PHIÊN BANG).

★ DỊCH NGHĨA :

        Rượu Bồ Đào rót vào chén dạ quang (Rượu vang ngon rót vào chén ngọc đẹp). Toan uống, thì đã nghe tiếng Tì Bà thúc quân vội vả lên ngựa.( Nhưng khoan, hãy đợi ta uống cạn vài ly đã ) Vì có say nằm gục giữa chiến trường thì NÀNG cũng đừng có cười nhạo ta nhé ! Vì hãy nghĩ xem, từ xưa đến nay đem thân đi chinh chiến đã có mấy ai được trở về đâu ?! Đây là cái khí phách ngang tàng của...
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc)

★ DIỄN NÔM : (cúa Đỗ Chiêu Đức)

BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU

Rượu vang rót vội chén pha-lê,
Giục giã tì bà giọng tỉ tê.
Say khước sa trường nàng chớ nhạo,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?!

- Lục bát :
Bồ đào rót chén dạ quang,
Tì bà giục giã sa tràng tiến ngay.
Chớ cười chiến địa ta say,
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về ?!
Đỗ Chiêu Đức.

★ PHỤ CHÚ :

Người Hoa gọi tất cả các loại đá quí là BẢO THẠCH 寶石, mà cũng gọi là NGỌC 玉 nữa. Ví dụ : CẨM THẠCH 錦石 mà ta làm đồ trang sức để đeo, thì người Hoa không có gọi là đeo CẨM THẠCH 戴錦石, mà gọi là ĐỚI NGỌC 戴玉 là Đeo NGỌC. Nên PHA LÊ trong thiên nhiên ngày xưa rất hiếm, có được một khối Pha Lê để làm ly uống rượu không phải là dễ. Pha Lê lại lóng lánh trong ánh đèn đêm, nên ta có thể " nghĩ " DẠ QUANG BÔI ở đây là LY PHA LÊ được nói nhấn cho có vẻ cao quí và trịnh trọng !. Mặc dù theo truyền thuyết cho rằng NGỌC DẠ QUANG là Ngọc tự nó có thể phát sáng trong đêm, chớ không phải như Pha Lê phải nhờ ánh sáng mới lấp lánh được. Nhưng trong Văn Chương ai biết được....!!! 

05 tháng 10 2022

C. Tiết Trùng Cửu

<C.083><Giai Thoại>

TIẾT TRÙNG CỬU


Lễ Ông Bà ngày xưa của ta 

        Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghiã là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu. 
        Trùng Cửu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cửu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới !


        Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già : LÃO NHÂN TIẾT 老人節 hoặc KÍNH LÃO TIẾT 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ (ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác, cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là: "Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay" là thế). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết ĐĂNG CAO 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cửu cón được gọi là Tiết THÙ DU 茱萸節, Tiết CÚC HOA 菊花節....


Cây lá và trái Thù Du ( trái cherry ở Mỹ )

        THÙ DU là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cửu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để " trừ tà ", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du là vì thế.

 
Hoa Cúc và tục lệ uống rượu Cúc trong ngày Trùng Cữu

        Trong bài thơ " Bốn mùa ăn chơi " của người xưa thì câu thứ 3 là " Thu ẩm Hoàng Hoa tữu ". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích " flu shot " vào mùa nầy ở Mỹ vậy ! Nên Tiết Trùng Cữu còn được gọi là Tiết Cúc Hoa là vì thế !

        Theo truyền thuyết thì ... vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong "Tục Tề Hài Ký" rằng: Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng : mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.

        Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cửu cho đến hiện nay.


Trùng Cữu xưa Trùng Cửu nay

        Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cửu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh với ...

 Nguyên bản  

九日登李明府北樓
九月登高望,
蒼蒼遠樹低。
人煙湖草裡
山翠現樓西。
劉長卿

 Phiên âm  

CỬU NHẬT ĐĂNG LÝ MINH PHỦ BẮC LÂU
Cửu nguyệt đăng cao vọng,
Thương thương viễn thọ đê.
Nhân yên hồ thảo lý,
Sơn thuý hiện lầu tê. ( tây )
Lưu Trường Khanh

 Diễn nôm :

NGÀY CHÍN LÊN BẮC LÂU CỦA LÝ MINH PHỦ

Tháng chín lên cao ngắm,
Xanh xanh cây cỏ xa.
Hồ mờ sương người vắng,
Lầu tây núi biếc nhòa !

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm



        Còn Thi tiên Lý Bạch với ...

 Nguyên bản 

九月十日即事 
昨日登高罷,
今朝再舉觴。 
菊花何太苦,
遭此兩重陽。  
李白 

 Phiên âm 

CỮU NGUYỆT THẬP NHẬT TỨC SỰ
Tạc nhật đăng cao bãi
Kim triêu tái cử trường.
Cúc hoa hà thái khổ,
Tao thử lưỡng Trùng Dương .
Lý Bạch
 
 Chú Thích :

Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng...
Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
Chỉ trong hai ngày, hoa cúc BỊ HÁI, BỊ VÙI DẬP đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi dập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là : " Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương ". Có nghĩa : Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy !
KHỔ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. KHỔ cũng có nghĩa là ĐẮNG nữa ! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!

 Diễn nôm :

Chuyện của ngày mười tháng chín
Hôm qua sau leo núi,
Sáng nay lại nâng ly.
Hoa Cúc sao mà khổ,
Trùng Dương đến nhị kỳ ! 

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm  



        Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cữu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy....  

 Nguyên bản

九月九日忆山东兄弟 
独在异乡为异客, 
每逢佳节倍思亲. 
遥知兄弟登高处, 
遍插茱萸少一人. 
王维  

 Phiên âm 

CỮU NGUYỆT CỬU NHẬT ỨC SƠN ĐÔNG HUYNH ĐỆ
Đôc tại dị hương vi dị khách,
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân !
Vương Duy

★ Chú Thích :

        Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là " Ức Sơn Đông Huynh Đệ ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ " dị hương, dị khách ".

★ Nghĩa bài thơ 

Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi.
Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗĩ lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một lá Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta mà thôi !

★ Diễn nôm của Đỗ Chiêu Đức

Xứ lạ quê người làm khách lạ,
Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
Anh em mùng chín đăng cao đó,
Đều giắt thù du thiếu một người !

Lục bát :
Đơn thân xứ lạ quê người,
Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
Quê xa huynh đệ đăng cao,
Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta !

Đỗ Chiêu Đức biên khảo.


        Để kết thúc bài viết, mời tất cả cùng đọc bài thơ CỬU NHẬT ĐĂNG CAO của Thi Thiên Tử Vương Xương Linh sau đây :

 Nguyên bản

九日登高
青山遠近帶皇州,
霽景重陽上北樓。
雨歇亭臯仙菊潤,
霜飛天苑御梨秋。
茱萸插鬢花宜壽,
翡翠橫釵舞作愁。
謾說陶潛籬下醉,
何曾得見此風流。
王昌齡

 Phiên âm

CỬU NHẬT ĐĂNG CAO

Thanh sơn viễn cận đới hoàng châu
Tễ cảnh trùng dương thướng bắc lâu
Vũ yết đình cao tiên cúc nhuận
Sương phi thiên uyển ngự lê thu
Thù du tháp mấn hoa nghi thọ
Phỉ thúy hoành thoa vũ tác sầu
Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy
Hà tằng đắc kiến thử phong lưu! 
Vương Xương Linh 



 Chú thích

- Hoàng Châu 皇州 : là Vùng châu thổ của hoàng thành.
- Tễ Cảnh 霽景 : là Cảnh trí lúc trời vừa mới tạnh mưa.
- Đình Cao 亭臯 : là Bờ, luống chung quanh đình.
- Thiên Uyển 天苑 : là Vườn hoa của Thiên Tử.
- Ngự Lê 御梨 : là Cây lê trồng trong vườn ngự uyển.
- Thù Du 茱萸 : là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cữu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du. Thù Du là trái cherry ở Mỹ đó.
- Mạn Thuyết 謾說 : Ta còn nói thành Mạn Đàm, là nói lan man, nói chơi về người nào hoặc việc gì đó.
- Đào Tiềm 陶潛 : tức Đào Uyên Minh, là một ẩn sĩ cao nhã đời Tấn, thích hoa cúc và chuyên trồng cúc ở bờ giậu phía đông, nổi tiếng với câu : Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下 悠然見南山. Có nghĩa : Hái cúc rào phía đông, xa xa thấy núi nam.

 Nghĩa bài thơ

        NGÀY CHÍN LÊN CAO
        Núi xanh gần gần xa xa như là một vành đai bao quanh mảnh đất của hoàng thành. Cảnh vật sau cơn mưa của Tiết Trùng Dương khi lên lầu phía bắc để ngắm nhìn. Những luống hoa cúc tiên bên đình mượt mà hơn sau cơn mưa, và những trái lê trong vườn ngự uyển ửng hồng hơn khi nhuốm sương thu. Nhánh thù du cài lên tóc mai cùng với hoa cúc là hoa trường thọ, giống như là cành trâm phỉ thúy lắc lư trên mái tóc khi đang ca múa càng gợi niềm sầu. Đừng nói là Đào Tiềm say dưới giậu hoa cúc là vô cớ, vì trong đời ta há dễ được mấy lần nhìn ngắm cái cảnh phong lưu tao nhã nầy ?!

        Vương Xương Linh là nhà thơ biên tái nổi danh thời Thịnh Đường, nổi tiếng là Thánh thủ của thơ Thất ngôn Tứ tuyệt và là Thi Thiên Tử của đương thời, cùng với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham và Vương Chi Hoán giao tình rất hậu. Những bài thơ tả cảnh ghi lại các phong tục dân gian như bài thơ nầy rất hiếm thấy trong thi phẩm của ông, nên được mọi người rất trân qúi.

 Diễn Nôm

Mùng Chín Đăng Cao

Núi xanh vây phủ lấy hoàng châu,
Trời tạnh Trùng Dương lên bắc lâu.
Đình cúc sau mưa vàng sắc mượt,
Ngự lê sương nhuốm ửng màu thu.
Thù du cài lẫn hoa trường thọ,
Phỉ thúy vắt chung tóc gợi sầu.
Chả trách Đào Tiềm say dưới giậu,
Bao lần được thấy nét phong lưu ?!

Lục bát :
Núi xanh cao thấp bốn phương,
Hoàng thành trời tạnh Trùng Dương lên lầu.
Sau mưa luống cúc tươi màu,
Nhuốm sương lê cũng đỏ au trong vườn.
Thù du cài tóc thọ trường,
Lắc lư phỉ thúy vấn vương mối sầu.
Đào Tiềm say khước vì đâu
Trong đời há dễ qua cầu phong lưu ?!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm



Người biên soạn:   杜紹德 - Đỗ Chiêu Đức 

01 tháng 9 2022

C. Thái Liên Khúc 4 - Lý Bạch

<C.080><Dịch Hán Thi>


★ Nguyên bản

採蓮曲
若耶溪邊採蓮女,
笑隔荷花共人語。
日照新妝水底明,
風飄香袂空中舉。
岸上誰家遊冶郎,
三三五五映垂楊。
紫騮嘶入落花去,
見此踟躕空斷腸。
李白

★ Phiên âm

THÁI LIÊN KHÚC
Nhược Da khê biên thái liên nữ,
Tiếu cách hà hoa cộng nhân ngữ.
Nhật chiếu tân trang thủy để minh,
Phong phiêu hương duệ không trung cử.
Ngạn thượng thùy gia du dã lang,
Tam tam ngũ ngũ ánh thùy dương.
Tử lưu tê nhập lạc hoa khứ,
Kiến thử trì trù không đoạn trường !
Lý Bạch

  
★ Chú thích :

        - THÁI LIÊN KHÚC 採蓮曲 là Khúc hát hái sen, là tên của một khúc hát xưa do cha con của Lương Võ Đế (464-549) khởi xướng, người đời sau mô phỏng làm theo rất nhiều. Thi Tiên Lý Bạch làm bài nầy khi đang mạn du ở đất Cối Kê thuộc TP Tô Châu của tỉnh Giang Tô ngày nay. THÁI LIÊN KHÚC nầy là bài thơ Thất ngôn Cổ phong; bốn câu đầu gieo vần trắc và bốn câu sau gieo vần bằng.
        - Nhược Da Khê 若耶溪 : Khe suối Nhược Da từ Nhược Da Sơn chảy thành sông về hướng bắc đổ vào sông Vận Hà. Bên bờ sông có một bãi đá nổi tiếng là Hoán Sa Thạch 浣紗石, tương truyền đây là nơi ngày xưa người đẹp Tây Thi và các cô gái nước Việt giặt tơ giặt lụa.
        - Hà Hoa 荷花 : tức Hoa sen; còn gọi là Liên Hoa 蓮花, Thủy Phù Dung 水芙蓉, và được xưng tụng với chức danh là Phù Cừ Vương Phi 芙蕖王妃.
        - Hương Duệ 香袂 : DUỆ 袂 có bộ Y 衣 là Áo ở bên trái, nên DUỆ có nghĩa là Tay áo; HƯƠNG DUỆ là tay áo thơm, chỉ tay áo của các người đẹp.(Ai bảo các cụ ngày xưa không biết "ga-lăng" đâu ? Này nhé, khuê phòng của người đẹp thì gọi là HƯƠNG KHUÊ 香閨; Xe của người đẹp đi thì gọi là HƯƠNG XA 香車; đến "mồ hôi" của người đẹp cũng được gọi là HƯƠNG HẠN 香汗 là Mồ Hôi thơm đó !)
        - Cử 舉 : CỬ có bộ Thủ 扌ở bên dưới, nên CỬ 舉 có nghĩa là "Đưa tay lên"; nghĩa phát sinh là ĐƯA LÊN cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như CỬ THỦ là đưa tay lên; ĐỀ CỬ là giới thiệu hay đưa người nào đó lên cho chọn lựa... Trong bài thơ là : Các cô gái hái sen vui đùa đưa tay áo thơm tho lên trong gió.
        - Du Dã Lang 遊冶郎 : Các chàng thanh niên phong lưu rong chơi lãng tử.
        - Tử Lưu 紫騮 : Tên một giống ngựa mạnh, qúy, có bộ lông màu đỏ.
        - Trì Trù 踟躕 : là Dùng dằng, chần chừ, do dự, ngẩn ngơ.
        - Đoạn Trường 斷腸 : là Đứt ruột, chỉ Đau lòng, đau thương xúc động đến cùng cực. KHÔNG ĐOẠN TRƯỜNG 空斷腸 là Đau lòng khơi khơi, là nỗi buồn vu vơ vì chuyện gì đó không thể giải quyết được.

 Nghĩa bài thơ :

        Khúc hát hái sen
        Các cô gái hái sen bên bờ sông Nhược Da đang cười nói rộn ràng lẫn khuất trong đám hoa sen; Ánh nắng chiếu vào các khuôn mặt mới trang điểm của các cô phản chiếu xuống làm cho đáy nước cũng sáng rực lên; Gió thổi các tay áo phất phơ khi các cô đưa tay lên làm cho hương thơm thoang thoảng đâu đây, khiến cho các chàng trai phong lưu lãng tử con nhà ai đó đang tụm năm tụm ba dạo chơi bên bến sông cũng phải ngẩn ngơ dưới hàng liễu rũ, rồi thúc ngựa tử lưu hí vang mà đạp bừa lên hoa rụng. Thấy cảnh nên thơ gợi tình nầy của đám nam nữ trước mắt, ta không khỏi bồi hồi ngơ ngẩn và dậy nên một nỗi buồn vu vơ vô cớ !

        Cảm xúc trước cảnh thanh xuân hồn nhiên, thi vị mà gợi tình của các nam nữ thanh niên trước mắt, làm cho Thi Tiên bồi hồi xúc động nuối tiếc cho tuổi xuân của mình đã đi qua mà đau lòng xót dạ (có thể vì công chưa thành danh chưa toại chăng ?!)

 Diễn Nôm :

THÁI LIÊN KHÚC

Hái sen sông Nhược các cô nàng,
Lẩn khuất trong hoa cười nói vang.
Nắng chiếu bóng hình soi đáy nước,
Phất phơ tay áo thoảng hương sang.
Bên bờ nhà ai thoáng mấy chàng,
Tụm năm ba dưới liễu mơ màng.
Tiếng ngựa hí vang đạp hoa rụng,
Ngẩn ngơ ta ngắm chợt bàng hoàng !

- Lục bát :
Hái sen các ả Nhược Da,
Râm rang tiếng nói trong hoa giọng cười.
Bóng in đáy nước rạng ngời,
Phất tay theo gió hương bay ngạt ngào.
Các chàng lãng tử lao xao,
Ngẩn ngơ hàng liễu lào xào năm ba.
Thúc ngựa hí đạp bừa hoa,
Tình nầy cảnh ấy khiến ta bồi hồi !

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm 



★ Dịch thơ của Mai Thắng

KHÚC HÁT HÁI SEN

- Thất ngôn
Khe Nhược Da bên có các nàng
Sau vùng sen nở tiếng cười vang
Nắng soi đáy nước tư trang gợn
Tay áo đưa lùa gió thoảng hương

+
Bờ thoáng nhà ai dạo các chàng
Năm ba túm tụm dưới hàng dương
Ngựa chen hí dậm hoa nhàu lướt
Thấy cảnh bâng quơ chạnh ngỡ ngàng

- Lục bát
Các nàng bên Nhược Da khe
Sau vùng hoa nở cười toe toét cười
Tư trang đáy nước toả ngời
Hương lồng tay áo gió mời bay bay
+
Các chàng lãng tử nhà ai
Tụm năm ba dưới nắng dài hàng dương
Ngựa chen hoa rụng hí bường
Chạnh nhìn cảm thấy hoài vương ngỡ ngàng
Mai Thắng

22 tháng 8 2022

C. Thái Liên Khúc 3 - Bạch Cư Dị

<C.079><Dịch Hán Thi>

THÁI LIÊN KHÚC - BẠCH CƯ DỊ 


        Cũng là Thái Liên Khúc, cũng là "khúc hát hái sen", nhưng không phải của giới qúy tộc, mà là của một thôn nữ vừa đến tuổi cài trâm, được Thi Bá Bạch Cư Dị diễn tả lại một cách rất thực tế sống động sau đây :

★ Nguyên bản

採蓮曲
菱葉縈波荷颭風,
荷花深處小船通。
逢郎欲語低頭笑,
碧玉搔頭落水中。
白居易

★ Phiên âm

THÁI LIÊN KHÚC
Lăng diệp oanh ba hà chiếm phong,
Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông.
Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu,
Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung.
Bạch Cư Dị

★ Chú thích

- Lăng Diệp 菱葉 : là Lá Ấu, lá của Củ Ấu.
- Oanh 縈 (còn đọc là Quanh, Vinh ): là Lòng vòng, lẩn quẩn.
- Chiếm 颭 : là chữ Hình Thanh, gồm có chữ Phong 風 là Gió chỉ ý, và chữ Chiêm 占 chỉ âm, nên CHIẾM có nghĩa là : Bị gió lay động.
- Tao Đầu 搔頭 : Búi tóc. Danh từ có nghĩa là Cây Trâm.
- Bích Ngọc 碧玉 : là Ngọc Bích. là Cẩm Thạch, nên Bích Ngọc Tao Đầu 碧玉搔頭 là Cây trâm bằng Ngọc Bích, bằng Cẩm Thạch. Người Hoa gọi là Ngọc Bích nghe rất qúy giá. Ta gọi là Cẩm Thạch nghe có vẻ bình dân hơn.

4 bản thư pháp của bài thơ

★ Nghĩa bài thơ

        Lá ấu phủ trên mặt nước làm gợn sóng lăn tăn và những lá sen lay động trước gió. Trong chỗ sâu thẳm của ao sen chiếc thuyền nhỏ cũng có thể qua lại được. Gặp chàng muốn nói nên cúi đầu cười e thẹn, làm cho cây trâm bằng ngọc bích rớt tỏm xuống ao sen !

        Khéo ngớ ngẩn mà nên thơ thi vị làm sao ấy ! Không biết "chàng" đây là người cùng xóm hay là người trong mộng của nàng, 4 chữ " Phùng lang dục ngữ : Gặp chàng muốn nói" mới mơ hồ làm sao, vì "nó" ở giữa hai đàng: "Chàng muốn nói hay là Gặp chàng nàng muốn nói ?" để thẹn thùa đến nổi cúi đầu lơ đểnh ... đánh rơi cành trâm ngọc xuống ao sen !

        Qủa là một bức tranh tâm lý sống động thực tế của các cô gái mới đến tuổi cài trâm rung động bối rối trước mặt người mà mình hằng mơ ước.

★ Diễn Nôm của Đỗ Chiêu Đức 

THÁI LIÊN KHÚC

Sóng vờn lá ấu gió lay sen,
Trong đám hoa xa thuyền nhỏ len.
Muốn nói, gặp chàng cười cả thẹn,
Cúi đầu trâm ngọc rớt ao sen !

- Lục bát :
Ấu gợn sóng gió lay sen,
Hái hoa thơ thẩn xuồng len trong cùng.
Gặp chàng muốn nói thẹn thùng,
Cuối đầu trâm rớt xuống bùn trong ao !

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

-------------------------------------

★ Dịch thơ của Mai Thắng

KHÚC HÁT HÁI SEN

- Thất ngôn
Lá ấu neo dàn quyện gió lay...
Hoa sen rậm đám bủa xuồng xoay
Gặp chàng muốn nói mà e thẹn
Trâm ngọc cúi đầu rớt chẳng hay

- Lục bát
Sóng vờn lá ấu gió lay
Hoa sen rậm đám dần xoay thông xuồng
Gặp chàng cúi mặt thẹn thuồng
Làm cho trâm ngọc thả buông chẳng ngờ

Mai Thắng
220820


20 tháng 8 2022

C. Thái Liên Khúc 2 - Vương Xương Linh

<C.078><Dịch Hán thi>

THÁI LIÊN KHÚC - VƯƠNG XƯƠNG LINH



        ... Thừa "nắng" xông lên, Đỗ Chiêu Đức xin thổi thêm một luồng gió mát nữa cho... đủ mát nhé ! Kính mời cùng thưởng thức Bài 2 của Thái Liên Khúc sau đây cho đủ bộ :

 Nguyên bản

採蓮曲      
其 二                                                       

吳姬越豔楚王妃,      
爭弄蓮舟水濕衣。      
來時浦口花迎入,      
采罷江頭月送歸。      
王昌齡                              

 Phiên âm

THÁI LIÊN KHÚC - Kỳ Nhị

Ngô cơ Việt diễm Sở vương phi
Tranh lộng liên chu thủy thấp y
Lai thời phố khẩu hoa nghinh nhập
Thái bãi giang đầu nguyệt tống quy.
Vương Xương Linh

 Chú Thích 

        1. Ngô Cơ, Việt Diễm, Sở Vương Phi 吳姬越豔楚王妃 : là ba người đẹp của ba nước thuộc miền Giang Nam nhiều sông ngòi kinh rạch, và dĩ nhiên có... nhiều ao sen, và những người đẹp nầy lại rất thích hái sen vào mùa hè nóng bức ! Xin được cung cấp thêm một tên nữa của Hoa Sen là : Phù Cừ Vương Phi 芙蕖王妃.
        2. Liên Chu 蓮舟( Châu ) : là Thuyền hái sen.
        3. Phố khẩu 浦口 : là Bến nước, Bến sông, Nơi để xuống thuyền.

 Nghĩa Bài Thơ :

        Ba người đẹp của đất Giang Nam tranh nhau đi hái sen, và tranh nhau bơi thuyền hái sen, làm nước bắn tung tóe ướt cả áo xiêm. Khi đến bờ sông thì hoa sen cười đón mời chào, và khi hái xong ra về thì lại có vầng trăng sáng đưa ra đến đầu sông. 

 Diễn nôm :

KHÚC HÁT HÁI SEN Bài 2.

Gái Ngô, gái Việt , Gái vương công,
Tranh chống thuyền sen ướt áo bông.
Khi đến cả đầm sen cười đón,
Lúc về trăng sáng tiễn đầu sông !

Lục bát :
Gái Ngô Việt sánh Vương công,
Tranh nhau ướt áo chèo không buông nào.
Đến thì hoa đón mời chào,
Hái xong trăng sáng ngàn sao đưa về !

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
 
---------------------------- 
★ Mai Thắng dịch thơ

KHÚC HÁT HÁI SEN

- Thất ngôn
Nàng Việt nàng Ngô nàng Sở ngoan
Thuyền sen nghịch giỡn ướt y trang
Bến sông điểm đến hoa chào đón
Xong việc đầu sông nguyệt dẫn đàng

- Lục bát
Nàng Việt nàng Sở nàng Ngô
Nghịch vui áo ướt, nước xô mạn thuyền
Bến sông hoa đón tình sen
Đầu sông trăng rọi đường men lối về.

Mai Thắng – 220814

18 tháng 8 2022

C. Thái Liên Khúc 1 - Vương Xương Linh

<C.077><Dịch Hán thi> 

THÁI LIÊN KHÚC - VƯƠNG XƯƠNG LINH

        Mùa hè nóng nực, hôm nào nhiệt độ của TP. Houston cũng lên trên 100 độ F. Cái nóng hừng hực và khô khan khiến cho người ta cảm thấy như là đang ở trong lò BBQ vậy... Xin được gởi một luồn gió mát mẻ đến với mọi người bằng Khúc hát Hái Sen sau đây...


★ Nguyên bản 

採蓮曲 
荷葉羅裙一色裁, 
芙蓉向臉兩邊開。 
亂入池中看不見, 
聞歌始覺有人來。
王昌齡 

★ Phiên âm 

THÁI LIÊN KHÚC

Hà diệp la quần nhất sắc tài,
Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai.
Loạn nhập trì trung khan bất kiến,
Văn ca thủy giác hữu nhân lai !
Vương Xương Linh. 

★ Chú Thích

        1. Hà Diệp 荷葉 : là Lá của hoa Sen. Sẵn xin nói luôn về các tên gọi của hoa Sen như sau :
            * Hà Hoa 荷花 : là Hoa Sen. Trong Bát Tiên có một cô Tiên rất đẹp, tay cầm một nhánh bông sen, chính là HÀ TIÊN CÔ đó !
            * Liên Hoa 蓮花 : cũng là Hoa Sen, ta thường thấy 2 loại, hay được dùng đặt tên cho các nàng là Hồng Liên (sen hồng) và Bạch Liên (sen trắng).
            * Thủy Phù Dung : là Hoa Phù Dung ở dưới nước, cũng là tên riêng của Hoa Sen đó. Ta sẽ gặp từ này trong bài thơ trên.
        2. La Quần 羅裙 : là Cái Quần Là. Một loại Lụa ngày xưa thường dùng để may quần (váy) cho các bà các cô.
        3. Văn 聞: Chữ nầy gồm có bộ Môn bên ngoài và chữ Nhĩ bên trong, có nghĩa : Chỏ cái lổ tai ra ngoài cửa để... nghe ngóng. Văn Ca 聞歌 : là Nghe có tiếng ca hát.
        4. Thủy Giác 始覺 : Mới có cảm giác, có nghĩa : Mới biết rằng...
        (Thêm)
            瞼kiểm : mí mắt
            臉kiểm : mặt, má 


★ Nghĩa bài thơ (*)

Khúc Hát Hái Sen
Lá sen và quần lụa của nàng cũng cùng một màu xanh xanh,
Gương mặt đẹp đẻ của nàng giống như hoa Phù Dung dưới nước, (*)
Hai bên đều cùng nở ra khoe sắc và cùng lẫn vào nhau ở trong ao,
Nên khi nghe có tiếng ca mới biết có một nàng hái sen đang bơi đến ....

    (*) Phần dịch nghĩa trong tài liệu của Thi Viện có chút khác biệt:
Lá sen và quần lụa cùng một màu,
Hoa sen nghiêng về gương mặt, hai bên cùng nở.
Trong ao lẫn lộn nhìn không thấy,
Nghe tiếng hát mới nhận ra là có người.

★ Diễn Nôm 

KHÚC HÁT HÁI SEN.

Lá sen quần lụa xếp hai hàng,
Mặt tựa phù dung mới điểm trang.
Lẫn khuất trong ao nào ai thấy,
Nghe ca mới biết có người sang !.

- Lục bát
Lá sen quần lụa một màu,
Phù dung mặt đẹp thua nào sen tươi.
Lẫn trong ao chẳng thấy người,
Nghe ca mới biết ai cười hái sen !

Đỗ Chiêu Đức

--------------------------- 

★ Mai Thắng dịch thơ

KHÚC HÁT HÁI SEN

- Thất ngôn
Quần lụa sắc tài hợp lá sen
Cùng hoa giáp mặt nở hai bên
Hoà thân quyện lẫn nào trông thấy
Điểm tiếng ca người đến cất lên

- Lục bát
Lá sen quần lụa chung lòng
Cùng hoa giáp mặt mở song đôi đàng
Hòa thân quyện lẫn chìm loang
Tiếng ca chỉ dấu người đang đến rồi

Mai Thắng - 220810

01 tháng 11 2021

C. Cẩm Sắt - Lý Thương Ẩn

<C.75><Dịch Hán thi> 

CẨM SẮT - LÝ THƯƠNG ẨN


★ Nguyên bản

錦瑟 
錦瑟無端五十弦,
一弦一柱思華年.
莊生曉夢迷蝴蝶,
蜀帝春心托杜鵑.
滄海月明珠有淚,
藍田日暖玉生煙.
此情可待成追憶,
只是當時已惘然.
李商隐

★ Phiên âm Hán Việt

CẨM SẮT
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục Đế xuân tâm thác đổ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.
Lý Thương Ẩn

★ Dịch nghĩa (của Thi Viện)

ĐÀN GẤM
Đàn gấm chẳng vì cớ chi mà có năm mươi dây
Mỗi dây mỗi trụ đều gợi nhớ đến thời tuổi trẻ
Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm
Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên
Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ
Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói
Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng
Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.

★ Dịch thơ

ĐÀN GẤM

- Thất ngôn
Đàn gấm năm mươi sợi kết dây
Mỗi dây mỗi trục tuổi hoa đầy
Trang Chu dõi bướm ngơ hồn mộng
Thục Đế hoài xuân hóa cuốc gầy
Ánh biển trăng vàng châu nhỏ lệ
Ngọc Lam* nắng ấm khói hòa mây
Sinh tình tự cảnh thời luôn nhớ
Lại nỡ buông lờ để khó khuây

- Lục bát
Kết tròn số sợi năm mươi
Mỗi dây mỗi trục hoa tươi tuổi chờ
Trang Chu dõi bướm còn ngơ
Thục Vương hóa cuốc bên bờ bể dâu
Trăng soi biển, lệ thành châu
Ngọc Lam tỏa vệt khói màu bay lên
Tình xưa nhớ mãi nào quên
Giờ đây dỗ giấc ngủ yên ngậm ngùi.

Nguyễn Đắc Thắng - 210922